Ý Nghĩa Pháp Khí Và Pháp Phục Trong Phật Giáo

 Thích Chúc Xuân

 

Pháp khí là những dụng cụ dùng để thực hành các loại pháp sự, để dâng cúng lên chư Phật hoặc các đạo tràng nghiêm trang, hoặc làm dụng cụ trợ ích trong tu tập. Pháp phục là những y cụ cần thiết cho tu sĩ

Nghi Lễ trong đạo Phật có rất nhiều pháp khí như: Chuông, trống, bảng, khánh, tràng hạt, bình bát, cà sa, tích trượng v.v… mỗi thứ đều có một công dụng và ý nghĩa khác nhau.

I/ Những pháp khí thông thường:

CHUÔNG:

Xuất xứ: Theo như trong kinh Tăng nhất a hàm có chép: Mỗi khi nghe tiếng chuông ngân lên, thì các hình phạt trong các ác đạo tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh nào đang chịu những hình phạt ấy cũng được tạm thời an vui. Nghe được tiếng chuông là phiền não nhẹ vơi đi.

Theo kinh Tăng A Hàm, quyển 24 Ðức Phật bảo ngài A Nan: “hãy đánh chuông lên để tập họp chúng, nhân ngày rằm tháng 7”. Vậy chuông là một pháp khí để tập họp Tăng Chúng và thức tỉnh Chúng Sinh đã có từ thời Phật tại thế.

Trong chuyện Cảm thông cũng có chép:

.. .”Ngày xưa khi đức Phật Câu Lưu Tôn ở tại viện Tu Đa La xứ Càng trúc đã có tạo một quả chuông bằng đá xanh, thường vào lúc mặt trời vừa mọc khi tiếng chuông ấy vừa ngân lên thì trong ánh mặt trời ấy có các vị Hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh, làm cho người nghe được chứng thánh quả không kể xiết”.

Trong bộ kinh Kim cang Chí cũng có chép: “Vua Hiếu cao Hoàng đế đời nhà Đường nhơn vì nghe lời sàm tấu của Tống tề Khưu mà giết lầm kẻ tôi trung tên là Hòa Châu, nên khi chết đọa vào địa ngục. Một hôm có một người bị bạo tử (chết thình lình) thần hồn đi lạc vào địa ngục ấy, thấy một tội nhân đang bị gông cùm, bị kềm kẹp đánh đập rất là khổ sở, hỏi ra thì mới biết là vua Hiếu Cao nhà Đường. Vua gọi vị bạo tử ấy vào mà nói rằng: Nhờ ngươi trở lại dương thế nói giúp với hậu chúa rằng: Hãy vì ta mà đúc chuông cúng dường và làm các việc từ thiện. Khi trở lại dương thế, người bạo tử liền đến yết kiến hậu chúa để chuyển lời nhắn nhủ của vua Hiếu Cao. Nghe vậy, hậu chúa liền thân hành đến chùa Thanh Lương phát nguyện đúc một quả chuông để cúng dường và cầu siêu cho Hiếu Cao Hoàng đế. (Tích nầy trong truyện Bách Trượng thanh quy, trang 68 và 87). Đồng thời trong kinh Lăng nghiêm, đức Phật cũng bảo ngài La hầu La đánh chuông để giảng cái lý cho Tôn giả A Nan nghe. Vì thế chúng ta có thể hiểu rằng chuông đã có từ thời đức Phật còn tại thế.

Ở Trung Quốc, chuông đã được xử dụng tại các tự viện từ đời nhà Chu (557 trước tây lịch), nhà Tùy (609) “Tục Cao Tăng Truyện: ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại chùa Thiền Ðịnh ở kinh đô Trường An”. Thế kỷ thứ VI, Hòa Thượng Chí Công khởi xướng, vua Lương Vũ Ðế thực hiện “Hồng chung” cầu nguyện cho các thần thức bị đọa trong chốn U Minh (địa ngục).

Phật Giáo Việt Nam từ trước đến nay thường xử dụng 3 loại chuông:

1. Hồng Chung

Cũng còn gọi là Phạn chung, Hoa chung, Cự chung, Ðại chung.

Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt. Thông thường chuông cao khoảng 1.50m, đường kính khoảng 6 tấc. Loại này treo trong lầu chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng hoặc báo thời sớm tối. Người Việt Nam thường dùng từ “Ðại hồng chung” chỉ cho loại chuông thật lớn, gần như không còn có quy định, có nơi được tính theo tiếng ngân dài của chuông. Như ở Huế: đánh chuông lên, dùng hai tay dăng ra và gập lại vào ngực gọi là một “sải”, làm như vậy cho đến khi tiếng ngân của chuông chấm dứt, được bao nhiêu lần là chuông lớn bấy nhiêu “sải”.

Ðại hồng chung còn được dùng:

Dùng công phu khuya sớm. Người thỉnh chung: tay đánh chuông, miệng đọc bài kệ:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn.
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác.

(Hòa thượng Thích Trí Quang dịch: Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới, Thiết vi u ám cũng nghe được. Căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông, Hết thảy chúng sanh thành chánh giác).

Đồng thời, nguyện cho tất cả loài hữu tình lắng lòng nghe tiếng chuông, rồi duyên theo tiếng chuông ấy cũng bằng câu kệ:

Văn chung thanh phiền não khinh,
Trí huệ trưởng bồ đề sanh,
Ly địa ngục xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật độ chúng sanh.
Án, già ra đế da tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Nghe được tiếng chuông, phiền não liền nhẹ,
Trí huệ thêm lớn, sanh tâm bồ đề
Ra khỏi địa ngục, vượt thoát hầm lửa,
Nguyện được thành Phật, để độ chúng sanh.
Án, già ra đế da tóa ha (3 lần)

Tiếng chuông sớm hay tiếng chuông chiều không những chỉ để cảnh tĩnh cõi dương mà còn hướng dẫn cho cõi âm nữa. Vì thế mà thường gọi là chuông U minh.

Chuông trống Bát Nhã (đánh theo bài kệ ở sau).

Và trong các đại trai đàn chẩn tế, thường gọi là Chuông U Minh.

