Vu Lan Mười Năm Ly Hương
Hòa Thượng Thích Đức Niệm

 

Mới ngày nào đây, nay tính đã đầy mười đầu ngón tay. Đã mười năm! Mười năm trôi qua tựa hồ vừa ra giấc mộng.  Thời gian như thoi đưa!  Đã mười năm ly hương, mười mùa Vu-Lan thương nhớ ngậm ngùi đi qua như bóng câu cửa sổ, như áng mây chiều nhẹ trôi, như tấc bóng hoàng hôn không một chút lưu luyến đợi chờ!

Đã mười mùa Vu-Lan rồi, mà tôi vẫn còn ngồi nơi đất khách, đành ngậm ngùi đốt nén tâm hương cắm trên mảnh đất lạnh thiếu tình người nầy, mảnh đất không mồ mả ông cha, mảnh đất không mang một kỷ niệm tiếng khóc chào đời của tôi. Vì đâu mà tôi phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rún với nỗi lòng thổn thức tức tưởi nghẹn ngào?! Vì đâu mà tôi đành phải chịu kéo lê cái kiếp sống tha phương lữ thứ lâu dài dằng dặc với tâm tư chua xót ngất tận trời cao, mà vẫn chưa biết ngày nào trở lại cố hương! Nhìn lại những tháng năm đã qua, những người dân nước Việt, những người con dân tha thiết với đất nước non sông, những người con thảo cháu hiền của mẹ cha đã phải trải qua bao nỗi thăng trầm trong cuộc sống ly hương. Sự thật thì đất nước còn đó, mà đành phải từ bỏ ra đi với nỗi uất hận nghẹn ngào. Giờ đây, từ xa vạn dặm nơi đất khách quê người ngậm ngùi vọng trông đất mẹ. Đời tôi có hai bà mẹ: Mẹ mang nặng đẻ đau cho tôi hình hài, ru cho tôi ngủ, dạy tôi ăn học nên người. Và mẹ nơi chôn nhau cắt rốn, chứng kiến tiếng khóc chào đời, chuyên chở dân tộc trong đó có tôi để được sống còn và cất giữ hình hài ngàn năm im lặng.

Sống trên đất khách quê người phải nỗ lực xây dựng lại đời sống bằng sự bắt đầu với hai bàn tay trắng, sau những ngày xa lìa quê hương thập tử nhất sanh, vì tìm tự do. Chính vì muốn có được đời sống tự do tiến bộ mà phải vượt trùng dương biển cả, phải băng qua núi rừng, tiếp theo đó là những ngày tủi nhục sống trên tàu bè và trong các trại tị nạn của ngoại quốc.  Khắp mọi chân trời góc biển, khắp trên mặt đất của quả địa cầu, hễ đã là người Việt-Nam còn trái tim rung động, còn cảm tình với quê hương dân tộc, thì không luận giàu nghèo đều cùng chung cõi lòng héo hắt buồn thương mỗi độ Vu-Lan về. Đau buồn vì phải bỏ hết tài sản quyến thuộc, bỏ lại sau lưng bao kỷ niệm của nơi chôn nhau cắt rún đất mẹ, để nghẹn ngào đau xót nhận chịu kiếp sống vong quốc tha hương, dù được tiếp đãi ưu ái, cũng tự cảm thấy thân phận mình bị người xem nhẹ xem thường, trong lúc đất nước mình còn đó mà không ở được! Con người tự xưng là cách mạng giải phóng đã hủy diệt những ngày êm đềm thân thiết yêu thương của quê hương dân tộc.

