Ý nghĩa của trí tuệ trong Phật giáo
HOANG PHONG

(Trích Phật Học Từ Quang Tập 2,3, 4)

        “Trí tuệ” là một thuật ngữ Phật giáo thường bị lạm dụng và hiểu sai. Trí tuệ giữ một vai trò như thế nào trong giáo lý nhà Phật? Vị trí của nó ở đâu và tầm quan trọng của nó như thế nào đối với các tông phái và học phái Phật giáo? Sự tương quan giữa Tu tập và Trí tuệ như thế nào? Thiết nghĩ chúng ta cũng nên dành chút thì giờ tìm hiểu ý nghĩa của Trí tuệ trong Đạo Pháp. Bài viết này sẽ cố gắng mang lại một phần nào những lời giải đáp cho các câu hỏi trên đây.

        Trí tuệ trên phương diện thuật ngữ

        Chữ “Trí tuệ” hay “Tuệ giác” thì tiếng Phạn gọi là Jnana (Xá-na), tiếng Pali là Nana, tiếng Tây tạng là Yé shes, tiếng Nhật là Shi (Trí), tiếng Hán là Xingshi hay là Shi (dịch sang Hán Việt là Trí tuệ hay Trí). Mạn phép được dài dòng như trên đây vì tính cách quan trọng của từ này trong giáo lý nhà Phật. Chữ Jnana trong tiếng Phạn có nghĩa là “sự hiểu biết”, chữ Yé shes trong tiếng Tây tạng có nghĩa là “sự hiểu biết chủ yếu” (shes là hiểu biết, yé là chủ yếu). Các ngôn ngữ Tây phương dịch chữ Jnana là Sagesse (tiếng Pháp) hoặc Wisdom (tiếng Anh), hai từ này hoàn toàn không diễn tả được ý nghĩa của chữ Trí tuệ. Đối với các hiện tượng vật chất và tinh thần nói chung thì các ngôn ngữ Tây phương rất phong phú và chính xác, nhưng trong các trường hợp phải đối đầu với các vấn đề siêu hình hay tâm linh, tức là thuộc vào lãnh vực phi-vật-chất, thì người Tây phương thường hay bị lúng túng vì thiếu chữ. Trong phân đoạn dưới đây chúng ta sẽ giải thích tại sao các chữ Sagesse và Wisdom không phản ảnh được ý nghĩa của chữ Trí tuệ.

        Cụ Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ điển có đề nghị dịch chữ Trí tuệ là “Science”. Dịch như thế có vẻ sát nghĩa hơn vì chữ science có gốc tiếng La tinh là scientia, chữ scientia do chữ scire mà ra, và chữ scire có nghĩa là “hiểu biết”. Nói chung thì chữ science (mà người ta thường dịch là khoa học) có nghĩa là một “hệ thống hiểu biết mạch lạc liên quan đến các sự kiện, các vật thể hay biến cố chịu chung một số quy luật nào đó mà người ta có thể kiểm chứng được bằng các phương pháp thực nghiệm”. Theo cách định nghĩa ấy thì nếu dùng chữ Science để dịch chữ Trí tuệ thì có vẻ đúng hơn là các chữ Sagesse hay Wisdom. Tuy nhiên người Tây phương đã quen dùng các chữ Sagesse và Wisdom để dịch chữ Jnana.

        Trí tuệ còn gọi là Tuệ hay Trí huệ. Trí là quán thấy, huệ là hiểu rõ. Trên phương diện tổng quát Trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết minh bạch và tường tận, và nếu dựa theo cách định nghĩa đó thì Trí tuệ cũng không khác với trí thông minh bao nhiêu. Tuy nhiên theo quan điểm Phật giáo thì Trí tuệ hoàn toàn khác với trí thông minh thông thường, sự khác biệt đó sẽ được trình bày chi tiết trong các phân đoạn dưới đây. Theo quan điểm của Phật giáo thì Trí tuệ có nhiều cầp bậc từ thấp đến cao, và trong một cấp bậc nào đó hoặc trong một số trường hợp nào đó Trí tuệ còn được gọi là Bát-nhã (tiếng phạn là Prajna, tiếng Pali là Panna, tiếng Tây tạng là Shes rab, tiếng Hán là Ban rao, tiếng Nhật là Hannya). Đối với chữ Bát-nhã thì người Tây phương không dịch nữa mà giữ nguyên gốc tiếng Phạn là Prajna.

        Một vài đặc tính của trí thông minh

        Như chúng ta đã thấy thì ngôn từ hay thuật ngữ chỉ là những quy ước giúp vào việc trao đổi sự hiểu biết với nhau. Sự hiểu biết hay khả năng cảm nhận và diễn đạt của mỗi cá thể con người trước những hiện tượng thuộc môi trường chung quanh được gọi là “trí thông minh”, và tất cả mọi người đều có cái trí thông minh như thế. Tuy nhiên vì trí thông minh phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác đối với ngoại cảnh và lệ thuộc vào các điều kiện giáo dục cho nên trí thông minh rất khác biệt nhau giữa các cá thể con người. Đối với Phật giáo thì sự khác biệt ấy còn bắt nguồn sâu xa hơn nữa vì Phật giáo xem tri thức cũng là một giác quan cảm nhận, do đó trí thông minh không những chỉ phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác như người ta thường hiểu mà còn có sự tham gia của tri thức. Tri thức lại thừa hưởng những gì thật sâu xa trong quá khứ và ảnh hưởng trực tiếp đến sự cảm nhận cũng như sự diễn đạt của một cá thể trước các hiện tượng. Theo Phật giáo thì tri thức, ngoài những kinh nghiệm cảm nhận thu góp được trong hiện tại còn thừa hưởng thêm kết quả của nghiệp trong quá khứ, và những thừa hưởng ấy giữ một vai trò chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của tri thức nơi mỗi cá thể. Đó là cách mà Phật giáo giải thích sự khác biệt và đa dạng của trí thông minh giữa những cá thể với nhau.

        Đến đây cũng xin phép được trở lại vấn đề thuật ngữ. Trí tuệ trong tiếng Phạn gọi là Jnana, tiếng Hy lạp cổ mượn vần jna của tiếng Phạn jnana để tạo ra chữ gno, chữ gno lại biến thành “gnose” trong tiếng Pháp và “gnosis” trong tiếng Anh. Các chữ gno, gnose hay gnosis đều có nghĩa là “sự hiểu biết”. Tóm lại sự hiểu biết hay trí thông minh nói chung là sự cảm nhận và cách diễn đạt đặc thù của con người trước những hiện tượng xảy ra chung quanh. Sở dĩ gọi là đặc thù vì trí thông minh đó không giống với trí “thông minh” của súc vật. Hãy lấy một thí dụ, trong mùa thu vừa qua khi tôi đang cuốc đất trong vườn thì có một người Pháp lớn tuổi đi ngang và bảo rằng khi nào tôi thấy những con trùn (giun đất) chui xuống những lớp đất thật sâu thì mùa đông sắp tới sẽ rất lạnh. Khoa học không hoặc chưa chứng minh được những sự kiện như thế (?), tuy nhiên nếu đấy là một sự thực thì ngay cả loài côn trùng cũng có một thứ thông minh nào đó.

        Trí thông minh của con người có phần khác hơn. Thay vì sử dụng trí thông minh của mình để hội nhập với thiên nhiên thì con người lại dùng nó để để tác tạo ra một “cái tôi” cho mỗi cá thể và để tự tách rời mình ra khỏi môi sinh. Kết quả là mỗi cá thể tự tạo ra một thế giới riêng cho mình và đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm. Đấng sáng tạo cũng chỉ xoay quanh cái tôi ấy, dù cho vị trí của Vị ấy được đưa lên mây xanh cũng thế thôi. Ngoài sự sáng tạo ra một thế giới riêng trong tâm thức, con người còn sử dụng trí thông minh của mình để hủy hoại thiên nhiên và chế tạo khí giới có sức tàn phá lớn lao. Sức sáng tạo của trí thông minh là nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp của mọi khổ đau, con người chẳng những không ý thức được điều này mà còn xem đấy là một niềm hãnh diện nữa. Trí thông minh theo ý nghĩa vừa được mô tả không phải là Trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

        Trí tuệ Phật giáo có phải là một cách xử thế hay không?

