NHẬN DIỆN PHẠM VI CỦA KHỔ ĐAU
Nguyên bản: Identify the Scope of Suffering
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffrey Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển / Tuesday, January 9, 2018
TỔNG QUÁT VỀ NHỮNG LOẠI ĐẠO ĐỨC
Nguyên lý chính của đạo đức Phật giáo là để giúp đở người khác, và , nếu không thể, thì tối thiểu không làm tổn hại người khác. Chí nguyện nền tảng này với bất bạo động, được động viên bởi việc quan tâm vì người khác, là trung tâm của ba loại đạo đức trong Phật giáo:
– Đạo đức của việc giải thoát cá nhân (là chủ đề của chương này) một cách chính yếu được thực tập từ việc kiềm chế khỏi những hành vi của thân thể và lời nói làm tổn hại. Sự thực tập này được gọi là “cá nhân” vì nó cung ứng một phương pháp cho một người chuẩn bị để vượt khỏi chu kỳ lẩn quẩn của sanh, già, bệnh, và chết, mà Phật tử gọi là vòng luân hồi (samsara).
– Đạo đức của việc quan tâm vì người khác – được gọi là đạo đức của Bồ tát (những chúng sanh quan tâm chính yếu với việc hổ trợ người khác) – thực tập một cách chính yếu bởi việc kiềm chế tâm thức khỏi rơi vào vị kỷ. Vì đối với những người thực tập đạo đức Bồ tát, điểm quan trọng là để kiềm chế khỏi sự yêu mến vị kỷ, mà cũng kiềm chế khỏi những hành vi xấu ác của thân thể và lời nói.
– Đạo đức của Mật tông tập trung chung quanh những kỷ năng đặc biệt cho việc quán tưởng một thể trạng phát triển toàn vẹn của thân thể và tâm thức hổ trợ người khác một cách hiệu quả. Nó cung ứng một phương pháp để kiềm chế và vì vậy vượt thoát nhận thức giới hạn của chúng ta về thân thể và tâm thức, do thế chúng ta có thể nhận thức chính chúng ta tỏa sáng với tuệ trí và yêu thương.
ĐẠO ĐỨC CỦA SỰ GIẢI THOÁT CÁ NHÂN
Việc thực tập đạo đức cho giải thoát cá nhân đòi hỏi sự tự tỉnh thức cần thiết để tránh khỏi những hành vi của thân thể và lời nói đem đến sự tổn hại cho người khác. Điều này có nghĩa là từ bỏ những gì Phật giáo gọi là mười điều bất thiện. Những điều này tạo thành ba đặc trưng. Thân thể bất thiện là giết hại, trộm cắp, và ,tà dâm. Lời nói bất thiện là nói dối, nói lời chia rẻ, nói lời độc ác và nói lời vô nghĩa. Tinh thần bất thiện là tham muốn, xu hướng tổn hại, và tà kiến.
Vì động cơ có trước và lèo lái hành vi, cho nên việc kiểm soát nó tốt nhất là ngăn ngừa sự thôi thúc và sự lạm dụng tiềm tàng các hành vi của thân thể và lời nói. Khi chúng ta đột nhiên muốn điều gì đó và chỉ tiến tới và thực hiện nó mà không nghĩ đến các hậu quả, sự tham muốn của ta tự biểu hiện một cách hăng hái, không có quán chiếu lợi hại. Trong sự thực tập hàng ngày, chúng ta nghiên cứu việc thẩm tra cộng cơ của ta một cách liên tục.
Khi tôi là một thiếu niên, Ling Rinpoche, người lúc đó là giáo thọ phó của tôi, luôn luôn rất nghiêm khắc; ngài không bao giờ mĩm cười, ngay cả không một chút nào. Điều này làm tôi rất chán nản. Bằng việc tự hỏi tại sao ngài quá cứng nhắc như vậy, tôi thẩm tra nhiều hơn và nhiều hơn những gì tôi đang làm trong tâm thức tôi. Điều này giúp tôi phát triển sự tự tỉnh thức với việc quan tâm đến động cơ của tôi. Lúc mới 20 khi tôi vừa trưởng thành, Ling Rinpoche hoàn toàn thay đổi; ngài luôn luôn có một nụ mĩm cười rạng rở khi chúng tôi bên nhau.
