NẺO VỀ HAI LỐI
Hòa thượng Thích Giác Quả
PHẬT GIÁO NGÀY NAY
Ngày nay, Phật giáo đã đi sâu vào thời kỳ Mạt pháp trên một ngàn năm, không còn giữ được tính nguyên chất của Phật giáo thời đức Phật tại thế và thời kỳ Chánh pháp; đồng thời, thực chất của Phật giáo Tượng pháp cũng đã bị đánh mất. Hiện tại, Phật giáo đã suy mạt, phân hoá, mất chất một cách trầm trọng.
I. Phật giáo thế giới.
Giờ đây, Phật giáo không còn hạn chế trong phạm vi Châu Á, mà đã được phát triển khá rộng rãi đến cả bốn châu còn lại. Nhưng trên thực tế, cũng chỉ là Phật giáo của thời Mạt pháp.
Căn cứ vào sự sinh hoạt của Phật giáo trên thế giới; tối thiểu, chúng ta có thể quy kết vào bốn loại:
1) Phật giáo truyền thống.
Là Phật giáo vẫn duy trì sắc thái nội dung tu tập của thời Chánh pháp và Tượng pháp. Trong này, những Phật tử là những hành giả thực hiện tiến trình tu tập để liễu tri về tự thân và vũ trụ, chứng đạt giải thoát. Tiến trình mà hành giả thông qua bằng cách chân thành học hỏi Tam tạng giáo điển Kinh-Luật-Luận, nói gọn là Giới-Định-Tuệ (Văn, Giáo); rồi tư duy đúng hướng để lãnh hội Pháp, Luật khế hợp ý Phật, nhất như với chân lý (Tư, Lý); với kết quả của tư duy này, hành giả hiện thực qua ba nghiệp thân-khẩu-ý để chuyển lý thuyết biến thành thái độ sống, an trú trong Chánh pháp (Tu, Hạnh); thời điểm tri-hành dung thông, hợp nhất là chứng đạt giải thoát (Quả).
Ngày nay, tiếc rằng loại Phật giáo truyền thống này rất hiếm trên thế giới, về các loại Phật giáo khác thì đã lệch lạc rất nhiều so với Phật giáo truyền thống.
2) Phật giáo nghi lễ.
Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo theo định nghĩa thông thường, vì rằng Phật giáo không phải là một hệ thống tín ngưỡng, lễ bái, van xin, đem sinh mạng trao cho một đấng Thần linh siêu hình; mà là một nền giáo dục nhân chủ, nhân bản; nền giáo dục đức hạnh siêu việt chuyển hoá con người từ địa vị phàm tục trở thành Thánh nhân, Phật đà. Nền giáo dục này đã tác thành người xuất gia sống đúng Chánh pháp từng ngày theo biến dịch của thời gian, bằng biểu hiện nửa thời gian trong ngày dành cho “hạ thủ công phu” hoặc Thiền, hoặc Tịnh hay Mật…nửa thời gian còn lại dành vào việc nghiên cứu, học hỏi giáo điển và thuyết giảng.
Ngày nay, cách sinh hoạt đúng Pháp này không còn nữa; giờ đây, các Tự viện đa phần là cơ sở tương quan giữa hàng xuất gia và tại gia về các việc cúng tế, cầu đảo. Kinh, Tượng đã trở thành những phương tiện kiếm sống của người xuất gia, và đối tượng cúng bái cầu phước lộc của người tại gia . Với sự suy thoái về Chánh kiến của hàng con Phật như thế, nên đã biến Phật giáo trở thành một tôn giáo tầm thường, Phật giáo của những nghi lễ ma chay, đình đám…hướng ngoại, vong thân.
3) Phật giáo kiến thức.
