Kinh Viên Giác Giảng giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Chương 4: BỒ-TÁT KIM CANG TẠNG Thưa Hỏi

ÂM:

Ư thị Kim Cang Tạng Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

– Đại bi Thế Tôn, thiện vị nhất thiết chư Bồ-tát chúng tuyên dương Như Lai Viên giác thanh tịnh Đại đà-la-ni nhân địa pháp hạnh tiệm thứ phương tiện, dữ chư chúng sanh khai phát mông muội. Tại hội pháp chúng thừa Phật từ hối, huyễn ế lãng nhiên, tuệ mục thanh tịnh. Thế Tôn, nhược chư chúng sanh bản lai thành Phật hà cố phục hữu nhất thiết vô minh. Nhược chư vô minh chúng sanh bản hữu, hà nhân duyên cố Như Lai phục thuyết bản lai thành Phật. Thập phương dị sanh bản thành Phật đạo, hậu khởi vô minh? Nhất thiết Như Lai, hà thời phục sanh nhất thiết phiền não? Duy nguyện bất xả vô giá đại từ vị chư Bồ-tát khai bí mật tạng, cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh đắc văn như thị tu-đa-la giáo liễu nghĩa pháp môn, vĩnh đoạn nghi hối.

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thỉ.

DỊCH:

Khi ấy Bồ-tát Kim Cang Tạng ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì thẳng chấp tay bạch Phật rằng:

– Đức Thế Tôn đại bi, khéo vì tất cả Bồ-tát nói rõ tánh Viên giác thanh tịnh Đại đà-la-ni Như Lai, rồi dạy nhân địa và phương tiện thứ lớp tu hành, vì chúng sanh khai phát chỗ tối tăm. Chúng trong hội này nhờ sự chỉ dạy của Phật nên những cái huyễn hóa che đậy được sáng, mắt tuệ được thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh vốn đã thành Phật vì sao lại có tất cả vô minh? Nếu chúng sanh sẵn có vô minh, do nhân duyên gì Như Lai lại nói xưa nay đã thành Phật? Mười phương chúng sanh đã thành Phật đạo sao lại khởi vô minh? Vậy tất cả Như Lai chừng nào khởi sanh phiền não lại? Cúi mong đức Thế Tôn không bỏ lòng đại từ vì các vị Bồ-tát mở bày cái kho bí mật này và vì tất cả chúng sanh đời sau được nghe kinh pháp liễu nghĩa như thế mà hằng đoạn được nghi ngờ.

Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như thế ba lần, rồi trở lui.

GIẢNG:

Kim cương là một loại đá quí, có đặc tính cứng và sắc hay phá hoại các vật, mà các vật không phá hoại được nó. Đoạn này Bồ-tát Kim Cang Tạng đứng ra thưa hỏi chỗ sâu kín khó khăn, là biểu trưng cho trí tuệ sáng suốt mới phá trừ nổi những mê lầm vi tế.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nghi còn vô minh mới gọi là chúng sanh, hết vô minh thì gọi là Phật, thế mà Như Lai lại nói từ xưa đến nay chúng sanh vốn đã thành Phật.

– Nếu chúng sanh vốn đã thành Phật thì không còn vô minh. Nếu không còn vô minh thì không gọi là chúng sanh. Tại sao Phật còn gọi chúng sanh?

– Nếu chúng sanh sẵn có vô minh, thì không thể nói xưa nay đã thành Phật. Tại sao Phật nói xưa nay đã thành Phật?

– Mười phương chúng sanh đã thành Phật, sao lại khởi vô minh? Chư Phật hiện nay chừng nào khởi vô minh trở lại? Nếu cố gắng tu thành Phật rồi, lâu lâu khởi vô minh trở lại, như vậy cứ tu tới tu lui hoài, biết bao giờ mới hết tu?

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Kim Cang Tạng Bồ-tát ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai thậm thâm bí mật cứu kính phương tiện, thị chư Bồ-tát tối thượng giáo hối liễu nghĩa Đại thừa, năng sử thập phương tu học Bồ-tát cập chư mạt thế nhất thiết chúng sanh đắc quyết định tín vĩnh đoạn nghi hối. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Kim Cang Tạng Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ, cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

DỊCH:

Khi ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Kim Cang Tạng rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các vị Bồ-tát và chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai về phương tiện rốt ráo thậm thâm bí mật để dạy bảo các hàng Bồ-tát nghĩa lý Đại thừa liễu nghĩa tối thượng, hay khiến cho mười phương Bồ-tát tu học và tất cả chúng sanh đời sau được lòng tin chắc chắn, hằng đoạn dứt các nghi ngờ. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Kim Cang Tạng hoan hỉ vâng lời dạy cùng Đại chúng lặng lẽ lắng nghe.

