Ý NGHĨA CỦA ĐÀN TRÀNG THỦY LỤC
 NGÀI HƯ VÂN giảng
 Kiến Châu – Như thủy – Hạnh Đoan dịch
Trích từ sách “THƠM NGÁT HƯƠNG LAN”

 

Thứ hai 18/8/1946 (Bính Tuất)

Lần này bốn chúng các tỉnh mời Hư Vân tôi đến đây hoằng pháp. Tôi hiểu biết cạn, thật là ngại không dám đảm đương. Nay có vài điều xin thưa cùng quý vị:

Thứ nhất, tôi cung kính hoan nghênh quý vị quang lâm. Thứ hai, cảm tạ quý vị trai tăng cúng dường. Thứ ba, tôi không thể dừng ở đây lâu, chỉ vì quý vị yêu cầu, nên tôi buộc phải xuống núi. Đến đây được quý vị tiếp đãi nồng hậu. Quý vị nói rằng gặp được Hư Vân tôi rất khó. Thật ra tôi giờ giống như thân cây già cỗi, mục nát vô dụng, chẳng có tài cán gì và cũng chẳng có lời hay để nói.
Hôm nay lập Đàn tràng, tổ chức Pháp Hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy tôi sẽ thuyết sơ qua về nguyên nhân kiến lập đàn tràng này.

Thủy Lục là gì? Thủy là chỉ những gì thuộc nước như sông suối, ao hồ biển… Lục là chỉ khu vực thuộc trên bờ, bao gồm núi non, cao nguyên đồng bằng, đất liền…Thủy Lục bao hàm từ hư không đến trên bờ dưới nước.

Đức Phật của chúng ta vì lòng đại từ đại bi muốn cứu độ khắp loài hữu tình nên mới cho lập ra pháp này. Nguyên nhân khởi đầu từ Tôn giả A-nan, khi Ngài đang ngồi nhập định trong rừng thì bỗng thấy có một quỷ vương đến cầu xin cứu độ, A-nan liền về núi Linh Thứu trình với Phật, Phật nhân đây thuyết pháp Thủy Lục. Thật ra quỷ vương này chính là hóa thân của Bồ-tát Quan Âm, vì thương chúng sinh đang chịu bao thống khổ và muốn cho các vong hồn nơi địa ngục được vãng sinh Cực Lạc nên mới xin lập pháp siêu độ.

Pháp hội này được thực hiện bắt đầu từ vua Lương Võ Đế. Vua phát tâm Bồ đề, tha thiết cung thỉnh Hòa thượng Chí Công chế định nghi thức lập Đàn Tràng Thủy Lục nhằm giúp các oan hồn uổng tử. Khi an trí đèn xong, vua lễ một lạy, sau đó mồi đèn thì lễ tiếp một lạy nữa, lúc này cung điện chấn động, vua lễ lần thứ ba thì trên trời mưa hoa báu xuống. Công đức Đàn Tràng Thủy Lục là vậy đó.

Đời Đường, Thiền sư Anh Công tổ chức Đàn Tràng này tại chùa Pháp Hải để cầu siêu cho vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Châu Muội… vốn bị đọa cả ngàn năm, giúp họ siêu thăng cõi trời. Tiếp đến cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, Đại sư Liên Trì đời Minh cùng Thánh hiền bao đời liên tục bổ sung thêm vào khiến nghi thức lập Đàn Tràng Thủy Lục ngày thêm hoàn chỉnh. Vạn pháp do tâm tạo, mọi người thành tâm ắt có cảm ứng.

Vì không thể từ chối lời mời thỉnh thiết tha của chư vị nên tôi đành phải chủ trì Đàn Tràng này.

Trong thời kháng chiến, những binh sĩ xả thân báo quốc tử trận, hồn họ vất vưởng không chỗ nương, nghĩ đến ân đức này, ta lập đàn cầu siêu cho họ. Nghĩa dân bất khuất, trung với nước không quy hàng quân địch, nhà tan người mất, lưu lạc cõi hoang. Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi, và những vong hồn chết oan, chết vì trúng đạn, xe tông, bệnh dịch, chết đuối, chết bất đắc kỳ tử… Chúng ta đều phải cầu siêu hết, để an ủi chúng sinh cõi u minh. Làm sao cho kẻ chết được an, người sống được ích lợi, âm-dương đều ổn.

