Kinh Viên Giác Giảng giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

Chương 2: BỒ-TÁT PHỔ HIỀN Thưa Hỏi

ÂM:

Ư thị Phổ Hiền Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

– Đại bi Thế Tôn, nguyện vị thử hội chư Bồ-tát chúng, cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh tu Đại thừa giả, văn thử Viên giác thanh tịnh cảnh giới vân hà tu hành. Thế Tôn, nhược bỉ chúng sanh tri như huyễn giả, thân tâm diệc huyễn, vân hà dĩ huyễn hoàn tu ư huyễn? Nhược chư huyễn tánh nhất thiết tận diệt, tắc vô hữu tâm, thùy vị tu hành, vân hà phục thuyết tu hành như huyễn? Nhược chư chúng sanh bản bất tu hành, ư sanh tử trung thường cư huyễn hóa, tằng bất liễu tri như huyễn cảnh giới, linh vọng tưởng tâm vân hà giải thoát? Nguyện vị mạt thế nhất thiết chúng sanh tác hà phương tiện tiệm thứ tu tập, linh chư chúng sanh vĩnh ly chư huyễn.

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.

DỊCH:

Lúc đó Bồ-tát Phổ Hiền ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay mà bạch Phật rằng:

– Đức Thế Tôn đại bi, cúi xin vì các Bồ-tát trong hội này và tất cả chúng sanh đời sau tu theo Đại thừa nghe cảnh giới Viên giác thanh tịnh làm sao tu hành? Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh biết các pháp như huyễn, thân tâm cũng huyễn, làm sao dùng huyễn để tu huyễn? Nếu tất cả tánh huyễn đều diệt hết thì không có (thân) tâm, vậy ai tu hành, sao lại nói tu hành như huyễn? Nếu các chúng sanh vốn chẳng tu hành, thường ở trong sanh tử huyễn hóa, chưa từng rõ biết cảnh giới như huyễn, làm sao dẹp tâm vọng tưởng để giải thoát? Cúi xin Ngài vì chúng sanh đời sau dạy phương tiện thứ lớp tu tập như thế nào, để cho các chúng sanh hằng lìa các huyễn.

Thưa lời đây rồi năm vóc gieo xuống đất, thưa hỏi như vậy lặp lại ba lần.

GIẢNG:

Chương trước Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho Căn bản trí, Ngài hỏi về nhân địa tu hành của chư Phật. Chương này tới Bồ-tát Phổ Hiền thưa hỏi. Ngài Phổ Hiền thường gọi là Đại Hạnh Phổ Hiền, theo kinh Hoa Nghiêm thì Phổ Hiền tượng trưng cho Sai biệt trí. Sai biệt trí là trí tùy duyên giáo hóa chúng sanh, tùy duyên dựng lập công hạnh.

Bồ-tát Phổ Hiền nêu lên bốn câu hỏi. Trước hết Ngài hỏi đức Phật:

1. Các Bồ-tát trong hội và tất cả chúng sanh đời sau tu theo Đại thừa nghe đến cảnh giới Viên giác thanh tịnh làm sao tu hành?

2. Nếu chúng sanh biết các pháp như huyễn, thân tâm cũng huyễn, làm sao dùng huyễn tu huyễn?

3. Nếu tất cả tánh huyễn đều diệt hết, thì không có (thân) tâm. Vậy ai tu hành, sao lại nói tu hành như huyễn?

4. Nếu các chúng sanh vốn chẳng tu hành, thường ở trong sanh tử huyễn hóa, chưa từng rõ biết cảnh giới như huyễn, làm sao dẹp tâm vọng tưởng để giải thoát?

