Viên Chiếu Thuở Vị Thành Niên
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Khi khu vườn Viên Chiếu hoa nở ngát hương, những cánh chim trưởng thành lần lượt tiếp sức đầu đàn dắt dìu đàn em, thì người ta luôn bắt gặp những nhân dáng trang trọng, nghiêm túc để có thể xứng đáng làm mô phạm cho hậu sinh, nên ít ai biết, tưởng tượng được đến cái thời đầu ngô nghê của Viên Chiếu, cái thuở vị thành niên còn nhiều bất toàn, và nụ cười hồn nhiên còn rộn rã ngân vang.

Từ Bát Nhã xuống Viên Chiếu, mỗi người được phát cái thùng giấy to để đựng “gia tài sản nghiệp” gồm ba bộ đồ, mùng mền, vật dụng tùy thân. Chỉ có cái đơn cô Đức là vật thể an toàn duy nhất, nằm giữa trung tâm cái cốc lá râu ria, đựng đủ thứ đồ hằm bà lằng, gồm tài sản riêng cô và của chung cả chùa – nghĩa là ngoài chiếc thùng giấy – chúng tôi cần gì cứ giở đơn cô ra lấy: tập vở, đơn từ, dây thun luồn quần, kim chỉ, nút, viết…

Tôi xuống Viên Chiếu chậm sau mấy chị cả tháng, nhưng chỗ hành lễ vẫn chưa thiết lập, nên thời kinh đầu của tôi diễn ra trong cái mùng tập thể giăng trên gác, cái mùng có sức chứa năm sáu người ngủ, vẫn khá rộng để chúng tôi ngồi tụng kinh. Tới giờ, chỉ việc ôm mõ chuông vào mùng, ngồi tụng ê a, đọc Tam tự quy xong là đã có thể ngã lăn ra, nằm bẻ tay chân lắc cắc trong mùng.

Tuần lễ sau, chỗ lễ lạy được thiết lập với bức hình Tổ Đạt-ma treo sát vách lá dừa, phía dưới là cái kệ đơn sơ để mõ chuông, án hương. Chúng tôi đã có thể đắp y áo hành lễ chỉnh tề, nhưng đây vẫn là thời nở rộ đủ trò nghịch ngợm.

Chị Minh Ánh có lần cạo đầu cho cô Đức đã ranh mãnh chừa lại ba vá làm gương mặt cô trông giống hệt hình vẽ mấy tiểu yêu của Hồng Hài Nhi, rồi chị cũng bị cô Hoa chừa lại cho một vá trên đầu giống hệt cái bàn chải chà chân. Rồi lúc hành lễ, khi giọng tán Phật của cô Đức xướng vút cao, kéo ánh mắt chúng tôi bay bổng lên và dừng lại nơi các vá, chóp, dựng đứng chơm chởm ai cũng phải tủm tỉm cười. Dù chúng tôi có thế nào thì gương mặt của đức Thế Tôn vẫn bao dung muôn thuở.

Rồi các vá chóp kia cũng được tẩy sạch sẽ. Chuyện cạo đầu tưởng như đơn giản nhưng cũng trở thành vấn đề khi cô Đức buộc phải xin phép Thầy cho chúng tôi mỗi tháng cạo một lần, thay vì nửa tháng.

Dao lam khan hiếm nên phải nhờ quý thầy Thường Chiếu mài lại cho chúng tôi xài. Tội nghiệp! Chắc là quý thầy mài mỏi tay, vì tháng nào cũng phải mài cho chúng tôi có mà thí phát (hết mài phảng cho chúng tôi phảng cỏ thì lại phải mài dao cho chúng tôi… “phảng” đầu.)

Đôi khi chị Huệ cũng ra sức mài phảng cho đỡ “báo đời” quý thầy, nhưng chắc chắn là không thể nào bén ngọt bằng Thường Chiếu mài cho. Tôi hỏi chị Huệ:

– Chị biết mài dao lam không?

– Chịu thôi! Chỉ có quý thầy biết! Dao lam khó mài lắm!

– Mài sao hả chị?

– Tui thấy thầy Thiện Trung bỏ vô cái ly mài mài!

