NẺO VỀ HAI LỐI
Hòa thượng Thích Giác Quả

 

LỜI THƯA

Kinh Trung bộ ghi: “Đến với giáo Pháp của Ta không phải để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Thật vậy, đến với đạo Phật để hiểu đúng Pháp Phật, hành đúng Pháp Phật, thành đạt quả Phật nhằm chấm dứt dòng sanh tử khổ đau của tự thân, đem lợi lạc cho tha nhân, xã hội, hầu khế hợp thệ nguyện ứng thế độ sanh của đức Phật.

Để thành tựu hoặc sớm hoặc muộn mục đích này, đòi hỏi người Phật tử, nhất là hàng tu sĩ cần phải có Chánh kiến về lý do và mục đích khi xuất gia; đồng thời, thực hiện nội dung Chánh kiến này suốt tiến trình tu tập. Ngược lại, nếu không có Chánh kiến hoặc đánh mất Chánh kiến thì kết quả của vị tu sĩ ấy sẽ là “Đạo cũng mất mà Đời cũng hỏng”. Đây là điểm chủ yếu mà bài “Luận Giải: Kinh Chí Biên” muốn giới thiệu.

Muốn phát khởi, phát hiện Chánh kiến; hẳn nhiên, trước tiên hành giả phải học Phật pháp, học như cách học của chư vị thời Chánh-Tượng pháp; kế đến, ứng dụng nội dung học ấy xuyên qua Tam-tuệ Văn-Tư-Tu để chứng đạt cứu cánh giải thoát. Ngược lại, nếu học với quan điểm tôn vinh tự ngã, thì hành giả này vẫn tiếp tục đi trên con đường của Ma. Đây là điểm chủ yếu của bài “Học Để Làm Gì?” muốn giới thiệu.

Khi Chánh kiến hiện hữu, hành giả khởi đầu sự tu tập với thái độ “Phòng phi Chỉ ác” và “Chỉ ác Tác thiện”, bằng cách nghiêm trì Oai-nghi, Giới-luật đã thọ lãnh. Trì giới là điều kiện căn bản để đi vào Định-Tuệ, để rồi chuyển Tam-học Giới-Định-Tuệ thành Tam vô lậu học, nhằm đạt Niết bàn. Ngược lại, không trì giới là đồng nghĩa không có Chánh kiến, thì hành giả này không thể là một vị Tu sĩ chân chánh. Đây là điểm chủ yếu mà bài “Bình Giải Mười Ba Việc Chướng Ngại Sự Tu Tập Của Người Xuất Gia” muốn giới thiệu.

Mặc dù đức Phật đã chỉ dạy minh bạch những điều cần thiết cho sự tu tập để đạt mục đích, nhưng thực trạng chung của giáo đồ đạo Phật ngày nay không còn giữ được nguyên chất Phật pháp như hai thời kỳ của Chánh-Tượng pháp ngày xưa, mà đã suy thoái một cách trầm trọng. Chất liệu Phật pháp được biểu hiện thông qua Thân-Khẩu-Ý của người con Phật giờ đây rất hạn hữu. Ngược lại, hiện trạng sử dụng hình thức đạo Phật để phục vụ cho tự ngã của mình thì rất phổ biến và đa dạng. Đây là điểm chủ yếu mà bài “ Phật Giáo Ngày Nay” muốn giới thiệu.

Một phương diện trong nội dung suy thoái của đạo Phật hiện giờ, đó là đa phần hàng Tu sĩ xem thường Giới-luật, cụ thể như đối với vấn đề văn nghệ (Đàn, ca, xướng, hát…) một số vị lớn tuổi hoặc chấp nhận hoặc chủ trương, các vị nhỏ thì trực tiếp thực hiện. Đây là điểm chủ yếu mà bài “Tăng Ni Với Văn Nghệ” muốn giới thiệu.

Phương diện làm cho đạo Phật bị suy thoái đậm nét hiện giờ là hành hoạn của một số Tăng, Ni đã và đang dùng kiến thức thế tục nửa mùa và địa vị của mình để huỷ báng Đạo pháp, bôi nhọ Tam Bảo. Đây là điểm chủ yếu mà bài “Tản Mạn Về Hiện Tượng Tân Tăng” muốn giới thiệu.

Sở dĩ sáu bài này được viết là xuất phát từ sự nghe thấy những sự kiện huỷ báng đạo Phật của một số Tăng – Ni. Giờ đây, nhân duyên hội đủ, chúng tôi tập thành quyển sách nhỏ với nhan đề “Nẻo Về Hai Lối” làm món quà mọn gởi tặng quý độc giả. Dù rằng, hiện tại chúng tôi đanh mang trọng bệnh và đang đối diện với tử thần, trên Chánh kiến thì nên dành trọn thời gian bồi dưỡng công đức “Cận tử nghiệp” cho mình, song vì nội lực hành trì còn yếu kém, chưa thể an trú trong thực tại “Pháp nhĩ như thị”, trước cảnh huỷ báng đạo Phật của một số người nhân danh đệ tử Phật đang nhiễu hại đó đây, nên phải cầm bút nói lên tâm tưởng thô thiển của mình.

Thiết nghĩ rằng, là Phật tử thì phải Chánh ngữ – nói thật, nói thẳng; bởi lẽ, “Trung ngôn nghịch nhĩ, khởi bất minh tâm giả tai!”. Với tinh thần ấy đã được chúng tôi biểu hiện qua nội dung của sáu bài viết.

Nếu đủ duyên, tập sách nhỏ này đến tay quý độc giả, xin quý vị cùng chúng tôi hướng lên chư Phật cầu nguyện cho những ai đã và đang phá hoại đạo Phật sớm tỉnh nguồn tâm, trở về Phật tâm để thoát khỏi đọa xứ, ác xứ mai sau. Đồng thời, chúng ta hãy tinh tấn tu tập nghiêm túc thêm nữa để có kết quả tự lợi, lợi tha thiết thực và Đạo pháp chậm suy mạt hơn.

Trân trọng!

Hồng Đức tự – Tết Mậu Tý – 2008
Tỷ-kheo Thích Giác Quả
Kính đề