VIÊN NGỘ PHẬT QUẢ
THIỀN SƯ NGỮ LỤC

SỐ 1997

QUYỂN 12

Đời Tống, phủ Bình giang, Hổ khê Sơn môn, Thiệu Long soạn.

TIỂU THAM 5

Sư trụ ở núi Vân cư, Kiết hạ Tiểu Tham. Vân cư ngàn trăm chúng như không, chỉ duyên trong ngoài dứt tin tức, trong đó không động (trống rỗng) bằng hư không, giết sống toàn nương ân lực này. Do đó nói: Hộ sinh phải là giết, giết hết mới an cư, cần luận ý trong ấy, thuyền sắt nổi trên nước. Tính lại thuyền sắt nổi trên nước cũng có kỳ đặc gì, chỉ như hộ sinh phải là giết.

Lại nói: Giết cái gì? Liền có Thiền Hòa Tử nói: Chẳng phải là giết vật mạng, chỉ là giết giặc vô minh, là giết giặc phiền não, là giết giặc sáu căn sáu trần, giết giặc tranh người tranh ta. Tuy cùng một hạ lạp, cần phải mộng thấy dưới gót chân nạp Tăng đã là hộ sinh cần phải sáng ý giết. Như thế nào là ý giết. Cao vót, nếu hướng trong ấy mà biện ra được liền có thể bỏ một tuyến đường, trong mênh mông mà quản lấy, quét sạch đầu lưỡi thiên hạ, sau rồi mới giết hết được. Tuy như thế ông già Thích-ca cũng giết không hết, Ca-diếp giết cũng chẳng hết, hai mươi tám Tổ Tây thiên cũng giết không hết, sáu Tổ đời Đường (Trung Quốc) cũng giết không hết, muốn nói chẳng hết, phải là bỏ hết từ trước đến sau thấy được sáng tối huyền diệu, lý tánh, thù thắng, kỳ đặc, tịnh khiết, cắt dẹp chẳng lưu lại mảy may, cũng chẳng đến chỗ hết cùng cực. Chỉ như chỗ chánh tịnh họp làm gì, có hiểu rõ chăng? Rừng sâu đầm lớn không người đến, tốt nhất dụm đầu cùng thương lượng. Lại nói: Ông già Thích-ca nói: Dùng đại Viên giác làm già lam ta thân tâm an cư bình đẳng tánh trí.

Sư nói: Ông già Thích-ca từ bi rất sợ giết, những người các ông chẳng biết cùng ông một lá bùa hộ thân. Tuy thế kiểm điểm tương lai còn mang ảnh hưởng. Nếu là sơn Tăng thì không như vậy. Tức núi Vân cư thấy thành già lam, chín tuần an cư vỗ nhịp là lệnh.

Thượng tọa Như thỉnh Tiểu Tham. Tăng hỏi: Bà lão ở thành Đông cùng Phật đồng sinh, vì sao chẳng thấy Phật.

Sư nói: Nó đủ ý khí Đại trượng phu.

Lại nói: Lấy tay che mặt, mười ngón đều thấy Phật, vì sao trốn tránh không được.

Sư nói: Người ta cừ mông được tự do.

Lại nói: Ngài Tuyết Đậu nói: Nó tuy là con gái mà có hạnh Trượng phu là chịu hay chẳng chịu.

Sư nói: Lời lập lại chẳng đáng xin.

Sư nói: Tình cùng vô tình là một thể, mắt thấy thì đều chân, Phật cùng chúng sinh chẳng khác, đương thể toàn hiện, tùy chỗ làm chủ, gặp duyên tức Tông. Có lúc phóng hạnh thì khe suối ngói đá đều sinh ánh sáng. Có lúc cầm định (giữ yên định) thì vàng ròng bảy báu đều mất màu. Do đó nói: Các người muốn biết mạng chăng? Suối chảy là mạng, trống vắng là thân ngàn sóng tranh nhau nổi dậy là cảnh giới Văn-thù. Một nói tròng mắt trống không là giường nằm của Phổ Hiền, kế mượn một câu là chỉ trăng, việc trong đó là nói trăng. Việc từ trên đến như Tiết Độ Sứ tin cờ lệnh. Như các Cổ đức chưa lập nên nhiều tác lược (làm gọn?) đến chỗ ấy làm sao thương lượng. Chẳng nhờ ba tấc lưỡi, xin hãy nói xem, chẳng nhờ mắt thử nhìn thấy xem, chẳng nhờ tai thử nghe xem. Do đó nói hết cả mười phương thế giới đều là thể của người chân thật, lại hướng vào chỗ nào mà để mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Do đó sơn Tăng từ xưa nói với các người rằng: Lấp mặt ông lại là nói mắt ông nhìn chẳng thấy, bịt tai ông lại là nói nghe mà chẳng nghe, bít mũi ông lại là nói ông ngửi chẳng được, bịt miệng ông lại là nói ông nói không được, cầm (giữ?) thân ông lại là nói ông chẳng biết đau ngứa, quét sạch ý căn ông là dạy ông phân biệt chẳng được. Ngay lúc ấy tức là tin tức tốt. Lại chẳng phải là tình trần ý tưởng phân biệt tính toán so sánh được mất, phải quấy, cũng cần phải dẹp bỏ cơ cảnh chẳng lập tri kiến, chẳng suy lý lẽ, trừ bỏ hết hiểu biết, chẳng thấy có Phật tổ. Sau đó mới có thể quét sạch Báo Hóa Phật. Người thiên hạ bắt nhốt chẳng ở. Thế nên Huyền Sa nói: Mắt của Sa-môn cần phải cầm định thế giới, chẳng rò rĩ mảy may. Chỉ như khi cầm giữ các người hướng vào đó mà hét được chăng? Đánh một tọa cụ được chăng? Phất tay áo bỏ ra được chăng? Từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông được chăng? Sáu lần sáu là ba mươi sáu, chín lần chín là tám mươi mốt được chăng? Đều là việc trong nhà mình được chăng, gọi là việc bổn phận mình được chăng? Chỉ cột cái mà nói lồng đèn được chăng? Duy tâm tuy tánh được chăng? Nếu thế đều là rối rắm đều chẳng phải chánh kiến. Nếu có cái chánh tri chánh kiến liền biết có bổn phận sự. Đã biết có bổn phận sự trọn chẳng làm lý lẽ hang ổ tính toán, thì làm sao nói, có hiểu rõ chăng? Chấn phấn tra sa không trước sau, xoay mình sư tử cho mọi người xem.