Sự thực tập hiệu quả đạo đức giải thoát cá nhân tùy thuộc vào động cơ lành mạnh, dài lâu. Thí dụ, người ta không nên trở thành tăng ni để tránh phải làm việc nặng nhọc vì ăn mặc. Cũng thế, thật không đầy đủ để chỉ mong cầu tránh khỏi sự khó khăn trong kiếp sống này. Được động viên bởi một mục tiêu tầm thường như vậy không giúp để thành tựu sự giải thoát khỏi vòng luân hồi – lý do tối hậu để thực tập đạo đức giải thoát cá nhân.
Điều này được củng cố bởi câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật. Một ngày nọ Đức Thích Ca đi ra ngoài tường thành của hoàng cung để chính ngài trải nghiệm cuộc đời. Lần đầu tiên ngài đã thấy một người bệnh, một người già, và một xác chết. Khốn khó sâu xa bởi khổ đau của bệnh tật, tuổi già, và sự chết, ngài đi đến kết luận rằng cuộc sống trần gian là không bền chắc. Sau này, cảm hứng từ một số hành giả tôn giáo, Đức Phật trở nên say mê bởi khả năng của một đời sống tâm linh cao siêu, và đầy đủ ý nghĩa hơn. Đến lúc ấy ngài đã vượt thoát kinh thành, để lại cuộc sống thông thường sau lưng và theo đuổi viễn tượng ấy.
Điều này dạy cho chúng ta những gì? Giống như Đức Phật chúng ta cần bắt đầu bằng việc quan tâm về nổi khổ đau của sinh tử luân hồi và bằng việc quay lưng với những xao lãng tạm thời. Được tác động với thái độ mới này, chúng ta phải áp dụng một hệ thống đạo đức bằng việc viễn ly cõi luân hồi và bằng việc tiếp nhận những thệ nguyện của thái độ tinh khiết qua việc tầm cầu để tránh mười hành vi bất thiện.
BỐN CHÂN LÝ CAO QUÝ
Nhằm để giải thoát chúng ta khỏi sinh tử luân hồi thì chúng ta cần thấu hiểu bản chất của nó. Chúng ta cần (1) biết những loại khổ đau đặc thù liên hệ, (2) khám phá những nguyên nhân của các khổ đau ấy, (3) thấy có thể loại trừ những nguyên nhân ấy không, và sau đó (4) quyết định những gì nên thực tập. Viễn ly, do thế, liên hệ ít nhất một sự thấu hiểu phần nào đó về Bốn Chân Lý Cao Quý:
1. Sự thật về khổ đau
2. Sự thật về nguồn gốc của khổ đau
3. Sự thật về sự chấm dứt khổ đau và cội nguồn của nó
4. Sự thật về những con đường cho việc thực chứng sự chấm dứt chân thật [khổ đau]
Khi Đức Phật giảng dạy lần đầu tiên, ngài đã dạy về Bốn Chân Lý Cao Quý trong thứ tự nêu trên. Tuy nhiên, thứ tự này không phản chiếu vấn đề những sự thật này hình thành như thế nào. Theo trình tự thời gian, sự thật thứ hai – nguồn gốc của khổ đau – đứng trước sự thật thứ nhất. Tương tự thế, sự thật thứ tư – những con đường thực tập – phải đứng trước sự thật thứ ba – sự chấm dứt khổ đau. Tuy nhiên, Đức Phật dạy Bốn Sự Thật trong trình tự của việc thực tập, chứ không trong thứ tự mà trong ấy chúng hình thành.