Bồ-tát Phổ Hiền nêu lên bốn câu hỏi ấy và xin đức Phật dạy phương tiện thứ lớp tu tập, để cho chúng sanh hằng lìa các huyễn. Bồ-tát Phổ Hiền hỏi về chi tiết tu hành, khi hiểu được chi tiết rồi thì mới ứng dụng tu. Vì nghe Phật nói thân tâm đều huyễn hết nên sanh nghi: “Phật nói thân huyễn tâm huyễn thì ai tu? Nếu không tu thì cam chịu ở mãi trong sanh tử sao?” Bởi vì có nhiều người nghĩ thân huyễn, tâm huyễn, cảnh huyễn thì cho nó huyễn luôn chớ tu làm chi. Tu là khi nào nó thật, thật phải thật quấy thật xấu thật tốt, thì mới bỏ cái quấy tu cái phải, bỏ cái xấu tu cái tốt… Đã không tu lại còn phóng túng bởi vì huyễn thì còn gì để sợ mà tránh tội lỗi. Như vậy sẽ có các thói hư do cái biết như huyễn phát sanh, nên ngài Phổ Hiền nêu lên câu hỏi để Phật giải thích.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Hiền Bồ-tát ngôn:

– Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tu tập Bồ-tát như huyễn tam-muội, phương tiện tiệm thứ linh chư chúng sanh đắc ly chư huyễn. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Phổ Hiền Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

DỊCH:

Khi ấy đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Phổ Hiền rằng:

– Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các Bồ-tát và các chúng sanh đời sau tu tập tam-muội như huyễn của Bồ-tát, (thưa hỏi) phương tiện thứ lớp tu hành khiến cho các chúng sanh được lìa các huyễn. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Phổ Hiền hoan hỉ vâng lời dạy cùng chư đại chúng yên lặng lắng nghe.

GIẢNG:

Đức Phật dạy chúng ta nên tu tập chánh định như huyễn. Thế nào gọi là chánh định như huyễn? Giả sử khi chúng ta ngồi thiền tâm duyên theo cảnh này cảnh nọ, chúng ta biết cảnh đang duyên theo là huyễn hóa nên tâm không chạy theo cảnh, và tâm được an định, đó gọi là chánh định như huyễn.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh chủng chủng huyễn hóa, giai sanh Như Lai Viên giác Diệu tâm, do như không hoa, tùng không nhi hữu, huyễn hoa tuy diệt, không tánh bất hoại. Chúng sanh huyễn tâm hoàn y huyễn diệt, chư huyễn tận diệt giác tâm bất động, y huyễn thuyết giác, diệc danh vi huyễn, nhược thuyết hữu giác do vị ly huyễn thuyết vô giác giả, diệc phục như thị. Thị cố huyễn diệt, danh vi bất động.

DỊCH:

– Này Thiện nam, tất cả chúng sanh và mọi vật huyễn hóa đều sanh từ Viên giác Diệu tâm Như Lai. Ví như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà có, hoa đốm tuy diệt mà tánh hư không không hoại. Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi pháp huyễn mà diệt. Pháp huyễn tâm huyễn diệt hết thì Tánh giác bất động. Y pháp huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại như thế. Cho nên pháp huyễn (có và không) diệt hết gọi là bất động.

GIẢNG:

Phật lặp lại ý trước cho chúng ta khỏi phân vân. Ngài nói tất cả chúng sanh và cảnh vật huyễn hóa (tâm huyễn cảnh giới huyễn) đều sanh từ nơi Diệu tâm Viên giác Như Lai chớ không ở đâu. Ngài ví thân tâm cảnh giới như hoa đốm trong hư không, từ hư không mà có, tuy hoa đốm diệt mà hư không không hoại. Cũng thế thân tâm cảnh vật huyễn hóa tuy mất mà Tánh giác diệu tâm không mất. Nghe qua chúng ta thấy hình như Viên giác lưu xuất ra các huyễn, vậy là nó lưu xuất ra vô minh phải không? Tức là có một cái giác để sanh vô minh. Chỗ này không rõ dễ hiểu lầm. Cũng như có phải hư không sanh hoa đốm không? Vì mắt nhặm thấy hoa đốm, chớ không phải hư không sanh hoa đốm. Cũng như vậy Tánh giác không sanh vô minh mà tại mê Tánh giác nên vô minh dấy lên. Bởi Tánh giác không sanh vô minh nên khi vô minh hết mà Tánh giác vẫn còn. Như vậy, Tánh giác là nhân địa mà chúng ta tu hành. Ngài xác định: Tâm huyễn của chúng sanh lại y nơi pháp huyễn mà diệt. Pháp huyễn tâm huyễn diệt hết thì tánh Viên giác bất động.

