HỒI KÝ PHÙNG PHÙNG
Hạnh Đoan biên dịch
LẦN ĐẦU GẶP NGÀI TUYÊN HÓA
(Tháng Sáu năm 1976)
Từ lâu tôi đã ngưỡng mộ danh tiếng của ngài Tuyên Hóa ở Vạn Phật Thành bên Mỹ. Mười mấy năm trước, tôi rất muốn đi nghe ngài thuyết pháp, nhưng do bận rộn nên chưa tiện rời Canada qua San Francisco.
Thật cảm ơn Giáo thọ Băng Doanh vì đã gởi báo Phật giáo cho tôi xem. Trong đây có mấy quyển tạp chí “Kim Cang Bồ Đề Hải” viết theo thể văn song ngữ Trung Anh, do Hội Phật giáo San Francisco ấn hành. Bên trong có đăng bài Thượng nhân Tuyên Hóa giảng, được đệ tử thu âm ghi chép lại (Đây là lần đầu tôi tiếp xúc với ngôn giáo của ngài Tuyên Hóa).
Tháng 6 năm 1976, tôi từ Canada qua Mỹ, nghe danh Vạn Phật Thành và Kim Sơn, nên đã đến cầu kiến ngài Tuyên Hóa, nhưng không gặp. Tôi bèn đi qua Nam Cali kinh doanh, có lần bị thất bại suýt phá sản, nên trong lòng phiền não lắm. Từ Nam Cali tôi quay về Bắc Cali, lại đến Kim Sơn, được ân sư Tạ Băng Doanh viết thư giới thiệu, tôi bèn đến chùa Kim Sơn cầu kiến ngài Tuyên Hóa, lần này may mắn được gặp, tôi nhìn vào đỉnh trán Ngài, (tuy đã gặp qua nhiều cao Tăng nhưng xưa nay tôi chưa từng quỳ xuống bái lễ), tính tôi vốn cứng cỏi, hay tranh biện và tinh nghịch, chẳng dễ thần phục ai. Kinh Phật giáo lý dù tôi chẳng thông, chỉ giỏi lượm lặt lời, dùng cách riêng của mình để làm khó các hòa thượng). Vì vậy mà khi mới gặp ngài Tuyên Hóa, tôi vẫn không chịu làm lễ).
Ai ngờ, như đã có duyên sâu với nhau từ thuở nào, mới vừa đàm thoại cùng Trưởng lão, thì buổi trò chuyện trở nên quá thú vị và kéo dài đến năm tiếng đồng hồ,Thượng nhân Tuyên Hóa đã khiến tôi tâm phục khẩu phục, phải trân quý thuận tùng, đến mức phát sinh lòng tôn kính, bái lễ nhận sư.
Nhưng thực ra tôi cũng chưa chính thức quy y Trưởng lão, chỉ là do bản thân mình vì quá kính trọng nên đã gọi ngài là sư phụ, mà Trưởng lão cũng không ngại tính tôi ngang ngược, ngài rất giỏi chịu đựng sự vô lễ phóng túng của tôi (ở Kim Sơn tự lễ tiết rất nghiêm, các chúng đệ tử dù là người Mỹ hay người Hoa, bất kể hàng tại gia hay xuất gia, hễ gặp Trưởng lão, thì không ai mà chẳng tam quỳ, cửu bái. Chỉ có riêng Hầu nhi tôi là ban sơ chỉ vái chào ngài mà thôi).
Tôi trụ nơi đây hơn mười hôm, thường theo bên cạnh Thượng nhân, hay giở thói liếng khỉ đến ngài phải chóng mặt. Tôi rất may mắn, vì từ lúc gặp Trưởng lão rồi, thì khả năng thiên nhãn của thời ấu niên, hình như đang dần hồi phục trong tôi. Những lúc thấy dị tượng hay cảnh lạ… ở Vạn Phật Thành, tôi thường bép xép… khiến cho hàng trăm đệ tử Thượng nhân ngày nào cũng tìm đến, hỏi này hỏi nọ, khiến Trưởng lão phải một phen răn nhắc, nhưng tôi vẫn chưa sửa được cái tật lắm mồm của mình.
Trước khi biết đến ngài Tuyên Hóa, từ thuở ấu thơ tôi đã gặp qua Trưởng lão Hư Vân một lần, được ngài dạy chớ đa ngôn, từ đó về sau tôi không còn gặp lại ngài, nhưng đã biết giữ mồm cẩn thận.
Khi tôi ngụ tại Kim Sơn Tự nghe pháp, mới biết ngài Tuyên Hóa giảng kinh không cần chấp bút biên soạn trước tư liệu gì cả. Mỗi khi ngài đăng đàn thuyết giảng là văn chương tuyệt vời cứ tự phát khởi thao thao bất tuyệt, lưu loát trào tuôn. Ngay lúc đó các đệ tử ngài dùng máy thu ghi âm lại, rồi dịch ra Anh văn cho đăng lên báo. “Kim Cang Bồ Đề Hải” thuở đó chỉ là tờ báo thô sơ, chẳng được quy mô như hiện giờ, nhưng nội dung rất hay.
Thời ấy tôi đang tuổi thiếu niên háo thắng, tình cờ xem trong báo thấy có một số từ Hoa ngữ dịch sang Anh bị sai, nên đã bạo gan hạ bút viết một phong thư dài gởi cho ngài Tuyên Hóa, bày tỏ thiện ý đóng góp phê bình (dù tôi có thú nhận là bản thân mình cũng kém cỏi, dịch chưa tốt lắm).
