SEN BÚP DÂNG ĐỜI
Nguyễn Minh Tiến soạn dịch

Thay lời tựa

Sen búp dâng đời là tuyển tập soạn dịch dựa trên hai bản Hán văn nổi tiếng trong thiền môn, đều mang ý nghĩa khuyến khích, răn nhắc người tu tập. Bản thứ nhất là Khuyến phát Bồ-đề tâm văn (勸發菩提心文) của Đại sư Thật Hiền và bản thứ hai là Quy Sơn cảnh sách văn (溈山警策文) của Thiền sư Quy Sơn.

Đây có thể xem là những tuyệt tác trong văn chương Phật giáo bởi tính chất hàm súc với lời văn lưu loát mà gãy gọn, ý nghĩa thâm thúy mà dễ hiểu, lời lẽ hết sức thống thiết mà giản dị, tạo được nhiều ấn tượng mạnh mẽ, cảm động và sâu lắng trong lòng người. Vì thế, không phải vô cớ mà từ nhiều thế hệ trước đây, những người xuất gia hầu hết đều phải thuộc nằm lòng hai bản văn này bằng chữ Hán.

Trước đây chúng tôi đã từng có dịp giới thiệu bản Việt dịch Quy Sơn cảnh sách văn đến với độc giả, nhưng mãi đến nay mới tìm được nguyên bản Hán văn của Khuyến phát Bồ-đề tâm văn được khắc in chung trong An Sĩ toàn thư do Đại sư Ấn Quang giới thiệu. Hai bản văn này, một khuyên người phát tâm, một khuyên người sau khi phát tâm phải hết sức nỗ lực tu tập, cho nên có thể xem là một kết hợp hoàn hảo để trở thành sách gối đầu giường cho tất cả các vị mới xuất gia, những đóa sen búp xinh tươi đang trong tiến trình rèn luyện để ngày mai bừng nở, ngát hương giải thoát dâng lên cho đời.

Hai bậc thầy viết ra những bản văn này đều là những vị cao tăng đức độ. Đạo hạnh cao tột của các ngài là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tuy sống cách nhau gần ngàn năm, nhưng những điều hai vị nói ra thảy đều tương hợp thiết tha, khiến cho kẻ đọc người nghe hai bản văn này đều cảm thấy phấn chấn nỗ lực trong tu tập và phải tự mình hổ thẹn vì những lúc thối tâm nản chí.

Thiền sư Quy Sơn (771-853) là bậc long tượng chốn thiền môn, Tổ sư khai sáng tông Quy Ngưỡng. Đại sư Thật Hiền (1685-1734) là Tổ thứ 9 của Liên Tông Tịnh độ, cũng là truyền nhân đời thứ tư của phái thiền Linh Phong thuộc tông Thiên Thai, được chân truyền từ Thiền sư Thiệu Đàm. Tuy cả hai đều là những bậc pháp khí, uyên thâm kinh điển, chứng đắc thâm sâu, nhưng các ngài lại hết lòng từ bi quan tâm đến những kẻ hậu học căn cơ thấp kém. Vì thế, ngài Quy Sơn tuy dạy người tham thiền khai ngộ, vẫn khuyến khích giáo học kiên trì. Ngài Thật Hiền tuy tự mình chứng ngộ, thấu triệt đến chỗ “nhất thiết giai không”, nhưng tự thân chuyên cần tu tập pháp môn Tịnh độ, khuyên bảo mọi người phải nương theo pháp niệm Phật để cầu thoát sinh tử. Tâm lượng từ bi và tấm lòng thương đời yêu người của các ngài quả thật là rộng lớn sâu xa, thấu suốt được căn cơ, năng lực của chúng sinh thời nay, nên mới có thể dùng phương tiện dạy dỗ đúng người đúng pháp. Trong hàng ngàn năm qua, kẻ tăng người tục được hưởng lợi ích từ sự giáo huấn của các ngài qua hai bản văn này, quả thật không thể nào nói hết.

Vì vậy, chúng tôi không ngại mình kiến thức còn thô thiển, cố gắng mang phần Việt dịch và chú giải của cả hai bản văn trên, soạn thành tập sách này, vừa thuận tiện cho những người tu học, vừa cũng có thể làm tập sách quý cho người yêu thích văn chương Phật giáo. Thông qua đây mới biết rằng, kinh sách đạo Phật không chỉ là những bản kinh văn uyên thâm khúc chiết, mà cũng có cả những bài văn hay cảm động lòng người.

Mong sao người đọc qua những bản văn này đều có thể cảm nhận được tâm từ bi vô lượng của thầy tổ đã thống thiết răn nhắc, từ đó mà tâm nguyện đã phát càng thêm sâu vững, đường tu đã tiến càng tiến xa hơn, sớm đạt đến chỗ tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến