Ý Nghĩa Tạo Tượng Phật
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
doahong

 

Nguyên do khởi thủy tạo tượng Phật

Theo Kinh điển của Đại Thừa, tượng Phật được tạo thành khởi thủy là do vua Ưu Điền luyến nhớ Phật Thích Ca quá mức mà bắt bu ộc phải tạo tượng của Phật để chiêm ngưỡng cho thỏa lòng quyến luyến mong nhớ.

Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức kể rằng trong khi Phật ở trên trời Tam Thập Tam an cư 3 tháng để thuyết pháp cho mẹ là Ma Gia phu nhân, thì dưới nhân gian hoàn toàn vắng bóng Phật ! Vua Ưu Đà Diên (hay còn dịch là Ưu Điền) luyến nhớ đức Phật đến mức bỏ bê hết mọi công việc, kể cả cung phi mỹ nữ… Vua tin là mình ưu bi như thế thì sẽ chết sớm, và chỉ mong sao trước khi chết được gặp Phật. Vua nghĩ như sau : “Nếu mình luyến nhớ ai mà không được gặp, thì hoặc thấy được chỗ ở của người ấy hay thấy ai giống người ấy thời sẽ trừ diệt được các phiền muộn.” Vua lại nghĩ tiếp : “Song nay ta mà đến chỗ ở của Phật mà lại không thấy Phật thì sầu thương than khóc chắc là chết mất! Lại nữa ta thấy thế gian này không một ai có thể có được sắc tướng, phúc đức và trí huệ như Phật, thì làm sao ta có thể gặp được một người như vậy để giải trừ sầu não đây !” Thế nên vua mới đi đến kết luận : “Nay ta phải tạo hình tượng của Phật để mà lễ bái cúng dường !”.

Tạo tượng Phật ra sao? Bằng chất liệu gì?

Song khi vua đã quyết định như thế rồi, thì vấn đề giờ đây lại là : “Nếu ta tạo tượng mà không giống Phật thì e là ta sẽ phải chịu tội vô lượng !” Song vua lại suy luận tiếp : “Cũng như thế gian này, tuy mọi người có trí có cùng nhau xưng dương tán thán công đức của Phật thì vẫn không nói tận hết được. Song nếu một người thôi mà tùy theo khả năng mình ca ngợi Phật thì phúc đức có được vẫn vô lượng. Ta nay cũng vậy, cứ tùy theo khả năng mình mà cho tạo tượng Phật”.

Sau khi vững tâm như thế rồi, vua mới triệu tập tất cả các nghệ sĩ tạo tượng trong nước lại và hỏi ai có thể vì mình làm được tượng Phật thì sẽ trọng thưởng rất hậu. Song tất cả các nghệ nhân đều thưa : “Việc vua sai làm này thật là quá khó ! Bởi tướng đẹp của Như Lai thế gian không gì so được, chúng thần làm sao mà tạo nổi hình tượng của Phật ! Giả như Tỳ Thủ Yết Ma thiên mà có làm đi nữa cũng không giống được Như Lai. Nếu chúng thần có phải chịu lệnh mà làm thì cũng chỉ mô phỏng được đôi chút tướng tóc hình xoắn ốc và bạch hào mà thôi, còn tất cả mọi tướng đẹp oai đức khác  thì không ai làm nổi! Lại nữa Thế Tôn rồi sẽ từ trời mà trở về, nếu hình tượng mà chúng thần tạo có sai sót gì đó, thì danh tiếng bọn thần sẽ xụp đổ hết !” Suy xét như thế nên không ai dám nhận làm. Song vua đã quyết định : “Ý ta đã quyết không được chối từ. Như người bị khát muốn uống nước sông, chẳng lẽ vì uống không hết được nước sông mà không uống hay sao !”.

Từ sự quyết định đó của vua Ưu Đà Diên mà tượng Phật đầu tiên được khởi công tạo. Song tượng làm bằng gì đây ? Trong Kinh kể là các nghệ nhân khuyên vua dùng gỗ “tử chiên đàn” loại đường vân cho đến thớ gỗ đều cứng chắc mà tạo tượng Phật.

Song theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải thì nói là vua tạo tượng Phật bằng vàng ròng, tức đúc tượng bằng kim loại. Nhưng đoạn sau đó, khi trả lời cho Di Lặc Bồ Tát, đức Phật có nói như sau về các chất liệu làm tượng, “Di Lặc, nếu có người nào dùng các tơ lụa để mà tô vẽ; hoặc là nấu đúc vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc các thứ; hoặc là điêu khắc các gỗ chiên đàn hương v.v..; hoặc dùng các loại chân châu, vỏ ốc, gấm vóc dệt thành; hoặc là đất đỏ, than trắng, hoặc đất vữa hoặc gỗ các thứ như vậy…, tùy theo khả năng mà làm tượng Phật..,” cho thấy là đức Phật cho phép làm tượng bằng bất cứ chất liệu nào, tùy khả năng mình có được.

Tư thế và chiều kích của tượng

Điều nữa là tạo tượng theo tư thế nào ? Đi, đứng, nằm, hay ngồi ? Vua cho hỏi ý của quần thần thì có vị bạch vua : “Đại vương nên làm tượng Như Lai ngồi. Tại sao vậy? Bởi tất cả các chư Phật đắc đại Bồ đề, chuyển chính Pháp luân, hiện đại thần thông, hàng phục ngoại đạo, làm đại Phật sự đều theo thế ngồi. Thế nên làm tượng Ngài ngồi kết già trên tòa sư tử”.

Tuy nhiên như thế, song theo như Kinh Quán Phật Tam Muội Hải, đức Phật hướng dẫn hành giả khi quán tượng Phật cũng quán đủ các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Điều ấy chứng tỏ là chúng ta có thể tạo tượng Phật theo đủ mọi tư thế, chứ không cố định chỉ là tượng ngồi.

Còn về chiều cao, Kinh nói như sau : “Tượng Phật ngồi kết già, cao 7 thước. Mặt và tay chân đều sắc vàng tiá”. Tượng cao 7 thước tầu, tức khoảng 2,10m. Nếu so với thân thật của Phật mà truyền thuyết thường nói là cao “trượng lục”, tức 16 thước, khoảng 4,80m, thì tượng chưa bằng nửa thân thật của Phật. Song khi ra đón đức Phật từ trên trời xuống, Kinh có nói là “Lúc ấy vua Ưu Đà diên kéo theo bốn binh oai nghi chỉnh tề làm tùy tùng, cưỡi đại bạch tượng trang sức đủ loại báu quý, đích thân vua cung kính đi tượng do mình tạo, với hoa, cờ, âm nhạc kèm theo cúng dường, từ nước của vua mà hướng về thành Tăng Già Ni”. Đoạn sau cũng nói là, “Lúc ấy vua Ưu Đà Diên đỉnh đi tượng Phật cùng với các phẩm vật cúng dường trân kỳ đến nơi Như Lai mà hiến cúng”. Theo đó thì tượng không thể lớn được. Thế nên câu nói “đỉnh đi” ở đây có thể chỉ là một cách nói mà thôi. Vả lại kích thước của Trung Hoa cũng không cố định mà thay đổi theo các triều đại. Nếu lấy chiều kích nhỏ nhất theo đời nhà Thương, thì 7 thước là cao khoảng 1,10m, và thân thật của Phật thời cao khoảng 2,50m. Chiều kích này có vẻ hữu lý…

Lại theo Kinh Quán Phật Tam Muội Hải thì kể rằng khi Phật từ trời Đao Lợi trở về Diêm Phù Đề, “Khi ấy vua Ưu Điền do vì luyến mộ Thế Tôn nên đúc vàng làm tượng. Nghe tin Phật xuống bèn cho voi chở tượng đến nghinh đón Thế Tôn…” Theo đây thì tượng lớn khoảng trên một mét là điều hợp lý.