Giáo lý Phật giáo hẳn nhiên không phải là một hệ thống triết học, văn học thuần tuý, mà là một hệ thống giáo dục đạo đức và trí tuệ siêu việt, hoán chuyển hai lĩnh vực tình cảm và kiến thức của con người thăng hoa thành hai đức tính Từ bi và Trí tuệ siêu đẳng, để từ một con người tầm thường đầy hệ luỵ trần thế thành một đấng Siêu nhân, giải thoát hoàn toàn mọi ô nhiễm Tam giới. Quá trình để đạt được cứu cánh giải thoát này , đòi hỏi một hành giả khi học tập giáo lý phải thực nghiệm chuyên sâu công đoạn Văn-Tư-Tu nghiêm minh, để chuyển tải Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ hữu lậu phàm phu hình thành Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ vô lậu Thánh nhân.
Dẫu rằng, công năng của nền giáo dục Phật giáo đối với hàng Phật tử nói riêng, có hệ quả thiết thực toàn thiện như thế; nhưng rồi, cũng chính hàng Phật tử là những người trực tiếp biến giáo lý như một môn thế học, để trở thành đối tượng nghiên cứu, học hỏi; nhằm để vừa trang bị kiến thức, vừa củng cố địa vị lợi-danh trên thị trường văn hoá thế nhân.
4) Phật giáo lai căn.
Phật giáo lai căn là loại Phật giáo đã tiếp nhận những tư tưởng và động thái hoặc của các tôn giáo khác hay các tập quán thế tục vào đời sống của mình. Những thành viên trong loại này hoặc vô tình hay cố ý đã biến những mẫu ngoại lai này như là nội dung của Phật giáo, bằng cách pha trộn chúng vào trong giáo lý và phương pháp tu tập của Phật giáo đích thực, để trở thành một loại vừa Phật giáo vừa ngoại lai; hơn thế nữa, trong loại này có các nhóm còn đi xa hơn, là chỉ mượn một số ngôn từ và hình thức của Phật giáo, còn nội dung và mục đích thì hoàn toàn ngoại nhập.
Với người có nhận thức trong sáng hay có Chánh kiến, thì các mẫu ngoại lai này rất dễ nhận diện. Đại để, những gì trái chống với lý do, mục đích và cách nuôi sống đúng Pháp của người con Phật, nhất là người xuất gia, thì tất cả cái ấy là phi Phật giáo. Nói cách khác, mọi tư tưởng và hành hoạt không khế hợp Oai nghi, Giới luật và Kinh pháp đã được ghi trong Tam tạng giáo điển thì những thứ ấy là lai căn.
Ở một góc độ để nhìn, thì Phật giáo nghi lễ và Phật giáo kiến thức cũng đã lai căn khá trầm trọng. Tuy vậy, cấp độ tai hại cho Phật giáo và xã hội không bằng Phật giáo lai căn này; bỡi lẽ, bản thân của loại Phật giáo này hoàn toàn sai lạc, nhưng với pháp môn thông qua ngôn ngữ và hành tướng rất hấp dẫn, rất lôi cuốn, dễ đánh lừa những ai nhẹ dạ, thiếu Chánh kiến.
II. Phật Giáo Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam cùng vận hành trong cộng nghiệp với Phật giáo thế giới, nên trên tổng thể vẫn hiện hữu bốn loại Phật giáo như thế.
1) Về Phật giáo truyền thống.
Hiện tại, từ Nam chí Bắc khó tìm thấy một chúng, một Phật tử trình hiện sự tu tập của mình đầy đủ sắc thái nội dung Giáo-Lý-Hạnh-Quả như thời Chánh pháp. Hoạ hoằn, rải rác đó đây có vài vị biểu hiện Chánh tín, Chánh kiến và Pháp hành của mình khá đậm nét. Điểm này được hiện thực trong tinh thần cố gắng tiêu hoá Oai nghi, Giới pháp đã lãnh thọ, nhẹ nhàng với danh với lợi đang bủa vây, ít nô lệ vật dục của thị trường đương đại, có tâm khiêm hạ và trăn trở trước thực trạng suy đồi của Đạo pháp.
Một vị xuất gia trong thời điểm này có hành xử như thế, thì đã quá hiếm, quá đẹp lắm rồi. Và , những mẫu người này chính là những bậc mô phạm làm chỗ nương tựa cho bất cứ ai muốn trở thành một Phật tử có tư cách tối thiểu, có lợi ích thực tế.
2) Về Phật giáo nghi lễ.
