GIÁO KHOA PHẬT HỌC
Nguyên tác Hán ngữ của PHƯƠNG LUÂN cư sĩ
Cư sĩ HẠNH CƠ dịch và biên soạn bổ túc

CẤP MỘT

Bài 1
PHẬT

“Phật” là tiếng gọi tắt của “Phật-đà”, hoặc Phật-đồ, Phù-đồ, v.v…; tất cả những tiếng này đều là dịch âm từ tiếng Ấn-độ. Phật, nguyên là một trong mười danh hiệu của đức Như Lai1, có nghĩa là “bậc giác ngộ”. Chữ “giác”(1) lại có đủ hai nghĩa: giác sát và giác ngộ.

– Đối với những chướng ngại(2) về sự2, tức là tất cả mọi loại phiền não luôn luôn chực có cơ hội là xâm nhập vào người(3), chỉ có bậc chí thánh(4) mới thường xuyên tỉnh thức, soi xét, không để cho chúng có cơ hội quấy nhiễu, như thế gọi là “giác sát”.

– Đối với những chướng ngại về lí3(5), kẻ phàm phu si mê, chấp trước, điên đảo, chỉ có bậc chí thánh mới thấu suốt sáng tỏ, chiếu soi không sót, như thế gọi là “giác ngộ”.

Tất cả các bậc thánh đều thực hành đầy đủ hai ý nghĩa đó của tính “giác”, nhưng thực hành cho thật đến chỗ triệt để của tính “giác” thì chỉ có Phật. “Giác” lại có ba trình độ(6):

1. Những kiến hoặc(7) và tư hoặc4 ở trong ba cõi, cùng những trần sa hoặc5 và vô minh hoặc6 ở ngoài ba cõi(8), đều đoạn trừ sạch hết, gọi là “tự giác”.

2. Đem những chân lí tự mình đã giác ngộ mà giáo hóa cho người khác cùng được giác ngộ, gọi là “giác tha”.

3. Trình độ giác ngộ khi đã tiến đến chỗ viên mãn cứu cánh, gọi là “giác mãn”.

Người tu hành, khi vừa phá sạch những kiến, tư hoặc trong ba cõi7, không còn bị mê đắm trong hai thứ chướng ngại sự và lí ở ba cõi, người đó đã đạt được địa vị “tự giác” của tiểu thừa; đó là trường hợp các bậc A-la-hán8 của Thanh-văn thừa và Bích-chi Phật9 của Duyên-giác thừa. Từ chỗ “tự giác”, tiến xa hơn một bước nữa, trong thì ôm ấp chí nguyện tu hành thành Phật, ngoài thì thực hiện các hạnh bố thí làm lợi ích chúng sinh, dần dần phá trừ hết những thứ kiến, tư và trần sa hoặc ở trong lẫn ngoài ba cõi, người đó đã đạt được địa vị “tự giác và giác tha”; đó là trường hợp các bậc thánh của Bồ-tát thừa10. Khi quả vị Bồ-tát vừa mãn, lại phá trừ tận gốc nguyên phẩm vô minh hoặc11, lúc bấy giờ “đại giác” đã tròn, quả Phật đã thành tựu. Cho nên, Phật là bậc thánh có đầy đủ ba trình độ của tính “giác”: tự giác, giác tha, và giác mãn.

***

CHÚ THÍCH

1. Như Lai: là một trong mười danh hiệu của Phật. Theo con đường chân như đến thành chánh giác, đến trong ba cõi thương xót hóa độ chúng sinh, gọi là “Như Lai”.

2. Sự chướng: Các loại phiền não tham, sân, si v.v… làm cho dòng sinh tử nối tiếp mãi, ngăn trở con đường tiến đến niết bàn.

3. Lí chướng: Tà kiến luôn luôn che lấp chánh kiến, làm chướng ngại cho quả vị bồ đề.

4. Kiến tư hoặc: Mê muội trước các đối tượng, không tỏ rõ sự lí, gọi là “hoặc”. Mắc vào những kiến chấp hư vọng trong ba cõi (như thân kiến, biên kiến v.v…), gọi là “kiến hoặc” (tức là không thấy rõ lí mà sinh ra kiến chấp sai lầm). Mắc vào những vọng tình trong ba cõi (như tham, sân, si v.v…), gọi là “tư hoặc” (tức là không thấy rõ sự mà sinh ra các tâm niệm sai lầm).