Người tha hương nhớ thương đất mẹ, vì xa lìa mồ mả ông cha nhang tàn khói lạnh, làng xưa cảnh cũ im lìm bóng ai. Mái chùa hiền lành ấm cúng ngày xưa giờ đây lạnh lẽo, chuông chùa im bặt tiếng đồng vọng ngân nga. Thầy tổ Tăng Ni bị đi đày, ngày đêm bị áp bức.  Cảnh thiền môn, Phật-Học-Viện, nơi đào tạo nhân tài mầm mống sống của đạo pháp giờ đây tiêu điều tan rã như chim vỡ tổ, dần dà đi đến suy tàn. Xã hội Việt-Nam giờ đây dẫy đầy những con người không có trái tim, chuyên nghề chỉ điểm bắt bớ tù đày áp bức tàn hại nhau. Trong lúc đó, nơi đây, nơi đất khách quê người nầy, đời sống người con dân nước Việt, đạo cũng như đời, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng, thân thể mệt mõi rã rời, thời giờ luôn luôn bận rộn hấp tấp, ngày ngày phải chấp nhận thực trạng cuộc sống xa lạ ngỡ ngàng, và lúc nào cũng thấy lạc lõng bơ vơ. Ngước mắt nhìn bốn phương trời không thấy đâu là nơi quen thuộc thân yêu như những ngày còn sống trên đất mẹ quê hương. Cho dù tìm đôi phút giây khuây khỏa hướng vọng quê hương để vơi nhẹ đi lòng thương nhớ, nhưng quê hương bên kia bờ Thái-bình-dương xa tít ngút ngàn trong làn khói mù sương thăm thẳm!

Nay nhân ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu-Lan thắng hội, ngày xá tội vong nhân, ngày mọi linh hồn ở chốn u minh cũng như ở cảnh giới an lạc thanh tịnh, nhân ngày giải đảo huyền này mà được về dương thế để thăm con cháu. Nơi đây, nơi phải sống ở đất khách quê người này, thưa cha mẹ, nơi mà con không ngờ lại có thể xảy ra trong đời con! Con chỉ còn biết dâng trọn lòng thành khẩn thiết đốt nén tâm hương thỉnh mời cha mẹ về nơi dương thế để cho con được dịp hầu thăm, sau mười năm mồ mả nhang tàn khói lạnh.

Thưa cha mẹ,

Trên và trước hết con thành tâm sám hối với cha mẹ. Từ ngày con đã lén cha mẹ trốn nhà ra đi để vào chùa tìm thầy học đạo. Ở cái thời thơ ấu ấy, đầu còn để chỏm. Con trốn ra đi để vào chùa hành điệu học theo hạnh Phật và nguyện đi theo con đường của đức Phật đã đi.  Nhưng con ra đi không một lời từ biệt cha mẹ làm cho cha mẹ lo lắng trăm chiều. Điều này không tránh khỏi làm buồn phiền cha mẹ. Nhưng con biết, nếu con thưa cha mẹ xin xuất gia đầu Phật cầu đạo giải thoát, thì chắc cha mẹ không bao giờ vui lòng ưng thuận để cho con được toại nguyện xuất gia tu hành. Bởi ngày xưa cha của thái tử Tất-Đạt-Đa cũng đã ngăn cản Thái-tử xuất gia tầm đạo. Và trên đời này đã có được mấy bậc cha mẹ hoan hỉ đồng ý để cho con mình đi xuất gia cầu đạo giải thoát đâu? Cha mẹ nào mà chẳng thương con? Cha mẹ nào có muốn xa lìa con? Nhưng tình thương đó là tình luyến ái bịn rịn. Tình thương ái nhiễm để phải mắc vào vòng sanh tử luân hồi. Trăm ngàn bậc cha mẹ như một, đều thúc giục con cháu học giỏi, tìm công ăn việc làm, mong dựng vợ gả chồng để lập thành gia thất.  Nghĩa là thương mà vô tình đưa con cháu vào vòng phiền trược ái ân để rồi suốt kiếp đọa đày khổ lụy! Nhưng cha mẹ lại tự mãn với điều phiền lụy buộc ràng đó. Thật là rõ ràng, trên đời này đã có được mấy bậc cha mẹ khuyến khích con đi xuất gia học đạo giác ngộ đời, thoát ngoài vòng sanh tử luân hồi, để trở lại độ cha mẹ đâu? Nhờ gương xưa của đức Phật làm cho con biết rõ điều đó, nên con buộc lòng phải trốn nhà ra đi, việc nầy làm cho cha mẹ thương nhớ buồn rầu. Và sau đó thêm tám năm trời biệt vô âm tín, không dám liên lạc với cha mẹ, chỉ vì sợ cha mẹ biết được chỗ con hành đạo sẽ bắt con về nhà.  Điều biệt vô âm tín này đã làm cho cha mẹ nghĩ rằng con đã chết, nên lập bài vị hương khói cúng cơm. Hôm nay đây, kỷ niệm mười mùa Vu-Lan trên đất khách, mười năm ly hương, con xin đem trọn cõi lòng thanh tịnh thương kính nhất dâng lên cha mẹ để cầu xin sám hối. Và đồng thời dâng cúng cha mẹ tách trà thơm với nén hương lòng cùng đóa hoa hồng trắng tinh khiết nhất.

