NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Lục Giá Hiên
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Lục Giá Hiên

Chiều hôm qua, cư sĩ Hạc Niên đem đến bản kinh Pháp Hoa do Trang cư sĩ chép, thấy bút pháp của ông ta cứng cáp, tinh xảo, đẹp đẽ, khôn ngăn khâm phục. Nhưng cách viết của ông ta vẫn còn tập khí của kẻ văn nhân, đối với chuyện lưu thông pháp đạo tợ hồ chưa thích hợp. Như Tục Thể, Thiếp Thể, Biến Thể[1] v.v… là thuận theo thói tệ thế tục, lại còn chấp nệ vào Cổ Thể, như chữ Ma 魔 viết thành Ma 磨, chữ Huyền 懸 viết thành Huyền 縣, Mã Não Xa Cừ 瑪 瑙 硨 磲 viết thành Mã Não Xa Cừ 馬 腦 車 渠, Trận 陣 viết thành Trần 陳 v.v… mắc lỗi trái thời[2]. Nếu nói phải y theo Cổ Văn thì lúc này phải theo Chánh Thể, những chữ viết như vậy đều chẳng thích hợp, mỗi chữ đều phải sửa đổi, không dùng được một chữ [viết theo lối cổ] nào! Ông Dương Nhân Sơn đả phá những người nệ cổ như sau: “Chữ viết phải theo thời, việc gì cứ phải nệ cổ! Nếu như cứ muốn theo lối cổ thì xin trước hết hãy từ hai chữ Nhân (người) và Nhập (vào) mà sửa đổi! Chữ Nhân viết theo lối cổ là , chữ Nhập viết là Nhân . Nếu Nhân và Nhập không sửa được thì cần gì phải riêng thay đổi những chữ khác! Vả lại Cổ Thể cũng chẳng phải là những chữ được chế ra thời Thương Hiệt[3], không biết biến đổi đến thế nào mới thành ra dạng như vậy!”

Ông đã chuộng cổ hãy nên lấy “trùng văn điểu thư”[4] làm Chánh Thể thì tôi không còn cách nào chõ miệng vào được nữa! Nếu không, rốt cuộc là vô sự bèn sanh sự, nhọc nhằn vô ích, sống thời bây giờ lại quay về thời cổ, bậc thánh đã có lời minh huấn. Nếu Trang cư sĩ có chí lưu thông, hãy nên quét sạch tập khí văn nhân, chữ nào cũng tuân theo thời bây giờ. Phàm những lối Phá Thể[5], Tục Thể v.v… đều nhất loạt không dùng, ngõ hầu mỗi nét bút, mỗi vạch đều có thể làm khuôn mẫu để khắc in, lưu truyền, khiến cho người khác trông thấy, đọc đến, phát khởi tín tâm. Dù Quang hèn tệ cũng sẽ làm bài tựa khen ngợi. Bản chép kinh này nên giữ trong nhà hòng làm di niệm cho con cháu đời sau.

Thêm nữa, phàm chép kinh, những chỗ giấy xếp[6] giữa hai trang sách nên đề tên kinh, số quyển, số trang để người đọc vừa nhìn vào liền biết ngay. Dẫu có sắp lộn trang cũng xếp lại không khó, sao không theo cách này khiến cho người đời sau xem đến nếu không thông Phật pháp sẽ chẳng bị mắc cái vạ điên đảo, lầm lẫn! Mong hãy viết bổ túc vào chỗ giáp trang tên sách, số trang thì công đức chép kinh mới là viên mãn! Quang mục lực không đủ lại thêm không rảnh rỗi, chưa thể xem trọn, chỉ tùy tiện nêu ba bốn chữ trong bản chép ấy, những chỗ khác chưa coi, không thể biết được!

***

[1] Tục Thể là lối viết thường dùng trong dân gian cho nhanh, không đúng với cách viết chánh thức của chữ Hán, như chữ Đăng 燈 viết thành灯, Thiên 遷 viết thành 迁 v.v… Đặc điểm lớn nhất của Tục Thể là giản lược nét bút, đôi khi biến cải âm thanh. Đa số chữ Tục Thể biến thành chữ Hán giản thể hiện thời.

Thiếp Thể là lối viết trên các tờ thiếp, bình phong, quạt cho đẹp, mềm mại hơn lối viết cứng cỏi dùng để khắc bia.

Biến Thể là cách viết biến đổi tự dạng sao cho thật đẹp, thật bay bướm trong thư pháp, gần với lối chữ Thảo.

Nói chung, ba thể loại này khiến người không chú ý dễ đọc sai chữ, hoặc hiểu lầm ý nghĩa, thậm chí không nhận được mặt chữ, nên bị Tổ quở.

[2] Sở dĩ nói là trái thời vì thời cổ, các chữ ấy được dùng lẫn nhau không phân biệt. Nay nếu viết theo lối cổ, sẽ gây hiểu lầm; ví dụ chữ Ma 魔 (ma quỷ) khác với Ma 磨 (mài).

[3] Thương Hiệt: Theo truyền thuyết, Thương Hiệt là sử quan của Hoàng Đế, ông là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Hán.

[4] Trùng văn điểu thư: chỉ lối chữ Hán theo lối cổ, lối viết ngoằn ngoèo giống như con nòng nọc nên còn gọi là chữ Khoa Đẩu, “trùng văn điểu thư” là chữ viết trông giống như con trùng, hoặc vết chân chim.

[5] Phá Thể là những chữ viết tự sáng chế không tuân theo năm thể loại Tục Thể, Thiếp Thể, Biến Thể, Bi Thể cũng như không tuân thủ các loại chữ Hành, Chân, Khải, Thảo.

[6] Khi xưa chép kinh, chép sách trên một mặt mảnh giấy dài, chép đủ bao nhiêu trang đó sẽ xếp tờ giấy ấy sao cho có mặt có chữ lộ ra ngoài, khâu lại thành sách. Những chỗ xếp giấy giữa hai trang thường có dòng chữ đề tên sách và số trang.