        Trong các thời kỳ cổ đại, những hiện tượng và biến cố thiên nhiên, chẳng hạn như sự xoay vần của mặt trời, đêm tối, sấm chớp, chết chóc, thiên tai… làm phát sinh và nhen nhúm trong đầu người tiền sử một chút ý niệm nào đó về tôn giáo. Khi xã hội được hình thành thì trước những cảnh khó khăn của sự sống, con người dần dần ý thức được sự cần thiết của một hệ thống đạo đức nào đó hầu giúp tránh bớt những phiền toái trong nếp sống tập thể. Nếu tôn giáo tượng trưng cho một thứ xúc cảm hướng vào một sức mạnh cứu rỗi từ bên ngoài thì các nền đạo đức lại dựa vào một số nguyên tắc thuộc lãnh vực lý trí cũng như những kinh nghiệm thực tiễn. Phật giáo không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa trên đây và cũng không phải là một hệ thống đạo đức nhắm vào việc kiến tạo một trật tự xã hội. Trí tuệ theo ý nghĩa Phật giáo không giữ một vai trò nào trong cả hai trường hợp vừa kể.

        Vì Trí tuệ là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với các quan niệm về tôn giáo và đạo đức trên đây nên chữ Trí tuệ trong giáo lý nhà Phật thuờng được dịch một cách sai lầm sang các ngôn ngữ Tây phương là Sagesse hay Wisdom. Trí tuệ Phật giáo là một khả năng, một phẩm tính của tâm thức, trong khi đó các chữ Sagesse hay Wisdom chỉ có nghĩa là cách xử thế đúng mực, sự khôn ngoan và thận trọng, tóm lại là một hình thức khéo léo hay đạo đức nào đó giúp cho con người thích nghi với xã hội và thiên nhiên. Nếu kê khai ra hết các hệ thống đạo đức của các triết gia cổ đại Hy lạp, Ấn độ, Trung quốc…cho đến các nền “tư tưởng đạo đức” và các “chủ thuyết xã hội” của các triết gia cận đại thì sẽ bất tận, không biết bao nhiêu giấy mực cho đủ. Tất cả những thứ ấy không phải và cũng không tương đương với Trí tuệ Phật giáo.

        Thật ra thì Trí tuệ cũng chỉ là một hình thức hay thành phần của trí thông minh, nói một cách khác thì đấy cũng là một sự hiểu biết, nhưng là một sự hiểu biết chuyên biệt, được định hướng rõ rệt, nhờ vào sự rèn luyện và tu tập mà có. Trí thông minh nói chung hàm chứa một sức mạnh và một tiềm năng bộc phát, tỏa rộng ra khắp hướng và thích ứng với mọi môi trường giống như cây rừng và cỏ dại, trong khi đó Trí tuệ là hoa thơm và quả ngọt.

        Định nghĩa của Trí tuệ theo giáo lý nhà Phật

        Chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa trí thông minh và Trí tuệ trên phương diện tổng quát và giờ đây hãy thử phân tích chi tiết hơn về ý nghĩa của Trí tuệ trong Phật giáo. Trí tuệ Phật giáo được định nghĩa là một khả năng nhận thức căn bản, gắn liền với dòng tiếp nối liên tục của tâm thức, bản chất của nó là trống không, trong sáng và rạng ngời. Trí tuệ còn được định nghĩa như là một khả năng nhận thức giúp “nhìn thấy”hay quán nhận được bản thể đích thực và tối hậu của mọi hiện tượng. Trí tuệ theo các định nghĩa trên đây còn được gọi là Trí tuệ thực hiện được tất cả (tout-accomplissant) hay Trí tuệ toàn năng (omniscience) hoặc Trí tuệ của Phật (tiếng Phạn: Buddhajnana).

        Đối với Nam tông, Trí tuệ được định nghĩa như là một sự hiểu biết căn bản và chủ yếu mang tính cách minh bạch và đúng đắn gọi là “Chính kiến” (tiếng Pali: Samma-ditthi), tức là “con đường” thứ nhất trong Bát chính đạo. Đối với Đại thừa Phật giáo thì khái niệm “Trí tuệ” được khai triển phức tạp hơn. Riêng với Phật giáo Tây tạng thì chữ Jnana (Trí tuệ) được dịch là Yé shes có nghĩa là “Sự hiểu biết chủ yếu”.

        Trí tuệ (Jnana) hoàn toàn khác biệt với trí thông minh thông thường (vijnana) trên phương diện bản chất cũng như đối tượng. Trí tuệ mang bản chất trong sáng và trống không, trong khi đó trí thông minh là thành phần của tri thức tức là một thứ cấu hợp thuộc vào một trong năm thứ cấu hợp gọi là ngũ uẩn tạo ra cá thể con người. Ta thử chọn một vài hình ảnh đơn giản để so sánh giữa trí thông minh và trí tuệ. Thí dụ ta lạc vào một khu rừng hoang không lối đi, trong rừng có chim muông hót vang nhưng cũng có hùm beo, rắn rết. Ta vạch cành lá để tìm đường, và một lúc nào đó ta bỗng trông thấy một con đường mòn. Ta lần theo con đường mòn đó mà đi tiếp, một chập sau thì ra khỏi khu rừng, trước mặt hiện ra các thửa ruộng vuông vắn, những khu vườn cây trái, những con đê thẳng tắp, cảnh vật chan hòa ánh nắng, những áng mây trắng nhẹ trôi dưới bầu trời trong vắt. Khu rừng hoang không lối thoát nhưng căng tràn sức sống tượng trưng cho trí thông minh, con đường mòn là sự tu tập, quang cảnh những thửa ruộng, những khu vườn ngập nắng và bầu trời trong trẻo tượng trưng cho Trí tuệ.

        Các khái niệm về Trí tuệ trong Đại thừa

        Như đã được trình bày trên đây, kinh sách Nam tông gọi Trí tuệ là Chính kiến, tức là con đường tu tập thứ nhất trong Bát chính đạo, có lẽ như thế cũng khá rõ ràng không cần phải giải thích dông dài thêm. Đối với Bắc tông, nhất là học phái Duy thức tông (Vijnanavadin) và theo như các tập luận Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahayanasutralankara), Phật địa kinh luận (Buddhabhumisastra)…, thì Trí tuệ gồm có bốn sắc thái khác nhau.

        1- Đại viên kính trí (adarsa-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ giống như một tấm gương): chỉ định thể dạng hiểu biết phi lý luận của Trí tuệ, không còn phân biệt chủ thể và đối tượng nữa, có nghĩa là không còn một ý nghĩ nào liên quan đến chủ thể nhận biết cũng không có một ý nghĩ nào liên quan đến đối tượng được nhận biết. Trí tuệ ấy cảm nhận trực tiếp được cả hai bản chất tương đối và tuyệt đối của mọi hiện tượng một cách chính xác, đúng như thế, không kèm thêm bất cứ một sự diễn đạt nào của tâm thức. Cũng nên giải thích thêm là bản chất tương đối của một hiện tượng là tính cách lệ thuộc, biến động và vô thường, bản chất tuyệt đối của nó là Tánh không. Trí tuệ là một căn bản hay cơ sở hiểu biết tuyệt đối, trong sáng, tinh khiết và hoàn hảo, không bị hoen ố hay ô nhiễm bởi bất cứ một bóng dáng nào của dục vọng hay si mê. Vì thế mà loại Trí tuệ như vừa mô tả trên đây được tượng trưng bằng một tấm gương lớn phản ảnh một cách trung thực và trong sáng tất cả mọi hiện tượng đúng với bản chất của chúng.

