HÀNH TRANG CHO NGÀY CUỐI
PHÁP SƯ THẾ LIỄU
TỲ KHEO THÍCH THIỆN PHƯỚC dịch

 

NHỮNG ĐIỀU QUYẾN THUỘC NÊN CHÚ Ý

Cha mẹ là bậc đại ân nhân sanh dưỡng thân này, thế nên mỗi người cần phải hiếu thuận. Anh, chị, em, vợ chồng phải thân ái. Con trai, con gái, cháu, dâu phải từ ái. Thế nào là hiếu thuận, thân ái và từ ái? Thế nào là không hiếu thuận, không thân ái và không từ ái? Đối với vấn đề này cần phải hiểu rõ, nếu hiểu biết một cách chung chung thì khiến cho tâm hiếu thuận – thân ái – từ ái biến thành việc ngỗ nghịch và tệ hại. Mỗi người chúng ta muốn trừ được mối nguy này thì những vấn đề sau đây cần phải học tập để hiểu rõ.

Nói đến giây phút lâm chung là việc cuối cùng của một đời người, quyến thuộc chúng ta trong giai đoạn này phải tận tâm đối với người bệnh để biểu hiện tấm lòng hiếu thuận – thân ái – từ ái chân thật. Phải chăm sóc cẩn thận trong mọi thời khắc, bất luận là việc gì nhất nhất đều phải tùy thuộc vào ý của người bệnh, không thể khiến  người bệnh sanh phiền não dù chỉ chút ít.

Người sắp mạng chung, nhất định phải mời Ban hộ niệm đến để giúp đỡ họ niệm Phật. Nếu Ban hộ niệm đến, những người trong gia đình chúng ta đều phải nghe theo lời họ chỉ dẫn, mảy may không được chống trái. Phải hiểu rằng Ban hộ niệm vì cứu độ thần thức người thân của mình vãng sanh Tây phương, cho nên mọi người chúng ta phải hết lòng cảm ơn, phải đối xử với họ thật tử tế! Giả như những người trong Ban hộ niệm vì việc khác mà đến thì phải mời họ noi theo phương pháp trợ niệm mà thực hành, không thể thay đổi phương pháp này. Được vậy thì người mất liền vãng sanh Tây phương. Hơn nữa, cả gia đình phải ăn chay, tuyệt đối không được sát sanh vì người bệnh tu tạo phước lành. Trợ niệm cho đến khi thấy căn bệnh nặng dần, lúc này phải nhất tâm vì người bệnh niệm Phật, giúp họ vãng sanh Tây phương. Nhất thiết không được một mặt thì cần người trợ niệm, một mặt thì chích thuốc trợ tim, cho uống thuốc bổ v.v… Những việc làm này chỉ tăng thêm đau khổ cho người bệnh thôi, làm trở ngại việc vãng sanh của họ. Thật đáng thương tâm! Trông mong những người trong gia đình phải hiểu rõ mà không nên hại người thân của mình.

Nói đến người sắp mạng chung là lúc phân chia con đường thánh ở Tây phương, đường vui ở cõi trời – người – A tu la và đường khổ ở địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh.

Những người trong gia đình nếu vì người bệnh mà trợ niệm danh hiệu Phật, chính là đưa thần thức của họ vãng sanh về con đường thánh ở cõi Tây phương, hưởng thọ vô lượng quả vui vi diệu. Giả như đối với người bệnh buồn thương, khóc lóc, kêu réo… thì đó là đưa thần thức người bệnh đọa vào trong ba đường khổ là địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh, mãi mãi chịu mọi thứ khổ đau. Những người trong gia đình phải hiểu vấn đề này.

Đây là phân biệt rõ hiếu thuận và không hiếu thuận, thân ái và không thân ái, từ ái và không từ ái.

