TÂY PHƯƠNG HIỆP LUẬN
Cư sĩ Viên Hoành Đạo soạn
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Trí Thông
Như Lai đã thuyết giảng giáo lý có đến vô vàn pháp môn. Trong kinh có khi Phật nói ra một vấn đề hoặc nói ra do một nhân duyên nào đó. Những điều ấy không thể nào kể hết cho được. Thế nhưng, chỉ có một pháp môn Niệm Phật là được đức Phật tán dương nhiều lần, như giữa vùng đồng bằng bao la bỗng dưng có ngọn núi đứng sừng sững, như ánh sáng của ngôi sao mai chiếu tỏa xuống bãi sa mạc mênh mông lúc trời sắp sáng. Về sự thù thắng của các pháp môn chưa có pháp môn nào hơn một pháp môn này. Bây giờ, tôi chỉ lấy các kinh nói về tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà, đem vào chương bộ loại thứ ba này, chia làm hai nghĩa kinh và vĩ. Thuyết văn có nói: “Sự dệt vải đại loại có hai đường: Kinh và vĩ. Đường kinh được dệt bởi tập hợp những sợi tơ dọc. Đường kinh không đổi mà đường vĩ thì đổi thay”. Nếu kinh không chuyên nói về cõi An Dưỡng thì tôi không biên chép vào đây. Còn vĩ nếu có đề cập đến pháp môn Niệm Phật thì tôi cũng lấy, như kẻ lên núi non lùng sục ngọc quý chỉ nhặt lấy mỡ dê, kẻ xuống biển cả tìm kiếm trầm hương mà lại nỡ bỏ hương ngưu đầu. Khổng Tử nói rằng: “Điều nghi không biết thì người ta há bỏ được chăng? Còn đến nghe điều chưa được nghe bao giờ thì phải trông mong ở bậc triết nhân sau này”.
1/ Kinh trong kinh.
2/ Vĩ trong kinh.
3/ Kinh trong vĩ.
4/ Vĩ trong vĩ.
1/ Kinh trong kinh
1- Kinh Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác
2- Kinh Vô Lượng Thọ.
3- Kinh A Di Đà.
4- Kinh Vô Lượng Thọ trang nghiêm.
5- Kinh thứ mười tám trong Đại bảo tích mệnh danh Vô Lượng Thọ Như Lai hội.
Năm kinh trên có cùng một bản chữ Phạn, bốn bản trước chưa được tinh tường.
6- Kinh Đại A Di Đà là bản kinh mà cư sĩ Long Thơ đem bốn bản dịch trước dung hội với nhau, ghi lại lời Phật thuyết pháp cho A Nan, Từ Thị, … nghe tại núi Linh Thứu, ở thành Vương Xá.
Trong các bản dịch, bản Vô Lượng Thọ Như Lai hội trong kinh Đại bảo tích có nội dung phong phú. Tôi không biết tại sao Long Thơ lại không thấy bản kinh này?
– Kinh Phật thuyết A Di Đà và kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thọ có cùng một bản chữ Phạn, nhưng kinh trước chỉ nói sơ lược về Tịnh Độ hơn kinh sau. Tại vườn của Cấp Cô Độc, ở nước Xá Vệ, Phật thuyết pháp cho Xá Lợi Phật. Người đọc tụng phần nhiều dùng đến kinh này.
– Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Trong núi Kỳ Xà Quật, ở thành Vương Xá, Phật thuyết pháp cho phu nhân Vi Đề Hy”. Trong kinh trình bày đầy đủ mười sáu pháp quán mầu nhiệm và các pháp môn tu tập. Cho nên, Cô Sơn phê phán là định thiện.
Tuy nhiên, ba loại kinh trên đều chuyên dựng lập giáo nghĩa của Tây Phương, như vị trời trong cõi trời, như vị vua trong cõi người, chứ chẳng phải bài bác lẫn nhau. Lại như thái hư bao la, rỗng lặng, không có một vật, chẳng lẽ có vật thứ hai sao? Nghĩa lý sâu xa huyền diệu trong các kinh đã có nói đầy đủ ở các chương khác của sách này. Bây giờ, tôi không thuật lại vì dài dòng văn tự.
2/ Vĩ trong kinh
– Kinh Cổ âm vương ghi: “Tại bên ao Già Già thuộc thành lớn Chiêm Ba, Phật bảo một trăm thầy tỳ kheo: Nếu có bốn chúng thọ trì danh hiệu Phật A Di Đà thì đến khi lâm chung, những vị ấy đều được Phật và thánh chúng tiếp dẫn vãng sinh”.