Thầy mài thiệt hay, dao mài về bén ngót. Nhưng tóc mỗi tháng mới cạo một lần, dao mài đi mài lại, lướt trên mười mấy cái đầu chúng tôi nghe rồn rột cứ như nạo dừa, thỉnh thoảng nó có dằn xóc như xe dằn ổ gà, khiến người được cạo đầu cuối cùng mặt nhăn thấy mà thương.

Sau đó không biết ai biếu cho chùa hai cái tông-đơ – nghe tới tông-đơ chớ có mà tưởng bở. Gặp tông-đơ lụt và chưa giỏi sử dụng thì sẽ là kẹp, giựt, nhổ… tóc “chứ không phải hớt tóc đâu”. Hồi nhỏ có lần thấy cái tông-đơ, tôi liên tưởng ngay đến cảnh “đẩy ngọt xớt” của các bác thợ cạo và hứng chí cầm nó lên “thử nghiệm” với chị tôi. Sẵn cái đầu chị tới tháng cạo, tôi cầm tông-đơ tới, kề sát vào đầu chị và đẩy một phát, chắc mẩm là chị sẽ vui sướng, nồng nhiệt khen ngợi tôi, nào ngờ chị nhảy dựng lêân hét:

A, á! mày muốn ám sát tao đấy hả?

Nói vậy là đủ để hiểu chế độ cạo dao lam ngưng thì cái đầu đáng thương của chúng tôi phải nếm đủ mùi “tra tấn, hành hạ” của tông-đơ do những bàn tay chưa thạo nghề mà sử dụng tông-đơ lụt (Tôi chẳng nghe nói đến việc mài tông-đơ bao giờ). Chị Huệ “hành nghề” đỡ đau hơn những thợ tay ngang khác, nhưng muốn chúng tôi đỡ đau thì chị phải gồng kềm cái tông-đơ, cho nó đừng nhổ tóc, buông tông-đơ ra mu tay chị đỏ chạch đến tội. Rồi dần dà các thợ cạo Viên Chiếu sử dụng tông-đơ thuần thục, chị Huệ vẫn còn đỏ tay nhưng chúng tôi đã hết đau. Song tôi vẫn thắt thẻo thương nhớ cái dao lam: – Ôi dao lam! Em đi đâu? Về đâu? Cho nên nổi…?

Rồi trong buổi họp thường nhật sau khi thỉnh nguyện, thêm một tin mới: Phải tiết kiệm xà- bông tối đa, có thể sẽ không có để mà xài nữa! Chị Hạnh Thanh mách:

– Em thấy bông tràm ngâm cũng ra bọt nhiều, giặt đồ được lắm!

Có người hiến kế nên xài nước tro nhưng tính ra ngâm bông tràm có vẻ sạch sẽ hơn, song dễ làm mục đồ. Chỉ thời gian ngắn, chúng tôi được xài xà-bông lại, mỗi người được cắt chia một cục nhỏ, nếu ai xài hết trước thời gian ấn định thì ráng mà nhịn, nhưng chúng tôi đều biết cách tiện tặn, nên không đến nỗi nào.

*
Có lần tôi được cô Đức cắt cho công tác rất ư là phong lưu: Đi mua đồ “hợp tác xã” cái xã chút xíu thời ấy làm gì có “thương hiệu” mà “hợp tác”? Nói cho oai vậy chứ, thật sự là ra nhà bà Năm Quán sắp hàng chờ mua đồ! Tôi sắp hàng ngót hơn một tiếng thì được gọi tên tới đóng tiền mua được gói hộp quẹt diêm và mười mấy mét vải xoa màu xanh chói mắt (không lãnh phải vải hoa là may rồi) Hợp tác xã bán gì thì lãnh thứ ấy. Hồi đó vải hiếm nếu có thì cũng mắc, sắp hàng mua nghe như cực, nhưng giá bán rẻ hơn ở chợ nên cũng đỡ (có còn hơn không mà!) Thế là vải đem về chị em chia nhau, mỗi người may được một cái quần, đi nghe sột soạt như “Liên khúc quần xoa…”