Nhiều năm sau, ngài Tuyên Hóa tình cờ nhắc đến chuyện này, mỉm cười bảo tôi:
– Con không viết bài cho báo, ngược lại còn hùng hổ phê bình chúng ta một trận, nhưng mà phê rất đúng, chúng ta đều đã tiếp thu và chỉnh sửa cả rồi đấy.
Hòa thượng Tuyên Hóa tính rất khiêm cung, khiến tôi càng khâm phục, tôn kính và càng thấy mình quá nông cạn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa viết cho báo này, chẳng phải là tôi không muốn, nhưng lực bất tòng tâm. Bởi tôi chỉ là người chuyên viết tiểu thuyết, trong khi tạp chí “Kim Cang Bồ Đề Hải” đa phần là văn chương lý luận, nên tôi chẳng tiện góp bài, vì chẳng biết viết sao cho tốt. Thêm phần tôi đang nhận viết Tùy bút cho nguyệt san Nội Minh (là tờ báo Phật học uy tín tại Hương Cảng đã mấy năm nay), tuy Nguyệt san Nội Minh chuyên đăng những bài văn nghị luận Phật giáo thâm áo, song cũng có chèn vào ít tác phẩm văn nghệ, tiếp nhận những bài sáng tác phá cách. Còn báo “Kim Cang Bồ Đề Hải” đến nay vẫn chưa mở rộng nội dung, mà dù tôi có muốn viết chăng nữa, thì hiện thời do tôi còn nợ bản thảo cho tờ báo mình đang cộng tác quá nhiều, nên không thể viết, mà tôi cảm thấy viết tiểu thuyết Phật giáo không dễ nên đã nhiều lần hướng ngài Tuyên Hóa xin lỗi, nhưng ngài luôn nói: Không có gì gấp, hãy cứ thong thả.
Ngài Tuyên Hóa và Kim Sơn Tự
Địa điểm Kim Sơn Tự tọa lạc tại Mỹ quốc là một khu vực náo nhiệt, tuy không thuộc khu vực bề thế quan trọng, song cũng rất gần với cảnh phồn hoa: Vì chỗ nằm chẳng cách xa rạp chiếu phim và viện điện ảnh bao nhiêu. Cạnh đó còn có ba bốn câu lạc bộ, đối diện chùa là mấy cao ốc khách sạn, ngày đêm đều có phụ nữ tới lui rộn ràng huyên náo, ở góc đường thường có các thanh niên tụ tập, tôi luôn cảm thấy khu vực này không được thanh tịnh, nên rất thắc mắc, không hiểu sao Trưởng lão Tuyên Hóa và các chúng cao đồ ban sơ lại chọn địa điểm này để lập chùa? Tôi cũng không biết được là vào thuở đầu tiên ấy thầy trò họ lập nghiệp rất vất vả, gian nan.
Nguyên là mười mấy năm trước ngài Tuyên Hóa từ Hương Cảng qua Mỹ truyền pháp, khi đến San Francisco, trong mình ngài chỉ có mấy mươi đồng. Trước tiên ngài thuê tầng hầm của một một tiệm trong khu phố Tàu để làm nơi trú ngụ và thuyết pháp. San Francisco là đại đô hội phồn hoa muôn màu muôn vẻ, là chốn hưởng thụ vật chất, là nơi thanh sắc phô bày, có trăm hồng ngàn tía xênh xang. Lúc đó đa số người ta đối với Phật giáo không hứng thú, nên chẳng ai chú ý đến tiểu Phật đường nhỏ bé, vô danh nơi tầng hầm của khu phố Tàu. Ngài Tuyên Hóa vẫn bền chí ôm bi tâm, chí hùng; không ngừng lên kế hoạch truyền pháp. Ngài đã khổ công tạo ra nơi học Phật, cuối cùng cũng được giới nhân sĩ chú ý đến.
Nhiều người đã kể lại câu chuyện thú vị về ngài như sau:
Lúc ngài ở tầng hầm truyền đạo được mấy năm (đây là một đạo tràng nghèo nàn, chật hẹp… vô phương phát triển), dù đã có nhiều người biết đến, nhưng chưa được người xem trọng, cho đến khi một kỳ tích xảy ra làm chấn động cả miền Tây nước Mỹ…
Người ta kể rằng: Đương thời có một vị phu nhân quyền quý trong xã hội bị chứng ung bướu sắp chết, tại y viện các bác sĩ đều nói là vô phương cứu chữa. Phu nhân này tự biết mình không qua khỏi, liền bảo người nhà hãy thỉnh Hòa thượng tới tụng kinh cho bà. Lúc đó ở San Francisco, Tăng sĩ rất ít, người nhà biết đi đâu tìm bây giờ? Bỗng họ sực nhớ mình từng đi ngang qua khu phố Tàu và có thấy một Hòa thượng tụng kinh ở đấy, họ liền nghĩ: Thôi thì, trước tiên hãy thỉnh ông này đến tụng kinh cho quý phu nhân. Cả nhà lúc này đối với chuyện tụng kinh cũng hoàn toàn không có mong cầu gì, chỉ là muốn đáp ứng khát vọng của người sắp chết mà thôi.