2. Chuông báo chúng

Cũng còn gọi là Hoán chung, Tiểu chung, Bán chung, kích thước bằng ½, hình dáng giống như Hồng Chung, thường để một góc trong chánh điện, được treo trên giá và di chuyển dễ dàng, Cũng gọi là chuông Tăng đường, tức là chuông nhỏ, chỉ một người xách lên được. Hình thái cũng như chuông U minh, được treo ở trai đường, dùng để báo tin trong lúc họp chư Tăng biết vào những lúc: Nhóm chúng, thọ trai, giờ chấp tác, giờ bái sám trong các tự viện, báo hiệu cho quý vị Tăng Chúng biết sắp đến giờ hành lễ và xử dụng trong các buổi pháp hội…  về sau kích thước cũng tùy nghi không hạn định. Về việc thỉnh chung cũng tùy theo địa phương và tông phái, nhưng chung quy cũng biểu thị sự thanh lọc căn trần, vơi đi phiền não, hướng về giải thoát.

3. Chuông gia trì:

Là loại chuông xử dụng chung với mõ để tụng kinh, hành lễ hằng ngày trước bàn Phật. Hình dáng như ½ quả cầu hay một cái tô để ngửa. Việc thỉnh chung: (xem bài khai chuông mõ).

Loại chuông nầy dùng để đánh lên trong lúc tụng kinh bái sám. Tiếng chuông gia trì được xử dụng trước khi tụng kinh hay báo hiệu sắp hết đoạn kinh đang tụng hay câu niệm Phật. Cũng thường đánh lên khi lạy Phật một mình. Còn khi đông người thì để báo hiệu cùng lạy cho nhịp nhàng. Chuông gia trì có đủ ba loại lớn, vừa, và nhỏ. Chuông vừa và nhỏ thì thường thường Phật tử tại gia dùng nhiều hơn và cũng dùng như chư Tăng.

TRỐNG:

Xuất xứ: Trong kinh Kim Quang Minh có chép: Một hôm người Tín trưởng Bồ tát nằm mộng thấy một cái trống bằng vàng. Trống ấy có chiếu ra hào quang sáng rực như mặt trời. Trong hào quang có rất nhiều đức Phật đang ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới những gốc cây quý. Chung quanh các đức Phật đều có trăm nghìn ức vị đại đệ tử đang ngồi nghe pháp. Lúc ấy có một đạo sĩ Bà la môn đang cầm dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng, tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối. Khi đã tỉnh mộng, ngài Tín trưởng Bồ tát liền đem những điều ấy mà mình đã thấy nghe trình lên đức Thế tôn.”.

Trong kinh Lăng nghiêm cũng có chép:

Đức Phật dạy:

– Này A Nan, ngươi hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, nghe tiếng chuông mỗi khi nhóm họp đại chúng trong tinh xá Kỳ đà hoàn nầy. Tiếng trống hoặc tiếng chuông ấy trước sau nối tiếp nhau. Vậy, theo ý ông, mỗi khi ông nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ông, hay tai ông đến nơi chỗ phát tiếng ấy?”. (Đây là lúc đức Phật chỉ cái Tâm cho ngài A Nan)

Trống là một trong những loại nhạc khí, thường làm bằng đá, cây, đồng .v.v…, xưa tại Ấn độ dùng để báo thời gian, cảnh báo. Khi Phật còn tại thế, dùng nó để tập họp Tăng chúng, Bồ tát nghe pháp. Ngũ Phần Luật có ghi “Chư Tỳ Kheo Bồ Tát, chúng bất thời tập. Phật ngôn: nhược đả kiền chùy, nhược đả cổ…” Trung Quốc ngày xưa dùng nó trong các lễ lộc, vũ hội. Loại hình có lớn, nhỏ, treo hoặc để trên giá. Lớn gọi là “trống tẩu”, nhỏ gọi là “trống ứng”, treo để đánh gọi là “trống treo”.Từ đời nhà Ðường, theo thanh quy thiền môn, trống chỉ là loại pháp khí làm hiệu lệnh để báo thời sớm tối. Về sau Phật Giáo Trung Quốc phối hợp nhịp điệu, âm thanh của trống hoà cùng lời tán tụng phổ thành nhạc điệu gọi là “kỹ nhạc cúng dường, trang nghiêm đạo tràng”. Thời Ðường Hiến Tông năm 820, chuông trống đã được xử dụng rộng rãi trong nghi lễ Phật Giáo (Căn cứ theo bản dịch bài Thiền sư Ðại điên và Hàn Dũ). Việt Nam, trong các chùa thuộc tông phái Ðại Thừa cũng xử dụng trống vào nghi lễ gần giống như Trung Quốc, nhưng âm hưởng, sắc thái thuần túy dân tộc Việt Nam. Có nhiều loại trống, nghi lễ Phật Giáo thường xử dụng hai loại phổ thông:

1. Trống lớn (Ðại cổ):

Dùng để đánh vào những dịp lễ lớn. Trống lớn thường gọi là trống Bát nhã. Đánh trống lớn có bài kệ của nó. Tiếng trống tượng trưng cho chánh pháp. Chúng sanh mỗi khi nghe tiếng trống chánh pháp ấy thì tội chướng được tiêu trừ và cũng nhờ đó mà được giải thoát vào cảnh giới an lạc. Vì khi nghe được tiếng trống Bát nhã, tùy loại chúng sanh mà thâm nhập tiếng trống và có thể nương vào tiếng trống mà cảm nhận được dung nhan của đức Phật. Tiếng trống Bát nhã đánh lên để cung thỉnh Phật đăng bảo tọa.

– Ðánh chuông trống Bát Nhã:

a. Khai: Nhập cùng với chung, bảng (nếu có); Cách đánh trong CD khai kinh Huế:

– 3 hồi chuông gia trì (cgt). – Mộc bảng (M), trống (T) – MT – MT- MTMT – MT – MT – M (7M và 6T)

– cgt, M, T – HồngCh, cgt, cgt, M, T – HồngCh, cgt, M, T xxxx (gõ vành), T xxxx (gõ vành), T ttttttttt (trống luôn). Hoặc đánh – nhập hai tiếng (nhị đế dung thông).

– 3 tiếng tiếp (mỗi lần một tiếng): Quy y Tam Bảo, dứt tam độc (tham, sân, si) – 7 tiếng. (thường gọi chung là một hồi luôn).

b. Bài kệ:

Bát Nhã hội (3 lần)
Thỉnh Phật thượng đường
Ðại chúng đồng văn
Bát Nhã âm
Phổ nguyện pháp giới
Chúng hữu tình
Nhập Bát Nhã
Ba La Mật Môn (5 lần, 10 lần)

Bài kệ được Ðệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và quý Hòa Thượng đồng thời xác tín, chứng minh.

Nghĩa là:

Hội Bát nhã,
Thỉnh Phật lên (giảng) đường,
Đại chúng đều (được) nghe:
Âm Bát nhã,
Vang khắp pháp giới,
Chúng hữu tình (vân vân),
(Đều nhập) lý Bát nhã,
Chứng nhập (pháp môn) Ba la mật.

c. Ðánh dứt 4 tiếng (chứng nhập Tứ Ðế): xxxx CT, xxxx CTT, xxxx CTC.

– Ðánh trống thỉnh Phật, Tổ, Thần (Ðả cổ thông tam giới…)

– Ðánh trống rước Phật, Xá Lợi, Thần sắc.

2. Trống nhỏ (trống kinh)

Dùng để đánh mỗi khi tụng kinh nên cũng được gọi là trống kinh (tiếng bình dân thường gọi là trống cơm). Ngoài việc dùng đánh để tụng kinh hằng ngày vào hai thời công phu khuya và chiều trong các tự viện, trống tiểu còn dùng để hòa âm trong cổ nhạc Phật giáo và cổ nhạc Việt nam. Trống tiểu thì khó đánh hơn trống lớn. Bài học để xử dụng cho trống tiểu rất nhiều, phức tạp và khó học. Có rất nhiều thể điệu khác nhau như là thể điệu thiền khi tụng kinh, thể điệu ai khi dùng vào đám táng, chẩn tế cô hồn…, nếu không học thì không thể xử dụng. Mới trông qua giống cái trống Cơm, nhưng hơi khác: tiếng dòn và trong hơn, cái dùi đánh trống gọi là roi trống

MÕ:

Xuất xứ: Trong bộ sách Sắc tu Thanh quy Pháp khí về chương mộc ngư có chép rằng:

Lời tương truyền: Loài cá luôn thức không bao giờ ngủ và rất hoạt động. Vì vậy khi tạo loại pháp khí nầy thì mõ được chạm trổ theo hình con cá với thâm ý là muốn thức tĩnh con người cũng như chúng hữu tình đang còn trong mê muội, u trầm.

Trong sách Chính ngôn đời nhà Đường thì chép: Có một người bạch y đến hỏi một vị Trưởng lão ở Thiên trúc rằng: Tại sao các Tăng xá đều có treo mõ?

Vị trưởng lão trả lời:

– Vì để cảnh tĩnh chúng Tăng tại Tăng xá hay tự viện ấy.

Người bạch y hỏi tiếp:

Nhưng tại sao lại tạc hình con cá?

Vị Trưởng lão không trả lời được. Người bạch y lại hỏi ngài Hộ Biện và được ngài giải thích rằng:

– Loài cá là loài không bao giờ nhắm mắt và thích hoạt động. Cũng vì muốn cho người tu hành ngày đêm quên ngủ, gắng công tu tập, mau chứng đạo quả nên treo và đánh mõ và cái mõ được tạc hình con cá vậy.

Mõ có hai loại: Mõ có hình bầu dục và mõ có hình điếu. Tất cả đều được tạc theo hình con cá.

– Mõ hình bầu dục để tụng kinh, điều khiển buổi lễ khi đông người tụng được nhịp nhàng.

– Mõ hình điếu thì treo ở nhà trù dùng để báo hiệu khi thọ trai hay chấp tác. Ngoài ra, cũng có một loại mõ rất nhỏ dùng để chư Tăng đi kinh hành gọi là nhiễu Phật. Tiếng mõ vừa giữ cho buổi lễ được trang nghiêm lại vừa giữ cho tâm hồn khỏi tán loạn trong khi hành lễ. Bởi thế, người đánh mõ gọi là Duyệt chúng, tên nầy gọi là làm đẹp lòng mọi người trong lúc cùng tụng kinh với nhau. Đánh mõ phải học hẳn hoi, đúng điệu và đúng cú pháp của nó.

Theo sách Tam Tài Ðô Hội của Vương Tích đời Ðường có đoạn: “Mõ là loại mà dùng cây khắc thành hình con cá, rỗng bên trong, gõ nó sẽ phát ra tiếng, các hàng Phật tử khi tán tụng đều dùng đến nó”. Mõ có hai loại:

1. Loại dài hình con cá dựng đứng hoặc treo ở các nhà kho, dùng để báo hiệu giờ ăn cơm, tập họp, phổ thỉnh Tăng chúng tại các chùa ngày xưa (sách Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, chương pháp khí).

Loại mõ dài còn thấy xử dụng tại một số đình làng ở miền Trung, Việt Nam để triệu tập dân làng khi cần. (Hiện thấy tại đình làng Dương Nổ, sau năm 1975).

2. Loại hình tròn như vảy cá, trên mõ có khắc chạm hình con cá; dùng để gõ nhịp lúc tụng kinh. Loại này được nói là xuất hiện vào triều đại nhà Minh (Trung Hoa).

Theo sách Tham thiền Ngũ Ðài Sơn ký (quyển 3) Tống Thần Tông, Hy Ninh năm thứ 5 ngày 8 tháng 8 ghi: Trong chùa Thanh Thái có thờ tượng Ngài Phó Ðại Sĩ. Mỗi khi ngài muốn gặp các vị tu hạnh Ðầu Ðà nơi cao sơn chỉ gõ mõ, chư vị sau khi nghe mõ ấy liền đến. Sau đó các tự viện dưới chân núi đều dùng mõ để tập họp đại chúng.

Sách Tăng Tu Giáo Uyển Thanh Quy (quyển 3) phần pháp khí, có ghi lại truyền thuyết rằng: “có một vị Tăng do phản thầy, huỷ pháp nên bị đọa làm thần cá, trên lưng con cá ấy lại mọc mấy cái cây, mỗi khi sóng to gió lớn, khiến thân ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, vị Thầy Bổn Sư qua biển, nhân đó nó muốn đòi nợ, liền nói rằng: Thầy không dạy bảo nó, nên nó mới phải bị đọa làm thần cá như thế này, do đó nay nó muốn báo oán. Thế rồi, vị thầy ấy bảo cá nên ăn năn sám hối, Thầy ấy cũng vì con cá mà cầu siêu, chú nguyện và ngay đêm đó nó được hóa kiếp. Vị Thầy Bổn Sư liền đem cây ấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh tỉnh đại chúng”. Ðó là một lẽ mõ mang hình cá.

Trong Sắc Tu Thanh Quy, chương Pháp Khí nói: “tương truyền cá là loại thức tỉnh suốt ngày đêm, nên khắc hình con cá mà gõ để thức tỉnh những kẻ hôn trầm lười nhác”.

