BÁT THỨC QUY CỦ TỤNG
(Những bài Tụng khuôn mẫu giảng về tám Thức Tâm Vương)
Tác giả: HUYỀN TRANG
Người toát yếu: KHUY CƠ
Người dịch và giảng giải: THẮNG HOAN

 

ĐỆ NHẤT CHƯƠNG
(Chương thứ nhất)

TIỀN NGŨ THỨC TỤNG:
Bài Tụng giảng về năm Tâm Thức ở trước.

1.- TÁNH CẢNH HIỆN LƯỢNG THÔNG TAM TÁNH:

DỊCH: Cảnh là Tánh Cảnh, Lượng là Hiện Lượng, cả hai đều thông đến ba Tánh.

GIẢI: CẢNH: là cảnh tượng, nghĩa là hiện tượng làm bối cảnh của năm Tâm Thức trước. Cảnh tượng này đều nương tựa nơi Thể Tánh của Duy Thức để biến hịện thành hình tướng trong thế gian, nên Cảnh tượng này được gọi là Tánh Cảnh. Thể Tánh của Duy Thức tức là chỉ cho Thức Thể Alaya. Thức Thể Alaya là một loại Tâm Thức đóng vai trò làm nền tảng cho việc sanh khởi vạn pháp, nên Thức Thể Alaya gọi là Thể Tánh của Duy Thức hoặc gọi là Tánh Duy Thức.

TÁNH CẢNH: nghĩa là cảnh tượng chân thật trong thế gian và những cảnh tượng này được phát sanh từ nơi Thể Tánh của Duy Thức. Cảnh tượng chân thật nói trên tức là chỉ cho hiện tượng vạn pháp trong thế gian và những hiện tượng này luôn luôn đóng vai trò đối tượng (Objects) cho năm Tâm Thức phát sanh tác dụng để hiểu biết. Tánh Cảnh của một sự vật biểu hiện qua năm đối tượng khác nhau, nghĩa là một sự vật được biểu hiện qua năm Tánh Cảnh khác nhau để làm đối tượng cho năm Tâm Thức. Năm Tánh Cảnh khác nhau của một sự vật gồm có: Sắc, Thinh, Hương, Vị và Xúc. Một sự vật trong thế gian dù lớn hay nhỏ như thế nào đi chăng nữa đều gồm có năm phần đối tượng gọi là năm Tánh Cảnh vừa kể và nhờ năm phần đối tượng đó, năm Tâm Thức mới hiểu biết được sự vật qua năm khía cạnh nói trên. Năm Tánh Cảnh đối tượng của một sự vật vừa kể gọi chung là Hữu Chất Tánh Cảnh, nghĩa là những Cảnh Tượng có thể chất chân thật do Tánh Duy Thức biến hiện nên.

LƯỢNG: là lượng tính, nghĩa là sự phân biệt vạn pháp của Tâm Thức có tính cách so lường, cân nhắc, tính tóan để hiểu biết chính xác nên gọi là Lượng. Lượng ở đây gồm có ba loại: Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Phi Lượng.

Bản tánh của năm Tâm Thức là hiểu biết vạn pháp không có vấn đề so sánh và phân biệt về hình thức như là: không có phân biệt lớn nhỏ, dài ngắn, vuông tròn v.v… và cũng không có so sánh cái này không phải cái kia, cai kia khác hơn cái nọ v.v… Năm Tâm Thức đấy chỉ duyên với thật cảnh bên ngoài để hiểu biết sự vật mà trong lúc đó Ý Thức thứ sáu không có hợp tác phân biệt nên gọi là Hiện Lượng.

Thí dụ: Anh A nhìn thấy anh B qua con mắt mà trong lúc đó anh để Ý vào, cho nên anh A không nhớ được anh B ăn mặc gì và anh B đang làm gì, mặc dù anh A vẫn biết rằng mình đã thấy anh B.

Đó là trạng thái Nhãn Thức anh A nhìn thấy sự vật bằng Hiện Lượng mà trong lúc đó Ý Thức thứ sáu của anh A không hợp tác phân biệt. Nói cách khác, năm Tâm Thức chỉ hiểu biết sự vật bên ngoài bằng Hiện Lượng.

Năm Tâm Thức ở đây tác dụng sinh hoạt theo nghiệp lực điều khiển, nhằm mục đích giúp cho Ý Thức thứ sáu tạo thêm nghiệp báo. Cho nên năm Tâm Thức nói trên thông cả ba tánh là: Tánh Thiện, Tánh Ác và Tánh Vô Ký (Tánh Vô Ký nghĩa là tánh chất thuộc loại không phải thiện và cũng không phải ác). Nghĩa là năm Tâm Thức nói trên thường liên lạc và giao tiếp với tất cả sự việc chẳng những thuộc loại Tánh Thiện, thuộc loại Tánh Ác và cho đến những sự việc thuộc loại Tánh Vô Ký. Nói cách khác, năm Tâm Thức thường sinh hoạt quan hệ chẳng những các pháp Thiện, các pháp ác cho đến quan hệ các pháp thuộc loại vô ký và không chê bỏ một pháp nào cả. Bởi thế, nhà Duy Thức cho năm Tâm Thức này thông cả ba Tánh.

2.- NHÃN, NHĨ, THÂN TAM, NHỊ ĐỊA CƯ:

DỊCH: Nơi cõi Nhị Địa (Cõi Sắc), chỉ còn lại ba Tâm Thức là: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, và Thân Thức.

A. DỤC GIỚI:

DỤC GIỚI: là những cõi thuộc ái dục. Những cõi này được thành lập là do bởi chất ái dục cực thịnh và thô tục kết hợp nên, nghĩa là những thế giới và những chúng sanh hữu tình trong các cõi đó được xây dựng nên bởi chất ái dục cực thịnh và được kết hợp thành hình bởi vật chất trọng trược trói buộc, nên gọi là Dục Giới.

Dục Giới gồm có;

1/- NGŨ THÚ TẠP CƯ ĐỊA: nghĩa là những cõi Ái Dục đều đầy đủ năm Thú (năm loại chúng sanh) ở chung lẫn lộn nhau nên gọi là Tạp Cư. Năm Thú là: Thiên, Nhân, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Ngoài năm Thú nói trên, A Tu La là loại không có nơi chốn nhứt định. Nguyên vì loại A Tu La này đều có mặt ở những cõi Trời và cõi Người, cho nên chúng được gọi là Thiên A Tu La và Nhân A Tu La. Bởi lẽ đó, A Tu La không được xếp loại trong năm Thú nói trên.