Theo Luật tứ phần, nghi lễ là cách hành xử của Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni qua Giới luật đã thọ lãnh; đồng thời, thực hiện những quy điều về thọ giới, thuyết giới; về an cư, tự tứ; và về cách thức làm phòng xá. Đến thời Phật giáo suy mạt, một số tác phẩm dành riêng cho cúng tế ra đời, đa phần người xuất gia không học không hành Kinh Luật, mà lại thích thú học và hành các Khoa nghi ứng phó đạo tràng ấy; do đây, mà từ “nghi lễ” bị mọi người ngộ nhận như là những sinh hoạt thuộc lĩnh vực cúng tế, cầu nguyện. Đây là hiện trạng xảy ra từ cuối đời nhà Trần (cuối thế kỷ XIV TL.) cho đến bây giờ. Qua nhiều thế kỷ, mặt nổi của Phật giáo là những hình thái cúng tế, nên khi nói đến Phật giáo phần lớn mọi người kể cả hàng Phật tử, điều hiểu Phật giáo là một tôn giáo chuyên việc cúng bái, cầu đảo. Từ hiểu biết lệch lạc này, người ta nghĩ rằng, đi tu là đi học nghi thức cúng bái để trở thành là Kinh sư, là Công văn, là Chủ sám hay Chứng minh.
Môi trường cúng bái là một trong những thị trường của danh và lợi, nên phát sinh lắm chuyện nhiêu khê. Không tu tập thì danh-lợi là đối tượng rất hấp dẫn, chúng lôi cuốn, trói buộc đủ các thành phần, trong đó vừa là người xuất gia, vừa là người xuất gia hoàn tục, vừa là một số hội viên các khuôn hội. Do sự cúng bái vừa có tuổi thọ dài lâu, vừa phát triển sâu rộng, nên đã biến Phật giáo như một tôn giáo Thần quyền thuộc hệ đa Thần. Chư Phật, Bồ tát… Hộ pháp trở thành những vị ban ân giáng phước; Kinh điển, Pháp khí trở thành những phương tiện cho việc cầu đảo, cúng bái ấy.
3) Về Phật giáo kiến thức.
Thời xưa, mỗi ngôi chùa là một trường học, vị Bổn sư là Giáo thọ mà đệ tử là học trò. Sau đó, các Tu viện ra đời thì các vị Giáo thọ và học Tăng cùng chung sống trong quy luật Thiền môn. Về giáo dục thì chú trọng Giới-luật hơn Kinh-luận, các vị Giáo thọ trao truyền kinh nghiệm tu tập cũng như kiến giải về Oai nghi, Giới luật và Kinh-luận đến học Tăng; nếu cần ngoại giáo hoặc kiến thức xã hội thì sẽ được học hỏi tại Già lam không giao tiếp bên ngoài, không khí giáo dục, hành hoạt không mang sắc thái của học đường, nên khi mãn khoá mỗi học Tăng được trang bị ổn định về Phật pháp căn bản, về Chánh tín đối với Tam Bảo, về Chánh kiến đối với tự thân, thế giới, và về đạo phong đức hạnh. Sự giáo dục này được truyền trì từ thế hệ này đến thế hệ khác làm Chánh pháp rực sáng giữa cuộc đời, làm lợi lạc cho nhân quần xã hội.
Đến khi Phật giáo chuyển mình (giữa thế kỷ XX TL) muốn đem Phật học vào xã hội, nên cách giáo dục cũ chuyển sang mô thức học đường. Giờ đây, trên toàn quốc thi đua mở các trường Phật học, nào Sơ cấp, nào Trung cấp, nào Học viện. Do sự cải đổi giáo dục này nên học Tăng, học Ni nghiêng về thế học xem thường Phật học, thậm chí có nhiều vị chỉ học thế học mà thôi. Xuất phát từ tư tưởng lệch hướng như thế, nên ngay đối với hàng xuất gia, Phật pháp chỉ là một môn học để trang bị kiến thức nhằm tôn vinh tự ngã, do đây phong trào tranh nhau vì học vị như một “mê hồn trận” mà ít ai trong học Tăng, học Ni hiện tại không bị “mê hồn”. Và, do cái học mất gốc, nên người có bằng cấp càng cao, kiến thức càng rộng thì cái ngã càng lớn, chẳng ích lợi gì cho Đạo pháp, trái lại, còn đầu độc tà kiến cho tha nhân, xã hội.