Thưa cha mẹ! Cuộc sống của người xuất gia khi còn hành điệu cũng như ngày nay, lúc nào cũng là cuộc sống thanh đạm vật chất không thừa, nhưng tinh thần thanh thoát, tình thương có dư.

Người xuất gia thiếu ngũ dục lạc ở đời, nhưng thừa lòng từ bi và trí tuệ. Chính từ bi và trí tuệ đã đưa con trở thành một người không giống với những người thế tục. Người thế tục vui với vợ con nhà cửa danh vọng. Một khi mất đi những thứ này thì như mất đi lẽ sống của họ. Họ sẽ đau khổ cùng cực, nhìn cuộc đời như hoàn toàn băng hoại, đất trời sụp đổ. Còn đời sống xuất gia tăng sĩ của con thì lấy giới hạnh đạo đức, lấy sự hoằng pháp lợi sanh làm lẽ sống.  Khi thấy mọi người hồi tâm hướng thiện quy y Tam-Bảo, phát tâm Bồ-đề, tin thiện ác nhân quả luân hồi, gia đình họ hòa thuận là con vui.  Nghĩa là, con vui cùng niềm vui của mọi người. Ngược lại, những người bất hạnh không được no cơm ấm áo, không biết tin luân hồi, nghiệp báo, không biết tạo phước lành, không biết tin nhân quả là điều làm cho con buồn thương ưu tư cho họ. Nghĩa là, con sống là sống cho mọi người được hạnh phúc. Mọi người hạnh phúc là con cảm thấy hạnh phúc. Mọi người khổ đau là con khổ đau. Lấy mọi người làm thân bằng quyến thuộc của con. Lấy việc hoằng dương phật pháp, đào tạo tăng tài là sự nghiệp của con. Ngôi Tam-Bảo là gia đình của con. Nghĩa là con tập sống như đức Phật đã sống, mở rộng lòng thương để cho sự thương yêu tràn ngập mọi cõi lòng người. Để cho đời mọi người được an lành hạnh phúc trong niềm tin chánh pháp.

Thưa cha mẹ! Khi cha mẹ biết được phần nào về đời sống hành điệu của con ở thời kỳ đầu còn để chỏm, cha mẹ đã xót xa rơi lệ, và con đã nghe cha mẹ than rằng: “Con ơi! Nhà dư ăn dư để mà sao con vào đời sống tu hành làm chi để phải chịu khổ cực trăm bề! Sao con không về ở với cha mẹ để được sung sướng hơn!” Nhưng thưa cha mẹ, khi đó con nghe lời than của cha mẹ như vậy, lòng con không một chút mảy may xúc động, mà chỉ thầm thương cha mẹ chưa tỉnh ngộ, chưa thấu hiểu lý đạo nhiệm mầu! Bởi vì cuộc sống nâu sồng thanh đạm ở chốn thiền môn của người tu, nó đã làm cho tinh thần con thoải mái, và đời sống con thanh thoát cao thượng hơn những người cùng lứa tuổi với con ở thế gian. Cha mẹ thấy con tu hành sáng chiều kinh kệ, tương rau dưa muối đạm bạc, nâu sồng chay lạt, tưởng là khổ cực, mà thật ra đời sống thanh đạm với kỷ luật thiền môn quy cũ đó, con lại cảm thấy an lành thanh thoát làm sao! Nếp sống thanh đạm vô tư lự, không ưu sầu lo lắng nó an vui vô ngần!  Trên đời có đến mấy ai cảm nhận được đời sống tỉnh thức giải thoát của người xuất gia!  Hoàn cảnh xuất gia đã là một môi trường làm cho tâm hồn con thanh thản, đời sống con giải thoát, cõi lòng con mở rộng bao la thương mình, thương cha mẹ, và thương tất cả mọi người.

