NGUỒN CHÂN LẼ THẬT
Nguyên Minh
LỜI NÓI ĐẦU
Duyên khởi của tập sách này có phần nào đó hơi khác thường và đối với tôi dường như lại còn là một điều hết sức thú vị. Trong một thời gian khá lâu, với nhiều công việc dở dang nên tôi gần như không đặt bút viết thêm được quyển sách nào trong Tủ sách Rộng mở tâm hồn, cho dù tôi đã chuẩn bị khá nhiều ý tưởng để chia sẻ cùng bạn đọc qua một số chủ đề đã được dự tính từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thời gian và công việc thật ra cũng chỉ là một yếu tố, vẫn còn một yếu tố khác quan trọng hơn nữa là tôi thực sự chưa tìm được nguồn hứng khởi để đưa những ý tưởng sẵn có của mình lên trang giấy.
Thế rồi, thật tình cờ tôi nhận được một bài thơ rất đặc biệt, từ một người quen gửi đến. Tôi gọi là một “bài thơ” vì với tôi nó gần như đã gợi lên được trọn vẹn cả một đề tài mà từ lâu tôi hằng ấp ủ, nhưng thật ra có lẽ với đa số người đọc khác thì không hẳn đã xem đó là một “bài thơ”, bởi nó chỉ gồm hai câu ngắn ngủi được đặt trang trọng bên dưới một chủ đề – rất có thể chính là toàn bộ ý tưởng mà người viết muốn diễn đạt.
Chủ đề được nêu lên là: “Chân-lý đi về đâu” và hai câu lục bát ngắn ngủi ấy như sau:
Chân-lý đi, chân-lý về,
Chẳng còn, hay có; cũng “huề” một “tâm”.
Tôi đã cố ý ghi chép lại chính xác như những gì tôi được đọc thấy, bởi mỗi chi tiết trong hai câu thơ này đều mang những ý nghĩa nhất định đối với tôi.
Trước hết, quý độc giả có thể đã dễ dàng nhận ra những chữ chân lý đều được viết có gạch nối. Đây là dấu ấn cho thấy người viết thuộc một thế hệ khá lớn tuổi, ít nhất cũng đã theo học bậc trung học từ trước năm 1975, bởi hiện nay không ai còn giữ cách viết này. Những dấu gạch nối thời ấy làm nhiệm vụ liên kết một cụm từ ngữ khi người viết muốn người đọc phải tiếp nhận nguyên vẹn mà không tách rời chúng ra.
Điểm đặc biệt thứ hai là cách dùng chữ huề, một dạng trước đây của chữ hòa. Ngày nay ít thấy ai dùng chữ huề nữa, mặc dù theo quy luật chung của ngôn ngữ, nó vẫn còn được lưu dấu trong những cụm từ cố định như huề vốn, huề cả làng v.v… Nhưng khi dùng riêng rẽ, ta chỉ nói xử hòa chứ không nói xử huề, cũng như nói hòa thuận chứ không ai nói huề thuận v.v… Ngoài ra, tôi cũng chú ý đến cách dùng các dấu ngoặc kép trong câu với mục đích nhấn mạnh vào hai chữ huề và tâm.
Tri thức giới hạn của hầu hết chúng ta dường như luôn vấp phải bức tường bế tắc khi nỗ lực soi rọi đến tận cùng ý nghĩa hiện hữu của đời sống. Và trong nỗ lực vô vọng để vượt qua sự bế tắc ấy, có những điều hôm nay ta tưởng chừng là chân lý tuyệt đối thì có thể ngày mai đã trở thành một mớ tri thức hỗn độn vô nghĩa; có những thành tựu tưởng chừng như đang làm thay đổi cả cuộc đời ta, thì có thể trong phút chốc bỗng đẩy ta vào chỗ hoang mang lạc lõng… Tất cả những thực tiễn ấy, những ai dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý đều rất có thể đã từng trải qua. Và chính vì vậy mà giá trị khai mở của những lời dạy sáng suốt từ một bậc thầy chân chánh là vô cùng quý giá.
Đối với tôi, các đặc điểm nhận dạng qua hình thức như vừa nêu là những chỉ dấu để tôi tiếp cận ý nghĩa hai câu thơ theo một hướng đặc biệt, trong chừng mực nào đó có vẻ gần giống như là một cuộc đối thoại trực giao giữa hai thế hệ – một ngày xưa cổ kính thâm trầm với nội tâm sâu lắng và một hiện tại năng động tư duy với ngập tràn tri thức.
Chân lý vốn là một khái niệm hết sức mơ hồ, chưa từng và cũng sẽ không bao giờ có thể được cụ thể hóa thành một khuôn mẫu duy nhất. Mặc dù không ít người vẫn tin chắc rằng “chân lý chỉ có một”, nhưng họ thường quên rằng điều đó chỉ đúng khi xét trong trường hợp của riêng một người hay một nhóm người hoàn toàn có cùng quan điểm. Và vì thế, cho dù mỗi người hay một nhóm người có thể đạt đến chân lý “duy nhất” nào đó, thì thực tế vẫn luôn tồn tại đó đây vô số những “chân lý” khác đối với những người khác hay nhóm khác.
Tính chất mơ hồ của khái niệm này dường như lại càng được đẩy xa hơn nữa khi người viết cố ý đặt chúng kèm theo những động từ đi, về:
Chân-lý đi, chân-lý về … …
Chân lý ở đây được mô tả đang dịch chuyển theo dòng biến động của những tâm thức chưa từng lắng đọng, đang ngày đêm quay quắt với những đúng-sai, phải-trái, được-thua, hơn-thiệt… Và trong cuộc xoay vần không đích đến như thế, những chuyến đi về tất yếu cũng không bao giờ tìm được một điểm dừng cố định. Đây chính là bi kịch muôn đời của những con người khát khao chân lý nhưng không đủ phước duyên để gặp được một bậc minh sư soi đường chỉ lối.
Về điểm này, chắc hẳn sẽ có không ít độc giả khởi lên sự hoài nghi: “Lẽ nào mỗi chúng ta không thể tự mình tìm ra con đường đi đến chân lý tuyệt đối hay sao?”
Vâng, tất nhiên đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhưng chỉ là trong suy diễn và lý thuyết mà thôi. Hai mươi lăm thế kỷ đã trôi qua kể từ khi bậc Đại Giác Thế Tôn ra đời và chỉ bày con đường đi đến tận nguồn chân lẽ thật, trong thực tế có vô số người đã nối tiếp nhau đạt được sự an lạc giải thoát nhờ đi theo con đường do Ngài mở lối, nhưng chưa một người nào nhận rằng chính mình đã tự khai sáng con đường ấy hoặc mở ra được một hướng đi nào khác hơn những gì đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã từng thuyết giảng.
Tri thức giới hạn của hầu hết chúng ta dường như luôn vấp phải bức tường bế tắc khi nỗ lực soi rọi đến tận cùng ý nghĩa hiện hữu của đời sống. Và trong nỗ lực vô vọng để vượt qua sự bế tắc ấy, có những điều hôm nay ta tưởng chừng là chân lý tuyệt đối thì có thể ngày mai đã trở thành một mớ tri thức hỗn độn vô nghĩa; có những thành tựu tưởng chừng như đang làm thay đổi cả cuộc đời ta, thì có thể trong phút chốc bỗng đẩy ta vào chỗ hoang mang lạc lõng… Tất cả những thực tiễn ấy, những ai dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý đều rất có thể đã từng trải qua. Và chính vì vậy mà giá trị khai mở của những lời dạy sáng suốt từ một bậc thầy chân chánh là vô cùng quý giá.
Không riêng gì mỗi chúng ta hôm nay, nhiều thế hệ nhân loại nối tiếp nhau trong lịch sử cũng đã từng loanh quanh trên những lối mòn đi tìm chân lý mà thật ra không đưa người ta đến bất cứ nơi nào cả. Nhân danh chân lý, người ta đã từng chém giết, tàn hại lẫn nhau, nhưng thực tế lại cho thấy cả kẻ thắng lẫn người thua đều chẳng ai có được trong tay mình chân lý!
Cũng nhân danh chân lý, có những người, những nhóm người đã từng hy sinh tuổi thanh xuân cho đến cả cuộc đời mình để lao vào cuộc kiếm tìm không mệt mỏi, nhưng rồi khi đến cuối đời mới đau đớn nhận ra mình thậm chí còn chưa biết được chân lý là gì!
Và không chỉ trong những vấn đề lớn lao trọng đại, chúng ta còn luôn gặp phải những biện luận, tranh chấp về cái gọi là “chân lý” dưới mọi hình thức ngay trong cuộc sống hằng ngày. Không ai có thể dễ dàng chấp nhận mình là người đã “sai lầm”, dù chỉ là trong ý tưởng. Mỗi người đều cố gắng hết sức để giành về mình phần “lẽ phải”, phần “đúng đắn” nhất hay “chân lý” trong phạm vi đang có sự tranh cãi. Chúng ta tranh giành “chân lý” với mọi người quanh ta, từ thuở ấu thơ cho đến tuổi già, rồi một hôm nào đó bỗng băn khoăn nhìn lại và chợt nhận ra mình vẫn chưa thực sự hiểu được thế nào là “chân lý”!
Hiểu một cách đơn thuần về mặt ngôn ngữ thì chân có nghĩa là chân thật, không sai lầm, không giả dối, và lý có nghĩa là đúng đắn, thích hợp với sự suy luận, nhận hiểu theo tư duy của lý trí. Như vậy, chân lý là lý lẽ đúng thật, không sai lầm và hoàn toàn phù hợp với khả năng suy luận nhận hiểu của chúng ta.
Thế nhưng, “đúng thật” không phải là một chuẩn mực bất biến, và khả năng suy luận nhận hiểu của mỗi chúng ta cũng không hoàn toàn giống nhau. Ngay cả khi chỉ xét riêng khả năng suy luận nhận hiểu của chính bản thân mình, ta cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng điều đó luôn biến đổi theo thời gian, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự tích lũy kinh nghiệm cũng như tri thức của chúng ta trong mỗi giai đoạn của cuộc sống. Và chính vì vậy mà hiện tượng “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” nếu có xảy ra cũng không có gì là khó hiểu.
Một khi chúng ta vận dụng những tri thức, kinh nghiệm không thường hằng và thường xuyên biến đổi như thế làm công cụ, phương tiện để truy tìm một chân lý thường hằng bất biến thì tính chất bất khả thi của vấn đề dường như đã tự nó bộc lộ ngay từ khởi điểm. Mâu thuẫn ở đây là, chúng ta thường không muốn thừa nhận sự bất khả thi đó, vì cho rằng nó đồng nghĩa với việc ta nhận thua “đối phương”, những người đang đi theo một hướng khác với ta.
Ở hai đầu chiến tuyến, mỗi người lính đều tự nhủ rằng họ đang bảo vệ, đang theo đuổi “chân lý” của mình, và tin chắc rằng những kẻ đối nghịch với họ là sai lầm, là cần phải đánh bại… Sự thật bi đát này đã tồn tại gần như trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Trừ ra một số ít người tỉnh táo nhận biết, còn lại phần đông hầu như đều chấp nhận sự thật này mà không thấy được tính chất vô lý ngay từ mặt nhận thức của mình.