Tiểu Tham. Rõ ràng một làm, ngàn Thánh chẳng thấy. Một cơ trước mặt, tác gia không làm như thế như thế, chẳng thế chẳng thế, nắm về một bên hoặc đánh hoặc hét, đánh đá lửa, ánh điện chớp. Chánh ngay lúc ấy, nước tiết ra chẳng thông, quét sạch càn khôn. Có mắt chẳng thể thấy, có tai chẳng thể nghe, có miệng chẳng thể luận, có tâm chẳng thể nghĩ. Cho toàn thân là mắt. Hết cả càn khôn đất đai cỏ cây rừng rậm lớn nhỏ dài ngắn mỗi mỗi giao la làm vô lượng vô biên thần thông diệu dụng. Đến chỗ ấy chẳng tiêu một tháp. Lại nói: Đủ lý lẽ gì mà kỳ đặc như thế, lại cắt đứt như thế, có thể ngồi đoạn như thế sạch làu làu rỡ rỡ. Toàn thân riêng bày, liền gánh vác được, thấu xuất được. Ba đời chư Phật sáu đời Tổ sư, cho đến các lào Hòa thượng trong thiên hạ, chỉ được uống khí nuốt tiếng trừng mắt câm miệng. Tuy thế nay các người ở trong đó làm cái gì, sơn Tăng căn cứ vào cái gì mà nói liền được phải thì phải, giết hết chẳng gần nhân tình, chẳng khỏi bỏ một tuyến đường. Có hiểu rõ chăng? Bốn biển như nay trong như gương, ráng trời khí thấu thẳng trời xanh.

Sơn Tăng năm hai mươi bảy tuổi, mở bày pháp tòa cùng tất cả người nhổ đinh tháo chốt mở trói cột, khiến tất cả đều không rập khuôn, không tính toán nghĩ suy, không nói họp đầu, không nói giống người khác, không nương cậy một vật. Cùng hai mươi tám tổ khác, Mã Tổ, Bá Trượng, Hoàng Bá, Lâm Tế các thiên hạ Đại tông sư chỗ ra làm toàn thể hiển bày, chẳng chỉ ngày nay, tầm thường chẳng ở trên Bảo hoa vương tòa mà nói Thế đế, cũng chẳng nói Thiền cơ, chẳng luận sinh diệt, há có thể nói bướng nói càng mà tạo nghiệp địa ngục. Duy chỉ dựa theo đây một chỗ chân thật, đối trước mặt tất cả mọi người mà cắt đứt nói bày, thừa đương được nó mà chân thật ngộ nhập, được đại thọ dụng không chút ngưng trệ. Sơn Tăng ngày nay được lui về ở đây chẳng muốn lên tòa Tiểu Tham. Đây bởi nhân Thái phu nhân khiến quân Triều Nghị Thông Phán Đại Phu cùng các Quan viên, sáng chiều thường lấy nói này mà kiếm chiếu, ba lần kính thỉnh vì chúng Tiểu Tham, tùy phần ứng mạng. Song một việc này cũng chẳng khó cũng chẳng dễ. Nếu nói khó thì ngài Vĩnh Gia khi đến Lục tổ sau một câu liền có thể thừa đương. Trước đến Tào khê đi nhiễu quanh giường thiền ba vòng, chế tích trượng mà đứng.

Tổ nói: Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám vạn tế hạnh đại đức ở phương nào đến đây mà sinh đại ngã mạn.

Vĩnh Gia nói sinh tử là việc lớn vô thường nhanh chóng.

Lục tổ mở phương tiện liền nói: Sao không thể lấy vô sinh, sao không liễu lấy không nhanh chóng một đêm biết chỗ đương đầu. Có tụng rằng:

Thể về sinh, liễu vốn không nhanh chóng

Như nước vào nước, nước sữa đồng nhau,

Tên nhọn chống nhau tự nhiên vừa khớp.

Lục tổ thấy Vĩnh Gia thấu được liền nói: Ông rất được ý vô sinh. Chỉ một câu này cũng có quyền, có thật, cũng có chiếu có dụng, là Vĩnh Gia kia chẳng hướng về tử cú mà xuống tòa giết, cũng chẳng nói thích hợp chỉ nói từ từ Hòa thượng? Vô sinh há có ý ư? Kỳ lạ thay mà người nay vừa thấy.

Sư nói: Ông rất được ý vô sinh. Liền nói Hòa thượng chịu ta ấn chứng ta, ân này khó báo đền.

Nén hương thứ ba chẳng vì người khác, chỉ là hướng trong câu nói mà giết chết, chẳng thấu nguồn gốc, đánh dẹp cái oan nào, và đến Vĩnh Gia cáo từ.

Tổ nói: Lại rất nhanh, rằng vốn tự chẳng động, há có mau chăng.

Tổ nói: Ai biết chẳng động, rằng nhân giả tự sinh phân biệt. Lúc này có ý khí Đại trượng phu, đáng tiếc đã bỏ qua, liền lật đổ giường thiền, chẳng bị phân ngoài. Lại liền theo lệ mà ở lại một đêm.