Các loài chúng sanh hữu tình trong những cõi Ái Dục (Dục Giới) được nẩy nở và lớn lên qua sự ăn uống, ngủ nghỉ, và dâm dục để tồn tại. Thế nên chúng sanh hữu tình ở những cõi này đều đầy đủ năm Tâm Thức.

B.- SẮC GIỚI:

SẮC GIỚI: là những cõi được xây dựng bởi những sắc chất rất tinh tế, rất trong suốt. Những sắc chất ở đây không ô trược, không nhơ nhớp, không giống như những thế giới thuộc Ái Dục . Những sắc chất trong những cõi này rất tinh sạch, rất trong sáng giống như chất pha lê kết hợp tạo thành thế giới và tạo thành thân thể. Chúng sanh hữu tình sống trong những thế giới sắc chất vừa kể trên vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của Ái Dục, mặc dù sự Ái Dục của họ không tác dụng mạnh và họ cũng chưa lìa khỏi hẳn sự ràng buộc của vật chất, cho nên những cõi này được gọi là Sắc Giới.

1/- SƠ THIỀN LY, SANH HỶ LẠC ĐỊA:

Sơ Thiền Ly, Sanh Hỷ Lạc Địa nghĩa là cõi Thiền Định thuộc về bậc thứ nhất. Chúng sanh hữu tình sống trong cõi đó thì rất an ổn, rất sung sướng và vui mừng cho mình đã được lìa khỏi vòng sinh tử lưu chuyển của Dục Giới để sống trong cõi Sắc Giới. Những chúng sanh hữu tình trong cõi này tuy có thân thể, nhưng họ không dâm dục thô tục. Họ được sanh ra bằng cách hóa sanh. Họ không có ăn uống (không đoạn thực), nghĩa là họ không ăn đồ ăn vào trong bụng như những chúng sanh hữu tình ở các cõi Dục Giới. Cho nên họ chỉ có ba Tâm Thức sinh hoạt là: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, và Thân Thức. Họ không có Thiệt Thức và Tỷ Thức tác dụng. (Thân tam, Nhị Địa cư).

2.- NHỊ THIỀN ĐỊNH, SANH HỶ LẠC ĐỊA:

Nhị Thiền Định Sanh Hỷ Lạc Địa nghĩa là cõi Thiền Định thuộc về bậc thứ hai. Chúng sanh hữu tình sống trong cõi đó nhờ thiền định mà lìa được trạng thái Tầm tư, chỉ còn cảm giác về sự vui vẻ và an lạc trong trạng thái không chấp trước (trạng thái xả). Họ xa lìa được trạng thái Tầm tư, nghĩa là họ tu thiền định đã được thuần thục trong sự quán chiếu, cho nên họ không cần phải chứng minh mới giác ngộ và họ cũng không cần phải dụng tâm phân tích để xét đoán mới trực diện sự kiện. Những người tu thiền định ở cõi này mỗi lần quán chiếu vấn đề nào là họ liền giác ngộ ngay và không cần phải sử dụng lý trí để xét đoán.

3.- TAM THIỀN LY HỶ, DIỆU LẠC ĐỊA:

Tam Thiền Ly Hỷ, Diệu Lạc Địa nghĩa là cõi Thiền Định thuộc về bậc thứ ba. Chúng sanh hữu tình sống trong cõi đó nhờ thiền định xa lìa được trạng thái hỷ và chỉ còn cảm giác về sự an lạc một cách mầu nhiệm trong trạng thái không chấp trước (trạng thái Xả). Người tu thiền định ở cõi này thì luôn luôn giữ Tâm Thức được tĩnh lặng một cách tự tại, nghĩa là họ không bao giờ bị rung động trước bất cứ sự cảm xúc nào của khổ, vui trong cuộc đời và trong lúc đó chính họ đã đạt đến một sự an lạc đặc biệt mầu nhiệm không thể diễn tả của bậc Thiền Định thứ ba này là Thiền Định Ly Hỷ Diệu Lac Địa.

4.- TỨ THIỀN XẢ NIỆM THANH TỊNH ĐỊA:

Tứ Thiền Xả Niệm Thanh Tịnh Địa nghĩa là cõi Thiền Định thuộc về bậc thứ tư. Chúng sanh hữu tình sống trong cõi đó nhờ thực tập thiền định đến mức thuần thục đã xa lìa hẳn trạng thái an lạc và khiến cho thân tâm nên thanh tịnh trong tĩnh lặng. Lúc đó, họ chỉ còn lại sự cảm giác về trạng thái không chấp trước (trạng thái Xả). Người tu thiền định còn cảm giác về sự an lạc tức là người còn dụng tâm để niệm niệm phân biệt, còn chọn lựa những điều an lạc để hưởng thụ và còn phân biệt những điều không an lạc để tránh né, đào thải, thế là người chưa đạt đến Tứ Thiền Xả Niệm Thanh Tịnh Địa. Người tu thiền định thuộc thứ tư này không phải đi tìm sự an lạc từ bên ngoài mang vào, mà ở đây họ phát hiện sự an lạc từ trong Tâm khơi nguồn tuôn chảy ra. Nguồn an lạc thật sự đó chỉ có thể hiện là khi nào Tâm họ hoàn toàn thanh tịnh, trong trạng thái tĩnh lặng mà ngay lúc đó, Tâm họ không còn bợn chút nào ô nhiễm bởi niệm niệm phân biệt chấp trước. Người tu thiền định đạt đến mức độ nói trên tức là người đã chứng được Địa Vị Thiền Xả Niệm Thanh Tịnh một cách viên mãn.