GIẢNG:

Lời hỏi trên tại sao Phật khen là thậm thâm bí mật cứu kính phương tiện. Bởi vì không ai trong chúng ta khi bàn tới chỗ này mà khỏi nghi ngờ không biết vô minh có từ bao giờ, khi dẹp hết rồi nó có trở lại không… Vì vậy khi biết rõ vô minh là thế nào, bản giác là thế nào, biết rành rẽ thì sự tu hành chúng ta mới tin chắc được, gọi là được lòng tin quyết định.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết thế giới thủy chung sanh diệt tiền hậu hữu vô, tụ tán khởi chỉ, niệm niệm tương tục tuần hoàn vãng phục chủng chủng thủ xả, giai thị luân hồi, vị xuất luân hồi nhi biện Viên giác, bỉ Viên giác tánh tức đồng lưu chuyển. Nhược miễn luân hồi vô hữu thị xứ.

DỊCH:

– Này thiện nam, tất cả thế giới trước sau sanh diệt, trước sau có không, tụ tán khởi dừng, niệm niệm tiếp nối tuần hoàn qua lại, mọi thứ thủ xả đều là luân hồi. Chưa ra khỏi luân hồi mà muốn biện tánh Viên giác, thì tánh Viên giác đồng với lưu chuyển, nếu ra khỏi luân hồi thì không có lẽ đó.

GIẢNG:

Đức Phật chỉ cái lầm lẫn đầu tiên của chúng ta. Tất cả thế giới hiện hữu ở cõi đời này trước sau sanh diệt, trước sau có không, tụ tán dừng chỉ, niệm niệm tiếp nối… từng phút từng giây chuyển biến xoay vần qua lại, gọi là luân hồi. Luân hồi là vòng sanh diệt tiếp nối liên miên. Chúng ta chưa ra khỏi vòng sanh diệt tiếp nối ấy, mà muốn biết rõ tánh Viên giác thì tánh Viên giác cũng đồng với lưu chuyển và muốn khỏi luân hồi mà chưa hết mê thì không bao giờ khỏi. Muốn biết tánh Viên giác đó đừng đem tâm luân hồi mà suy nghĩ về Viên giác. Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói “giả sử có trăm ngàn muôn triệu ức người trí tuệ như Xá-lợi-phất gom lại để suy nghĩ về trí tuệ Phật, cũng không được một phần trăm một phần ngàn nữa”. Nghĩa là nếu đem trí tuệ mà suy nghĩ – suy nghĩ là cái sanh diệt luân hồi – để biện tánh Viên giác của Phật – là cái không động, không luân hồi sanh diệt – làm sao mà được. Đó là cái lỗi lầm lớn của chúng sanh, đang ở trong vòng lưu chuyển mà muốn biết cái ngoài vòng lưu chuyển thì làm sao biết được? Cũng thế, nếu còn ở trong mê mà muốn nói chuyện giác ngộ thì không bao giờ nói được, cũng như người đang ở trong mộng mà muốn nói chuyện thức thì không nói được. Muốn nói chuyện thức là phải thức mới nói được.

ÂM:

– Thí như động mục năng diêu trạm thủy hựu như định nhãn do hồi chuyển hỏa, vân sử nguyệt vận, chu hành ngạn di diệc phục như thị.

DỊCH:

– Ví như con mắt chớp thấy mặt nước dao động, lại như mắt nhìn sững thấy vòng lửa quay, mây bay trăng chạy, thuyền đi bờ dời cũng y như thế.

GIẢNG:

Phật dùng sự việc thông thường hằng ngày như mặt nước hồ đang phẳng lặng, nếu mắt chúng ta chớp chớp thì thấy mặt nước gợn sóng. Do mắt chớp mà thấy mặt nước phẳng lặng thành ra dao động. Dụ này để nói rõ còn trong luân hồi muốn bàn về Viên giác thì Viên giác thành luân hồi như con mắt đang chớp muốn thấy cái tịnh thì thấy không được. Hoặc như mấy đứa bé đốt nhang chơi, cầm cây nhang quay tròn tròn, lúc nó quay nhanh, mắt chúng ta nhìn chăm chăm vào đầu cây nhang cháy, không thấy đầu cây nhang mà chỉ thấy vòng lửa tròn. Vậy có vòng lửa tròn thật không? Không. Do cây nhang quay quá nhanh, mắt nhìn theo không kịp nên chúng ta thấy như có một vòng lửa tròn. Hay buổi tối có trăng, chúng ta nhìn lên bầu trời thấy có những áng mây bay, mặt trăng chạy ngược. Hoặc chúng ta ngồi trên chiếc thuyền đang chạy trên sông, chúng ta không thấy thuyền đi mà cứ thấy hai bờ sông chạy ngược lại.