Lại khi Thạch đầu làm Sa-di trong hội của Lục tổ, một hôm hỏi Tổ rằng: Khi Hòa thượng tịch rồi con sẽ thế nào?

Tổ đáp: Hãy tầm tư đi. Và khi Lục tổ tịch rồi thì ông ấy chỉ tọa thiền, chỉ tầm tư về đạo lý vô sinh. Trong hang quỷ mà tìm kế sống. Lúc đó có bạn đồng tham hỏi: Ông làm gì?

Đáp: Hòa thượng dạy tôi tầm tư đi, do đó mà tọa thiền.

Bạn đồng tham nói: Ông lầm rồi. Có Thanh Nguyên Sư huynh tên là Tư, Tổ chỉ ông đi gặp ông ấy đấy.

Thạch Đầu mới tĩnh ngộ, bèn đến gặp Thanh Nguyên. Nguyên hỏi ở đâu đến?

Đáp: Ở Tào khê đến.

Nguyên đưa phất tử ra hỏi: Tào Khê có cái này không mà nay huynh đệ bị người khác hỏi như thế? Nói xong liền hét. Kiến giải của loài chồn hoang, nhướng mày trợn mắt, gượng làm chủ tể đều không dính dáng. Thạch Đầu hiểu liền đáp rằng: Không phải chỉ Tào khê, Tây thiên cũng không.

Tư hỏi: Ông có đến Tây thiên không?

Đáp: Nếu đến liền có chẳng ngại kín đáo khít khao, nói chẳng mất tông. Bước bước đều đạp đến. Tư nói: Chưa có lại nói (không do lời nói). Thạch Đầu nói: Hòa thượng cũng phải nói một nửa, chớ toàn nhờ con. Tư nói: Chẳng từ chỗ ông nói, sợ về sau không người thừa đương.

Một hôm lại hỏi Thạnh Nguyên rằng: Khi Hòa thượng ở Tào khê có biết Lục tổ chăng?

Tư đáp: Ông nay lại biết Lão Tăng chăng?

Đáp: Biết lại đâu có thể biết được. Loài có sừng tuy nhiều, nhưng một con lân là đủ. Tự nhiên khí loại đồng nhau, lông cánh giống nhau, như keo với sơn mà nay người Đông một câu, Tây một câu. Có lúc nói tâm nói tánh, cầu người ấn chứng. Có dính dáng gì? Lại khi Dược Sơn ngồi dưới hội Thạch Đầu. Thạch Đầu gặp liền hỏi: Ông ở đây làm gì?

Đáp: Một vật cũng không làm.

Thạch Đầu nói: Đó là rãng rang mà nay người chẳng hiểu liền nói gọi gì là rãnh rang.

Lại nói: Nếu Hòa thượng chẳng hỏi thì con không biết, tâm đen ngòm ngòm dù nói càng nó tự có chỉ thú.

Bèn nói: Rãnh rang thì là làm vậy.

Thạch Đầu hỏi: Ông nói chẳng làm là chẳng làm cái gì?

Đáp: Ngàn Thánh cũng chẳng biết. Do đó Thạch Đầu làm bài tán rằng: Từ xưa cùng ở chẳng biết tên, mặc tình tướng tướng cùng làm gì. Từ xưa Thượng Hiền cũng chẳng biết, vội vàng phàm tục há biết được.

Lại nói: Rốt ráo chẳng làm là cái gì? Vì sao? Vì chẳng biết ngàn Thánh. Đã chẳng biết, như thế nào cùng ở. Sở dĩ việc ấy chẳng cho ông một chút suy nghĩ tính toán, gần bên chẳng được, quỷ thần chẳng thấy. Thoát ra ngàn lớp vạn lớp hiểu biết sai lầm thì tâm mắt tự thấy. Nếu thấy gai chẳng trừ, quan niệm đắc thất thị phi thì vĩnh viễn không dính dáng. Đây là sơn Tăng bất đắc dĩ vì các người nói bệnh của thiền.

Lại nói là nói sâu lý vào. Như ngài Huyền Sa sai Tăng đem thư lên ngài Tuyết Phong. Phong lên pháp đường mở thư ra chỉ thấy ba tờ giấy trắng. Bèn đưa ra cho đại chúng xem và nói rằng: Hiểu chăng? Chẳng thấy nói rằng: Quân tử ngàn dặm đồng phong. Rồi xuống tòa. Vị Tăng ấy đem việc này hỏi Huyền Sa. Sa nói: Lão già đầu núi sai lầm cũng chẳng biết. Dám hỏi đại chúng, chỗ sai lầm của Tuyết Phong như thế nào? Có phải là Huyền Sa thấy hiểu hơn Sư chăng? Lại mừng không dính dáng, đều hướng theo tình trần mà hiểu. Lại sao hiểu được. Do đó Chân Như Triết Hòa thượng có tụng rằng:

Huyền Sa gởi giấy trắng,

Tuyết lão tức đồng phong,

Sai lầm người khó hiểu,

Khúc xưa điệu chẳng đồng.

