VUA KHÔNG NGAI
(Thương tặng chị Ba và tất cả những người tuổi con cọp – Hạnh Đoan)
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Người ta nói rằng Dần-Thân-Tỵ-Hợi tứ hành xung, vậy mà tôi rất có cảm tình với tuổi con Cọp.

Tôi nhớ đã từng đọc cuốn sách trong đó đề cập đến tuổi con Cọp, khen rằng bản tính họ rất can đảm, uy dũng… Có họ trấn trong nhà, ma quỷ cũng phải lét! (Xin hỏi nhỏ, không biết người sống có… lét chăng?).

Nếu như điều tiên đoán trên là đúng, xin bạn hãy mau mau tìm cách rước người tuổi Cọp vào nhà (thay vì treo một lá bùa bát quái trước cửa để yểm tà). Nhưng nhẩm tính lại, nuôi người thì vẫn phải tốn cơm, hãy nhìn túi tiền mình cho kỹ rồi liệu cơm gắp mắm… À không! – Gắp… Cọp! Và điều cần làm trước tiên bạn nên tìm hiểu đôi chút về cá tính của giống nòi Cọp.

Theo các bốc sư thì người tuổi Cọp rất có uy trong gia đình dù là trưởng hay út, âm thanh họ thường sang sảng hoặc nếu êm dịu thì vẫn có hơi hướm vũ bão ngầm. Nói đúng hơn là chất giọng họ… có gang có thép! Họ suy nghĩ quyết đoán mau lẹ, việc làm đâu ra đó rạch ròi. Bởi cầm tinh là Chúa sơn lâm nên ở nhà họ vẫn là “chúa” – dù không có ngai! – Tánh họ tốt bụng, phóng khoáng… Đa số tuổi Dần đều “đào mương” – không! (Đào hoa chứ). Con trai thường rất hiền lành còn con gái thì oai phong như hổ tướng…

Riêng các cô cầm tinh Cọp, đa số nhan diện duyên dáng dễ nhìn. Nhưng coi chừng, nếu bạn vô tình hỏi thăm hay muốn điều tra… thì có thể họ sẽ đi một đường yểu điệu, bẻ tay chân lắc cắc rồi ỏn ẻn nói: “Em tuổi con… Mèo!”. Dù vậy vẫn có người khôngcam tâm chôn giấu nguồn gốc Cọp của mình và hùng dũng xưng danh. Nếu bạn không phải là kẻ yếu tim, bạn có thể đứng đối mặt với đôi mắt tỏa hào quang… Cọp của họ và sẽ cảm nhận rằng họ cũng rất khả ái!

Nghe nói con gái tuổi Dần thường kết hôn rất muộn. Điều đáng tiếc là lỡ như gia đình có chuyện rủi ro, họ thường bị bên chồng sỉ vả: “Tại cô cao số nên khắc chồng hại con”… Sự đổ oan ấy giống như chuyện có căn nhà bị sập, người ta đang thắc mắc hỏi nhau duyên do gì… thì tình cờ lúc ấy thấy con ruồi bay ngang, họ liền kết luận chắc nịch: “Tại con ruồi mà ra cả!”. Vâng! Khi thấy mọi tai ương bất chợt xảy đến và khám phá trong nhà có cô dâu tuổi Cọp thì… “Tại nó chứ còn ai vào đây nữa?”…

Đó là những chuyện tôi biết được và tôi cũng đã từng xót xa lau lệ cho những người bị đổ oan. Trong cõi thế gian nầy, khổ đau hạnh phúc dường như trang trải đồng đều cho mọi người, nên không thể vinh vào con giáp nào đó để quy kết rủi may. Nếu muốn, thì hãy quy toàn… may để đời thêm chút thơ mộng. Vì có biết bao phụ nữ cầm tinh con Cọp nhưng lại là vợ đảm, mẹ hiền, em ngoan, chị giỏi?

