BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN
Tỳ Kheo Thích Thiện Phước – Việt dịch

 

Chư Đại Đức 13 pháp Tăng Già Bà Thi Sa mỗi nửa tháng nói, ở trong giới kinh chép ra.

Giới thứ 1.

CỐ LỘNG ÂM CHO XUẤT TINH.

Phật du hành đến thành Xá Vệ, khi đó Ca Lưu Đà Di ý dâm dục quá mạnh mẽ, hành hạ làm cho thân thể tiều tụy lúc ở riêng một phòng, ưa thích trang bị giường nệm, gối, dưới đất lại trải ngọa cụ tốt, ăn uống quá sung túc, tùy ý lộng âm xuất tinh, các căn tươi vui, nhan sắc sáng láng. Các Tỳ kheo đem chuyện này bạch Phật. Phật dùng vô số phương tiện quở trách xong, Ngài chế giới.

Nếu Tỳ kheo cố lộng âm xuất tinh.

Thật tâm cố ý làm cho xuất tinh, ở trước cảnh có sáu: 1/ Hoặc ở trong sắc, 2/ Ngoài sắc, 3/ Trong và ngoài sắc, 4/ Hoặc nước, 5/ Hoặc gió, 6/ Hoặc ở khoảng không. Tỳ kheo làm các phương tiện nếu xuất tinh thì liền phạm.

* Trừ khi ở trong mộng.

Phật dạy: Tỳ kheo loạn ý ngủ nghỉ có 5 trường hợp khiến cho tinh chảy ra:

1/ Thấy điềm chiêm bao dữ.

2/ Chư Thiên không hộ trì.

3/ Tâm không an định vào chánh pháp.

4/ Không tư duy về minh tướng.

5/ Trong chiêm bao xuất tinh.

Người ngủ với tâm thiện sẽ có năm món công đức, tức là trái với năm điều trên.

* Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu dùng phương tiện lộng âm mà không xuất tinh, phạm tội Thâu Lan Giá, hoặc Tỳ kheo dạy bảo nhau làm, nếu xuất tinh (người dạy) phạm Thâu Lan Giá, không xuất tinh phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni thì phạm Ba Dật Đề, ba chúng dưới thì phạm tội Đột Kiết La.

Không phạm:

Không cố ý làm điều gì để cho xuất tinh.

 

Giới thứ 2.

CHẠM THÂN NGƯỜI NỮ.

Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo Ca Lưu Đà Di, do biết Phật trước kia đã chế giới lộng âm xuất tinh, nên ở ngoài cửa rình chờ các người nữ, rồi đem họ vào trong phòng lấy tay sờ mó, vuốt ve. Có người vui thích thì họ khoái chí cười, có người không thích thì nóng giận, mắng chửi. Các thầy Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật. Phật liền nhóm họp Tăng chúng chế giới.

Nếu Tỳ kheo có ý dâm dục.

Tức là tâm ái nhiễm nhơ nhớp.

Cùng với người nữ.

Ý nói cảnh có bốn: 1/ Thức, 2/ Ngủ, 3/ Mới chết, 4/ Cho đến hư hoại ít phần.

Thân.

Từ tóc xuống tới chân.

* Chạm nhau.

Hoặc nắm, xoa bóp khắp, hoặc kéo, hoặc đẩy, xoa ngược, xoa xuôi, hoặc nâng lên đỡ xuống, hoặc nắm hoặc bóp, hoặc xúc chạm bằng mọi hình thức khác.

* Hoặc nắm tay, nắm tóc, xúc chạm mỗi một thân phần thì phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu xúc phạm bốn hạng nữ mà có tâm nhiễm trước thì liền mắc tội Tăng Tàn, người nữ xúc chạm hễ Tỳ kheo động thân thì đồng phạm (Tăng Tàn), nếu không động thân phạm tội Đột Kiết La. Trước vốn có tâm đắm nhiễm thì phạm tội Thâu Lan Giá. Xúc chạm lẫn nhau mà có y phục phạm tội Đột Kiết La. Nếu cùng xúc phạm với kẻ hai hình phạm Thâu Lan Giá. Nếu đem tâm dục nhiễm xúc chạm với thân người nam, hoặc y, toạ cụ, cho đến tự chạm thân mình, xúc chạm loài súc sanh tất cả đều phạm tội Đột Kiết La. Ni phạm Ba La Di, còn ba chúng sau thì đồng phạm tội Đột Kiết La.

Không phạm:

Khi có sự lấy và đưa, bỡn cợt chạm nhau.

 

Giới thứ 3.

NÓI LỜI THÔ ÁC VỚI NGƯỜI NỮ.

Phật ở nước Xá Vệ, khi Ca Lưu Đà Di đã nghe Phật chế hai giới trước. Ông bèn ở trước người nữ nói lời thô tục bằng tâm dâm dục. Tỳ kheo cử tội, nhân thế Phật chế giới.

* Nếu Tỳ kheo có ý dâm dục cùng với người nữ.

Tức người nữ có hiểu biết, mạng căn chưa dứt.

Nói lời dâm dục thô ác.

Thô ác tức chẳng phải phạm hạnh. Nói lời dâm dục là khen hai đường tốt xấu, hoặc tự yêu cầu, dạy người yêu cầu, hỏi, đáp, giải thích, nói, dạy, mắng chửi. Nói yêu cầu tức là, nói: cùng với hai đường của tôi làm việc như thế, hoặc nói những lời tương tự khác, người đó hiểu như thế.