C/- VÔ SẮC GIỚI:

Vô Sắc Giới nghĩa là những cõi hoàn toàn thoát ly hẳn vật chất, chỉ còn lại tâm Thức tồn tại mà thôi. Những thế giới Vô Sắc phần nhiều là thế giới Vọng Hiện của thế giới Chân Như lưu xuất và cũng nền tảng của thế giới Nghiệp Duyên sanh khởi. Thế giới Nghiệp Duyên chính là những thế giới Sắc Giới và những thế giới này được phát sanh là do những thế giới Vọng Hiện của Vô Sắc tạo nghiệp thành hình, còn những thế giới Dục Giới cũng là loại thế giới Nghiệp Duyên và những thế giới này được phát sanh là do những thế giới Sắc Giới tạo nghiệp bằng cách cô đọng những Sắc Uẩn kết hợp thành hình. Thế giới Sắc Uẩn của Dục Giới là những thế giới trọng trược và ngăn ngại. Riêng Vô Sắc Giới là những thế giới hoàn toàn do Thức Ấm tạo thành, cho nên chúng nó không bị ngăn ngại bởi vật chất.

Vô Sắc Giới gồm có:

5/- KHÔNG VÔ BIÊN XỨ ĐỊA:

Không Vô Biên Xứ Địa nghĩa là những chúng sanh hữu tình ở cõi này đã xa lìa phần sắc tướng thô trược tạp nhiễm của Nghiệp Duyên nơi các cõi Sắc Giới. Sắc Tướng Nghiệp Duyên ở đây đều là nghiệp tướng thành hình, nhưng Nghiệp Tướng không phải là Nghiệp Lực. Sắc Tướng Nghiệp Duyên chỉ có trong Sắc Giới và Dục Giới mà chúng nó không thể có trong Vô Sắc Giới. Những chúng sanh ở cõi Không Vô Biên Xứ Địa chỉ do sắc tướng tinh tế vọng hiện của thế giới Chân Như lưu xuất tác dụng kết thành thân thể và kết thành thế giới. Những chúng sanh hữu tình trong thế giới này đều là ở trạng thái không, nghĩa là chúng nó chỉ có Tướng Thể mà không có Tướng Hiện như các cõi Sắc Giới. Tướng Thể là những hình tướng nguyên thể chưa bị tác dụng biến dịch, còn Tướng Hiện là những hình tướng đã bị tác dụng biến thể thành hình dạng khác biệt, lớn nhỏ v.v… không giống nhau và chúng nó cũng không còn giữ trạng thái nguyên thể như xưa nữa. Thế Giới của họ cư trú là Hư Không bao la không có biên giới ngăn cách. Chúng hữu tình ở cõi này nhờ tu tập Thiền Quán nên giác ngộ được thể tánh của vạn pháp đều nằm trong trạng thái hư không bao la không có bờ mé. Cho nên thế giới này được gọi là Không Vô Biên Xứ Địa.

6/- THỨC VÔ BIÊN XỨ ĐỊA:

Thức Vô Biên Xứ Địa nghĩa là những chúng sanh hữu tình ở cõi này không còn dùng sắc tướng tinh tế vọng hiện của thế giới ngoại cảnh làm thân thể và làm cảnh giới để an trụ giống như Không Vô Biên Xứ Địa nói trên, mặc dù sắc tướng của thế giới ngoại cảnh đều là vọng hiện của thế giới Chân Như. Ở đây, họ chỉ dùng Thức Tướng của cảnh giới nội Tâm làm thân thể và làm cảnh giới để an trụ. Nói cách khác, họ chỉ dùng Thức Thân (Thân Thể bằng Tâm Thức) trong nội Tâm làm thân thể thay vì sử dụng từ những Ngã Tướng vọng hiện ngoại ảnh của thế giới Chân Như làm thân thể và họ chỉ dùng Thức Cảnh (Cảnh giới bằng Tâm Thức) trong nội Tâm làm cảnh giới an trụ thay vì sử dụng từ những Pháp Tướng vọng hiện ngoại cảnh của thế giới Chân Như làm cảnh giới nương tựa giống như Không Vô Biên Xứ Địa nêu trên. Thức Cảnh của những chúng sanh hữu tình ở cõi này an trụ tức là Thức Thể Alaya bao la không biên giới nên gọi Cảnh Giới là Thức Vô Biên Xứ Địa.

7.- VÔ SỞ HỮU XỨ ĐỊA:

Vô Sở Hữu Xứ Địa nghĩa là những chúng sanh hữu tình ở cõi này đã lìa được trạng thái Không Quán, tức là họ đang sống trong thế giới Không Tánh (Thể Tánh vạn pháp đều không), cho nên họ không còn sử dụng Thiền Quán để nhận chân Thể Không của vạn pháp thuộc ngoại cảnh. Họ đã không còn sử dụng Tâm Thức để quán chiếu nữa mà ở đây, họ chỉ sử dụng Trí Tuệ để trực tiếp giác ngộ Thiền Cảnh không qua Thiền Quán. Họ cũng đã lìa được trạng thái ràng buộc của các Tâm Sở điều khiển hỗ trợ, nghĩa là ở đây họ luôn luôn sống trong Thiền Định bằng cách trực giác mà không cần phải quán chiếu để hiểu biết nữa. Cho nên họ không bị chi phối bởi các Tâm Sở, nhứt là các Tâm Sở Biến Hành cũng như các Tâm Sở Biệt Cảnh. Họ chỉ lìa khỏi sự ràng buộc của các Tâm Sở Biến Hành và các Tâm Sở Biệt Cảnh liên hệ, nhưng họ chưa hóa giải được những hạt giống các Tâm Sở nói trên. Những chúng sanh hữu tình trong cõi này thì không còn chi để sử dụng (Vô Sở dụng) và cũng không cần chi để hưởng thụ (Vô Sở hữu). Chẳng những thế, họ cũng không cần đến những pháp môn để chứng đắc (Vô Sở đắc), nhưng họ còn vướng mắc bởi Tâm Sở Tưởng điều khiển, cho nên họ còn bị suy tưởng bởi vọng tưởng về tướng sai biệt không bình đẳng của thế giới Chân Như. Ở đây họ còn phải tiếp tục sử dụng Trí Tuệ quán chiếu để hóa giải tận gốc rễ Tâm Sở Tưởng, không cho nó còn chút nào dấu vết trong Tâm Thức nữa. Nhờ đó họ mới trực diện được thể tánh bình đẳng không sai biệt của thế giới Chân Như.