5. Trần sa hoặc: Các vị Bồ-tát khi muốn giáo hóa người thì phải thông đạt thật nhiều pháp môn (nhiều như cát, như bụi); nhưng có nhiều vị Bồ-tát học lực chưa đủ, tâm tính còn mờ tối, không thông đạt nhiều pháp môn, khiến cho việc hành đạo bị trở ngại, gọi là “trần sa hoặc”.

6. Vô minh hoặc: Mê lầm đối với lí thể làm che lấp cái thật tướng trung đạo, đó là sai lầm thuộc về căn bản vô minh, cho nên gọi là “vô minh hoặc”.

7. Ba cõi: gồm cõi Dục, cõi Sắc, và cõi Vô-sắc. Phạm vi của cõi Dục bao gồm quả đất và 6 tầng trời cõi Dục (Lục Dục thiên), chúng sinh ở trong đó có sắc thân, có niệm tưởng, có dâm dục. Phạm vi của cõi Sắc bao gồm từ trời Sơ-thiền đến trời Tứ-thiền, chúng sinh trong đó có sắc thân, có niệm tưởng, nhưng không có dâm dục. Phạm vi của cõi Vô-sắc bao gồm 4 cõi trời Không (Tứ Không thiên), chúng sinh trong đó chỉ có niệm tưởng, không có sắc thân và sự dâm dục.

8. A-la-hán: là quả vị chứng đắc cao nhất của Thanh-văn thừa, có ba ý nghĩa: 1) Tận diệt giặc phiền não (sát tặc); 2) Đoạn trừ sạch mọi loại hoặc trong ba cõi, đạo cao đức trọng, xứng đáng nhận sự cúng dường của người và trời (ứng cúng); 3) Vĩnh viễn trụ ở cảnh giới niết bàn, chấm dứt sinh tử (bất sinh). Xin xem thêm bài 18.

9. Phật Bích-chi: là quả vị chứng đắc cao nhất của Duyên-giác thừa. Có hai trường hợp: – Trong thời kì có Phật tại thế giáo hóa, hành giả chuyên quán sát 12 nhân duyên mà ngộ đạo, gọi là bậc “Duyên-giác”; – Trong thời kì không có Phật tại thế giáo hóa, hành giả tự mình quán sát mối nhân duyên sinh diệt của các pháp mà được ngộ đạo, gọi là bậc “Độc-giác”. Xin xem thêm bài 19.

10. Bồ-tát: là tiếng gọi tắt của tiếng Bồ-đề-tát-đỏa. “Bồ-đề” nghĩa là “giác”; “tát-đỏa” nghĩa là “hữu tình”. Đó là những vị đã giác ngộ, rồi ra sức giáo hóa giúp cho người khác cũng được giác ngộ. Quí vị ấy cũng được gọi là Đại-sĩ, là tên gọi chung cho tất cả các hành giả đại thừa. Xin xem thêm bài số 7.

10. Nguyên phẩm vô minh: tức là căn bản vô minh, hoặc vô thỉ vô minh. Loại vô minh này cùng với chân như, đều có từ vô thỉ, là nguồn gốc sinh tử của tất cả chúng sinh. Nếu đoạn trừ được nó thì lập tức thành Phật.

 

PHỤ CHÚ

1. Chữ “giác” có nhiều ý nghĩa, từ thông thường đến đặc biệt:

a) Thông thường, chữ “giác” có nghĩa là “biết”. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, thân chạm xúc, v.v… thì chúng ta có cái biết gọi là “cảm giác”. Khi mắt thấy sắc, thân chạm xúc, v.v… mà có ý thức kèm theo giúp phân biệt để biết được cảnh vật là dài hay ngắn, lớn hay nhỏ, đen hay trắng, đẹp hay xấu, nóng hay lạnh, trơn hay nhám, mềm hay cứng, v.v… thì chúng ta có cái biết gọi là “tri giác”.