* Tùy theo nói lời dâm dục thô xấu, phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu Tỳ kheo mỗi một lần nói lời thô ác phạm tội Tăng Tàn. Tùy theo lời nói nhiều ít, nói rõ ràng thì mỗi một lời phạm Tăng Tàn, không rõ thì phạm tội Thâu Lan Giá, hoặc viết thư, ra dấu, sai khiến người, bày ra hình tướng khiến cho người nữ kia biết thì phạm tội Tăng Tàn, còn không biết thì phạm tội Thâu Lan Giá. Ngoài hai đường đại tiểu tiện ra, nói sự tốt xấu của các chỗ khác thì phạm Thâu Lan Giá. Cùng với phi nhơn nữ, huỳnh môn, hai hình, nói lời thô ác hễ họ biết thì phạm Thâu Lan Giá; hoặc nói với loài súc sanh không thể biến hình, hoặc hướng đến người nam nói lời thô xấu, tất cả đều phạm tội Đột Kiết La, Ni phạm Thâu Lan Giá, ba chúng sau thì phạm tội Đột Kiết La, cho đến giới sau cùng cũng vậy.

Không phạm:

Vì họ nói để làm phép quán bất tịnh, hoặc nói Tỳ Ni, hoặc cầu học kinh, hỏi đáp, không có dục ý.

 

Giới thứ 4.

Ở TRƯỚC NGƯỜI NỮ KHEN THÂN MÌNH, ĐEM DÂM DỤC CÚNG DƯỜNG.

Phật ở nước Xá Vệ, nhân vì Ca Lưu Đà Di nghe Phật chế ba giới trước xong, ông tìm cách đem các người nữ vào trong phòng, tự khen ngợi thân mình, nói: “Các cô nên đem sự dâm dục cúng dường cho tôi”. Các người nữ bèn la trách sợ hãi, hàng Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.

Nếu Tỳ kheo có ý dâm dục ở trước người nữ.

Người nữ như đã nói trên.

Tự khen ngợi thân mình.

Khen thân mình tuấn tú, xinh đẹp. Tôi là dòng Sát Đế Lợi, Trưởng giả, Cư sĩ, đại chủng tánh Bà La Môn.

Nói rằng cô em tôi tu phạm hạnh.

Siêng năng tu hành, xa lìa các sự dơ uế.

Siêng năng giữ giới.

Không bị kém thiếu, không bị rơi thủng, không bị nhiễm ô.

Tu các pháp lành.

Ưa các chỗ vắng vẻ, đến giờ khất thực mặc y phấn tảo, làm pháp dư thực cũng không ăn, ngồi ăn một lần, ăn một nắm, ngồi nơi gò mã, ngồi dưới gốc cây, thường ngồi, chỉ ngồi, thọ trì ba y, đọc tụng, đa văn, thường nói pháp, giữ Luật, tọa thiền.

Nên đem cách dâm dục cúng dường cho tôi, cúng dường như thế là tối thượng thứ nhất, phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu Tỳ kheo khen mình như trên xong, (chỉ nói rằng): “Nên đem đến cúng dường cho tôi”, không nói đến việc dâm dục thì phạm Thâu Lan Giá, còn nói các việc khác như giới trước đã nêu rõ.

Không phạm:

Khi Tỳ kheo đem lời nói với người nữ rằng: “Ở chỗ này là bậc tôn quí, mầu nhiệm trên hết, Tỳ kheo này tinh tấn trì giới tu hành các pháp lành, các cô nên đem thân, miệng, ý nghiệp… cúng dường Tỳ kheo”. Hoặc ý của người nữ kia cho là Tỳ kheo vì ta mà tự khen thân mình, hoặc nói Tỳ Ni, cho đến tuần tự nói việc nầy, họ cho rằng khen thân mình hoặc nói lầm thì đều không phạm.

Giới thứ 5.

VÌ NGƯỜI LÀM MAI MỐI.

Phật ở thành La Duyệt Kỳ. Bấy giờ Tỳ kheo Ca La vốn là một đại thần, biết rành các pháp thế gian, cho nên những chuyện cưới gả trong thành đều đến hỏi han Thầy. Nhưng khi việc hôn thú gặp chuyện tốt xấu liền mong Ca La cùng cam chịu cảnh khổ vui, cư sĩ chê gièm, Tỳ kheo cử tội, Phật nhân thế chế giới.

Nếu Tỳ kheo qua lại bên này, bên kia làm mai mối.

Khiến cho đôi bên được sum vầy.

Đem ý người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam.

Người nữ có 20 loại, do sự bảo hộ của: “Mẹ, cha, mẹ cha, anh, chị, anh chị, tự mình, pháp, họ hàng, tôn thân, tự nguyện làm tôi tớ, cho áo làm tôi tớ, cho của làm tôi tớ, đồng nghiệp tôi tớ, bị nước trôi làm tôi tớ, không nộp thuế tôi tớ, vì được tha làm tôi tớ, làm mướn tôi tớ, người bảo hộ tôi tớ, ở vùng biên phương làm tôi tớ”. Người nam cũng có 20 loại đều giống như trên.

Nếu Tỳ kheo làm thành việc vợ chồng, hoặc tư thông cho đến trong giây lát thì phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu Tỳ kheo vừa nhận lời thì phạm tội Đột Kiết La. Qua nói với bên kia không trở lại trả lời phạm Thâu Lan Giá, nếu trở về trả lời lại thì phạm tội Tăng Tàn. Nếu sai người đi sứ, viết thơ, ra dấu, hiện tướng, tùy theo chuyện môi giới nhiều hay ít. Nói rõ ràng, tuỳ theo việc qua lại, mỗi một lần đều phạm Tăng Tàn, nói không rõ phạm tội Thâu Lan Giá. Trừ hai đường, cho đến nói chi tiết nào trong thân phần để mai mối phạm tội Thâu Lan Giá. Nếu mai mối hàng phi nhơn, huỳnh môn, hai căn phạm Thâu Lan Giá. Nếu mai mối súc sanh (không thể biến hình) cho đến mai mối người nam phạm Đột Kiết La. Nếu mang thư người khác đến mà không xem, hoặc làm sứ giả những việc khác cho hàng cư sĩ sai, phạm tội Đột Kiết La, Tỳ kheo Ni đồng phạm.