Trưởng lão Tuyên Hóa nhận lời đến bệnh viện, ngài ở trước quý phu nhân, tụng kinh liên tiếp suốt mấy ngày. Về bản kinh thì có rất nhiều lời đồn thuật không đồng nhau: Có người nói lúc đó ngài tụng chú Đại Bi, người thì bảo là ngài tụng Tâm kinh, có người thì nhất quyết khẳng định là ngài tụng chú Lăng Nghiêm (mỗi người nói một kiểu…) Tổng kết lại: Nếu nói là tụng “kinh Phật” thì đúng nhất.
Sau đó, kỳ tích xuất hiện, vị quý phu nhân này sau khi nghe kinh rồi, không những bà chẳng chết đúng như hạn kỳ bác sĩ tiên đoán, ngược lại còn dần dần hồi phục rồi khỏe mạnh luôn. Sau đó bệnh viện kiểm tra thấy ung bướu trong mình bà tiêu tan đâu mất hết.
Việc này tất nhiên gây chấn động khắp miền Tây nước Mỹ, khiến giới nhân sĩ Trung Hoa, Tây phương nườm nượp tìm đến phỏng vấn ngài, song ngài luôn khiêm cung, chẳng chịu nhìn nhận là nhờ mình tụng kinh, mà luôn nói: Tất cả đều do lòng chí thành kính tin Phật pháp mà thu được kỳ tích!
Tôi cũng có hỏi về việc này nhưng ngài Tuyên Hóa chỉ cười đáp:
– Ta cũng chẳng hiểu nữa, ta không có tài trị bệnh, cũng đâu giỏi phép thuật chi, chỉ toàn là tụng kinh Phật thôi!
Thượng nhân tính vốn khiêm cung, Ngài chưa từng kể hay khoe khoang bất kỳ chuyện hay, chuyện lạ nào. Thực tế, trong lúc ngài khổ hạnh hoằng pháp hơn mười năm, những chuyện kỳ diệu xảy ra phải nói là nhiều không kể xiết, nhưng bản thân ngài không hề khoe khoang hay nhắc đến mấy việc này, chỉ có chúng đệ tử vì quá ngưỡng mộ nên đã kể cho nhau nghe thôi.
Nếu có ai hỏi, ngài đều nói: Giả như có chuyện kỳ diệu, thì đó là nhờ người có lòng tin, có tâm chí thành và thiện niệm… nên mới được Phật Tổ, Long, Thiên… chúc phúc gia trì.
Ngài giảng kinh không ưa dùng kỳ tích hay chuyện lạ để tuyên truyền, ngài cho rằng quan trọng nhất là truyền bá chân nghĩa Phật pháp. Suốt thời gian tôi thân cận và dự thính các buổi thuyết giảng của ngài, tôi chưa từng nghe ngài nhắc đến bất kỳ chuyện lạ nào. Khi ngài giảng kinh, thái độ cực kỳ nghiêm túc. Chung quanh ngài, bất kể là chúng đệ tử xuất gia hay tại gia, họ đều hành xử thập phần kính cẩn tôn nghiêm. Nhưng trong xã hội, những truyền thuyết và kỳ tích về vị cao tăng này đã xảy ra rất nhiều, thật sự là nhiều vô số kể.
Bản thân tôi cũng là một kỳ tích đây, vì một kẻ cứng đầu ngang bướng cỡ tôi mà còn bị ngôn hành giáo pháp của ngài làm cho chấn động đến phải phát tâm kính phục, thì đó không phải chuyện lạ hay sao?
Ngài Tuyên Hóa truyền pháp tại phố người Tàu, đã hấp dẫn khiến cho người Mỹ phải chú ý, tôi cho rằng mấu chốt quan trọng chính là do ngài thuyết giảng quá sâu sắc, quá hay. Ngài đã đem tinh hoa Phật pháp giới thiệu cho xã hội Tây phương, nên mới được các thanh niên và phần tử trí thức nước Mỹ xem trọng. Còn về các chuyện lạ xảy ra, thì đương nhiên cũng có tác dụng giáo hóa rất lớn, mặc dù xuất hiện kỳ tích, song nếu không kiên cường dùng Phật lực và tinh túy giáo lý để cảm hóa, thì khó thu được thành tựu vĩ đại như hôm nay.
Giới trí thức ở Mỹ nườm nượp đến nghe ngài Tuyên Hóa giảng kinh, nhiều đại học xúm nhau mời thỉnh ngài vào trường thuyết giảng kinh Phật. Nhiều tiến sĩ, nhân sĩ nghe ngài thuyết pháp rồi, thì phát nguyện qui y Tam bảo; phát nguyện xuất gia, xin được tu học dưới tòa ngài. Họ tinh tấn nghiên cứu Phật lý, phiên dịch kinh Phật ra Anh văn.
Các thanh niên Mỹ có bằng Tiến sĩ, Bác sĩ, Thạc sĩ… tốt nghiệp từ các đại học nổi danh đã theo tu học dưới tòa ngài nhiều không thể kể hết. Chúng đệ tử thanh niên này tốt nghiệp đủ ngành nghề, thuộc hàng ưu việt; nhưng họ lại tự nguyện buông bỏ danh vọng, chức cao, lương hậu… để theo ngài xuất gia làm Tăng, Ni… tinh tấn tu học hoằng pháp, tự nguyện sống thanh bần kham khổ, dốc sức nghiên cứu và truyền bá Phật pháp.