b) Theo Duy Thức Học, “giác” tức là tâm sở “tầm” (vitarka), một trong bốn tâm sở bất định (hối, miên, tầm, từ). Suy xét sự việc một cách sơ sài, nông cạn, đó là tác dụng của tâm sở “giác” (tầm); trong khi đó, suy xét sự việc một cách sâu sắc, kĩ càng là tác dụng của tâm sở “quán” (tức “từ” – vicara). Nhân vì tính chất của sự suy xét tìm cầu có tốt có xấu, cho nên “giác” cũng có “thiện giác” và “ác giác”.

c) Theo giáo lí đạo Phật, tất cả chúng sinh vốn sẵn có tính sáng suốt (giác) bản nhiên, nhưng từ vô thỉ đã bị vô minh che khuất, cứ mải say mê mộng huyễn mà thành ra mê lầm (bất giác), chìm đắm trong sinh tử. Nếu quyết tâm tu tập, diệt trừ sạch hết phiền não vô minh thì tính “giác” lại hiện ra, thoát vòng sinh tử, dứt nẻo luân hồi.

d) “Giác” tức là “giác ngộ”, dịch nghĩa của tiếng Phạn “bồ-đề”, nghĩa là trí tuệ sáng suốt cùng tột, thấu rõ mọi chân lí của vũ trụ, dứt tuyệt vô minh, không còn mê lầm. Phật là “bậc giác ngộ”, và chỉ có Phật mới đạt được sự giác ngộ trọn vẹn, tối thượng – gọi là “đại giác”; các hàng Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, tuy cũng là những bậc giác ngộ, nhưng sự giác ngộ ấy chưa được trọn vẹn như đức Phật.

2. Trong giáo lí đạo Phật, tất cả những gì làm cản trở người tu hành trên đường tiến tới giải thoát giác ngộ, đều được gọi là “chướng ngại” (nói tắt là “chướng”). Một cách tổng quát, có hai thứ chướng ngại (nhị chướng): chướng ngại của phiền não (phiền não chướng) và chướng ngại của kiến thức (sở tri chướng).

3. Nói rằng: “Tất cả mọi loại phiền não luôn luôn chực có cơ hội là xâm nhập vào người”, đó chỉ là một cách nói, giống như kẻ ăn trộm đứng rình phía bên ngoài, chực lúc người trong nhà ngủ mê là lẻn vào nhà lấy trộm. Thật ra, phiền não cũng như trí tuệ, tính ác cũng như tính thiện, tất cả đều vốn có sẵn trong bản thân ta (nói ngắn hạn là từ lúc ta mới là cái bào thai tượng hình trong bụng mẹ, mà nói dài hạn thì đã bao đời kiếp từ vô thỉ). Bản chất của phiền não là luôn luôn muốn trổi dậy, chực có cơ hội là vùng dậy quấy phá, làm cho ta điên đảo, chìm đắm. Nếu chúng vùng dậy được mà không bị dập tắt, chúng sẽ tiếp tục vùng dậy, hai lần, ba lần…, và rồi sẽ lớn mạnh, đẩy ta nhào luôn xuống vực thẳm ác đạo. Nếu chúng vùng dậy mà ta kịp thời dập tắt, hóa giải, hoặc luôn luôn tỉnh thức, coi chừng (tức sống trong chánh niệm), không để cho chúng có cơ hội vùng dậy, thì dần dần chúng sẽ tự biến thái, hoặc tiêu mất hẳn – như hạt giống không mọc mầm được thì sẽ bị hư thối đi, biến thành đất, phân, v.v… Vậy, công phu của sự tu tập là cố gắng sống trong chánh niệm, thường xuyên tỉnh thức, không để cho phiền não có cơ hội vùng dậy trong ta. Phiền não không dậy được thì trí tuệ tất phải sáng lên, dẫn ta tiến đến cánh cửa giải thoát giác ngộ.