Không phạm:

Hoặc nam nữ trước đã tư thông nhau, sau chia ly lại hội họp. Hoặc vì cha mẹ bệnh hoạn, bị giam trong ngục trói buộc, xem thư mang đến. Hoặc vì Ưu Bà Tắc tín tâm tinh tấn, người tục cũng vậy. Hoặc vì Phật pháp Tỳ kheo sai khiến cũng giống nhau.

 

Giới thứ 6.

LÀM NHÀ QUÁ LƯỢNG KHÔNG CÓ THÍ CHỦ, KHÔNG MỜI CHÚNG TĂNG ĐẾN CHỈ CHỖ.

Phật ở thành La Duyệt Kỳ cho các Tỳ kheo làm phòng nhà riêng. Bấy giờ có thầy Tỳ kheo nước Khoáng Dã làm phòng nhà lớn, cầu xin quá nhiều, gây phiền phức, làm não loạn đến cư sĩ, xin đã khó được, bèn đốn cây có thần ở, vị thần ấy và các Tỳ kheo đem lỗi này bạch Phật. Nhân đó Phật qua nước Khoáng Dã, quở trách dẫn dụ chế ra giới này.

Nếu Tỳ kheo tự vì mình cầu.

Tỳ kheo ấy tìm xin ở khắp nơi.

*  Làm phòng.

Chữ ốc: Nghĩa là căn phòng.

Không có chủ.

Nơi đó không có chủ, hoặc một, hoặc hai, hoặc nhiều người.

Tự làm cho mình.

Làm cho chính mình chứ không làm cho người khác.

Phải làm cho đúng kích thước, kích thước trong đây là bề dày mười hai gang tay Phật, bề rộng bảy gang tay Phật. Phải nhờ các Tỳ kheo xác định nơi để làm.

Tỳ kheo kia nên xem xét chỗ không có nạn, không trở ngại xong, trở về trong Tăng, cởi giầy, trịch áo bày vai phải, đảnh lễ dưới chân vị Thượng tòa, gối phải chấm đất, chắp tay bạch rằng: “Đại Đức Tăng nghe, con Tỳ kheo tên là… tự xin làm nhà, không có thí chủ tự làm. Con nay theo chúng Tăng xin chỉ chỗ không nạn, không trở ngại”. Bạch ba lần như vậy.

Tỳ kheo đó nên chỉ bày chỗ.

Bấy giờ chúng Tăng xem xét Tỳ kheo này nếu có thể đáng tin cậy thì liền cho làm, nếu không đáng tin thì chúng Tăng đi đến xem xét. Giả như Tăng không đi thì phải sai vị Tăng nào đáng tin cậy trong chúng đi đến xem. Nếu có nạn, trở ngại thì không nên cho. Bằng như không có nạn, trở ngại thì nên cho. Trong chúng nên sai vị Tăng nào có thể làm pháp yết ma được, hoặc Thượng tòa, thứ tòa, thuộc luật, không thuộc luật, nên bạch rằng: “Đại Đức Tăng nghe: Tỳ kheo… tự mình xin làm nhà, không có chủ tự làm. Nay đến chúng Tăng xin chọn cho một chỗ không có nạn, trở ngại. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng, nên cho Tỳ kheo làm nhà ở chỗ không có nạn, không trở ngại. Tác bạch như thế. Đại Đức Tăng nghe Tỳ kheo… tự cầu làm nhà, không có chủ tự vì mình làm, đến trong Tăng cầu xin làm nhà ở chỗ không nạn, không trở ngại, ai trong các trưởng lão bằng lòng cho Tỳ kheo… làm nhà chỗ không nạn, không trở ngại thì im lặng. Còn ai không bằng lòng thì nói. Tăng đã bằng lòng cho Tỳ kheo… ở chỗ không nạn, không trở ngại làm nhà xong, Tăng đã bằng lòng vì cớ im lặng, việc nầy xin ghi nhận như vậy”. Tỳ kheo làm phòng nhà nên biết: Ban đầu an trí bằng đá và vắt bùn đất lên trên, cho đến sau cùng dùng đất trét.

* Chỗ không có nạn.

Tức chỗ có hổ lang, sư tử và các loài cầm thú, nhẫn đến loài kiến. Tỳ kheo nếu không bị loài kiến, trùng, thú làm não hại thì nên bảo người sửa đất cho bằng phẳng, hoặc có gốc cây đá, gai góc thì bảo người đào đi, hoặc có hang hố, mương, rãnh, vũng bùn thì nên bảo người lấp, hoặc sợ có mạch nước ngầm thì nên đắp bờ đê để phòng ngừa trước, hoặc đất bị người thừa nhận là của họ thì phải nên phán đoán cho rành rẽ để đừng bị người khác lên tiếng. Đó gọi là chỗ nạn.

* Chỗ không ngăn ngại.

Nghĩa là nơi lọt cho chiếc xe cỏ xoay trở qua lại.

Nếu Tỳ kheo chỗ có nạn, có ngại tự cầu làm nhà, không có thí chủ tự làm cho mình, không mời các Tỳ kheo đến chỉ chỗ, nếu làm quá kích thước thì phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu thầy Tỳ kheo muốn làm phòng ở hai chỗ có nạn, có trở ngại thì mắc hai tội Đột Kiết La. Tăng không chỉ định nơi chốn nếu làm quá lượng thì phạm hai tội Tăng Tàn, hổ tương có và không tùy theo mỗi chỗ mà phạm. Nếu sai người khác làm, thành thì phạm tội cũng thế, vì người khác làm thành thì phạm hai Thâu Lan Giá, hai tội Đột Kiết La, hoặc dùng dây mực đo đất (đúng lượng) để làm, người nhận lời dạy nếu làm quá lượng thì phạm tội, không trở lại báo, không hỏi Tỳ kheo phạm Đột Kiết La, Tỳ kheo Ni phạm tội Thâu Lan Giá.