        Kinh sách còn cho biết là thể dạng này của Trí tuệ chỉ có thể đạt được bằng thiền định, khi hành giả đạt được thức thứ tám là A-lại-da thức, tức là một thể dạng tương đương đạt được sau khi đã hoàn toàn thể hiện được thể dạng Định (samadhi) tức là cấp bậc thiền quán thứ tư.

        2- Bình đẳng tính trí (samata-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ bình đẳng): đó là khả năng cảm nhận và quán thấy tính chất bình đẳng của tất cả mọi chúng sinh trong tinh thần Đại từ bi (Mahakaruna). Trí tuệ bình đẳng có nghĩa là không còn phân biệt người thân kẻ lạ, một chúng sinh hiền lành với một chúng sinh hung dữ, tất cả đều khơi động trong ta một lòng từ bi ngang nhau, sự khác biệt chỉ tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh của từng chúng sinh mà thôi. Trí tuệ bình đẳng hiển lộ khi đạt được cấp bậc thiền quán thứ bảy, tức một thể dạng xóa bỏ được sự phân biệt giữa “cái tôi” và “người khác”. Tóm lại sự bình đẳng sẽ thể hiện giữa ta và chúng sinh cũng như giữa các chúng sinh với nhau.

        Khái niệm về Trí tuệ bình đẳng còn liên quan đến một khái niệm khác nữa là Thập địa (Dasabhumi), tượng trưng cho mười giai đoạn hay mười “mảnh đất” tu tập của người Bồ tát. Sở dĩ gọi là “mảnh đất” vì mỗi giai đoạn tu tập là một cơ sở tích lũy tất cả những phẩm tính của người Bồ tát liên quan đến giai đoạn đó. Mỗi mảnh đất tiêu biểu cho một cấp bậc Trí tuệ và một số phẩm tính liên hệ. Sự kết hợp giữa Trí tuệ và các phầm tính trong từng giai đoạn sẽ giúp người Bồ tát thăng tiến tuần tự từ mảnh đất thứ nhất đến mảnh đất thứ mười. Trong mảnh đất thứ nhất, người Bồ tát không còn chấp ngã tức là không còn bám vào cái tôi nữa, đồng thời quán thấy được thực chất của mọi hiện tượng, không còn câu nệ vào nghi thức lễ lạc, phát lộ được lòng từ bi không phân biệt. Tất cả những phẩm tính đó mang lại sự hân hoan vô biên trong lòng người Bồ tát và cũng tượng trưng cho Trí tuệ bình đẳng và không kỳ thị. Trí tuệ bình đẳng phát triển bắt đầu từ mảnh đất thứ nhất liên tục cho đến mảnh đất thứ mười. Cũng xin được ghi chú thêm là khái niệm Thập địa được rất nhiều kinh sách nói đến, nếu trình bày chi tiết thì sẽ rất dài dòng, có lẽ chỉ cần tóm lược một cách khái quát là người Bồ tát sẽ đạt được Trí tuệ hoàn hảo và siêu nhiên khi bước vào mảnh đất thứ mười. Nếu vượt qua hết mảnh đất thứ mười thì Trí tuệ của người Bồ tát sẽ giống như một tấm gương lớn.

        3- Diệu quan sát trí (pratyaveksana-jnana, kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ phán đoán hay suy xét): là Trí tuệ giúp phân định rành mạch các đặc tính nào cá biệt cho mỗi hiện tượng và các đặc tính nào đồng nhất cho tất cả mọi hiện tượng, chẳng hạn như hình tướng là đặc tính dị biệt hay cá biệt của một hiện tượng và vô thường là đặc tính chung của tất cả mọi hiện tượng. Trí tuệ phán đoán có hai sắc thái khác nhau: sắc thái thứ nhất là quán nhận được vô ngã của cái tôi, sắc thái thứ hai là quán nhận được vô ngã của mọi hiện tượng. Cũng xin được nhắc thêm là sự quán thấy vô ngã của cái tôi là quan điểm chung cho cả Nam Tông và Bắc tông, trong khi đó bản tính vô ngã của tất cả mọi hiện tượng tức là của tất cả mọi sự vật và mọi biến cố là chủ trương riêng của Đại thừa.

        Trí tuệ phán đoán thường được so sánh như một kho báu thu góp những gì đạo hạnh còn gọi là đà-la-ni (dharani), có nghĩa là “thâu nhiếp tất cả”, giống như một đám mây tưới xuống những cơn mưa Phật pháp. Trí tuệ phán đoán hiển hiện trong cấp bậc thiền quán hay tri thức thứ bảy. Đối với khái niệm về Thập địa thì Trí tuệ phán đoán phát hiện một cách ngắt quãng tức không liên tục bắt đầu từ mảnh đất thứ nhất đến thứ bảy, có thể hiểu đấy là những những hiểu biết trong sáng bộc phát và đột khởi “bất thần” suốt trên đường tu tập.

        4- Thành sở tác trí (krtyanusthana-jnana – kinh sách Tây phương dịch là Trí tuệ thực hiện được tất cả): là Trí tuệ thường xuyên hướng vào ước vọng mang lại sự an vui cho chúng sinh. Trí tuệ thực hiện được tất cả phát hiện và chuyển thành hành động để thực hiện được tất cả mọi sự mong muốn và thấu hiểu được tất cả những gì nên làm và cần phải làm. Trí tuệ thực hiện được tất cả biểu hiện cho Ứng thân (Nirmanakaya) của một vị Phật. Đấy là một loại Trí tuệ sẽ biến thành hành động vì thế nên có tính cách ngắt quãng. Trí tuệ thực hiện được tất cả sẽ đạt được khi cấu hợp tri thức liên quan đến năm giác cảm đã hoàn toàn được tinh khiết hóa, giúp cho người Bồ tát trở thành một vị Phật.
Trí tuệ trong cấp bậc Ứng thân Phật như vừa trình bày còn gọi là Trí tuệ toàn năng hay siêu nhiên, Trí tuệ này có hai thể dạng: thể dạng thứ nhất là quán nhận được hiện thực đúng như thế (suvisuddhadharmadhatu-jnana), tức là quán nhận được Tánh không của tất cả mọi hiện tượng, thể dạng thứ hai là thể dạng nắm bắt được hiện thực dù cho nó biểu hiện dưới bất cứ thể dạng nào cũng thế (yathavad vyavasthanapari-jnana).

        Riêng trong tập luận Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharmasamgraha) của Đại thừa thì ngoài bốn cấp bậc Trí tuệ trên đây còn mô tả thêm một sắc thái Trí tuệ nữa gọi là “Trí tuệ thuộc không gian của tất cả các hiện tượng (dharma) mang tích cách tích cực và đã được tinh khiết hóa” (suvisuddhadharmadhatu-jnana). Thể dạng quán nhận này được xếp vào cấp bậc thứ năm tức là cấp bậc cao hơn hết của Trí tuệ và gọi là Pháp giới trí (Dharmadhatu-jnana), tức là một cấp bậc Trí tuệ siêu việt và tối thượng, tương ứng với Pháp thân (Dharmakaya) của một vị Phật. Đối với Đại thừa nói chung thì muốn đạt được Trí tuệ tột cùng (cấp bậc bốn hay năm) để thành Phật thì phải mất “ba thời gian vô tận”, có nghĩa là 3×10*59 mahakalpa (mỗi mahakalpa là một đại kiếp, kalpa là một kiếp, mỗi kiếp tượng trưng cho một thời gian thật dài bao gồm cả bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của một thế giới). Cách trình bày hay cách “phóng đại” trên đây của kinh sách ngụ ý cho biết là việc tu tập sẽ kéo dài bất tận không biết bao giờ mới thành Phật, mục đích là tập cho người tu hành khi bước vào con đường Đại thừa phải thật kiên nhẫn, không bao giờ nên trông chờ hay nghĩ đến việc sẽ “thành Phật”. Tuy nhiên việc “phóng đại” này trên một khía cạnh nào đó cũng có thể làm cho một người tu tập bình thường mất hết tự tin nơi khả năng Trí tuệ của mình. Dầu sao đi nữa thì cũng phải hiểu rằng tu tập bất tận là lý tưởng của người Bồ tát và bên trong cái lý tưởng đó đã hiển hiện sẵn một cách kín đáo Trí tuệ của một vị Phật. Trong khi đó đối với Kim cương thừa thì một hành giả có thể thành Phật sau vài kiếp tu, hoặc cũng có thể thành Phật ngay trong kiếp sống này.