Ngài cùng nhóm đệ tử (là những nhân tài ưu tú của Mỹ quốc) đồng cam cộng khổ phát triển đạo pháp; ngài hướng dẫn Hội Phật Giáo Trung Mỹ, khởi đầu từ tầng hầm nhỏ bé nhưng đến hôm nay cơ nghiệp đã phát triển quy mô thành “Đại Học Vạn Pháp Giới Vạn Phật Thành”, là một cơ sở Phật giáo đầy đủ, bề thế… nổi tiếng tại Bắc Mỹ. Những gian khổ mà ngài và chúng đệ tử đã từng trải qua, thật khó mà kể hết được, ngay chính tôi cũng không thể dùng ngòi bút và văn chương hạn hẹp của mình để mô tả cho xuể những phấn đấu cam go đó.
Đầu tiên ngài và chúng đệ tử mua một tòa nhà lớn tại San Francisco làm Đạo tràng và Đồ thư quán, hiện nay đã đổi thành nơi trú ngụ của hơn mấy mươi vị Ni chúng (là nhóm nữ đệ tử người Mỹ) họ đã qui y, tu theo Thượng nhân, quý vị này đều có học thức cao, hiểu đạo uyên thâm, phiên dịch kinh Phật rất giỏi.
Đệ tử Thượng nhân và chúng tại gia đã hợp lực mua một tòa công xưởng Diêm Quẹt tại đường 15, cùng xây dựng tu bổ… thành ngôi Kim Sơn Tự ngày nay, dù mức độ quy mô chưa thể gọi là khôi hùng, song mỗi lần ngắm nhìn ngôi đại lâu Phật điện ba tầng này, tôi cũng thấy rộng lớn lắm rồi.
Trong một buổi lễ tại Kim Sơn Tự, tôi đã phỏng vấn Thượng nhân, nêu thắc mắc như sau:
– Ngôi chùa này được xây tại chốn phồn hoa, thì làm sao có thể yên tĩnh, thanh tịnh được?
Thượng nhân mỉm cười đáp: Đúng vậy! Vì đây là nơi phồn hoa, nên rất thích hợp để thử thách… khảo nghiệm ý chí của người xuất gia tu hành!
Nghe vậy tôi hoát nhiên đại ngộ: Phải đấy! Chỉ cần bước ra khỏi cổng, thì bên ngoài chính là thế giới phồn hoa đầy thinh sắc quyến rũ, cái gì cũng có…
Người xuất gia nếu không có ý chí kiên nghị vô bờ, thì khó mà kháng cự lại tất cả những quyến dụ từ cảnh giới bên ngoài. Thời gian tôi trụ tại Kim Sơn Tự, đã âm thầm quan sát chư tu sĩ nơi đây: Tôi thấy các thanh niên Mỹ quốc xuất gia này đối với bao quyến rũ của ngoại giới, họ đều có thái độ dường như “không thấy không nghe, tâm tư vô cùng bình thản”… khiến người phải khâm phục.
Có lẽ tôi nằm trong thiểu số đệ tử tại gia may mắn, có vinh hạnh được thân cận gần gũi Thượng nhân nhất, được nghe ngài chỉ dạy tỉ mỉ… Ngài dư biết tôi là một kẻ cứng đầu ương bướng, nhưng lại đối với tôi vô cùng từ bi thiết tha, luôn dịu dàng từ ái, bảo ban, đặc cách cho phép tôi được theo hầu bên cạnh ngài.
Tôi là một trong số ít người được phép đi vào thiền phòng ngài, đồ đạc trong đó rất đơn giản: Ngoài một bàn, một ghế ra, thì không có gì khác. Trên bàn chỉ có một số kinh điển Phật, ngài không có bất kỳ tài vật nào. Quanh năm không phân Đông, Hạ… ngài luôn mặc chiếc Tăng bào cũ kỹ, mùa lạnh thì khoác thêm cái áo bông ngắn tay… đây là toàn bộ y vật của ngài. Đương nhiên còn có một Cà sa ngài dành để đắp trong các buổi đại lễ.
Phòng làm việc của ngài ở ngoài thiền phòng, trừ cái bàn dài ra, còn có bộ sa lông để tiếp khách, trên bàn đặt mấy cây bút mực, ngoài ra không có gì.
Nói đến bút viết, tôi biết bản tính ngài không ưa cầm bút, cho dù thư pháp ngài rất đẹp, nhưng ngài không hay viết thư tín chi. Ngài thường cười bảo tôi: Chữ ta không được tốt nên không muốn viết ra!
Tôi cũng không thấy ngài viết lách hay có bất kỳ tác phẩm sáng tác nào, nhưng tôi thấy ngài thường nghiên cứu Phật học. Mỗi ngày Thượng nhân thuyết giảng, câu câu đều là văn chương tuyệt hay, tự nhiên thốt ra, chúng đệ tử chỉ cần thu âm, rồi chép lại, thế là một quyển luận giảng được thành hình, không phải do ngài đích thân sáng tác…
Tôi biết ngài chưa từng viết hay có bản thảo gì. Những lúc giảng kinh, ngài ngồi trên tòa, nói chậm rãi…
Ngài là người Đông Bắc, khi giảng thuyết luôn nói tiếng Trung đúng chuẩn, ngài thường khiêm cung tự nhận là mình không giỏi Anh văn. Chúng đệ tử Mỹ thường thu âm lời ngài giảng tại hiện trường rồi thay nhau phiên dịch thành Anh ngữ cho người tại Đạo tràng nghe.
