Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục

XIII/ Chánh Đẳng Chánh Giác

Chánh văn:

Lúc Phật nói phẩm Phổ môn này, trong chúng có tám muôn bốn nghìn chúng sanh đều phát tâm vô đẳng đẳng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Giải:

Khi Đức Phật Thích Ca giảng phẩm Phổ môn, Đại chúng nghe giảng tại Hội có Chúng đệ tử, Trời, Rồng và tám bộ chúng thảy, số lượng quá nhiều chẳng kể xiết. Nội bên trong có tám muôn bốn ngàn chúng sanh. Cho nên một người nghe Kinh được lợi ích tức là tám muôn bốn ngàn chúng sanh ấy đều được chịu ích lợi. Đấy là cứ trên một cái thân mà nói, chứ tâm bao gồm cả thái hư, lượng khắp cả sa giới, mười phương pháp giới đều ở trong tâm. Cho nên người phát khởi Bồ đề tâm tức là cả Pháp giới đều duyên đấy mà khởi phát theo. Một cái động là động tất cả. Cho nên đó nên trong tự tâm ta có vô lượng Đại chúng đều đã phát tâm rồi vậy.

Phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là phát tâm thành Phật. Hiện tiền chúng sanh có giác tri, nhưng là vọng giác vọng tri. Nếu giác ngộ được muôn Pháp đều không, trọn không có gì, chẳng đắm nơi có gọi là Chánh giác. Tuy Chánh giác rồi đấy, nhưng một bên chấp đắm là không, lại chẳng bình đẳng. Cho nên điều tiên quyết phải là đem tự tri mà tri cho kẻ vị tri, đem tiên giác mà giác cho kẻ hậu giác. Từ bi mà giác ngộ cho chúng sanh, tích cực mà cứu giúp cho đời. Được như thế, đã chẳng chênh lệch nơi ngoan không, lại cũng chẳng ngưng trệ về giả hữu, thời “không và hữu” bình đẳng, gọi là Chánh đẳng. Tự giác – giác tha hai giác này đều tròn đầy vượt lên trên tất cả các công đức khác gọi là Vô thượng.

Chánh giác là tự lợi, Chơn không là tiêu cực, khỏi đời. Chánh đẳng là lợi tha, Diệu hữu là tích cực, vào đời. Vô thượng là Tự với Tha chẳng hai, bình đẳng Nhất như. Dung thông cả cõi đời và vào đời hội qui cả tiêu cực và tích cực viên dung vô ngại, tức là trung đạo Không và Hữu bình đẳng bất nhị. Diệu hữu phi hữu là Chơn không; Chơn không Bất không là Diệu hữu. Gọi đó là Phật tánh Viên tuyệt Diệu trung. Khi thành Phật tức là chứng Tánh này đây vậy. Người đời thường hay ngộ nhận, cho Phật giáo là Không môn, chẳng phải chơn nghĩa. Cần phải hiểu rõ hai nghĩa Không và Bất không: Chẳng chấp đắm nơi Không nên mới làm lợi tha, tức là Chánh đẳng. Và phải biết Hữu tức là phi hữu, chẳng chấp đắm nơi Hữu mà sanh ích kỷ, mới được giác ngộ Chơn không, tức là Chánh giác. Như thế lìa năng và sở, tuyệt đối đãi, duy là trung đạo bình đẳng bất nhị, tức là Vô thượng.

Được như vậy thời mới vượt lên trên tất cả phàm phu, La Hán và Bồ tát, chẳng có thể ngang hàng với ba hạng trên, nên gọi là Vô đẳng, tức không ngang hàng. Không ngang mà ngang; ngang với tất cả: Một sắc một hương, không một thứ nào chẳng phải là trung đạo, nên gọi là Vô đẳng đẳng. Nghĩa là Pháp ấy bình đẳng không có cao hạ. Người người đều sẽ thành Phật, đều có thể ngang hàng với tâm Bồ đề Vô đẳng này. Cho nên đời gọi Ông Thuấn vậy là người thế nào? Ta vậy là người ra sao? Phải chăng là có làm như ông ấy thời cũng là ngang hàng với các ông ấy vậy. Cho nên quý vị cần nên phát tâm quảng đại Bồ đề. Chúng ta đã thấy rõ chân nghĩa Phật pháp, nếu chẳng phát tâm hành trì, thời như nói món ăn, đếm hộ của tiền cho người khác, và như chiếc bánh vẽ chẳng ích gì dạ đói. Rốt cuộc đến cùng, tự mình chẳng được một điểm thọ dụng nào cả.

Cho nên cứ mỗi buổi sáng tinh sương, khi mới thức dậy, liền niệm Quán Thế Âm Bồ tát bảy tiếng. Đấy là y theo giải mà khởi hành – mắt và chân đều có công dụng đồng thời. Hy vọng quý vị buông thả muôn duyên chơn thật tiến tu, bỏ lìa tình nhiễm, và vượt khỏi sự thấy biết tầm thường, lão thật trì niệm, khắc kỳ mà chứng lấy, mong sao được sự lợi ích thù thắng. Được vậy mới xứng đáng là chơn Phật tử. Nguyện chư Phật tử cố gắng, xin đừng khinh thường mà bỏ qua cơ hội.

DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN PHẨM

GIẢNG LỤC HẾT