1. XẢ THÂN CẦU ĐẠO

Kính thưa quý vị,

Tu hành mà không phát tâm Bồ đề, không hy sinh thời gian, thân tâm tài sản để cầu đạo, thì khó đạt thành đạo quả  giác ngộ giải thoát.

Thuở đời quá khứ vô lượng vô lượng kiếp về trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Thế giới Ngài thuyết pháp giáo hóa chúng sanh tên là Thế Giới Ta Bà.

Lúc bấy giờ có một chàng thanh niên nghèo, đến nhà người bạn thăm chơi, nghe nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng thuyết kinh Đại Niết Bàn cho đại chúng nghe ở một tịnh xá cách đó không xa. Chàng thanh niên nghèo này vừa nghe nói như vậy, lòng vui mừng phấn khởi, muốn phát tâm cúng dường Phật, nghe thuyết pháp. Nhưng bụng nghĩ rằng, phận mình nghèo khổ túng thiếu chẳng biết làm sao bây giờ. Suy đi nghĩ lại đã bao lần mà chẳng tìm ra phương cách nào để có ít tiền vật đem đến cúng dường Phật. Cuối cùng chàng nảy ra ý nghĩ, chỉ còn có một cách là đem thân mình bán để lấy tiền cúng dường Phật, hầu mong trồng chút phước đức.

Lòng chàng đã quyết, dù phải bán thân chịu đọa đày cơ cực đến đâu, miễn sao thực hiện được tâm nguyện cúng dường Phật, được nghe thuyết pháp là quý hóa rồi.

Sau khi lòng đã quyết, chàng lội bộ khắp đó đây để rao bán thân mình hoặc được ở đợ. Nhưng phận hèn bạc phước không ai chịu nhận mua cả. Mỏi mệt, buồn bã, chàng quay trở về nhà.

Trên đường về nhà, bỗng gặp một người đang đi với vẻ mặt buồn rầu lo âu, chàng chạy đến hỏi: “Tôi muốn bán thân tôi, ông có thể mua dùm được không?

Người kia thật là bất ngờ mừng quá, vội đáp rằng: “Tôi đang có việc khẩn cấp nan giải, không ai làm nổi. Nếu như làm được thì tôi mới mua thân chú”.

Chàng nghèo hỏi: Việc gì khẩn cấp mà chẳng làm được vậy?

Người kia đáp: Tôi đang mắc phải chứng bệnh ngặt nghèo. Thầy thuốc bảo mỗi ngày phải ăn ba lạng thịt người. Nếu như chú mỗi ngày có thể đem ba lạng thịt nơi thân chú mà cung cấp cho tôi, thì tôi sẽ trả cho chú năm thẻ vàng.

Chàng nghèo nghe xong, lòng vui mừng khôn xiết, thầm nghĩ rằng, ước nguyện cúng dường Phật, nghe thuyết pháp của ta sẽ đạt thành. Liền nói rằng: “Vậy thì xin ông có thể đưa tiền vàng cho tôi, hẹn trong vòng bảy ngày, sau khi tôi sắp đặt việc xong, tôi sẽ lập tức lại nộp thân hầu ông”.

Người kia đáp: Bảy ngày lâu quá. Bệnh tôi trầm trọng cấp bách, cần ăn thịt người gấp mới mong cứu sống được mạng của tôi. Nếu chú thấy có thể làm được, tốt nhất trong vòng một ngày thôi.

Chàng nghèo đồng ý, nhận tiền, lòng mừng rỡ, vội vàng tìm đến chỗ Phật Thích Ca. Vừa thấy Phật, đầu mặt năm vóc anh sát đất thành kính lạy Phật, có bao nhiêu vàng trọn dâng cúng dường rồi ngồi nghe Phật giảng kinh thuyết kinh Đại Niết Bàn. Nhưng vì tâm địa mờ tối, nghe Phật thuyết pháp xong, mà lòng dạ anh chỉ còn nhớ vỏn vẹn có bốn câu kệ:

Như Lai chứng Niết Bàn.

Dứt trọn vòng sanh tử.

Nếu ai chí tâm nghe,

Thường được vô lượng lạc.

Sau khi nghe xong, chàng nghèo mừng quá, miệng đọc bài kệ mãi không thôi, đồng thời giữ đúng lời hẹn, vội vã về nhà người bệnh kia, mỗi ngày cắt ba lạng thịt của thân mình để cho bệnh nhơn ăn mà không chút than thở ân hận.

Nhờ lòng chí thành chí kính với niềm tin sâu sắc hướng về Đức Phật, lòng hân hoan được nghe Phật thuyết pháp, dạ vui mừng nhớ được bài kệ trên. Nhờ tâm niệm chuyên ròng luôn luôn nghĩ đến Phật, nghe Phật thuyết pháp, miệng lúc nào cũng đọc kệ, nên trải hơn một tháng cắt thịt thân mình để cho bệnh nhơn ăn mà chẳng thấy đau đớn chút nào.

Cứ như vậy, ngày ngày cắt thịt mình cho bệnh nhơn ăn, trải đã suốt tháng, người nghèo lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm nhớ Phật, nguyện cầu cho bệnh nhơn sớm được bình phục. Đồng thời anh nghèo ngày đêm thành tâm đọc kệ, niệm Phật khấn nguyện cho thân tâm mình và thập phương chúng sanh được an vui tự tại.

Do tâm thành nguyện cảm của anh mà người bệnh được lành. Anh nghèo sau một đêm chuyên ròng tâm trí tưởng Phật đọc kệ, với giấc ngủ an lành trong trạng thái nhất tâm bất loạn. Khi thức giấc bất ngờ nhìn lại thân mình nguyên vẹn như xưa, không thấy có một vết thẹo nào. Lòng chàng nghèo vô cùng cảm kích, nói sao cho hết nỗi lòng hân hoan. Chàng quỳ giữa sân, ngước mặt lên hư không thành khẩn khấn nguyện: “Ta nguyện rằng, về sau tiếp tục tu hành thành đạo giống như Đức Phật kia, ta cũng được tên là Thích Ca Mâu Ni và thế gian ta hóa độ chúng sanh cũng tên là Ta Bà”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trên kia là vị Thích Ca Cổ Phật, còn bệnh nhơn ăn thịt người là tiền thân Đề Bà Đạt Đa. Chàng thanh niên nghèo kia chính là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta ngày nay. Ngài đã ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ, xứ Ấn Độ, và Ngài đã đem trọn đời Ngài cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh đến hơi thở cuối cùng. Và Ngài nhập Niết Bàn tại thành Câu Thi Na, rừng Ta La Song Thọ.

Thưa quý vị,

Các Đức Phật, các vị Bồ Tát cũng là con người như chúng ta. Nhưng các Ngài đã lìa phàm nhập Thánh, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi là do các Ngài phát Bồ đề tâm, chí thành nghe pháp, khẩn thiết hành đạo, xem nhẹ xác thân giả tạm, xem thường tài sản lợi danh, nhất tâm quyết chí tu hành mà được thành Phật thành Bồ Tát. Còn chúng ta mãi mê ngũ dục thế gian, lười tu kém niệm Phật, nên mãi mê chìm đắm phàm tình.

Nay ta biết Phật, ta được thấy nghe giáo pháp, ta nên cố gắng tu tập để khỏi cô phụ hoài mong của Phật, để khỏi mất đi Phật tánh chơn tâm của ta. Có như thế mới là chơn Phật tử.