– Kinh Hậu xuất A Di Đà Phật kệ ghi từ câu: “Niệm pháp tỳ kheo nãi tòng Thế Nhương Vương” đến câu: “Hoằng thử vô lượng thệ, thế thế khể thủ hành”.
Cộng chung tất cả được năm mươi sáu câu, từ câu đầu đến câu cuối chỉ có kệ mà thôi.
Hai kinh trên cũng chuyên trình bày về Tịnh Độ. Nói về nghĩa lý thì kinh A Di Đà Phật kệ chỉ nói sơ lược, nên sắp xếp nó vào loại vĩ. Lại nữa, ý nghĩa của kinh Cổ âm nghiêng về việc trì chù, còn Kệ kinh thuộc thể loại kệ tụng chứ không phải là văn xuôi.
3/ Kinh trong vĩ
– Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Bồ tát Phổ Hiền khích lệ đồng tử Thiện Tài và đại chúng trong hải hội nên phát mười điều nguyện lớn; đến khi lâm chung, tất cả các căn đều tan rã, tất cả oai thế đều tiêu mất, chỉ có nguyện lớn này theo mãi không rời mà thôi. Trong tất cả thời, nguyện lớn này theo mãi không rời mà thôi. Trong tất cả thời, nguyện lớn này dẫn đường đi trước. Khoảng một giây phút liền được vãng sinh về thế giới Cực Lạc . Người ấy tự thấy sinh trong hoa sen được Phật thọ ký. Khi được thọ ký rồi, trải qua vô số kiếp độ khắp chúng sinh ở mười phương thế giới nhiều đến không kể xiết, tùy theo tâm niệm chúng sinh mà vận dụng trí tuệ để làm lợi ích cho đến có thể dấn thân vào biển lớn phiền não thống khổ để cứu vớt chúng sinh, đưa họ thoát khỏi sinh tử và được sinh về thế giới Cực Lạc”. Lại nữa, trưởng giả Giải Thoát nói rằng: “Nếu ta muốn thấy thế giới An Lạc của Vô Lượng Thọ Như Lai thì tùy ý liền thấy. Tất cả thế giới trong mười phương như thế đều có Như Lai, nếu ta muốn thấy thì tùy ý liền thấy. Ta có thể biết rõ các việc thần thông, cõi nước trang nghiêm của Như Lai không đến cũng không đi, không có hành xứ cũng không có trụ xứ, cũng như thân ta không đến cũng không đi, không có hành xứ cũng không có trụ xứ”.
– Kinh Pháp hoa ghi: “Nghe kinh điển này, tu tập đúng như lời Phật, đến khi đời sống kết thúc, người ấy lập tức sinh về thế giới An Lạc của Phật A Di Đà, nơi đó có các vị đại bồ tát bao quanh. Người ấy sinh trong hoa sen, ngồi trên tòa báu, chứng nhập vô sinh nhẫn, thần thông của bồ tát. Khi chứng nhập nhẫn ấy rồi , thì nhãn căn thanh tịnh. Vì nhãn căn thanh tịnh nên thấy được các đức Như Lai nhiều bằng số cát của bảy trăm vạn hai ngàn ức trăm triệu sông Hằng”.
– Kinh Lăng nghiêm ghi: “Bồ tát Đại Thế Chí bạch với Phật rằng:
– Con nhớ thuở xa xưa, số kiếp như cát của sông Hằng, có Phật Vô Lượng Quang ra đời. Thuở ấy có mười hai đức Như Lai kế tiếp nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng mệnh danh Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con tu pháp Niệm Phật tam muội, ví như một người chuyên nhớ, một người hay quên. Hai người ấy hoặc có gặp nhau cũng như không gặp, hoặc có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm cũng như hình với bóng thì từ đời này đến đời khác không bao giờ cách xa nhau. Như Lai khắp cả mười phương thương tưởng chúng sinh như mẹ hiền thương nhớ con thơ. Nếu con thơ cương quyết trốn tránh mẹ hiền thì mẹ hiền có thương nhớ đến cũng vô ích mà thôi. Nếu con thơ nhớ tưởng đến mẹ hiền cũng như mẹ hiền nhớ nghĩ đến con thơ thì đời đời mẹ con không cách xa. Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay vị lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, không nhờ phương tiện nào khác mà đóa hoa của tâm linh tự bừng nở, như người xức nước hoa thì thân có mùi thơm. Đây gọi là Hương quang trang nghiêm. Bản nhân của con là vận dụng tâm niệm Phật để chứng nhập vô sinh nhẫn. Hiện nay, con ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về Tịnh Độ. Phật hỏi về viên thông, con thu nhiếp sáu căn, không có lựa chọn, tịnh niệm nối tiếp không ngừng, vào tam ma địa, đây là hơn cả”.