Năm thể dạng Trí tuệ theo Kim cương thừa

Kim cương thừa chia Trí tuệ thành năm thể dạng khác nhau và năm thể dạng đó đều nhất thiết hiện hữu nơi mỗi chúng sinh có giác cảm vì đó là biểu hiện của Như lai tạng (Tathagatagarbha). Tuy nhiên năm thể dạng ấy không thể hiển hiện và vận hành một cách toàn vẹn đối với các chúng sinh thông thường, mà chúng chỉ có thể phát hiện một cách sai lầm và u mê qua năm thể dạng của dục vọng như sau: 1) Vô minh và đần độn (ngược với Trí tuệ của Như lai tạng), 2) Giận dữ (ngược với Trí tuệ như tấm gương lớn), 3) Tự kiêu (ngược với Trí tuệ bình đẳng), 4) Tham lam và bám víu (ngược với Trí tuệ phán đoán), 5) Ganh ghét (ngược với Trí tuệ thực hiện được tất cả).

        Phương châm tu tập của Kim cương thừa là sử dụng mọi “phương tiện thiện xảo” để biến cải năm thứ dục vọng như vừa nêu lên trên đây để mang chúng ngược trở về với bản chất tự nhiên và đích thực của chúng, tức là năm loại Trí tuệ. Đây cũng chính là một trong những khía cạnh đặc thù của Kim cương thừa vì Kim cương thừa không chủ trương loại bỏ hay đè nén dục vọng mà chỉ tìm cách tinh lọc và chuyển hóa chúng mà thôi.

        Năm thể dạng Trí tuệ còn gọi là Ngũ trí Như lai, tương ứng với hệ thống Ngũ Phật (Panca-kulabuddha). Ngũ Phật là một khái niệm được giải thích khá khác biệt nhau tùy theo kinh sách Tan-tra thuộc các học phái của Kim cương thừa. Tuy nhiên có thể dựa vào học phái Du-già tan-tra để tóm lược một cách đại cương như sau:

        – Trí tuệ Như lai tạng hay Pháp giới trí (Dharmadhatu-jnana) là Trí tuệ của vị Phật Tì-lô-xá-na (Vairocana), tức là Trí tuệ viên mãn của Pháp giới. Vị Đại Phật Tì-lô-xá-na (Mahavairocana) ngụ ở vị trí trung tâm của Mạn-đà-la (Vajradhatumandala), bao quanh là bốn vị Phật còn lại.

        – Trí tuệ như tấm gương lớn (Đại viên kính trí) là Trí tuệ của Phật A-súc Như lai (Aksobhya). Phật A-súc Như lai ngụ ở vị trí phía Đông.
        – Trí tuệ bình đẳng (Bình đẳng tính trí) là Trí tuệ của Phật Bảo sinh Như lai (Ratnasambhava). Phật Bảo Sinh Như lai ngụ ở vị trí phía Nam.
        – Trí tuệ phán đoán (Diệu quan sát trí) là Trí tuệ của Phật A-di-đà Như lai (Amithaba). Phật A-di-đà Như lai ngụ ở vị trí phía Tây.
        – Trí tuệ thực hiện được tất cả (Thành sở tác trí) là Trí tuệ của Phật Bất Không Thành Tựu Như lai (Amoghasiddi). Phật Bất Không Thành Tựu Như lai ngụ ở vị trí phía Bắc.

        Khi một vị Bồ tát đạt được giác ngộ và thực hiện được Pháp thân một cách viên mãn thì cũng đạt được Trí tuệ Như lai tạng (Dharmadhatu-jnana), đó là Trí tuệ nhận biết hiện thực đúng như thế. Bốn thể dạng Trí tuệ còn lại là những thể dạng Trí tuệ phụ trợ cho Trí tuệ Như lai tạng để nhận biết các cách thể hiện khác nhau của hiện thực. Trí tuệNhư lai tạng liên quan đến sự nhận biết hiện thực tối hậu và tuyệt đối, bốn Trí tuệ còn lại liên hệ đến sự nhận biết hiện thực qua các thể dạng tương đối.

        Trên đây là tóm lược khái niệm về Trí tuệ theo quan điểm của Kim cương thừa. Tuy nhiên Trí tuệ còn được trình bày bằng một khái niệm khác nữa gọi là Bát-nhã (Prajna). Vậy Bát-nhã là gì?

        Khái niệm về Bát-nhã

        Bát-nhã (tiếng Phạn là Prajna, tiếng Pali là Panna) có nghĩa là sự hiểu biết tối thượng, một sự cảm nhận trực tiếp hiện thực mang lại sự giải thoát. Theo ý nghĩa đó thì Bát-nhã cũng không khác với cấp bậc tối thượng của Trí tuệ, sự khác biệt thuộc vào lãnh vực thuật ngữ và phương pháp mô tả nhiều hơn. Đối với học phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) của Nam tông và hầu hết các học phái Đại thừa thì Bát-nhã thuộc vào loại Trí tuệ phán xét, một khả năng của tâm thức xác định phẩm tính của các đối tượng quan sát. Dầu sao tất cả các học phái đều thừa nhận là Bát-nhã dù cho có thể học hỏi được bằng cách suy luận, nhưng nhất thiết Bát-nhã là một khả năng chủ yếu đạt được bằng phép thiền định Tì-bà-xá-na (tiếng Pali: vipassana).   

        Đối với Nam tông nói chung thì Bát-nhã là một khả năng Trí tuệ giúp quán thấy trực tiếp toàn bộ Tứ diệu đế và bản chất vô ngã của “cái tôi” để mang lại thể dạng giải thoát cho một vị A-la-hán. Riêng đối với Phật giáo Nguyên thủy tức là Thượng tọa bộ (Theravada) thì Bát-nhã (Panna) được xem là phép tu cao nhất trong ba phép tu là Giới, Định, Tuệ (Sila, Samadhi và Panna). Tuệ là kết quả trực tiếp phát sinh từ Định, tức là khả năng chú tâm cực mạnh vào một đối tượng duy nhất, một thể dạng tâm thức thăng bằng và tinh khiết vượt lên trên chủ thể và đối tượng. Đạt được thể dạng đó Trí tuệ sẽ không còn là một phép tu nữa mà đã trở thành một phương tiện hay một khả năng trực tiếp mang lại sự giải thoát.

        Đối với Bắc tông, Bát-nhã có nghĩa là sự hiểu biết trực tiếp Tánh không của “cái tôi” cá thể và của tất cả mọi hiện tượng. Kinh sách thường tượng trưng sự hiểu biết ấy như một thanh kiếm cháy đỏ của ngài Văn-Thù Sư-Lợi (Manjusri) dùng để rọc rách màn đêm của vô minh và chém nát sự quán nhận đối nghịch nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng. Thể dạng đó của Bát-nhã còn được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita), tức là sự hiểu biết hoàn hảo hay siêu nhiên, thuộc vào cấp bậc Ba-la-mật-đa cao hơn hết trong số sáu cấp bậc Ba-la-mật-đa là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và Trí tuệ. Vì thế đối với Bắc tông và nhất là trong trường hợp như vừa kể thì Bát-nhã được hiểu như là một khả năng bình thường thuộc tâm thức của một vị Bồ tát, giúp cho vị ấy quán nhận được Tánh không.