Nhưng thôi, chẳng dông dài chi nhiều, bài viết này tôi muốn dành tặng cho người tuổi Cọp để bày tỏ chút lòng ngưỡng mộ và cũng để giới thiệu… con Cọp trong gia đình tôi!

Mẹ tôi rất tài trong việc “sáng tạo” chúng tôi. Chị Hai tôi ở đầu con giáp, tôi là út thì nằm cuối con giáp. Duy chị Ba tôi lại giáng đúng ngay tuổi con Cọp.

Ngay từ thuở còn bé tí, chị Ba tôi đã thể hiện nét oai phong lẫm lẫm của mình. Chị quậy phá không thua gì con trai. Mẹ tôi quả rất khôn ngoan khi nảy ra sáng kiến “đẩy” chị vào học một lượt với chị Hai, dù chị chưa tới tuổi đến trường. Vào lớp, chị Hai thì học hành đàng hoàng như người ta nhưng chị Ba thì chỉ có ngồi cạnh nhong nhỏng chơi (có biết gì đâu mà học).

Thỉnh thoảng cao hứng chị “hành nghề” bảo vệ chị Hai. Nghĩa là trong lớp nếu có ai giở trò ăn hiếp chị Hai thì chị Ba liền biểu diễn ngay một màn “cẩu xực”, là cắn vào tay đối phương cho đến lúc cô giáo can thiệp mới chịu nhả ra.

Tuy vậy, dù nhỏ nhưng chị Ba có tinh thần kỷ luật khá cao. Khi cô giáo tuyên bố: “Trong giờ học không em nào được phép xin đi ra ngoài hết, nghe chưa?”. Cả lớp ngoan ngoãn dạ rân thì một lúc sau lớp học bỗng nhốn nháo vì tiếng xì xào rên rỉ: – “Thúi, thúi quá cô ơi!… Con Yên (chị Ba tôi) nó… nó…”

Cô giáo liền đến điều tra… Hóa ra chị Ba tôi bị chột bụng bất tử. Do tuân thủ lệnh cấm của cô, chị không dám xin ra ngoài và đã bỉnh ra đầy cả quần!

Cô giáo đành cho chị Hai ngưng học để hộ tống chị Ba về nhà.

Trên đường đi, chị Ba đã biết thẹn nên dặn dò chị Hai: – Ai hỏi không được nói em… ể trong quần, phải nói là em bị bệnh nha…

Dĩ nhiên chưa tan học mà thấy chị Hai tôi về sớm nhiều người thắc mắc hỏi thăm. Chị Hai tôi vừa ấp úng định kể thiệt sự tình thì bị chị Ba véo lén thật đau. Chị Hai sợ quá liền đáp nhanh: – Em con nó… bệnh ạ!

– “À ra thế!”… Những người khách gật gù và chị Ba tôi bình an trở về.

Năm chị Ba mười ba tuổi thì mẹ tôi mất. Không còn mẹ chị phải quán xuyến việc nhà cả trong lẫn ngoài vì chị Hai không đủ sức đảm đương. Chị Hai vốn thông minh học giỏi, nhưng năm ấy đang tuổi tròn trăng, lại là một thiếu nữ có nhan sắc. Do đang độ xuân thì lắm mơ nhiều mộng, chị Hai mải bận bịu chuyện điểm trang sao cho thêm duyên thêm thắm…. nên chẳng còn hồn vía đâu để lo cho bốn đứa em. Mỗi lần thấy chị Hai săm soi ngắm nghía mình trước gương, chị Ba tôi thường bình: “Diện cho cố rồi học chẳng tới đâu!”.Chị Hai tức mình phản công lại: – “Mày xấu như Chúa ôn thần trùng nên không cần diện, còn tao, tao diện là phải thôi”. Chị Ba tôi chẳng thèm đáp lại, chỉ nhún vai. Chị Hai tôi còn có máu lãng mạn cực kỳ, lúc đầu khi ba tôi giao chị làm thủ quỹ, chị thường hỏi chúng tôi (lũ nhóc chưa sạch mũi): – Mấy đứa thích đi xem phim hôn? – Thích! – Chúng tôi gào lên.