Sách Gia Ngôn nói rằng: “có một người tại gia hỏi một vị Trưởng Lão Thiên Trúc rằng: “Tăng xá đều treo mõ cá là nghĩa làm sao?”. Ðáp: “dùng để cảnh tỉnh đại chúng”. Người tại gia đó lại hỏi: “nhưng vì sao lại cứ phải khắc thành hình con cá?”. Vị Trưởng Lão đó không giải đáp được bèn đến hỏi Sư Ngộ Biện. Sư đáp: “cá đêm ngày không hề nhắm mắt, đó cũng là muốn người tu hành quên ngủ để đến với đạo”.

Ý Nghĩa Về Chuông Mõ:

  1. Trước đánh ba tiếng (tiên khởi tam),
  2. Kế nhịp bảy (thứ lôi thất),
  3. Tiếp đánh ba (tịnh đả tam),
  4. Giữa đánh mười (trung đả thập)
  5. Sau cùng dứt bốn (hậu diệt tứ).

– Trước đánh ba tiếng: Nghĩa là chúng sanh do ba nghiệp thân khẩu ý tạo tác mọi điều ác, sau sẽ đọa vào trong ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nhưng cũng có nghĩa là cố trừ ba độc: tham, sân và si để vượt lên ba giải thoát để chứng đắc ba đức: Pháp thân, Bát nhã thân và Giải thoát thân. (Phần nầy giản lược đi nên không mấy ai biết đến. Chúng tôi viết ra đây cho đủ, vì là tài liệu tham khảo).

– Kế tiếp nhịp bảy tiếng: Đây là tiêu biểu cho thất chi tội. Về thân thì có ba: Sát, đạo và dâm. Về khẩu thì có bốn: Vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Sau khi đã đoạn trừ được bảy tội nêu trên liền chứng được thất giác chi: Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, trừ, xả, định và niệm.

– Tiếp đánh ba tiếng: Là phát nguyện tu tam học tức là giới, định, và huệ để quyết chứng cho được ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.

– Giữa đánh mười tiếng: Đó là tiêu trừ mời điều ác gồm thất chi tội cộng thêm của ý có ba là mười. Từ đó, chứng nhập mười thân gồm: Bồ đề thân, nguyện thân, hóa thân, lực thân, trang nghiêm thân, oai thệ thân, ý sanh thân, phước thân, pháp thân, và trí huệ thân. (Phần nầy, sau nầy giản lược đi, không mấy ai dùng đến và cũng không mấy ai biết để ý đến. Chúng tôi viết ra đây là vì tài liệu nghiên cứu, phải làm cho đầy đủ mà thôi).

– Sau cùng dứt bốn: Tức là để tiêu trừ bốn tướng: Sanh, lão, bệnh, và tử để chuyển thành bốn trí:

– Thành sở tác trí: Tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân),

– Diệu quan sát trí: Đệ lục ý thức,

– Bình đẳng tánh trí: Đệ thất Mạc na thức,

– Đại viên cảnh trí: Đệ bát A lại da thức.

BẢNG và KHÁNH:

Xuất xứ: Bảng và Khánh là một trong những thứ pháp khí của nhà Phật. Hai loại nầy thường được dùng trong ngày ở các chùa, viện. Từ xưa đến nay đều dùng làm hiệu lệnh như báo tin giờ học, tụng kinh, thọ trai, chấp tác của chư Tăng.

Trong sách Tượng khí Tiêu, quyển 18 có chép rằng: Ngài Vân Chương nói:

– Hình của Bảng giống như đám mây, nên người ta cũng gọi là Vân bảng. Còn theo lão Hòa thượng Tục Sư có thuật chuyện vua Tống thái Tổ cho rằng: Tiếng trống hay làm giật mình người ngủ, nên thay vì dùng trống, Tống thái Tổ chế ra thiết khánh. Loại khánh nầy cũng được gọi là Vân bảng. Vì hình của nó cũng giống như hình cánh dơi trên bề lưng lẫn bề mặt có đám mây qua lại, loại nầy có nơi gọi là chinh (chiêng).

Cách chế tác và xử dụng: Theo ngài Vân Chương trong sách Tượng khí tiêu thì hình của Bảng giống như đám mây và làm bằng đồng, thiết. Nhưng nay ở các tòng lâm, tự viện thì dùng bằng gỗ và được chạm trổ theo hình bán kính bát giác. Bề cao khoảng chừng bốn tấc tây, rộng chừng hai tấc tây. Bảng cũng được thay thế cho trống trong những trường hợp nói trên, đồng thời cũng dùng để phân phát đồ cúng dường hay phân xử việc của chúng Tăng… Bảng và Khánh trong luật được gọi là Kiền Chùy Thành. Cách dùng không khác nhau, chỉ khác nhau về hình tướng và vật liệu chế tác. Ngày xưa thiết và đồng còn khan hiếm nên chư tổ đã dùng bằng đá cẩm thạch. Tiếng kêu cũng tương tự như khánh đồng, nhưng nhỏ tiếng hơn. Ngày nay các tòng lâm lại ít dùng khánh mà chỉ dùng bảng nhiều hơn.

LINH:

Linh là một pháp khí làm bằng đồng thau hay đồng đỏ, dùng để gõ hoặc rung lên khi tụng kinh trước Phật đài. Linh có hai loại:

1. Hình giống như cái bát. Mật tông gọi là Bát Vàng, là loại Thiền tông xử dụng sớm nhất

2. Hình giống như cái chuông nhỏ, bên trong có buộc một viên đồng, có cán có lưỡi, rung lên thì kêu vang. Cán của nó hình từ 1 đến 5 vòng gọi là Linh Chử. Là một loại pháp khí thường xử dụng để chấn khai địa ngục trong trai đàn chẩn tế và giữ nhịp trường canh trong các buổi tụng kinh. Loại này có tên là Kim Cương Linh. Khi xử dụng có hai cái: một âm và một dương.

KHÁNH DẪN:

Hình tròn như cái chén nhỏ, có cán để cầm và dùi để đánh. Thường dùng để thỉnh sư, dẫn chúng niệm Phật kinh hành và giữ nhịp trường canh lúc mới bắt đầu làm lễ.

TANG:

Là một pháp khí làm bằng đồng thau, hình tròn, nhỏ bằng cái chén ăn cơm, sâu khoảng 1.50 cm đến 2 cm; phỏng theo hình dáng cái phèn la, buộc thòng vào một vành tròn có cán để cầm bằng 3 sợi dây ở 3 góc đều nhau, dùng một cái dùi bằng tre uốn cong 90 độ để đánh lên khi tán tụng. Tang thường thấy xử dụng ở miền trung Việt Nam (Huế).