        Đối với Phật giáo Bắc tông nói chung, Bát-nhã (Prajna) luôn luôn phải đi đôi và kết chặt với lòng Từ bi (Karuna), tức là sự kết hợp giữa Bồ đề tâm tuyệt đối (Tánh không) và Bồ đề tâm tương đối (Từ bi). Điều đó có nghĩa là nếu không có Từ bi làm hậu thuẫn thì sẽ không bao giờ đạt được Bát-nhã. Phát lộ lòng Từ bi vô biên đối với tất cả chúng sinh vướng mắc trong vô minh và khổ ải là sự biểu hiện của Trí tuệ Bát nhã, nói một cách khác là không thể nào quán thấy Tánh không một cách đích thực nếu lòng Từ bi không phát lộ một cách mãnh liệt. Nếu thiếu lòng Từ bi thì sự hiểu biết Tánh không chỉ mang tính cách hời hợt và giới hạn trong lãnh vực của một khái niệm mà thôi, sự hiểu biết đó không phải là Bát-nhã Ba-la-mật-mật-đa. Đối với Phật giáo Trung Hoa nói riêng thì Bát-nhã giữ một vị trí thật quan trọng, đó là thực tướng của Chân như, hay Như lại tạng (Tathagatagarbha) hay còn gọi là Phật tính, đó là Trí tuệ giúp quán thấy và phán xét một cách minh bạch tất cả mọi hiện tượng, thấu hiểu một cách tự nhiên và tường tận Tánh không. Đối với Thiền tông thì Bát-nhã Ba-la-mật-đa có thể định nghĩa như là sự kết hợp giữa Định hay Thiền na (Dhyana) và Bá- nhã (Prajna).

        Bát nhã trong Kim cương thừa

        Trong Kim cương thừa, Bát-nhã được tượng trưng bằng nhiều hình ảnh hay biểu tượng cụ thể kèm theo những nghi thức tu tập cầu kỳ và cá biệt. Kim cương thừa xem Bát-nhã là một thứ Trí tuệ mang tính cách nữ tính, là một khả năng quán nhận Tánh không và bản chất tinh khiết của tất cả mọi hiện tượng. Khi thực thi các nghi lễ hay nghi thức tu tập mà không thấy có Trí tuệ Bát-nhã hiển hiện theo thì sự tu tập ấy cũng sẽ trở thành vô ích mà thôi. Vậy các nghi thức hay nghi lễ của Kim cương thừa là gì? Thật ra đấy chỉ là những Phương tiện trợ lực hay phụ trợ cho việc tu tập. Tuy gọi là các phương tiện phụ trợ nhưng thật ra rất quan trọng vì Kim cương thừa chủ trương Phương tiện nắm giữ một vai trò ngang hàng với Mục đích, tức là Trí tuệ Bát nhã. Một cách tổng quát, Đạo Pháp gọi đó là các Phương tiện thiện xảo (Upaya). Trong một phân đoạn sau sẽ trình bày chi tiết hơn về các Phương tiện thiện xảo, vì đó là một khái niệm cần được nắm vững để có thể thấu hiểu tính cách đa dạng và phong phú trong sự tu tập Phật giáo.

        Giờ đây chúng ta hãy trở lại với Bát-nhã trong Kim cương thừa. Kim cương thừa quan niệm rằng không thể nào tách rời Prajna (Bát nhã) và Upaya (Phương tiện thiện xảo). Sự kết hợp đó có ý nghĩa như thế nào? Các công thức sau đây của Kim cương thừa sẽ cho thấy ý nghĩa quan trọng của sự kết hợp đó: Tánh không (Sunyata) kết hợp với Từ Bi (Karuna), Bát-nhã (Prajna) kết hợp với Phương tiện thiện xảo (Upaya), nếu trình bày một cách khác thì sẽ như sau: Tánh không + Từ bi, Bát nhã + Phương tiện thiện xảo, đó là hai cặp bài trùng hay hai công thức bất di dịch, không thể tách rời hay thay đổi được. Nếu nắm vững được sự liên kết đó thì người tu tập sẽ có thể nhìn thấy suốt con đường mà mình sẽ phải đi, và thật ra thì Đạo Pháp cũng chỉ có thế mà thôi, tức là không thể đạt được Trí tuệ tối thượng quán nhận được Tánh không của mọi hiện tượng nếu không có Từ bi hỗ trợ, không thể nào đạt được Bát-nhã nếu không nhờ vào các Phương tiện thiện xảo. Nói một cách khác Tánh không tức là Bát-nhã, Từ bi tức là một trong những Phương tiện thiện xảo quan trọng hơn hết.

        Một cách cụ thể hơn thì sự kết hợp giữa Tánh không và Bát-nhã được tượng trưng trong Kim cương thừa bằng hai “khí cụ” luôn luôn được xử dụng chung khi hành lễ, đó là Kim cương chử (Vajra) còn gọi là Kim cương chùy và một cái chuông nhỏ. Kim cương chử tượng trưng cho vajra tức là đá kim cương, một loại đá sáng ngời và rắn chắc, biểu tượng của nam tính; cái chuông nhỏ tượng trưng cho hoa sen, biểu tượng của nữ tính. Đối với phương pháp tu tập của Tối thượng Du già Tan-tra thì sự kết hợp giữa hai thể dạng đó cũng giống như sự kết hợp tình dục (tiếng Tây tạng: yab-yum) giữa một thần linh nam tính và thể tính nữ giới đối tác của chính vị thần linh ấy, đối tác nữ tính chính là Bát nhã (Prajna). Đây là một hình ảnh tượng trưng hay một biểu tượng rất mạnh, tuy nhiên cũng có nhiều người vì ảnh hưởng của những xung động sẵn có trong tâm thức mà hiểu lầm hình ảnh này trong Tối thượng Du-già Tan-tra như một sự kết hợp tình dục.

        Cũng xin kể thêm ra đây một Phương tiện thiện xảo khác của Kim cương thừa. Bảng chữ cái của tiếng Phạn gồm có các nguyên âm (tiếng Phạn: ali) và các phụ âm (tiếng Phạn: kali), nguyên âm tượng trưng cho Prajna (Bát nhã), phụ âm tượng trưng cho Upaya (Các phương tiện thiện xảo). Các nguyên âm và phụ âm là nguồn gốc làm phát sinh ra âm thanh và tạo ra âm hưởng trong các câu niệm chú man-tra. Chẳng hạn như trường hợp của chữ evam, nguyên âm e là Prajna, phụ âm va là Upaya, m tượng trương cho tính cách bất khả phân giữa Prajna và Upaya. Cũng xin giải thích thêm là chữ evam trong tiếng Phạn có nghĩa là như thế hay như vậy mà người ta thường thấy trong kinh sách qua các câu như Evam maya sutram…có nghĩa là Như thế tôi đã từng được nghe…

        Bát nhã và sinh lý học Du-già

        Chúng ta thử tìm hiểu chi tiết hơn về các phương pháp tu tập của Phật giáo Tây tạng qua các khái niêm về sinh lý học liên quan đến các kênh mạch và các luồng khí lực xem sao. Một cách tổng quát, sinh lý Du-già trong nội tạng một cá thể được tượng trưng bằng sự vận hành của các luồng khí lực luân chuyển trong một hệ thống kênh mạch. Prajna (Bát nhã) được tượng trưng hay đại diện bởi kênh mạch bên trái (lalana), Upaya (Các phương tiện thiện xảo) được tượng trưng bởi kênh mạch bên phải (rasana). Khi hai luồng khí lực nữ tính (kênh bên trái) và nam tính (kênh bên phải) thâm nhập vào kênh mạch trung tâm (avaduthi) sẽ hòa tan với nhau và tạo ra một thể dạng gọi là Đại phúc hạnh (Mahasukkha), thể dạng này kết hợp chặt chẽ với Trí tuệ phi nhị nguyên. Nói một cách khác thì đấy là sự kết hợp bất khả phân giữa Prajna (Bát nhã) và Upaya (Phương tiện thiện xảo) mang lại thể dạng Đại phúc hạnh của Tánh không đã hoàn toàn loại bỏ được sự đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng.

