Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Giảng Lục

VII/ Niệm Quán Thế Âm Bồ tát Để ứng Hai Cầu

Chánh văn:

Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát, liền sanh con trai phước đức trí huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng cội phước đức, mọi người đều kính mến.

Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có sức oai thần như thế. Nếu có chúng sanh cung kính lễ lạy Quán Thế Âm Bồ tát thời phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh đều phải thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát.

Giải:

Đoạn văn này là nói cầu nam cầu nữ đều được nam nữ, gọi là thỏa mãn hai điều mong cầu. Tại sao chỗ này độc nói chỉ nữ nhân mới có hai điều mong cầu ấy ư? Bởi vì tâm của nữ nhân mong cầu con trai con gái so với nam nhân có lắm phần quan hệ và tha thiết hơn. Nữ nhân chẳng sanh con trai, nuôi được con gái, là bị cha mẹ chồng hiềm nghi và bị chồng khinh bỏ, lại phải bè bạn chê cười. Vả lại phép thế gian có ba điều bất hiếu mà vô hậu là trọng đại hơn cả. Cho nên tâm niệm nữ nhân cầu con trai mong con gái rất là tha thiết. Nếu nữ nhân muốn cầu con trai, thời lễ bái cúng dường Đức Quán Thế Âm Bồ tát là bèn sanh cậu trai có đủ phước đức và trí huệ. Y theo Phật pháp mà nói sanh con gái trai là bồi thêm phiền não. Nhưng y theo Pháp thế gian, lại chú trọng việc nối tiếp dòng dõi gọi là truyền tử lưu tôn, cho nên cũng chẳng ngại gì nữ nhân cầu con trai gái. Lòng Từ bi Đức Quán Thế Âm nên cũng thị hiện để thỏa mãn cho hai nguyện vọng khẩn cầu kia vậy. Một lòng cầu lạy, năm vóc gieo xuống sát đất gọi là lễ bái. Hương, Hoa, Đăng, Đồ, Quả, Trà, Thực, Bửu, Châu và Áo; ấy là mười món cúng dường vậy.

Đức Quán Thế Âm Bồ tát đâu còn nhu cầu những thứ ấy nữa mà đem cúng dường? Bởi chúng ta cho nên cúng dường là vì cầu phước vậy. Như vô lực sắm đồ cúng không nổi, thời đem thân thể cung kính lễ bái, miệng xưng niệm danh hiệu và trong tâm ý quán tưởng dung nhan của Bồ tát cũng tức là ba nghiệp cúng dường đấy. Như năng cung kính chăm lòng kiền thành cúng dường Quan Thế Âm Bồ tát tức Ngài tống cấp cho ngươi một nam nhi hay cả phước huệ đầy đủ. Như Quán Thế Âm Bồ tát thị hiện Bạch Y Quán Âm Tống Tử Quán Âm vậy. Có phước mà không huệ gọi là si phước, như những cậu ngu tử con của những người nhà giàu có vậy. Có huệ mà không phước gọi là cuồng huệ, như những cậu tài tử con của những người nhà nghèo cùng. Kiếp xưa biết niệm Phật, hiểu đạo lý, đời nay có trí huệ. Thuở trước hay Bố thí, tu giới sát, Phóng sanh, đời nay có phước lộc. Hai điều đều song tu thời phước huệ đầy đủ.

Quý vị đến đây, khi nghe giảng Kinh cung kính yên lặng, tức là cầu phước. Hiểu rõ đạo lý biết suy nghĩ thâm nghĩa tức là cầu huệ. Lệ như khi niệm Phật không vọng tưởng, không tạp niệm, nhất tâm bất loạn, tức là cầu phước. Niệm trước niệm sau nối nhau không hở, chữ nào chữ nấy rõ ràng minh bạch, tức là cầu huệ. Lại như sáng lập Cư sĩ Lâm, ấn định hai thời khóa tụng mai chiều, đấy là cầu phước. Nghe giảng Kinh Pháp, hiểu rõ đạo lý, tu trì thiền quán, đấy là cầu huệ. Nếu có người nữ nhân thành khẩn tha thiết nhất tâm niệm Quán Thế Âm chắc sanh được gã nam nhi tuấn tú phước đức và trí huệ đầy đủ. Chứ chẳng sanh cậu nam nhi si phước hay cuồng huệ đâu! Đấy gọi là cầu con trai được con trai.