Đạo Phật bác bỏ hoàn toàn cuộc chạy đua tranh giành cái gọi là “chân lý” như trên bằng một ý niệm rất rõ ràng xuất phát từ trí tuệ quán chiếu sâu vào thực tánh hay bản chất của tất cả sự việc:
是非無實相
究竟總成空 。
Thị phi vô thật tướng,
Cứu cánh tổng thành không.
Đúng, sai vốn không tướng thật,
Xét cùng hết thảy đều không.
Tính chất đúng-sai của mọi lý lẽ, lập luận đều không phải là một giá trị tuyệt đối bất biến. Chúng được hình thành và phụ thuộc, biến đổi tùy theo bối cảnh nhân duyên tương quan. Những gì được xem là đúng của hôm nay chưa hẳn đã đúng trong tương lai, cũng như những gì từng được xem là đúng trong quá khứ thì hiện tại có thể không còn đúng nữa. Những gì được xem là đúng đắn ở địa phương này lại có thể là sai lầm ở một địa phương khác. Vì thế, nếu chúng ta cố chấp vào một giá trị đúng sai nào đó thì việc xảy ra mâu thuẫn xung đột với người khác sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Và những nhận thức khác biệt qua thời gian hay không gian thật ra đều xuất phát từ một cội nguồn duy nhất là tâm thức con người. Một tâm thức sáng suốt cho chúng ta những nhận thức đúng đắn về bản chất sự vật, nhưng một tâm thức mê muội, nhiều che chướng sẽ dẫn đến nhận thức mơ hồ hoặc sai lệch về bản chất sự vật, và do đó cũng khiến ta có những hành vi ứng xử sai lệch, gây tác hại cho chính bản thân cũng như mọi người quanh ta.
Tính chất quyết định của tâm thức được mô tả trong câu thơ thứ hai, cũng là vế cuối của bài thơ trên:
Chẳng còn, hay có; cũng “huề” một “tâm”.
Tồn tại hay không tồn tại – To be or not to be… Vấn đề lại quay về nguyên ủy của nó, chính là tâm thức. Trong bản thể sáng suốt tự nhiên của tâm thức ấy không có những cặp phạm trù tương đối như sinh-diệt, dơ-sạch, thêm-bớt, và do đó tất nhiên cũng không có cả những khái niệm như đúng-sai, phải-trái, hơn-thua… Như trong Tâm kinh Bát-nhã đã dạy: “…bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…”
Tất cả đều hòa nhập và bình đẳng như nhau trong dòng tâm thức, vì xét cho cùng thì chúng đều có cùng một bản thể rốt ráo siêu việt mọi khái niệm tương đối.
Tuy nhiên, việc phủ nhận tính chất duy nhất và bất biến của bất kỳ chân lý nào trong phạm trù tư duy khái niệm của chúng ta hoàn toàn không có nghĩa là mọi khái niệm đều vô nghĩa và chúng ta có thể chấp nhận một kiểu nhận thức mơ hồ không xác định, hoặc nói nôm na là một kiểu quan niệm “ba phải”, thế nào cũng đúng, cũng được. Bởi cho dù khi “xét đến cùng” thì “tất cả đều rỗng không” trong ý nghĩa chúng không tự có một tự thể độc lập thường hằng, nhưng trong phạm trù của thực tại tương đối mà ta đang hiện hữu thì vẫn rất cần phải có một sự phân biệt thật sáng suốt, rõ ràng những tính chất khác biệt của mọi sự vật.
Như vậy, để có thể mang lại ý nghĩa tốt đẹp và tích cực cho cuộc sống của chính mình thì việc chọn lựa những phương cách tư duy, nói năng hoặc ứng xử sao cho thích hợp với hoàn cảnh, mang lại lợi lạc cho bản thân ta cũng như mọi người quanh ta vẫn là một yêu cầu khó khăn mà tất cả chúng ta đều phải cố gắng thực hiện tốt. Chỉ khi hiểu được điều này ta mới có thể sống tốt trong cuộc đời mà vẫn không bị lôi cuốn vào vòng xoáy “thị phi vô thật tướng” của những cuộc tranh chấp vô lý không đáng có.
