Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh

Từ điển Đạo Uyển


出生無邊門陀羅尼經; C: chūshēng wúbiān mén tuóluóní jīng; J: shusshō muhen mon dara-nikyō; S: anantamukha-dhāraṇī; t: [‘phags pa] sgo mtha’ yas pas bsgrub pa shes bya ba’i gzungs. Các tên khác là anantamukhanirhāra-dhā-raṇī và anantamukhasādhakanāma-dhāraṇī. Tương truyền kinh nầy được biên tập bởi đức Phật lịch sử tại thành Tì-xá-li (s: vaiśālī) 3 tháng trước khi ngài nhập Niết-bàn. Những ai trì tụng Đà-la-ni nầy có thể vượt thoát mọi chướng ngại và được chư Phật hộ niệm; những ai thâm nhập được nghĩa Đà-la-ni thì nhanh chóng được giác ngộ, vì sự hành trì Đà-la-ni dựa vào ý niệm vô sở đắc (s: anupalaṃbha 無所得). Để cho Đà-la-ni có được hiệu nghiệm, hành giả phải từ bỏ thế tục, sống đạo hạnh và thông hiểu ý nghĩa 8 chủng tự (種字; s: akṣarabīja: pa, la, ba, ja, ka, dha, śa, kṣa). Sự hiện diện của pháp tu như thế trong kinh văn tương đối sớm cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển Mật tông Phật giáo. Trong 8 bản dịch tiếng Hán, bản của Bất Không (不空; s: amoghavajra) có uy tín nhất đối với Chân ngôn tông (眞言宗). Các bản dịch được sắp xếp thứ tự theo lịch sử như sau: 1. Vô lượng môn vi mật trì kinh (無量門微密持經), 1 quyển, Chi Khiêm (支謙) dịch. Điểm khác thường là bản kinh nầy đã dịch 8 chủng tự hơn là chuyển âm chúng thành chữ Hán, có nghĩa là, chọn những chữ Hán tương đương để biểu thị cho nghĩa của những mẫu tự mà chủng tự sử dụng, và đó không phải đơn thuần là việc phiên âm; 2. Xuất sinh vô lượng môn trì kinh (出生無量門持經) 1 quyển, Phật-đà Bạt-đà-la dịch (佛陀跋陀羅; s: buddhabhadra) vào thế kỉ thứ 5; 3. A-nan-đà mục-khiếp-ni-kha-li-đà kinh (阿難陀目怯尼呵離陀經; s: anantamukha-nirhāra-dhāraṇī), 1 quyển, Cầu-na Bạt-đà-la (求那跋陀羅; s: guṇabhadra) dịch; 4. Vô lượng môn bạt quỷ đà-la-ni kinh (無量門破魔陀羅尼經), 1 quyển, Công Đức Trực (功德直) và Huyền Sướng (玄暢) dịch; 5. A-nan-đà mục-khiếp ni-kha-li đà-lân-ni kinh (阿難陀目怯尼呵離陀隣尼經; s: anan-tamukhanirhāra-dhāraṇī), 1 quyển, Phật-đà Phiến-đa (佛陀扇多; s: buddhaśānta) dịch; 6. Xá-lợi-phất đà-la-ni kinh (舍利弗陀羅尼經), 1 quyển, Tăng-già Bà-la (僧伽婆羅; s: saṅghavarman) dịch; 7. Nhất hướng xuất sinh Bồ Tát kinh (一向出生菩薩經), 1 quyển, Xà-na Quật-đa (闍那崛多; s: jñānagupta) dịch; 8. Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經), 1 quyển, Trí Nghiêm (智嚴) dịch; 9. Xuất sinh vô biên môn đà-la-ni kinh (出生無邊門陀羅尼經), 1 quyển, Bất Không dịch. Bản dịch nầy là nền tảng của tập Xuất sinh vô biên môn kinh nghi quỹ (出生無邊門經儀軌) được Bất Không soạn. Để nghiên cứu thêm từ nguồn gốc tiếng Hán, Khotanese, Phạn, và tiếng Tây Tạng, có trích dẫn Anantamukhanirhāradhāraṇīṭīkā của Jñānagarbha, xin xem tác phẩm của Inagaki (1987); về bản dịch sang tiếng Nhật của luận giải này, xem Horiuchi (1967) Horiuchi (1968) và Horiuchi (1969).