Đó là bốn ví dụ để chỉ rõ, dùng tâm cấu nhiễm mê vọng của chúng sanh mà nghĩ ngợi quan sát đến cảnh giới của Phật thì cảnh giới của Phật trở thành cấu nhiễm vọng động. Giống như người đeo kiếng màu, nếu kiếng màu đen thì thấy tất cả sự vật bên ngoài màu đen, nếu kiếng màu xanh thì thấy tất cả sự vật bên ngoài màu xanh… Muốn hết thấy cảnh vật đen hay xanh thì phải gỡ kiếng ra, chừng đó mới thấy sự vật đúng như thật. Còn mang kiếng màu mà muốn thấy màu sắc bên ngoài đúng như thật của nó thì không thể được, vì màu sắc thật bên ngoài đã bị kiếng màu làm khác đi rồi.

ÂM:

– Thiện nam tử, chư toàn vị tức, bỉ vật tiên trụ, thượng bất khả đắc, hà huống luân chuyển, sanh tử cấu tâm, tằng vị thanh tịnh, quán Phật Viên giác, nhi bất toàn phục. Thị cố nhữ đẳng, tiện sanh tam hoặc.

DỊCH:

– Này thiện nam, cái xoay vần chưa dứt, muốn nó dừng trụ còn không thể được, hà huống dùng tâm cấu nhiễm sanh tử luân hồi chưa từng thanh tịnh mà quan sát tánh Viên giác của Phật thì sao khỏi lẩn quẩn? Thế nên các ông mới sanh ra ba điều nghi ngờ đó.

GIẢNG:

Đây là phần chỉ rõ cho ngài Kim Cang Tạng thấy lý do sanh nghi. Nói rằng vòng lửa chưa dừng thì cây nhang chưa dừng, vòng lửa còn mà muốn cây nhang dừng trước có được không? Còn vòng tròn là cây nhang còn quay, bao giờ hết vòng tròn cây nhang mới dừng. Cho nên nói rằng còn vòng tròn mà muốn cây nhang dừng trước còn không thể được, huống là mang cái tâm cấu nhiễm sanh tử lưu chuyển chưa từng trong sạch để xem Phật Viên giác của mình, làm sao không thấy xoay vần? Niệm tâm cấu nhiễm là những niệm tâm vọng tưởng sanh diệt. Khi vòng lẩn quẩn chưa dứt các sự vật ở trong vòng lẩn quẩn, chúng ta bảo nó dừng lại còn không được, huống gì tâm ô nhiễm sanh tử luân hồi của chúng ta chưa từng thanh tịnh, mà muốn xem biết tánh Viên giác thanh tịnh của Phật thì (tánh Viên giác) làm sao chẳng xoay vần? Thế nên các vị Bồ-tát nghi ngờ ba điều vừa nêu trên.

ÂM:

– Thiện nam tử, thí như huyễn ế, vọng kiến không hoa, huyễn ế nhược trừ, bất khả thuyết ngôn, thử ế dĩ diệt, hà thời cánh khởi nhất thiết chư ế? Hà dĩ cố? Ế hoa nhị pháp tương đãi cố.

DỊCH:

– Này thiện nam, thí như bệnh mắt, huyễn thấy hoa đốm trong hư không, bệnh mắt nếu hết thì không thể nói bệnh mắt đã diệt, bao giờ sanh tất cả bệnh mắt lại? Vì cớ sao? Vì bệnh mắt và hoa đốm hai pháp không đối đãi.

GIẢNG:

Đây trả lời câu hỏi khi hết vô minh rồi chừng nào khởi trở lại. Ví dụ mắt chúng ta bệnh, nhìn lên bầu trời vào buổi trưa nắng thấy có hoa đốm lăng xăng. Khi chúng ta dùng thuốc nhỏ cho mắt lành rồi, có người hỏi bệnh nhặm mắt của anh chừng nào trở lại? Chúng ta không trả lời được. Hết nhặm rồi thì thôi, chớ biết chừng nào trở lại? Đó là đức Phật trả lời câu hỏi “Phật thành Phật chừng nào lại khởi vô minh”. Thành Phật là hết mê lầm, và không bao giờ khởi mê lầm nữa. Bệnh mắt và hoa đốm là hai cái không thật thì làm sao nói chừng nào có chừng nào không. Cũng vậy, vô minh không thật thì đâu thể nói chừng nào sanh chừng nào diệt.