Đến chỗ ấy tình phàm Thánh dứt, cửa sinh tử thấu qua, đắc thất thị phi rõ ràng chẳng sinh, toàn thể như như, như như cũng chẳng cần sau đó mới cởi điện Phật ra Tam môn, đem nước Tân La cùng nước Chiêm Ba gặp nhau, bôi tro trát đất, mở bát ăn cơm, mặc áo chống lạnh tự tại du chơi. Trước không hai duyên, cũng không hai tướng, chẳng phải là tâm, chẳng phải là Phật. Toàn tâm tức Phật, toàn Phật tức người, người Phật chẳng hai, chỉ cái chẳng hai ấy cũng chẳng tiêu được. Do đó ngàn Thánh hiện ra không chỗ ông đề xuyết, không chỗ ông khế ngộ như gần lửa dữ thì cháy cứu mặt. Như chống kiếm Thái A thì tan thân mất mạng. Đến được chỗ ấy mới hiểu được kế sống của nhà mình. Do đó người xưa nói: Tìm trâu phải theo vết, học đạo quý ở vô tâm. Vết tích của trâu còn đó, vô tâm đạo dễ tìm. Lại nói: Phật nói tất cả pháp, là độ tất cả tâm. Ta không tất cả tâm, đâu cần dùng tất cả pháp. Có một việc cùng các người thương lượng. Mọi người có một cái tâm chỗ ra làm là nhân của đạo vô tâm. đã vô tâm thì mở miệng động lưỡi nói năng mà các tâm hiểu rõ thì tức là cái gì? Tới chỗ ấy nếu chẳng thấy rõ thì chỉ là một vùng dối gạt nhau. Do đó Nhị tổ gặp Đạt-ma chặt tay đứng ngoài tuyết. Đạt-ma nói đem tâm của ông ra đây ta an cho. Nhị tổ nói: Con tìm tâm không được. Mà nay huynh đệ nếu bị hỏi đem tâm ông ra ta an cho. Liền Mạnh Bát Lang, hoặc vẻ viên tướng, hoặc tiến lên ba bước, lui lại ba bước, làm người nữ lạy, vỗ một cái hét một tiếng hoặc nhướng mày trợn mắt, hoặc nói tâm nói tánh. Chỉ là tình trần nghiệp thức. Chỗ gọi: Người học đạo chẳng biết chân, chỉ vì từ trước nhận thức thần, là gốc sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay, người si gọi là người xưa nay. Chỉ như Nhị tổ há chẳng hiểu làm nhiều đạo lý vì sao chỉ đáp: Tìm tâm mãi chẳng được. Cần biết Đạt-ma lúc ấy một gõ thì Nhị tổ liền biết như tối được đèn, như nghèo được báu thấy rõ căn nguyên. Trong đấy chẳng gọi là tâm, chẳng gọi là Phật cũng chẳng là vật, giống như trên lò hồng một điểm tuyết. Sơn Tăng một hôm có hỏi Ngũ tổ Hòa thượng. Nhị tổ nói: Tìm tâm mãi không được, rốt ráo như thế nào? Ngài nói: Ông phải tự tham mới được chỗ tốt ấy. Người khác vì ông làm chẳng được, tham tới tham lui. Gọi hoài Tiểu ngọc nguyện là cớ. Cốt muốn đàn lang nghe tiếng mình. Ở đáy thùng thoát ra, cây bách ở trước sân cũng thấu, mè ba cân cũng là đó Huyền Sa lầm lỗi cũng là đó. Mục Châu gánh vác cũng là đó, chẳng rơi vào nhân quả cũng là đó, chẳng lầm nhân quả cũng là đó. Ba thừa mười hai phần giáo suốt mười hai giờ trong tai mắt. Cho đến tiếng chuông trống vang rền, lừa hý chó sủa, đều là tin tức ấy. Phương tĩnh Hoài Thiền sư có tụng rằng:

Thục phách liền trời kêu,

Xuyết kiết kêu suốt đêm,

Cửa Viên thông mở lớn,

Việc gì cách mây bùn.

Lão Đại trượng phu, một lượt (đều) đi rách đôi giày cỏ, buông bỏ tình trần tính toán được mất phải quấy đúng sai. Biết được cội gốc, một vật chẳng lưu lại, mảy may không được. Trăm xương đều tiêu tan, một vật trấn trường linh, hòa một linh cũng chẳng muốn. Sau đó mới y thời tiết mà mặc áo ăn cơm. Mà nay huynh đệ thấy nói thế (nói gì?). Lại nói: Chỉ là nhào lộn trong hư không. Này huynh đệ chỉ cái hư không ấy cũng khó được. Há chẳng thấy Tổ sư truyền pháp kệ rằng:

Tâm đồng hư không giới

Thị đẳng hư không pháp

Chứng đắc hư không thời

Vô thị vô phi pháp.

(Tâm đồng cõi hư không bày pháp bằng hư không, khi chứng được hư không, không pháp thị và phi). Còn kinh Lăng-nghiêm nói: “Mười phương hư không, sinh trong tâm ông, cũng như mây điểm trên hư không. Này các huynh đệ, đã là phỏng tầm tri thức đem sinh tử làm niệm, dứt hết tâm viên ý mã, gánh vác đại cơ đại dụng. Đối với Phật tổ chẳng vì chỗ ngồi an ổn, có khi đứng trên ngọn núi cao, có khi xuống tận đáy biển sâu sâu, mặc tình cũng như người si dại, nhà người tự có chung tình người. Sơn Tăng mười năm ở trong chúng, không có một phút nào duyên việc khác, chỉ chuyên nhất tham thiền tham. Đến năm thứ mười mới thấu triệt được, xoay vần biết chẳng phải, sau mới ổn đáng. Nếu có một niệm yêu ghét được mất phải quấy, tức là áo dơ. Cần phải biết được nguyên tắc nhiệm mầu (huyền chỉ) mới được. Do đó nói: Chẳng biết nguyên tắc nhiệm mầu thì uổng công niệm tịnh, được mất phải quấy cùng một lúc bỏ hết. Chỉ cần đừng yêu ghét, rỗng nhiên sáng sạch. Dương Kỳ gọi đó là cỏ tật lê có gai khó nuốt. Kim cương quyển rất nhỏ mà khó nhảy ra. Đừng nói trong đó có lời, vì người gỡ niêm cởi trói. Chẳng phải là việc của nhân tình. Huynh đệ tham thiền thì không được hiểu sai lệch, phải kỹ lưỡng mới được. Chỉ như Triệu Châu khám phá một am chủ, vào cửa liền hỏi. Có chăng có chăng? Am chủ liền đưa nắm tay lên thì Triệu Châu nói: Nước cạn chẳng phải chỗ đậu thuyền. Lại hỏi một am chủ khác rằng: Có chăng có chăng? Am chủ cũng đưa nắm tay lên, thì Triệu Châu nói: Là chỗ có thể theo, có thể cướp, có thể giết chết hay cứu sống. Có người nói: Triệu Châu biết trước am chủ chẳng hiểu, do đó nói chẳng phải là chỗ ghé thuyền. Trước biết am chủ sau hiểu, cho nên nói không giết chết hay cứu sống. Có người nói: Lưỡi ở trong miệng Triệu Châu, mặc ông cướp đoạt. Như kiến giải này đều là của bọn tà dùng lời lẽ thường tình của thế tục để suy nghĩ và chú giải thì chẳng được Tông nhãn chân chánh, làm cho nhảy khỏi kim cương quyển và nuốt cỏ tật lê không được. Ngũ Tổ Hòa thượng thường nói: Các phương tham được thiền giống như cái bình lưu ly, thương tiếc giữ gìn không được bỏ một chút, chớ dạy Lão Tăng thấy, đem chày sắt đánh ông nát định. Sơn Tăng ban đầu thấy người khác nói như thế. Lại hết lòng tham họ, họ thường hỏi. Câu có câu không như dây leo quấn cây làm sao hiểu.