Có lúc ngài nói mười mấy phút mới ngừng lại để cho đệ tử phiên dịch; tôi lắng nghe ngôn từ ngài giảng, càng chú ý đến phiên dịch của các đệ tử, cảm thấy họ dịch rất phù hợp, thỉnh thoảng cũng có bị dịch sai, những lúc này (vị Thượng nhân hằng khiêm cung luôn nói là mình không giỏi Anh văn ấy), sẽ lập tức chỉ ra chỗ cần sửa và hướng dẫn đồ đệ phải dịch như thế nào, rồi ngài điền từ Anh văn vào rất phù hợp, chính xác, khiến tôi phải thầm thán phục.
Phật giáo có thể dùng âm nhạc truyền bá
Những lúc Thượng nhân giảng kinh thuyết pháp hay hội họp, ngài luôn nói tiếng Trung, tôi luôn vinh hạnh được mời vào tham dự và phát hiện ra: Dù ngài nói mình không giỏi Anh văn, nhưng ngài hiểu hết, những khi cần ra chỉ thị hay cho ý kiến bổ sung chi, ngài luôn đề xuất bằng tiếng Anh rất phù hợp. Ngài còn viết một trang Phật thi bằng Anh văn. Chúng đồ đệ cảm thấy bài thơ này hay quá nên đã cho phổ thành ca khúc, đến nay thành là một trong các bài Thánh nhạc Phật giáo, được lưu hành rộng rãi.
Nói đến thi ca Phật giáo, đệ tử ngài rất giỏi sáng tạo, các Ni sư người Mỹ có tài âm nhạc, đã đem nhiều thơ kệ Phật giáo phổ thành bài hát Tây phương, tạo thành những bản hợp xướng thường nhật, bổ sung cho Phật khúc phổ thông.
Xét về truyền đạo thì Phật giáo không mạnh bằng Cơ Đốc, nguyên nhân có rất nhiều: Do nghĩa lý Phật giáo quá thâm áo, phức tạp, không dễ cho một số người tiếp thọ… thêm một nguyên nhân khác nữa là: Phật giáo thiếu âm nhạc, mà các bài thi ca, xướng tụng của Phật giáo vốn không dùng để giải trí nên thiếu sức hấp dẫn, không làm lay động lòng người, mà cái kiểu xướng tụng của người phương Đông, Trung Quốc… dân Tây họ nghe rất khó lọt lỗ tai, nếu người Tây chịu nghe nhạc Trung Quốc, thì chỉ là: Vì họ cảm thấy tò mò, chứ không hề có tí cảm xúc rung động chi… (theo ngu kiến của tôi) Phật giáo muốn hoằng truyền tốt hơn tại Tây phương thì cũng nên dùng thêm âm nhạc để cảm hóa dân Tây, vì vậy tôi rất thán phục khi nhận ra thiên tài sáng tạo của các Ni sư (cao đồ của Thượng nhân nơi đây) đã đem lại hiệu quả rất lớn.
Hiện nay Hội Phật giáo Trung Mỹ dưới sự lãnh đạo của ngài Tuyên Hóa: Các Chúng đệ tử chân chính khổ tu, hoằng pháp hữu hiệu, họ rất có tài truyền đạo. Cũng không đơn thuần do họ nhiệt tình làm từ thiện, mà còn nhờ họ biết Tây hóa, khéo léo sáng tác các bản nhạc Phật giáo đóng góp thêm vào. Tôi tự cảm thấy xấu hổ, vì từng nuôi mộng sẽ viết các bản nhạc Tây, phụ truyền pháp giúp thêm cho Phật giáo, nhưng do bận rộn mưu sinh nên chưa thể thực hiện.
Kim Sơn Tự quy củ rất nghiêm, ba giờ khuya đồ chúng thức dậy công phu, buổi sáng có nhiều công khóa, nên chúng bận rộn đến 11 giờ mới đọc kinh thọ thực, trong chùa thường ăn đúng ngọ, quá 12 giờ không dùng. Ăn trưa rồi, đồ chúng nghỉ ngơi một chút, sau đó mỗi người tự làm nhiệm vụ của mình.
Buổi tối có giảng kinh, bảy giờ đại chúng tề tựu tụng kinh nhiễu Phật, tám giờ ngài Tuyên Hóa thăng tòa giảng thuyết (gồm mấy mươi quyển kinh Pháp Hoa và các bộ kinh lớn khác, mỗi ngày giảng một đoạn) đệ tử thu âm, ghi ra băng đĩa, tính ra đã được hơn hai vạn quyển rồi.
Mười giờ tối toàn chùa chỉ tịnh, trừ đèn cúng Phật còn thắp sáng ra, tất cả chỗ đều tắt. Nếu có kẻ duy nhất không tuân quy củ, e là chỉ có mình tôi! Tôi có thói quen viết lách thâu đêm, làm sao mà ngủ sớm được? Tôi thường ở trong phòng mình xem sách, mãi đến nửa đêm mới có thể ngủ, phòng ngủ tôi được sắp ở cạnh thiền phòng ngài Tuyên Hóa, xem như tôi cực kỳ gần ngài.
Sư phụ thỉnh thoảng cũng hay qua gõ cửa, hỏi thăm tôi mền có đủ ấm? Có cần gì nữa chăng? Ngài cư xử từ ái, thân thiện, ấm áp như cha mẹ đối với con. Ngài hay cùng tôi trò chuyện, có khi đến nửa đêm; có lúc đàm đạo đến một hai giờ sáng. Bình thường ngài không nói cười cẩu thả, lúc này trông ngài thật hòa nhã, ôn nhu; ngài thường bàn về Đại Học Pháp Giới và thố lộ hoài bão hoằng dương đạo pháp với tôi. Ngài rất khiêm cung, các vấn đề ngài nêu ra thường hay trưng cầu ngu ý của tôi để tham khảo.