Nhưng dĩ nhiên đó là chiều kích của pho tượng Phật đầu tiên, chứ không phải là chiều kích bó buộc. Bởi khi nói về công đức làm tượng, đức Phật có nói, “Tùy khả năng mình mà làm tượng Phật, cho đến nhỏ nhất chỉ lớn bằng một ngón tay”. Thế nên tượng lớn nhỏ không phải là vấn đề.

Ai là Tổ đầu tiên tạo tượng Phật ? Làm vào lúc nào và làm trong bao lâu ?

Theo Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức kể tiếp, “Khi ấy Tỳ Thủ Yết Ma thiên từ xa chứng kiến sự việc ấy, biết rõ ý vua muốn tạo tượng Phật, nên trong đêm khuya suy nghĩ như sau: “Tài nghề ta biết là tuyệt khéo nhất, trong thế gian này không ai bằng ta. Nếu ta ra tay làm thì cũng được chút ít nét giống Phật”. Nghĩ rồi liền biến thân thành một nghệ nhân…bạch với vua rằng, “Thần nay muốn vì đại vương mà tạo tượng. Tài nghề của thần thế gian không ai bằng. Xin đại vương không cần phải nhờ đến ai hết.” Vua nghe nói hết sức vui mừng….”.

Theo truyền thống tín ngưỡng của Ấn độ, Tỳ Thủ Yết Ma (Vizvakarman) là vị thần nghệ thuật và công xảo, cũng là thần kiến trúc, vốn là quần thần của vua trời Đế Thích tại Đao Lợi thiên. Mọi sự xây dựng về các cung điện nguy nga tráng lệ trên trời Đao Lợi và trời Ba Mươi Ba, cũng như các đồ ngọc báu trang sức tuyệt xảo của các vua trời đều do Tỳ Thủ Yết Ma tạo nên vậy. Trong Kinh nói là ba bậc thềm báu từ thành Tăng Già Thi lên cho đến trời Đao Lợi để cho đức Phật bước xuống cũng do một tay Tỳ Thủ Yết Ma tạo nên.

Trong Kinh lại kể Tỳ Thủ Yết Ma tâu cùng vua, “Sáng hôm nay tức là ngày mồng 8 đầu tháng, là lúc mà sao Phất Sa hợp cùng Tỳ Sa Ha Để đồng xuất hiện. Khi Phật vừa mới đản sinh cũng có điềm ứng như vậy. Nay là ngày tốt, nên phải khởi công ngay”.

Trong khi Tỳ Thủ Yết Ma ra tay làm thì Kinh ghi tiếp, “Lúc ấy trong lòng vua Ưu Đà Diên suy tính như sau: Sao cho tượng do ta cho tạo được mau hoàn tất ! Nghĩ xong, vua nói với vị nghệ nhân cõi trời : “Ngươi hãy cố gắng ra sức cho mau hoàn tất, cho ta sớm được chiêm ngưỡng lễ kính.” Do đó nghệ nhân cõi trời mới ra hết tài nghệ, dốc lòng không ngưng nghỉ, chưa hết ngày trời là đã hoàn tất”. Như vậy là tượng Phật đầu tiên được tạo vào ngày 8, tháng mấy thời không rõ, và chỉ trong vòng 1 ngày là hoàn thành. Và tổ sư tạo tượng Phật không ngoài ai khác là vị thần thủ công nghệ và kiến trúc Tỳ Thủ Yết Ma.

Tạo tượng Phật có ích dụng gì ?

Tựa đề của Kinh cũng đủ cho chúng ta thấy tạo tượng Phật là một việc làm “công đức”. Công đức như thế nào ? Trong Kinh kể, “Nói xong, [Tỳ Thủ Yết Ma] vung búa đẽo gỗ tạc tượng liền. Tiếng phạt gỗ vang lên đến tầng trời Ba Mươi Ba, đến tận pháp hội của Phật. Do thần lực của Phật nên bất cứ chỗ nào tiếng phạt gỗ vang đến, chúng sinh ở chỗ ấy mà nghe được âm thanh này, thì tội cấu phiền não đều được tiêu trừ. Bấy giờ, Như Lai bỗng mỉm cười và không hết lời ca ngợi công đức của nhà vua, đến mức Phật còn từ xa ấy mà thọ ký A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề cho nhà vua nữa”. Đoạn Kinh này cho thấy rõ mối liên hệ chính yếu giữa việc tạo tượng Phật và việc thành Phật sau này. Tạo tượng Phật là nhân và quả của nhân này là chính người tạo tượng sẽ thành Phật sau này. Thế nên việc tạo tượng là một công đức phi thường và nền tảng nhất cho con đường “thành Phật”.

Trong Kinh còn đưa ra câu hỏi của chúa trời Ba Mươi Ba, “Thế Tôn, hiện giờ tại nhân gian có chăng những người nào mà trong những đời trước đã từng làm tượng Phật hay không ?” Phật trả lời, “Thiên Chủ, những người đã từng là tượng Phật trong quá khứ đều đã giải thoát hết rồi! Ở ngay trong chúng cõi trời này mà còn không có thì huống gì là ở chỗ nào khác”. Ngay sau đó đức Phật liền kể ra “tông tích” của một số các đệ tử Ngài đều do nhân duyên công đức tạo tượng hay liên hệ đến Tam Bảo mà có được các quả báo siêu việt như hiện nay. Chẳng hạn như vua Tần Bà Sa La là do đời quá khứ từng tạo tượng Bồ Tát mà sinh ra làm vua và được gặp Phật, khi chết sinh làm con vua trời Tỳ Sa Môn; Ba anh em ngài Ca Diếp, do đời quá khứ sửa sang Phật đường, nên đời nay đắc được giải thoát; ngài Kiều Phạm Ba Đề xưa làm thân trâu, do đi tìm cỏ mà nhiễu quanh tinh xá Phật ăn cỏ cây ở đó, nhân thấy tôn dung của Phật mà phát tâm hoan hỉ, nhờ phúc đức ấy nay được giải thoát; Thi Tỳ La từng đem bảo cái cúng dường cho tượng Phật; A Nâu Lâu Đà thắp lên một tim đèn cũng để cúng dường; Thâu Tỳ Na từng quét Phật đường; A Bà Ma Na ở ngay trước tượng Phật thắp đèn thí ánh sáng; Nan Đà Tỳ Khưu ái kính oai nghi của tôn tượng mà dùng hương thủy tắm rửa cho tượng… Phật nói, “Có vô lượng các bậc A La Hán như thế đều do từng có đôi chút cúng dường tượng Phật, cho đến ít nhất là Na Già Ba La chỉ có trước tòa của tượng lấy chút hoàng đơn vẽ một thân tượng để cúng dường lên. Do phúc đức ấy mà đều được lìa khổ chứng đắc giải thoát”. Phật lại nói tiếp, “Thiên Chủ, Nếu lại có ai trong khi Pháp của ta chưa diệt mà có thể ra sức tạo các tượng Phật, thời nơi hội đầu tiên của Di Lặc sẽ được giải thoát. Nếu có chúng sinh nào không phải chỉ vì chính mình cầu xuất ly mà vì muốn đắc Vô thượng Bồ đề nên tạo tượng Phật, phải biết đó chính là nhân của ba mươi hai tướng, và làm cho người ấy mau được thành Phật”.

