Ý NGHĨA LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Thưa quý vị,

Hiện nay quý vị thấy cờ Phật giáo 5 sắc tung bay phất phới khắp nơi. Tôi xin lược nói về ý nghĩa lá cờ Phật giáo này.

  1. Nguyên nhân:

Sau hai trận thế chiến đã để lại cho nhân loại cái hậu quả tàn phá vô cùng khủng khiếp thê thảm do vũ khí nguyên tử gây ra.

Trước đà phát triển của khoa học về phương diện vũ khí, mà thực tế không có sự kềm chế hữu hiệu nào về lòng ích kỷ tham vọng hận thù của con người, thì vũ khí chiến tranh sẽ không bao giờ ngừng chế tạo, với tiến trình ngày một tinh vi, với sức hủy diệt vạn triệu lần hơn.

Sự tiến bộ của khoa học về phương diện chế tạo vũ khí nguyên tử, với sức tàn phá sát hại ngày một tăng theo số nhân. Mà sự giáo dục con người về lòng nhân đạo, chỉ mới như số cộng. Lương tâm phát triển kém xa khoa học. Tham vọng khống chế nhân loại là một thứ tham vọng hão huyền, nhưng con người vẫn nuôi mộng đeo đuổi. Mưu đồ chinh phục từng khối lớn nhân loại để lệ thuộc vào ảnh hưởng thế lực của mình là một hiện trạng thực tế. Chính tham vọng mưu đồ này đã gây nên hai cuộc thế giới đại chiến hiện đang không ngừng tiếp tục gây tang tóc khổ đau cho nhân loại, và sẽ khó có thể ngăn chận được đệ tam thế chiến nguyên tử đưa đến hủy diệt nhân loại.

Thấy rõ hiểm họa trước mắt điều đó, các nhà đạo đức học, các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học, các tổ chức từ thiện nhân đạo, nhân quyền, các nhà tôn giáo đã nghiên cứu phương thức, đã khẩn thiết kêu gọi lương tri nhân loại, trách nhiệm lương tâm, nhưng hầu như không hiệu quả. Con người đã không ngừng phát minh vũ khí tàn phá hủy diệt nhân loại. Nhưng trong lúc đó cũng chính con người đã tỏ ra bất lực phát triển tình người, lòng nhân đạo để xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Với niềm thao thức về tiền đồ sinh tồn và hạnh phúc của nhân loại, với hy vọng lòng người rộng mở tình thương của đạo từ bi hỷ xả vị tha, để cho sóng tình thương tràn ngập mọi tâm hồn, để tránh khỏi hiểm họa chiến tranh đẩy nhân loại vào vực thẳm hủy diệt, ông Henry Steele Olcott, một đại tá hải quân, một học giả, một chuyên gia quân sự Hoa Kỳ, đã từng chứng kiến cảnh tượng thảm khốc thương tâm trong hai cuộc thế chiến I và II, lương tâm ông bừng tỉnh, ông đã tuyên bố: “Chỉ có phương thuốc từ bi hỷ xả của đạo Phật mới mong cứu nổi được ích kỷ tham vọng của nhân loại”. Để biểu tượng cho phương thuốc cứu trị tinh thần này, ông đã nghĩ ra cách làm lá cờ Phật giáo đầu tiên và đã được Thượng Tọa Tiến Sĩ Sumangala Thera, Giám Đốc Đại Học Đường Phật Giáo Tích Lan chứng minh.

Vào ngày 25-5-1950, trong Đại Hội Phật Giáo Quốc Tế gồm 26 phái đoàn của 26 nước khắp trên thế giới về họp tại Colombo, thủ đô Tích Lan, đã công nhận lá cờ năm sắc dọc và một sắc tổng hợp ngang này, chính thức là lá cờ Phật Giáo Quốc Tế, tượng trưng cho ngày lịch sử Phật Giáo Quốc Tế kết hợp thống nhứt. Kể từ đó, cờ Phật giáo tung bay khắp nơi trên địa cầu.

  1. Ý nghĩa:

1) Cờ Phật giáo gồm 5 sắc: Xanh, vàng, đỏ, trắng, và vàng cam là tượng trưng năm đạo hào quang của Đức Phật. Tất cả các Đức Phật trong khắp mười phương thế giới cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Ta Bà này, khi thiền định cũng như lúc thuyết pháp, thường ở nơi Ngài phóng ra năm đạo hào quang sáng chói. Năm đạo hào quang là tượng trưng cho đức tánh viên mãn.