Không phạm:

Đúng kích thước, cất bớt kích thước, Tăng chỉ định nơi chốn, cất nơi không có nạn, không trở ngại, đo dây đúng như pháp, hoặc vì Tăng mà cất, hoặc vì Phật cất nhà giảng, am bằng cỏ, am bằng lá, cái thất nhỏ để che thân, hoặc cất cho nhiều người ở, để đo đúng như pháp.

 

Giới thứ 7.

LÀM PHÒNG NHÀ LỚN CÓ THÍ CHỦ VÌ MÌNH LÀM,

KHÔNG MỜI CHÚNG TĂNG ĐẾN CHỈ CHỖ.

Phật ở nước Câu Thiểm Di, khi đó vua Ưu Điền cất cái thất cho tôn giả Xiển Đà, chặt cây thần giữa đường, người đi đường chê bai xong. Hàng Tỳ kheo cử tội, Phật quở trách rồi dạy: “Nếu chặt đốn cây có thần ở phạm tội Đột Kiết La”. Ngài bèn chế ra giới này.

Nếu Tỳ kheo muốn cất phòng nhà lớn.

Tức phòng thật lớn phải sử dụng nhiều tài vật.

* Có thí chủ.

Trái với điều trên tức là không có thí chủ vậy.

* Tự làm cho mình, nên mời các Tỳ kheo khác đến xem và chỉ chỗ.

Tỳ kheo ấy đã biết các điều như trên rồi nên đến trong Tăng đảnh lễ dưới chân vị Thượng tòa, theo Tăng xin ba lần, văn giống như trên chỉ có thí chủ là khác.

* Tỳ kheo kia nên chỉ định nơi chốn.

Tăng nên xem xét, hoặc là người đáng tin cậy, hoặc có trí huệ, liền tin họ, mà cùng bạch nhị yết ma. Nếu vị ấy không đáng tin thì xử lý như trên.

*Chỗ không có nạn.

Tức nơi có các loài thú như sư tử, gấu.. nếu không bị các loài thú ấy nhiễu hại thì sửa đất cho bằng phẳng, cho đến sợ có người biết đến nhận là của họ thì trước hết phải giải quyết cho xong.

* Chỗ không trở ngại.

Khoảng đất trống lọt được một chiếc xe chở cỏ xoay đầu qua lại.

Nếu Tỳ kheo nơi có nạn, nơi bị trở ngại cất cái thất lớn, có thí chủ làm cho mình, không mời các Tỳ kheo khác đến chỉ định nơi chốn phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Biện rõ tướng khai thông như giới làm phòng nhà ở trên, chỉ có không quá kích thước là khác.

Giới thứ 8.

VU BÁNG TỘI BA LA DI KHÔNG CĂN CỨ.

Phật ở thành La Duyệt Kỳ, sau khi Tôn giả Đạp Bà Ma La Tử đắc quả A La Hán, bàn tay phát hào quang như lửa, được cử làm tri sự cho chư Tăng, Phật khen là người đệ nhất. Theo thứ lớp ở trong chúng, Tỳ kheo Từ Địa được phòng xấu lại được thức ăn dở. Thế là ông liền sai cô Ni em gái của mình đến trước Tăng vu báng Tăng Đạp Bà Ma La Tử phạm trọng tội. Khi hỏi thì ông tự chấp nhận là bịa ra, Tỳ kheo cử tội. Nhân thế mà Phật chế giới này.

Nếu Tỳ kheo vì giận hờn mà che giấu.

Có mười ác pháp làm nhân duyên, cho nên sự nóng giận theo mười việc trong đây, do mỗi việc mà sanh ra nóng giận vậy.

Đối với vị Tỳ kheo không phạm Ba La Di, mà vu báng bằng pháp Ba La Di không căn cứ.

Ý nói căn cứ có ba: Kiến, văn và nghi.

Căn cứ từ thấy: Thấy phạm phạm hạnh, thấy trộm năm tiền, thấy giết người, người khác thấy mà mình được nghe từ nơi họ, đó gọi là căn cứ từ thấy.

Căn cứ từ nghe: Nghe người phạm phạm hạnh, trộm năm tiền, nghe giết người, nghe người nói được pháp thượng nhơn, người kia nói mà mình nghe từ nơi họ, đó gọi là căn cứ từ nghe.

Căn cứ từ nghi: Có chia làm hai loại:

1. Từ nơi thấy sanh nghi: Thấy cùng người phụ nữ đi vào trong rừng hay từ trong rừng đi ra, trần truồng không y phục, thân dính chất bất tịnh, tay cầm dao có máu dơ, làm bạn với kẻ ác, đó gọi là thấy sanh nghi.

2. Từ nơi nghe mà sanh nghi: Hoặc ở chỗ tối, nghe tiếng giường kêu, nghe tiếng cựa mình, nghe tiếng thân động, tiếng cùng nhau nói, hoặc nghe tiếng tôi phạm phi phạm hạnh, cho đến hoặc nghe tiếng tôi được pháp thượng nhơn. Ngoài ba căn cứ này ra, nếu dùng các pháp khác để hủy báng thì gọi là vô căn cứ.

Muốn phá hư hạnh thanh tịnh của Tỳ kheo kia.

