NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Hứa Khoát Nhiên Ở Quảng Đông
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư gởi cư sĩ Hứa Khoát Nhiên ở Quảng Đông (viết thay cho thầy Khang Trạch)
Cư sĩ ở nơi thiện đường, tận lực làm thiện sự, suốt ngày tuyên giảng khuyên người làm lành, gánh vác cái đạo “ở nhà giúp nước, ngoài nội tận trung” của thánh hiền, tuân thủ pháp “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành” của Phật, Tổ; mỗi lần nghĩ tới, ngưỡng mộ khôn cùng! Nhưng thiện sự có lớn, nhỏ sai khác; thiện thư (sách khuyến thiện) cũng có cạn – sâu khác biệt. Muốn cho mình lẫn người cùng lên cõi thiện hãy nên chọn lấy những thiện thư tinh vi, rõ ràng nhất để ấn loát, lưu truyền, khiến cho thiên hạ hậu thế thấy nghe những sách ấy đều sửa lỗi làm lành, mong thành thánh, thành hiền, khác nào các hạ nói rót vào tai khắp thiên hạ hậu thế khiến cho họ đều nghe lời vậy. So sánh với việc tuyên giảng một lúc, một chỗ thì công đức lớn – nhỏ dẫu cả năm cũng không thể nói hết!
Thiện thư tuy nhiều, nhưng toàn là dạy về tiểu nhân, tiểu quả thế gian, chỉ riêng mình An Sĩ Toàn Thư giác thế, mở mang trí óc cho dân, tận thiện, tận mỹ, giảng đạo, luận đức tuyệt cổ siêu kim; ngôn từ giản dị nhưng bao quát, lý sâu nhưng dễ hiểu, dẫn sự tích làm chứng cứ đích xác, nêu những lời nghị luận thông suốt, uyên nguyên. Quả thật là của báu truyền đời quý nhất, cũng là một cuốn kỳ thư về mặt tuyên giảng. Lời nào cũng đều là tâm pháp của Phật, Tổ, là đạo mạch thánh hiền, là đạo trọng yếu để đời yên, dân lành, là phương thuốc bí truyền để sáng tỏ sự trước, an vui sự sau. Nếu hành theo sách ấy thì có thể nối tiếp thánh hiền, liễu sanh thoát tử như đưa bằng khoán ra lấy lại vật cũ. So với những thiện thư được lưu thông trong đời kia, khác nào quả núi sánh với ổ kiến, biển cả sánh với vũng nước vậy. Nhân vì thầy Liễu Đắc từ Phổ Đà đến triều bái Cửu Hoa, lão nạp[1] riêng nhờ thầy tiện đường qua Kim Lăng (Nam Kinh) thỉnh sách ấy gởi qua, trình cho các hạ, mong hãy chú tâm vui thích đọc, nếm món ngon biết được ý chỉ, học đạo tột cùng biết được điều thiện. Cái tâm in khắc, lưu truyền bố thí rộng rãi để giúp chúng sanh ắt sẽ có cái thế [như] sông ngòi [cuồn cuộn] khôn ngăn được!
An Sĩ tiên sinh họ Châu tên Mộng Nhan, còn có tên là Tư Nhân, người Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, thông suốt mọi kinh sách Tam Giáo, tin tưởng sâu xa pháp môn Niệm Phật. Đến tuổi nhược quan (20 tuổi) vào trường, bèn chán khoa cử, phát Bồ Đề tâm, soạn sách giác ngộ con người, muốn cho dân chúng trước hết tạo lập được căn bản không lầm lỗi, rồi do đấy bèn thoát khỏi biển sanh tử. Vì thế, ông viết sách khuyên kiêng giết là Vạn Thiện Tiên Tư, sách khuyên kiêng dâm là Dục Hải Hồi Cuồng, bởi lẽ chúng sanh tạo nghiệp chỉ có hai điều này là nhiều nhất, sửa lỗi cũng chỉ hai điều này là trọng yếu nhất. Lại còn soạn Âm Chất Văn Quảng Nghĩa khiến cho con người đối với pháp gì, chuyện gì cũng đều biết phải theo khuôn phép nào, đều biết ngăn dè. Phê bình, biện luận thông suốt tinh vi, có thể nói là công thần của Đế Quân[2], trực tiếp đem cái tâm rủ lòng giáo huấn [của Đế Quân] triệt để mở toang ra, giãi bày trọn vẹn, khiến cho ngàn đời về trước, ngàn đời về sau, người dạy, người được dạy không ai còn tiếc nuối gì. Do kỳ tài diệu ngộ, ông dùng văn tự và sự tích thế gian để phát huy ý nghĩa áo diệu, u vi của Phật, Tổ, thánh hiền để kẻ nhã, người tục cùng xem, trí – ngu cùng hiểu.