Có lúc ngài đặc biệt vì tôi giảng một số Phật kinh. Tôi ngủ muộn không tuân theo thanh quy chùa, khiến ngài cũng nhọc nhằn phá lệ thức khuya theo, các đệ tử trong chùa đều nói: Sư phụ chưa từng làm thế với ai bao giờ.
Ngài không ưa thù tạc xã giao thế tục, nhưng có rất nhiều quan lớn nổi danh trong xã hội hay đến tham bái ngài. Thượng nhân đành phải quy định mỗi ngày tiếp khách vào buổi chiều, dành ra thời gian cho họ được gặp tại phòng khách ở lầu hai. Những lúc này nếu mà tôi còn ở trong chùa, thì luôn bị ngài kêu vào cùng tiếp khách phụ với ngài.
Tận tâm tận lực vì sự nghiệp giáo dục
Nhớ có lần, ngài mời một vị giáo thọ nổi danh hội kiến, thuyết phục ông ta hãy đến Đại Học Pháp Giới Vạn Phật Thành giảng dạy một môn. Lúc đó, tôi đang đứng hầu một bên, ngài liền kéo tay tôi, bảo hãy ngồi xuống cùng ông ta. Vị Giáo thọ này ngồi bên ghế khách (Thượng nhân đang nài nỉ tha thiết; mong ông nhận dạy, nhưng ông khăng khăng không chịu, lý do là vì gia quyến ông ngụ tại Đông Mỹ; nếu dời đến đây rất bất tiện). Ông nói rằng địa điểm Vạn Phật Thành quá xa, vì nằm ở phía Bắc Cali, cách Cựu Kim Sơn (San Francisco) hơn 180 dặm Anh, nếu lái xe đường đèo phải mất mấy tiếng mới tới chân núi. Nơi đây phong cảnh ưu mỹ, có diện tích 287 mẫu Anh (khoảng 1.389.080 mét vuông – một mẫu Anh là: 4.840m2).
(Xin tả sơ một chút về Vạn Phật Thành: Trong đây cây cao chọc trời, có 44 ngôi lâu vũ xây theo kiểu Tây âu cực to. Trước đây chỗ này vốn là một bệnh viện thuộc chính quyền California quản lý, do chi phí bị tốn kém quá nhiều, nên đã cho bán đấu giá và được Hội Phật giáo Trung Mỹ (tức Trưởng lão Tuyên Hóa Kim Sơn Tự cùng các cao đồ và Phật tử) góp tiền mua, tạo thành căn cứ Phật giáo. Nơi này có sẵn thiết bị của bệnh viện và nhà ở vĩnh viễn, đủ để chứa cả vạn người, nên nhân đó ngài Tuyên Hóa cho đặt tên là “Vạn Phật Thành”. Tại đây ngài còn xây nên Đại Học Phật Giáo, được chính phủ california cấp phép, trong Đại Học Pháp Giới, ngài còn thiết lập “Viện Nghiên Cứu Phật Học” cùng “Học Viện Dịch Kinh”, “Học viện Kỷ Niệm Hư Vân Đại Sư” v.v… trong đây các môn nhân, các học giả Trung Mỹ đông vô số kể, tất cả cùng hợp lực cố gắng, gian nan lập nghiệp).
Hôm trước tôi đã dẫn vị giáo thọ nổi danh này đến thăm Vạn Phật Thành rồi. Ông ta cũng có cái khó riêng của mình, tôi thừa hiểu nỗi khổ khi phải kiên quyết chối từ nơi ông, đồng thời tôi cũng bị sự khẩn cầu của Thượng nhân làm cho cảm động, mềm lòng…
Hiện thời tôi đứng giữa hai bên, không biết phải cư xử thế nào, do khó chối từ ánh mắt của ngài, nên tôi đành ra sức thuyết phục ông giáo nhận dạy… chỉ tiếc là tôi quá vụng về mồm mép, nên có nói cũng bằng thừa.
Đang lúc khó xử thì đệ tử ngài Tuyên Hóa đến, trình báo là: Có người xin được gặp Thượng nhân. Do ngài đang bận thương nghị, nên tôi liền ngỏ ý:
– Thôi để con thay ngài xuống dưới lầu tiếp họ…
Tôi nói thế vì thầm cảm nhận được khách đến từ Đài Loan xa xôi là hai nữ sĩ (hình như họ vì chuyện tượng Phật Quan Thế Âm mà đến đây xin gặp Thượng nhân).
Ngài Tuyên Hóa cũng thường có dự tri, điều này rất nhiều người kể lại.
Mà xét ra cũng thật kỳ quái, lúc tôi ở tại tự viện bên cạnh ngài Tuyên Hóa, tôi thường có những dự tri đột ngột phát sinh, khiến tôi vô phương giải thích, vì khả năng vốn có từ thuở bé này, khi lớn lên đã bị phai nhạt (do cuộc sống bôn đào loạn lạc tôi phải vất vả tâm trí lo mưu sinh để nuôi mẹ).
Khi tôi xuống lầu, thì thấy ngoài đại môn có hai nữ sĩ từ Đài Bắc tới, vốn là hai mẹ con. Tôi vừa hỏi mục đích họ đến đây, thì quả đúng là họ muốn xin ngài Tuyên Hóa khai quang cho tượng Bồ tát Quan Thế Âm mà họ mang từ Đài Bắc đến.