Sơn Tăng liền hét, hoặc hạ chuyển ngữ, đều không khế hợp với họ, phải là chỗ hiểu của người đã dứt sạch tình thức, mọi tính toán đều quên. Ngày mai Sơn Tăng liền ở chỗ không tính toán mà nói càng nói bướng, chuyển không dính dáng. Sau này triệt ngộ thật thấy thật dụng như gương sáng đương ở trên đài, châu sáng đương ở trong tay được đại tự tại. Ông già Thích-ca nói. Nếu có một pháp hơn Niết-bàn, ta liền nói là như huyễn như hóa. Việc này từ xưa đến nay ngưng nhiên không thay đổi, lửa chẳng thể đốt cháy, nước chẳng thể nhận chìm, dao búa không thể chém đứt, gọi là căn bản. Tất cả hữu lậu và vô lậu, cõi Phật cõi Ma, Tịnh độ, uế độ đều chân thật. Nếu ngộ được thì có thể một mình bước đi tự tại, chẳng nhận phần của người khác. Nếu chưa đến chỗ điền địa như thế thì quản thủ bị người trói buộc, Sơn Tăng nay đã lui về viện, duyên pháp này kia tự có lúc. Cho nên hôm nay nhân Triều Nghị Thái phu nhân thỉnh Tiểu Tham nên hết tình nói cho các người. Mỗi người tự tham cứu, Phật pháp vốn không kia đây. Các nhà đều là con cháu của Lục tổ. Trọn chẳng nói ta là người dưới của Lâm Tế. Tông phái ta phải được hưng thịnh truyền, thà tan xương nát thịt chứ trọn chẳng làm kiến giải này.

Lại nêu: Tăng hỏi Bảo Thọ: Khi muôn cảnh đến xâm hại thì thế nào?

Thọ nói: Mặc kệ nó.

Tăng liền lễ bái.

Bảo Thọ nói: Chẳng được động đến, động đến thì đánh gãy lưng ông.

Sư bảo đại chúng: Bảo Thọ Hòa thượng dùng kim cương vương bảo kiếm, tất cả nghịch thuận, được mất, dài ngắn, phải quấy, vô biên cảnh giới chẳng tiêu một nháy mắt. Vị Tăng ấy thấy cơ mà làm. Lúc lễ bái vì sao nói chẳng động đến, kiểm điểm kỹ lưỡng thì giống như đầu rồng đuôi rắn. Sơn Tăng thì chẳng thế. Hoặc có người hỏi: Muôn cảnh đến xâm hại khi đó thế nào? Cũng đối họ mà nói: Mặc kệ nó. Vị Tăng ấy hoặc nếu lễ bái, chỉ hướng mà nói. Nạp Tăng Linh lợi một phát liền chuyển.

Sư nói: Trước khi cha mẹ sinh ra trần trùng trục một mảy may cũng không lập và đến khi đầu thai, sau khi đã sinh cũng sạch trọi trơn. Song sống ở đời rơi vào trong bốn đại năm uẩn, phần nhiều là tình sinh che chướng, lấy thân làm ngại mà mê lấy tự tâm. Nếu là người sáng mắt vì hiểu rõ bốn đại vắng không, năm uẩn hư dối, biết trong năm uẩn bốn đại có cái sáng rỡ, xưa nay hướng vào một việc dứt tri kiến, nếu hay phản chiếu thì không có người thứ hai, dưới gót chân thênh thang rỗng lặng, sáu căn môn cũng thênh thang rỗng lặng. Cho đến cả núi non đại địa cùng hết cõi hư không, cả vô biên biển hương thủy cũng thênh thang rỗng lặng. Nói năng như thế có phải là dẹp “có” về “không” chăng? Lại mừng không dính dáng. Nếu dẹp có về không, thâm thẩm mịt mờ rơi vào khoát đạt không dẹp chỗ không nhân quả, thì suốt kiếp cũng chẳng ra khỏi địa ngục tam đồ nhân quả. Nếu thật sự chứng được thật tế lý địa chân tịnh minh diệu, thì bốn Thánh sáu phàm, ba đời chư Phật các tổ sư thiên hạ hữu tình vô tình, đều ở trong đó mà hiển bày ra. Do đó Phù Thượng tọa hỏi Cổ Sơn Yên Quốc sư rằng: Trước khi cha mẹ sinh thì lỗ mũi ở đâu?