        Khái niệm về các giọt năng lượng

        Các kinh sách tan-tra của Kim cương thừa còn mô tả Như lai tạng (Tathagatagarbha) hay Chân như, hay Phật tính như là một thành phần hiện hữu tự tại trong mỗi chúng sinh. Trong mỗi cá thể con người Phật tính là những tinh chất tượng trưng bởi các giọt năng lượng (bindu) thấm sâu trong toàn thể thân xác. Hai giọt năng lượng quan trọng hơn hết là một giọt màu đỏ tượng trưng cho nữ tính (tức Prajna – Bát nhã), một giọt màu trắng tượng trưng cho nam tính (tức Upaya – Các phương tiện thiện xảo). Vị trí của giọt đỏ nằm ở dưới rốn, vị trí của giọt trắng nằm ở đỉnh đầu. Hai giọt này còn có tên là giọt Bồ-đề-tâm-màu-đỏ và giọt Bồ-đề-tâm-màu-trắng. Vai trò của chúng là tạo ra một sự bùng cháy gọi là tumo (nội nhiệt).

        Tu tập hay luyện tập là cách làm bùng lên ngọn lửa của Trí tuệ, ngọn lửa sẽ giúp cho giọt Bồ-đề-tâm-màu-đỏ di chuyển theo kênh trung tâm ngược lên phía trên, đồng thời ngọn lửa Trí tuệ cũng sẽ làm cho giọt Bồ-đề-tâm-màu-trắng hóa lỏng và di chuyển xuống phía dưới cũng theo kênh trung tâm. Khi di chuyển xuống phía dưới giọt màu trắng xuyên ngang bốn bánh xe cakra còn gọi là kim luân, luân xa hay trung khu, có thể xem đấy là những “huyệt” hay những điểm chuyển đổi và phân bố khí lực trong cơ thể. Khi giọt trắng di chuyển ngang bốn luân xa cakra sẽ tạo ra bốn thể dạng cảm nhận phúc hạnh từ thấp đến cao gọi là bốn niềm hân hoan. Niềm hân hoan sau cùng thuộc vào cấp bậc cao nhất là một thể dạng thật tuyệt vời, đó là một niềm hân hoan tự tại và hoàn hảo thuộc phúc hạnh của Tánh không phi nhị nguyên, sự hân hoan đó chính là Bồ đề tâm hiển hiện dưới thể dạng Quả hay là Ảo thân của một vị Phật. Sự thăng bằng và bền vững của Trí tuệ sẽ làm phát sinh đồng loạt sự cảm nhận phúc hạnh về Tánh không tạo ra Ảo thân và tiếp theo đó là sự hiển hiện của Tam thân Phật. Prajna (Bát nhã) sẽ trở thành Pháp thân (Dharmakaya), hai thân còn lại là hai sắc thân (rupakaya): sắc thân thứ nhất là Báo thân còn gọi là Thụ dụng thân (thân Phật trong cõi Tịnh độ) và sắc thân thứ hai là Ứng thân còn gọi là Ứng hóa thân hay Hóa thân (thân Phật ứng hiện trong cõi ta bà để cứu độ chúng sinh).

Trí tuệ và trí thông minh

        Tất cả chúng sinh đều có trí thông minh ngang nhau và giống nhau, tuy nhiên tùy theo mỗi cá thể trí thông minh đó bị che lấp ít hay nhiều, có những góc cạnh hoàn toàn bị phủ kín và trở nên tối om, những phần khác thì bị một lớp màn mỏng hay một tấm kính mờ phủ kín. Tấm màn có thể nhăn nhúm, tấm kính có thể gồ ghề, có chỗ thì dày có chỗ mỏng, đại khái giống như một tấm lăng kính méo mó. Vì thế mà hình ảnh do trí thông minh tiếp nhận được từ bên ngoài sẽ trở nên mờ ảo dưới tấm màn che và hoàn toàn biến dạng phía sau lăng kính. Tuy nhiên, tấm màn hay tấm lăng kính cũng có những góc cạnh hay những kẻ hở có thể giúp cho trí thông minh tiếp nhận trực tiếp được ánh sáng từ bên ngoài. Tóm lại, trí thông minh là một cơ sở hay một “chất liệu cơ bản” (matrice, matrix) ghi nhận những tín hiệu của ngoại cảnh và căn cứ vào đó để tác tạo ra những sự diễn đạt đủ loại. Cũng cần xác định một cách minh bạch là sự lầm lẫn mà trí thông minh có thể phạm phải phát sinh từ hai nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân thứ nhất là tính cách giới hạn và méo mó của những kinh nghiệm do ngũ giác cảm nhận được từ những hiện tượng bên ngoài, nguyên nhân thứ hai là sự diễn đạt lệch lạc và u mê từ bên trong của giác cảm tri thức, sự diễn đạt lệch lạc ấy của tri thức là do ảnh hưởng của nghiệp trong quá khứ tác động.

        Trái ngược với trí thông minh, Trí tuệ không tiếp nhận những tín hiệu của ngoại cảnh dựa vào những biểu hiện thô thiển thuộc bề ngoài của mọi hiện tượng, mà trái lại chỉ tìm cách gạn lọc và nắm bắt bản thể đích thực của chúng, đồng thời thì Trí tuệ cũng gạn lọc và tinh khiết hóa sự nhận thức từ bên trong, không để cho các ảnh hưởng tiêu cực của nghiệp quá khứ tham gia vào sự diễn đạt mang lại sự hiểu biết sai lầm về bản chất đích thực của mọi hiện tượng. Trong khi đó, trí thông minh lại chấp nhận một cách tự nhiên tấm màn che và tấm lăng kính làm méo mó sự cảm nhận từ bên ngoài của ngũ giác và sự diễn đạt sai lầm của tri thức từ bên trong. Tệ hại hơn nữa, trí thông minh còn xem tấm màn ấy và tấm lăng kính ấy thuộc bản thể tự tại và bẩm sinh của mình và căn cứ vào đó để tạo ra cho mình một “cái tôi”. Ngược lại, Trí tuệ là một khả năng, một sức mạnh nhắm vào việc “rọc rách” tấm màn và “đập nát” tấm lăng kính che phủ và làm méo mó sự nhận thức từ cả hai chiều: sự cảm nhận (từ bên ngoài) và sự diễn đạt (từ bên trong) để mang lại sự hiểu biết đích thực. Mặc dầu trí thông minh và Trí tuệ có cùng một nguồn gốc như nhau tức là sự hiểu biết, tuy nhiên vai trò, chức năng và chủ đích của Trí tuệ và của trí thông minh thì lại hoàn toàn khác nhau.