Tôi lấy ví dụ ngồi thiền để giảng đoạn này cho quí vị hiểu. Khi chúng ta ngồi thiền thấy vọng tưởng dấy lên là giả dối. Khi lặng xuống thì tâm hằng giác tròn đầy lặng lẽ chớ đâu có mất. Nếu tâm hằng giác mà mất thì lúc đó chúng ta đâu có biết vọng tưởng lặng. Ngài chỉ cho chúng ta thấy rõ khi tâm huyễn diệt rồi thì tâm hằng giác bất động hiện tiền. Nếu y huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa. Ví dụ như vọng tưởng dấy lên chúng ta khởi “biết vọng tưởng”; “vọng tưởng” là huyễn, nhưng “cái biết vọng tưởng” cũng huyễn luôn. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại như thế, cho nên pháp huyễn diệt gọi là bất động. Tôi nhắc lại: Khi chúng ta ngồi thiền, vọng tưởng dấy lên, chúng ta “biết nó là huyễn”, “cái biết huyễn” đó hơn “cái huyễn” một phần rồi, nhưng chúng ta chấp “cái biết huyễn” đó là thật thì chúng ta cũng còn kẹt trong huyễn nữa. Như vậy, “vọng tưởng” lặng thì “cái biết vọng tưởng” cũng phải buông luôn, buông hết thì tâm như như bất động. Tâm bất động đó mới là thật, chớ còn dấy niệm quán cũng chưa được.

ÂM:

– Thiện nam tử, nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh ưng đương viễn ly nhất thiết huyễn hóa hư vọng cảnh giới. Do kiên chấp trì viễn ly tâm cố, tâm như huyễn giả diệc phục viễn ly, viễn ly vi huyễn diệc phục viễn ly, ly viễn ly huyễn diệc phục viễn ly, đắc vô sở ly, tức trừ chư huyễn. Thí như toản hỏa, lưỡng mộc tương nhân, hỏa xuất mộc tận, khôi phi yên diệt. Dĩ huyễn tu huyễn diệc phục như thị. Chư huyễn tuy tận bất nhập đoạn diệt.

DỊCH:

– Này thiện nam, tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau phải xa lìa tất cả cảnh giới huyễn hóa hư vọng. Do chấp cứng cái tâm xa lìa, tâm ấy là huyễn cũng phải xa lìa, lìa cái lìa huyễn cũng lại xa lìa, được không chỗ lìa tức là trừ các huyễn. Ví như dùi lửa, hai thanh gỗ làm nhân cho nhau, lửa phát ra hai thanh gỗ cháy hết tro bay khói mất. Lấy huyễn tu huyễn cũng như vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt.

GIẢNG:

Đa số chúng ta có bệnh khi nghe nói cái đó là thật, thì chấp đành rồi, nhưng nghe nói cái đó là giả cũng chấp luôn. Ví dụ như nghe Phật nói phải xa lìa pháp huyễn hóa thì cương quyết bỏ pháp huyễn hóa, nhưng nếu còn cái cố chấp quyết bỏ pháp huyễn hóa cũng không được, vì còn có một cái để bám. Vì vậy đức Phật dạy niệm xa lìa cũng phải buông luôn. Nên nói tâm ấy là huyễn cũng phải xa lìa. Tôi xin phân tích làm ba giai đoạn cho dễ hiểu.

– Giai đoạn 1: Chúng ta biết tâm vọng tưởng là huyễn. Khi vọng tưởng dấy lên biết nó là vọng tưởng, vọng tưởng lặng xuống, biết vọng tưởng hết, đó là giác vọng tưởng. Khi vọng tưởng lặng rồi, cái giác vọng tưởng đó cũng phải buông luôn. Nếu chấp cái giác vọng tưởng đó cho là thật thì cũng là vọng tưởng nữa.