Trong thực tập, chúng ta phải xác định mức độ của khổ đau trước nhất, để biết rằng lối sống này bị bao vây bởi khốn khó; điều này làm sâu sắc mong ước tự nhiên được thoát khỏi khổ đau của chúng ta. Khi chúng ta nhận ra khổ đau là gì, như Đức Phật đã làm, rồi thì chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào việc khám phá những nguyên nhân của nó, nguồn gốc của khổ đau. Giống như một vị bác sĩ trước tiên phải chẩn đoán cơn bệnh, thì chúng ta cũng phải thấu hiểu gốc rể của khổ đau trước khi chúng ta có thể điều trị nó. Không phải cho đến khi chúng ta đã xác định những nguồn gốc của khổ đau thì chúng ta mới có thể thấu hiểu rằng có thể có một sự chấm dứt nó hay sao. Cũng thế, không có một sự thấu hiểu quả quyết rằng việc chấm dứt khổ đau là có thể, thì chúng ta có thể xem việc thực hành con đường này giống như sự thử thách khó khăn vô hiệu quả. Sau đó chúng ta có thể tìm đến những con đường của sự thật cho việc thực chứng việc chấm dứt [khổ đau]. Đây là tại sao Đức Phật đã trình bày Bốn Chân Lý Cao Quý trong trình tự của việc thực tập.
Tôi thảo luận sự thật thứ nhất ở chương này và ba sự thật kế tiếp ở chương thứ ba.
SỰ THẬT CAO QUÝ THỨ NHẤT VỀ KHỔ ĐAU (KHỔ ĐẾ)
Khổ đau giống như một cơn bệnh mà tất cả chúng ta mắc phải. Để tìm việc chửa trị, chúng ta phải thận trọng xác định toàn thể phạm vi của cơn bệnh: đau khổ, thay đổi, và điều kiện cùng khắp.
1. Khổ khổ: Một trình độ của khổ đau là hiện tướng đau đớn mà tất cả chúng ta cùng nhận ra như vậy. Ngay cả những con thú cũng muốn thoát khỏi nó. Những sự đau đớn thân thể và tinh thần trong đời sống hàng ngày, nhức đầu và đau khổ vì chia lìa là thuộc phạm trù này.
2. Hoại khổ: Những gì chúng ta thường trải nghiệm như vui sướng là chủ yếu giảm đau đớn. Nếu thực phẩm hay thức uống ngon lành, thí dụ thế, thật sự đúng là vui lòng – nếu chúng có một bản chất nội tại vui lòng – thế thì bất chấp chúng ta ăn hay uống thế nào, thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và hạnh phúc lớn hơn trong sự đo lường tương ứng. Thay vì thế, nếu chúng ta hưởng thụ quá mức, thì chúng ta bắt đầu khổ sở trong thân thể và tâm thức chúng ta. Điều này cho thấy rằng những trải nghiệm vui sướng này có bản chất nội tại là đau khổ. Tôi muốn kể một câu chuyện về một gia đình đã mua một máy truyền hình mới. So sánh với máy cũ, nó thật sự là tuyệt vời, và mọi người xem nó ngày ngày. Nhưng cuối cùng họ cũng mệt mõi vì nó. Điều này cho thấy rằng căn nguyên của vui sướng là khổ đau. Những tình trạng như vậy về hạnh phúc tạm thời được gọi là khổ đau của sự thay đổi.
3. Hành khổ: Thêm nữa một đau khổ thông thường và khổ đau của thay đổi, có một trình độ sâu xa hơn của khổ đau gọi là điều kiện cùng khắp. Tâm thức và thân thể hoạt động dưới sự ảnh hưởng của nghiệp (những xu hướng được tạo ra bởi những hành vi trước đây) và của phiền não, hay chướng ngại ẩn tàng, các cảm xúc chẳng hạn như tham muốn, và thù hận. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta được sinh ra từ và trong ảnh hưởng cùng khắp của nghiệp và các cảm xúc phiền não. Ngay cả những tình trạng trung tính của cảm giác cũng ở dưới tác động của các nguyên nhân và điều kiện vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta – chúng ta bị vướng trong một tiến trình dễ bị tác động với khổ đau.
Điều Kiện Con Người
Khởi đầu sự sống của chúng ta là sự sinh ra, trong tiến trình ấy chúng ta đau khổ, và vào lúc kết thúc sự sống là sự chết, trong tiến trình ấy chúng ta cũng đau khổ.
Giữa hai điều này, hai thứ đến là tuổi già và bệnh tật. Bất chấp chúng ta giàu sang như thế nào hay thân thể mạnh khỏe thế nào, thì chúng ta cũng phải đau khổ qua những hoàn cảnh thế này.