Phải tin trong kinh, Đức Phật dạy: “Nếu bị đọa lạc vào ba đường ác là địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh thì phải chịu sự đau khổ thật không cùng! Thời gian thọ khổ cũng rất dài. Ở địa ngục rất khổ sở, một ngày một đêm phải chịu muôn lần chết và muôn lần sống. Cái khổ ở ngạ quỷ lâu dài đến trăm ngàn muôn kiếp, ngay cả tên nước còn không được nghe qua, huống gì được ăn! Súc sanh cũng bị khốn khổ vì cảnh rút ruột mổ bụng để cung cấp cho thân miệng người. Nếu đọa lạc trong ba đường này thì ít nhất phải trải qua 3.000 đại kiếp, mỗi một đại kiếp lâu đến 30 ức 4 ngàn 3 trăm 84 vạn năm. Nếu đợi khi tội khổ trong 3.000 đại kiếp lãnh thọ xong mới được ra khỏi thì không biết đến bao giờ!” Giả như sanh về cõi Tây phương, mỗi ngày nghe Phật A Di Đà giảng kinh và thuyết pháp, cùng làm bạn lành với bồ tát Quan Âm, Thế Chí…, những cảnh tượng trông thấy đều là sắc tướng mầu nhiệm trang nghiêm, tai nghe toàn là những âm thanh hòa nhã  vi diệu, hưởng thọ những quả vui như thế thật không thể nói! Lại có đủ thần thông đạo lực; khi hóa độ bà con thân thích của ta, muốn đến thì đến, muốn đi thì  đi, tất cả đều tự tại như ý. Hơn nữa, trong một đời, liền được thành Phật,  mỗi người chúng ta hiểu rõ cõi Tây Phương Cực Lạc có vô lượng vô biên sự an vui như thế! Vậy ai mà không chịu phát tâm giúp đỡ cha mẹ, người thân của mình niệm Phật vãng sanh về Tây phương để hưởng thọ sự an vui? Ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh có vô lượng vô biên khổ não, thế thì ai lại nhẫn tâm đối với cha mẹ và người thân của mình, buồn thương khóc lóc khiến cho họ bị rơi vào ba đường ác cam chịu đau khổ? Chúng ta phải hiểu rằng người lúc lâm chung dù được sanh Tây phương, hay bị đọa địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh. Trách nhiệm này phần lớn là do những người thân trong gia đình gây nên.

Người bệnh thường ngày đã phát tâm niệm Phật, cầu sanh về Tây phương. Đó chính là việc rất tốt, nhưng nếu người không có tín tâm hoặc không  niệm Phật để cầu sanh Tây phương thì những người trong gia đình phải nói với người bệnh rằng: “Thân người là vô thường, lại luôn bị trầm luân trong sáu nẻo và ba đường ác là địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh, đó là những nơi rất khổ đau và cũng rất dễ đọa lạc”. Lại nói rằng: “Cõi Tây phương rất an vui, người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc được hoá sanh từ  hoa sen, chỗ ngồi rất êm ái, thơm sạch, lớn đẹp, lại có ánh sáng; người dân ở Tây phương cư trú trong lầu gác được làm bằng trân bảo, chẳng những cao lớn mà còn đẹp đẽ; người dân ở Tây phương muốn ăn thức ăn ngon thì liền có thức ăn ngon, muốn mặc y phục đẹp thì liền có y phục đẹp; người dân ở Tây phương hưởng thọ những sự an lạc thật không thể nói hết được! Bạn (ông, bà, cha, mẹ…) muốn phát tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì phải tha thiết mong cầu, đến khi lâm chung, Phật A Di Đà tay cầm đài hoa đến rước bạn sanh về cõi nước Cực Lạc Tây Phương. Khi sanh về cõi nước ấy chỉ hưởng thọ quả vui. Nếu bạn… chịu phát tâm niệm Phật thì nhất định được vãng sanh. Những người trong gia đình mỗi ngày phải nói với người bệnh ba lần như thế”! Phương pháp nói không nên quá mau, cần phải từ từ ôn hòa khuyên bảo. Phải hiểu được tâm nguyện của người bệnh, rất dễ dấy khởi phiền não và họ cũng rất sợ phiền não. Nếu người bệnh đã tin thì không nên khuyên bảo nữa, sau đó chỉ khuyến khích người bệnh nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương.

Người bệnh nếu có việc nhà và những việc khác thường ngày chưa nói rõ cho gia đình biết, những người trong gia đình nên đợi đến lúc tâm thức của họ tỉnh táo mà hỏi. Nếu tâm thức của người bệnh đang lâm vào trạng thái hôn mê, không hiểu được lời giảng giải hoặc trước đó đã có hỏi qua thì không nên nói những việc trong gia đình cho người bệnh nghe nữa, để tránh khỏi làm tán loạn chánh niệm của người bệnh (chánh niệm là trong tâm luôn trì niệm danh hiệu Phật).