Lại do pháp môn tu hành chỉ có Tịnh Độ là thiết yếu nhất, ông lại soạn cuốn Tây Quy Trực Chỉ nhằm thuyết minh đại sự niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Ấy là vì tích đức tu thiện chỉ được phước nhân thiên, phước hết lại phải đọa lạc, còn niệm Phật vãng sanh liền dự vào địa vị Bồ Tát, quyết định thẳng đến thành tựu Phật đạo. Ba cuốn sách trước tuy dạy người đời tu thiện, nhưng cũng có đủ pháp liễu sanh thoát tử. Cuốn sách này tuy dạy người liễu sanh thoát tử nhưng lại phải tận lực hành thiện sự thế gian. Đúng là hiện thân cư sĩ, thuyết pháp độ sanh; nếu bảo ông ta không phải là Bồ Tát tái lai, tôi không tin!
Trộm nghĩ, Ngu – Thuấn làm lành, bỏ mình theo người; Thương Thư[3] [luận về] tu đức lấy thiện làm thầy. Đã biết các hạ và các vị thiện nhân chung một thiện đường không việc gì chẳng lập, có chuyện thiện gì đều dung nạp, nên mới dám thỉnh cầu in khắc, tuyên giảng, lưu thông, xoay vần truyền bá, tuyên dương [những sách này] ngõ hầu ánh đèn tiếp nối đến tận đời vị lai, ai nấy đều được thọ ân. Xin hãy phát tâm đau đáu cứu thế, chớ vì người [cầu thỉnh] kém cỏi mà bỏ lời này thì may mắn lắm!
Cư Sĩ Truyện do tiến sĩ Bành Thiệu Thăng[4] ở Trường Châu, Tô Châu đời Càn Long, thanh nhàn xem khắp các sách, chọn lấy những gương đại trung, đại hiếu, thanh bạch, trung chánh, liêm khiết, có công danh giáo, thông hiểu Phật pháp sâu xa từ đời Hán đến nay, chép lại chuyện nhập đạo tu chứng cũng như những bài văn phát huy Phật pháp của họ. Số người được chọn hơn mấy trăm, viết thành sáu tập.
Tam Giáo Bình Tâm Luận do học sĩ Lưu Mật đời Nguyên soạn. Trước hết, thuyết minh Tam Giáo đều khuyên con người dứt ác hành thiện, chẳng thể phế bỏ một đạo nào, kế đến thuyết minh công năng cùng cực sâu – cạn khác nhau, cuối cùng phá rộng rãi thuyết của Hàn Dũ, Trình, Châu, Âu Dương [Tu][5].
Thích Thị Kê Cổ Lược[6] lấy các niên kỷ lịch đại làm cương, lấy các sự tích Nho – Thích làm mục[7] từ đời Phục Hy cho đến cuối đời Minh: Quốc gia bình trị hay loạn lạc, Phật pháp hưng hay suy, tội phước của việc tin nhận hay hủy báng, lợi ích của việc tu trì, pháp ngôn của tổ sư, hành trạng của cao tăng và những gương trung hiếu lỗi lạc, kẻ gian ác cùng cực đều chép những chuyện chánh yếu khiến cho ai đọc đến bèn biết pháp giới, ngồi yên mà xem khắp cổ kim. Nào phải chỉ hữu ích cho người tu đạo mà quả thật còn là kỳ trân trong tay áo của người đọc sách bàn chuyện cổ. Phật pháp chỉ dạy người dứt ác tu thiện, minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử.
Cả Đại Tạng Kinh trọn chẳng có một chữ nào dạy người vận khí luyện đan, cầu thành tiên bay lên trời, trường sanh bất lão. Năm đầu thời Dân Quốc (1911), gã dân ma Liễu Hoa Dương[8] soạn Huệ Mạng Kinh, tận dụng kinh Phật, lời Tổ hòng chứng thực pháp luyện đan, biến chánh thành tà, dùng pháp báng pháp. Người chưa mở mắt thấy tà thuyết ấy tưởng là chân thật, chánh kiến vĩnh viễn bị mất. Lời lẽ, pháp tu trong sách ấy đều là phá hoại Phật pháp, nhưng cứ nhơn nhơn tự đắc bảo ta may mắn gặp được chân thừa, được nghe chánh pháp. Đó là nhận giặc làm con, nấu cát thành cơm, một kẻ quáng dẫn lũ mù, kéo nhau sụp hầm lửa! Chẳng đáng buồn ư? Pháp luyện đan không phải là vô ích, nhưng chỉ có thể kéo dài tuổi thọ, hết mức là thành tiên thăng thiên, còn chưa phải là chân truyền của Lão Tử, huống hồ là chánh đạo Phật pháp ư? Khổng Tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ!” (Sáng nghe đạo, tối chết cũng được vậy!) Lão Tử nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân” (Ta có mối lo lớn là vì ta có thân). Nếu lãnh hội được những lời này sẽ chẳng bị chúng nó mê hoặc.