Nếu vua Ưu Điền do tạo tượng Phật mà được thọ ký Bồ đề là kết quả lâu xa về sau, thì kết quả ngay hiện tại, theo Kinh nói, ngay sau khi tượng vừa được tạo xong, “Khi ấy vua Ưu Đà Diên thấy tượng làm xong tướng đẹp oai nghiêm tâm sinh niềm tin thanh tịnh, đắc được Nhu thuận nhẫn. Do đắc được nhẫn nên lại càng thêm hân hoan sung sướng, bao nhiêu nghiệp chướng cùng các phiền não đều được tiêu trừ, ví như mặt trời xuất hiện thì sương giá đều tiêu tan. Duy trừ một nghiệp hiện thân phải chịu, đó là đã từng ở trước thánh nhân nói lời ác ngữ”. Nhu thuận nhẫn theo sự giải thích của Tăng Triệu đại sư là “[Đối với chân lý] tâm thì mềm mại, trí thì thuận theo, có khả năng thọ nhận được thật tướng, song chưa đạt đến mức vô sinh, nên gọi là Nhu thuận nhẫn”.

Các đoạn Kinh trên đủ cho chúng ta thấy ích dụng của việc tạo tượng siêu việt đến mức nào, thế nên khỏi phải nhắc tới biết bao kết quả ích lợi khác nữa mà trong các Kinh thuộc loại này kể ra không biết chán mệt.

Lược qua về sắc thân quan trong Đại Thừa

Muốn hiểu rõ hơn nữa về ý nghĩa quan trọng của tượng Phật trong Đại Thừa, chúng ta cần phải xét qua các quan điểm của Đại Thừa về “sắc thân” và “pháp thân” của Phật. Nếu chúng ta cho rằng “pháp” là gì cao quý hơn “sắc” rất nhiều, thời theo đó chúng ta sẽ chỉ tôn trọng Pháp của Phật mà coi nhẹ Sắc của Phật. Sắc tướng của Phật mà còn bị coi thường, thì huống gì là hình tướng của tượng Phật vốn chỉ là 1 thể chất vô tình !

Song theo Đại Thừa, Sắc thân này thật sự chưa từng bao giờ bị coi thường trong Đại Thừa Phật giáo. Sắc thân của Phật không phải chỉ là sắc pháp vô thường biến hoại của thế gian, mà đó là cả một công trình xây dựng trường kỳ qua ba vô số kiếp, với sự tích góp của vô lượng công đức từ bi trí huệ vô lậu tương ưng với thật tướng của tất cả các pháp mới có thể có được một sắc thân như vậy. Sắc thân ấy bất khả tư nghì, như kim cương bất hoại bất diệt, là nơi tích tụ của vô lượng thiền định tam muội, thần thông biến hoá, là hiện thân của tất cả những gì là chân thật chân lý, là chỗ y cứ của giải thoát Niết bàn cứu cánh và Giác ngộ vô thượng. Thật sự ra tất cả những gì chúng ta gọi là Pháp của Phật đều không lìa khỏi Sắc thân ấy mà có được.

Trong suốt giai đoạn đức Phật còn tại thế, Sắc thân ấy là tất cả mọi ý nghĩa của Phật pháp, đạo Phật được xây dựng trên Sắc thân ấy, chúng sinh quy y nương tựa trên Sắc thân ấy. Sắc thân ấy làm cho “Pháp”, tức chân lý, trở thành hiện thực, cụ thể, không còn chỉ là một lý thuyết suông, một ý nghĩa rỗng không. Sau khi đức Phật nhập diệt, Sắc thân ấy trở thành xá lợi, vẫn tiếp tục là một tác nhân có đầy đủ công năng để lợi lạc cứu độ chúng sinh.

Thế nên trong Kinh Dục Phật Công Đức, Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát hỏi đức Phật hai câu hỏi như sau, “(1) Chư Phật Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác do nhân duyên gì mà có được [sắc] thân thanh tịnh với tướng đẹp hoàn toàn như vậy ? (2) Lại các chúng sinh được gặp Như Lai gần gũi cúng dường đạt được phúc báo vô lượng vô biên. Chẳng hay sau khi Như Lai nhập Niết bàn rồi thì các chúng sinh cúng dường ra sao, tu công đức nào để thiện căn ấy mau chóng đạt đến cứu cánh Vô thượng Bồ đề ?”.

Đức Phật trước hết giải thích Pháp thân tức chính là Sắc thân, thế nên do “Pháp” thanh tịnh nên “Sắc” thanh tịnh, “Thiện nam tử, phải hiểu rằng do vì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, tĩnh lự, trí huệ, từ bi hỉ xả, giải thoát, giải thoát tri kiến, lực, vô sở úy, tất cả Phật pháp, Trí nhất thiết chủng [mọi Pháp ấy đều] thiện và thanh tịnh, nên [sắc thân] Như Lai thanh tịnh”. Vị Phật đang hiện hữu đối trước Thanh Tịnh Huệ Bồ Tát đó là một “sắc thân” hoàn toàn thanh tịnh do bởi tất cả Phật pháp đều thanh tịnh. Điều ấy có nghĩa là Pháp tức Sắc, Pháp thanh tịnh nên Sắc thanh tịnh.

Và trả lời tiếp câu hỏi thứ hai, đức Phật đưa ra ý nghĩa về các thân Phật, “…Chư Phật Thế Tôn có đủ ba thân là Pháp thân, Thọ dụng thân và Hoá thân. Sau khi ta niết bàn, nếu muốn cúng dường ba thân ấy thì hãy cúng dường xá lợi. Song xá lợi có hai loại : một là thân cốt xá lợi, hai là pháp tụng xá lợi…Nếu người nam, người nữ, Bí su năm chúng mà có tạo tượng Phật, hoặc không đủ khả năng thì ít nhất là nhỏ như hạt lúa, hoặc tạo tháp cỡ bằng quả táo… rồi đặt xá lợi như hạt cải hay chép pháp tụng bỏ vào đó. Rồi với các thứ trân kỳ mà cúng dường, tùy theo khả năng của mình mà chí thành ân cần thì [công đức có được] như [cúng dường] thân ta hiện còn tại thế đây không chút sai khác”. Ở đây đức Phật xác định thân xá lợi hoặc thuộc sắc pháp, tức thân cốt xá lợi, hoặc thuộc pháp tụng, tức chữ nghĩa hoặc âm nghĩa, đều có công năng y như ba thân Phật mà trong đó gồm cả “pháp” thân. Cũng nên chú ý là câu nói trên của Phật là gồm cả tượng Phật nữa, cũng có công năng bằng như ba thân.