* Màu xanh: Tượng trưng cho thiền định.

* Màu vàng: Tượng trưng cho trí huệ.

* Màu đỏ: Tượng trưng cho tinh tấn.

* Màu trắng: Tượng trưng cho thanh tịnh.

* Màu vàng cam: Tượng trưng cho từ bi.

Năm màu nhỏ tổng hợp nằm ngang là tượng trưng cho sự tổng hợp dung thông tổng trì bất động. Hàm ý nghĩa biểu tượng cho con người tu hành đạt thành quả vị chánh đẳng chánh giác, phải là con người có tròn đầy năm đức tính thiền định, trí tuệ, tinh tấn, thanh tịnh, và từ bi dung thông.

2) Tượng trưng cho năm căn: Năm căn gồm có: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn. Đây là 5 đặc tính tinh thần tạo thành sức mạnh khiến cho hành giả có đủ nghị lực và  khả năng thẳng tiến trên đường giác ngộ.

Ngoài ra còn bao hàm ý nghĩa tượng trưng cho 5 phù trần căn. Ấy là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Bình diện sinh hoạt của mỗi con người đều nương vào năm căn hay nói cách khác là năm giác quan. Năm căn tiếp xúc với năm trần (màu, sắc, âm thanh, mùi vị, chạm xúc) sanh ra năm thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức).

* Nhãn căn: Mắt nhìn thấy màu sắc sanh ra phân biệt cái này đẹp, vật kia xấu. Tùy theo cảnh sắc xấu, mà sanh thương ghét, thích chán v.v…

* Nhĩ căn: Tai nghe âm thanh sanh ra phân biệt. Chẳng hạn tôi thích chim hót, tôi ghét quạ kêu. Tôi thích giọng hát ca sĩ này, ghét tiếng cười của chàng kia, nhàm chán nghe tiếng nói của bà nọ v.v…

* Tỷ căn: Mũi ngửi mùi sanh ra nhận thức phân biệt. Ưa thích mùi thơm. Chán ghét mùi tanh hôi v.v…

* Thiệt căn: Lưõi nếm vị sanh ra phân biệt, thích ngọt, ghét đắng, thèm chua v.v…

* Thân căn: Thân thể xúc chạm với vật sanh ra nhận thức phân biệt. Thích chạm xúc mềm mại trơn láng. Không ưa chạm xúc đồ vật cứng nhám, sần sùi v.v… Do năm căn tiếp xúc năm trần mà sanh ra năm thức phân biệt. Từ đó, con người bị lôi cuốn vào ngũ dục lạc (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ). Vì năm căn thức này thường hay đắm trước dục lạc, thúc đẩy con người đua đòi, tìm kiếm, mưu đồ thành bại. Được thì hỷ hả mừng vui tự đắc. Mất thì sầu khổ, thất chí chán chường tuyệt vọng. Cứ thế con người phải nô lệ năm căn, cuốn hút vào năm trần, đọa lạc nổi trôi theo năm thức, đắm trước vào năm dục lạc tạo thành tham vọng, ích kỷ, tam, sân, si. Nếu không khéo điều phục năm căn trong chiều hướng tĩnh tu tri túc, thì chúng ta sẽ gây ra muôn ngàn đau khổ đổ vỡ cho chính mình và người, vật.

khác với phàm phu chúng sanh, Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát khi còn là phàm nhơn hành đạo tu tập, các ngài đã không ngừng vận dụng ngũ căn tạo thành ngũ lực để điều phục năm căn, khéo léo hướng dẫn năm thức sở thích của mình theo chiều hướng chánh thiện, đạt thành phước trí giác ngộ tròn đầy.

3) Tượng trưng cho năm châu nhân loại: Nhân loại sống trong năm châu, chủng tộc tuy có khác, nhưng màu da, xương máu không ngoài năm sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và vàng cam.

Cờ Phật giáo mang năm màu sắc ngoài ý nghĩa tượng trưng năm đạo hào quang của Đức Phật sáng soi vào mọi cõi lòng sâu thẳm thầm kín của muôn loài, để nhân loại khắp năm châu được soi sáng ánh từ quang, thấm nhuần tinh thần từ bi hỷ xả của Phật Đà, dứt trừ tham vọng ích kỷ tham, sân, si, ngõ hầu tạo cho thế giới nhân loại trường tồn thanh bình hạnh phúc.