Và nếu có thể đọc kỹ những sách An Sĩ Toàn Thư, Cư Sĩ Truyện, [Tam Giáo] Bình Tâm Luận, [Thích Thị] Kê Cổ Lược v.v… sẽ như gương sáng đặt trên đài, tốt – xấu tự phân biệt. Lò luyện lớn thử vàng, thật – giả biết ngay lập tức! Chỉ sợ ông đã từng theo đuổi sách ấy nên mới khôn ngăn dài dòng nhiều lẽ. Pháp Thiền Tông chỉ dạy người chân tham thật ngộ, vì thế tất cả câu lời đều không có ý nghĩa gì. Chẳng nên dùng tri kiến phàm phu để lãnh hội nghĩa lý trên mặt văn tự! Nếu không thân cận bậc thiện tri thức sáng mắt và không một phen liều mạng chết lòng công phu tham cứu ắt chẳng thể đốn minh tự tâm. Tâm đã chẳng minh ắt chẳng hiểu ý chỉ tổ sư. Chớ nên hiểu nghĩa theo mặt văn tự, học “khẩu đầu thiền” (thiền nói xuông ngoài miệng). Ví như dân hèn ngoài rẫy bái, núi non, xưng bừa là đế vương, tội ắt diệt tộc. Phàm hết thảy những cơ phong chuyển ngữ trong Kê Cổ Lược, Cư Sĩ Truyện và hết thảy ngữ lục chớ có hiểu xằng, mong mỏi lắm thay!
***
[1] Lão nạp: Tiếng tự xưng của các vị tăng sĩ. Do ca-sa bằng các mảnh vải khâu chằm lại, nên thường gọi là nạp-y (áo chằm vá), các tăng sĩ cũng thường xưng là lão nạp hay nạp tử.
[2] Âm Chất Văn là thiên sách tương truyền do Văn Xương Đế Quân soạn ra. Ông Châu Mộng Nhan chú giải thiên sách này tường tận nên gọi là công thần của Đế Quân. Người ta thường đồng nhất Đế Quân với sao Văn Xương (tức Văn Xương Tinh Quân). Theo thiên Kê Chí của Minh Sử, Văn Xương Đế Quân còn có hiệu là Tử Đồng Đế Quân, họ Trương, tên Á Tử, làm quan nhà Tấn, tử trận được lập miếu thờ tại Độc Thất Khúc Sơn (thuộc huyện Tử Đồng, tỉnh Tứ Xuyên). Có thuyết nói Ngài sống vào thời Đường, sùng tín Đạo Giáo, do phẩm đức cao đẹp nên sau khi chết được dân lập miếu thờ tại Độc Thất Khúc Sơn. Miếu ấy nay vẫn còn tên là Thanh Hư Quán. Lúc đó, Ngài chỉ mới được gọi là Tử Đồng Thần. Đến thời nhà Nguyên, vào năm Diên Hựu thứ 3 (1316), Đế Quân được Nguyên Nhân Tông phong tặng là Phụ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lục Hoằng Nhân Đế Quân, nên từ đó ngài thường được gọi là Văn Xương Đế Quân. Theo Đạo Giáo, Ngài được Thượng Đế giao cai quản phủ Văn Xương, chủ trì văn học, đỗ đạt. Bản Âm Chất Văn xuất hiện vào thời Nam Tống.
[3] Thương Thư là một thiên sách của kinh Thư, gồm những bài ngắn ghi lại những sự việc liên quan đến nhà Thương.
[4] Bành Thiệu Thăng (1740-1796), cư sĩ học giả đời Thanh, người Trường Châu (Ngô Huyện), tỉnh Giang Tô, tự Doãn Sung, hiệu Xích Mộc, còn hiệu là Nhị Lâm cư sĩ, pháp danh là Tế Thanh. Ông đậu tiến sĩ đời Càn Long, nhưng không ra làm quan. Ông thông suốt sách Nho, rất giỏi về Lý Học, tu Tiên suốt ba năm không thành tựu gì. Về sau, đọc kinh Phật mãi đến năm 29 tuổi mới chuyển sang tin Phật, tự đặt hiệu là Tri Quy Tử. Ông xem khắp Đại Tạng Kinh, thọ Bồ Tát giới, ăn chay, trì giới. Rồi lại học Tịnh Độ với ngài Văn Học Định Công (1712-1788), bế quan ở Văn Tinh Các tại Tô Châu tu Nhất Hạnh tam-muội. Bình sinh ông tận lực hoằng dương Tịnh Độ, chủ trương Thiền Tịnh dung hợp, Phật Nho nhất trí. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, Tịnh Độ Tam Kinh Tân Luận, Cư Sĩ Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục v.v…
[5] Trình Minh Đạo, Trình Y Xuyên và Châu Hy là những người sáng lập Tống Nho, đã vay mượn lý thuyết Phật giáo để đưa những khái niệm như Lý và Khí vào trong Nho Giáo, rồi lại quay ra đả kích Phật giáo.
