BÁT NHÃ TÂM KINH (I)

Tâm trí huệ thinh thinh rộng lớn,
Sáng trong ngần chẳng bợn mảy trần
Làu làu một tánh thiên chân,
Bao trùm muôn loại chẳng phân Thánh phàm.
Vận tâm ấy lặng trong sáng suốt,
Cõi bờ kia một bước đến nơi,
Trải lòng tròn đủ xưa nay,
Công thành quả chứng tỏ bày đích đang.
Hàng Bồ Tát danh Quan Tự Tại,
Khi tham thiền vô ngại đến trong,
Thẩm vào trí tuệ mở thông,
Soi thấy năm uẩn đều không có gì,
Ðộ tất cả không chi khổ ách,
Trong thức tâm hiện cảnh sắc ra,
Sắc, Không chung ở một nhà,
Không chẳng khác Sắc, Sắc nào khác không,
Ấy Sắc tướng cũng đồng Không tướng,
Không tướng y như tượng Sắc kia,
Thọ, Tưởng, Hành, Thức, phân chia,
Cũng lại như vậy, tổng về chân không.
Tòa sắc tướng nhơn ông tạm đó,
Các pháp kia tướng nọ luống trơn,
Chẳng sanh chẳng dứt thường chơn,
Chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng sờn, chẳng thêm,
Cớ ấy nên cõi trên không giới,
Thể làu làu vô ngại thường chân,
Vốn không ngũ uẩn ấm thân,
Sáu căn chẳng có sáu trần cũng không.
Thấy rỗng không mà không nhãn giới,
Biết hoàn toàn thức giới cũng không,
Tánh không sáng suốt đại đồng,
Vô minh chẳng có mựa hòng hết chi,
Vẫn không có thân gì già chết,
Huống chi là hết chết già sao ?
Tứ đế cũng chẳng có nào,
Không chi là trí có nào đắc chi.
Do vô sở đắc ly tất cả,
Nhơn pháp kia đều xả nhị không,
Vận lòng trí huệ linh thông,
Bờ kia mau đến tâm không ngại gì.
Không quái ngại có chi khủng bố ?
Tức xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Tâm không rốt ráo chư duyên,
Niết bàn quả chứng chơn nguyên hoàn toàn.
Tam thế Phật, y đàng Bát nhã,
Ðáo Bồ đề chứng quả chánh nhơn,
Cho hay Bát nhã là hơn,
Pháp môn tối thắng cõi chơn mau về.
Thiệt thần chú linh tri đại lực,
Thiệt thần chú đúng bực quang minh,
Ấy chú tối thượng oai linh,
Ấy chú vô đẳng thinh thinh oai thần.
Trừ tất cả nguyên nhân các khổ,
Thức tỉnh lòng giác ngộ vô sư,
Thiên nhiên chơn thiệt bất hư,
Án lam Thần chú Chơn như thuyết rằng:
“Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế,
Bồ đề tát bà ha”.(3 lần)

– Bản dịch của Tổ Huệ Ðăng – Chùa Thiên Thai Bà Rịa – Trích từ Kinh Tam Bảo Diễn nghĩa – Tổ đình Thiên Thai ấn hành 1967.

BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA TÂM KINH (II)

Ðức Bồ-tát hiệu Quan Tự Tại,
Dầy công tu huệ mới mở mang,
Chơn như một ánh linh quang,
Chiếu soi năm uẩn đều không có gì.
Bát nhã huệ soi đi khắp chốn,
Dứt mọi đường khổ khốn tai nàn,
Xá Lợi tâm chớ nghi nan,
Sắc kia nào khác cái không đâu mà.
Cái không nọ nào xa cái sắc,
Sắc là không, không sắc như nhau,
Thọ, tưởng, hành, thức khác đâu,
Chơn không xét cũng một màu thế thôi.
Này Xá Lợi nghĩ coi có phải,
Những pháp không xét lại thực là,
Chẳng danh chẳng dứt đó mà,
Sạch dơ thêm bớt cũng là chơn không.
Ấy vậy phải xét thông mọi lẽ,
Như hư không có vẻ gì đâu,
Thọ, tưởng, hành, thức sạch lầu,
Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt còn đâu nương nhờ.
Thân, ý cũng hững hờ như thế,
Lục trần kia cũng kể là không,
Ðã không nhãn giới suốt thông,
Ðến ý, thức, giới cũng không thấy gì.
Vô vô minh nương chi mà có,
Bổn tánh Ngài soi nó phải tiêu,
Ðã không lão tử hiểm nghèo,
Còn đâu già chết hòng theo quấy rầy.
Khổ tập, diệt đạo không thay,
Trí còn chẳng có đắc đầy được đâu,
Vô sở đắc là câu tuyệt diệu,
Bồ-tát xưa khéo liệu đường tu.
Chơn không bổn tánh như như,
Nhờ huệ Bát nhã thiệt hư soi lầu,
Không ngăn ngại còn đâu lo sợ,
Mộng tưởng không tâm chẳng đảo điên.
Chơn như bổn tánh thiên nhiên,
Niết-bàn cõi ấy chứng lên đạo mầu.
Tam thế Phật ngôi cao chứng quả,
Thảy đều nhờ Bát nhã tu nên,
Bát nhã này rất thiêng liêng,
Ấy đại thần chú giúp nên đạo thiền.
Ấy thần chú đại miêng sáng chói,
Chú vô thượng vòi vọi cao xa,
Vô đẳng đẳng chú ấy mà,
Gồm đủ thần lực thiệt là tối linh,
Những khổ não thênh thênh trừ hết,
Lời nói này chơn thiệt chẳng ngoa,
Vậy nên Bát nhã thuyết qua,
Này câu thần chú niệm ra như vầy:
Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la Tăng yết đế, Bồ-đề tát bà ha (3 lần)