Tôi ở dưới lầu tiếp đãi, xin họ đợi một lát. Ngay lúc đang trò chuyện với họ thì tôi bỗng nhìn thấy cảnh tượng: Hòa thượng Tuyên Hóa ở trên lầu đang lấy tay áo lau nước mắt… điều này khiến tôi cả kinh: Bởi vì bị ngăn cách bởi một vách tường lầu mà tôi vẫn nhìn xuyên qua và thấy rõ mồn một, có lạ không chứ?
Tôi rất lo, nên vội kéo mấy vị đại đệ tử của ngài Tuyên Hóa đi theo mình và nói: Hãy mau mau lên lầu xem… Sư phụ đang khóc ở trên đó!
Chúng đệ tử biết tôi thường có những dự cảm ly kỳ, nên họ không hỏi nhiều, cùng lao lên tầng hai nhanh như cơn gió, quả nhiên chúng tôi đồng chứng kiến cảnh Thượng nhân đang đưa tăng bào lên lau lệ… còn vị giáo thọ kia thì ngồi im lặng cúi đầu.
Chúng đệ tử vừa thấy cảnh này, thảy đều quỳ xuống trước Thượng nhân, không ai dám nói câu nào, tôi vội đến bên ngài an ủi, tôi nói:
– Sư phụ đừng có buồn như vậy, ông giáo không chịu trợ giúp đào tạo nhân tài cho Đại Học Pháp Giới, thì vẫn còn nhiều học giả khác sẽ đến giúp ngài, hà tất phải buồn như thế? Thiên hạ này rộng lớn, đủ duyên thì việc thành, đâu cần phải ép buộc người không có duyên?
Tôi ăn nói không khách khí, ngầm trách móc ông giáo thọ nổi danh kia (đây là khí lượng hẹp hòi của tôi, thực ra không cần phải vậy).
Thượng nhân đáp:
– Ta chỉ hận mình vô năng, muốn cầu hiền tài trợ giúp tốt cho đại học Pháp Giới mà cũng bị chướng ngại, nên ta cảm thấy buồn.
Nghe Thượng nhân nói, các đệ tử đang quỳ đều cảm thấy xót xa. Chỉ mình tôi là ngang ngạnh, tôi khuyên Sư phụ hãy kiên nhẫn đợi thời, tương lai ắt sẽ có nhiều hiền tài tìm đến giúp. Tôi còn nói:
– Trên thế giới này đâu chỉ phải có một nhân tài mà thôi?
Thượng nhân bảo: Đây không phải lỗi của ông giáo, là do ta tâm thành chưa đủ…
– Được rồi, con không nói nhiều nữa, để con mời khách về phòng nghỉ, còn việc kia từ từ bàn, xin Sư phụ đừng vì chuyện này mà quá thương tâm.
Sau đó vị giáo thọ kia cũng quay về miền Đông nước Mỹ, ông có cái khó của ông, cũng không thể trách được.
Tôi kể lại chuyện này, là muốn mọi người hiểu ngài Tuyên Hóa vì sự nghiệp giáo dục của Đại Học Pháp Giới mà tổn hao tâm huyết rất nhiều.
Một vị cao tăng bát phong bất động như thế, lại phải vì chuyện giáo dục Phật giáo mà lo nghĩ, ưu tư đến mức rơi lệ, việc này ở bên ngoài nào có ai hay biết? Lúc ấy chỉ có mấy người tại hiện trường chứng kiến mà thôi.
Đại học Pháp Giới ngày nay đã thành tựu quy mô đầy đủ, nhờ Thượng nhân cùng các cao đồ nhiều năm khổ tâm gieo trồng, cuối cùng đã được thành công.
Vào ngày mồng 4 tháng 11 năm 1979 Thượng nhân cử hành lễ khai quang vạn ngôi Phật tượng trong Vạn Phật Thành, sau đó ngài cho xây tiếp ngôi Đại Hùng Bảo Điện, nhờ vậy đến nay khu vực này mới có 44 tòa nhà, ba trăm mẫu đất sơn lâm, phát huy khu Thánh địa tùng lâm Phật giáo. Đối với việc đào tạo nhân tài truyền bá Phật giáo vĩnh cữu, Thượng nhân Tuyên Hóa cùng các cao đồ luôn khiêm cung, đây cũng chính là thân giáo mà ngài thường làm gương cho đệ tử. Khi ngài có đề xuất ý kiến gì thì luôn cho họp chúng tham khảo, không hề độc đoán tự quyết, cũng chưa từng ra lệnh. Sự thực này tôi đã nhiều lần chứng kiến. Hội Phật giáo Trung Mỹ của ngài luôn dùng tinh thần dân chủ quyết định.
Các đệ tử rất tôn kính ngài, dù họ có ly khai hội rồi thì bất kỳ trường hợp nào cũng đều giữ lễ nghĩa tôn ty chu đáo. Những đệ tử học giả Mỹ quốc này thể hiện sự chân thành tôn kính xuất phát tận đáy lòng.
Trong ngày, những khi bọn họ sơ kiến Sư tôn, hoặc có việc cần bẩm báo, nhất định thường cung kính đảnh lễ với thái độ chân thành, họ sùng bái vị Sư tôn công chính khiêm cung, quang minh chánh đại, tuyệt không phải là hành vi làm máy móc theo lễ nghĩa, mà xuất phát từ tận con tim.