ÐẨU:

Hình thể hoàn toàn giống như Tang, nhưng không có cán cầm, mà chỉ nắm trong lòng bàn tay, cái dùi để đánh hình dáng như một chiếc đũa. Thường xử dụng 2 cái: một âm (trầm), một dương (bổng). Loại này thường thấy ở các tỉnh phía nam Trung phần (Bình Ðịnh trở vào) và Nam phần Việt Nam.

PHÁP LOA:

Thường gọi là Tù-và làm bằng loại vỏ ốc lớn, phiên âm từ tiếng Phạn là Thương Khu dịch nghĩa là Kha Bối (vỏ con Kha nói tắt của chữ Sankha) tức là vỏ ốc, vỏ sò. Tiếng thổi vào vỏ ốc vang đi rất xa, lấy đó để ví với tiếng thuyết pháp của Ðức Phật vang xa bao trùm khắp đại chúng, tiếng thổi vỏ ốc nghe mạnh mẽ, biểu hiệu sự hùng mạnh của đại pháp. Thế tục dùng vỏ ốc thổi làm hiệu lệnh ba quân, cũng ví như lời thuyết pháp của Ðức Phật có sức mạnh hàng phục ma quỷ. Còn như nghi thức thổi vỏ ốc trong Phật sự theo Mật Tông giải thích: vỏ ốc có hình Tam Muội Da của Ðức Vô Lượng Âm Phật Ðỉnh Tôn là chuẩn mực pháp âm của Ðức Phật, nghe tiếng thổi vào vỏ ốc thì Thiên Thần, Chư Thiên đều hoan hỉ mà hưởng ứng, người thế tục nghe tiếng ốc thì diệt trừ được các tội chướng. Do đó trong hình Ðức Phật Quan Âm nghìn cánh tay, có một tay cầm Pháp Loa.

Tại các chùa ở Huế – Việt Nam thấy còn xử dụng Pháp Loa (Tù Và: vỏ ốc) vào các tang lễ của quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Trú Trì…

Phật giáo Tây Tạng thường dùng Pháp Loa khi hành lễ.

KHÁNH:

Khánh làm bằng đá, có giá hoặc dây treo, dùng để báo hiệu lệnh trong chùa, hiện tại vẫn còn xử dụng tại các chùa ở Việt Nam.

MỘC BẢN:

Làm bằng một miếng gỗ, dùng dùi đánh phát ra tiếng để thông báo giờ giấc. Thường treo ở phòng ăn của các chùa

II/ Pháp khí dành riêng cho Chủ Sám và Chứng Minh.

1. THỦ XÍCH:

Là một thanh gỗ hình khối chữ nhật, kích thước vừa nằm dưới ba ngón tay giữa của lòng bàn tay. Trên lưng Thủ Xích có khắc 3 chữ “Án Dạ Hồng” theo tự dạng Pali, dùng để vỗ xuống bàn kinh, thành một hiệu lệnh cho đạo tràng.

2. THỦ LƯ:

Là một cái lư hương có cán để cầm tay, tiếng đời nhà Ðường gọi là Thủ Lô. Thích Thị Yếu Lâm quyển trung ghi: “sách Pháp Uyển: Thiên Nhân Hoàng Quỳnh nói về lư hương của Ðức Phật Ca Diếp đại để như sau: Phía trước có 16 con sư tử và voi trắng, trên đầu hai loại thú đó nổi lên hai đài sen làm lư. Phía sau có sư tử ngồi, trên đỉnh có 9 con rồng quấn nâng hoa vàng, hoa đó để làm lư. Trong có Kim Ðài Bảo Tử để đựng hương lúc Phật thuyết pháp thường cầm lư này. So sánh xem xét cách chế tác Thủ Lư đời nay cũng có phần mô phỏng theo phép đó. Trong nghi lễ Phật Giáo Việt Nam, Thủ Lư thường thấy xử dụng trong trai đàn chẩn tế.

3. TÍCH TRƯỢNG:

Tích Trượng là một trong 18 món đồ vật của Nhà Sư, còn được mang nhiều tên khác nhau như: Thanh Trượng, Minh Trượng, Trí Trượng, Ðức Trượng… là một cây gậy, ở đầu gậy có những vòng thiếc, khi rung phát ra tiếng.

Xuất xứ: Theo kinh Tích trượng có chép: Này các Tỳ Kheo, các ngươi nên thọ trì tích trượng, vì rằng tích trượng là một pháp khí mà ở đời các Như Lai đã có thọ trì.

Ý nghĩa: Tiếng Phạn gọi là Khiết khí la. Tàu dịch là Tích trượng, tức là cái gậy của các vị Tỳ kheo dùng để đi đường hay đi khất thực.

Tích trượng còn có tên là Đức trượng, nghĩa là chiếc gậy trí huệ và đức độ nầy mà người xuất gia học đạo giải thoát được vững tiến và hướng đến quả vị giải thoát. Trong kinh Tích trượng có chép:

Ngài Ca Diếp bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn, thế nào gọi là tích trượng? Đức Phật dạy các ý nghĩa sau đây:

– Tích có nghĩa là Khinh, có nghĩa là nhờ chiếc gậy đức hạnh và trí tuệ nầy mà phiền não được nhẹ đi và sớm ra khỏi cảnh sanh tử luân hồi.

– Tích cũng có nghĩa là Minh, nghĩa là được trí huệ sáng suốt, là hết khổ não.

Đường kính của chiếc tích trượng thì vừa đủ cho vòng tay của người xử dụng. Cũng còn được gọi với những tên: Thỉnh trượng hay Minh trượng. Vì, trong khi đến nhà ai, vị sa môn cần gõ tích trượng xuống đất để người trong nhà biết. Trên đầu tích trượng có bốn cái gọng và 12 cái vòng. Đó là biểu tượng cho tứ diệu đế và thập nhị nhơn duyên, buộc các tỳ kheo luôn luôn phải nhớ nghĩ, luôn luôn phải thực hành. Ngoài ra còn có loại tích trượng trên đầu chỉ có hai cái vòng và sáu cái khâu, thì nó tượng trưng cho chơn đế, tục đế và lục độ. Tích trượng nầy do đức Phật Ca Diếp chế ra. Tất cả hai loại tích trượng ấy đều không cao quá đầu người.