Mùa đậu, chúng tôi kéo hơn nửa chúng ra làm rẫy gần đất Thường Chiếu. Trên đường đi, chiều gió lộng phả hơi me ngào hấp dẫn từ ngõ nhà bà Tám Đời, chúng tôi dừng lại, bu quanh chảo me ngào (Hồi đó, mỗi lần đi công tác xa chùa thường đưa cho người lớn nhất trong nhóm giữ ít tiền dằn túi để phòng có sự cố). Tôi nghĩ là cứ ngắm quà bánh thì chẳng có tội vạ gì, nhưng chị Huệ đã mua mấy đồng me ngào, bà hàng múc cho một dúm (to cỡ nửa bàn tay) bỏ vào miếng lá chuối, chúng tôi xin thêm mười mấy que tăm cùng xúm xít thưởng thức me ngào đến liếm sạch lá, lần ấy tôi đã âm thầm “nể” chị Huệ mà không dám nói ra (nể vì chị dám xài sang hào phóng mua me cho chúng tôi để cùng “ăn hàng tập thể”. Bởi ngân phí vốn eo hẹp, mọi thứ quà vặt đều là xa xí phẩm, chỉ nên nhìn chứ không nên với tới, lần này cùng nhâm nhi me, mặt ai cũng tươi roi rói, khiến người ta phải buột miệng khen: “Mấy cô tu sao mà vui quá”.

Thường Chiếu thương em út, lâu lâu có cái bánh hay món gì ngon cũng nhắn chúng tôi ra ăn. Đi công tác hay ra Thường Chiếu dự “tiệc”, chuyện lội bộ đi sớm về khuya là chuyện thường. Đường bộ hồi ấy vắng hoe vắng ngắt, càng về khuya chỉ có chúng tôi là khách lữ hành, cái máu văn nghệ lại nổi lên, chị Huệ hát thật hùng: “Không phải là lúc ta ngồi mà chờ có được tốt đẹp. Mà phải khởi từ nhọc nhằn hay gian khó…”, tiếng hát xua tan cái lạnh giữa đêm thâu, rồi chị em cùng nắm tay nhau ca bài: “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, dưới ánh trăng khuya vằng vặc soi đường.

Trăng ở rừng luôn huyền ảo và đẹp mê hồn. Do vậy mà xả thiền xong, vừa rảo rảo đi kinh hành chợt nghe vang lên tiếng hát của một người say trăng: “Đêm nay trăng sáng quá ai ơi” Còn đang ngơ ngẩn thì đã nghe bồi tiếp: “Gác trọ về khuya trăng gió lùa”. Giọng hát êm êm và thật du dương, đích thị là giọng của cô Đức! Chúng tôi ngứa cổ phụ họa theo: “Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa”, nhạc “Ráp” được hình thành, kết nối bởi những câu ngắn ngủi để diễn tả cảm xúc dạt dào với trăng. Thời ấy, ở độ tuổi sung sức dư hơi hát hò, nên giọng ai cũng hay cực kỳ ! Khó mà cấm được màn hòa tấu văn nghệ đột xuất. Chị Minh Ánh còn ráng chen thơ thẩn vào với cái giọng Quảng chắc nụi: “Tối nay có một nửa trăng thôi. Còn nửa kia ai… cắn mất rồi?”

Màn hợp tấu kết thúc, chúng tôi lục tục đi ngủ. Đêm vào khuya chỉ còn lại tiếng côn trùng nỉ non và mảnh trăng vắt ngang lưng trời dịu dàng tỏa sáng.

*
Chúng tôi đang dùng cháo chiều, cô Đức từ ngoài ngõ đi vào, thả túi xách xuống đã kể ngay:

– Trưa hôm qua chị với Giải Thiện đón xe đi thành phố, chờ hoài không thấy xe, gặp ông cà-rem đi tới chị mua cho mỗi đứa một cây, vừa mua xong thì xe trờ tới.

– Vậy rồi sao hả cô?

– Thì phải lên xe với cây cà-rem, chị đứng quay vô kẹt, che cái nón lá để ăn – nhưng mà không có yên – thằng nhỏ ngồi trên xe khóc ré lên, hét đòi:

– Ba, cà-rem! Cà rem!

Ba nó nhìn dáo dác, ngơ ngác hỏi:

– Cà-rem đâu con?

Nó chỉ tay về phía chị:

– Đó! Cà-rem! Cà-rem!