[6] Thích Thị Kê Cổ Lược (gọi tắt là Kê Cổ Lược) là một bộ biên niên sử Phật giáo do sư Bảo Châu Giác Ngạn soạn vào niên hiệu Chí Chánh thứ mười bốn đời Nguyên (1354), gồm bốn cuốn, được xếp vào tập 46 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Nguyên lai, bộ này chép từ lúc đạo Phật được truyền vào Trung Hoa cho đến cuối đời Nam Tống. Năm Sùng Trinh thứ 11 (1638) đời Minh; Huyễn Luân soạn tiếp bộ Thích Thị Kê Cổ Lược Tục Tập gồm ba quyển, chép từ năm Chí Nguyên nguyên niên đời Nguyên (1264) đến năm Thiên Khải thứ 7 (1627) đời Minh.
[7] Ý nói sách chép theo lối biên niên, tức là những sự kiện được trình bày theo thứ tự thời gian.
[8] Liễu Hoa Dương không rõ năm sanh, môn nhân của ông ta thường ngoa truyền họ Liễu sanh vào năm đầu niên hiệu Càn Long (1736) để chứng tỏ ông ta đã thành tiên sống rất lâu. Họ Liễu là người làng Hồng Đô (nay là Nam Xương, tỉnh Giang Tây), lúc nhỏ học Phật từng xuất gia tại chùa Song Liên ở Hoán Thủy, sau bỏ theo học tu tiên với đạo sĩ Ngũ Thủ Dương của Toàn Chân Giáo Long Môn Phái. Do vậy, đôi khi các sách vở Đạo Giáo vẫn gọi ông ta là Liễu Hoa Dương thiền sư thay vì Liễu Hoa Dương Chân Nhân. Theo môn nhân, một đêm kia, Hoa Dương nghe một vị trưởng lão nói: “Xưa Ngũ Tổ vào lúc canh ba, bí mật truyền đạo cho Lục Tổ”, bèn hoát nhiên đại ngộ, biết chứng đạo phải được bí truyền! Tìm không được vị thầy nào khai ngộ, ông ta bèn tham học khắp các vị thầy thuộc Tam Giáo. Về sau, gặp được Ngũ Thủ Dương (Xung Hư Chân Nhân) bèn ngộ áo chỉ, biết được huệ mạng. Tương truyền, ông ta gặp Hồ Linh đạo sĩ núi Khuông Lô căn dặn: “Pháp tu Phật – Đạo song hành nay đã thất truyền, ngươi nên khéo nối tiếp huệ mạng”. Phái đạo sĩ của Ngũ Thủ Dương và Liễu Hoa Dương được gọi là Ngũ Liễu Tiên Tông. Họ vay mượn một số khái niệm Thiền học để pha trộn với bí quyết luyện đan, vận khí cũng như luyện phù chú Ngũ Lôi. Xin trích một đoạn Huệ Mạng Kinh để minh thị những lập luận nhập nhằng của họ Liễu: “Tu luyện tánh mạng không gì bằng quy nhất. Cổ thánh tiên hiền đem tông chỉ tánh mạng quy nhất khéo léo ví dụ với ngoại vật, chẳng chịu chỉ rõ bàn thẳng, nên hậu thế không ai tu được. Tôi đọc được đồ hình [luyện khí], chẳng dám tiết lộ bừa bãi, tức là tuân theo pháp Lậu Tận trong kinh Lăng Nghiêm, biểu thị diệu chỉ của kinh Hoa Nghiêm, gom những lời rải rác trong các kinh để đưa về đồ hình chánh yếu… Lập ra đồ hình này là nguyện những ai cùng chí hướng hiểu rõ cơ trời song tu này, chẳng đọa bàng môn, mới biết chủng tánh chân thật do đây mà thành, Lậu Tận do đây mà thành, xá-lợi do đây mà luyện…” Trong đoạn này, y đã nhập nhằng bảo phải do luyện đan, vận khí theo đồ hình do y chỉ dạy mới đạt được Lậu Tận, thành tựu xá-lợi!