        Trí thông minh là hậu quả tự nhiên của quá trình phát triển của chủng loại, quá trình phát triển và biến dạng của trí thông minh tạo ra những khả năng khác nhau tùy theo mỗi cá thể. Quá trình phát triển và biến dạng đó lệ thuộc vào những xung động bản năng và sự bén nhạy của giác cảm không đồng đều giữa mỗi cá thể. Xung động bản năng và sự bén nhạy của giác cảm lại lệ thuộc vào môi trường chung quanh còn gọi là cơ duyên và các hậu quả phát sinh từ những hành động của từng cá thể trong quá khứ. Kết quả là không thể nào có hai cá thể hoàn toàn giống nhau trong cõi người cũng như trong cõi súc sinh. Sự khác biệt về xu hướng cũng như khả năng suy tư và thích ứng phản ảnh sự dị biệt và đa dạng của trí thông minh. Một cách cụ thể, chúng ta thấy trong tập thể con người có nhiều xu hướng khác nhau, chẳng hạn có những người trở thành triết gia, nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc, ca sĩ, khoa học gia, kỹ sư, nghệ nhân, công nhân…, có những người thật thà hay tinh ranh, khôn ngoan hay đần độn, có các thánh nhân và có cả những người hung dữ… Ngoài ra còn có những người mang tâm trí hoang mang và lầm lẫn vì tấm màn che phủ tâm thức của họ quá dày, hoặc vì tấm lăng kính quá méo mó làm cho sự cảm nhận của họ về bối cảnh chung quanh trở nên sai lạc quá nhiều, mặt khác sự cảm nhận đó đồng thời cũng bị ảnh hưởng của nghiệp trong quá khứ tác động và chi phối. Trong trường hợp sự sai lạc ấy của họ trở nên quá trầm trọng, thì chúng ta xem họ hay “phân loại họ” thuộc vào những người bị bịnh tâm thần.

        Trí thông minh không cần nhờ giáo dục cũng có thể phát triển được nhờ vào kinh nghiệm của giác cảm, trong khi đó Trí tuệ chỉ có thể phát triển bằng cách học hỏi và luyện tập mà thôi. Đối với một người bình thường, sự hiểu biết sẽ làm phát sinh ra trí thông minh, đối với một người tu tập thì sự hiểu biết sẽ làm phát sinh ra hai nhánh hay hai lãnh vực khác nhau đó là Trí tuệ và trí thông minh thông thường. Theo quan điểm của Bắc tông thì khi Trí tuệ càng phát triển thì trí thông minh sẽ càng bị thu hẹp, khi Trí tuệ hoàn toàn nẩy nở và xâm chiếm toàn bộ tâm thức thì trí thông minh củng sẽ biến mất, vì nó không còn giữ một vai trò nào nữa. Kim cương thừa thì cho rằng trí thông minh và Trí tuệ có cùng một bản chất tức là sự hiểu biết, cho nên người tu tập chỉ cần tinh khiết hóa trí thông minh và hội nhập nó với Trí tuệ. Thiết nghĩ, đó cũng là một phương tiện thiện xảo giúp tăng cường sức mạnh cho Trí tuệ và giúp Trí tuệ phát triển nhanh chóng hơn.

        Trí tuệ và sự tu tập Phật giáo

        Trí tuệ có nhiều sắc thái và cấp bậc khác nhau. Nam tông gọi chung là Chính kiến, Bắc tông mô tả và phân loại thành bốn hoặc năm thể dạng. Ngoài các thể dạng Trí tuệ đó Bắc tông còn nêu lên một loại Trí tuệ nữa gọi là Bát-nhã mà người tu tập gần như chỉ có thể đạt được nó bằng thiền định mà thôi. Nếu các cấp bậc thấp của Trí tuệ còn mang tính cách đa dạng thì cấp bậc tối thượng là Bát-nhã là một thể dạng nhất thể, hoàn toàn trong suốt và phẳng lặng.

        Tu tập Phật giáo là tìm cách hướng về cấp bậc Trí tuệ cao nhất để đạt được sự Giác ngộ. Sự luyện tập đó có thể so sánh với cách múa thanh kiếm bốc lửa của Ngài Văn thù Sư lợi để rọc rách tấm màn che phủ trí thông minh và chặt vỡ tan tấm lăng kính làm méo mó sự cảm nhận của tâm thức. Đạo Pháp đưa ra tám mươi bốn ngàn thanh kiếm khác nhau, đủ cỡ, đủ kiểu, dài ngắn đều có, với mục đích thích nghi với tầm vóc và khả năng của từng người. Tám mươi bốn ngàn thanh kiếm ấy gọi là Upaya, tức là những phương tiện thiện xảo.

        Vì thế nếu một người tu tập gặp phải trở ngại hay khó khăn trên đường tu tập thì nhất định đấy không phải vì thiếu phương tiện mà chỉ vì người tu tập lạc vào khu rừng dày đặc của những phương tiện thiện xảo và không tìm thấy lối ra. Họ chỉ nhìn thấy toàn là phương tiện và phương tiện, nhưng cứu cánh thì biệt tăm. Nếu tự buộc mình vào phương tiện, tìm thấy sự thoả mãn và an vui với phương tiện thì một đời tu tập cũng sẽ hoàn toàn vô ích. Vậy các phương tiện thiện xảo trong Phật Pháp là gì? Đấy là kinh sách như rừng, tiếng tụng niệm và chuông mõ vang rền, nghi lễ đủ loại, hoa quả cúng dường, nhang đèn, cờ lọng, tượng ảnh cầu kỳ, v.v. và v.v… Người tu tập nhìn ngón tay trước mắt, ra sức nhìn gần hơn và cứ muốn ôm ngón tay vào lòng, để rồi một lúc nào đó họ sẽ nhận thấy một cách rành mạch có những ngón tay gân guốc hay nhăn nheo, no tròn hay thon nhỏ, rụt rè hay quả quyết…, nhưng Trí tuệ thì vẫn xa vời.

        Một thí dụ thực tiễn

        Tóm lại tu tập không phải chỉ nghiên cứu kinh sách, gõ mõ, đánh chuông và tụng niệm liên tục là đủ mà còn phải đem những gì rút tỉa được trong kinh sách để hội nhập với tâm thức mình, để ứng dụng vào tư duy và hành động hằng ngày của chính mình. Xin đơn cử thí dụ sau đây.

        Ta cảm thấy đói và thèm ăn một tô phở thật nóng và thật thơm (đòi hỏi và khích động của bản năng làm phát sinh sự thèm khát). Thay vì đọc sách hay ngồi xuống thiền định một lúc để chờ đến bữa cơm thì ta quyết định ra tiệm phở gần nhà để ăn (tác ý), ta thay áo và mang giày để đi ra tiệm phở (tác ý sinh ra hành động). Sắp đến cửa tiệm phở thì ta đạp vào một đống phân chó. Vừa xấu hổ lại vừa bực tức (“cái tôi” vụt phát hiện một cách mạnh mẽ để điều khiển và chi phối hành động của ta), ta thốt ra một lời không thanh nhã (xúc cảm bấn loạn phát hiện thành ngôn từ), ta nhìn chung quanh xem có ai chú ý hay không, đồng thời liếc nhìn xuống đất tìm chỗ nào có cát khô để day đế giày cho bớt dính bẩn (sử dụng trí thông minh).

        Đến đây ta tự hỏi tại sao ta lại đạp vào đống phân chó. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ hậu quả của nghiệp trong quá khứ đưa ta tái sinh trở lại làm người với tất cả những đòi hỏi của bản năng và chủng loại (đói). Nguyên nhân gần hơn là những xung động của tâm thức liên hệ với bản năng, làm phát sinh ra sự thèm khát (bám víu). Sự thèm khát (nguyên nhân) thúc giục ta đi ra tiệm phở (nghiệp đã chín). Chưa kịp đến cửa tiệm phở thì sự thèm khát đã hướng mắt ta nhìn vào miếng thịt tái treo trong tủ kính của tiệm phở, bên cạnh là một khối thịt nạm có cả vè giòn và mỡ gầu, giữa hai miếng thịt còn treo thêm một bó hành lá. Vì dán mắt vào tủ kính nên ta không thấy đống xú uế dưới chân (cơ duyên chờ đợi) và ta đạp vào đó (hậu quả của nghiệp).