Thuở trước có ông Đàm Hiến Khánh, nhà giàu có. Đã năm mươi tuổi mà không có con trai gái gì cả. Các cháu trong tộc tranh nhau thừa kế và chia của. Lòng ông Đàm chẳng vui. Do đấy nên ông tận lực khẩn cầu Đức Từ bi Quán Thế Âm Bồ tát. Ông mới xuất ra năm ngàn đồng bạc để thiết lập đàn Đại bi sám. Tu Sám bốn mươi chín ngày. Quả nhiên bà tiểu thiếp sanh một cậu trai, nằm trong bọc trắng mà sanh ra. Mặt mày tuấn tú phì mãn, thông minh lanh lợi. Thấy vậy bà vợ chính lại xuất ra một ngàn đồng để kiến thiết lầu Bạch Y Các, phụng Đức Bạch Y Quán Âm. Rồi bà cũng sanh được một cậu trai nữa. Hai đứa con này đều sáng sủa thông minh.

Lại như Nam Thông Trương Hiếu Nhược cũng là thân phụ của ông là Trương. Sắc Ông Tiên sanh cầu tự nơi Quán Âm nham ở núi Lang Sơn mà được sanh ra ông vậy.

Lại ngày xưa có người nữ nhân không con. Vợ chồng mới cầu tự trước tượng Quán Âm. Đêm mộng thấy Đức Quán Âm lấy mâm đựng đứa con trai đem cho. Chính lúc người nữ nhân sắp tiếp nhận, bỗng nhiên có một con bò chạy xốc đến, nên chưa kịp tiếp lấy thì giật mình thức giấc, liền có mang. Rồi bà sanh được đứa trai, nhưng chưa được mấy ngày, đã bị yểu vong. Bởi vì bình nhật vợ chồng ưa ăn thịt bò vậy. Từ đấy về sau vợ chồng cùng nhau trai giới, nhất tâm ăn chay. Về sau quả thật sanh được một cậu con trai và nuôi được. Vậy là biết muốn cầu con trai gái, vẫn phải thường niệm, cúng dường lễ bái Quán Thế Âm Bồ tát, lại càng phải giới sát, Phóng sanh, Bố thí, hành thiện, trì trai cầu phước, mới được sự cảm ứng như tiếng với vang, ứng niệm liền thành.

Nếu muốn cầu nữ, bèn sanh nữ tử có tướng mạo đoan chính, vì đời trước đã có trồng cội phước đức, nên nay được mọi người kính mến. Nữ nhân cầu nam nhi thời có nam nhi, sao lại muốn cầu nữ nhi làm gì? Hiện nay nam nữ bình đẳng, nữ quyền được phô trương, nam nữ chính không còn cao thấp nữa. Thử xem thời gian gần đây, nữ nhân gia nhập các chính đảng, tòng sự các cơ quan chính quyền và tòng học mọi ngành học vấn, kỳ số kể chẳng xiết. Vả lại nam tử hay tại ngoại; sanh được nữ tử, khả dĩ cùng với bà mẫu thân mai chiều mẹ con thủ thỉ hay hủ hỉ. Cho nên đấy, cho nên đã có cậu con trai lại còn muốn cầu thêm cô con gái nữa cho ấm cúng và vui tươi gia đình nữa, và vì nó còn có sức hấp dẫn phi thường vậy. Nữ tử chẳng cần đài các, mà cần phẩm hạnh đoan chính, tướng mạo trang trọng, nhất vọng thì biết ngay là người có phước đức trí huệ. Ngũ quan chẳng khuyết, diện mạo nhã chính, gọi là đoan chính. Phẩm hạnh chẳng cẩu thả, hành vi trang trọng, gọi là hữu tướng. Nếu đoan chánh mà vô tướng thời chẳng được người mến kính. Trái lại có tướng mà chẳng đoan chính, chắc chắn bị người khinh rẻ. Cho nên nhứt định là phải: Đoan chính mới được người mến, có tướng mạo người chịu kính trọng. Đời trước trồng cội phước đức, tức là đời trước đã vun trồng cội gốc hiền đức, hiện nay lại thành kính nghe Kinh niệm Phật là vun trồng cội đức là thêm cho gốc sâu rễ chắc, mới có thể cảm sanh được thân nữ tử tài đức song toàn và được nhiều người yêu kính. Phải biết nữ tử được người yêu mà chẳng được kính, gọi là khinh rẻ; kính mà chẳng yêu mến gọi là xa bỏ. Cho nên quyết phải đầy đủ cả hai phương diện ấy mới thật được nhiều người ái kính.