Tâm thức của người bệnh nếu sáng suốt thì những người trong gia đình nên nói với họ rằng: “Bạn… ơi! Tất cả mọi chuyện trong gia đình, chúng tôi đều gánh vác được. Bạn… không cần phải lo lắng nữa, khoảnh khắc quan trọng nầy phải chuyên tâm nhất ý niệm Phật A Di Đà để cầu sanh về Tây phương”. Chỉ nói một lần như thế! Từ đấy trở về sau, phải luôn luôn nhắc nhở họ nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây phương, đồng thời cũng dùng ngón tay chỉ về hướng Tây, nói với người bệnh rằng: “Cõi Tây phương ngay trước mặt bạn, bạn phải nhất tâm niệm Phật để được vãng sanh”. Những người trong gia đình mỗi ngày phải nhắc nhở người bệnh vài lần như thế! Giả như tâm thức của người bệnh đã lâm vào trạng thái hôn mê thì không cần phải nhắc nhở nữa, mà chỉ trợ niệm danh hiệu Phật cho họ thôi!.

Nếu có bạn bè, thân quyến đến thăm người bệnh thì người nhà trước phải mời họ vào phòng khách tiếp đãi và nói với họ rằng: “Việc trọng yếu của kiếp người là lúc lâm chung”. Lại nói : “Giúp đỡ người bệnh niệm Phật là việc rất có lợi ích; đối với người bệnh, nếu khóc lóc thì có trở ngại rất lớn”. Thứ nhất là để cho khách khỏi sanh lòng nghi ngờ; thứ hai là tránh ở trước mặt người bệnh  buồn than, sầu não và làm ngăn ngại chánh niệm của người bệnh. Lại phải khuyên người khách niệm Phật trợ duyên cho người bệnh, cầu nguyện họ được vãng sanh Tây phương, như thế mới là tình cảm chân chánh.

Nếu người bệnh, nghiệp chướng quá nặng, không thích người khác thay họ niệm Phật, chán ghét người niệm Phật hay nghe thấy người niệm Phật thì sanh lòng buồn bã, hoặc thấy oan hồn đến trước mặt đòi mạng… Đây là ác nghiệp của họ đã hiện bày, làm ngăn ngại việc vãng sanh. Ở trường hợp nầy, những người trong gia đình phải dốc lòng thành niệm Phật sám hối khiến nghiệp chướng họ tiêu trừ và mau vãng sanh Tịnh Độ.

Năm trước, mẫu thân của một cư sĩ bị bệnh nặng sắp mất. Ông liền thỉnh Ban hộ niệm đến nhà để trợ niệm. Vừa nghe tiếng mọi người niệm Phật, trong lòng bà liền sanh buồn bã và bảo Ban hộ niệm đừng nên niệm Phật nữa. Đương lúc ấy, vị thầy của cư sĩ biết đây là ác nghiệp hiện bày, cần phải tụng vài quyển kinh Địa Tạng để hồi hướng cho bà. Ngay cả bản thân cư sĩ cũng tha thiết ở trước Phật  thay mẹ sám hối, lại trợ niệm cho mẹ. Sau đó, mẹ ông lúc rất vui vẻ, và cuối cùng được vãng sanh Tây phương.

Trên đây đã nêu rõ việc tụng kinh tiêu trừ được nghiệp chướng, giả như không thể tụng kinh Địa Tạng thì niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng cũng được.