Tích rằng: Hiển Giáo dùng gậy khi khất thực và đuổi trùng thú. Tì Nại Da Tạp Sự quyển 34 nói: “Bật Sô đi khất thực vào nhà ai, bèn lên tiếng gọi báo cho biết và nắm tay gõ vào cửa, người nhà lấy làm lạ hỏi: “Tại sao lại gõ cửa nhà tôi?” Nhà Sư im lặng chẳng nói. Ðức Phật bảo: “Ðừng gõ cửa, mà nên làm cây gậy Tích Trượng”; Nhà Sư không hiểu, Ðức Phật nói: “Ở đầu cây gậy có gắn những vòng nhỏ bằng cái chén, khi rung gậy thì phát ra âm thanh để báo cho biết”. Khi đến nhà nào không có lòng tin, rung mãi cây Tích Trượng đến phát mệt, mà nhà ấy không ai ra hỏi, thì Ðức Phật bảo: “Không nên rung lâu cây Tích Trượng, chỉ nên rung 2 hay 3 lần mà thôi, nếu không có người ra hỏi, thì nên đi nơi khác”. Cách làm gậy thì y theo Tích Trượng Kinh.

Tích Trượng của Ðức Phật Ca Diếp có 2 gọng tượng trưng cho 2 đế là Thế Ðế và Chân Đế, và 12 vòng tượng trưng cho Thập Nhị Nhân Duyên. Tích Trượng của Ðức Phật Thích Ca có 4 gọng và 12 vòng tượng trưng cho Tứ Ðế và Thập Nhị Nhân Duyên.

Mật Giáo thì cho đó là cây Thập Pháp Giới do 5 Ðại tạo thành, là Tam Muội Da của Ðức Ðịa Tạng, Quan Âm, nên có 6 vòng tượng trưng cho 6 Ðại. Trên đầu gậy có 5 bánh xe hình tròn tượng trưng cho Bảo Tháp. Phật Giáo Việt Nam thấy xử dụng Tích Trượng trong các lễ: Giải Oan Bạt Ðộ, Tang Lễ theo ý nghĩa của Mật Giáo.

Các tích trượng của Bà la môn thì có bảy mắt và có ba bậc: sơ, trung và thượng. Theo phái Bà la môn thì cái gì cũng ở trong số bảy: * Bảy bậc tu, bảy quả đức, bảy sức linh.

Bảy bậc tu gồm:

  1. Tu tại gia,
  2. Tu vái các thần thánh thông thường,
  3. Tu biết biến hóa,
  4. Tu biết thần biến, linh thiêng,
  5. Tu cần thần thánh, không mặc quần áo,
  6. Tu thiền định,
  7. Tu bậc thượng, làm thầy cả các phép tu trên, là vì nối gót đại diện cho đức Phạm thiên.

Ngày xưa ở Ấn độ, họ thường quan trọng con số bảy, họ cho là huyền vi đến với con người. Cái gì họ cũng dùng và nghĩ đến số bảy như:

  1. Bảy vị tiên (Sapta-Rchirs),
  2. Bảy cảnh tiên (Sapta-Poura),
  3. Bảy hòn đảo tiên (Sapta-Douita),
  4. Bảy biển (Sapta-Samudra),
  5. Bảy sông linh (Sapta- Nady),
  6. Bảy núi linh (Sapta-Pariatta),
  7. Bảy chúng (Sapta-Coula),
  8. Bảy cảnh giới từ hạ đến thượng (Sapta-Loca),
  9. Bảy loại gồm cả trời đất thần thánh như: Jyus, Naranari, Viradji, Brahma, Vischnou-Siva

Riêng trong Phật giáo, ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát đã dùng tích trượng để đi vào địa ngục hướng dẫn cho thập loại chúng sanh đang bị đọa trong các cõi ấy được hiểu rõ chánh pháp, được giải thoát lên các cảnh giới sung sướng hơn hay trực chỉ đến cảnh giác ngộ thành Phật. Mỗi khi ngài vào trong địa ngục, ngài dùng tích trượng gõ xuống đất thì các cửa ngục được mở ra, cho nên trong kinh có dạy: Chấn khai địa ngục chi môn.

Những vị sau khi đã đắc giới, liền được thừa truyền tích trượng. Trong khi nhận lãnh, các vị giới tử thầm niệm kệ chú sau đây:

Thiện tai khiết la,
Trí huệ công đức bổn,
Như pháp thọ trì giả,
Siêu đăng niết bàn ngạn.
Án, na lật thế, na lật thế, na lật tra, bát để, na lật đế, na dạ bát nễ hồng phấn tra (3 lần)
Nghĩa là:
Lành thay chiếc tích trượng,
Gốc công đức, trí huệ,
Thọ trì chư chánh pháp,
Sớm lên bờ niết bàn.
Án, na lật thế, na lật thế, na lật tra, bát để, na lật đế, na dạ bát nễ hồng phấn tra (3 lần)

Trên đây là kệ nhận tích trượng. Còn khi dùng đến thì câu chú y như vậy, nhưng câu kệ thì như sau:

Chấp trì tích trượng,
Đương nguyện chúng sanh,
Thiết đại thí hội,
Thị như thiệt đạo.
Nghĩa là:
Cầm giữ tích trượng,
Xin nguyện chúng sanh,
Thiết đại hội thí,
Chỉ đạo như thật.

4/ MŨ TỲ LƯ:

Ngày rằm tháng 7, mở hội Vu Lan Bồn, Vị Tăng Thủ Tọa đứng làm Ðức Phật Tỳ Lư, tụng kinh Thí Thực, trên đầu đội mũ có tượng Phật Tỳ Lư nên gọi là mũ Tỳ Lư.

Tỳ Lư là tên gọi tắt của Tỳ Lư Giá Na, tên chung của Pháp Thân Phật, tức là Ðức Ðại Nhật Như Lai của Mật Giáo.

Phật Giáo Việt Nam, Mũ này các vị Gia Trì Sư thường đội trong Tang lễ hoặc Trai Ðàn Chẩn Tế.

5/ MŨ HIỆP CHƯỞNG:

Mũ này giống như hai bàn tay úp lại nên gọi là Hiệp Chưởng, chỉ riêng Phật Giáo Việt Nam mới có, do các vua triều Nguyễn chế ra để tặng cho các vị Tăng cang đội khi vào triều. Sau được dùng phổ cập, các vị Chủ Sám thường đội trong các pháp hội trai đàn.

6/ MŨ QUAN ÂM:

Mũ này may theo hình chóp, phủ xuống vai, ngang qua giữa lưng, thường các Ngài Chứng Minh đội trong các lễ đàn .