– Vậy muốn coi hát thì phải nhịn đói. Mấy cưng chịu hôn?

– Chịu!

Thế là chị làm trưởng đoàn dẫn ba đứa em (không có chị Ba) đi bộ hơn bảy cây số đến xem phim. Và khi vãn hát chúng tôi ôm cái bụng lép xẹp uống nước lã cho đỡ đói.

Ba tôi đi làm xa về thấy cách chị Hai chăm sóc em út, hãi quá… bèn giao toàn quyền “cai trị” lũ chúng tôi cho chị Ba. Chị Hai mất ngôi, buồn mấy ngày, song chị rất nể chị Ba.

Tết năm ấy nhà không có gì để ăn, chúng tôi có được ngày hai bữa cơm là quí rồi, nói gì đến bánh mứt?…. Biết không thể nào thuyết phục được chị Ba vốn có tánh cẩn thận và chừng mực về tiền bạc, chị Hai tôi liền bắt con chó đem bán cho dân nhậu ở ven sông. Được mớ tiền, chị hí hửng mua cà về trổ tài làm mứt.

Chị Ba tôi đi học về (lúc ấy trời đã mờ mờ tối), tất tả đem tiền đi chuộc con chó, vừa đi chuộc chó chị vừa khóc thút thít… rồi hai bà chị giận nhau. Chỉ có chúng tôi, đám con nít vô tư ăn mứt cà và tha hồ vuốt ve con chó, suýt nữa nó đã thành cầy quay rồi.

Dù chị Hai mê điệu, chị Ba mê học, lũ em út chúng tôi luôn được lợi. Các công tử hào hoa không ngừng ái mộ chị Hai. Bạn của chị Hai đa số đều rất hiền. Có anh khi đến thăm nhằm lúc chúng tôi dùng bữa, động lòng trắc ẩn thế nào mà sau đó, mỗi lần đến anh thường mang theo đồ “ủy lạo”, khi thì cà-mên thịt, lúc cá, lúc gà… (không biết những thứ này có được chôm từ nhà bếp của mẹ các anh hay không?), chỉ biết rằng bọn trẻ háu đói chúng tôi rất tận tình thưởng thức. Thuở ấy, tôi cứ ngỡ mình có nhiều anh, trong tâm trí tôi các anh thật tốt, thật dễ thương.

Bạn của chị Ba cũng tuyệt không kém, Các anh đến và xử sự không hổ danh “Bằng hữu thâm giao”, toàn là để học nhóm hay sách tiến nhau. Dù vậy, các anh rất quan tâm chăm sóc tôi và luôn trách hai chị tôi không để mắt tới em út. Có anh đã biểu lộ sự nóng lòng của mình bằng cách vá cho tôi manh áo rách mà nhiều ngày qua chẳng ai để ý tới. Thật ra bạn chị Ba đa số là thư sinh nghèo, rất hiếu học và đảm đang. Có lúc chị Ba tôi đã trêu các anh bằng hai câu thơ của cổ nhân:

Thân này ví đổi làm trai được ,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu!

Những lúc ấy các anh chỉ cười. Tình thật, tác phong và sự tử tế của các anh đã khiến cả nhà tôi xem các anh như những thành viên ruột thịt trong gia đình.

Ba tôi vắng nhà thường nên chị Ba kiêm luôn quyền kiểm soát mối giao hữu của chị Hai, anh nào vào nhà được cũng phải vượt qua ải của chị Ba. Lôi thôi không đàng hoàng là chị quạt… cho chạy té khói. Có một lần, sáng sớm tinh mơ đã thấy một chàng trồng cây si chị Hai tôi lảng vảng trước cửa, chị Ba liền bước ra thắc mắc: – Nè anh kia, sao hôm qua viết thư cho chị tôi nói là tim anh rỉ máu, vỡ tan từng mảnh… mà giờ còn sống sờ sờ đến đây vậy?…. Anh chàng kia mặt đỏ như gấc chín, ấp a ấp úng… rồi tìm đường lỉnh mất.