Lại có vị cư sĩ, phụ thân của ông đang lâm vào cơn trọng bệnh, trông thấy người nữ và con chó đến đòi mạng. Vị cư sĩ bèn niệm Phật, sám hối hồi hướng cho cha. Quả nhiên, cha ông không thấy người nữ và con chó đến nữa! Sau đó, cha ông thấy hai vị Tăng đến nói rằng: “Đời trước, ông đã từng cản trở chúng tôi vãng sanh, bây giờ chúng tôi cũng cản trở việc vãng sanh của ông”. Vị cư sĩ lại sám hối hồi hướng cho cha, cầu xin hai vị Tăng tha thứ để cha ông được vãng sanh Tây phương, sau này ông nhất định sẽ giúp hai vị Tăng vãng sanh Tây phương, ngõ hầu tạ lỗi cha mình thuở trước. Hai vị Tăng bèn biến mất. Cuối cùng, phụ thân của ông nằm mộng thấy một lão Tăng đến nói rằng: “Oan nghiệp của ông đã tiêu trừ. Qua 21 ngày nữa, ông sẽ vãng sanh. Phẩm vị của ông là ở hàng thứ năm”. Lại nói: “Sở dĩ 21 ngày là vì con của ông biết đạo”. Mọi người cho rằng 3 tuần  là 21 ngày, trợ niệm như thế trải qua rất nhiều ngày và mệt mỏi. Bây giờ, lại phải tiếp tục trợ niệm đến 21 ngày nữa, mọi người cảm thấy rất vất vả. Hóa ra chỉ niệm qua 21 tiếng đồng hồ thì phụ thân của ông liền được vãng sanh, còn hàng thứ năm thuộc về trung phẩm trung sanh. Xét lại việc này, những người trong gia đình thay người bệnh niệm Phật sám hối, hoặc tụng kinh Địa Tạng, hoặc niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng thì rất có lợi ích cho người bệnh.

Lúc người bệnh sắp tắt hơi, ban trợ niệm nếu đông thì những người trong gia đình phải đến trước bàn thờ Phật hoặc quỳ gối chí thành tha thiết cầu Phật từ bi tiếp dẫn thần thức vãng sanh Tây phương. Người trợ niệm nếu ít thì những người trong gia đình phải đến gần bên cạnh người bệnh để giúp đỡ họ niệm Phật, nhưng không nên để cho người bệnh trông thấy. Chúng ta phải hiểu trong giờ phút này, nếu để cho họ thấy những người trong gia đình thì khó tránh khỏi sanh lòng buồn thương luyến ái, làm trở ngại chánh kiến của họ. Tốt nhất là nên ngồi ở hai bên hoặc ngồi phía sau mà niệm Phật, không nên bi ai. Nếu khóc lóc, người bệnh nghe được, trong lòng nhất định sẽ khởi lên ý niệm luyến ái. Nếu có tâm niệm như thế thì liền mất chánh niệm, chánh niệm đã mất thì không thể vãng sanh. Cho nên, trong giờ phút này người thân thuộc chúng ta phải cẩn thận chú ý, tuyệt đối nén nỗi buồn thương, chỉ lớn tiếng niệm Phật, niệm mỗi câu mỗi chữ thật rõ ràng. Lúc đang niệm Phật, trong tâm phải cầu nguyện Phật lực gia hộ cho người mất được thân tâm an lạc, chánh niệm phân minh và mau được sanh về thế giới Tây phương.

Sau khi người bệnh tắt hơi, toàn bộ thân thể chưa lạnh, trong giai đoạn này, người thân thuộc chúng ta càng thêm chú ý: “Không nên đau buồn mà phải phát tâm niệm Phật lớn tiếng; đồng thời trong mọi thời khắc, chớ để ruồi muỗi đậu trên thân hoặc trên mặt người mất. Nên biết rằng người mất tuy đã tắt hơi, nhưng thân thể nếu một vài chỗ còn nóng thì thần thức chưa rời khỏi xác. Nếu có vật gì tiếp xúc với thân thể người mất thì họ vẫn cảm thấy khó chịu”. Một số người vì không biết, cho nên luôn luôn thăm dò thân thể người mất xem hơi nóng ở chỗ nào. Việc làm này rất tai hại, không có lợi ích gì cả! Người mất hơn 10 giờ đồng hồ, nếu muốn biết toàn thân đã lạnh hẳn chưa thì phải mời một người tương đối có sự hiểu biết, nhẹ nhàng từ từ mà thăm dò. Những người trong gia đình lúc này nhất định phải nghe theo sự chỉ dẫn của Ban hộ niệm, để tránh khỏi sự tai hại đáng tiếc cho người mất. Nếu không có Ban hộ niệm chỉ dẫn thì nhất định phải y theo phương pháp trợ niệm mà hành trì. Đến như người trong Ban hộ niệm cũng phải tuân theo người lãnh đạo chỉ dẫn, không nên tùy tiện sờ mó vào thân thể người mất, càng không nên nghe theo lời mê tín ở thế tục nói rằng: “Người sau khi chết,  lúc thân thể còn nóng, xương khớp còn mềm thay y phục là tốt nhất”. Lại nói: “Người bệnh khi mất rồi, nếu không sớm di chuyển thì mắt không nhắm được!”. Lại nói: “Phải khóc lóc, nếu không thì hung tinh không lui đi!”. Đây là những lời mê tín, tương truyền có vô lượng vô biên vong hồn bị họ làm hại, chịu khổ não vô cùng oan uổng, rơi vào ba đường ác là địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh.