Thái-tử Tất-Đạt-Đa đã hy sinh tình thương nhỏ hẹp của mình để trang trải tình thương cho tất cả chúng sanh và độ cả gia đình hoàng tộc xuất gia tu hành chứng được chánh quả, thoát vòng sanh tử luân hồi. Mục-Kiền-Liên tôn-giả, sau khi quy đầu về Phật, tinh tấn tu hành chứng thành đạo quả, và đã cứu độ mẹ thoát khỏi chốn ngạ quỷ, sanh lên cõi trời  hưởng phước lạc an vui. Đã biết bao nhiêu người đệ tử Phật trốn cha mẹ đi tu và làm tròn hiếu hạnh. Con may mắn sớm được biết các ngài qua sách sử, phát tâm nguyện học theo gương các Ngài mạnh tiến trên con đường của các Ngài đã đi. Sau khi cha mẹ qua đời, con đã đem bán hết tài sản của cha mẹ để lại, xây hai mộ đá cho cha mẹ và sắm sửa trai nghi cúng dường chư Tăng có bao nhiêu phước đức con đều hồi hướng cho cha mẹ được siêu thăng về cõi tịnh.

Con đã vâng theo lời Phật dạy. Con cố gắng noi gương hiếu hạnh của Mục-Kiền-Liên tôn-giả, y theo chánh pháp làm hết tất cả những gì khả năng con có thể làm để hầu mong đền đáp ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ trong muôn một.

Sau khi làm xong việc siêu độ để báo đền hiếu nghĩa, lòng con cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng. Rồi từ đấy, con không ngừng tinh tấn thăng tiến trên con đường tu học đạo giác ngộ, như thuyền thuận gió trên biển êm lướt sóng. Mỗi khi gặp việc khó khăn, một mình trong đêm khuya thanh vắng, con quỳ trước điện Phật thành tâm khẩn cầu đức Phật, chư vị Bồ-Tát thiện thần gia hộ. Con khẩn nguyện van vái giác linh cha mẹ giúp đỡ. Nhờ vậy, mọi việc khó khăn nào, chậm mau rồi cũng qua. Những việc khó khăn đó là việc khó khăn trong việc học, việc tu, có tánh cách tự độ. Nguyên nhân của việc khó khăn nầy phần nhiều là hoàn cảnh bên ngoài đưa đến. Với một tâm hồn đơn giản, một cõi lòng vô tư, con những tưởng chướng ngại của đời mình là do hoàn cảnh ở bên ngoài tạo nên thôi. Nhưng không ngờ sự thật của cuộc đời lại không phải đơn giản như con tưởng!