Ý nói: Chúng Tăng diệt tẩn người này thì tôi được an lạc mà ở.

Hoặc ở lúc khác, có người hỏi hay không có người hỏi.

Phật bảo các Tỳ kheo đi tìm hỏi người thường hay nói lời huỷ báng để xác định việc này có thật không. Nếu như đem việc không căn cứ vu báng người khác thì mắc tội rất nặng.

Biết việc này không có căn cứ mà tự nói.

Tỳ kheo kia nói: Đạp Bà Ma La Tử là người thanh tịnh, không có việc như thế.

Tôi vì nóng giận mà nói như thế.

Do trước đó theo thứ lớp bị phòng xấu, thức ăn dở, vì thù hận nên vu báng Tỳ kheo kia.

Tỳ kheo nói lời như thế phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Hoặc Tỳ kheo đem bốn việc không căn cứ hủy báng, nói rõ ràng thì phạm Tăng Tàn, nói không rõ thì phạm tội Thâu Lan Giá hoặc dùng tay ra dấu, thư từ, sai sứ, hiện tướng để biết, dù biết rõ hay không, thể thức phạm tội cũng như vậy.

Nếu đem 13 việc (1/ Phạm biên tội, 2/ Phá hư hạnh thanh tịnh Tỳ kheo Ni, 3/ Tâm tặc, 4/ Phá nội ngoại đạo, 5/ Huỳnh môn, 6/ Giết cha, 7/ Giết mẹ, 8/ Giết A La Hán, 9/ Phá hoà họp Tăng, 10/ Ác tâm làm thân Phật ra huyết, 11/ Chẳng phải người, 12/ Súc sanh, 13/ Hai căn) nạn khác để vu báng thì đồng phạm tội.

Ngoại trừ chẳng phải pháp của Tỳ kheo này lại đem pháp vô cứ căn khác mà vu báng thì phạm tội như trước. Hủy báng Tỳ kheo Ni cũng đồng phạm tội như trước. Còn hủy báng các chúng sau phạm tội Đột Kiết La, Ni phạm tội Tăng Tàn.

Không phạm:

Nói sự thật bằng ba căn cứ, nói bỡn cợt, hoặc vì nói gấp, nói một mình, nói ở chỗ vắng và nói nhầm…

 

Giới thứ 9.

VU BÁNG BẰNG BA LA DI

VỚI CĂN CỨ KHÔNG THẬT.

Phật ở thành La Duyệt Kỳ, Tỳ kheo Từ Địa thấy dê hành dâm. Ông liền ví dụ: “Con dê đực là Đạp Bà Ma La Tử còn dê cái là Ni Từ Địa”, liền nói với các Tỳ kheo: “Hôm nay chính mắt tôi trông thấy, chứ chẳng phải như trước không có căn cứ”. Các thầy Tỳ kheo gạn hỏi, ông liền chịu thua. Tỳ kheo đem chuyện này bạch Phật, nhân thế Ngài chế giới.

Nếu Tỳ kheo vì cớ giận hờn.

Như trên đã nói.

Lấy chút ít việc trong phần khác.

Ở phần khác là hoặc mượn tội khác, loài khác, người khác, hoặc vốn ở nhà, hoặc nghe đồn.

Hàng Tỳ kheo không phải Ba La Di mà vu báng bằng Ba La Di không căn cứ để vì muốn phá hoại hạnh thanh tịnh của Tỳ kheo kia. Người đó ở thời gian khác hoặc bị hỏi hay không hỏi, biết là tự lấy chút cớ trong phần việc khác, Tỳ kheo đó tự nói: “Tôi vì giận bực mà nói như thế” phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nói rõ tướng khai thông đều giống như giới trước.

 

Giới thứ 10.

PHÁ TĂNG TRÁI NGHỊCH LỜI CAN NGĂN.

Phật ở nước Di Ni Lâu2 họ Thích, sau đó họ đến nước Chiêm Ba đều chứng được ngôi Tăng thượng, chỉ trừ Đề Bà chứng được thần túc thông. Phật trở lại thành La Duyệt Kỳ, Đề Bà dạy người hại Phật. Khi việc bại lộ, tiếng xấu đồn khắp mất hết lợi dưỡng, ông liền ăn chúng riêng, bị Phật quở trách. Nhân thế ông phá Tăng, Tăng làm phép cử tội can ngăn, Phật do vậy chế ra giới này.

Nếu Tỳ kheo muốn phá hoại.

Muốn phá hoại có 18 việc: Pháp, phi pháp, luật, phi luật, phạm, không phạm, hoặc khinh, hoặc trọng, có dư thừa, không dư thừa, thô ác, chẳng thô ác, việc thường làm, việc chẳng thường làm, chế, phi chế, nói, không nói.

Hòa họp.

Cùng một chỗ yết ma cùng nói giới.

Tăng.

Bốn Tỳ kheo, năm, mười cho đến vô số.

Phương tiện nhận phá hoại hòa họp Tăng cố giữ không bỏ.

Nghĩa là phá Tăng theo 18 pháp trên.

Tỳ kheo kia nên can gián Tỳ kheo này: “Đại đức chớ phá hòa họp Tăng, chớ nên dùng phương tiện phá hoại hòa họp Tăng, chẳng nên nhận việc phá hoại hòa họp Tăng, cố giữ không bỏ. Đại đức nên cùng chư Tăng hòa họp, hoan hỉ không tranh cãi, cùng học một thầy như nước với sữa hòa họp. Sống an ổn lợi ích trong Phật pháp, có thêm sự lợi ích an vui mà ở”.