III/ Pháp Phục

Y: Tàu dịch là Ca sa, tức hoại sắc, bất chính sắc. Dùng để chư Tăng mặc. Những vị chính thức được có Y kể từ khi đã thọ giới luật. Sau khi đắc giới, giới sư quyền thừa Phật Tổ để truyền Y cho giới tử. Y cũng có nhiều bậc khác nhau.

Người thọ mười giới tức là Sa di thập giới: Vị nầy bắt đầu chính thức được ở trong hàng ngũ xuất gia. Những vị thọ mười giới thì chỉ được mặc (mang) chiếc Mạng Y là những chiếc y không có mạng (miếng) nhỏ, tức là Y không có Điều. Khi mặc Mạng y có bài kệ và chú như sau:

Đại tai giải thoát phục
Vô tướng phước điền y,
Phi phụng chư giới hạnh,
Quảng độ chư quần sanh.
Nghĩa là:
Lớn thay áo giải thoát,
Là ruộng phước không tướng,
Mặc kính đúng giới hạnh,
Rộng độ hết chúng sanh.
Nam Mô Ca Sa Tràng Bồ Tát Ma Ha Tát (3lần)

Vị thọ Cụ túc giới cũng gọi là Tỳ kheo giới hay Đại giới, được mặc những chiếc Y có những miếng vuông, thường gọi là Điều y. Y nầy có ba loại khác nhau như sau:

  1. Áo mặc ở ngoài gọi là Tăng già lê,
  2. Áo mặc ở giữa gọi là Uất đà la tăng,
  3. Áo mặc trong, áo lót gọi là An đà hội.

Chiếc áo Tăng già lê cũng có các bậc khác nhau như:

Ngũ điều y, Thất điều y, và Đại y.

a. Chiếc y có năm miếng thì gọi là Ngũ điều. Khi mặc chiếc y nầy thì đọc bài kệ chú và phát nguyện như sau:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đới thọ,
Thế thế bất xả ly.
Án, tất đà da tóa ha (3 lần).
Nghĩa là:
Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước vô thượng,
Nay con đầu đội nhận,
Đời đời không lìa bỏ.
Án, tất đà da tóa ha (3 lần)

b. Chiếc y có bảy miếng thì gọi là Thất điều. Khi mặc chiếc y nầy cũng đọc kệ chú và phát nguyện:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đới thọ,
Thế thế thường đắc phi.
Án, độ ba độ ba tóa ha (3 lần)
Nghĩa là:
Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước vô thượng,
Nay con đầu đội nhận,
Đời đời thường được mặc.
Án, độ ba độ ba tóa ha (3 lần)

– Chiếc y từ 9 miếng trở lên 25 miếng thì gọi là Đại y. Đại y cũng có ba bậc:

– Chiếc Y có 9 miếng, 11 miếng, 13 miếng thì gọi là Hạ Đại Y,

– Chiếc Y có 15 miếng, 17 miếng, 19 miếng thì gọi là Trung Đại Y,

– Chiếc Y có 21 miếng, 23 miếng, 25 miếng thì gọi là Thượng Đại Y.

Khi mặc (trong thiền môn thì gọi là đắp) ba bậc Đại y trên đây cũng đọc kệ, chú và phát nguyện như nhau, dưới đây:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Phụng trì Như Lai mạng,
Quảng độ chư chúng sanh.
Án, ma ha bà ba tra tất đế tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước vô thượng,
Vâng giữ Như Lai mạng,
Rộng độ hết quần sanh.
Án, ma ha bà ba tra tất đế tóa ha (3 lần)

Những chiếc y nầy đã có từ đời đức Phật. Chiếc y đầu tiên được cúng dường cho chư Tăng là chiếc y của bà Di mẫu của đức Phật (tức là bà Tỳ kheo ni đầu tiên tên Kiều Đàm Di).

Y của chư Tăng được gọi rất nhiều tên: Hoại nạp phục, Hoại sắc phục, Pháp phục, Pháp y, Ứng pháp diệu phục, Liên hoa phục, Giải thoát phục, Giải thoát tràng tướng phục, Xuất thế phục, Ly trần phục, Vô cấu phục…, Nói chung là Ca sa tràng Như Lai, nghĩa là áo của chư Phật, chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục như trong kinh Pháp hoa đã dạy.

BÁT:

Xuất xứ: Trong kinh Phật bổn hạnh có nói: Khi đức Phật còn tại thế, có hai thương gia là Đế ly phú bà và Bạt ly ca đều ở phía bắc Ấn độ; hai vị nầy, một hôm đem sữa cúng dường đức Phật, nhưng đức Phật không có đồ đựng. Lúc bấy giờ có bốn vị thiên vương đem bốn cái bát bằng vàng đến dâng cúng đức Phật để đựng sữa, ngài không nhận. Bốn vị thiên vương ấy lại trở về đem bốn cái bát khác bằng những thứ quý: ngọc, ngà, xa cừ…, để dâng cúng đức Phật, ngài cũng không nhận. Sau cùng bốn vị ấy đem dâng cúng bốn cái bát khác bằng đá, đức Phật rất hoan hỷ.

Ý nghĩa: Chữ Bát, tiếng phạn gọi là Bát đa la, Tàu dịch là Ứng lượng khí. Nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người.

Bình bát chỉ được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi rỉ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý. Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của bậc xuất gia. Các vị đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.

Đặc biệt bình bát không nên làm bằng gỗ, vì đây là loại bát của Bà la môn đã thường dùng.

Ở các nước theo Nguyên Thủy (Nam Truyền) Phật giáo, chư Tăng thường đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Đại thừa Phật giáo (Bắc truyền) thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong ba tháng an cư kiết hạ, có nơi còn ba tháng kiết đông nữa; đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm cúng dường trai tăng thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai. (Việt nam có thêm hệ phái Khất sĩ cũng có đi trì bình khất thực).

Sau khi các vị đã đắc giới, chư giới sư trao truyền bình bát và bắt đầu trì bình từ đó. Mỗi khi dùng bình bát, tâm thường niệm:

Thiện tai Bát đa la,
Như lai ứng lượng khí,
Phụng trì dĩ tư thân,
Trưởng dưỡng trí huệ mạng.
Án, chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay bát đa la,
Ứng lượng khí của Phật,
Vâng giữ để tu thân,
Nuôi lớn thân và trí,
Án, chỉ rị chỉ rị phạ nhựt ra hồng phấn tra (3 lần)

Mỗi lần đi khấc thực, tay nâng bình bát đang còn trống không, đức Phật dạy đệ tử của ngài không phiền muộn, không lo lắng mà phải an tịnh và thầm nguyện:

Nhược kiến không bát,
Đương nguyện chúng sanh,
Cứu cánh thanh tịnh,
Không vô phiền não.
Nghĩa là:
Nếu thấy bát không,
Xin nguyện chúng sanh,
Rốt ráo thanh tịnh,
Trống không phiền não.