Bởi vì mọi tư duy, lập luận hay nhận thức của chúng ta đều xuất phát từ “nguồn tâm”, nên tâm thức luôn quyết định tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng hay hành động. Một tâm thức trong sáng, hiền thiện sẽ lưu xuất những tư tưởng, lời nói và việc làm mang lại lợi ích cho bản thân và người khác, kèm theo đó là một cuộc sống an vui, hạnh phúc đến từ nội tâm. Ngược lại, một tâm thức si ám, xấu ác sẽ luôn thúc đẩy những tư tưởng, lời nói và việc làm gây tổn hại đến chính mình và người khác, kèm theo đó là một cuộc sống bất an, khổ đau luôn dằn vặt trong tâm hồn.
Như một nguồn nước chảy ra muôn dòng nước, nếu nguồn nước ấy bị nhiễm bẩn, mọi dòng nước cũng đều ô nhiễm không dùng được. Nếu nguồn nước được giữ cho trong sạch, thanh khiết, thì mọi dòng nước từ đó chảy ra đều sẽ là những dòng nước trong trẻo, mát lành. Cũng vậy, việc gìn giữ một tâm thức trong sáng, hiền thiện chính là cội nguồn chân thật để từ đó khởi sinh hết thảy mọi việc lành, và ngược lại thì tâm ô nhiễm sẽ là cội nguồn khởi sinh muôn việc xấu ác.
Xuất phát từ những nhận xét như trên, có thể thấy rằng mọi tư duy lập luận trong phạm vi khái niệm của chúng ta đều là tương đối, không hề tồn tại bất kỳ một giá trị tuyệt đối duy nhất bất biến nào. Vì thế, khi ta có sự tu dưỡng để vun bồi gìn giữ một cội nguồn bản tâm chân thật thì mọi lý lẽ cũng theo đó mà trở nên thuận hợp, đúng thật. Ngược lại, khi xuất phát từ một tâm thức xấu ác, nhiễm ô thì mọi lý lẽ dù có văn hoa uyên bác đến đâu chắc chắn cũng chỉ là những lập luận ngụy biện, được dùng để lấp liếm che đậy cho những ý đồ vốn khởi sinh từ tham lam, sân hận và si mê.
“Nguồn chân lẽ thật” được viết ra từ tâm nguyện chia sẻ một vài kinh nghiệm nhận thức nhỏ nhoi trong việc áp dụng những lời dạy của đức Phật vào việc tu tâm dưỡng tánh, và xem đó như là cội nguồn chân thật nhất để khởi sinh mọi thiện hạnh. Trong ý nghĩa đó, chúng ta sẽ không đi sâu vào sự biện giải đúng-sai, phải-trái… mà sẽ soi rọi vào tận cội nguồn khởi sinh của tất cả mọi quan điểm, nhận thức bằng ánh sáng của những lời Phật dạy để thấy được những gì bản thân ta cần phải nhận hiểu và thực hành. Từ đó, ta sẽ nhận ra một sự thật rất thường gặp là, ngay cả khi ta vận dụng những lời Phật dạy nhưng với một tâm thức không chân chánh, không trong sáng, thì chính những lời dạy đó sẽ rất dễ có nguy cơ bị nhận hiểu và vận dụng hoàn toàn sai lệch, trở thành lý lẽ ngụy biện cho những hành vi, tư tưởng và lời nói sai lầm của chúng ta.
“Nguồn chân lẽ thật” sẽ bàn đến một số những nhận thức cơ bản và quen thuộc nhất với mọi người Phật tử, nhưng cũng chính là những vấn đề thường dễ bị nhận hiểu sai lệch nhất. Hy vọng những chia sẻ chân thật này sẽ có thể mang lại được ít nhiều lợi ích cho những ai đang nỗ lực hoàn thiện bản thân mình.
Trân trọng!
Nguyên Minh