ÂM:

– Diệc như không hoa, diệt ư không thời, bất khả thuyết ngôn hư không hà thời cánh khởi không hoa. Hà dĩ cố? Không bản vô hoa, phi khởi diệt cố.

DỊCH:

– Cũng như hoa đốm khi diệt trong hư không, không thể nói khi nào sanh lại hoa đốm nữa. Vì cớ sao? Vì hư không vốn không có hoa đốm nên chẳng khởi diệt.

GIẢNG:

Hư không đâu có sanh ra hoa đốm, vì mắt bị bệnh nên thấy có hoa đốm khởi diệt. Nếu mắt hết bệnh thì hoa đốm theo đó mà hết. Cũng thế, nếu vô minh hết thì hiện tượng sanh diệt cũng hết, không thể nói chừng nào hoa đốm khởi.

ÂM:

– Sanh tử Niết-bàn đồng ư khởi diệt, Diệu giác viên chiếu ly ư hoa ế. Thiện nam tử, đương tri hư không phi thị tạm hữu diệc phi tạm vô, huống phục Như Lai Viên giác tùy thuận nhi vi hư không bình đẳng bản tánh.

DỊCH:

– Sanh tử Niết-bàn đồng với khởi diệt, tánh Viên giác mầu nhiệm chiếu soi này lìa cả hoa đốm và mắt bệnh. Này thiện nam, nên biết hư không chẳng phải tạm có cũng chẳng phải tạm không, huống chi tánh Viên giác Như Lai vốn bình đẳng tùy thuận như hư không.

GIẢNG:

Phật chỉ cho chúng ta biết Niết-bàn và sanh tử là hai cái đối đãi, bởi đối đãi nên đồng có sanh có diệt. Còn Diệu giác viên chiếu không phải pháp đối đãi, nó ra ngoài cái đối đãi, hiểu rõ thì thấy lý bất nhị rõ ràng. Cho nên Phật nói hư không còn không thể tạm có tạm không huống là tánh Viên giác. Hư không không tạm có cũng không phải tạm không, tạm có tạm không là hoa đốm. Khi nào mắt bệnh thì thấy có hoa đốm, khi mắt không bệnh thì thấy không hoa đốm, thấy có hoa đốm thấy không hoa đốm là do mắt bệnh, chớ hư không lúc nào cũng bình đẳng bất động. Tánh Viên giác Như Lai ví như hư không bình đẳng, không tạm có cũng không tạm không; khi vô minh hết thì tánh Viên giác hiển bày chớ không phải sanh, khi vô minh che phủ thì tánh Viên giác ẩn chớ không phải tánh Viên giác diệt, khởi diệt là do vô minh chớ không phải do tánh Viên giác.

ÂM:

– Thiện nam tử, như tiêu kim khoáng, kim phi tiêu hữu, ký dĩ thành kim, bất trùng vi khoáng. Kinh vô cùng thời, kim tánh bất hoại, bất ưng thuyết ngôn bản phi thành tựu. Như Lai Viên giác diệc phục như thị.

DỊCH:

– Này thiện nam, như lọc quặng vàng, chất vàng không phải do lọc mà có. Khi đã thành vàng ròng rồi thì chẳng trở lại thành khoáng. Trải qua thời gian không cùng, tánh vàng không hề biến hoại, chẳng nên nói vốn chẳng thành tựu. Tánh Viên giác Như Lai cũng y như thế.

GIẢNG:

Đây là lần thứ hai Phật trả lời câu hỏi “Phật thành Phật rồi bao giờ trở lại vô minh”. Qua thí dụ này chúng ta thấy tuy vàng sẵn có trong quặng, không phải do lọc mà thành nhưng cái lọc đó không phải không thành tựu. Vàng sẵn có nhưng có trong cái lẫn lộn, do lọc mới thành vàng ròng. Khi thành vàng ròng rồi không trở lại thành khoáng được. Như vậy lọc là công phu để thành vàng ròng, cho nên thành tựu. Phật giác ngộ tánh Viên giác tròn đầy, Ngài thấy tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh Viên giác nên nói tất cả chúng sanh đã thành Phật, là căn cứ trên tánh Viên giác mà nói, nhưng do vô minh che nên tánh Viên giác bị khuất đi. Bây giờ tu là để gạn lọc vô minh, vô minh hết thì tánh Viên giác hiển bày là thành Phật, chớ không thể nói bao giờ lại khởi phiền não. Vì sao? Vì thành Phật là vĩnh viễn sống với tánh Viên giác thì đâu có mê lầm mà khởi phiền não. Khi đã thành vàng ròng thì trải qua thời gian vô cùng vàng ròng vẫn là vàng ròng. Tánh Viên giác cũng vậy, khi hết vô minh rồi thì tánh Viên giác không bao giờ trở lại vô minh.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết Như Lai, Diệu viên giác tâm, bản vô Bồ-đề cập dữ Niết-bàn, diệc vô thành Phật cập bất thành Phật, vô vọng luân hồi cập phi luân hồi.