Đây là lý nhân quả vần xoay. Đạo lý con người không ngoài tiêu chuẩn: Chẳng làm việc ác, chỉ làm việc lành. Bao khổ đau trên thế gian này sở dĩ có, là do kiếp xưa ta từng gieo nhân xấu. Nếu sống mà cứ sát phạt, hại nhau, làm những điều tán tận lương tâm, sống bất hiếu phi lễ, không liêm sĩ khiêm cung, mặc tình làm càn làm quấy… thì thế gian này vẫn còn khổ đau ngút trời, chiến tranh loạn lạc vẫn tiếp diễn.

Muốn hòa bình, thì mọi người phải phát tâm Bồ đề, phát tâm từ bi rộng lớn. Tâm chúng ta tạo ra mười cõi: – Bốn cõi Thánh, sáu cõi Phàm. Bốn cõi Thánh là: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Cõi Thánh đã vượt khỏi tam giới, không bị luân hồi. Cõi cao nhất là chư Phật, kế là Bồ tát, Duyên giác, cuối cùng là Thanh văn. Sáu cõi Phàm là: Thiên, Nhân, A-tu-la, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục… còn nằm trong biển khổ luân hồi. Cõi trời sau khi hưởng hết phước vẫn bị đọa. Cõi người chịu khổ sinh lão bệnh tử chi phối. Loài A-tu-la có phước nhưng không có đức bằng chư Thiên nên cũng bị hoại diệt. Loài súc sinh thọ khổ vui cũng không đồng. Rồng phượng, lân, sư tử sống sướng hơn loại trùng kiến thấp sinh, hóa sinh. Khổ vui trong loài quỷ cũng không đồng: những quỷ vương như Thành hoàng, Diêm vương hưởng vui nhiều và thọ khổ ít hơn loài ngạ quỷ. Còn cõi địa ngục thì toàn là khổ, khổ vô biên!

Đức Phật đại từ bi thuyết pháp, khiến chúng ta phát tâm Bồ-đề. Nhưng phát tâm cũng khác nhau. Bậc thượng thì phát tâm tu thành Phật. Bậc trung phát tâm tu thành Bồ-tát. Bậc hạ phát tâm tu thành Duyên giác Thanh văn. Chư thiên cũng có phát tâm Bồ đề, do nhân phát tâm lớn nhỏ khác nhau nên thành quả cũng không đồng. Chúng ta sống trong cõi người, nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn, cứu độ chúng sinh. Nguyện dẹp trừ khổ – giúp chúng sinh siêu thăng – Nếu ai cũng phát tâm như thế thì cõi nhân gian không còn khổ.

Có người hỏi tôi về thần thông biến hóa – Rằng bao giờ thế giới hòa bình, vận nước tốt xấu ra sao? Tôi chỉ là phàm phu, đâu biết gì. Tôi giống như thân cây già nua khô mục, vô dụng. So với quý vị tôi chỉ hơn ở chỗ sống lâu nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe nhiều hơn, nói nhiều hơn, xem Kinh nhiều hơn. Cảm thấy đời người nhiều khổ đau nên tôi mới nói mấy lời này. Quý vị đừng thắc mắc quốc gia chừng nào thái bình, an vui? Mà hãy nhìn vào tâm mình, ngày đêm cố gắng khắc phục mình, chớ để tâm mê, thiếu tỉnh giác. Quý vị hãy sống nhân từ trung tín, luôn động viên nâng đỡ nhau, giáo dục con cháu chu đáo, sống hòa thuận với quyến thân, đối tốt với láng giềng, bằng hữu. Nếu ai cũng làm được vậy thì thế gian tự nhiên thái bình. Còn nếu biết sai mà không sửa, thì khổ sẽ phát sinh, không tránh vào đâu được. Dầu lòng người có phức tạp thế nào, chỉ cần quý vị chịu điều phục tâm mình, sống như tôi nói, thì mọi việc đều ổn.

Hiện nay, con người chỉ biết tham mê chạy theo dục lạc mà không lưu tâm đến việc trau giồi đức hạnh, coi thường đạo đức, nhân phẩm. Kẻ có lương tâm thì buồn chán sống ẩn dật, vì nghĩ không còn dạy nổi thế hệ con, em. Chúng ta đừng để bị phong hóa tệ ở thế gian lôi cuốn. Phải hiểu rõ và tin sâu lý nhân quả báo ứng, hễ gieo nhân xấu thì gặt quả xấu. Quý vị cần lưu tâm chú trọng đạo đức. Lời xưa nói: “Nhà tích thiện có thừa điều vui, luôn được thần linh ủng hộ”. Nếu ai cũng sống hiền đức thì quốc gia nhờ đấy mà được thái bình.