– Giai đoạn 2: Nếu còn có tâm niệm bỏ cái giác vọng tưởng cũng không được, phải buông luôn.

– Giai đoạn 3: Cái tâm dấy khởi bỏ cái biết vọng tưởng đó cũng phải bỏ nữa. Bởi cho đến khi tâm không còn dấy khởi thì Tánh giác hiện bày, đó mới thật là lìa huyễn. Còn một niệm xa lìa cũng là vọng tưởng. Tới chỗ cứu kính thì không còn niệm thủ xả, còn dấy niệm thủ xả là còn động, tánh Viên giác thì bất động, sống được với cái bất động đó mới là lìa hết huyễn. Chỗ này phải tu mới thấy rõ, không tu chỉ nghe qua thì thấy lạ quá.

Đức Phật lại ví dụ, như chúng ta dùi lửa, hai thanh gỗ cọ nhau, lửa phát ra hai thanh gỗ cháy, tro bay khói mất. Lấy huyễn tu huyễn cũng lại như vậy. Trước dùng trí tuệ chiếu soi thân tâm để thấy thân tâm không thật, tức là hai thanh gỗ bị cháy; khi thấy thân tâm không thật thì còn cái chấp thân tâm huyễn chúng ta bỏ luôn, tức là tro bay; khi bỏ trí biết huyễn nhưng ý niệm muốn xa lìa cái huyễn còn thầm thầm bên trong, bỏ luôn ý niệm đó nữa là khói bay hết. Đến đây mới trở về như như. Cái huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt. Đây là chỗ đặc biệt. Có nhiều người không hiểu cho rằng khi tu Phật bảo buông hết niệm suy nghĩ thì không còn gì, sẽ trở thành ngu ngơ. Không, đức Phật xác định là khi huyễn hết rồi không rơi vào đoạn diệt, mà hằng ở trong Tánh giác. Chỗ này Lục Tổ cũng có nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính khi ấy là Bản lai diện mục của ngươi.”

ÂM:

– Thiện nam tử, tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ. Nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh, y thử tu hành, như thị nãi năng vĩnh ly chư huyễn.

DỊCH:

– Này Thiện nam, biết pháp huyễn hóa tức lìa, chẳng khởi phương tiện, lìa pháp huyễn hóa liền giác, cũng không có thứ lớp. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau y đây tu hành. Như thế mới hằng lìa các huyễn.

GIẢNG:

Ngài Phổ Hiền yêu cầu Phật dạy pháp tu thứ lớp, đức Phật trả lời không có thứ lớp, biết các pháp huyễn hóa tức là lìa pháp huyễn hóa, lìa pháp huyễn hóa thì Tánh giác hiện tiền. Đây là một lối đốn ngộ đốn tu, và Ngài kết luận Bồ-tát và chúng sanh đời sau y đây mà tu thì hằng lìa các pháp huyễn. Chúng ta thấy từ đức Phật đến Bồ-tát và chúng sanh đời sau nếu muốn tánh Viên giác hiện tiền thì không có gì hơn là biết rõ cái hư giả mộng huyễn, khi biết rõ nó thì không bị nó chi phối.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:

– Phổ Hiền nhữ đương tri
Nhất thiết chư chúng sanh
Vô thủy huyễn vô minh
Giai tùng chư Như Lai
Viên giác tâm kiến lập
Du như hư không hoa
Y không nhi hữu tướng
Không hoa nhược phục diệt
Hư không bản bất động
Huyễn tùng chư giác sanh
Huyễn diệt giác viên mãn
Giác tâm bất động cố
Nhược bỉ chư Bồ-tát
Cập mạt thế chúng sanh
Thường ưng viễn ly huyễn
Chư huyễn tất giai ly
Như mộc trung sanh hỏa
Mộc tận hỏa hoàn diệt
Giác tắc vô tiệm thứ
Phương tiện diệc như thị.