Trên tất cả những điều này làm đưa đến sự không toại nguyện. Ta muốn nữa và nữa và nữa. Điều này, trong một ý nghĩa, thật sự là nghèo đói – luôn luôn là đói, đói, đói mà không có lúc nào hài lòng. Những người khác có thể không giàu có, nhưng sự toại nguyện làm cho họ ít lo lắng hơn, ít kẻ thù hơn, ít rắc rối hơn, và ngủ rất ngon lành. Hơn một lần, khi tôi viếng một ngôi nhà rất xinh đẹp trong những cộng đồng giàu có, tôi đã nhìn trộm tủ đựng thuốc trong nhà tắm và đã thấy một số thuốc men cung cấp năng lượng hàng ngày và những thứ khác phụ trợ cho giấc ngủ ban đêm. Toại nguyện có thể làm cả hai việc này tốt hơn vì nó làm giảm thiểu lo lắng trong ngày, mở đường cho giấc ngủ một cách an bình.
Trong cuộc sống tất bật hiện đại, chúng ta đánh mất tầm nhìn với giá trị thật sự của con người. Mọi người trở thành tổng lượng những gì họ sản xuất. Con người hành động như những máy móc vốn thể hiện chức năng làm ra tiền. Điều này chắc chắn là sai. Mục tiêu của việc làm ra tiền là vì hạnh phúc cho con người, chứ không phải thứ khác. Con người không phải vì tiền, mà tiền là vì con người. Chúng ta cần đủ tiền để sống, cho nên tiền là cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần nhận ra rằng nếu quá dính mắc vào cảnh sung sướng, thì cũng không giúp ích gì. Tất cả những vị thánh nói với chúng ta rằng, càng trở nên giàu sang, ta càng phải chịu đựng khổ đau hơn.
Ngay cả thân hữu cũng có thể đem đến khổ đau. Thông thường người ta cảm thấy rằng thân hữu mang đến vui sướng hơn và hạnh phúc hơn, nhưng đôi khi họ mang đế rắc rối hơn. Ngày nay thân hữu ta có bộ mặt mĩm cười, nhưng trong một lúc đàm luận có thể biến thành chua chát, và bắt đầu đấu tranh, không có chút gì hữu nghị. Chúng ta thật sự có được hạnh phúc và hài lòng từ những thân hữu của chúng ta, nhưng nó là tạm thời, không phải là hạnh phúc chân thật. Trong một ý nghĩa sâu xa, mối thân hữu thông thường cũng là bản chất của khổ đau.
Hãy nhìn vào thân thể của chính ta. Bất chấp ta hòa nhã, đáng yêu thế nào và hình dáng của ta đẹp đẻ thế nào, nhưng nếu ta để rơi ngay cả một giọt máu, thì ta đột nhiên trông không đẹp lắm. Dưới làn da này là thịt sống; nhìn sâu hơn thì ta thấy xương. Bộ xương trong một viện bảo tàng hay một nhà thương làm cho hầu hết mọi người chúng ta không thoải mái, nhưng bên dưới tất cả chúng ta hoàn toàn giống nhau. Một số người có thể mập béo, những người khác gầy ốm, một số đẹp trai, nhưng nếu ta nhìn họ qua máy quang tuyến X, ta sẽ thấy một phòng đầy những bộ xương với những hố mắt khổng lồ. Bản chất thân thể của chúng ta là như vậy.
Hãy xem đến niềm sung sướng của việc ăn uống. Hôm nay ta có một số thức ăn ngon miệng. Khi ta ăn nó, thật là tuyệt vời, nhưng khi nó đi qua dạ dày và ruột của ta, nó thay đổi thành thứ gì đó không quá tuyệt vời. Khi ăn, chúng ta tránh chú ý rằng điều này là những gì xảy ra, và chúng ta vui mừng suy nghĩ, “Ô, bây giờ là thức ăn rất tốt! Tôi thật sự vui sướng.” Nhưng thức ăn tốt lành ấy dần dần đi qua thân thể ta, và cuối cùng đi vào nhà vệ sinh trong một dạng thức mà không ai xem là đẹp đẽ. Thứ này mọi người xem như rất dơ bẩn thật sự là sản phẩm của thân thể con người này. Trong một ý nghĩa, việc làm ra phẩn tiểu là một chức năng chính của thân thể chúng ta!