        Trên đây là phản ứng rất tự nhiên của một người thông thường và có thể xảy ra với bất cứ ai. Đối với một người tu tập thì sao, có gì khác hơn hay không? Một người tu tập cũng phải gánh chịu những đòi hỏi của bản năng và những hậu quả của nghiệp, họ cũng biết đói và có thể cũng thèm. Tuy nhiên, sự khác biệt là người tu tập ý thức được và nhìn thấy được những đòi hỏi của bản năng, của sự thèm khát và biết chủ động từng hành vi của mình. Kinh sách gọi đó là cách thực hiện một Tâm linh tỉnh thức (Mindfulness, Pleine conscience). Nếu người tu tập thực hiện được một Tâm linh tỉnh thức thì khi đi thì biết mình đang đi, khi bước thì biết mình đang bước, khi bước một bước dài thì biết mình bước một bước dài, khi bước một bước ngắn thì biết mình bước một bước ngắn, họ không bị sự thèm khát khích động và miếng thịt tái trong tủ kính của tiệm phở không đủ sức thu hút được họ để nuôi dưỡng thêm sự thèm khát của họ, họ sẽ không dán mắt vào tủ kính của tiệm phở và như thế rất có thể là họ sẽ không đạp phải đống phân chó.

        Dù có đạp phải đống phân đi nữa thì người tu tập cũng không thốt lên những lời bất nhã (chủ động được xúc cảm và ngôn từ), và hơn thế nữa họ còn phát hiện được lòng thương cảm đối với một chúng sinh phải ỉa bậy ra đường (từ bi). Con chó cũng giống như ta, cả hai đều có chín cái lỗ (hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, miệng, lỗ tiểu tiện và hậu môn), chín cái lỗ ấy thường xuyên đào thải những chất ô uế. Nhờ có phương tiện và trí thông minh ta biết xây nhà cầu, đồng thời ta cũng có nhiều may mắn hơn và được đi ăn phở, trong khi đó con chó phải chạy rông ngoài đường và có thể sẽ bị bọn trộm chó bắt làm thịt và đem bán. Dù đạp phải đống xú uế thì người tu tập cũng không tức bực hay xấu hổ, vì họ hiểu rằng đấy là nghiệp trong quá khứ xui khiến như thế, tương hợp với những cơ duyên như thế, người tu tập không thắc mắc và vẫn giữ được sự thanh thản (trong trường hợp đó “cái tôi” sẽ không phát sinh mạnh mẽ và sẽ không gây ra tác động chi phối và điều khiển tư duy, ngôn từ và hành động của chính mình).

        Nhìn thấy đống phân chó người tu tập phát động lòng từ bi hướng vào tất cả chúng sinh đang bị trói buộc trong bản năng của chủng loại và mọi thứ khổ đau (phát lộ lòng từ bi) Nhìn thấy một hạt cát người tu tập nhìn thấy cả một sa mạc mênh mông (Trí tuệ), tâm thức vụt mở rộng ra tám phương trời, mười phương Phật (mở rộng và phát triển Trí tuệ), cái tâm thức đó trở nên không bờ bến (Bát-nhã). Xuyên qua cái tâm thức vượt không gian đó, người tu tập không thấy đống phân cũng chẳng thấy một hạt cát nào (đó chỉ là những tạo tác nhất thời do hậu quả và cơ duyên mà có, những tạo tác có tính cách biến động, đổi thay và lệ thuộc vào điều kiện như thế sẽ không chiếm giữ một vị trí nào trong tâm thức của họ), và họ cũng không thấy vị trí của chính mình ở đâu hết (không có “cái tôi”) trong cái không gian mênh mông và vắng lặng đang mở ra trước mắt họ (Trí tuệ Bát- nhã ba-la-mật-đa). Tuy nhiên, họ vẫn nhìn thấy một cách minh bạch những cấu hợp trên mặt đất trước mắt họ nhưng tâm thức họ thì hoàn toàn không diễn đạt những cấu hợp ấy thành đống phân nhơ nhớp và những hạt cát dưới chân. Và đó cũng là ý nghĩa của câu “sắc tức thị không – không tức thị sắc” trong Tâm kinh.

        Ăn phở xong thì ta trở về nhà, vừa bước vào đầu ngõ ta thấy một con chó. Tuy không biết là con chó này có đúng là con chó đã phóng uế gần tiệm phở hay không, nhưng sự bực tức lúc nãy vẫn bùng lên trở lại. Vậy ta thử tìm hiểu xem sự vận hành nào đã làm cho sự tức giận ấy bùng lên. Lúc nãy khi ta đạp vào đống phân, “cái tôi” phát sinh mạnh mẽ kéo theo sự tức giận và xấu hổ (nghiệp phát sinh), sự giận dữ và xấu hổ để lại một vết hằn trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức vào đúng khoảnh khắc mà ta đạp phải đống phân (sự ghi khắc của nghiệp), vết hằn đó “lắng” vào tiềm thức và đã trở thành quá khứ, sau khi ăn phở xong ta đã quên hết biến cố trước đây đã làm cho ta tức giận, tuy nhiên vết hằn của sự tức giận in dấu trên dòng tri thức vẫn còn nguyên và sẽ phát sinh trở lại thành quả khi nào nó gặp được cơ duyên thích nghi. Ta bắt gặp một con chó ở đầu ngõ (cơ duyên thích nghi và phù hợp), vết hằn của nghiệp liền dựa vào cơ duyên đó để phát sinh thành sự giận dữ (nghiệp phát sinh để trở thành quả). Cơn giận bùng lên (xúc cảm bấn loạn) kéo theo sự thù ghét tất cả những con chó chạy rông ngoài đường, nhất là con chó trước mặt lại xấu xí, dơ bẩn, thọt một chân và ghẻ lở khắp mình (thiếu lòng từ bi). Ta quyết định trừng trị con chó đáng ghét (tác ý), liền nhặt một viện đá và ném nó (tác ý sinh ra hành động). Không ngờ con chó lại không bỏ chạy mà quay đầu lại sủa, trẻ con người lớn quây lại xem. Ta vừa xầu hổ lại vừa tức bực con chó ghẻ (“cái tôi” lại phát hiện để tiếp tục điều khiển ta)…, cứ như thế mà hết nghiệp này đến nghiệp khác thay nhau lôi kéo ta vào một cuộc phiêu lưu và “lang thang” bất tận. Thế giới ta bà là như thế, không có gì khó hiểu cả. Đối với người tu tập thì mối dây níu kéo ấy đã bị cắt đứt ngay sau khi vừa dẫm vào đống phân, vì họ không giận dữ mà lại còn phát lộ được lòng Từ bi.

        Thí dụ trên đây nêu lên trường hợp thèm một tô phở, nhưng nếu sự thèm khát mạnh hơn chẳng hạn như bị khích động bởi tham lam, dục vọng, thúc đẩy bởi danh vọng, giàu sang, tình dục…, thì hậu quả sẽ trầm trọng hơn nhiều. Nghiệp sẽ lưu lại những vết hằn sâu đậm hơn trên dòng tri thức tiếp nối của một cá thể, lôi cuốn cá thể ấy hết kiếp này sang kiếp khác (kéo theo sự tái sinh và làm chuyển động bánh xe luân hồi).

        Câu chuyện vửa kể cho thấy chỉ có Trí tuệ mới giúp chúng ta một cách hữu hiệu và thiết thực để cắt đứt những mối dây níu kéo của nghiệp. Tụng niệm suông, lên chùa lễ Phật để cầu phúc hay ngồi thiền mà đầu óc suy nghĩ miên man thì chẳng ích lợi gì, vì đấy chỉ là những phương tiện thiếu phần thiện xảo.

Bures-Sur-Yvette, 30.01.10