8/-PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ ĐỊA:

Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Địa nghĩa là thế giới hoàn toàn không còn trạng thái Phi Phi Tưởng. Những chúng sanh hữu tình ở cõi này thì mới thật sự sống trọn vẹn trong thế giới tĩnh lặng, sau khi họ hóa giải xong dấu vết hạt giống Tâm Sở Tưởng. Họ sử dụng Thiền Định Vô Tưởng nhằm mục đích hóa giải hạt giống Tâm Sở Tưởng và nhờ đó họ đạt đến trạng thái Phi Phi Tưởng. Sau khi đạt đến trạng thái Phi Phi Tưởng, họ không còn sử dụng Thiền Định Vô Tưởng nữa, nguyên vì hạt giống Tâm Sở Tưởng không còn dấu vết trong Tâm Thức của họ. Lúc đó họ sống hoàn toàn trọn vẹn trong thế giới tĩnh lặng của Thể Tánh chân thật. Thế giới Thể Tánh chân thật được gọi là thế giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Địa. Những chúng sanh hữu tình ở cõi này chỉ trực diện được thế giới Chân Như, nhưng họ chưa có thể bước vào thế giới Chân Như, nguyên vì họ còn bị vướng mắc bởi Vô Minh Nghiệp Tướng mà trong lúc đó họ chưa hóa giải được. Ở đây họ còn phải tiếp tục phát huy Trí Tuệ Diệu Quan Sát và Trí Tuệ Bình Đẳng Tánh để hóa giải Căn Bản Vô Minh Nghiệp Tướng trong mỗi Tâm Thân của họ ra khỏi vòng đai năng lực Tổng Thể Vô Minh Nghiệp Tướng. Đồng thời họ chuyển hóa Kiến Phần Thức Alaya nơi chính họ tách rời ra khỏi Thức Thể Alaya để biến thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh và Trí Tuệ Đại Viên Cảnh này lại thể nhập vào Tâm Như Lai Tạng. Thế là họ thật sự bước vào và an trụ nơi thế giới Chân Như một cách tự tại giải thoát.

Đây là ý nghĩa và giá trị của ba cõi (Tam Giới) và chín Địa (Cửu Địa). Trừ Địa thứ nhì (Nhị Địa) ra tức là trừ ra Ly Sanh Hỷ Lạc Địa, chúng sanh hữu tình của bảy Địa sau chỉ duyên đến và an trụ nơi Thiền Định ở bên trong nội Tâm, cho nên năm Tâm Thức ở trước không phát khởi tác dụng sinh hoạt để yểm trợ cho Ý Thức thứ sáu nhận thức.

3.- BIẾN HÀNH, BIỆT CẢNH, THIỆN THẬP NHỨT: TRUNG NHỊ, ĐẠI BÁT, THAM, SÂN, SI:

DỊCH: Có năm Tâm Sở Biến Hành, năm Tâm Sở Biệt Cảnh, mười một Tâm Sở Thiện.

Hai Tâm Sở Trung Tùy, tám Tâm Sở Đại Tùy và Tham, Sân, Si.

GIẢI: Đây là những Tâm Lý (Tâm Sở) thường hợp tác với nhau (Tương ưng) và cùng nhau yểm trợ cho năm Tâm Thức sinh hoạt. Nguyên do năm Tâm Thức tự nó sinh hoạt không lanh lợi và cũng không mạnh mẽ như Ý Thức thứ sáu, vì sinh hoạt không lanh lợi và không mạnh mẽ như Ý Thức thứ sáu, cho nên năm Tâm Thức tự nó không thể hợp tác toàn diện và hoạt động cùng một lúc với 51 loại Tâm Sở. Ở đây, năm Tâm Thức chỉ có khả năng kết hợp được 34 Tâm Sở là: 5 Biến Hành, 5 Biệt Cảnh, 11 Thiện, 3 Căn Bản Phiền não, 2 Trung Tùy và 8 Đại Tùy.

1/ Trong 6 Căn Bản Phiền Não, năm Tâm Thức không thể kết hợp với Mạn, Nghi và Ác Kiến. Tâm Sở Mạn, Nghi và Ác Kiến sỡ dĩ phát sanh tác dụng là do Ý Thức thứ sáu phân biệt, so đo, chấp trước theo quan niệm của mình làm trợ duyên. Nhứt là Tâm Sở Mạn và Tâm Sở Nghi. Tâm Sở Mạn sở dĩ phát sanh tác dụng là do Ý Thức thứ sáu khởi niệm phân biệt làm trợ duyên và Tâm Sở Nghi sở dĩ phát sanh tác dụng là do Ý Thức thứ sáu khởi niệm chọn lựa làm trợ duyên. Nhưng năm Tâm Thức thì chỉ có khả năng hiểu biết vạn pháp một cách trực tiếp không cần phải qua trung gian, nên sự hiểu biết của năm Tâm Thức được gọi là Trực Giác. Do đó, bản tánh của năm Tâm Thức hoàn toàn không có vấn đề phân biệt, so đo, chấp trước theo quan niệm của mình, nghĩa là năm Tâm Thức này hiểu biết vạn pháp không có vấn đề so sánh và chọn lựa giống như Ý Thức thứ sáu. Cho nên năm Tâm Thức không thể hợp tác với các Tâm Sở Mạn, Nghi và Ác Kiến. Năm tâm Thức ở đây chỉ quan hệ với các Tâm Sở Tham, Sân, và Si Mê trong 6 Căn Bản Phiền Não.

2/- Mười Tâm Sở Tiểu Tùy Phiền Não thường tác dụng hiện bày hành động biểu lộ ra ngoài một cách thô tục, nông cạn và mạnh bạo. Ngược lại, năm Tâm Thức sinh hoạt hiểu biết vạn pháp một cách tinh tế và sâu sắc hơn. Cho nên năm Tâm Thức đây không thể hợp tác với 10 Tâm Sở Tiểu Tùy Phiền Não.