– Kinh Bảo tích ghi: “Phật bảo phụ vương:
– Tất cả chúng sinh đều là Phật. Bây giờ , phụ vương nên niệm Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương, siêng năng tinh tiến sẽ đắc Phật đạo.
Vua hỏi:
– Tất cả chúng sinh tại sao là Phật?
Phật đáp:
– Tất cả pháp không có sinh, không có lay động, không có nắm lấy, xả bỏ, không có hình tướng, không có tự tánh, phải an trụ tâm ấy trong Phật pháp. Phụ vương chớ nên tin tưởng vào pháp nào khác.
Khi ấy, phụ vương và bảy vạn người dòng họ Thích nghe nói pháp này thì tin hiểu, vui mừng, tỏ ngộ vô sinh nhẫn. Phật mỉm cười, nói bài kệ:
Họ Thích trí quyết định,
Nên đối với Phật pháp,
Tâm an trụ đức tin.
Sau khi bỏ thân này,
Sinh về nước An Lạc,
Diện kiến A Di Đà,
Chứng nhập vô sở úy,
Thành tựu đạo giác ngộ”.
Lại nữa, Phật còn dạy Di Lặc phát mười tâm sẽ được vãng sinh về Cực Lạc. Mười tâm là những gì:
- Đối với chúng sinh khởi tâm từ rộng lớn, tâm không tổn hại.
- Đối với chúng sinh khởi tâm bi rộng lớn, tâm không bức não.
- Đối với chánh pháp của Phật không tiếc thân mạng, vui vẻ giữ gìn.
- Đối với tất cả pháp phát sinh tâm thắng nhẫn, tâm không dính mắc.
- Không tham lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, cho nên tâm ý thanh tịnh, an vui,
- Vì cầu Phật trí nên không quên mất chánh niệm trong bất cứ lúc nào.
- Đối với tất cả chúng sinh tôn trọng, cung kính, không hề khinh khi.
- Không dính mắc vào thế luận, đối với thành phần tuệ giác sinh tâm qưyết định.
- Vun trồng căn lành, tâm tư thanh tịnh, không có tạp nhiễm.
- Đối với các đức Như Lai xa lìa các tướng, khởi tâm niệm Phật.
Đó là bồ tát phát mười tâm, do tâm này nên được vãng sinh. Trong mười tâm này, hành giả chỉ cần thành tựu một tâm và ưa thích sinh về thế giới của Phật kia, nếu không được sinh thì thật là vô lý.
– Kinh Bát chu tam muội ghi: “Phật bảo bồ tát Bạt Đà Hòa: Nếu có sa môn hay bạch y nghe nói cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây, người ấy thường niệm Phật ở phương kia, không được phạm giới, nhất tâm niệm Phật hoặc một ngày đêm, hoặc bảy ngày, bảy đêm, qua bảy ngày rồi, thì chiêm bao thấy Phật A Di Đà, chứ không phải thấy khi thức giấc. Như thấy trong chiêm bao, người ấy không biết ban đêm, ban ngày, không phân biệt trong, ngoài; ở chỗ tối tăm, chỗ bị che khuất đều thấy được cả. Này Bạt Đà Hòa! Khi bồ tát đang niệm danh hiệu, cảnh giới, cõi nước của các đức Phật, thì những chỗ tối tăm mù mịt của núi lớn, núi Tu Di đều được mở ra sáng sủa. Mắt không bị che khuất, tâm cũng không bị ngăn trở. Vị đại bồ tát ấy không được thiên nhãn mà nhìn thấu suốt, không được thiên nhĩ mà nghe thấu suốt, không được thần túc mà đến cõi Phật. Không phải đợi đến khi lâm chung mới sinh về cõi Phật, mới thấy được Phật, mà ngay khi tĩnh tọa cũng thấy Phật A Di Đà, nghe Phật thuyết kinh , đều được thọ trì, từ trong chánh định có đủ khả năng, vì người thuyết pháp”.
– Kinh Quán Phật tam muội ghi: “Văn Thù tự thuật nhân đời trước đắc Niệm Phật tam muội, sẽ được sinh về Tịnh Độ. Thế Tôn lại thọ ký rằng: Ông sẽ vãng sinh về thế giới Cực lạc”
– Phẩm Hiền hộ trong kinh Đại tập ghi: “Người cầu tuệ giác vô thượng nên tu Niệm Phật Thiền tam muội. Kệ rằng:
Nếu người niệm Phật A Di Đà,
Gọi là thiền sâu mầu vô thượng,
Ngay khi quán tưởng được thấy Phật,
Chính là pháp không sinh không diệt”.