4. Trong bài này tác giả có đề cập đến hai danh từ “thánh”“chí thánh”. Trong đạo Phật, danh từ “thánh” được dùng để tôn xưng các bậc đã chứng một quả vị nào đó trong hàng Thanh-văn, Duyên-giác hay Bồ-tát. Vua Tịnh Phạn, trưởng giả Cấp Cô Độc, v.v… là những bậc thánh; các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, La Hầu La, Kiều Đàm Di, v.v… là những bậc thánh; các đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, v.v… là những bậc thánh. Ngoài ra, có những vị mà người ta không thể biết được là có chứng được quả vị gì hay không, nhưng cứ trông vào các hành động tràn đầy uy dũng, từ bi, trí tuệ, cứu khốn phò nguy, hi sinh vì đạo, làm lợi ích chúng sinh, sống đời phạm hạnh giải thoát…, mọi người khởi tâm khâm phục, qui ngưỡng, tôn thờ, thân cận, thì cũng tôn xưng họ là thánh. Cư sĩ Duy Ma Cật thời Phật tại thế, chư Tổ đời xưa, hòa thượng Quảng Đức đời nay, v.v… là những bậc thánh đó. Các ngài chứng đắc quả vị gì thì con mắt phàm tục không thể nào thấy được, mà chính các ngài thì đâu có ai tự nói mình có chứng đắc! Những bậc thánh như vậy trong đạo Phật, đã không do “bề trên” nào phong cho cả, mà hoàn toàn do Phật tử tôn xưng bằng lương tri con người, bằng trí tuệ và đạo tâm thanh tịnh của người Phật tử. Và trên hết các bậc thánh ở trên, đức Phật được đặc biệt tôn xưng là bậc “chí thánh” (bậc thánh tối thượng, không ai hơn).

5. Trong bài này, tác giả có đề cập đến hai danh từ “sự”“lí”. Đó là hai thuật ngữ Phật học. Vạn pháp trong vũ trụ đều có hai mặt: mặt bản thể và mặt hiện tượng. Khi nói về mặt bản thể của pháp thì tức là nói về “lí”, và khi nói về mặt hiện tượng của pháp thì tức là nói về “sự”. Vậy “lí” tức là pháp vô vi, là lẽ thật, là không sinh không diệt; còn “sự” tức là pháp hữu vi, là hành động, sự việc, là biến chuyển, vô thường, nhân duyên, sinh diệt. Tác giả lại cũng dùng danh từ “lí chướng” (chướng ngại về mặt “lí”), muốn nói rằng, có những thứ chướng ngại làm ngăn trở người tu hành không phát triển được trí tuệ, đó là những kiến chấp sai lầm (như thân kiến, biên kiến, tà kiến, v.v…) đã che mất chánh kiến, khiến cho không thấy được thật tướng (bản thể) của vạn pháp, cho nên quả giác ngộ không thể nào đạt được. Mặt khác, danh từ “sự chướng” (chướng ngại về mặt “sự”) là chỉ cho những thứ chướng ngại đã làm cho chúng sinh phải lăn lộn mãi trong sinh tử luân hồi; đó là những phiền não tham, sân, si, v.v… làm cho chúng ta mải tham đắm, chạy theo mặt hiện tượng của vạn pháp mà gây ra biết bao lỗi lầm, nghiệp báo nối tiếp kiếp này sang kiếp nọ, không thể nào giải thoát để sống an lạc trong cảnh niết bàn tịch tịnh. Tóm tắt lại có thể nói: “Lí chướng” tức là “sở tri chướng”, cũng chính là “kiến hoặc”, chỉ cho nghi và ác kiến (tức năm thứ kiến chấp: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến), là 2 trong 6 loại phiền não căn bản; và “sự chướng” tức là “phiền não chướng”, cũng tức là “tư (tu) hoặc”, chỉ cho tham, sân, si, và mạn, 4 trong 6 loại phiền não căn bản. Lại nữa, kiến hoặc là những nhận thức sai lầm (thân kiến, tà kiến, nghi v.v…) chỉ sinh khởi trong đời sống hiện tại, do các tà sư hay tà giáo dẫn dắt không đúng đường, cho nên thuật ngữ Phật học còn gọi nó là “phân biệt khởi hoặc”; trong khi đó, tư hoặc là những sai lầm bẩm sinh, đã có từ nhiều kiếp, khi con người sinh ra thì nó cùng có mặt theo, cho nên thuật ngữ Phật học còn gọi nó là “câu sinh khởi hoặc”.