Phải nói với Tỳ kheo kia rằng: “Thầy nên bỏ việc này, đừng để Tăng làm yết ma quở trách mà phạm tội nặng”. Nếu nghe lời thì tốt, còn không nghe lời, lại bảo Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Vua, Đại thần, hoặc cầu các hạng Sa môn, Bà La Môn ở đạo khác, hoặc Tỳ kheo ở phương khác nghe biết, người ấy tin ứng dụng theo lời nói của họ thì nên đi tìm để nhờ can gián, đó là khuyên can riêng.

Tỳ kheo trong lúc can gián như thế cố giữ không bỏ.

Chống cự không nghe lời can gián riêng.

Tỳ kheo kia nên ba lần can gián khiến bỏ việc ấy, cho đến ba lần can gián bỏ thì tốt.

Tỳ kheo kia nên nhóm họp Tăng chúng để yết ma. Làm pháp tác bạch can gián như thế xong lại phải yêu cầu (từ bỏ việc phá Tăng), cho đến yết ma lần thứ nhất, yết ma lần thứ hai cũng vậy.

*  Không bỏ.

Là chống lại lời chư Tăng can ngăn. Giới sau nêu ra cũng vậy.

Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu lúc Tăng can gián bạch hai lần yết ma xong, bỏ thì phạm ba tội Thâu Lan Giá cho đến bạch xong, bỏ thì phạm một tội Thâu Lan Giá. Bạch chưa xong, bỏ thì chỉ phạm một tội Đột Kiết La, nếu trước chưa bạch mà thú nhận pháp phá Tăng, cố giữ không bỏ đều phạm Đột Kiết La, Ni cùng phạm tội Tăng Tàn.

Không phạm:

Vừa can gián thì liền bỏ, hoặc tác yết ma phi pháp mà quở trách can ngăn, hoặc phi pháp, phi luật, chẳng phải là điều Phật dạy, hoặc phá ác hữu, ác tri thức, hoặc phá phương tiện muốn phá Tăng, hoặc muốn tác yết ma phi pháp, hoặc vì Tăng, tháp, Hoà thượng, Xà lê, vì tri thức làm tổn giảm. Nếu phá thì không phạm.

 

Giới thứ 11.

GIÚP ĐỠ NGƯỜI PHÁ TĂNG, CHỐNG LẠI LỜI CAN NGĂN.

Khi Phật ở La Duyệt Kỳ, Đề Bà Đạt Đa cố chấp năm pháp:

1/ Trọn đời đi khất thực.

2/ Mặc y phấn tảo.

3/ Thường ngồi nơi đất trống.

4/ Không ăn sữa, muối.

5/ Không ăn cá và thịt.

Ông đem năm pháp này để dạy các Tỳ kheo. Lúc chúng Tăng can gián, những Tỳ kheo bè đảng giúp việc phá Tăng can ngăn, Tỳ kheo cử tội, Phật quở trách xong, nhân thế Ngài chế giới này.

* Nếu Tỳ kheo có bạn đảng khác, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba cho đến vô số.

Nói bạn đảng: Là từ bốn người trở lên. Có hai điều để thuận theo.

1/ Pháp thuận theo: Lấy pháp dạy bảo về, tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng huệ, đọc tụng thọ trì.

2/ Thức ăn thuận theo: Cung cấp áo, mền, đồ ăn uống, giường, ngọa cụ, thuốc thang.

Tỳ kheo kia nói với Tỳ kheo nầy rằng: “Đại Đức chớ can gián Tỳ kheo nầy, Tỳ kheo nầy là Tỳ kheo nói đúng pháp, là Tỳ kheo nói đúng luật. Lời nói của Tỳ kheo nầy chúng tôi rất thích và chấp nhận”.

Đây gọi là giúp lời cho bạn xấu can gián Tăng: “Điều Đạt hiểu rành về pháp luật, tôi ưa thích. Vì sao phải can gián?”. Vấn đề nầy chính là căn bản của tội lỗi.

Tỳ kheo kia nói: Đại Đức! Chớ nên nói như thế, nói rằng Tỳ kheo ấy nói đúng như pháp, Tỳ kheo ấy nói đúng như luật. Những lời Tỳ kheo này nói chúng tôi ưa thích. Những lời Tỳ kheo này nói chúng tôi chấp nhận. Song Tỳ kheo ấy là Tỳ kheo nói lời phi pháp, là Tỳ kheo nói lời phi luật. Đại Đức chẳng nên phá hoại hòa họp Tăng. Các ngài nên vui vẻ hòa họp Tăng. Đại Đức cùng chư Tăng hòa họp hoan hỉ, không tranh cãi cùng học một thầy như nước với sữa hòa họp, như thế trong Phật pháp mới có thêm sự lợi ích an vui”.

Đây là nói các thiện Tỳ kheo dùng pháp can gián riêng: “Lời Điều Đạt nói, người và pháp đều sai, chớ chấp nhận một cách sai lầm”.

Lúc Tỳ kheo ấy can gián như thế cố giữ không bỏ, nên can gián ba lần, vì để khiến bỏ việc đó, can gián cho đến lần thứ ba. Chịu bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nói rõ về tướng phạm cũng như trước.

 

Giới thứ 12.

CHỐNG TRÁI LỜI CAN GIÁN VU BÁNG

 Phật ở nước Xá Vệ, Tỳ kheo A Thấp Bà… ở tụ lạc Kỳ Liên làm hạnh xấu dơ uế nhà người, Tỳ kheo cử tội, Phật sai Xá Lợi Phất đến nơi ấy đuổi hai Tỳ kheo kia. Lúc đang làm pháp yết ma, hai Tỳ kheo hủy báng Tăng không chịu chấp nhận. Sau Tỳ kheo đem lỗi nầy bạch Phật, Phật nhân thế quở trách can ngăn chế giới.

Hoặc Tỳ kheo nương nơi tụ lạc.