-Trích Kinh Nhật Tụng, chùa Hoằng Pháp xb. Sàigòn, 1971

BÁT NHÃ TÂM KINH

Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,
Bát Nhã ba la mật sáng ngời ;
Bấy giờ Bồ Tát quán soi,
Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không.
Ðộ tất cả qua vòng khổ ách,
Hãy nghe này, Xá Lợi Phất ông !
Sắc nào có khác gì không,
Không nào khác sắc, sắc không
vốn đồng.
Cả thọ tưởng thức hành cũng thế,
Tánh chân không các pháp viên thành ;
Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,
Chẳng nhơ chẳng sạch chẳng tăng giảm gì.
Trong chân không chẳng hề có sắc,
Chẳng thọ, hành, tưởng, thức trong không,
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn.
Không nhãn thức đến không ý thức,
Không vô minh hoặc hết vô minh,
Không điều già chết chúng sanh,
Hết già hết chết thực tình cũng không.
Không trí tuệ cũng không chứng đắc ;
Bởi có gì là chỗ đắc đâu,
Bấy lâu Bồ Tát dựa vào,
Ba la mật ấy, đi sâu thực hành.
Mọi chướng ngại, quanh minh tan biến,
Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh ;
Xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Niết bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn.
Ba la mật rõ ràng trí tuệ,
Mà ba đời chư Phật nương qua ;
Bồ đề vô thượng chứng ra,
Nên coi Bát Nhã ba la mật là :
Lời thần chú sâu xa bậc nhất,
Lời chú thần rất mực quang minh ;
Chú thần cao cả anh linh,
Là lời thần chú thực tình cao siêu.
Trừ dứt được mọi điều đau khổ,
Ðúng như vầy, muôn thuở không sai ;
Ngài liền đọc lại chú này,
Ðể người trì niệm sáng bày chân tâm :
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha. (3lần)

BÁT NHÃ TÂM KINH (IV)

Khi hành Bát nhã Ba la
Ngài Quan Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Nầy Xá lợi tử xét ra
Không là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc, cũng sánh tày như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào
Cũng như sắc uẩn, một màu không không
Này Xá lợi tử ghi lòng
Không không tướng ấy đều không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái chơn không
Vốn không năm uẩn cũng không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Ðến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh cũng vẫn không
Hết già, hết chết, giả không có gì
Không khổ, tập, diệt, đạo kia
Trí tuệ chứng đắc cũng là không không
Sở thành sở đắc bởi không
Các vì Bồ tát nương tòng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băn khoăn sợ gì
Ðảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết bàn mới đến bên kia bến bờ
Ba đời chư Phật sau xưa
Ðắc thành chánh giác đã nhờ tuệ năng
Trí tuệ năng lực vô ngần
Ðại minh vô thượng, đại thần cao siêu
Trí tuệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí tuệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng
Ðộ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.

KINH TINH YẾU
BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA (V)

Bồ Tát Quán Tự Tại,
Khi quán chiếu thâm sâu,
Bát Nhã Ba La Mật,
Tức diệu pháp trí độ.
Ngài soi thấy năm uẩn,
Ðều không có tự tánh,
Thực chứng điều ấy xong,
Ngài vượt thoát tất cả,
Mọi khổ đau ách nạn.
– Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không,
Không chẳng khác gì sắc,
Sắc chính thực là không,
Không chính thực là sắc.
Còn lại bốn uẩn kia,
Cũng đều như vậy cả.

– Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không,
Không sanh cũng không diệt,
Không nhơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không,
Không có sắc, thọ, tưởng,
Cũng không có hành, thức.
Không có nhãn, nhỉ, tỷ,
Thiệt, thân, ý – sáu căn.
Không có sắc, thanh, hương,
Vị, xúc, pháp – sáu trần,
Không có mười tám giới,
Từ nhãn đến ý thức,
Không hề có vô minh.
Không có hết vô minh,
Cho đến không lão, tử,
Không khổ, tập, diệt, đạo,
Không trí cũng không đắc.
Vì không có sở đắc,
Nên khi vị Bồ Tát,
Nương diệu pháp Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật,
Thì tâm không chướng ngại.
Nên không có sợ hãi,
Xa lìa mọi mộng tưởng,
Xa lìa mọi điên đảo,
Ðại Niết Bàn tuyệt đối.

– Chư Phật trong ba đời,
Y diệu pháp Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật,
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng,
Bát Nhã Ba La Mật,
Là linh chú đại thần,
Là linh chú đại minh,
Là linh chú vô thượng,
Là linh chú tuyệt đỉnh,
Là chân lý bất vọng,
Có năng lực tiêu trừ,
Tất cả mọi khổ nạn.
Cho nên tôi muốn thuyết,
Câu thần chú Trí Ðộ,
Bát Nhã Ba La Mật.

– Nói xong đức Bồ Tát,
Liền đọc thần chú rằng:
Yết đế, yết đế
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha (3 lần).

– Trích trong “Nghi thức tụng niệm đại toàn” của đạo tràng Mai Thôn xuất bản – Bản in Pháp quốc, 1997.
– Có sửa đổi vài từ cho phù hợp với việc phổ biến tụng niệm phổ thông ở Việt Nam (Người soạn).