3/- Bốn Tâm Sở Bất Định là Hối, Miên, Tầm và Tư. Năm Tâm Thức không thể nào hợp tác được với 4 Tâm Sở Bất Định nói trên. Nguyên do:

a]- Tâm Sở Hối là trạng thái tâm lý thường ăn năn và hối tiếc những công trình, những cố gắng của Ý Thức thứ sáu sinh hoạt. Tâm Sở Hối thường ghi nhớ và so sánh thiệt hơn những quá trình hành động của Ý Thức thứ sáu để ăn năn hối tiếc. Năm tâm Thức hiểu biết vạn pháp một cách trực tiếp, cho nên không có vấn đề ăn năn hối tiếc Do đó, năm Tâm Thức không thể hợp tác với Tâm Sở Hối.

b]- Tâm Sở Miên là trạng thái tâm lý thích ngủ nghỉ, thường hay chận đứng sáu Tâm Thức (từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức thứ sáu) không cho sinh hoạt và khiến con người trở nên bị buồn ngủ. Vì thế năm Tâm Thức không thể hợp tác với Tâm Sở Miên.

c]- Tâm Sở Tầm là trạng thái tâm lý thích tìm cầu những dữ kiện, những chứng tích chưa được đối diện hiện cảnh. Ngược lại, năm Tâm Thức chỉ hiểu biết trực tiếp vạn pháp thuộc đối diện và vạn pháp thuộc hiện cảnh. Ngoài ra năm Tâm Thức này không thể hiểu biết vạn pháp thuộc về quá khứ không đối diện và cũng như vạn pháp thuộc về tiềm năng (Memories) không hiện cảnh. Cho nên năm Tâm Thức không có vấn đề tìm cầu và do đó, không thể hợp tác với Tâm Sở Tầm.

d]- Tâm Sở Tư là trạng thái tâm lý thường thích xét đoán chính chắn, phân biệt một cách tỉ mỉ về ý nghĩa, về giá trị và tính chất của những sự vật đối diện. Ngược lại, năm Tâm Thức chỉ hiểu biết sự vật bằng trực giác mà chúng không cần phải xét đoán hay phân tích. Cho nên năm Tâm Thức này không thể hợp tác với Tâm Sở Tư.

4.-NGŨ THỨC ĐỒNG Y TỊNH SẮC CĂN:

DỊCH: Năm Thức đều nương nơi Tịnh Sắc Căn để khởi tác dụng hiểu biết.

GIẢI: Năm Tâm Thức đều nương nơi năm Căn Tịnh Sắc để khởi tác dụng sinh hoạt hiểu biết vạn pháp. Năm Tâm Thức đều không có tên để gọi và nhà Duy Thức căn cứ nơi hình tướng của năm Căn Phù Trần (tức là Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Lưỡi và Thân Thể) để đặt tên cho chúng. Căn nghĩa là giác quan. Căn có hai loại:

a/- PHÙ TRẦN CĂN: nghĩa là những giác quan thô phù hiện bày ra bên ngoài như là: Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Lưỡi và toàn bộ Thân Thể bằng xương thịt.

b/- TỊNH SẮC CĂN: nghĩa là những giác quan rất tinh tế nhạy bén nằm phía bên trong thân thể con người, tức là chỉ cho những hệ thống Thần Kinh (Nervous-Systems) và thường gọi là năm giác quan tinh vi. Năm Giác Quan này là năm cơ quan dùng cho năm Tâm Thức nương tựa sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp. Giữa Căn và Trần Cảnh có mối quan hệ lẫn nhau với Tâm Thức một cách mật thiết. Sự quan hệ giữa Căn và Trần Cảnh được giải thích như sau:

1/- Y: là nương tựa, nghĩa là Tâm Thức nương tựa nơi Căn để hiểu biết vạn pháp và Căn cũng nương tựa nơi Tâm Thức để tiếp nhận những ảnh tượng của các sự vật bên ngoài theo nhu cầu hiểu biết.

2/- PHÁT: là phát sanh, nghĩa là Căn chính là nơi chốn để cho Tâm Thức tác dụng phát sanh ra sự hiểu biết về vạn pháp và Tâm Thức cũng phát sanh tác dụng để xây dựng và bồi dưỡng cho Căn.

3/- THUỘC: là phụ thuộc, nghĩa là Tâm Thức phụ thuộc nơi Căn để thiết lập thành danh xưng (thành tên để gọi) và Căn cũng phụ thuộc nơi Tâm Thức để được tồn tại.

4/- TRỢ: là trợ giúp, nghĩa là Tâm Thức trợ giúp khiến cho Căn rung động sinh hoạt và Căn cũng trợ giúp khiến cho Tâm Thức tác dụng để hiểu biết.

5/- NHƯ: là giống như, nghĩa là Tâm Thức hiểu biết sự vật giống như Căn thâu ảnh và Căn thâu ảnh sự vật bên ngoài vào giống như Tâm Thức hiểu biết.

Nói tóm lại, các giác quan của năm Tâm Thức thuộc về vật chất thì gọi là CĂN, còn năng lực có thể hiểu biết được năm Uẩn (Ngũ Uẩn) thì gọi là TÂM THỨC. Năm Uẩn gồm có: Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn và Thức Uẩn. Căn và Tâm Thức thì khác nhau hoàn toàn về tính chất. Nguyên do, Căn được Sắc Uẩn kết hợp tạo thành và tính chất của chúng thì thuộc về loại Hữu Phú Vô Ký, nghĩa là tính chất của năm Căn bị ngăn che, bị ô nhiễm quấy đục (Hữu Phú), nhưng chúng  nó thuộc về loại không nhất định thiện hay ác (Vô Ký). Nói cách khác, năm Căn thì không bao giờ phân biệt và cũng không bao giờ khen chê những điều thiện hoặc những điều ác. Chúng nó sẵn sàng tiếp nhận tất cả thiện ác và không chừa bỏ bất cứ những điều tốt hay những điều xấu nào. Cho nên chúng nó được gọi là Vô Ký. Nhưng năm Căn này thì thuộc về loại Sắc Uẩn và do Sắc Uẩn tạo nên. Thế nên chúng nó đều bị ô nhiễm bởi phiền não và bị ngăn che bởi si mê nên được gọi là Hữu Phú. Riêng năm Tâm Thức nói trên sinh hoạt đều bị lệ thuộc vào năm Căn và chịu ảnh hưởng bởi năm Căn. Cho nên năm Tâm Thức này hiểu biết vạn pháp có khi bị ô nhiễm và cũng có khi được thanh tịnh.

5.- CỬU DUYÊN THẤT BÁT HẢO TƯƠNG LÂN:

DỊCH: Chín, bảy và tám Duyên quan hệ lẫn nhau rất tốt.