Song khi nói về Sắc thân Phật tức nói đến sắc mầu vàng tía, dáng cao trượng sáu, chính yếu là ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Điều này, người phật tử chúng ta luôn bị ám ảnh bởi bài kệ trong Kinh Kim Cương, “nếu dùng sắc để thấy ta, theo âm thanh để cầu ta, người ấy hành tà đạo, không thể thấy Như Lai”. Và ngay trong Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức, Di Lặc Bồ Tát cũng đặt câu hỏi, “Thế Tôn [thân của] chư Phật Như Lai là thân pháp tính chứ không phải là thân sắc tướng. Nếu lấy sắc tướng làm thân Phật thì Tỳ khưu Nan Đà và Chuyển luân thánh vương cũng đều là Phật hết, vì 2 vị ấy đều có đủ các tướng tốt [như của Phật]…” Chính vì các lý do này mà người phật tử đâm coi thường Sắc thân và coi thường lây tượng Phật ! Không những thế, câu hỏi của vua Ba Tư Nặc sau đó còn cho thấy nhiều bất toàn hơn nữa của sắc thân và công năng tạo tượng Phật, Kinh kể như sau, “Lúc ấy trong hội có những người chưa phát Đại thừa tâm đều sinh nghi ngờ, không biết Như Lai trong quá khứ có tạo tượng Phật hay không có tạo ? Nếu mà có tạo thì tại sao tuổi thọ lại có giới hạn, còn có bệnh, có khổ, cõi nước Ngài ở thì đầy dãy uế trược không hề thanh tịnh?” Vua Ba Tư Nặc nhân đó mới hỏi Phật, “Thế Tôn,… song Phật Thế Tôn từng có lần bị cây Kiếp Đa La đâm làm chân bị thương; lại có lần bị Đề Bà Đạt Đa đẩy núi đá xuống làm chân chảy máu; lại có lần Ngài nói có bệnh và sai Kỳ Bà điều chế thuốc mạnh; lại có lần Ngài bị đau lưng phải bảo Ma Ha Ca Diếp tụng bẩy phần Bồ đề cơn đau mới được trừ; lại có lần Ngài khó ở, phải sai A Nan Đà đến nhà Bà la môn xin sữa bò dùng; lại có lần trong thôn Sa La an cư ba tháng chỉ ăn lúa ngựa; lại có lần Ngài khất thực mà không được gì hết, đem bát trống không mà về. Như Thế Tôn vừa nói nếu có ai từng làm tượng Phật thì bao nhiêu nghiệp chướng đều được tiêu trừ, lìa các khổ não, không còn tật bệnh nữa. Vậy Thế Tôn xưa kia có từng làm tượng hay là không làm? Nếu xa xưa kia mà Ngài từng làm thì do nhân gì mà có các sự việc như vậy?”.

Giờ dây chúng ta thử cứu xét về ba vấn đề trên :

1/- Trước hết về bài kệ trong Kinh Kim Cương, bài kệ ấy rõ ràng chỉ khẳng định rằng người nào dùng sắc và âm thanh để thấy để cầu Phật thì như thế là lạc vào đường tà rồi, song bài kệ không hề khẳng định rằng sắc và âm thanh là tà đạo. Nếu sắc và âm thanh là tà đạo, thì sao đức Phật không nói rằng, “sắc chỉ là tà đạo, âm thanh cũng tà đạo, đừng thấy sắc nghe thanh, đó chính là Như Lai ?” Điều này đủ thấy rõ vấn đề sai lầm không ở nơi sắc và âm thanh mà ở nơi người sử dụng sắc và âm thanh. Ví như trong bóng đêm chúng ta thấy cuộn dây mà lầm là con rắn, thì lỗi lầm không ở nơi cuộn dây mà ở nơi cái thấy của chúng ta, chứ tại sao lại đổ hết lỗi lầm vào cuộn dây ?

Sắc và âm thanh vốn không tự nhận mình là Như Lai, cũng không tự phủ nhận mình chẳng phải là Như Lai, chính cái tâm của chúng ta cho đó là Như Lai và cho đó không phải là Như Lai. Sắc và âm thanh cũng không hề có ý gì lừa dối chúng ta, mà tự chúng ta thấy ra thế này thấy ra thế kia. Sắc và âm thanh cũng không hề vui khi chúng ta bám vào đó, và cũng chẳng hề buồn khi chúng ta hủy bỏ khinh chê. Tự tướng của sắc và âm thanh luôn luôn như như bất động, không sinh không diệt, không tạo tác, không tư vị, không tự ngã, không sỡ hữu. Chẳng qua vì chúng ta không thấy ra được thật tướng đó của sắc và âm thanh, nên khởi tâm tà vọng cho sắc và âm thanh này là tôi, là của tôi, và sắc và âm thanh kia là Như Lai, là Pháp của Như Lai, thế nên Phật mới nói bài kệ trên để phá tâm tà vọng đó của chúng ta, chứ đâu phải là phá sắc và âm thanh để mà rơi vào đoạn diệt. Phá tâm tà vọng như thế là để chúng ta thấy rõ ra, hay chứng ngộ được, thật tướng vô sinh diệt của sắc và âm thanh vậy. Thế nên câu kệ cuối cùng mới vẫn dùng chữ “thấy” mà nói là “không thấy được Như Lai”, tức cứu cánh vẫn là để “thấy” ra Như Lai, chính là thấy ra thật tướng của sắc và âm thanh vậy. Tóm kết lại, Như Lai chính là sắc và âm thanh trên bình diện thật tướng.

Bài kệ cũng không hề khẳng định rằng lìa sắc và âm thanh đó là chính Đạo. Nếu đúng như thế là chính Đạo, thì đức Phật chỉ việc nói “bịt mắt bịt tai lại, đừng thấy nghe gì hết, đó là hành chính đạo, đó chính là Như Lai”, có phải là dễ hiểu cho chúng ta biết bao không! Dù có lìa đi chăng nữa thì cũng là tâm chúng ta vọng thấy là lìa là hợp, chứ tự tướng của sắc và âm thanh không hề có lìa hay hợp, mà lúc nào cũng như như bất động, không tạo không tác… Bài kệ nhằm chặn đứng và giải tỏa tâm tà vọng ấy để cho tâm thức hành giả đứng yên lại, lắng trong xuống, bất động, không tạo tác, thời sẽ tương ưng được với thật tướng của sắc và âm thanh và nói chung là của tất cả các pháp. Nhờ tương ưng nên tâm hành giả sẽ “thấy” hay chứng được thật tướng của sắc và âm thanh…, và khi ấy tâm thức trở thành Trí bát nhã.