Thôn có bốn loại như đã nói ở trước (giới trộm thứ 2, thiên Ba La Di).

Hoặc ở thành ấp.

Là thuộc về của Vua.

* Làm dơ nhà người.

Nhà thì có nam có nữ. Làm dơ nhà có bốn loại:

1/ Dựa vào nhà làm dơ uế nhà người: Được vật từ nhà này, lại đem cho nhà khác, khiến nhà mà mình nhận được vật khi nghe họ sẽ không vui, còn nhà được mình cho vật, suy nghĩ tìm cách trả ân, họ liền nói: “Thầy ấy có cho ta thì ta sẽ báo đáp, nếu thầy ấy không cho ta, ta cớ gì phải cho”.

2/ Dựa vào lợi dưỡng để làm dơ nhà người: Được lợi dưỡng như pháp và các vật khác trong bát, hoặc cho một cư sĩ, người được bèn sanh lòng nghĩ sẽ trả ân: “Nếu thầy ấy không cho ta thì ta cớ gì phải cho lại”.

3/ Dựa vào thân hữu làm dơ nhà người: Nếu Tỳ kheo nương tựa vào nhà vua, đại thần, hoặc vì cư sĩ này mà không vì cư sĩ kia, họ liền sanh ý nghĩ: “Thầy ấy vì ta thì ta sẽ cúng dường. Nếu thầy ấy không vì ta thì ta không cúng dường”.

4/ Dựa vào Tăng Già Lam làm dơ nhà người: Nếu Tỳ kheo lấy hoa trái của Tăng cho một cư sĩ này mà không cho cư sĩ kia. Người được cho nghĩ sẽ cúng dường (nói): “Nếu thầy ấy không cho ta thì ta sẽ không cúng dường”.

Làm hạnh xấu:

Tỳ kheo đó làm những hạnh phi pháp như thế nầy: Tự trồng cây hoa, tự mình tưới nước, tự mình hái hoa, tự mình làm tràng hoa, dùng chỉ xâu hoa, tự mình đem cho người, hoặc dạy người làm những việc như trên. Ở xóm có người phụ nữ cùng ngồi một giường, cùng ăn một mâm, nói lời bỡn cợt, hoặc tự mình ca múa, hát xướng, hoặc người khác làm rồi mình xướng họa theo, hoặc làm trò hề, khảy đờn, đánh trống, thổi kèn, làm các thứ tiếng chim kêu, hoặc chạy, hoặc giả đò đi cà thọt, huýt sáo, hoặc tự làm trò đùa, hoặc nhận người thuê làm trò bỡn cợt.

Làm dơ nhà người khác ai cũng thấy, ai cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy, ai cũng nghe.

Bấy giờ các thầy Tỳ kheo nghỉ qua đêm ở nước Kỳ Liên, rạng ngày đắp y cầm bát vào xóm khất thực, pháp phục nghiêm trang thứ tự bước đi, cúi đầu mắt nhìn thẳng về trước, không liếc ngó hai bên, theo thứ tự đi khất thực, cư sĩ thấy rồi bảo nhau: “Đây là hạng người gì mà mắt nhìn xuống, mắt đã không liếc ngó hai bên lại cũng không nói cười, họ không gần gũi với nhau không khéo léo trong lời thăm hỏi, chúng ta không nên cho thức ăn nước uống họ. Họ không thật giống như A Thấp Bà luôn gần gũi với mọi người, khéo léo trong lời thăm hỏi, đáng để cho ta cúng dường thức ăn. Khi ấy các thầy Tỳ kheo đi khất thực khó khăn lắm mới được thức ăn. Sau về đến chỗ Phật, Phật hỏi: “Nơi các thầy dừng nghỉ có an lạc không, chư Tăng hoà họp không, chẳng gặp khó khăn trong việc ăn uống chứ?”. Các Tỳ kheo kia thưa hết mọi chuyện với Phật, Ngài bèn quở trách và sai Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên đến đó để bạch yết ma tẩn xuất.

* Các thầy Tỳ kheo nên bảo Tỳ kheo đó rằng: “Đại Đức, thầy làm dơ nhà người, làm hạnh xấu. Làm dơ nhà người ai cũng thấy ai cũng nghe. Làm hạnh xấu ai cũng thấy ai cũng nghe. Đại Đức, thầy làm dơ nhà người khác, làm hạnh xấu bây giờ nên đi xa làng xóm này, không nên ở đây”.

Bấy giờ Xá Lợi Phất nói pháp cho cư sĩ, khiến họ được tin hiểu. Thọ trai xong, tôn giả họp Tăng cử tội các Tỳ kheo kia, làm pháp yết ma “ức niệm” trao tội, làm pháp yết ma như trên xong rồi đuổi ra khỏi làng xóm. Khi đang làm pháp cử tội, các Tỳ kheo bị cử tội bèn đứng dậy hủy báng: “Có những người khác cùng phạm tội sao không đuổi mà chỉ đuổi mình tôi”, và nói thế này:

* Tỳ kheo đó nói với các Tỳ kheo bằng lời thế nầy: “Đại Đức, các Tỳ kheo có ái, có giận, có sợ, có si, có Tỳ kheo đồng tội như thế, sao có người bị đuổi, có người không bị đuổi”.

Bấy giờ Xá Lợi Phất trở về bạch Thế Tôn, kể bày hết các việc hủy báng ấy. Phật liền quở trách và bảo làm pháp can gián.