– Kinh Thập trụ đoạn kiết ghi: “Trong khi tĩnh tọa có bốn ức chúng tự biết chết đây, sinh kia, dây dưa không dứt mà ái dục là nguồn gốc, họ ưa thích sinh về cõi nước không có ái dục. Phật bảo: Về hướng Tây cách đây vô số cõi nước có Phật mệnh danh Vô Lượng Thọ. Cõi nước kia thanh tịnh, không có dâm dục, giận dữ và si mê, hóa sinh trong hoa sen chứ không do bào thai của cha mẹ, quí vị nên sinh về cõi kia”.
– Kinh Như Lai bất tư nghì cảnh giới ghi: “Bồ tát biết rõ các đức Phật và tất cả pháp đều là duy tâm, nên được tùy thuận nhẫn hoặc chứng nhập sơ địa, đến khi xả bỏ thân này liền sinh về thế giới Diệu Hỷ, hoặc sinh về cõi Cực Lạc”.
– Kinh Tùy nguyện vãng sinh ghi: “Cõi Phật nhiều vô lượng, tại sao chỉ chuyên cầu sinh về cõi Cực Lạc?
Đáp:
- Vì nhân thù thắng, mười niệm làm nhân.
- Vì duyên thù thắng, bốn mươi tám lời nguyện độ khắp chúng sinh”.
– Kinh Xưng dương chư Phật công đức ghi: “Nếu có người nghe được danh hiệu Vô lượng Thọ Như Lai mà hết lòng tin ưa thì đến khi đời sống kết thúc, Phật A Di Đà và các vị tỳ kheo đến trước người ấy, ma không thể nào phá hoại tâm chánh giác của người ấy”. Lại nói: “Nếu ai thọ trì, tụng niệm kinh này thì sẽ được vô lượng phước, vĩnh viễn ra khỏi ba đường dữ, sau khi đời sống kết thúc được vãng sinh về cõi kia”.
– Kinh Đại vân ghi: “Thiện nam tử, về phương Tây của thế giới Ta Bà có một thế giới mệnh danh An Lạc, có đức Phật mệnh danh Vô Lượng Thọ, hiện nay thường vì chúng sinh mà tuyên giảng chánh pháp. Đức Phật ấy bảo một vị bồ tát: “Này thiện nam tử ! Ở thế giới Ta Bà, Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết kinh Đại vân cho chúng sinh phước mỏng, độn căn nghe. Ông nên đến đó hết lòng nghe nhận”, bồ tát kia muốn đến đây, cho nên trước tiên hiện điềm lành. Thiện nam tử, ông hãy xem thân của các vị bồ tát ở cõi An Lạc cao năm vạn sáu ngàn do tuần.
– Bạch Thế Tôn, bồ tát kia sắp đến mệnh danh là chi, …đến cõi này vì nhân duyên gì ?
Phật bảo:
– Bồ tát kia đến đây không phải muốn độ chúng sinh mà chỉ tha thiết ngưỡng mong Như Lai vì chúng sinh mà phân biệt thuyết giảng.
Thiện nam tử, bồ tát ở cõi nước kia đến đây muốn nghe những việc thọ ký của bồ tát Tịnh Quang, đều muốn cúng dường chánh định như vậy.
Thiện nam tử, bồ tát kia mệnh danh Vô Biên Quang (Đại Thế Chí), thông hiểu phương tiện, có thể khéo giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh”.
– Kinh Lăng già ghi: “Này Đại Huệ! Sau khi ta diệt độ, ở Thiên Trúc về phương Nam có tỳ kheo danh đức lớn mệnh danh Long Thọ. Tỳ kheo ấy có năng lực phá tan các tranh luận của các tông hữu, vô để làm sáng tỏ pháp đại thừa vô thượng của ta, chứng nhập sơ hoan hỷ địa được vãng sinh về nước An Lạc”.
– Kinh Đại bi ghi:”Sau khi ta diệt độ, ở Thiên Trúc về phương Bắc có tỳ kheo Kỳ Bà Già đã tu tập vô lượng căn lành tối thắng, đến khi đời sống kết thúc sinh về cõi Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây, cách đây hơn trăm ngàn ức thế giới. Về sau thành Phật hiệu là Vô Cấu Quang Như Lai”.
4/ Vĩ trong vĩ
– Phẩm Tỳ lô giá na trong kinh Hoa nghiêm ghi: “Khi ấy, đồng tử Đại Oai Quang thấy Ba La Mật Thiện Căn Trang Nghiêm Vương Như Lai thành tựu tuệ giác vô thượng, hiển hiện năng lực thần thông, liền đắc Niệm Phật tam muội vô biên hải tạng”.