Thưa cha mẹ,

Khi con lớn, đọc thấy cuộc đời đức Phật, tất cả thời gian và năng lực suốt đời Ngài, Ngài trọn sống cho lý tưởng từ bi vị tha hoằng pháp lợi sanh. Cao cả thay! Vĩ đại thay! Đấng giác ngộ như đức Phật, bậc siêu nhân, một con người muôn thuở.  Ngài là một con người như bao nhiêu con người. Thế mà Ngài làm nên một con người vĩ đại siêu quần.  Đệ tử của Ngài như tôn giả Mục-Kiền-Liên, Xá-Lợi-Phất, Tu-Bồ-Đề, Ca-Chiên-Diên, A-Nan, Ca-Diếp, Ưu-Ba-Ly, Phú-Lâu-Na, v.v… cũng đã noi gương theo Ngài tu hành và cũng đã trở thành những con người vĩ đại. Con nay cũng phát nguyện noi gương sáng của các Ngài, hiến thân cho hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh. Nghĩa là con tập thực hành hạnh nguyện lợi tha để đem ánh đạo vàng và lời dạy của Ngài soi sáng cho đời con và đem soi sáng đến khắp mọi ngả đường trần thế, ngõ hầu báo ân đức Phật và đáp đền ơn nghĩa sanh thành của cha mẹ, thì không ngờ bao nhiêu chuyện nguy khó dồn dập đến với con gấp trăm ngàn lần tiếp sau ngày con phát nguyện. Nhưng có điều lạ là kẻ gây khốn đốn cho con phần nhiều không phải là ngoại đạo, mà chính là những kẻ ăn cơm Phật, ở nhà Phật, mặc áo Phật, miệng giảng đạo lý nhân nghĩa Phật pháp. Họ ác tâm đến độ quyết tâm làm cho Phật-Học-Viện tan tành thành tro bụi, tăng chúng ly tán. Họ quyết tâm không những chỉ để nơi lòng không thôi, mà kế hoạch thành văn tự. Nhưng Phật-Học-Viện vốn là nơi đào tạo tăng ni trở thành những người chân tu thật học để truyền thừa đạo pháp ngày mai. Phật-Học-Viện còn là nơi cung cấp kinh sách cho Phật tử bốn phương, là nơi nương tựa tinh thần của hàng Phật tử. Tăng chúng hiện đang tu học hiền lành và kinh điển toàn là hàm chứa lời Phật dạy, chứ có làm nên tội tình gì đâu, có làm gì sai chánh pháp đâu? Mà sao những kẻ vô minh kia lại nỡ nhẫn tâm đến thế?

Thưa cha mẹ, con chưa từng gặp thấy một sự tàn nhẫn khủng khiếp nào quá đỗi kinh hoàng trong đời hành đạo của con như vậy! Mỗi khi con gặp phải một việc khó khăn trong hạnh nguyện đào tạo tăng tài, hoặc gặp phải một trở ngại trên đường hoằng pháp lợi sanh, thì kẻ ác tâm rất vui mừng thích thú hả dạ như được thắng lợi. Trái lại, mỗi khi con làm một việc hoằng pháp nào thành công thì kẻ ác tâm kia cảm thấy buồn khổ khó chịu. Họ tìm đủ cách phá hoại bằng cách hoặc tung ra những lá thư, những điện tín phỉ báng, hoặc xúi giục người hăm dọa, hoặc xuyên tạc bôi nhọ, hoặc chụp mũ đủ điều! Nghĩa là họ diễn đủ trò cố làm cho con lo sợ chán nản.  Họ tạo ra như vậy với quyết tâm đồng hóa con với ý đồ làm sao cho mọi người cũng tưởng con nhơ bẩn hạ đẳng như họ. Nhưng họ đã lầm! Gương đức Phật còn sáng ngời! Gương ngài Phú-Lâu-Na còn rực rỡ! Gương ngài Quảng-Đức còn nở hoa vô úy ngát hương. Làm sao con lùi bước được khi mỗi ngày trước tôn dung đức Phật con đều đọc: “Đại hùng, đại lực, đại từ bi, hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc. Linh ngã tảo đăng vô thượng giác, ư thập phương giới tọa đạo tràng. Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong, thước ca ra tâm vô động chuyển”. Đây là tâm nguyện của tôn-giả A-Nan mà cũng là tâm nguyện của con. Do vậy mà đối trước những sự kiện chướng ngại nguy khó đó, con chưa từng động tâm nao núng bao giờ, trái lại còn lấy chướng ngại làm phương tiện tôi luyện ý chí hùng tâm để hành đạo. Con tin uy lực thần diệu của giới đức thanh tịnh đã tu. Con tin sức linh thiêng nhiệm mầu nơi đức Phật.  Con tin sự sáng suốt của hàng Phật tử chân chính. Con nghĩ rằng sự thật muôn đời vẫn là sự thật. Chân lý muôn đời vẫn là chân lý. Lẽ phải sẽ đánh bại tà ngụy. Mây mù sẽ tan dưới ánh sáng mặt trời. Con vẫn là người con của cha mẹ thuở nào. Con trốn cha mẹ thoát ly gia đình trong chí hướng “bạt tục siêu phương, tâm hình dị tục, triệu long thánh chủng”.