GIẢI: Bài Tụng này trình bày các Duyên rất quan trọng và rất cần thiết trong việc trợ giúp cho năm Tâm Thức phát sanh tác dụng để hiểu biết vạn pháp. Năm Tâm Thức nếu như không có các Duyên này trợ giúp thì không thể tác dụng và cũng không thể sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp. Trước hết, Nhãn Thức đòi hỏi phải hội đủ chín Duyên thì mới có thể tác dụng hiện khởi để sinh hoạt. Chín Duyên gồm có:

1/- KHÔNG: là hư không, tức là chỉ cho khoảng cách. Nhãn Thức nếu như không có khoảng cách thì nhất định không thể nhìn thấy được sự vật.

2/- MINH: là ánh sáng. Nhãn Thức nếu như không có ánh sáng bên ngoài chiếu soi thì nhất định cũng không thể nhìn thấy rõ sự vật.

3/- CĂN: là Nhãn Căn, tức là chỉ cho giác quan để nhìn thấy. Nhãn Thức nếu như không có Nhãn Căn thì nhất định không thể nhìn thấy được sự vật.

4/- TÁC Ý: là Tâm Sở mống tâm chú ý để thấy. Nhãn Thức nếu như không có Tâm Sở Tác Ý giúp đỡ thì nhất định cũng không thể chú ý để nhìn thấy.

5/- CẢNH: là bối cảnh, tức là chỉ cho Trần Cảnh ở bên ngoài của một sự vật làm đối tượng để thấy. Nhãn Thức nếu như không có Cảnh để làm đối tượng hiểu biết thì nhất định cũng không thể nhìn thấy.

6/- PHÂN BIỆT Y: là chỉ cho Ý Thức thứ sáu. Nhãn Thức nếu như không có Ý Thức thứ sáu hợp tác phân biệt thì nhất định không thể thấy rõ sự vật.

7/- NHIỄM TỊNH Y: là chỉ cho Thức Mạt Na thứ bảy. Nhãn Thức nếu như không có Thức Mạt Na thứ bảy so đo chọn lựa, thì nhất định không thể nhìn thấy đúng những gì  muốn thấy.

8/- CĂN BẢN Y: là chỉ cho Thức Alaya thứ tám. Nhãn Thức nếu như không có Thức Alaya thứ tám làm nền tảng sanh khởi thì nhất định không biết nương tựa vào đâu để tác dụng nhìn thấy.

9/- CHỦNG TỬ DUYÊN: là chỉ cho hạt giống của Nhãn Thức. Nhãn Thức nếu như không có Chủng Tử Duyên thì nhất định không thể sanh khởi để nhìn thấy sự vật.

Trong chín Duyên, Chủng Tử (Hạt giống) chính là Nhân Duyên, còn các Duyên khác thì thuộc về Tăng Thượng Duyên. Tăng Thượng Duyên nghĩa là tám Duyên kia chỉ đóng vai trò hỗ trợ giúp cho Nhân Duyên thêm được nẩy nở và lớn lên. Riêng Năng Lực để tác dụng khích động và dẫn đạo khiến cho Chủng Tử (Hạt giống) được phát sanh chính là Đẳng Vô Gián Duyên. Đẳng Vô Gián Duyên nghĩa là Năng Lực các Duyên cùng nhau hỗ trợ và thúc dục khiến cho Nhân Duyên phát sanh tác dụng một cách liên tục không gián đoạn, nên gọi những Năng lực này là Đẳng Vô Gián Duyên.

NHĨ THỨC thì chỉ cần tám Duyên hỗ trợ. Nguyên vì Tâm Thức này khi tác dụng hiểu biết vạn pháp thì không cần đến ánh sáng bên ngoài (Minh) chiếu soi để được nghiệp.

TỶ THỨC, THIỆT THỨC và THÂN THỨC thì chỉ cần dùng bảy Duyên để hỗ trợ. Nguyên vì ba Tâm Thức này khi tác dụng hiểu biết vạn pháp thì không cần đến ánh sáng bên ngoài chiếu soi (Minh) và không cần có khoảng cách (Không) để được cảm giác.

Phần này chỉ trình bày 9 Duyên, 8 Duyên và 7 Duyên, mà ở đây chúng ta không đề cập đến Đẳng Vô Gián Duyên. Nếu như thêm vào Đẳng Vô Gián Duyên, năm Tâm Thức lại cần đến số lượng là: 10 Duyên, 9 Duyên, và 8 Duyên hỗ trợ để hiểu biết vạn pháp.

Năm Tâm Thức chỉ có khả năng hiểu biết được các pháp thuộc loại hữu vi, nghĩa là các pháp đã được hiện thành hình tướng mang tính chất Nhân Duyên Sanh. Trái lại năm Tâm Thức không có khả năng hiểu biết được các pháp thuộc loại vô vi, nghĩa là các pháp chưa được hiện tướng, vẫn còn mang tính chất Chủng Tử (Hạt giống). Mỗi khi muốn hiểu biết các pháp thuộc loại hữu vi, năm Tâm Thức này cũng phải nhờ đến các Duyên nói trên hỗ trợ thì mới có thể phát khởi tác dụng sinh hoạt. Nếu như thiếu một trong các Duyên nói trên, năm Tâm Thức đây không thể nào phát sanh tác dụng để hiểu biết vạn pháp.

6.- HIỆP TAM LY NHỊ QUÁN TRẦN THẾ:

DỊCH: Ba Tâm Thức thì hiệp với cảnh để duyên và hai Tâm Thức thì cách xa với cảnh để duyên trong công việc quán sát trần thế.

GIẢI: Nhãn Thức và Nhĩ Thức thì phải cách xa (Ly) Trần Cảnh (Cảnh đối tượng) mới có thể hiểu biết, còn Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức thì phải trực tiếp (Hiệp) duyên thẳng nơi Trần Cảnh mới có thể hiểu biết. Nói cách khác, trong năm Tâm Thức, hai Tâm Thức là Nhãn Thức và Nhĩ Thức phải duyên cảnh bằng cách gián tiếp mới quán sát được Trần Thế. Ba Tâm Thức còn lại là: Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức phải duyên thẳng nơi Trần Cảnh bằng cách trực tiếp mới quán sát được Trần Thế.