DỊCH:

– Này thiện nam, tâm Diệu viên giác của tất cả Như Lai vốn không có Bồ-đề và Niết-bàn, cũng không có thành Phật và chẳng thành Phật, không có vọng luân hồi và phi luân hồi.

GIẢNG:

Đức Phật xác nhận lại một lần nữa trong tánh Diệu viên giác của Như Lai không có Bồ-đề, không có Niết-bàn… Nếu trong đó dứt tất cả thì chúng ta cầu làm chi? Sở dĩ chúng ta ngày đêm cầu vì còn thấy đây là sanh tử kia là Niết-bàn, đây là phiền não kia là Bồ-đề. Cho nên bỏ phiền não cầu Bồ-đề, bỏ sanh tử cầu Niết-bàn là còn thấy hai, còn thấy hai là còn thấy trên dụng công tu tập. Trong lúc vàng còn lẫn các chất chì thiếc thì phải lọc, cũng như còn thấy phiền não thì phải tu. Tánh Viên giác mầu nhiệm của chư Phật vốn không có hai bên, không giả tướng danh tự chỉ thuần một Tánh giác hiển lộ. Ví dụ vàng ròng được lọc ra chúng ta gọi nó là vàng ròng, chớ lẽ thật nó không có tên. Tại chúng ta thấy màu nó vàng nên đặt tên là vàng. Cái thể thật nó không có tên, mà do vọng tưởng chúng ta đặt tên cho nó. Tánh Viên giác cũng vậy, không có tên Bồ-đề, Niết-bàn, nhưng vì đối với sanh tử thì gọi là Niết-bàn, đối với mê thì gọi là giác ngộ… Gọi như vậy là do tâm phân biệt đối đãi của chúng ta đặt tên để gọi, chớ bản chất nó không có tên, nên Lục Tổ cũng đã nói “nó không đầu không đuôi không tên không họ”.

ÂM:

– Thiện nam tử, đản chư Thanh văn sở viên cảnh giới, thân tâm ngữ ngôn giai tất đoạn diệt, chung bất năng chí bỉ chi thân chứng, sở hiện Niết-bàn. Hà huống năng dĩ hữu tư duy tâm trắc độ Như Lai Viên giác cảnh giới.

DỊCH:

– Này thiện nam, chỉ cảnh giới Niết-bàn của Thanh văn, thân tâm ngôn ngữ đoạn diệt trọn không thể đến được chỗ thân chứng kia, huống là dùng tâm suy tư tạp nhạp mà đo lường cảnh giới Viên giác Như Lai.

GIẢNG:

Đức Phật đưa ra một ví dụ để so sánh, cảnh giới Niết-bàn của Thanh văn là cảnh giới tâm thanh tịnh, thân không lay động như tro nguội, nên nói thân tâm đoạn diệt. Cảnh giới Niết-bàn này hàng chúng sanh không thể dùng ngôn ngữ tâm phân biệt mà suy tư luận bàn, huống chi cảnh giới Niết-bàn của Phật làm sao dùng tâm suy nghĩ mà so lường được? Đó là Phật chỉ rõ, còn vọng tưởng thì không bao giờ thấy.

ÂM:

– Như thủ huỳnh hỏa thiêu Tu-di sơn chung bất năng trước, dĩ luân hồi tâm, sanh luân hồi kiến nhập ư Như Lai đại tịch diệt hải, chung bất năng chí, thị cố ngã thuyết nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tiên đoạn vô thủy luân hồi căn bản.

DỊCH:

– Như lấy lửa của đom đóm mà đốt núi Tu-di, trọn không thể được. Dùng tâm luân hồi sanh kiến giải luân hồi mà muốn vào biển đại tịch diệt Như Lai, trọn không thể đến được. Thế nên ta nói tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau trước phải đoạn cội gốc luân hồi vô thủy.