DỊCH:

Khi ấy đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này, nói kệ rằng:

– Phổ Hiền ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Vô thủy huyễn vô minh
Đều từ các Như Lai
Tâm Viên giác dựng lập
Như hoa đốm trong không
Y hư không có tướng
Hoa đốm nếu diệt rồi
Hư không vốn chẳng động
Huyễn từ giác mà sanh
Huyễn diệt giác viên mãn
Vì tâm giác bất động
Nếu các vị Bồ-tát
Và chúng sanh đời sau
Thường nên xa lìa huyễn
Các huyễn thảy đều lìa
Như lửa sanh trong cây
Cây hết lửa cũng tắt
Giác không có thứ lớp
Phương tiện cũng như vậy.

GIẢNG:

Bài trùng tụng này Phật kết thúc chương Bồ-tát Phổ Hiền thưa hỏi. Trước hết đức Phật chỉ cho thấy tất cả chúng sanh và pháp vô minh huyễn hóa có từ vô thủy đều từ nơi tâm Viên giác mà dựng lập. Chỗ này có nhiều người thắc mắc tại sao vô minh lại từ Tánh giác mà lập? Bây giờ tôi nói mê từ tỉnh mà có, quí vị đồng ý không? Ví dụ như vào buổi khuya đánh kiểng thức chúng, quí vị thức dậy súc miệng rửa mặt, lúc ấy rất là tỉnh táo, nhưng khi lên bồ đoàn ngồi một hồi thì mơ mơ và gục một cái, vậy cái mơ mơ đó từ đâu mà ra? Có phải từ cái tỉnh mà ra không? Chúng ta cứ cho là đang tỉnh thì không có mê, mà tại sao đang tỉnh lại gục? Cho nên trong khi tỉnh mà không khéo giữ thì tỉnh hóa thành mê. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chân như bất thủ tự tánh, hốt nhiên nhất niệm vô minh khởi”, nghĩa là Chân như không giữ Tự tánh thì vô minh sanh. Trong khi chúng ta tỉnh thì phải sáng suốt mà giữ cái tỉnh đó, nếu quên đi thì mê trở lại. Đối với Tánh giác cũng vậy, nếu không khéo tỉnh giác thường xuyên thì thỉnh thoảng mê dấy lên. Tại sao vậy? Bởi vì mê đã có trong tỉnh.

Như hiện giờ chúng ta tuy thức nhưng có cái ngủ nó ngầm ngầm trong ấy, nếu không giữ được tỉnh táo thì cái ngủ hiện ra, chớ không phải cái ngủ ở đâu đến. Hỏi tại sao tôi đang tỉnh mà lại mê? Tại tỉnh mà không giữ được Tự tánh tỉnh nên mê. Cũng vậy, pháp huyễn từ tâm Viên giác Như Lai ra Phật dụ như hoa đốm trong hư không, rồi cũng diệt trong hư không, nhưng hoa đốm sanh diệt mà hư không thì bất động. Vọng tưởng thì sanh diệt, vọng động; Tánh giác thì bất động. Cho nên mục đích chúng ta tu để tâm được định, không động mà sống với Tánh giác thì bất động. Định là lặng mọi vọng tưởng, vọng tưởng lặng rồi thì Tánh giác tròn sáng, đó là tuệ. Tánh giác thì bất động, dấy niệm là vọng động làm mờ Tánh giác. Vì vậy chúng ta phải định thì Tánh giác mới hiển hiện. Chúng ta tu dùng trí tuệ biết huyễn, đó là dùng phương tiện để trị vọng tưởng giả dối, khi vọng tưởng lặng thì cái biết huyễn cũng buông luôn. Đức Phật dạy chúng sanh nên y theo đó mà tu để hằng lìa pháp huyễn, khi pháp huyễn đã lìa rồi thì Tánh giác hiển hiện chớ không có thứ lớp.