Lại nữa, phẩm Quang minh giác ghi: “Khi ấy, ánh sáng chiếu qua hàng ngàn thế giới, đến chỗ của bồ tát Văn Thù và chỗ của Phật thì đồng thời phát ra âm thanh, thuyết bài tụng rằng:
Trong tất cả oai nghi,
Thường niệm công đức Phật,
Ngày đêm không ngừng nghỉ,
Phải nên siêng tu tập”.
– Phẩm Hiền thủ ghi:
“Thấy người lâm chung khuyên niệm Phật.
Và lập tượng Phật cho chiêm ngưỡng.
Để họ quy y về với Phật,
Do đó nay được ánh sáng này”.
– Niệm tạng thứ tám trong phẩm Thập vô tận tạng ghi: “Niệm này có mười thứ:
- Niệm tịch tịnh
- Niệm thanh tịnh
- Niệm không vẩn đục.
- Niệm sáng suốt.
- Niệm lìa trần cấu.
- Niệm lìa các thứ chấp trước.
- Niệm lìa các thứ nhơ bẩn
- Niệm chiếu sáng rực rỡ.
- Niệm đáng ưa thích.
- Niệm không thể chướng ngại”.
– Trong phẩm Đâu suất kệ tán, bồ tát Ly Cấu Tràng nói kệ:
“Lấy Phật làm cảnh giới,
Chuyên niệm không buông bỏ,
Người này thấy được Phật,
Tâm cùng Phật không khác”.
– Hồi hướng thứ mười trong phẩm Thập hồi hướng ghi:”Đem pháp thí hướng đến tất cả các đức Phật ở thời gian hiện tại, vị lai trong vô lượng vô biên thế giới để nguyện được ức niệm chư Phật bằng với pháp giới v.v…”
– Trong phẩm Thập địa, từ địa thứ nhất đến địa cuối cùng đều nói: “Tất cả việc làm không lìa niệm Phật”.
– Phẩm Phật bất tư nghì pháp ghi: “Như Lai có mười thứ Phật sự:
1-Nếu chúng sinh hết lòng tưởng niệm Phật thì hiện tại thấy được Phật.
2-Nếu chúng sinh tâm không nhu hòa thì Phật sẽ vì người ấy mà thuyết pháp v.v.”
Phẩm Nhập pháp giới ghi: “Tỳ kheo Đức Vân bảo đồng tử Thiện Tài:
– Thiện nam tử, ta được năng lực tri giải quyết định, tín căn thanh tịnh, trí tuệ sáng tỏ, quán khắp cảnh giới, xa lìa tất cả chướng ngại, đầy đủ hạnh thanh tịnh, tham quan khắp mười phương để cúng dường các đức Phật, thường niệm tất cả đức Như Lai, ghi nhớ chánh pháp của tất cả đức Phật, thường thấy tất cả đức Phật thuận theo các thứ tâm ưa thích của mỗi loài chúng sinh mà thị hiện các thứ để thành tựu tuệ giác vô thượng, ở trong đại chúng rống tiếng sư tử. Thiện nam tử, ta chỉ được pháp môn Ánh sáng trí tuệ thấy khắp tất cả cảnh giới của các đức Phật được ức niệm này.
1. Pháp môn này mệnh danh là môn Niệm Phật ánh sáng trí tuệ chiếu khắp, vì chúng sinh niệm Phật thường thấy các cung điện trong cõi nước của tất cả các đức Phật đều thanh tịnh, trang nghiêm.
2. Pháp môn làm cho tất cả chúng sinh niệm Phật, vì tùy theo sở thích của tâm chúng sinh đều làm cho họ thấy Phật, tâm họ được thanh tịnh.
3. Pháp môn làm cho chúng sinh an trụ nơi niệm Phật, vì làm cho họ nhập vào thập lực của Như Lai.
4. Pháp môn làm cho chúng sinh an trụ nơi pháp niệm Phật, vì họ thấy được vô lượng Phật, nghe được pháp vi diệu.
5. Pháp môn niệm Phật chiếu sáng rực rỡ khắp các phương, vì chúng sinh niệm Phật thấy cõi Phật trong tất cả thế giới đều rộng lớn như biển cả, bình đẳng, không sai biệt.
6. Pháp môn niệm Phật là pháp nhập vào chỗ không thể thấy, vì chúng sinh niệm Phật thấy các việc thần thông tự tại của các đức Phật trong tất cả cảnh giới vi tế.
7. Pháp môn niệm Phật trụ vào các kiếp, vì trong tất cả kiếp, chúng sinh niệm Phật thường thấy các việc làm của Như Lai không ngừng nghỉ.
8. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả thời gian, vì ở trong tất cả thời gian, chúng sinh niệm Phật thường thấy Như Lai thân cận ở chung, không hề xa cách.
9. Pháp môn niệm Phật trụ ở tất cả cõi, vì tất cả cõi nước, chúng sinh niệm Phật đều thấy thân Phật vượt trội hết thảy.
10. Pháp môn niệm Phật trụ vào tất cả đời,vì tùy theo điều ưa thích của tâm chúng sinh mà họ thấy khắp cả các đức Như Lai trong ba đời.
11. Pháp môn niệm Phật trụ tất cả cảnh giới, vì ở trong tất cả cảnh giới, chúng sinh niệm Phật đều thấy các đức Như Lai lần lượt xuất hiện.
12. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ tịch diệt, vì trong một niệm, chúng sinh niệm Phật thấy tất cả cõi, tất cả đức Phật thị hiện niết bàn.
13. Pháp môn niệm Phật trụ vào xa lìa, vì ở trong một niệm, chúng sinh niệm Phật thấy tất cả đức Phật từ chỗ trụ của Ngài rồi ra đi.
14. Pháp môn niệm Phật trụ vào chỗ quảng đại, vì tâm của chúng sinh niệm Phật thường quán sát thân Phật nào cũng đều đầy khắp hư không pháp giới.
15. Pháp môn niệm Phật trụ vào vi tế, vì ở đầu một mảy lông có đức Như Lai xuất hiện, không thể nói hết, chúng sinh niệm Phật đều đến chỗ ấy để phụng sự.
16. Pháp môn niệm Phật trụ vào cảnh giới trang nghiêm, vì ở trong một niệm, chúng sinh niệm Phật thấy tất cả cõi đều có các đức Phật thành tựu tuệ giác vô thượng, hiển hiện thần thông.
17. Pháp môn niệm Phật an trụ nơi Phật sự, vì chúng sinh niệm Phật thấy tất cả Phật xuất hiện ở thế gian, phóng ánh sáng trí tuệ, chuyển pháp luân.
18. Pháp môn niệm Phật trụ vào tâm tự tại, vì tùy theo điều ưa thích của tâm chúng sinh mà tất cả đức Phật thị hiện các thứ thân tướng.
19. Pháp môn niệm Phật trụ vào tự nghiệp, vì biết tùy theo nghiệp chúng sinh đã tích tập mà Phật hiện thân khiến họ được giác ngộ.
20. Pháp môn niệm Phật trụ vào thần thông, vì chúng sinh niệm Phật thấy Phật ngồi trên hoa sen rộng lớn, nở xòe trùm khắp pháp giới.
21. Pháp môn niệm Phật trụ vào hư không, vì chúng sinh niệm Phật quán sát Như Lai có thân như vầng mây để trang nghiêm pháp giới, hư không giới”.
– Kinh Pháp hoa ghi:
“ Nếu người đi một mình,
Đến nhà của thí chủ,
Khất thực không bạn lữ,
(thì) Phải hết lòng niệm Phật
…Dù người tâm tán loạn
Vào ở trong tháp miếu,
Chỉ niệm nam mô Phật,
Đều đã thành Phật đạo”.
– Kinh Tịnh Danh ghi:
“Này Bảo Tích ! Tâm ngay thẳng là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh không có tâm dối trá được sinh về nước kia.
– Tâm thâm sâu là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh công đức viên mãn được sinh về nước kia.
– Tâm bồ đề là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh tu pháp đại thừa được sinh về nước kia.
– Bố thí là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh có thể xả bỏ tất cả được sinh về nước kia.
– Giữ giới là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh tu tập mười nghiệp lành được sinh về nước kia.
– Nhẫn nhục là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh ba mươi hai tướng trang nghiêm được sinh về nước kia.
– Tinh tiến là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh siêng tu tất cả công đức được sinh về nước kia.
– Thiền định là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh tâm không loạn động được sinh về nước kia.
– Trí tuệ là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh chánh định được sinh về nước kia.
– Bốn tâm vô lượng là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh thành tựu từ, bi, hỷ, xả được sinh về nước kia.
– Tứ nhiếp pháp là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh thuộc về giải thoát được sinh về nước kia.
– Phương tiện là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh có phương tiện vô ngại đối với tất cả pháp được sinh về nước kia.
– Ba mươi bảy phẩm bồ đề phần là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh có bốn niệm xứ, có bốn chánh cần, có bốn thần túc, có năm căn, có năm lực, có bảy tuệ giác, có tám đường chánh được sinh về nước kia.
– Tâm hồi hướng là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật thì được cõi nước đầy đủ tất cả công đức.