Ăn uống, hoạt động và làm ra tiền tự chính nó là vô nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả một hành vi nhỏ của từ bi có ý nghĩa và mục tiêu cho cuộc sống của chúng ta.
BỀN BỈ VÀ HY VỌNG
Hãy phân tích. Suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ. Khi ta làm vậy, ta sẽ nhận ra rằng phương thức thông thường của cuộc sống chúng ta hầu như vô nghĩa. Đừng nản lòng. Thật là ngu ngơ nếu bỏ cuộc bây giờ. Trong những trường hợp như thế khi ta cảm thấy hầu như vô vọng, thì ta phải thực hiện một cố gắng đầy năng lực. Chúng ta quá quen thuộc với những trạng thái sai lầm của tâm thức mà thật khó khăn để thay đổi với một ít thực tập nhỏ nhoi. Chỉ một giọt mật không thể thay đổi vị đắng chát áp đảo. Chúng ta phải kiên nhẫn khi đối mặt với thất bại.
Trong những hoàn cảnh khó khăn cá nhân thì phương kế tốt nhất là cố gắng duy trì tính trung thực và chân thành tối đa như có thể. Trái lại, bằng việc đáp trả một cách nghiệt ngã và ích kỷ, đơn giản là ta sẽ làm vấn đề tệ hại hơn. Điều này rỏ ràng trong nhưng hoàn cảnh đau thương của gia đình. Chúng ta phải nhận ra rằng những trường hợp khó khăn hiện tại là hoàn toàn qua những hành vi vô nguyên tắc của ta trong quá khứ, cho nên khi chúng ta trải nghiệm một thời điểm khó khăn, thì hãy hành động một cách tốt đẹp nhất để tránh thái độ sẽ làm gia tăng gánh nặng cho ta về sau.
Thật quan trọng để giảm dần những trạng thái vô nguyên tắc của tâm thức, nhưng thậm chí quan trọng hơn là đối diện với nghịch cảnh với một thái độ tích cực hơn. Hãy giữ điều này trong lòng: Bằng việc chào đón rắc rối với sự lạc quan và hy vọng, thì ta đang làm giảm thiểu mức độ của những rắc rối tệ hại nhất. Xa hơn thế, hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang làm dịu bớt gánh nặng của những vấn nạn khổ đau của mọi người trong cách đó. Sự thực tập này – việc quán tưởng rằng bằng việc chấp nhận nổi đau khổ của ta là ta đang sử dụng hết những nghiệp chướng tiêu cực của mọi người dành để cảm nhận nổi đau như vậy – là rất hiệu quả. Đôi khi tôi bị bệnh, tôi thực tập tiếp nhận nổi khổ đau của người khác cho chính tôi và ban cho họ năng lượng hạnh phúc của tôi; điều này cung ứng tốt cho một sự giảm nhẹ tinh thần.
Mỗi ngày vào buổi sáng sớm, và đặc biệt khi tôi có thời gian, tôi thực hành việc này trong một cung cách tổng quát với việc quan tâm đến tất cả chúng sinh. Nhưng đặc biệt tôi tách rời những lãnh tụ Trung Cộng và những cán bộ nào đã quyết định trong vấn đề tra tấn và giết hại những người Tây Tạng nào đó, tôi quán tưởng họ, tôi đưa thành kiến, thù hận, và kiêu ngạo của họ vào trong chính tôi. Tôi cảm thấy rằng, do bởi sự tu tập của chính tôi, ngay cả nếu trong thực tế tôi có thể hấp thu một phần thái độ tiêu cực của họ, nhưng nó không thể tác động thái độ của tôi và biến tôi thành một người tiêu cực. Thế nên, hấp thụ những tiêu cực của họ không phải là một vấn đề lớn lao đối với tôi, nhưng nó làm giảm đi các rắc rối của họ. Tôi làm việc này với một cảm giác mạnh mẽ rằng nếu trong ngày ở văn phòng tôi nghe sự diệt chủng của họ, mặc dù một phần của tâm tư tôi hơi bị kích thích và sân hận, nhưng bộ phận chính vẫn ở dưới ảnh hưởng của sự thực hành buổi sáng; cường độ của sân hận được giảm thiểu đến mức độ không còn hiện hữu.