GIẢNG:

Đức Phật nói, nếu dùng tâm luân hồi và kiến giải luân hồi mà luận bàn về tánh Viên giác Như Lai thì chẳng khác nào dùng chút lửa đom đóm để đốt núi Tu-di, núi không bao giờ cháy. Cũng vậy, chúng ta dùng tâm sanh diệt suy nghĩ mà muốn vào biển đại tịch diệt của Như Lai thì không bao giờ được. Muốn vào biển đại tịch diệt của Như Lai thì phải lặng hết tâm suy nghĩ. Có nhiều người lầm cho rằng muốn hiểu Chân như Bồ-đề thì phải ngồi nghiền ngẫm suy nghĩ ngày nào đó sẽ hiểu. Không thể được! Vì dùng tâm phân biệt để mong thấy cái không phân biệt thì làm sao thấy được? Lại có nhiều người còn lầm hơn nữa, cho rằng học Phật pháp không khó, cứ ráng ngồi nghiền ngẫm mãi sẽ được Niết-bàn. Lẽ thật thì không như thế, muốn được Niết-bàn phải tu cho tâm được an định rồi tánh Viên giác mới hiển bày. Chừng đó không muốn được Niết-bàn mà nó tự đầy đủ. Trọng tâm tu là ở chỗ đó, dừng tâm sanh diệt luân hồi lại, mới thấy cái không sanh diệt không luân hồi, đó là chỗ thiết yếu. Vì vậy mà Phật nói các vị Bồ-tát và chúng sanh đời sau, trước phải đoạn cội gốc luân hồi từ vô thủy là vô minh thấy thân tâm thật. Dứt sạch vô minh thì mới nhận được tánh Viên giác chân thật.

ÂM:

– Thiện nam tử, hữu tác tư duy, tùng hữu tâm khởi, giai thị lục trần, vọng tưởng duyên khí, phi thật Tâm thể dĩ như không hoa, dụng thử tư duy biện ư Phật cảnh, do như không hoa, phục kết không quả triển chuyển vọng tưởng, vô hữu thị xứ.

DỊCH:

– Này thiện nam, khởi suy nghĩ là từ tâm vọng mà khởi, (tất cả suy nghĩ) đều do sáu trần vọng tưởng duyên khí. Giống như hoa đốm trong hư không chẳng phải là Tâm thể chân thật. Dùng suy nghĩ mà biện cảnh giới Phật giống như mong hoa đốm trong hư không kết thành quả, chỉ càng thêm vọng tưởng, hoàn toàn không thể được.

GIẢNG:

Đức Phật lại cảnh cáo chúng ta, Ngài nói người khởi suy nghĩ cho cái suy nghĩ là tâm, tâm đó chỉ là vọng tưởng do duyên theo sáu trần mà có, không có thật thể nên ví nó như hoa đốm giữa hư không. Dùng tâm không thật mà suy nghĩ về cảnh giới Phật thì không thể được, chẳng khác nào thấy hoa đốm lăng xăng trong hư không mà mong nó có quả, chắc chắn không bao giờ được. Vì hoa đốm vốn không thật làm sao có quả? Cũng vậy, tâm vọng tưởng nguyên không thật thì làm gì thấy được Tánh giác là cái chân thật. Cho nên chạy theo vọng tưởng mà muốn thấy được cái chân thật trọn không có lẽ phải vậy.

Trong đạo có hai hạng người học Phật, một là học giả, hai là hành giả. Học giả là người dùng tâm suy nghĩ để nghiên cứu nghiền ngẫm giáo lý của Phật, còn hành giả là học phương pháp của Phật dạy để ứng dụng tu thể nhập được lý đạo. Hai hạng người đó khác nhau, một bên dùng trí suy tư để mong hiểu Phật, một bên dùng pháp Phật dạy để định tâm mình, mong ngộ lẽ thật. Hai hạng người đó đối với kinh Viên giác người nào trúng? – Người ứng dụng tu hành. Thế mà có nhiều người nghe nói ông đó có bằng Tiến sĩ Phật học thì cũng khen tấm tắc: Chà ông đó cao quá! Hay quá! Nhưng mà hay thật chưa? Giá trị thật không phải ở cấp bằng mà ở chỗ có dừng được tâm điên đảo của mình hay không? Trong giới tu hành hiện nay hay vấp phải cái lỗi đó, lấy cái học làm trên. Nếu lấy cái học làm trên thì sự “thật chứng” không có. Không sự chứng ngộ thì làm sao thể nhập chân lý? Làm sao mồi được ngọn đuốc tuệ của Phật để soi đường cho chúng sanh đang đi trong đêm tối? Không có những bậc tu chứng thì lấy ai tiếp nối duy trì Phật pháp? Sau khi Phật niết-bàn, cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất toàn là những bậc đắc quả A-la-hán dự. Lúc đó ngài A-nan chưa đắc quả bị ngài Đại Ca-diếp từ chối không cho vào, mặc dầu Ngài biết nếu không có ngài A-nan thì không ai trùng tuyên lại Tạng kinh được.