Chị Hai biết chuyện, phàn nàn chị Ba phá đám và chị thường hối lộ kẹo để nhờ lũ nhóc chúng tôi canh chừng chị Ba giùm. Chị Hai chỉ dám tiếp bạn vào lúc chị Ba vắng nhà.

Có lần chẳng biết ai gởi cho chị Ba lá thư xanh. Có dịp để trả đũa, chị Hai giành đọc rồi cười sằng sặc. Chị giơ bức thơ lên nói: – Mấy đứa xem, người ta tán chị Ba bây đẹp như… ngàn cánh bông sen! Rồi còn làm thơ nữa chứ… Ối trời! Xem họ tả nè: “Đôi mắt ấy như sao trời rực sáng”…

Chị Ba tôi cắt ngang:- Hơi đâu mà bà phí thời giờ vì bức thư lảm nhảm ấy? Lúc họ muốn tán tụng thì mấy hạt mụn trên mặt mình họ cũng nói là… mấy hạt ngọc!

– Ối! Thực tế như mày thì chỉ có nước ở giá, có nước ế!

Chị Ba nhăn mặt: – Chị xem, bạn chị đến toàn là tình cảm nhăng nhít… Bạn tôi đâu có vậy? Còn nhỏ mà cứ nghĩ đến chuyện không đâu, sớm muộn gì việc học cũng gãy đổ thôi!.

Chị Ba tôi nói đúng. Chị Hai tôi bỏ dở việc học nửa chừng vì lo vu quy sớm. Không biết đó là rủi hay may? Chẳng có anh nào đến nhà tôi được nên duyên với chị. Phu quân của chị là một anh chàng lãng tử rất đẹp trai, quê ở tận miền ngoài.

Ngày chị Hai tôi khóc sụt sùi vì buồn chuyện “vườn mới thêm hoa” của đức lang quân, thì chị Ba tôi sung sướng mặc áo Thủ khoa bước trên con đường trải đầy chiếu hoa giữa sân trường đại học. Tiếng nhạc đệm theo bước chân cô Cử cậu Cử tân khoa nghe rộn rã như lời chúc mừng! Tôi không nói quá khi kể rằng bạn của chị Ba tất cả đều thành danh. Từ đó chị Ba cũng trở thành tấm gương sáng về nết hiếu học đối với tộc họ nhà tôi.

Các bác tôi thường dạy cháu mình: – Ráng mà học như cô Yên. Giỏi như cô Yên…

Còn chị Hai, mái ấm của chị luôn có giông gió… chị thú nhận rằng mình đã trả quả cho những hành vi làm “nát tim người” ngày xưa – bằng chính khổ đau không dứt trong hiện tại – bởi ông anh rể tôi quá bay bướm – và khi anh bay tới “khu vườn” thứ… ba thì chị Hai tôi đã ngán ngẩm than: – Biết vậy thà sống như con Yên! Và chị nói với chị Ba: – Chị sai rồi, quan niệm sống của chị quá lầm! Ngày sau chị sẽ khuyên các con mình đừng giẫm lên vết xe của mẹ nó. Chị chỉ biết trau tria bên ngoài nên thu hút được đối tượng rỗng, chỉ chuộng hình thức! Khi nhan sắc tàn phai thì hạnh phúc cũng chắp cánh bay… Đây là quà tặng dành cho sự chọn lựa lầm lẫn của chị! Chị sẽ khuyên các con học thành tài như em và có lẽ, phải khuyên chúng “đừng yêu ai” giống như em!?….

Chị Hai tôi quên một điều: chị Ba tôi tuổi con Cọp.
Và thưa bạn, con Cọp là vậy đó.
Viết xong tháng 1 năm 1997

*

(Đã đăng trên báo G-N 80 năm 97 qua bút danh H.T.H)