Sơn hỏi như nay sinh rồi thì nó ở đâu?

Phù Thượng tọa chẳng chịu nói: Ông hỏi lại ta Sơn bèn hỏi như trước.

Phù chỉ lay động cây quạt. Đại phàm tham thỉnh, tham phải thật tham, thấy phải thật thấy, dụng phải thật dụng. Trước khi cha mẹ sinh ra thì lỗ mũi ở đâu?

Phù Thượng tọa chỉ lay động cây quạt chớ (có?) phải là đùa tinh hồn chăng? Cần phải biết có sự kỳ đặc mới được. Chỉ như Văn-thù mới sinh thấy có mười tướng lạ cát tường. Còn Tu-bồ-đề mời sinh thì nhà hiện tướng không, Thiện Tài mới sinh thị vọt ra vạn kho báu. Đều ở trong một ánh sáng báu này sạch làu sáng rỡ tuôn ra. Nếu ở chỗ mịt mờ thăm thẳm rơi vào chỗ không không tịch tịch (trống vắng) há có kỳ đặc như thế. Do đó người xưa ở chỗ sinh thất rất kỳ đặc. Như Thế Tôn đưa tay chỉ trời đất tự bảo trên trời dưới trời chỉ có ta là riêng tôn quý. Nếu gặp Vân Môn Đại sư còn chẳng lấy làm kỳ đặc, thẳng làm chánh lệnh của nạp Tăng. Về sau Lão Túc nói: Vân Môn biết ân mới hiểu báo ân. Đã biết rồi liền lấy bổn phận sự của nạp Tăng trong cảnh giới thuận nghịch mà đi.

Lại nói: Lại sẽ được chăng. Nếu là mở ra thương lượng thì có việc hướng thượng, nếu căn cứ trên bổn phận sự của nạp Tăng, chẳng được nửa phần. Vì sao? Vì nhà người khác tự có đường thông lên trời.

Sư nói: Hiện thành công án, chẳng cách một mảy may, khắp trời đầy đất là một cửa đại giải thoát, cùng nhật nguyệt đồng sáng, cùng hư không đồng rộng, như Phật như Tổ không khác, nguyên do bởi xưa bởi nay đồng chánh kiến. Nếu là bậc lợi căn thượng trí chẳng dùng thì như thế nào, ngay đây vách đứng ngàn nhận hướng căn mình mà tự thừa đương. Có thể đóng nhốt cổ kim, quét sạch báo hóa Phật. Lại không mảy may rò rỉ. Oai Âm Vương trở về trước thì không thầy tự ngộ, đó là người Đại giải thoát. Oai Âm Vương trở về sau nhân có thầy đánh phá, chẳng khỏi lập thầy lập trò mà có mê có ngộ. Tuy thế, chỉ là phương tiện đưa tay tiếp người. Do đó mà Đạt-ma Tây trúc đến chẳng lập văn tự chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật. Trở về sau Lục tổ, Đại Giám Thiền sư còn tự nói: Chỉ cái “chẳng lập” hai chữ sớm đã lập rồi, huống là nói cơ cảnh các thứ kiến giải. Phải xóa bỏ trần duyên hết mới được việc này luôn được chư Phật ba đời ra đời dùng vô lượng tri kiến phương tiện tiếp dẫn thì cũng chỉ có hạn, các đời Tổ sư, các thiên hạ Lão Hòa thượng dầu trăm ngàn hỏi đáp nắm giữ thì cũng chỉ có hạn chẳng bằng tự hướng gót chân mình mà tự nghiên cứu lấy. Oai Âm Vương trở về trước và không kiếp bờ kia thì kho báu của mình tùy chỗ sẽ tự thọ dụng. Phải là ý khí kẻ Đại trượng phu mới có việc làm được như thế, cũng chẳng nhờ ai chỉ bảo, chẳng bị họ lừa dối. Từ sáng đến tối hít vào chẳng ở ấm giới, thở ra chẳng dính vạn duyên. Rất là tỉnh yếu. Chỉ vì mọi người tự quay lưng với việc này. Hướng vào sáu căn môn mà nhận sáng nhận tối chẳng được sướng thích. Liền nói khổ nỗi con nghi như thế.

Lại nói: Nghi từ đâu đến.

Lại hỏi: Vì sao còn nói không được? Chỉ cần ông nói vì sao chẳng được. Vì ông không thường hay hồi quang, ngay đó mà thừa đương.

Tổ sư nói: Tự phần mình như có linh quang, như có tự tại. Tất cả chúng sinh trôi giạt trong trần tình chẳng thể giải thoát. Giả sử đem một đại sự nhân duyên này mà các thứ chỉ bày thì cũng là có cơ có cảnh lạc ở trần tình. Có hiểu chăng phải là một niệm chẳng sinh mới có chút phần tương ưng. Do đó Tiên sư nói: Phải là mạng căn dứt mới được.