Lại có những vị vô chùa cạo tóc rồi ôm sách tới trường, học năm mười năm ra giảng đạo, lên Thượng tọa rồi tới già chết. Như vậy, chừng nào thấy được lẽ thật? Chủ yếu của người học đạo là học cho biết để thực hành, chớ không phải lấy kiến giải làm sở đắc, nếu lấy kiến giải làm sở đắc, thì ngàn đời không thấy được chân lý! Hậu vận Phật giáo sẽ ra sao nếu trong giới tu sĩ không có những người thật chứng ngộ? Có nhiều quyển sách của các học giả viết về đạo Phật, lý luận làm cho người đọc thêm rối, đưa người đọc lạc vào rừng ngôn ngữ không biết lối ra. Muốn hiểu đạo lý, muốn giải thoát sanh tử thì học rồi phải thực hành, mới mong thấy được manh mối của sự giải thoát, đó là Giải hạnh tương ưng. Hòa thượng Pháp chủ Khánh Anh có để lại hai câu bất hủ trên giảng đường chùa Xá-lợi: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy đựng sách.” Đó là một lẽ thật chúng ta cần xét kỹ.

Như chúng tôi ngày xưa học ở Phật học viện mười năm rồi đi giảng ở nhiều nơi, nói thì hay lắm, danh từ nào giải thích cũng được, nhưng khi ứng dụng tu thì lúng túng, không biết làm sao tu cho đúng. Người có cấp bằng cao chưa phải là người tu cao, mà người tu cao là không có gì lạ hết. Thân không thật, tâm vọng không thật thì có cái gì? Vậy người tu theo đạo Phật là tu càng cao thì cái ngã càng thấp; cái ngã càng cao thì sự tu hành chưa tới đâu.

ÂM:

– Thiện nam tử, hư vọng phù tâm, đa chư xảo kiến, bất năng thành tựu Viên giác phương tiện, như thị phân biệt, phi vi chánh vấn.

DỊCH:

– Này thiện nam, tâm nổi trôi hư vọng, sanh nhiều kiến chấp xảo ngụy, nên không thể thành tựu được phương tiện Viên giác. Phân biệt như thế thì chẳng phải là câu hỏi chân chánh.

GIẢNG:

Đoạn này nếu chúng ta không hiểu, thấy như đức Phật mâu thuẫn, vì ở trước Ngài khen Bồ-tát Kim Cang Tạng khéo vì các Bồ-tát, các chúng sanh đời mạt pháp mà hỏi cái bí mật thậm thâm Như Lai, nhưng đến đây đức Phật lại quở phân biệt như vậy không phải là hỏi chân chánh! Tại sao trước Phật khen sau lại chê? Trước Phật khen là vì câu hỏi của Bồ-tát Kim Cang Tạng giải nghi cho người tu sau này. Phật quở ngài Kim Cang Tạng cũng chính là xác nhận chúng ta biết rằng không bao giờ dùng tâm suy nghĩ rối loạn mà tìm thấy được Viên giác chân chánh. Vì vậy mà đức Phật chỉ cho chúng ta thấy cái tâm hư vọng phù phiếm nó nhiều xảo ngụy dối trá khéo lắm. Nó sanh ra cái này, chấp cái kia đủ chuyện, mới cho cái đó là phải lát nữa lại cho là quấy. Cho nên nói rằng nó nhiều xảo kiến. Nếu cứ dùng tâm xảo ngụy đó để hỏi cái này hỏi cái kia là không hợp đạo, mà phải lặng tâm phù trầm hư dối đó thì mới thành tựu phương tiện Viên giác.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:

– Kim Cang Tạng đương tri
Như Lai tịch diệt tánh
Vị tằng hữu chung thủy
Nhược dĩ luân hồi tâm
Tư duy tức toàn phục
Đản chí luân hồi tế
Bất năng nhập Phật hải
Thí như tiêu kim khoáng
Kim phi tiêu cố hữu
Tuy phục bản lai kim
Chung dĩ tiêu thành tựu
Nhất thành chân kim thể
Bất phục trùng vi khoáng
Sanh tử dữ Niết-bàn
Phàm phu cập chư Phật
Đồng vi không hoa tướng
Tư duy do huyễn hóa
Hà huống cật hư vọng
Nhược năng liễu thử tâm
Nhiên hậu cầu Viên giác.