Do đó bài kệ của Kinh Kim Cương không hề nhằm đả phá sắc và âm thanh, mà trái lại chính lại nhằm điều tâm đúng mức để đưa tới chỗ chứng ra thật tướng của sắc và âm thanh vậy.

 2/- Thứ đến là câu hỏi của Di Lặc Bồ Tát, trọn nguyên câu hỏi ấy như sau, “Thế Tôn, [thân của] chư Phật Như Lai là thân pháp tính chứ không phải là thân sắc tướng. Nếu lấy sắc tướng làm thân Phật thì Tỳ khưu Nan Đà và Chuyển luân thánh vương cũng đều là Phật hết, vì hai vị ấy đều có đủ các tướng tốt [như của Phật]. Nếu vậy, hoặc như có chúng sinh nào hủy hoại Pháp thân của Phật, [nghĩa là] pháp mà nói là phi pháp, phi pháp mà nói là pháp, rồi sau đó lại phát tín tâm mà tạo tượng Phật, thì trọng ti kia có vì thế mà được tiêu diệt hay không thể diệt được ?” Pháp thân của Phật nói rõ ra gồm năm pháp : Giới, Định, Huệ, Giải thoát, và Giải thoát tri kiến. Có nghĩa là chẳng hạn người nào phá giới, tức là phá Pháp thân của Phật; người nào phát sinh tà kiến hủy hoại chính kiến, tức pháp Pháp thân của Phật… Phá Pháp tức phá Đạo. Đạo bị phá thì làm sao đi đến giải thoát được. Giải thoát không có tức khổ không lối thoát. Do đó ti này cực nặng. Ở đây, đức Phật trả lời như sau, “Nếu chúng sinh kia pháp mà nói là phi pháp, phi pháp lại nói là pháp, song chỉ nói nơi miệng thôi chứ không hoại [chính] kiến. Sau đó sinh lòng tin sẵn lòng tạo hình tượng Phật. Thì nghiệp ác trước đó chỉ nơi thân hiện tại mà chịu báo nhẹ, chứ không phải đọa ác đạo, song vẫn phải ở trong sinh tử chứ chưa giải thoát ngay được”. Câu trả lời của đức Phật cho chúng ta thấy rõ công năng của việc tạo tượng Phật ra sao. Vấn đề ở đây chỉ mới là tạo tượng Phật thôi chứ chưa phải là Sắc thân sinh động của Phật. Tượng là thể theo Sắc thân mà tạo lập, tượng đã có công năng như thế, thì công năng của sắc thân dĩ nhiên còn vi diệu hơn nhiều. Như vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, a tòng theo Đề Bà Đạt Đa, tức theo ác kiến, phá Tăng hại Phật. Nhưng rồi sau này hối hận, đến trước Phật, tức trước sắc thân, sám hối quy y, nên tội nghiệp được tiêu trừ và trở thành m?t cận sự hộ pháp đắc lực của Phật.

Thế nên, đành rằng nơi mặt sắc tướng Nan Đà và vua Chuyển luân đều có ba mươi hai tướng giống như Phật, song ở mặt công năng cứu độ chúng sinh của sắc thân thời hai vị kia không thể so sánh được với Như Lai. Ví như chúng ta làm hai vật giống y hệt nhau về hình tướng, song một vật bằng kim cương và một vật bằng đá xanh, thì tuy hình tướng không khác, song vật bằng kim cương vẫn có công năng, giá trị và quý báu gấp trăm ngàn lần vật bằng đá xanh. Vật bằng kim cương được cất giữ ở nơi sang trọng và có công năng làm cho người chủ trở nên giầu có, danh tiếng, được người khác hâm mộ kính trọng; trong khi vật bằng đá xanh, tuy đồng hình tướng với vật bằng kim cương, song không thể có công năng làm cho người chủ có được vinh dự lớn lao, và bị bỏ lăn lóc nơi xó vườn! Cũng vậy, ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của đức Phật là làm bằng chất trí huệ, đại từ bi, đại nguyện và công đức lục độ, được kết tinh qua ba vô số kiếp; trong khi ba mươi hai tướng của ngài Nan Đà và vua Chuyển luân chỉ là chất thiện phúc đức hữu lậu của thế gian được kết tinh qua vài kiếp.

Do đó ba mươi hai tướng của hai ngài này không thể có được công năng độ sinh như Sắc thân ba mươi hai tướng của đức Phật, nên không thể có giá trị và được quý trọng ngang bằng với Sắc tướng Phật được.

3/- Về câu hỏi của vua Ba Tư Nặc, nghi ngờ khi thấy Sắc thân của Phật cũng phải chịu đủ mọi hoạn nạn, bệnh khổ, nên không rõ là trong quá khứ Phật có từng tạo tượng hay không. Nếu có, thì với công đức tạo tượng tại sao Phật lại bị như vậy ? Nếu không, thì Phật dạy cho chúng sinh tạo tượng để làm gì, và đâu cần phải tạo tượng cũng vẫn thành Phật được vậy ? Tuy câu hỏi ở đây là về công đức tạo tượng, song cũng như câu hỏi của ngài Di Lặc ở trên, nó có liên quan đến vấn đề Sắc thân Phật là hoàn toàn hay là bất toàn ? Nếu hoàn toàn thời Sắc thân Phật chính là Pháp thân Phật, nếu bất toàn thời chỉ Pháp thân mới cứu cánh, mới đáng tôn thờ, còn Sắc thân hoàn toàn thuộc thế gian, vô thường, bại hoại, không hề phải là đối tượng để nương tựa, tôn thờ. Đức Phật trả lời như sau, “Ta ở trong các đời trước, vì cầu Bồ đề nên đã dùng các loại như ngọc báu, chiên đàn, mầu vẽ v.v.. để làm tượng Phật, số lượng còn nhiều hơn số người trời trong hội này nữa. Do phúc báo ấy mà tuy ta ở trong sinh tử, các hoặc chưa đoạn tận, song các thân ta thọ báo đều kiên cố như kim cương không sao tổn hoại được. Đại vương, ta nhớ lại vào thời quá khứ, trong vô lượng kiếp sinh tử ta tạo hình tượng Phật, trong các giai đoạn ấy ta vẫn còn có tham, sân, si, với vô lượng phiền não tương ưng cùng ta, song chưa từng bao giờ trong một niệm thôi mà do tội nghiệp nên phải chịu bốn đại không điều hòa, chịu ác quỷ thần hay chút ít bệnh khổ nào đó hành phạt. Cần bất cứ gì cũng đều có đầy đủ. Huống gì ta giờ đây đã đắc được A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề mà lại có các chuyện không được như ý như thế… Đại vương, ta đã từ lâu đoạn tận hết mọi ác nghiệp, xả những gì khó xả, hành những gì khó hành. Thân mệnh ta xả hơn trăm ngàn ức, ta đã tạo vô lượng hình tượng chư Phật, đã sám hối hết vô lượng các ác nghiệp tội, thì có lẽ nào còn phải chịu các việc như bị thương, bệnh khổ, ăn lúa ngựa, đói khát này nọ… Đại vương, thân của chư Phật Như Lai là thân thường, thân Pháp, vì độ chúng sinh nên hiện ra các sự việc ấy chớ nào phải thật vậy, từ bị thương chân, đau lưng, xin sữa, dùng thuốc, cho đến Niết bàn, đem xá lợi phân phát ra mà khởi tháp thờ, đều là phương tiện thiện xảo của Như Lai khiến cho chúng sinh thấy các tướng như thế. Đại vương, ta hiện các sự việc hoạn nạn như thế ở giữa thế gian là muốn cho chúng sinh thấy nghiệp báo không hề mất để họ biết sợ hãi mà đoạn tất cả tội lỗi, tu mọi điều thiện. Sau đó mới thấy rõ ra thân thường thân Pháp [của ta] thọ mạng vô lượng, quốc độ thanh tịnh. Đại vương, chư Phật Như Lai không hề hư vọng mà chỉ do vì thuần nhất đại bi, trí huệ thiện xảo nên mơí hiện bày ra các sự việc như thế”.

