Vô Vi

Từ Điển Đạo Uyển

無爲; S: asaṃskṛta; P: asaṅkhata;
1. Vô vi nghĩa là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là Hữu vi (有爲; s: saṃs-kṛta), cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo nguyên thuỷ thì chỉ có Niết-bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các Pháp còn lại đều là hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng toạ bộ (p: theravāda) và Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya). Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này.
Ðại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi, đó là hai cách Diệt độ (s, p: nirodha), trong đó một loại (1.) được đạt bằng sự phân tích phân biệt, gọi là Trạch diệt (s: pratisaṃkhyā-nirodha), tương ưng với Niết-bàn. Loại Diệt thứ hai (2.) được đạt không qua sự phân tích, phân biệt (phi trạch), được gọi là Phi trạch diệt (s: apratisaṃkhyā-nirodha), liên hệ đến những lậu hoặc (ô nhiễm) mà một A-la-hán không còn vướng mắc. Ðược xếp vào vô vi pháp nữa là Hư không (3.), Không vô biên xứ (4.), Thức vô biên xứ (5.), Vô sở hữu xứ, tức là cái “không có gì” (6.), Phi tưởng phi phi tưởng xứ (7.), nội dung của thuyết Mười hai nhân duyên (8.) và Bát chính đạo (9.).
Nhất thiết hữu bộ công nhận ba pháp vô vi là Hư không và hai loại Diệt trên. Duy thức tông liệt kê thêm vào ba vô vi pháp này một loại Diệt bằng một trạng thái thiền định an vui bất động, sự chấm dứt suy nghĩ và thụ cảm của một A-la-hán và Chân như (tathatā).
Pháp Tạng bộ (s: dharmaguptaka) xếp vào loại vô vi pháp Chân như và sự “Trường tồn của mọi pháp.” Dưới “Trường tồn của mọi pháp” họ định nghĩa rằng cái đặc tính gì không biến đổi của nó (Sự không biến đổi của nó chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (Nghiệp) cũng như một vài trạng thái Ðịnh.
2. Về nghĩa “Không làm” xem dưới Bất hành nhi hành.