6. Giác ngộ mà cũng có trình độ sao? Vâng, có! Người căn cơ thấp kém, phải tu tập dần dà từ bước thấp đến bước cao, trải bao công phu chuyên cần, từ kiếp này sang kiếp khác, mới mong đạt đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Trong khi đó, người có căn cơ cao, có trí sáng lớn, tâm ý đã thuần thục, chỉ chờ một điểm khai thị đúng mức nào đó là “khuếch nhiên đại ngộ”. Như thế là có hai trình độ khác nhau trên con đường giác ngộ, mà thuật ngữ Phật học gọi là “tiệm ngộ”“đốn ngộ”. Đến như “tự giác”, “giác tha” và “giác mãn” được tác giả trình bày trong bài này, cũng cho chúng ta thấy rõ các trình độ của giác ngộ; theo đó, “tự giác” mới chỉ là bước đầu, nếu bằng lòng và dừng lại ở đó thì sự giác ngộ chưa hoàn toàn. Trong tinh thần đạo Phật, việc độ sinh là quan trọng; muốn vậy, người tu học Phật phải tích cực tiến lên bước thứ hai là “giác tha”. Muốn “giác tha” thì trước phải có đầy đủ bản lãnh của “tự giác”; cho nên, giữa “tự giác” và “giác tha” rõ ràng có một nấc thang đi lên, đó là thứ bậc, là trình độ. Và khi nào đã hoàn thành cả hai bước “tự giác” và “giác tha”, hành giả mới tiến được tới nấc cuối cùng, gọi là “giác mãn”, là thành quả giác ngộ trọn vẹn, cao tột, là địa vị Phật-đà. Tóm lại, khi tiến tới mức cuối cùng là quả vị “giác ngộ cao tột” thì tất cả đều không phân biệt, nhưng trước khi đến được mức độ đó, các hành giả đã phải trải qua nhiều trình độ tu chứng tùy theo căn cơ của từng vị. Bởi vậy, thành quả giác ngộ của Phật, của chư vị Bồ-tát, của các bậc Thanh-văn, Duyên-giác đều không giống nhau.

7. “Hoặc” nghĩa là sai lầm, là một tên gọi khác của “phiền não”. Vì phiền não làm cho chúng sinh chìm đắm mãi trong dòng sông sinh tử, không giải thoát giác ngộ được, nên gọi là “hoặc”. “Hoặc” rất khó đoạn trừ được tận gốc rễ, dù là các bậc A-la-hán, Phật Bích-chi, hay Bồ-tát, vẫn còn ẩn tàng những “vi tế hoặc” (mà trong bài này tác giả gọi là “nguyên phẩm vô minh”). Chỉ có Phật là đoạn sạch, hoàn toàn thanh tịnh.

8. Chữ “giới” (trong thuật ngữ “tam giới”) trong đạo Phật có nhiều ý nghĩa đặc biệt: 1) “Giới” nghĩa là khác biệt. Mọi sự vật trong vũ trụ đều khác biệt nhau, không lẫn lộn. 2) “Giới” nghĩa là tánh. Mọi sự vật trong vũ trụ đều vốn có thể tánh. 3) “Giới” nghĩa là nguyên nhân. Mọi sự vật trong vũ trụ, cái này là nguyên nhân sinh ra cái kia, cái kia là nguyên nhân sinh ra cái này. 4) “Giới” nghĩa là giống loại. Mọi sự vật trong vũ trụ đều có giống loại riêng. 5) “Giới” nghĩa là gìn giữ. Mọi sự vật trong vũ trụ đều tự gìn giữ tướng trạng riêng của chính nó. Vì có các ý nghĩa trên, “giới” cũng được gọi là “pháp giới”. – Trong bài này tác giả có dùng các từ “giới nội” và “giới ngoại”. “Giới nội” nghĩa là ở trong phạm vi ba cõi (cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc); “giới ngoại” là các quốc độ ở ngoài ba cõi, tức là các quốc độ của chư Phật và Bồ-tát.

 

BÀI TẬP 

1) Sao gọi là “Phật”?