Như thế, đức Phật đã xác định sắc thân của Ngài là hoàn toàn bất hoại ngay khi còn tham sân si chưa thành Đạo nữa kìa. Đó là mới do nhờ nơi công đức tạo tượng thôi, chớ chưa nói gì đến lục độ vạn hạnh, từ bi hỉ xả, trí huệ, lực, thiền định tam muội này nọ. Nếu Sắc thân có sinh có diệt thì đó chỉ là thị hiện để giáo hóa chúng sinh, chứ thật ra Sắc thân là thường là Pháp thân, thọ vô lượng kiếp, trụ nơi tịnh độ.

Sắc thân như thế vừa bao gồm cả Pháp thân, tức thật tướng của các pháp, vừa lại là phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh. Tức, chúng ta có thể nói là, Sắc thân vừa vô sinh vô diệt thường hằng, mà vừa sinh diệt nhân quả. Song mặt sinh diệt nhân quả này của sắc thân không hề phải là các pháp khổ đau, biến hoại, không thật của thế gian, mà lại là đại phương tiện thiện xảo, làm bằng chất bi nguyện và công đức lục độ vô lậu, để mà cứu độ chúng sinh. Pháp thân do chỉ có một mặt duy nhất là vô vi vô lậu vô sinh diệt mà thôi, thiếu mặt Sắc tướng sinh diệt, nên thật sự thiếu phương tiện, không thể độ chúng sinh được. Trong khi Sắc thân có đủ hai mặt vừa vô sinh diệt giải thoát thường hằng, vừa sinh diệt thể nhập thế gian cứu độ chúng sinh, vừa Trí Huệ vừa Từ Bi và phương tiện viên mãn hoàn toàn, thì tại sao chúng ta lại cứ coi thường Sắc thân như pháp khổ đau thế gian mà chỉ riêng coi trọng Pháp thân không thôi vậy ?

Tóm lại, khi Đại Thừa ca ngợi Sắc thân của đức Phật, thì không phải là ca ngợi trên bình diện vọng thức tà lệch, mà ca ngợi trên bình diện thật tướng tương ưng với Bát nhã trí. Sắc thân của Phật, nơi mặt tự tướng thời như như bất động, không sinh không diệt, không đến không đi, không tạo không tác, thường hằng, không, vô hạn vô tận, không nhiễm cũng không tịnh… Song nơi mặt duyên khởi, thời ứng theo tâm vô minh, sự khổ đau của chúng sinh làm duyên ; khơi nguồn từ Đại bi làm nhân; chuyển vận biến chuyển hướng tới quả bằng năng lực hành nguyện lục độ vạn hạnh qua ba vô số kiếp làm trợ nhân trang nghiêm; rồi dựa trên thật tướng vô sinh diệt Không chân như làm sở y, mà hiển hiện ra Sắc thân ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hoàn toàn vừa cứu cánh giải thoát vô lậu mà vừa là phương tiện thành lập Tam Bảo, cứu độ chúng sinh.

Sắc thân ấy vừa chính là sắc thân cho chúng sinh thấy biết, vừa chính là Không tính chân như lìa ngoài tâm phân biệt. Sắc thân ấy vừa phù hợp theo nguyên tắc nhân quả của thế gian, vừa tương ưng hoàn toàn với nguyên lý thường hằng bất biến, không tạo tác, tức không nhân, không sinh diệt, tức không quả, của chân như thật tướng. Do đó, Sắc thân ấy không phải có cũng không phải không, vừa là có cũng vừa là không, nên gọi là bất khả tư nghì. Tóm lại, Sắc thân ấy hoàn toàn là thế gian nhưng lại hoàn toàn là chân lý viên mãn cứu cánh tối thượng. Ở nơi đây, Sắc thân chính là Pháp thân. Và chính trên phương diện này, Sắc thân Phật của Đại Thừa được tôn thờ, đảnh lễ, cúng dường và ca ngợi.

Từ Sắc thân đến tượng Phật

Trở lại ý nghĩa của tượng, tượng Phật là một bản in lại của Sắc thân Phật, một bản “cóp pi”, và lý do tạo tượng là, như chúng ta đã biết, vì vua Ưu Đà Diên quá tưởng nhớ Sắc thân Phật nên mới tạo tượng. Vấn đề tạo tượng như thế cốt yếu là “ghi dấu” lại hay “in” lại cho thật trung thực tất cả mọi đường nét của Sắc thân Phật. Song đó là một điều bất khả đối với tất cả các nghệ sĩ điêu khắc của nhà vua, ngay đến Tỳ Thủ Yết Ma cũng phải nói, “Tài nghệ của tôi tuy nói là đệ nhất, song tạo hình tượng Phật thì không sao hoàn toàn được. Y như có người lấy than vẽ mặt trời mà nói là giống thì đâu có lẽ nào như thế được!” Kinh còn kể rằng khi vua “đi” tượng Phật đến đảnh lễ Phật, lúc ấy, “Tướng đẹp của thân Phật hoàn toàn đầy đủ trang nghiêm, ở giữa chư thiên nổi bật hơn hẳn, ví như trăng tròn lìa khỏi mây mờ. Tượng được tạo kia mà đối với Phật y như gò đống mà so với Tu Di không sao thí dụ nổi. Song chỉ có tóc hình xoắn ốc và bạch ngọc hào là còn được ít phần tương tợ để cho bốn chúng còn nhận ra đó là tượng Phật” (Phải chăng cũng vì thế nên sau này dựa vào tượng Phật để tu quán, chúng ta thường được khuyên là nên quán tướng bạch hào trước tiên? Bạch ngọc hào tức m?t trong các tướng tốt của đức Phật. Đó là một sợi lông mầu trắng, cuốn tròn về phía bên phải, ở giữa 2 lông mày của đức Phật. Phật thường từ bạch hào này mà phóng quang ra). Và cũng chính vì thế nên vua phải biện bạch cùng Phật, “Thế Tôn, Như Lai quá khứ ở trong sinh tử vì cầu Bồ đề mà đã thực hành vô lượng vô biên các khổ hành rất khó hành, mới có được thân tướng vi diệu tối thượng như thế. Tượng do con tạo chẳng giống với Phật, con tự xét thật lấy làm lầm lỗi không cùng !”.