Thưa cha mẹ,

Con đã phát nguyện trước đức Phật: “Con sống là sống trong giới đức thanh tịnh, trong tinh thần lợi tha, và con chết là chết cho đạo pháp cao siêu, cho hạnh nguyện vị tha từ bi hỷ xả”.  Nghĩa là, con nguyện không bao giờ làm nô lệ cho ích kỷ dục vọng, dứt khoát không ràng buộc bè phái địa phương, và cũng không bao giờ để tâm phiền muộn về những kẻ tham vọng trọng tự ngã hơn Phật pháp, đang tâm lũng đoạn chùa viện, khuấy phá hòa hợp tăng đoàn.  Con trọn vẹn tin tưởng giới đức thanh tịnh tu hành của Tăng-già.  Tăng ni sinh là mầm non và sức sống của đạo pháp.  Ngôi Tam-Bảo là nơi nương tựa tinh thần của dân tộc và mọi người.  Kẻ lũng đoạn tăng đoàn, làm ly tán tăng ni sinh là dập tắt nguồn sống của đạo pháp.  Kẻ xuyên tạc thị phi chùa viện là muốn tiêu diệt niềm tin, đồng thời cũng tự tiêu diệt hạt giống lành thiện của chính mình.  Tất cả những việc làm tổn thương đó đều xuất phát từ lòng tham vọng, tự ái, ích kỷ của kẻ vô minh.  Con thành tâm khấn nguyện lên đức Phật và chư Thánh-tử-đạo điểm quang soi sáng cho những tâm hồn thất đức kia sớm tin sâu vào nhân quả nghiệp báo, hầu tránh đào sâu thêm hố thẳm tội lỗi.

Con nghĩ rằng, tất cả những việc phụng sự đạo pháp là tùy nhân duyên.  Nhân duyên thuận hợp thì thành.  Nhân duyên phân ly thì tan.  Hào quang của đức Phật thì muôn màu.  Pháp môn tu của Phật pháp thì muôn vạn phương tiện, không ai có độc tôn tự cho mình trọn quyền nắm giữ.  Con nghĩ rằng, đời sống cao thượng là đời sống đầy đạo hạnh với một tâm hồn quảng đại bao dung.  Theo đó, con tin rằng, đời con chỉ có giới luật tô điểm cho con, và từ đó, con được thánh thiện hóa, thăng hoa cuộc sống trong nguồn tâm giác ngộ.  Ngược lại, nếu con nô lệ cho vô minh dục vọng, không khắc phục được phàm tâm tư lợi, ích kỷ, xem nhẹ những giới luật, khinh thường nhân quả luân hồi là chính tự con phản bội lời Phật dạy và cũng phản bội chính tâm nguyện con.  Như thế, con đã cô phụ ân nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.  Ấy là con tự đào huyệt chôn mình, tự phá hại đạo đức Phật tâm của con.  Nghĩa là, con quan niệm rằng, ngoài con ra, không ai đủ khả năng tô điểm cho đời con, cũng như không ai phá nổi hạnh nguyện của con được.

 

Đức Phật dạy: “Giới luật là con thuyền bát nhã, là ngọn đuốc soi đường, là hải đăng cho thuyền bè trên biển cả, là trăng, là sao bắc đẩu cho khách lữ hành trong đêm tối, là mặt đất bằng phẳng muôn vật từ đó mà sanh trưởng, là châu ngọc trang sức cho người”.  Ngài còn dạy rằng: “Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.  Các con là hải đảo cho chính các con nương tựa”.  Đức Phật đã sống trọn vẹn với những lời Ngài nói.  Các đệ tử chứng thánh của Ngài cũng đã sống thực với lời Phật dạy mà được giác ngộ giải thoát.  Con hoàn toàn tin tưởng lời Phật, và tin rằng bàn tay và khối óc của mình sẽ quyết định cho cuộc sống thăng trầm, vinh nhục của con.