Các Tỳ kheo can gián nói rằng: Đại đức chớ nói rằng các Tỳ kheo có ái, có giận, có sợ, có si, có Tỳ kheo đồng tội như thế, sao có người bị đuổi, có người không bị đuổi, nhưng các Tỳ kheo không có ái , không sợ, không si. Đại đức làm dơ nhà người khác, làm hạnh xấu. Làm dơ nhà người khác, làm hạnh xấu, làm dơ nhà người ai cũng thấy ai cũng nghe, làm hạnh xấu ai cũng thấy ai cũng nghe, Tỳ kheo đó lúc can gián mà cố giữ không bỏ, Tỳ kheo kia nên ba lần can gián vì để bỏ việc nầy, can gián cho đến lần thứ ba bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Tăng Già bà Thi Sa.

Nếu trước khi chưa bạch nói rằng: Tăng có yêu, giận, sợ, si… hoặc không xem thư mà đem đi, hoặc làm sứ giả đưa thư cho cư sĩ. Tất cả đều phạm tội Đột Kiết La, Tỳ kheo Ni đồng phạm.

Không phạm:

Là khi vừa nói liền bỏ, phi pháp, chưa tác pháp can ngăn. Nếu được áo cơm cho cha mẹ, cho người bệnh, cho bé thơ, cho phụ nữ có thai, cho người bị giam trong ngục, cho người làm thuê trong chùa, hoặc trồng hoa trái, tự mình lấy hoa, cho đến dạy người dùng chỉ xâu tràng hoa, đem cúng dường Phật, Pháp, Tăng. Tất cả đều không phạm. Hoặc có người đưa tay muốn đánh, bị giặc, cọp, sói làm sợ hãi, chỗ có nạn, hoặc vì người vác gai nhọn đi đến mà chạy tránh thì không phạm. Hoặc qua sông rãnh, mương, hầm hố nhón chân nhảy qua thì không phạm. Hoặc đồng bạn đi ở sau xoay lại nhìn không thấy mà hú kêu thì không phạm, hoặc vì cha mẹ, vì người bệnh, người bị nhốt trong ngục, Ưu Bà Tắc dốc lòng tin mà bị bệnh, bị tù tội, xem thư rồi mang đến, hoặc vì tháp, Tăng, Tỳ kheo bị bệnh mang thư qua lại như thế thì không phạm.

 

Giới thứ 13.

ÁC TÁNH CHỐNG TRÁI CHƯ TĂNG CAN NGĂN.

Phật ở nước Câu Thiểm Di, Tôn giả Xiển Đà có tánh xấu chống trái lời can gián. Lại nói: “Tôi mới là người dạy các Đại Đức, vì cớ sao? Vì thánh chúa của tôi đắc quả chánh giác”. Các Tỳ kheo mới cử tội và bạch Phật, Phật bèn quở trách chế giới.

Nếu Tỳ kheo có tánh xấu không nghe lời người khuyên can.

Không nhận người khác dạy bảo.

Ở trong giới pháp.

Đem giới luật như Pháp mà dạy bảo, có 7 tụ vi phạm: 1/ Ba La Di, 2/ Tăng Già Bà Thi Sa, 3/ Ba Dật Đề, 4/ Ba La Đề Đề Xa Ni, 5/ Thâu Lan Giá, 6/ Đột Kiết La, 7/ Ác Thuyết.

Các Tỳ kheo như pháp can gián xong.

Như pháp, như luật, đúng như lời dạy của Phật.

Tự thân không chấp nhận lời can gián nói rằng: “Các Đại Đức chớ đến tôi nói điều tốt, xấu, tôi cũng không đến các đại đức nói điều tốt điều xấu các Đại Đức thôi đi đừng can gián tôi”.

Đây chính là ngăn chặn việc làm vậy. Trong hai điều can gián sau đây là điều dạy bảo.

Tỳ kheo kia can gián Tỳ kheo nầy rằng: “Đại Đức đừng nên tự mình không nhận lời can gián, Đại đức tự mình phải nhận lời can gián. Đại Đức như pháp can gián các Tỳ kheo, các Tỳ kheo cũng như pháp can gián Đại Đức, như thế chúng đệ tử của Phật được lợi ích, lần lượt can nhau, lần lượt bảo nhau, lần lượt sám hối”. Lúc Tỳ kheo nầy được can gián như thế mà cố giữ không bỏ, Tỳ kheo kia nên ba lần can gián để cho bỏ việc ấy, nếu can gián cho đến ba lần, bỏ thì tốt bằng không bỏ thì phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Nếu trước khi chưa bạch Tỳ kheo có tánh xấu không nhận lời người nói thì tất cả đều phạm Đột Kiết La. Tỳ kheo Ni đồng phạm Tăng Già Bà Thi Sa.

Không phạm:

Vừa can gián liền bỏ, can gián một cách phi pháp, phi pháp, phi luật, sai lời Phật dạy. Hoặc lúc bị người vô trí quở trách can gián thì nên nói với người ấy rằng: “Việc làm của Hoà thượng, A Xà Lê ông cũng như vậy, ông phải nên học hỏi tụng kinh thêm”. Nếu việc ấy là như thế, hoặc nói nhầm thì đều không phạm.

Chư Đại Đức tôi đã nói 13 pháp Tăng Già Bà Thi Sa, chín giới đầu vừa nói thì phạm, còn bốn giới sau đợi đến ba lần can gián. Nếu Tỳ kheo phạm mỗi một pháp, biết mà che giấu thì nên cho làm phép Ba Lợi Bà Sa, hành pháp Ba Lợi Bà Sa xong, lại thêm cho sáu đêm Ma Na Đỏa, hành pháp Ma Na Đỏa xong nên cho xuất tội. Phải ở trong 20 vị Tăng mà xuất tội Tỳ kheo này. Nếu thiếu một người, không đủ số 20 vị, dù có xuất tội thì Tỳ kheo này cũng không được khỏi, Tỳ kheo cũng nên ngăn ấy là phải thời.



BỘ HÀM CHÚ VỀ GIỚI BỔN LUẬT TỨ PHẦN