DỊCH:

Khi ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nói kệ rằng:

– Kim Cang Tạng nên biết
Như Lai tánh vắng lặng,
Chưa từng có sau trước.
Nếu dùng tâm luân hồi,
Suy nghĩ càng lẩn quẩn.
Chỉ đến mé luân hồi,
Không vào được biển Phật.
Ví như lọc quặng vàng,
Vàng chẳng do lọc được
Tuy trước vàng sẵn có,
Sau do lọc mới thành.
Khi đã thành vàng ròng,
Chẳng trở lại làm khoáng
Sanh tử và Niết-bàn,
Phàm phu cùng chư Phật.
Như hoa đốm trong không.
Suy nghĩ đều huyễn hóa
Huống là hỏi hư vọng
Nếu hay rõ tâm này,
Nhiên hậu cầu Viên giác.

GIẢNG:

Đức Phật dạy tánh Như Lai lặng lẽ chưa từng có trước sau, vì trước sau là thời gian, mà thời gian thì không thật. Nếu dùng tâm luân hồi để suy nghĩ tánh Viên giác thì tánh lặng lẽ ấy cũng trở thành xoay vần, nên không thể nhập được tánh Viên giác. Ở đây Phật chỉ luân hồi là chỉ thẳng tâm sanh diệt. Đem tâm sanh diệt mà nghĩ về tánh Viên giác thì không đúng. Ví dụ lọc vàng, vàng chẳng phải do lọc mà có, vì vàng đã có sẵn trong quặng từ xưa rồi, nhưng không luyện lọc không dùng được.

Cũng vậy, nói phải tu mới thành Phật thì không phải, vì Phật có sẵn trong mỗi chúng sanh, bởi vô minh che phủ nên tu để dẹp vô minh. Khi vô minh hết thì Phật hiện tiền, chớ đâu phải do tu mới được thành Phật. Tu là hành động là phương tiện, nếu tu mà được tánh Viên giác thì tánh Viên giác ấy cũng là hành động cũng là phương tiện sao? Tuy nhiên đức Phật nói quặng cũng phải lọc bỏ khoáng mới được vàng ròng. Cũng vậy, tuy không phải tu mới được thành Phật, nhưng từ xưa Phật cũng phải tu mới hết vô minh, Phật tánh mới hiện. Nói như vậy để chúng ta khỏi lầm phải tu mới có tánh Viên giác, mà tánh Viên giác sẵn có, nói tu là một lối nói.

Nếu nói không do tu mà được thành Phật thì một số người không chịu tu. Cho nên Phật mới nói Phật cũng phải tu mới thành. Vàng quặng khi đã thành vàng ròng rồi thì không trở lại làm khoáng nữa. Cũng vậy, khi đã thành Phật rồi thì không trở lại làm chúng sanh. Quí vị nhớ lại câu ngài Hoài Nhượng đáp với Lục Tổ: “Tu chứng chẳng phải không nhiễm ô chẳng thể được.” Tu chứng chẳng phải không bởi vì tuy biết nó là có mà không tu nó không hiện, nên tu chứng chẳng phải không, nhưng nhiễm ô chẳng thể được. Vàng là vàng, không vì lẫn chất tạp mà biến chất. Nó không thể nhiễm ô được. Chính những câu nói đơn giản của các Tổ, nhìn lại kinh không bao giờ khác. Nhận ra được tánh đó rồi bao nhiêu vị Tổ bao nhiêu người tu nói không khác nhau. Đó là thấy được nên nói không khác. Tánh Viên giác vẫn là Viên giác, không vì lăn lộn trong luân hồi mà tánh Viên giác biến thành luân hồi. Đó là chỗ thiết yếu chúng ta phải nhận ra để trên đường tu chúng ta vững lòng tin. Khi ấy thì sanh tử cùng Niết-bàn, phàm phu cùng chư Phật là tướng giả dối như hoa đốm trong hư không. Tại sao vậy? Vì khi thành Phật thì mới thấy những danh từ đối đãi mê và giác, sanh tử và Niết-bàn đều không thật. Phật lại nói thêm suy nghĩ là huyễn hóa, huống là nêu lên câu hỏi hư vọng như trên. Người nào sáng tỏ được lý này mới mong thể nhập được tánh Viên giác.