Chúng ta đã biết là vua vì quá luyến nhớ Sắc thân Phật, nên dù biết là không thể nào tạo được một tượng Phật tương tợ như Sắc thân, song vẫn nhất định tạo, được chút nào tương tợ thì hay chút ấy. Động cơ tạo tượng hoàn toàn chỉ là tình cảm hữu lậu phiền não của thế gian, song nhà vua không ngờ việc làm ấy làm chấn động đến tận cõi trời, không những thế nhà vua còn vô tình mà lập nên một quy tắc nền tảng chung và khai mở ra cả một giai đoạn mới cho lịch sử đạo Phật, tức giai đoạn “tượng Pháp” dưới sự trị vì và lãnh đạo của tượng Phật. Thế nên đức Phật mới khích lệ vua như sau, “Không phải là lỗi lầm của ông. Ông nay đã làm được vô lượng lợi ích, không ai so bằng được ông đâu. Nay ông là người đầu tiên đặt ra quy tắc ấy cho Phật pháp của ta. Do nhân duyên này mà làm cho vô lượng chúng sinh được niềm tin và lợi ích lớn. Nay ông như thế là đã có được vô lượng phúc đức, quảng đại thiện căn”. Và Đế Thích cũng khích lệ vua như sau, “Vua giờ đừng có lo âu gì về việc ấy nữa. Như Lai trước đó ở trên trời và giờ đây dưới nhân gian này đều ca ngợi công đức tạo tượng của vua. Mọi chư thiên chúng cũng đều tùy hỉ. Trong đời vị lai ai có lòng tin đều theo nơi vua mà tạo hình tượng Phật, thành có được thắng phúc. Nên nay vua hãy hân hoan vui mừng đi !”.

Trong Kinh tiếp tục nói lên vô lượng công đức, ích lợi của việc tạo tượng. Song điểm quan trọng nhất là cái “quy tắc” mà vua, do luyến nhớ tạo tượng, đã đặt thành cho pháp Phật kia là gì vậy ? Kinh Quán Phật Tam Mu?i Hải sẽ công bố cái quy tắc ấy ra cho chúng ta tỏ rõ khi Kinh kể lại lúc tượng vàng đến nghinh đón Phật như sau, “Khi ấy tượng vàng từ trên voi bước xuống y như Phật sống, chân bước trong không và mưa hoa dưới chân, cũng phóng ra ánh sáng mà đến đón Thế Tôn. Rồi thì tượng vàng đúc chắp tay hướng về Phật làm lễ. Lúc ấy Thế Tôn cũng quỳ xuống chắp tay hướng về tượng. Thời trong hư không trăm ngàn hóa Phật cũng đều chắp tay quỳ xuống hướng về tượng. Lúc ấy Thế Tôn nói với tượng rằng : “Ông ở trong đời vị lai sẽ làm Phật sự lớn lao. Sau khi ta diệt độ, chư đệ tử của ta, ta phó chúc lại cho ông”. Các hóa Phật trong không cũng miệng khác mà đồng âm cùng nói như sau : “Nếu có chúng sinh nào sau khi Phật diệt độ mà tạo lập hình tượng, dùng cờ, hoa, các hương để cúng dường, người này đời sau chắc chắn đắc được Niệm Phật Thanh Tịnh Tam Muội. Nếu có chúng sinh nào biết hết mọi việc Phật từ trời xuống diễn tiến ra sao, rồi hệ niệm theo đó mà tư duy, thời sẽ tự được thấy Phật”. Theo đoạn Kinh trên thời tượng Phật chính là nơi đức Phật phó chúc và giao lại tất cả chúng đệ tử của Ngài. Tượng Phật sẽ thực hành đại Phật sự là nối tiếp Phật thống lãnh chư đệ tử và quảng đ chúng sinh theo pháp môn “tạo tượng cúng dường” như các hoá Phật đồng thanh tuyên nói. Điểm này phải chăng muốn nói lên ý nghĩa là sau khi Phật nhập diệt thời Phật vẫn còn ngự trị đó qua tượng Phật, và năng lực Giác ngộ vô sinh vô diệt cũng như nguyện lực đại bi bất tận của Ngài vẫn ứng theo chúng sinh mà thành các hoá thân bất tận của Phật. Song các hoá thân của Phật trong tương lai đều sẽ quy hướng về tượng Phật, sẽ nương vào tượng Phật làm pháp môn tu tập công đức và quán huệ.

Tóm lại, khi không còn Phật nữa rồi, thì dù là Tổ sư tông phái, dù là hoá thân Phật hay Bồ Tát, dù là Tam tạng Pháp sư, dù là thần tăng kỳ diệu gì đi nữa thì vẫn phải thờ tượng Phật, vẫn phải đảnh lễ, quy y về tượng Phật. Và ngày nào tượng Phật còn có đó thời có nghĩa là đạo Phật còn có đó; ngày nào tượng Phật không còn có ở bất cứ đâu nữa thời có nghĩa là đạo Phật đã hoàn toàn tiêu diệt hẳn.

Quy kết về ý nghĩa của tượng Phật

Qua những đoạn Kinh vừa trình bày ở trên, chúng ta đủ thấy rõ là tượng Phật không phải chỉ là một “biểu hiện”, một biểu tượng, như hình ảnh hoa sen, bánh xe pháp luân…; cũng hoàn toàn không phải là một “kỷ vật”, tức một vật kỷ niệm, một vật để nhắc nhở chúng ta điều này hay điều kia; và càng không phải là một pho tượng kỷ niệm một danh nhân hay một nhà đạo đức, chỉ để chúng ta bùi ngùi chiêm ngưỡng hâm mộ, và do đó điện thờ Phật hay tháp thờ Phật không hề phải là một đài kỷ niệm hay đền kỷ niệm. Vậy tượng Phật có ý nghĩa gì  ?

Qua tất cả những gì đã nói từ đầu đến giờ, chúng ta tóm lại : Tượng Phật là hiện thân của Sắc thân Phật, vừa mang chính trong mình chân lý tối thượng của đạo Phật, tức gồm cả Pháp thân Phật, vừa là một phương tiện tối thiện xảo, có công năng duy trì đạo Phật giữa thế gian đầy u tối này, làm cho Tam Bảo được trường tồn, và là nơi nương tựa của toàn thể chúng sinh.

Tượng Phật được như vậy là do truyền thừa lại được phần nào công năng của Sắc thân Phật vậy. Như nếu chúng ta lấy một miếng gỗ chiên đàn thật quý để tạo bất cứ hình tượng gì, rồi đem để lên cao thờ, chúng ta không thể vì thế mà phát triển tâm linh, tăng trưởng công đức, hay làm cho đạo Phật có mặt được; và nếu chúng ta có dẵm đạp lên pho tượng ấy thì cũng chẳng có nghiệp báo nhân quả gì xảy ra. Nhưng nếu chúng ta cũng dùng chính miếng gỗ ấy mà tạo nên một pho tượng Phật theo Sắc thân Phật, thì dù pho tượng ấy không được hoàn hảo mấy đi nữa, khi chúng ta thờ thời tâm linh sẽ phát triển, công đức sẽ tăng trưởng, và đạo Phật thật sự hiện hữu; nếu chúng ta coi thường dẵm đạp lên tượng Phật ấy, nhân quả nghiệp báo sẽ thành tựu liền.