Nhưng y theo Phật pháp mà giảng, thời thế gian vạn pháp đều là huyễn hóa. Con cái xinh lịch là trả nợ đời, mà con cái xấu xí là đòi nợ tiền khiên. Nhiều hay ít con cái tức là ít hay nhiều phiền não. Những người tu hành cho việc có con cái là sợi dây buộc lụy, mà không có là tự tại. Thuyết này với thế gian Pháp tất nhiên là trái ngược nhau.

Quán Thế Âm Bồ tát chẳng những làm thỏa mãn nguyện cầu nam nữ trên thế giới này, mà còn làm thỏa mãn những người học Phật nguyện cầu Pháp môn nam nữ nữa. Nam tiêu biểu trí huệ, nữ tiêu biểu thiền định.

Chúng sanh ở cõi Dục, tâm nhiều tán loạn, nên chỉ có huệ mà không định, gọi là cuồng nam. Chúng sanh ở cõi Vô sắc, chỉ say đắm thiền định, nên có định mà không huệ, gọi là si nữ. Tứ thiền thiên ở cõi Sắc, có định có huệ, bình đẳng song song. Nhưng định nữ này chẳng hay xuất sanh được vô lậu huệ nam, chẳng thể dứt phiền não được, cho nên gọi hữu lậu định huệ; và cũng bất quá là như si nam thạch nữ vậy thôi. Đấy chẳng phải là chỗ sở cầu Pháp môn nam nữ. Người tu Nhị thừa, định huệ đã có thể siêu sanh thoát tử được, nên gọi là vô lậu định huệ, khả dĩ sanh được Pháp vô lậu, dứt được kiến tư phiền não, liễu được sanh tử vậy. Nhưng huệ nam này cũng chỉ dứt được kiến tư phiền não, mà chẳng dứt được căn bản vô minh. Định nữ tuy sanh được vô lậu, mà chẳng thể vào trung đạo được.

Cho nên chúng ta nên cầu trung đạo trí huệ nam, trung đạo phước đức nữ. Chẳng say đắm nơi không và hữu: là huệ tức nơi định, gọi là hữu phước huệ nam; là định nơi huệ, gọi là hữu huệ phước nữ. Huệ là trí đức trang nghiêm, định là phước đức trang nghiêm. Đến địa vị Phật mới đầy đủ phước huệ, cho nên xưng là Lưỡng Túc Tôn. Thân là Kim sắc, với tướng hảo Quang minh không ai sánh bằng, đấy tức là Phước Túc. Bốn pháp biện tài, tám thứ tiếng, soi căn cơ mới thi thiết giáo pháp, đấy tức là Huệ Túc. Bởi chúng ta không có trung đạo phước huệ trang nghiêm, cho nên bị trôi lăn vào sanh tử mà làm chúng sanh. Lời tục ngữ: Người cần áo trang điểm, Phật phải vàng sơn thếp. Vậy là trang nghiêm rất trọng yếu. Cho nên quyết phải cầu phước cầu huệ. Mà lại phước huệ phải cần song tu. Tự tánh là Sở trang nghiêm, phước huệ là Năng trang nghiêm. Năng Sở chẳng hai, đấy gọi là Diệu nam Diệu nữ đầy đủ Diệu trang nghiêm. Muồn cầu huệ nam, định nữ, duy có thân lễ, khẩu xưng và ý niệm, đem ba nghiệp cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát, bèn có thể thành công chắc chắn.

Cho nên đó nên Phật Thích Ca, một lần nữa, gọi Vô Tận Ý mà rằng: Quán Thế Âm Bồ tát có sức oai đức như vậy đó, chúng sanh nào năng cung kính lễ bái, Phước chẳng luống bỏ. Ý nói chúng sanh lễ bái cúng dường quyết chẳng luống mất. Cầu nam cầu nữ chắc có thù ứng cho sở nguyện của mình. Dù cho bất đắc dĩ gặp các quan hệ, chưa có thể có ứng nghiệm tức khắc, nhưng đã trồng căn lành, một mai nhân duyên khi thành thục, quyết chẳng luống mất vậy.