– Khéo nói để loại bỏ tám tai nạn là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, cõi nước không có ba đường dữ, tám tai nạn.
– Tự giữ giới hạnh, không nói lỗi người là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, cõi nước không có danh từ phạm giới.
– Mười nghiệp lành là tịnh độ của bồ tát. Khi bồ tát thành Phật, chúng sinh không chết yểu lại rất giàu có, đủ phạm hạnh, nói thành thật, nói hòa nhã, quyến thuộc không lìa nhau, khéo giải hòa người thưa kiện, nói hữu ích, không ganh ghét, không giận dữ chánh kiến được sinh về nước kia.
Đại loại như vậy, này Bảo Tích! Bồ tát tùy theo tâm ngay thẳng mà phát khởi việc làm; tùy phát khởi việc làm mà được thâm tâm; tùy thâm tâm mà ý được điều phục; tùy ý được điều phục mà lời nói, việc làm đi đôi với nhau; tùy lời nói, việc làm đi đôi với nhau mà hồi hướng; tùy hồi hướng mà có phương tiện; tùy phương tiện mà chúng sinh thành tựu; tùy chúng sinh thành tựu mà cõi Phật thanh tịnh; tùy cõi Phật thanh tịnh mà thuyết pháp thanh tịnh; tùy thuyết pháp thanh tịnh mà trí tuệ thanh tịnh; tùy trí tuệ thanh tịnh mà tâm thanh tịnh; tùy tâm thanh tịnh mà tất cả công đức đều thanh tịnh.
Vì vậy, này Bảo Tích! Nếu bồ tát muốn được tịnh độ thì phải thanh tịnh tâm của mình. Tùy theo tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”.
Lại nói: “Bồ tát thành tựu tám pháp, thì ở thế gian này, hạnh không tỳ vết được sinh về tịnh độ. Tám pháp là những gì?
1. Làm lợi ích cho chúng sinh mà không có mong cầu báo đáp.
2. Thay thế cho tất cả chúng sinh mà chịu mọi nỗi khổ, công đức đã được đều đem cho chúng sinh.
3. Tâm bình đẳng đối với chúng sinh, khiêm nhường vô ngại, xem các vị bồ tát cũng như Phật.
4. Kinh điển chưa nghe thì nghe mà tâm không nghi ngờ.
5.Không chống đối các vị thanh văn.
6. Không ganh ghét sự được cúng dường của người, không tự cao về lợi lộc của mình, cho nên tự điều phục được tâm.
7. Thường xét lỗi mình, không rêu rao lỗi người khác.
8. Thường xuyên nhất tâm cầu các công đức”.
– Kinh Niết bàn ghi: “Bồ tát tu tập sáu niệm, thứ nhất là niệm Phật”. Lại nói: “Vì chuyên chú, suy xét năng lực của nguyên lý nhân duyên, nên dứt trừ được phiền não”.
– Kinh Đại bi ghi: “Chỉ niệm danh hiệu Phật, nhờ căn lành ấy nên chứng nhập cảnh giới niết bàn không thể cùng tận”.
– Kinh Đại bát nhã có ghi: “Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi rằng: Bồ tát có thể tu tập đúng Nhất tướng trang nghiêm tam muội thì mau chóng chứng tuệ giác vô thượng. Khi tu tập tam muội này, bồ tát nên xa lìa chỗ ồn náo, không suy xét tướng chúng sinh mà chỉ chuyên tâm buộc niệm về một đức Phật, chú tâm về danh tự Như Lai, khéo tưởng dung nghi Như Lai tức là quán khắp tất cả các đức Phật trong ba đời, liền được tất cả trí tuệ của các đức Phật”.
– Kinh Tọa thiền tam muội ghi: “Khi tọa thiền, bồ tát chẳng niệm tất cả mà chỉ niệm một đức Phật, liền được tam muội”.
– Kinh Tăng nhất a hàm ghi: “Nếu so công đức của người đem tứ sự cúng dường cho tất cả chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề với công đức của người niệm danh hiệu Phật trong khoảnh khắc như thời gian lấy sữa bò, dê thì công đức niệm Phật là hơn không thể nghĩ bàn”.