7.- NGU GIẢ NAN PHÂN THỨC DỮ CĂN:

DỊCH: Kẻ ngu thì khó phân biệt được Thức và Căn.

GIẢI: Kẻ phàm phu ngu muội thường cho rằng, Căn (giác quan) duyên nơi Trần Cảnh liền sanh ra Tâm Thức (Căn duyên Trần sanh Thức). Họ không hiểu rõ bản chất của Tâm Thức vẫn hiện hữu (có mặt) một cách biệt lập và không quan hệ với Căn cũng như không quan hệ với Trần Cảnh. Trái lại, Căn và Trần Cảnh thì rất quan hệ với những Tâm Thức này trong sự sinh hoạt hiểu biết vạn pháp. Căn thì thuộc về vật chất và Trần Cảnh thì cũng thuộc về vật chất, còn Tâm Thức thì thuộc về tinh thần. Tánh chất của Tâm Thức không phải vật chất thì vật chất không thể sanh ra Tâm Thức được.

Thí dụ: Bóng đèn không thể sanh ra điện và điện chỉ nương nơi bóng đèn để phát sanh ra ánh sáng.

Họ cũng không tin tưởng rằng chính Tâm Thức Alaya thứ tám sanh ra Căn và Trần Cảnh. Họ lầm tưởng cho rằng Căn và Trần Cảnh đều là thực thể độc lập đối với Tâm Thức Alaya thứ tám. Thật ra Căn và Trần Cảnh đều do Tâm Thức Alaya thứ tám xây dựng thành hình tướng và Tâm Thức Alaya thứ tám nếu như rút lui sức sống thì Căn và Trần Cảnh sẽ bị tiêu diệt. Hơn nữa. họ lại không nhận thức được tánh Hữu Phú Vô Ký của Căn, nghĩa là bản chất của Căn thì thường ngăn ngại và che lấp chân tánh của Tâm Thức (Hữu Phú), đồng thời Căn cũng thuộc loại không phải thiện và cũng không phải ác (Vô Ký), vì thế Căn được gọi là Hữu Phú Vô Ký. Nguyên do họ không nhận thức được tánh Hữu Phú Vô Ký của Căn, cho nên ngộ nhận lầm tưởng cho rằng Căn và Tâm Thức cùng một loại với nhau. Trên thực tế, Căn và Tâm Thức, mỗi loại đều có công năng riêng biệt nhau và đối diện với nhau. Căn ở đây chỉ đóng vai trò làm Tăng Thượng Duyên (Trợ duyên chính yếu giúp cho Tâm Thức nương nơi đó tăng trưởng thêm lớn) hoặc làm nơi Sở Y (làm chỗ nương tựa cho Tâm Thức sinh hoạt) để giúp cho Tâm Thức nương nơi đó tác dụng hiểu biết vạn pháp.

8.- BIẾN TƯỚNG QUÁN KHÔNG DUY HẬU ĐẮC:

DỊCH: Biến ra Tướng Phần để duyên, chỉ có Trí Hậu Đắc mới quán được Tướng đấy là không.

GIẢI: Năm Tâm Thức khi chuyển thành Trí Tuệ được gọi là Trí Hậu Đắc, nhưng không phải là Trí Căn Bản và cũng không có danh nghĩa của Trí Căn Bản mặc dù chúng được chứng đắc. Trí Căn Bản nghĩa là Trí Tuệ thuộc loại nguồn gốc, có khả năng phát sanh các Trí Tuệ khác nên gọi là Trí Căn Bản, còn Trí Hậu Đắc nghĩa là Trí Tuệ được thành lập sau khi chứng đắc mà chính chúng cũng không phải Trí Tuệ thuộc loại nguồn gốc, nên gọi là Trí Hậu Đắc.

Ngược lại, năm Tâm Thức trước khi chưa thành Trí Tuệ thì cũng không có khả năng duyên thẳng đến Chân Như của các pháp một cách trực tiếp. Mỗi tác dụng để duyên đến chân như của các pháp, năm Tâm Thức này phải biến ra Tướng Phần Chân Như (Image of Truth) của những pháp đó để duyên. Tướng Phần Chân Như của các pháp mà năm Tâm Thức biến ra để duyên được gọi là Sanh Không Chân Như, hoặc gọi là Pháp Không Chân Như. Sanh Không Chân Như nghĩa là bản chất chân thật của các pháp từ ngàn xưa cho đến nay (Chân Như) đều do Nhân Duyên Sanh (Sanh Không) va chúng nó hoàn toàn không có thật thể nên gọi là Sanh Không Chân Như. Pháp Không Chân Như nghĩa là bản chất chân thật của những yếu tố tạo ra các pháp từ ngàn xưa cho đến nay (Chân Như) đều là tướng trạng thuộc loại tác dụng biến hiện (Pháp Không) và chúng nó hoàn toàn không có thật chất nên gọi là Pháp Không Chân Như. Hơn nữa, năm Tâm Thức mỗi khi tác dụng phải nương tựa nơi các Căn (Nervous-System) mới có thể phát sanh hiểu biết. Do đó chúng không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp một cách trực tiếp. Chẳng những thế, năm Tâm Thức này một khi đã chuyển thành Trí Hậu Đắc thì cũng không thể duyên thẳng Chân Như của các pháp. Trí Hậu Đắc chỉ có thể trực nhận được hiện tượng phản chiếu của các pháp Chân Như. Hiện tượng phản chiếu là những hình ảnh được phát xuất từ nơi các pháp Chân Như qua Huệ Nhãn chiếu soi, nhưng Trí Hậu Đắc thì nhất định không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp.