Thưa cha mẹ,

Đã mười mùa Vu-Lan ly hương, mười năm tủi nhục chồng chất bao vết thương lòng!  Nỗi tủi nhục mất nước vào tay cường khấu quỷ đỏ  chưa nguôi, lại còn chồng chất thêm nỗi buồn về người Việt ly hương, đạo cũng như đời, chia rẽ trầm trọng, bè phái, tự mãn, tự ái, cống cao, mưu đồ đem việc công để thỏa mãn cho danh lợi cá nhân, phục vụ địa phương bè nhóm tình cảm riêng tư, rồi hãm hại cấu xé nhau, chà đạp lên kỳ vọng và niềm tin của mọi người, tạo ra tình đồng bào xa cách nghi ngờ, tình huynh đệ tan rã, danh dự tối thượng của cộng đồng Phật giáo bị tổn thương băng hoại, khiến cho khách bàng quan khinh khi chê cười, người trong cuộc có tâm yêu đạo thương đời phải rơi lệ thầm than trước sự kiện cá nhân phá sản niềm tin của đoàn thể dân tộc, làm cho đạo pháp dần đến điêu linh. Trạng huống này khiến cho người còn ở lại quê hương đã phải đau thương thất vọng não nề. Ở hải ngoại, kẻ có tâm huyết phải xót xa ngao ngán.

Mười năm rồi, mười mùa Vu-Lan trôi qua, ngồi nhìn lại quá trình, ta thấy thực tế quá ư phũ phàng và tủi nhục! Quê hương vẫn tiếp tục đổ nát đói nghèo chết chóc dưới nanh vuốt chế độ vô thần phi nhân, phi dân tộc! Còn người ly hương ở đất khách thì chia rẽ không lường, đạo tâm suy vi, dân tình ly tán, hàng ngũ Phật giáo rã rời.  Kẻ ác tâm mang danh nghĩa nọ kia tìm đủ mọi cách phá phách xuyên tạc  với ý đồ triệt hạ những công trình  hoằng pháp thành tựu, bôi nhọ hủy báng những người đạo hạnh có lòng thực sự lo hoằng pháp lợi sanh, xây dựng niềm tin cho đạo pháp, được người kính trọng, có tâm ưu thời mẫn thế lo cho tương lai đạo pháp huy hoàng, lo kiện toàn đoàn thể, bồi đắp niềm tin dân tộc.

Thưa cha mẹ,

Con trọn đủ niềm tin nơi uy linh của đức Phật. Con tin tưởng mãnh liệt sự linh thiêng của các Thánh-tử-đạo. Con khẩn nguyện với anh linh dân tộc và hồn thiêng đất nước. Con xin hứa với cha mẹ là cho dù trên đường hoằng pháp lợi sanh có gặp phải nguy khó đến tánh mạng đi nữa, con vẫn cương quyết hiên ngang quyết chí giữ vững bản nguyện sơ tâm xuất gia của mình là: “Thanh tịnh tinh tấn với chí nguyện cầu giác ngộ giải thoát trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, chứ nhứt định không bao giờ lùi bước trước những chướng ngại hiểm nguy để cầu an thân hưởng thụ, hay để mắc phải lợi danh mà bị đồng hóa trong bùn lầy tội lỗi, để rồi cô phụ những người đã chết vì đại nghĩa, phản bội lời nguyện trước Phật, vong ơn cha mẹ và làm mất niềm tin của người khác. Con hiểu rõ thân xác này là giả tạm, danh lợi quyền uy là mộng huyễn có là chi! Chơn tâm, huệ mạng mới là điều quý trọng”. Xin cha mẹ chứng tri tấm lòng thành của con trong giờ phút linh thiêng của ngày Vu-Lan thắng hội.