4) Về Phật giáo lai căn.
Hiện nay, loại Phật giáo lai căn này rất phổ biến dưới nhiều dạng thức tại Việt Nam; trong đó, một số du nhập từ nước ngoài, số còn lại phát xuất trong nước. Do trình độ tâm linh hạn chế, nên các tín ngưỡng ấy được các giới Phật tử nhiệt tình đón chào và chấp nhận một cách dễ dàng không cần suy xét.
Các tín ngưỡng nhập từ nước ngoài như: Phật giáo Thanh Hải Vô Thượng Sư; Phật giáo Phật Chúa thờ chung; Cách ngồi thiền buông thả tâm trí sau khi đọc một câu mật chú, kế đó tiếp nhận “điển lạ” đưa đến “cảnh giới khác” học hỏi. Hoặc cách tu tập điều hoà âm dương hay thiền định đi tìm những lạc thọ. Bên cạnh, có các tín ngưỡng phát sinh trong nước như: Thiền của nhóm Pháp hoa, vị Sư trưởng sẽ xuất thần đi điểm hoá cho đệ tử, môn đồ; dạng thiền định của Nhân điện thần quyền hoặc dạng Diêu Trì Thánh Mẫu và Bồ Tát Quán Âm cùng thờ chung ở các đền, các điện. Gần đây, vấn đề “Ngoại cảm” hay còn gọi là “Ngoại thấu thị” chuyên tìm kiếm mồ mả cũng ảnh hưởng nhiều đến hàng Phật tử.
Trong loại Phật giáo lai căn này, hầu như đa phần họ vẫn sử dụng ngôn ngữ và hình thức của Phật giáo truyền thống, nhưng đây chỉ là nghệ thuật đánh lừa hàng Phật tử thiếu Chánh kiến, để trở thành môn đồ của họ, nhằm “thay tâm đổi hình” Phật giáo đích thực, vốn đã hiện hữu trên trần gian này hàng thiên niên kỷ, đồng thời dẫn mọi người hiến dâng cho Quỷ thần, Ma vương.
***
Tựu trung, sở dĩ Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng bị phân hoá thành nhiều loại như thế; hẳn nhiên, nguyên nhân chính yếu là do hàng Tăng sĩ học sai, tu dỗm, cuộc sống lệch lạc với Luật, Pháp. Do vì, Tăng sĩ là nồng cốt của Phật giáo mà lại thoái hoá như vậy, thì do đâu mà hàng cư sĩ có Chánh tín, có nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo! Đây chính là hai yếu tố chủ yếu dẫn đến Phật giáo suy mạt. Riêng về sự suy mạt của Phật giáo Việt Nam đến độ hương vị đạo Phật gần như khô kiệt đã được Hoà Thượng Thích Mật Thể nhận định vào thời điểm giữa thể kỷ XX rằng:
“Cuối nhà Trần (1225-1400): Ấy là đạo Phật đến ngày bất hạnh. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có thể gọi thời đại này là thời đại Phật giáo lạc đạo gốc. Thời hậu Lê (1425-1527): Xét những điều kể trên, ta đủ biết Phật giáo đời này chỉ còn là sự cúng cấp, cầu đảo, và Tăng đồ đã thành những tay sai đáng thương hại của vua quan hoặc của các nhà có tiền khi muốn cầu tự, cầu tài. Thời cận đại (Triều Nguyễn): Thật ra, Phật giáo thời này đã kém lắm rồi, nên dầu các triều vua tín ngưỡng sùng phụng mà tinh thần Phật giáo vẫn suy. Ôi ! tinh thần Phật giáo đến đây hầu như đã tuyệt. Thời kỳ hiện đại (thập niên 1930): Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong các Sơn môn vẫn đang mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người đã thức tỉnh.”1.