– Kinh Văn Thù bát nhã có ghi: “Phật bảo Văn Thù rằng: Người muốn chứng nhập Nhất hạnh tam muội nên ở chỗ vắng vẻ, buông bỏ những ý tưởng rối loạn, không nắm lấy tướng mạo mà chú tâm về một đức Phật, chuyên niệm danh tự, thân ngồi ngay thẳng hướng về phương kia. Nếu có thể niệm một đức Phật mà niệm niệm nối tiếp không ngừng, thì trong niệm ấy có thể thấy các đức Phật ở đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Công đức niệm một đức Phật bằng công đức niệm vô lượng đức Phật. Phật pháp mà A Nan đã nghe vẫn còn có hạn lượng. Nếu người đắc Nhất hạnh tam muội thì phân biệt pháp môn nào trong các kinh cũng đều hiểu biết cả. Ngày đêm tuyên thuyết về trí tuệ, biện tài của người này cũng không bao giờ dứt tuyệt. Trăm phần, ngàn phần, … năng lực đa văn, biện tài của A Nan cũng không bằng một phần của người này”.
– Kinh Đại tập ghi: “Nếu người chuyên niệm đức Phật ở một phương hoặc đi mà niệm, hoặc ngồi mà niệm, xuyên suốt bốn mươi chín ngày thì người ấy thấy Phật hiện thân, liền được vãng sinh”.
– Kinh Pháp hoa tam muội quán ghi: “Chúng sinh trong mười phương chỉ niệm Nam mô Phật đều sẽ được làm Phật. Chỉ có một pháp đại thừa chứ không có hai cũng không có ba. Một môn, một tướng của tất cả pháp đều mệnh danh là tướng không tuyệt đối, không sinh không diệt. Người tu tập quán như vậy thì ngũ dục tự dứt, ngũ cái tự trừ, ngũ căn lớn thêm, liền được thiền định”.
– Kinh Na Tiên ghi: “Vua hỏi Na Tiên:
– Người đời gieo rắc các điều ác, đến khi lâm chung niệm Phật thì được sinh về cõi Phật. Tôi không tin điều đó?
Na Tiên đáp rằng:
– Như người đem tảng đá to để trên thuyền, nhờ thuyền, tảng đá không bị chìm. Người đời tuy làm các điều tội ác nhưng nhờ niệm Phật, nên không rơi vào địa ngục. Hạt cát tuy nhỏ nhưng không nhờ thuyền thì dĩ nhiên sẽ bị chìm. Cũng vậy, người gây tạo các điều ác mà không biết niệm Phật, liền rơi vào địa ngục”.
Tụng rằng:
Kim khẩu Như Lai rộng tuyên dương,
Cực lực tán dương cõi Tây Phương,
Ví như lữ khách vào Trường An,
Đông, Tây, Nam, Bắc đều vào được,
Một khi đã vào kinh thành này,
Đế đô, thiên tử không riêng khác.
Phổ Hiền, trưởng tử của đức Phật,
Bồ tát Văn Thù, thầy bảy Phật,
Thọ ký biệt cùng với hồi hướng,
Là quả vị đều nguyện vãng sinh.
Bảy vạn họ Thích được pháp nhẫn,
Đồng tử Thiện Tài chứng quả Phật,
Nguyện tận mặt lễ A Di Đà,
Đó là bồ tát được vãng sinh.
Tổ Long Thọ phá hữu, vô tông,
Ngài Kỳ Bà căn cơ tối thắng,
Hai vị ấy Phật đều thọ ký,
Đó là thiền sư được vãng sinh.
Nghe Phật dạy niềm tin ưa thích,
Siêng tu trì, tụng niệm sớm khuya,
Như đá lớn đặt để trên thuyền,
Ví dụ ấy chỉ hàng hạ liệt,
Được sinh về Lạc Quốc an vui.
A Nan đa văn ở trên đời,
Trong đệ tử Ngài là bậc nhất,
Nhưng không bằng chuyên niệm một Phật,
Liền thông suốt pháp trong các kinh.
Tại sao những kẻ thông nghĩa lý,
Dám khinh chê niệm Phật vãng sinh?
Các pháp môn nói về chánh niệm,
Trong kinh đều ghi chép rõ ràng,
Chỉ một pháp đại thừa viên đốn,
Không có hai mà cũng không ba.
Vậy kính khuyên những bậc ngộ đạt,
Nhân dịp này bỏ hẳn cuồng thiền,
Nhất tâm chuyên niệm A Di Đà,
Trong hoa sen niệm niệm hóa sinh,
Thường tịch quang cảnh giới là đây,
Chẳng phải Thật báo và Phương tiện,
Khởi quán như vậy là chánh quán.
Xin đừng vọng sinh tâm phân biệt,
Thiền, Giáo, Luật cùng với tam thừa,
Đồng tuôn về trong biển Tịnh Độ,
Thì muôn pháp đều vào Tịnh Độ,
Là phổ môn vô thượng không hai.
Nghĩa giáo hải vô biên, vô lượng,
Như chum vàng nhặt lấy một thoi,
Ăn một miếng biết vị cả chảo,
Trong đây có đủ Đại tạng rồi.