Đến như đệ tử tục gia bên ngoài tới, khi gặp ngài Tuyên Hóa, bất kể nam, nữ, già trẻ; thảy đều tự động quỳ xuống đảnh lễ… vì quá tôn kính ngài. Thượng nhân luôn cảm thấy mình thọ lễ quá mức nên rất không muốn, ngài thường kêu tôi hãy thay ngài dìu khách đứng dậy.
Tuy ngài tuy là thủ lãnh Kim Sơn Tự, Vạn Phật Thành, Đại Học Pháp Giới, nhưng mọi việc ngài đều giao đệ tử phụ trách, bản thân ngài chỉ có hư vị, mọi việc chi xuất hành chính phúc thiện lớn, nhỏ… ngài đều giao cho hai đại đệ tử lo, sau khi bàn bạc cùng ngài thống nhất ý kiến xong thì mới xuất chi phiếu. Chuyện thu nhập quyên khoản bên ngoài, bất kể lớn nhỏ; cũng do đệ tử bên tài vụ lo. Hòa thượng và chúng đệ tử khác không không ai giữ tài vật tư riêng, nếu có đệ tử tục gia hiến cúng kim tiền, ngài lập tức sung vào công khố.
Dùng thân giáo, lấy đức lập ngôn
Thượng nhân ăn uống đạm bạc, chúng đệ tử đồng tuân theo, họ không có bất kỳ hưởng thụ đặc biệt nào. Những thức chay ấy, thành thực mà nói, tôi thấy không có hấp dẫn. Thức ăn gì cũng đều nấu chung một nồi, hơn nữa mỗi bữa phải ăn lại món cũ còn thừa hôm qua cho hết, rồi mới dùng đến thức mới. Tôi cảm thấy khó nuốt, nhưng thầy trò Thượng nhân không hề chê, vui vẻ chấp nhận cảnh thọ thực đạm bạc.
Nguyên lai chúng ta đến Phật tự là để học tập, tu hành, chứ không phải hưởng thụ. Sự khổ hạnh của người xuất gia, thực sự kẻ thế tục như chúng ta không thể tưởng tượng được. Chỉ những lúc chiêu đãi khách khứa, thì mới có cư sĩ nữ vào bếp nấu món ngon.
Sư phụ trụ tại am thất ở Hoa Thịnh Đốn, (Washington) chư đệ tử nữ hằng ngày đến nghe ngài giảng kinh, nghe xong thì về ngay, thái độ vô cùng nghiêm túc; họ không theo bất kỳ nam tử nào trò chuyện, Ni viện của họ cũng không cho bất kỳ nam tử nào vào. Nhưng tôi đã có vài lần đến chỗ họ, được các Ni sư phá lệ mời vào tọa đàm (đây là ngoại lệ), thường thì chư Ni hay hỏi tôi về cách phiên dịch văn chương, nhưng chỉ hạn cuộc trong lúc nghe kinh, tôi thấy họ phiên dịch rất chính xác, chỉ có một số thành ngữ Trung văn họ không rành mà thôi.
Do ngài Tuyên Hóa giảng kinh hay dùng nhiều thành ngữ mà họ chưa biết, nên họ phải hỏi tôi cho dễ phiên dịch. Gặp những tình huống này, Thượng nhân luôn mỉm cười lắng nghe, thỉnh thoảng nếu thấy tôi nói không đúng, thì ngài sẽ dùng Anh văn để bổ sung và giải thích cho tôi hiểu.
Ngài Tuyên Hóa sống khắc kỷ cần kiệm, đối với sự nghiệp từ thiện luôn tận lực làm, tôi không thể kể hết những nghĩa cử của thầy trò họ đã từng làm, chỉ có thể tả sơ là họ rất kính lão, dưỡng hiền… và chăm lo việc phúc lợi xã hội. Trong Vạn Phật Thành có “Viện Dưỡng Lão”, Thượng nhân cũng chú trọng giáo dục Phật giáo cho nhi đồng và nỗ lực đem tư tưởng từ bi ươm mầm cho thế hệ mai sau. Ngài còn lập “Nhà Tẩn Táng” trong Vạn Phật Thành để tiện cho dân địa phương thổ táng, không phân biệt giáo phái; dù là Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo hay đạo Hồi v.v… luôn được chùa hoan hỉ cho sử dụng đất an táng, hoàn toàn miễn phí.
Xưa nay, hiếm ai chịu thu nhận người chết khác biệt tôn giáo như vậy, e là chỉ có Vạn Phật Thành chịu làm việc này thôi. Điều này cũng chứng minh ngài duy trì mối quan hệ rất tốt với các tôn giáo bạn.
Quốc vương nước Tây Ban Nha đã tình nguyện làm Giám đốc danh dự cho Đại Học Pháp Giới cũng vì quá cảm động tinh thần gian khổ đào tạo sự nghiệp giáo dục của ngài.
Thượng nhân thờ mẹ chí hiếu, lúc ngài 19 tuổi, thân mẫu quy tiên, ngài đã giữ mộ thủ hiếu cho mẹ ba năm.
Vì vậy ngài rất hoan hỉ khi thấy tôi hiếu kính mẹ, đành để tôi vì chăm sóc mẹ mà không thể lưu lại Vạn Phật Thành. Bởi ngài có đề nghị tôi đem mẹ vào Vạn Phật Thành, nhưng do sức khỏe mẹ tôi quá yếu, bà không thể di chuyển đi xa, tôi đành phải để bà cư trú ở nơi thích hợp và tiện lợi cho sức khỏe bà nhất, vì vậy mà tôi không thể ngụ lâu tại Vạn Phật Thành.