Con còn nhớ lời Thầy con dạy ngày con còn là chú điệu đầu để chỏm: “Sống thì phải làm lợi ích cho đời, cho đạo. Nếu làm hại đạo, hại đời thì sống chật đất tốn mất phần ăn của người khác. Mình là đệ tử Phật, phải xứng đáng là đệ tử Phật. Nếu không giúp được người an vui thì thôi, chớ tuyệt đối không nên làm người khác phiền khổ vì mình.  Phải biết phân định chánh tà để theo và để bỏ. Phải biết tập tánh tùy hỷ công đức”. Lời thầy con dạy cách đây gần 40 năm, nhưng lúc nào cũng hiện rõ trong tâm thức của con. Ngày con đi du học ngoại quốc, trước giờ rời chùa để lên máy bay, con vào lạy từ biệt Đức-Tăng-Thống Thích-Tịnh-Khiết, với giọng trầm hùng Ngài dạy: “Đức-Niệm, ngày ông về chắc tôi không còn nữa.  Phật pháp sau này trên đôi vai ông gánh vác. Ông hãy cố gắng”. Các sư trưởng của con, Hòa-Thượng Trí-Thủ, Hòa-Thượng Thiện-Hòa, Hòa-Thượng Thiện-Hoa v.v… đã đưa con ra tận cổng chùa, vỗ nhẹ vào vai con, dịu dàng như bà mẹ hiền căn dặn: “Thầy Đức-Niệm, khi đi như lúc về, chiếc áo tràng vẫn giữ mặc trên thân, giới luật gắng giữ thanh tịnh, đêm đêm trước khi đi ngủ nhớ tĩnh tọa đọc bài Đại-Bi, Bát-Nhã. Xa thầy, xa đại chúng, Đức-Niệm hãy cố gắng giữ mình hơn nữa. Các Thầy đợi Đức-Niệm ngày thành công về nước cùng chung lo Phật sự”. Lúc ấy đôi mắt con đã âm thầm ứa lệ, im lặng bái biệt thầy lần cuối cùng, trong giọng nói nghẹn ngào đứt quãng, con hướng về các bậc ân sư dâng lời từ biệt: “Xin thầy ở lại, để con tự đi một mình”. Chiếc xe đưa con về hướng phi trường Tân-Sơn-Nhất, qua những con đường quen thuộc Sư-Vạn-Hạnh, Lý-Thái-Tổ, Trần-Quốc-Toản, Công-Lý v.v… để rồi từ đấy xa cách mãi.

Tuy đã hơn mười năm rồi, hình dung các bậc sư trưởng đã lần lượt vắng bóng trên cõi đời để về bên kia thế giới thanh tịnh. Nhưng những lời dạy, lời khuyên của những bậc sư trưởng vẫn sống động nơi lòng con như ngọn đèn soi sáng, như bài kinh nhựt tụng. Và chính những lời đó đối với con có lúc như khuyên nhủ vỗ về, có lúc như nhắc nhở cảnh tỉnh trên bước đường hành đạo.

Thưa cha mẹ,

Con nguyện trọn đời nhớ kỹ ghi dạ tạc lòng lời cha mẹ khuyên dặn, lời các bậc sư trưởng dạy bảo, lời đức Phật giáo huấn. Tất cả những lời vàng ngọc này con nguyện mãi mãi nhập tâm tạc dạ, xin cha mẹ yên lòng vui sống trong cảnh tĩnh.

Làn khói trầm hương Vu-Lan quyện tỏa, đã đến giờ cha mẹ trở về bên kia thế giới sống trong cảnh tĩnh chân thường chân lạc chân ngã chân tịnh. Con xin dâng lên cha mẹ đóa hoa hồng trắng tươi tinh khiết với tấc dạ chí thành. Hoa hồng trắng tượng trưng cho tình thương của cha mẹ đối với con lúc nào cũng trinh nguyên muôn thuở, như mặt trời rạng rỡ ánh sáng lúc nào cũng chiếu soi sưởi ấm đến cho vạn vật, thì tình thương của cha mẹ đem đến cho con nguồn sống sưởi ấm muôn đời!

Mẹ cha là cả trời thương

Là nguồn sống của thiên đường trần gian

Mẹ cha về cảnh Niết-Bàn

Lòng con toại nguyện muôn vàn nhớ thương.

  • Trí tuệ là kẻ thù của si mê
  • Từ bi nhẫn nhục là kẻ thù của ích kỷ sân hận
  • Tinh tấn là kẻ thù của giải đãi
  • Nhớ gốc nhớ nguồn là kẻ thù của vong bản
  • Hiếu trung là kẻ thù của bất hiếu bất trung