Lại nói: Như thế nào là mạng căn dứt? Phải là dập tắt các tri kiến, các thứ hiểu biết từ trước, rất giống như một người chết mới sống lại. Tự nhiên không tranh đua. Do đó nói: Ta được vô tránh Tam-muội là bậc nhất của loài người. Chẳng thấy Nam Tuyền Hòa thượng nói: Huỳnh Mai bảy trăm cao Tăng, hết cả đều hiểu Phật pháp, chỉ có một mình Lô hành giả chẳng hiểu Phật pháp. Cho nên được y bát của người khác, phải là người như thế mới khế hợp việc như thế. Lại nói: Như Thánh giả là chỗ rất đáng sợ. Bởi vì không gì bằng Thánh lượng các việc. Nếu là mất lượng đại nhân, thì trọn chẳng chịu loạn thừa đương. Cuối cùng chẳng nói: Ta hay hiểu ta ta là Thiền sư (ta có tài, ta hiểu ta, ta là Thiền sư? Ta biết ta là Thiền sư?) Nếu như thế thì rơi vào hầm sâu giải thoát. Chẳng thấy Vân Môn Đại sư nói: Trên đất bằng người chết vô số, qua được rừng gai gốc là tay giỏi. Mà nay trên đất bằng người chết vô số, Vân Môn một câu nói đó, sơn Tăng ở trong đó chẳng thế, qua thẳng được rừng gai gốc cũng chưa phải là tay giỏi. Lại phải biết có núi Bạc vách sắt. Phải qua được núi bạc vách sắt, sau đó mới là người tĩnh ngộ, mới biết có việc hướng thượng, mới có thể phân phó y bát, liền chẳng cùng người khác tình trần đối tác nhau kiến giải Phật pháp mênh mông, làm thương lượng thiền đạo phải tâm cảnh nhất như trong sáng trống vắng vô vi sự, lại chẳng rơi vào chỗ vô vi vô sự. Đến chỗ này phải là người hướng thượng mới được. Do đó Long Nha Hòa thượng nói rằng: Vô đoan khiển hướng về ao mực đen, nhận được thân tâm đen giống khói, liền đến chỗ nước trong hướng thượng mà rửa, thân tâm dùng hết cũng thế.

Đức Sơn Hòa thượng nói chỉ có văn tự nói năng đều là nương nhờ cây cỏ tre trúc tinh linh, phải là một đường riêng thoát cũng bắt chước (so xét) chút xíu. Chỉ như nạp Tăng gia hôm nay cũng phải làm (có?) tinh thần tham lấy mới được. Ngàn dặm vạn dặm hành cước, một loạt đều đi rách giày cỏ, cũng phải rách mới được, như thế mới cô phụ bình sinh, kia đây đến Nam Diêm-phù-đề một lần gặp, cũng chẳng luống qua, cũng chẳng mất gốc. Sau đó mới ở trong bốn oai nghi mà tùy lúc thọ dụng, cũng tự an lạc. Bỗng nhiên một sớm sương mù quả chín, bị người xô té trên ghế gỗ khúc lục, làm thầy trời người, cùng người mở chốt cởi trói chẳng ngại kỳ đặc. Nếu chưa đích đáng chắc chắn cũng không gây họa cho người. Chẳng thấy Đức Sơn nói: Giống như một dâm phụ, một mực lập hỏi lập đáp, lập khách lập chủ, có dính dáng gì? Đại phàm người tham học phải sáng tỏ, ngay đây mà thấu đi há chẳng vui ư?

Sư nói: Hiện thành công án lại chẳng tiêu mất cái gì. Ngay đây tất cả dứt hết. Cũng tạm được. Phật pháp vốn không nhiều. Nếu dùng vô tâm vô niệm, vô sự vô vi, không tính toán, không phân biệt cho đến mặc áo, ăn cơm, đâu từng mảy may lay động liền có thể quét sạch Báo Hóa Phật, chẳng khởi một mảy may kiến giải Phật pháp. Do đó người xưa vừa thấy Tăng đến liền nói: Thấy thành công án, tha ông ba mươi gậy, giăng lưới khắp trời, đánh tan sóng lớn cá to, buông câu ngàn dặm, cỡi chim ngàn dặm vượt ngựa giỏi cũng là việc chẳng được. Do đó Thạch Thất Hòa thượng vừa thấy người đến liền đưa gậy lên bảo rằng: Chư Phật quá khứ cũng thế, chư Phật hiện tại cũng thế, chư Phật vị lai cũng thế, chỉ cùng ông lược bày chút mũi nhọn. Nếu là người vừa thấy nói thế đứng dậy bỏ đi, cũng còn tạm chút ít. Nếu lại vào suy lường thì đã bị lưới trời úp chụp. Như thế ba mươi năm, chỉ có Trường Sa Hòa thượng biết chỗ bến rơi, liền nói: Hòa thượng bỏ gậy đi riêng thông tin tức đến mới khế hợp với ý ấy. Mà nay huynh đệ tham học phải là tên nhọn chống nhau, cây kim hạt cải ném nhau, trong ngoài dứt hết tin tức mới được. Nếu chỉ tìm thấy tìm nghe cầu hiểu cầu biết thì chỉ thành cội gốc sinh tử. Sao chẳng thể lấy vô sinh, rõ gốc không nhanh chóng. Nếu hay mỗi mỗi như thế mà thấy, đường sinh tử một lúc cắt đứt, toàn chẳng động một mảy may. Do đó nói: Ở trong ngàn người vạn người như không có một người nào, chỉ là hết được thân tâm, không trăm thứ hiểu biết, không một chỗ dùng. Nếu nếu hiểu đạo lý theo câu lời thì đầy da bụng là thiền khi nào mới được thoát. Cho nên Nam Tuyền Thiền sư nói: Sơn Tăng ra đời chỉ vì các người nắm lấy bệnh Phật bệnh Tổ. Lão Tăng bình thường luôn nói với huynh đệ rằng: Trước khi cha mẹ sinh ra lại có hình dạng không. Trong giáo pháp dạy trung đạo: Bốn đại năm uẩn tạo thành thân, chỉ do cha mẹ giao cảm một niệm nhiễm tâm mà thành thân này. Ta lại hỏi ông khi si si hòa hòa sao chẳng cùng người tranh nhau. Đến khi lớn lên thì có tranh người tranh ta. Khi bốn đại một sớm lìa tan thì y theo mà có hình dạng xưa nay cho nên nói:

Bồ-đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính trần ai.

Mọi người nên gắng sức lấy ngộ làm kỳ hẹn chớ để ngày tháng luống qua, thời gian chẳng đợi người.