Điều ấy chứng tỏ chất gỗ không làm nên đạo Phật, song một khi Sắc tướng thể nhập vào và hiển hiện lên mặt gỗ thời chất gỗ ấy trở thành một “tượng” Phật với đầy đủ mọi công năng để thi hành mọi Phật sự. Tượng như thế là để duy trì và truyền đạt công năng của Sắc thân Phật đến để cứu độ chúng sinh. Do đó người phật tử Đại thừa thờ tượng Phật, cung kính, đảnh lễ, cúng dường tượng Phật, chính là cung kính, đảnh lễ, cúng dường Sắc tướng Phật với tất cả các công năng trí huệ, từ bi… vẫn còn sinh đ?ng có đó qua các chất liệu vô tình.

Tượng Phật do đó chính là Sắc tướng Phật được lưu lại từ thân xác thịt, tức khi Phật còn tại thế, qua thân xá lợi, tức ngay sau khi Phật nhập diệt, cho đến thân vô tình của đất đá, gỗ, kim loại… Sắc tướng ấy là tất cả đạo Phật, nơi Sắc tượng ấy mà tất cả mọi Phật sự được thi hành.

Tạo tượng Phật

Dĩ nhiên tượng Phật không thể lưu lại được hết nét đẹp của Sắc tướng phật, song tâm tạo tượng và ý niệm “Phật” trong tâm người tạo tượng vẫn là yếu tố then chốt để làm cho việc tạo tượng trở thành một công đức siêu việt.

Theo ý của Kinh, thời người tạo tượng dù chủ ý hay không chủ ý thì việc tạo tượng vẫn là một nguyên nhân, một chủng tử của Vô thượng Chính đẳng Chính Giác. Vua Ưu Đà Diên tạo tượng chỉ để đỡ nhớ nhung, song vẫn được Phật thọ ký. Phật nói rõ là trong quá khứ vì cầu Bồ đề mà ngài đã tạo không biết bao nhiêu là tượng Phật. Công đức của tạo tượng không thể nói hết được, song điểm quan trọng nhất vẫn là “tạo tượng Phật chính là nhân để thành Phật”. Đây là về mặt tự lợi. Tạo tượng Phật tức in lại (“ấn”) Sắc tướng (hay “dấu vết”) của Phật (tức Giác ngộ, tức Pháp) và như thế làm cho Phật hay Giác ngộ hiển hiện, rõ nét trở lại giữa thế gian vô thường này, nhờ đó Tam Bảo được củng cố trụ trì vững chắc, và chúng sinh được “ân triêm công đức” lợi lạc. Đó là về mặt lợi tha.

Kinh cho thấy rõ là khi nói “tạo” tượng Phật, thì không phải là chính tay mình phải tạo tượng, mà do chính mình khởi lên tâm nguyện thiết tha muốn tạo tượng, rồi cho thợ tạo tượng. Theo nguyên tắc “nghiệp nhân quả” trong đạo Phật, thì người chủ trương, tức người có ý muốn thiết tha làm, chính là người làm, chứ không phải là người được sai làm. Pho tượng Phật đầu tiên tuy do chính tay Tỳ Thủ Yết Ma làm, song vua Ưu Đà Diên mới chính là người tạo pho tượng ấy, nhân quả của việc tạo tượng này đều thuộc về vua Ưu Đà Diên, bởi ý muốn làm tượng là ý muốn của vua, và do vua sai làm tượng nên tượng mới được làm. Người thợ làm tượng chỉ do lời sai hay thuê mà làm như một nghề nghiệp, thì người ấy coi như chẳng dính gì đến nhân quả của việc tạo tượng. Người thợ làm tượng muốn chia xẻ nhân quả với người sai làm, thời cần phải phát khởi ý nguyện cùng làm với người sai bảo. Thế nên, sau khi tạo tượng xong, vua ban thưởng cho Tỳ Thủ Yết Ma, vị thần này mới nói như sau, “Nay vua tạo tượng Phật, nên tôi cũng tùy hỉ. Nguyện cùng với đại vương đồng tu phúc đức này. Những gì giờ đây vua ban tặng tôi không dám nhận. Nếu muốn ban thưởng gì, đợi một ngày tốt khác”. Ngoài ra một người chủ trương tạo tượng kêu gọi các người khác cùng đóng góp. Các người khác hưởng ứng đóng góp để làm, thì tất cả mọi người đều có phần nhân quả trong việc tạo tượng ấy.

Sau cùng, vì tượng chính là phản ảnh lại Sắc tướng tuyệt đẹp của Giác ng?, thế nên người tạo tượng cũng phải cố hết sức để tạo nên mt pho tượng cho thật “đẹp”, chứ không phải chỉ cần tâm niệm chân thành là đủ rồi. Sắc tướng của Phật, trong Kinh không biết bao lần đều diễn tả là đẹp đến mức hễ ai đã nhìn thấy là không còn dời mắt đi đâu được nữa. Chính các đại Bồ Tát như Địa Tạng, Văn Thù v.v… đều do chiêm ngưỡng sắc tướng tuyệt đẹp của Phật mà phát đại nguyện thâm nhập vào Đạo. Thế nên quan điểm chỉ tạo một pho tượng nhìn sao cho khả kính không thôi là không đúng. Và cũng không đúng chút nào nếu quan niệm rằng tượng Phật chỉ thuộc về lãnh vực nghệ thuật. Càng không phải nữa là quan niệm tượng Phật chỉ là một biểu tượng, một kỷ niệm vật. Tượng Phật cần biểu hiện ra được phần nào Sắc tướng đẹp tuyệt vời của Phật là để tôn thờ phát triển tâm linh, chứ không phải là một hình ảnh xử phạt nào đó mà khiến chúng ta không dám tới gần vì “sợ tội”, cũng không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật cho khiếu thẩm mỹ thưởng thức, hay chỉ là một pho tượng “chết” để niệm tưởng. Do đó một pho tượng Phật lý tưởng cần có đủ ba tính chất như sau: đẹp, lôi cuốn người ta đến gần để chiêm ngưỡng (nghệ thuật tính), oai nghiêm, làm người ta khi chiêm ngưỡng phát sinh tâm kính mến (đạo đức tính); và khuất phục, khiến đã chiêm ngưỡng rồi là phải muốn đảnh lễ cúng dường (tâm linh tính).

Ngoài ra truyền thống của Phật giáo Mật tông còn có hẳn một bộ Kinh là Tạo Phật Lượng Độ Kinh, trong đó ngài Xá Lợi Phất hỏi đức Phật về chi tiết tất cả các kích thước của thân thể, mày mặt, môi miệng v.v… của một pho tượng Phật ra sao. Song truyền thống của Hiển giáo về vấn đề tạo tượng Phật thì hoàn toàn tự do. Tâm nguyện tin tưởng, chân thành và tha thiết của người tạo tượng vẫn là nền tảng và là yếu tố chính yếu để tạo thành một pho tượng Phật với kết quả hoàn toàn tốt đẹp.