– Thiệt mắc cỡ muốn chết!

Cà-rem thời ấy có khi nửa ngày mới gặp bán một lần, nghĩ đến cảnh cô Đức leo lên xe với cây cà-rem “bỏ thì thương vương thì tội”, chúng tôi thấm ý cười dài.

*
Mỗi khi làm ruộng mệt cô Đức thường ngồi trên bờ đê hát: “Ta đã thấy gì trong đêm nay, cờ bay muôn ngọn cờ bay”. Ban ngày, nên tôi chẳng thấy cờ mà chỉ thấy mạ xanh rờn tít tắp, nhưng giọng ca êm nhẹ của cô rất hay. Dòm cái mặt ngẩn ngơ của tôi, cô mỉm cười nói:

– Để chị dạy cho mà hát: Nào! Thùng thung lủng, thùng lủng thùng bể, thùng thung bể, thùng bể thùng lủng, thiếc thau thau thùng… thùng thau! Âm điệu vui nhộn của cô làm tôi khoái chí vỗ tay đôm đốp nhịp theo.

*
Thời gian đầu Viên Chiếu ăn toàn tương do cô Giải Thiện chế biến, tương cô làm ăn hoài không hết, dù chỉ có một hũ nhỏ, bởi lẽ cô cứ nấu nước muối đổ vô khi nó vừa cạn. Chị Thủy thường gọi là tương “chồn”, tương mới làm gặp mưa dầm khí ẩm màu lờ lợ mùi lại hăng hắc. Cô Thiện thuộc dạng đảm đang khéo léo nhưng bị hai chữ “tiết kiệm” trói tay, vả lại, có một câu thành ngữ quen thuộc: “Ai khéo mấy vô Viên Chiếu cũng phải bị tổ trác”. Đó là lí do tương có mùi khó ngửi và màu sắc không giống ai, thêm màn nước muối đổ vô hoài, ăn riết chịu hết thấu, chị Thủy nhăn nhó phản kháng:

– Giải Thiện Này! Mi đừng lén đổ nước muối vô tương nữa, ăn hết nổi rồi!

Cô Thiện cười hì hì và sau lần kêu rêu đó tương “chồn” mới cáo chung.

Cô Thiện xuất thân từ “lò” miền Trung nên kiểu tụng niệm của cô có âm điệu rất hay cộng thêm âm thanh “chuông vàng” trời phú. Nhưng ở Viên Chiếu thời gian lâu, bị cách tụng “phang ngang” của chúng tôi ảnh hưởng, cô than thở:

– Ôi! Thiền tông làm hư cái giọng em! Về ngoài nớ tụng ai cũng cười em hết!

Dù vậy mỗi khi cô hô chuông tọa thiền, nhiều Phật tử đến chơi nghe được đã buộc miệng xuýt xoa:

– Trời ơi! Cái giọng nghe như tu đâu mười kiếp rồi vậy! Nghe là muốn đi tu liền!

Quả thật tiếng niệm, kệ chuông của cô khiến người nghe mang cảm giác lâng lâng siêu thoát. Nhưng có một lần tiếng cô đã làm tôi bủn rủn tay chân, hồn phi phách tán. Ấy là vào một đêm khuya không trăng, tôi kinh hoàng lạnh cả xương sống vì tiếng ré inh ỏi của hai giọng nữ the thé lanh lảnh: Cháy! Cháy! – Đúng là giọng thanh tao xuyên suốt từng truyền cảm của cô Giải Thiện, giờ đây nó đang truyền sự kinh hãi tột độ bởi âm thanh được bật lên vào lúc 0 giờ với tâm tư cực kỳ hoảng sợ, thừa sức làm rởn óc người nghe. Thêm vào đó là tiếng hét như còi cứu hỏa của chị Thủy cũng không thua kém! Hai âm thanh nữ này “hợp xướng” đủ để tôi bật dậy như cái lò xo, rụng rời hết tứ chi, không còn biết đâu là cửa mùng để chui ra, và mình đang hiện diện ở chốn nào nơi trần thế? Cuối cùng tôi cũng chui ra khỏi mùng (sau khi đã đâm đầu vào vách lá dừa mấy bận). Tôi thấy người leo lúc nhúc nơi cầu thang ọp ẹp để tiến đến gác (trung tâm của điểm cháy).