Và, sau đó thí chủ đã cúng dường phẩm vật đầy đủ, thầm nguyện tiếp như sau:

Nhược kiến mãn bát,
Đương nguyện chúng sanh,
Cụ túc thạnh mãn,
Nhất thế thiện pháp.
Nghĩa là:
Nếu thấy bát đầy,
Xin nguyện chúng sanh,
Chứa đựng đầy đủ,
Tất cả pháp lành.

Mỗi lần dùng bình bát trước và sau khi khất thực hay trước và sau khi thọ trai do tín chủ cúng dường đều phải lau chùi sạch sẽ. Thứ nhất là bát phải sạch sẽ để chứa đựng phẩm vật dâng cúng Tam bảo, kế đến là mình dùng; thứ hai là sau khi dùng xong cũng phải rửa sạch, lau khô để cất giữ cho hợp vệ sinh, cũng thầm niệm bài kệ tẩy bát như sau:

Tẩy bát:
Dĩ thử tấy bát thủy,
Như thiên cam lộ vị,
Thí dữ chư quỷ thần,
Tất giai hoạch bảo mãn
Án, ma hưu ra tất tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Rửa bát:
Lấy nước rửa bát nầy,
Như vị nước cam lồ
Đem cho các quỷ thần,
Được no đủ tất cả.
Án, ma hưu ra tất tóa ha (3 lần)

Cũng như trên, mỗi khi rửa bình bát hoặc là nhận phẩm vật thì cũng phải mở ra; mỗi lần mở ra như vậy, cũng thầm đọc câu kệ chú như sau:

Triển bát:
Như lai ứng lượng khí,
Ngã kim đắc phu triển,
Nguyện cọng nhất thế chúng,
Đẳng tam luân không tịch
Án, tư ma ma ni tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Mở bát:
Ứng lượng khí của Phật,
Con nay được giải mở,
Nguyện cùng với mọi người,
Ba vầng đều vắng lặng.
Án, tư ma ma ni tóa ha (3 lần)

ĐÃY LỌC NƯỚC:

Xuất xứ: Ngày khi đức Phật chứng thành đạo quả, ngài dùng huệ nhãn, xem thấy trong nước có vô số vi trùng (cũng là chúng sanh), ngài liền truyền dạy cho hàng đệ tử, nhất là hàng xuất gia đều phải có một cái túi bằng vải để lọc nước trước khi uống.

Định nghĩa: Đạo Phật là đạo từ bi. Đạo Phật tôn trọng mạng sống. Vì khi uống nước mà không dùng đãy lọc nước để lọc thì mắc phải tội ăn thịt chúng sanh. Chúng sanh được tôn trọng, trên từ bậc thánh nhơn chư Tăng, loài người, dưới đến các loài có chân, không chân hay có cánh, không cánh được giữ gìn, bảo vệ mà không nên sát hại.

Bởi thế cho nên, hàng xuất gia phải dùng những vật thực không liên hệ đến mạng sống của chúng sanh. Một khi đã phát tâm xuất gia, đã được thọ giới thì cần phải có đãy lọc nước. Tàu dịch là Lự thủy nang. Khi nhận thọ thì thầm nguyện:

Thiện tai lự thủy nan,
Hộ sanh hành tự cụ,
Xuất nhập thường đới dụng,
Phương hợp Bồ tát đạo.
Án, phạ tất ba ra ma ni tóa ha (3 lần)

Nghĩa là:

Lành thay đãy lọc nước,
Vật bảo trợ mạng sống,
Ra vào thường dùng đến,
Mới hợp đạo Bồ đề.
Án, phạ tất ba ra ma ni tóa ha (3 lần)

NGỌA CỤ:

Ngọa tức là nằm. Dụng cụ dùng để ngồi nằm. Quý vị xuất gia thường dùng hằng ngày cho nên trong luật Trường hàng gọi là Nhật dụng.

Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, chư Tăng sống không lập chùa, viện, tịnh thất như ngày nay. Trong tay chỉ có bình bát, ba chiếc y, một tích trượng, một đãy lọc nước và một ngọa cụ mà thôi. Đi đâu mang tất cả những pháp phục ấy theo bên mình.

Ngày nay chư Tăng có chùa, có tòng lâm, có Phật học viện, có tu viện, tịnh thất nên ít dùng đến ngọa cụ và tích trượng trừ khi tấn đàn truyền giới và trao giới cho giới tử phát tâm đăng đàn cầu giới pháp để tu. Ngọa cụ cũng được dùng trong lúc đăng đàn chẩn tế, nhưng được gọi là tọa cụ chứ không gọi ngọa cụ như trong luật tiểu. Khi dùng ngọa cụ thì thầm nguyện câu kệ và chú như sau:

Ngọa cụ ni sư đàn,
Trưởng dưỡng tâm miêu tánh,
Triển khai đăng thánh địa,
Phụng trì Như Lai mạng.
Án, a mật lật đế hồng phấn tra (3 lần)

Nghĩa là:

Ngọa cụ (tên) ni sư đàn,
Nuôi lớn lúa tâm tánh,
Mở ra lên đất thánh,
Phụng giữ mạng Như Lai,
Án, a mật lật đế hồng phấn tra (3 lần)

Trên đây là những pháp khí và pháp cụ có từ thời đức Phật đã được tổ tổ thừa truyền cho đến ngày nay. Những gì được viết ra trong bài nầy hoàn toàn gần như chỉ dành riêng cho hàng xuất gia, nhưng phải cần cầu giới pháp, có thọ giới và đã đắc giới. Và tùy theo giới mà thọ dụng khác nhau như: Y, Bát, Tích trượng, và Ngọa cụ… Ngoài ra, những pháp khí khác thì những vị tân xuất gia và Phật tử tại gia đều có thể dùng được như nhau. Vậy bài nầy quý vị nào trong hàng tại gia được phước báo thọ dụng thì cũng nên tuân theo lời Phật dạy để hành trì đúng như pháp; nếu không thông thuộc, nên y chỉ chư Tăng.