Cho dù sự thiền quán này có thật sự hổ trợ cho những cán bộ đó hay không, thì nó cũng cho tôi một sự bình an của tâm hồn. Rồi thì tôi có thể hiệu quả hơn, lợi lạc là vô biên.
-*-
Không hoàn cảnh nào có thể làm ta mất hy vọng. Tuyệt vọng là nguyên nhân thật sự của thất bại. Hãy nhớ rằng, ta có thể vượt thắng bất cứ vấn nạn nào. Hãy điềm tĩnh, ngay cả khi hoàn cảnh ngoại tại là rối rắm hay phức tạp; sẽ có một hiệu quả nho nhỏ nếu tâm thức ta hòa bình. Trái lại, nếu tâm tư ta bị cuốn hút với sân hận, thế thì ngay cả khi thế giới là hòa bình và thoải mái, thì sự hòa bình của tâm hồn cũng sẽ lẫn tránh ta.
-*-
TOÁT YẾU THỰC HÀNH HÀNG NGÀY
1. Kiểm soát động cơ của ta thường xuyên như có thể. Ngay cả trước khi rời khỏi giường ngủ vào buổi sáng, hãy thiết lập một quan điểm bất bạo động, không lạm dụng cho một ngày của ta. Vào buổi tối, hãy thẩm tra những gì chúng ta đã làm trong ngày.
2. Hãy chú ý có bao nhiêu khổ đau trong cuộc đời của chính ta:
* Có những nổi đau thân thể và tinh thần nào từ bệnh tật, tuổi già, và sự chết, mà một cách tự nhiên ta tìm cách lẫn tránh.
* Có những trải nghiệm tạm thời, như ăn thức ăn ngon, vốn dường như sung sướng trong và của chính nó, nhưng, nếu làm thỏa thích một cách liên tục, sẽ biến thành đau khổ. Đây là khổ đau của sự thay đổi – hoại khổ. Khi một hoàn cảnh chuyển từ sung sướng sang đau khổ, hãy quán chiếu trên sự kiện rằng bản chất sâu xa của niềm sung sướng ban đầu tự nó bộc lộ. Dính mắc vào những sự sung sướng nông cạn sẽ chỉ mang đến khổ đau hơn.
* Hãy quán chiếu trên vấn đề ta bị vướng trong một tiến trình rộng khắp của điều kiện – hành khổ, chính là ở dưới sự kiểm soát của nghiệp và cảm xúc phiền não, hơn là ở dưới sự kiểm soát của ta
3. Dần dần phát triển một quan điểm sâu xa hơn, thực tế hơn về thân thể bằng việc quan tâm đến những thành phần của nó – da, máu, thịt, xương, và v.v…
4. Hãy phân tích đời sống của ta một cách chặc chẽ. Nếu ta làm vậy, thì cuối cùng ta thấy rằng thật khó để mà lạm dụng đời sống của ta bằng việc trở thành một người máy hay bằng việc tìm ra tiền như con đường đi đến hạnh phúc.
5. Hãy tiếp nhận một thái độ tích cực khi đối mặt với khó khăn. Hãy quán tưởng rằng bằng việc chịu đựng một hoàn cảnh khó khăn với sự uyển chuyển thì ta cũng đang ngăn ngừa những hậu quả tệ hại của nghiệp chướng mà bằng khác đi ta có thể trải nghiệm trong tương lai. Hãy tự mang lấy gánh nặng khổ đau của mọi người như vậy.
6. Hãy thường xuyên đánh giá những hệ quả tiêu cực và tích cực có thể có của những cảm giác chẳng hạnh như tham dục, sân hận, ganh tỵ, và thù oán.
* Khi rõ ràng rằng hậu quả của chúng là rất tai hại thì hãy tiếp tục phân tích. Dần dần sự tự tin của ta sẽ mạnh thêm. Hãy lập đi lập lại việc quán chiếu vào những bất lợi của sân hận, thí dụ, nó sẽ làm cho ta hận ra rằng sân hận là vô nghĩa.
* Quyết định này sẽ làm cho sân hận giảm thiểu dần dần.
-*-
Ẩn Tâm Lộ, Friday, February 15, 2019