Nguyên do là cây đèn dầu bé tí nơi kệ thờ nổi hứng phựt lửa cao táp vào bức hình Tổ Đạt-ma treo sát vách lá. Thật may, đúng ngay lúc ấy cô Đức trở mình quay qua bắt gặp, cô vội la lên. Thế là một loạt báo động của những kẻ còn đang say ngủ, mắt còn nhắm, nhưng miệng đã la được inh ỏi, đủ sức dựng tất cả thức dậy cứu hỏa. Cô Hoa bình tĩnh nhất, giường cô nằm kế tôi ở dưới đất; nhưng cô đã leo lên gác tự lúc nào và đang chỉ huy dập lửa. Chị Phượng lúc ấy ở Sài Gòn ra chơi cũng xăng xái phụ chữa lửa bằng cách xách một thùng nước, leo lên cầu thang trao tận tay cô Hoa. Cô nhanh nhẹn đón lấy và thảng thốt la lên:

– Trời đất! Sao đưa chị cái thùng rỗng, không có nước?

– Hả? Hơ!… Quýnh quá em quên múc nước!

Khi lửa được dập tắt xong thì thiệt hại chỉ là bức hình Tổ Đạt-ma, hình vẽ Ngài cháy hết, còn trơ lại chiếc giày (nhờ quảy ở trên cao). Chị Thủy hí hoáy ghi vào nhật ký: “Tổ Đạt-ma nhập Niết-bàn hồi 1 giờ khuya để lại chiếc giày”.

Thật may mắn cho chúng tôi, lửa phựt cháy giữa khuya, vách là lá dừa, sàn toàn ván thông, đều là các thứ dễ bén lửa, nếu không có cái trở mình nhiệm mầu của cô Đức và tài chỉ huy chữa lửa kịp thời của cô Hoa thì thiệt hại không phải nhỏ!

Kiểm điểm tổn thất sau cuộc cháy xong, chị em nhìn nhau cười rạng rỡ, vì rõ ràng may nhiều hơn rủi, vách lá mọi thứ đều còn y nguyên, chỉ có Tổ là… hy sinh.

*
Rồi Huệ Chiếu được thành lập, tình giao hảo của các thiền viện luôn thắm thiết. Huệ Chiếu sinh sau vẫn tiếp nối truyền thống ăn độn. Xuống thăm Huệ Chiếu lúc nào cũng thấy bằm khoai lóc cóc. Khoai mì, khoai lang phơi đầy từ sân ra ngõ, vậy mà hễ có gì ngon là cô Minh (Trụ trì chùa Kim Liên bây giờ) ít khi chịu hưởng một mình, cô luôn hào phóng, bắn tiếng mời chúng tôi xuống dự. Chẳng hạn “sắm” được mớ nấm với ít đồ lê-ghim để nấu nước lèo, cô sốt sắng mời Viên Chiếu xuống ăn mì gói. Gia tài Viên Chiếu chỉ có vài chiếc xe đạp, dù đường lộ đã có xe khách đi rải rác, nhưng cái túi tiền không cho phép chúng tôi “sang cả” ngự trên xe. Thế là chị em kéo nhau lội bộ xuống Đại Tùng Lâm dự “yến tiệc”, tất nhiên phải đi vào ngày nghỉ công tác. Sáng đi, trưa đến, chiều về, tô mì gói cũng tiêu hóa theo từng bước chân cuốc bộ. Nhưng cái chính là tấm lòng tốt của những vị pháp hữu luôn còn mãi và đến bây giờ vẫn chưa tan trong tôi.

*
Thời ấu nhi của Viên Chiếu tất nhiên là không giống lúc trưởng thành. Những người tuổi trẻ thuở xưa nay đã tóc bạc, mặt nhăn, vai mang đầy trọng trách; không còn luyến lưu gì với trò chơi bong bóng nước và những thú vui đùa ngày nhỏ.

Xưa và nay dẫu có cách biệt thì vẫn còn một điểm chung để giống. Đó là cái tâm trong sáng, giàu lòng từ ái, chính cái tâm này đã giúp cho Viên Chiếu sống an hòa dù ở bất cứ thời điểm nào.