Sư nói: Việc lớn này đã là tám chữ mở toang. Phải nhiều hồi đầu phản chiếu, sớm là độn trí, thẳng là triệt để tin được, khi chưa nói trở về trước, một lúc thấy rõ khi đã nói rồi.

Lại nói: Làm sao thừa đương, kẻ sơ cơ, lại ở dưới gót chân mà sáng lấy, mà nay ngồi đứng nghiễm nhiên mỗi mỗi thấy nghe không mê muội. Người người nhìn xuống gót chân. Như ấn in trên không, như ấn in trên nước, như ấn in trên bùn. Trước chẳng phân đắc thất bỉ ngã thị phi. Sạch trọi trơn, sáng tỏ xưa nay, dứt hết tri kiến. Phản chiếu hồi quang. Há có nhiều việc. Song khi chưa phản chiếu thì không có nhiều việc. Chỉ như tầm thường trăm chẳng lo trăm chẳng quản. Khi dứt niệm quên duyên, một lúc hiện thành, hãy nghe phản chiếu, liền làm các thấy nghe hiểu biết. Mỗi mỗi đều ở chỗ thấy nghe hiểu biết mà làm các hình thức gương mẫu Mới lúc ấy (lúc nào?) rơi tại sinh tử ấm quả, không do đâu được ra khỏi. Muốn sáng việc này phải nhờ phương sâu, có thể rơi vào thị phi đắc thất thấy nghe hiểu biết, mảy may tịnh hết mới được vui sướng, cột chặt mối manh nó không dừng ở. Do đó nói: Như người học bắn tên lâu lắm mới trúng. Há chẳng thấy Bùi Tướng Quốc ra trấn nhậm Uyển lăng nhận dạo đến chùa thấy có tượng cao Tăng, bèn hỏi Tăng chức rằng: Nghi tướng cao Tăng rất dễ mến, chưa biết cao Tăng ở đâu. Lúc đó Tăng chức chẳng biết làm gì. Bùi Công nói: Trong đây có Thiền Tăng chăng? Tăng chức nói: Gần đây có Tăng thân ra quét đất, mình mặt áo trăm mảnh, hai là thiền Tăng. Rồi mời Tăng ấy đến thì chính là Huỳnh Nghiệt Đoạn Tế Vận Thiền sư. Bùi Công liền đem lời trước mà hỏi. Nghiệt bèn gọi Tướng công, ông dạ, Nghiệt nói: Ở chỗ ấy. Bùi Công sau lời ấy thì liền ngộ. Các người lại nói: Chỗ hỏi là phải hay chỗ đáp là phải. Lại nói: Cái gì là nhà thiền Tăng. Ngay đây phải có tỉnh phát mới được. Chớ chỉ nhận thanh nhận sắc. Sở dĩ Lão Tăng tầm (bình) thường nói: Ngàn người vạn người chỉ biết lấy một người, ngàn câu vạn câu chỉ biết lấy một câu, ngàn cơ vạn cơ chỉ sáng lấy một cơ. Cuối cùng lại nói: Là gì? Sắp biết lo đúc lớn trăm nướng ngàn đốt là người chánh yếu, phải biết sau lời một sáng tất cả sáng, một liễu tất cả liễu, hãy nghe nói nêu, thấu đầu thấu đuôi, sạch hết chẳng còn gì. Lại như chỗ dứt mất sau một tiếng gọi vì sao cao Tăng thành Bùi Công, Bùi Công thành cao Tăng. Nếu luận việc này thì phải là người tài giỏi mới hết sạch. Do đó nói: Nêu chẳng đoái hoài liền sai, định suy lường thì kiếp nào ngộ. Bổn phận nạp Tăng chẳng cần suy lường phân biệt, cần cầu chỗ ngộ. Nói ngộ thì như mất một vậy đã qua nhiều năm mà một sớm tìm lại được. Lại như bệnh thương hàn bỗng ra mồ hôi thì rất vui mừng, đem tâm tri ngộ mà thấy tánh, không phải suy lường phân biệt. Do đó chứng nhập vào chính thể kim cương tự nhiên nói xưa nói nay rộng khắp hằng sa giới, nước chẳng thể nhận chìm, lửa không thể đốt cháy. Khi thế giới hoại thì cái này vẫn còn hoài, là gốc của núi sông đất liền, là nhà của sáu phàm bốn Thánh, mà chứa trong gang tấc của mỗi người. Nếu hay ở trong gang tấc mà ngộ riêng bày chân thường, ở chỗ muôn ngàn sai khác mà nói, trọn chẳng khởi dị kiến, ở trên cảnh muôn ngàn sai khác, trọn chẳng làm hiểu khác, cần phải hết sạch mới có toàn thể hiện thành. Như nước ngập hỏi Mã tổ Phật pháp xưa nay, Tổ cho một đạp sụp té xuống nước thì bỗng nhiên đại ngộ đứng dậy cười lớn ha ha bảo rằng trăm ngàn Tam-muội vô lượng diệu nghĩa chỉ ở đầu lông một lúc biết được căn nguyên nguồn cội. Lại ha ha cười lớn. Sau này ra đời mỗi khi lên pháp đường tự nói: Từ khi ăn một đạp của Mã Sư đến nay cười mãi chưa dứt. Lại ha ha cười lớn. Lại nói: Thế nào là căn nguyên? Muốn biết căn nguyên này, nếu biết được, nói đến chỗ sâu kín, chỗ ngàn Thánh chẳng đến cũng được. Nếu chỉ một gậy một hét, hết cả đất đai càn khôn thâu lấy, như bảo kiếm kim cương vương, cứ địa của sư tử cũng được. Người hành cước cần tham thiền phải có trí tuệ như thế mới có thể vào được. Phải xét kỹ lời nói nhỏ nhặt, đi nhiều đạo càng xa.