“Phật” là tiếng gọi tắt của tiếng “Phật-đà” hay “Phật-đồ” (phiên âm từ tiếng Ấnđộ), một trong mười hiệu của đức Như Lai, có nghĩa là “bậc giác ngộ”.

2) Sao gọi là “Như Lai”?

“Như Lai” là một trong mười hiệu của đức Phật, có nghĩa là nương theo thật tánh chân như mà đến ba cõi để thành chánh giác và hóa độ chúng sinh.

3) Ý nghĩa của “giác sát” và “giác ngộ” là gì? Có gì khác nhau giữa hai từ này không?

“Giác sát” nghĩa là thường xuyên tỉnh thức, soi xét, không để cho các loại phiền não có cơ hội sinh khởi. “Giác ngộ” nghĩa là dứt trừ được các kiến chấp sai lầm, màn vô minh đã bị quét sạch, trí tuệ sáng tỏ, thấu rõ thật tướng của vạn pháp. Như vậy, “giác sát” và “giác ngộ” tuy đều nói lên bản chất của tính GIÁC, nhưng về ý nghĩa và dụng công tu tập thì chúng có khác nhau; nói khác đi, đó là hai phương diện, hay hai điều kiện tu tập để làm nên tính GIÁC: một mặt thì dứt trừ “phiền não chướng” để đạt đến chỗ hoàn toàn tịch tịnh, một mặt thì chuyển hóa “sở tri chướng” để trí tuệ phát huy đến mức sáng suốt tột cùng.

4) Thế nào là “tự giác”, “giác tha”, và “giác mãn”?

Tự mình đoạn trừ sạch hết các kiến hoặc và tư hoặc, tuệ giác bừng sáng, vượt khỏi ba cõi, thoát vòng sinh tử luân hồi, gọi là “tự giác”; các bậc Thanh-văn thừa và Duyên-giác thừa thuộc về loại này. Sau khi đã được “tự giác”, đem khả năng và ý chí để giáo hóa, giúp đỡ mọi người cùng được giác ngộ, vượt thoát sinh tử, gọi là “giác tha”; các hành giả Bồ-tát thừa thuộc về loại này. Tuy đã được “tự giác” và đang thực hành “giác tha”, nhưng hàng Bồ-tát vẫn còn trần sa hoặc và căn bản vô minh hoặc cần phải đoạn trừ, cho nên quả vị giác ngộ vẫn chưa được trọn vẹn. Cho đến khi vị Bồ-tát đoạn trừ sạch hết gốc rễ của vô minh thì sự giác ngộ liền trọn vẹn, tuệ giác bao trùm trong ngoài ba cõi, hạnh nguyện thành tựu, chứng quả vô thượng bồ đề; đó là địa vị của một đức Phật. Cho nên, chỉ có Phật mới là bậc “giác mãn”, hay “đại giác”.

5) Ba cõi là gì?

Ba cõi là vòng sinh tử mà mọi loài chúng sinh mãi mãi sống quanh quẩn ở trong đó, gồm có cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc. Chúng sinh trong cõi Dục có sắc thân, có niệm tưởng, có ham muốn và dâm dục. Phạm vi cõi Dục bao gồm sáu tầng Trời cõi Dục (Lục Dục thiên), loài Người, loài A-tu-la, và các loài Ngạ-quỉ, Súc-sinh, Địa-ngục. Cõi Sắc gồm bốn cõi trời từ Sơ-thiền đến Tứ-thiền; chúng sinh ở đó có sắc thân, có niệm tưởng, nhưng không còn có ham muốn và dâm dục. Cõi Vô-sắc bao gồm bốn cõi trời Không, chúng sinh trong đó chỉ thuần có niệm tưởng, không có sắc thân, ham muốn và dâm dục.

6) Nêu một tên khác của “nguyên phẩm vô minh” và nói về tính chất của nó.

“Nguyên phẩm vô minh” cũng gọi là “căn bản vô minh” hay “vô thỉ vô minh”. Nó cùng có với chân như từ vô thỉ, và là nguồn gốc sinh tử của mọi loài chúng sinh. Nó vô cùng vi tế, rất khó nhận biết, nên thật khó đoạn trừ. Cho nên, một khi đoạn trừ được nó thì tức khắc thành Phật.