Thuở xưa, có vị vua tên A Kỳ Đạt thường ngày phụng thờ tin tưởng Phật pháp, xây dựng chùa tháp, công đức cao vời. Đến lúc lâm chung, khi hơi thở vừa dứt, vị quan hầu cận vì nhiều ngày mất ngủ nên vô tình để chiếc quạt đang cầm trên tay rơi trên mặt ông. Lúc ấy, vua cảm thấy rất khó chịu, bỗng nổi lòng sân, thần thức liền theo lòng sân này mà đọa làm thân rắn. Vì vua A Kỳ Đạt lúc còn sống đã từng tu tạo nhiều công đức lành kính tin Phật pháp, xây dựng chùa tháp, nên sau gặp một vị Tăng nói pháp cho nghe. Con rắn này do nhờ nghe được Phật pháp, nên ba ngày sau thì nó chết, liền thoát khỏi thân rắn và thần thức sanh lên cõi trời.

Lại nữa, thuở xưa có hai vợ chồng luôn quyến luyến thương yêu nhau, thường ngày cùng tín ngưỡng Phật pháp và vâng giữ trai giới. Một hôm, người chồng bỗng dưng qua đời, người vợ buồn đau khóc lóc. Người chồng tuy đã chết, nhưng thần thức vẫn chưa lìa khỏi xác. Vì nghe tiếng vợ mình khóc lóc buồn thương mà nảy sinh ý niệm tình ái, thế là ngay lúc ấy thần thức liền đầu thai làm con trùng ở trong lỗ mũi của người vợ. Người vợ cứ buồn khóc mãi, ít hôm sau trong lỗ mũi bỗng rơi xuống một con trùng. Người vợ muốn dùng chân đạp chết nó, vị Tăng bèn nói: “Đừng làm hại chồng cô!”. Cô ta vô cùng sợ hãi hỏi duyên cớ, vị Tăng đáp: “Chồng cô lúc còn sống vì phụng trì trai giới, lẽ ra được sanh về cõi trời. Nhân vì cô quá buồn đau khóc lóc nên chồng cô sanh lòng luyến ái, thần thức liền theo ý niệm ân ái ấy mà đầu thai làm con trùng ở trong lỗ mũi cô đấy!”. Lúc ấy, người vợ tự hối hận, bèn cầu xin vị Tăng thuyết pháp cho trùng nghe. Con trùng sau khi nghe pháp, liền thoát xác, thần thức sanh về cõi trời.

Hai câu chuyện này trong các kinh điển thường đề cập đến, đều có căn cứ rõ ràng. Thuyết pháp mê tín theo khuôn sáo trống rỗng ở thế tục như thế là không có căn cứ. Mọi người chúng ta nhất định phải biết rõ kiểu thuyết pháp mê tín này để người mất khỏi phải bị đọa vào địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh một cách oan uổng. Cho nên, người mất sau khi dứt hơi thở, tuyệt đối không được đụng chạm vào thân thể họ để tránh gây tai hại cho họ là “không được vãng sanh”.

Nói tóm lại, tất cả đều phải nghe theo sự hướng dẫn của Ban hộ niệm. Nếu không có sự hướng dẫn của Ban hộ niệm thì những người trong gia đình chúng ta phải cẩn thận nhẹ nhàng thăm dò thân thể người mất, đợi đến khi toàn thân của họ lạnh hết, rồi mới lo liệu việc tắm rửa và thay y phục.

(Phương pháp thay y phục sẽ được chỉ dẫn rõ ở phần sau).



HÀNH TRANG CHO NGÀY CUỐI