Tại sao Trí Hậu Đắc không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp? Trí Hậu Đắc là một loại Trí Tuệ Sai Biệt được chuyển hóa từ nơi năm Tâm Thức sai biệt. Năm Tâm Thức sai biệt tức là chỉ cho năm Tâm Thức ở trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức). Trí Hậu Đắc sở dĩ được gọi Trí Sai Biệt là nguyên do vạn pháp trong vũ trụ đều có tướng sai biệt làm đối tượng. Cũng bởi vạn pháp đều có tướng sai biệt làm đối tượng, cho nên Tâm Thức nhất định phải có Trí Sai Biệt (Trí Hậu Đắc) để nhận thức các tướng sai biệt của vạn pháp. Đây là trình bày lối tu tập của các bậc Bồ Tát, còn các vị mới phát tâm hành trì thì phải nương nơi Tướng của Duy Thức (Duy Thức Tướng) mà quán chiếu để tìm ra Tánh của Duy Thức (Duy Thức Tánh). Đã là nương nơi Tướng của Duy Thức để quán chiếu Tánh của Duy Thức, các vị mới phát tâm hành trì đây thật sự chưa được an trụ nơi Tánh của Duy Thức, mặc dù Tánh của Duy Thức đã hiện bày trước mặt. Họ sở dĩ chưa được an trụ nơi Tánh của Duy Thức là do họ tu tập chưa được thuần thục. Đây chỉ là chỗ Sở Đắc (Chỗ đã đạt được) của các vị mới phát tâm (Sơ Phát Tâm) tu tập.

9.- QUẢ TRUNG DU TỰ BẤT THIÊN CHÂN:

DỊCH: chính trong bậc Thánh Quả còn không gọi là Chân Như.

GIẢI: Câu này chỉ rõ năm Tâm Thức chẳng những trong cõi người không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp một cách trực tiếp. Cho đến trong quả Thánh (trong quả Phật), năm Tâm Thức này sau khi được chuyển thành Trí Hậu Đắc cũng không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp một cách trực tiếp. Nguyên do, năm Tâm Thức đây chỉ có khả năng duyên với Hữu Chất Tánh Cảnh (Hữu Chất Tánh Cảnh nghĩa là những cảnh tượng có tánh chất thật sự hiện bày). Vạn pháp thuộc Hữu Chất Tánh Cảnh đều phát sanh từ nơi vạn pháp thuộc Vô Chất Tánh Cảnh (Memories) nằm trong Tâm Thức, nhưng năm Tâm Thức này không thể hiểu biết trực tiếp được vạn pháp thuộc Vô Chất Tánh Cảnh của thế giới có tánh cách Tiềm Năng (thế giới có tính cách Memories). Do đó, năm Tâm Thức quyết định không thể duyên thẳng được Chân Như của các pháp.

Riêng các vị Bồ Tát sau khi chứng được chân lý đều có khả năng duyên thẳng đến Chân Như của các pháp một cách trực tiếp để an trụ trong những thế giới đó. Đồng thời các Ngài còn có khả năng hiện thân để hóa độ chúng sanh. Trong lúc thực hành hạnh độ sanh, các vị Bồ Tát tùy theo duyên liền nương tựa nơí Trí Căn Bản (Dynamic-State) để thể hiện nhiều loại Pháp Thân nơi các cõi nhằm mục đích hóa độ  chúng sanh. Mặc dù thể hiện nhiều loại Pháp Thân tùy theo duyên để hóa độ chúng sanh, các vị Bồ Tát vẫn không rời Chân Như của các pháp. Tuy các vị Bồ Tát đã an trụ trong thế giới Chân Như, nhưng Trí Hậu Đắc của các Ngài cũng không thể trực tiếp duyên thẳng được Chân Như. Cho đến địa vị Phật, Trí Hậu Đắc của các Ngài cũng không thể trực tiếp duyên thẳng được Chân Như. Nguyên do, Trí Hậu Đắc (của năm Tâm Thức) đều được phát sanh từ nơi Trí Căn Bản và mang tính chất phân biệt so sánh, cho nên Trí Hậu Đắc được gọi là Trí Sai Biệt. Trí Hậu Đắc của các vị Bồ Tát đã là Trí Sai Biệt thì không thể trực tiếp duyên thẳng được trí Vô Phân Biệt nơi thế giới Chân Như. Bởi thế, năm Tâm Thức nói trên dù cho với bất cứ hình thức nào thì nhất định cũng không thể trực tiếp duyên thẳng được Chân Như của các pháp.

10.-VIÊN MINH SƠ PHÁT THÀNH VÔ LẬU, TAM LOẠI PHÂN THÂN TỨC KHỔ LUÂN:

DỊCH: Viên Minh vừa mới phát hiện liền thành vô lậu, ba loại Phân Thân diệt hết khổ sinh tử luân hồi cho chúng sanh.

GIẢI: Ý nghĩa hai câu này là: Tâm Thức Alaya thứ tám khi vừa được chuyển thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh (Viên Minh Sơ Phát) thì năm Tâm Thức cũng liền trở thành vô lậu. Vô lậu nghĩa là không còn bị sa rớt trong vòng sinh tử luân hồi trong ba cõi nữa. Lúc bấy giờ năm Tâm Thức nói trên có công dụng hiện ra ba loại Thân để hóa độ và dứt trừ các khổ sanh tử luân hồi cho chúng sanh. Ba loại Thân như là:

1/- HIỆN ĐẠI HÓA THÂN: cũng gọi là Thắng Ứng Thân. Hiện Đại Hóa Thân là một loại Thân được hóa hiện vô cùng to lớn nhằm mục đích dùng để hóa độ chúng sanh. Thắng Ứng Thân là một loại Thân ứng hiện rất thù thắng và ngoài Thân này ra không có Thân nào thù thắng hơn. Hiện Đại Hóa Thân thì cao đến 1,000 trượng (Một ngàn trượng là mười thước ta). Thân này thì dùng để hóa độ hàng Đại Thừa Bồ Tát.

2/- TIỂU HÓA THÂN: cũng gọi là Liệt Ứng Thân. Tiểu Hóa Thân là một loại Thân được hóa hiện nhỏ hơn so với Hiện Đại Hóa Thân. Liệt Ứng Thân là một loại Thân được ứng hiện có phần yếu kém hơn so với Hiện Đại Hóa Thân. Tiểu Hóa Thân thì chỉ cao một trượng sáu thước, dùng để hóa độ hàng Tam Hiền Bồ Tát, hàng Nhị Thừa và hàng Phàm Phu chúng sanh.

3/- TUỲ LOẠI HÓA THÂN: nghĩa là thân này tùy theo chủng loại chúng sanh được hóa hiện ra nhiều hình tướng khác nhau nhằm mục đích dùng để cứu độ họ, Thân này có khi là hình tướng con người, có khi là hình tướng súc sanh v.v… tùy theo cơ duyên muôn loài hiện ra để hóa độ.