Vấn Đề Về Ông Chân Quang

Ban biên tập

(Tóm lược câu hỏi:

Nhà tôi bắt đầu tu tại gia cũng đã nhiều năm nay, có nghe rất nhiều đĩa VCD của TT Thích Chơn Quang. Hôm nay có nhiều tin đồn thất thiệt về thầy Chơn Quang có đúng như vậy không? Có thể nói rõ hơn về TT Thích Chơn Quang không, cám ơn rất nhiều).

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính gởi đạo hữu Hải Long,

Chúng ta là những người bạt phước, là một trong những chúng sinh cang cường bướng bĩnh, cũng vì bướng bĩnh nên chúng ta hiện tại vẫn chưa được giải thoát. Đức Phật đã dạy, Ngài dùng đủ phương tiện, hóa hiện ra đủ thứ thân, trải vô số kiếp, hầu cứu độ cho những chúng sanh cang cường đầy tội khổ khó khai hóa. Ngoài những chúng sinh đã được độ, còn những chúng sinh cang cường, bướng bĩnh như chúng ta hiện nay, khi thời nhận quả báo đọa vào trong những đường dữ chịu nhiều thống khổ, mà Đức Phật vì lòng đại từ bi, ân cần phó chúc cho Bồ tát Địa Tạng, nên nhớ tưởng đến Như Lai mà dùng đủ phương tiện để cứu độ những hạng chúng sinh này. Lòng đại từ bi của chư Phật, Bồ tát thật không biết phải nói sao cho hết được. Không biết làm sao để đền đáp công ơn cứu độ của chư Phật, Bồ tát, chỉ biết là nên cố gắng giữ gìn giới luật, chân chánh là người Phật tử (xuất gia lẫn tại gia), thì cũng xem như đáp được phần nào ân đức của Như Lai.

Thế mà, người Phật tử chẳng dùng chánh kiến, chẳng y theo giới luật, chẳng hề dụng Văn, Tư, Tu, là ba món quí báu của người Phật tử chân chánh để tiến bước trên bước đường học Phật của mình. Trái lại, chỉ biết bàn luận cho thỏa mãn tự thân, dụng công trên đầu lưỡi, tìm chân lý (chánh pháp) qua gương, hô hào xưng ta là Phật tử, đã có bằng quy y, ta làm Phật sự to tác dường kia, công đức trội hơn người nọ v.v…. Trên thực tế thì hoàn toàn là những người dụng công ở ngoài da, không có một chút tâm huyết nào, cũng không có mục đích giải thoát để hướng đến giác ngộ, giải thoát của người Phật tử chân chánh.

Trái lại hô hào theo những tư tưởng mới mẻ của một số người, Tăng lẫn tục. Là những người chẳng biết “tàm quý” vì danh lợi, mà bận rộn đua chen trong thế cuộc, thay những thứ hư danh vào trong những sinh hoạt hằng ngày của người Phật tử, bác bỏ, thay đổi, giảm bớt giáo lý căn bản từ thấp đến cao, từ gốc rễ đến ngọn, vẽ những giáo pháp siêu huyền trên mây, tìm tòi những giáo pháp siêu việt qua gương, càng đi càng xa với Phật Pháp, càng bước càng lút sâu vào vực thẳm.

Trong thời mạt pháp, thời đại mà chúng ta đang sống bấp bênh trên con thuyền chao đảo của chánh pháp, do có những tà sư, ác hữu, chen lẫn trong đó, mà với trí huệ hạng hẹp, chuyên tìm thấp cao, dụng công ở đầu môi thì không sao phân biệt được giữa chánh và tà. Ngoại trừ người vì mục đích giải thoát chân chánh mà bước lên con thuyền này mà thôi. Là những ai chuyên tâm gìn giữ giới luật, chẳng ham thích tìm thấp cao, luận bàn cho thỏa miệng, mà cứ y theo lời dạy của Phật, tổ chọn phương pháp (pháp môn) thích ứng với khả năng hợp căn cơ với mình, một lòng chuyên trì để được sớm bước lên bờ giải thoát.

Người Phật tử chân chánh, phải luôn luôn sử dụng ba món quí báu vốn có của mình, Văn, Tư, Tu để áp dụng vào đời sống hằng ngày để được thăng hoa khi mà nó đã được đươm bông và kết trái. Quan sát những người thời nay, ít có người sử dụng ba món quí báu này để áp dụng cho sinh hoạt hằng ngày, mà Đức Phật đã dạy. Thay vào đó là những gì?

– Là binh vực, nếu mà có người đụng chạm đến tôi, thầy tôi, bạn thân tôi, người tôi hâm mộ thì sẽ không nhịn đâu, phản bác, tìm khuyết điểm của đối phương rồi bày bác, nếu không nói là chửi mắng một cách không thương tiếc.

– Là Hùa theo số đông, chẳng sử dụng ba món quí báu của người Phật tử, để quan sát xem là có phải là chân lý không? trái lại ham thích ca tụng,, hùa theo số đông, vì có quá đông người theo nên cứ cho là chân lý nên không tiếc gì khi vấn thân vào cuộc cùng số người đó, tự cho là đang làm Phật sự, nhưng thực tế đếu là giả tâm mà thôi.

Trong thời mạt Pháp này, những người giả mạo chen lẫn trong tòa nhà Như Lai, là tăng, là tục thì khắp mọi nơi, không chỉ riêng gì là ông Chân Quang đâu. Nhưng khác là còn có người còn có lương tâm nhận trách nhiệm của mình, đó là nói đến người (tăng lẫn tục) tuy làm những việc không hợp với đạo, chỉ vung đắp cho tự ngã, xét cho cùng cũng bởi vô minh gây ra mà thôi. Còn với ông Chân Quang, mang thân tướng Tỳ Kheo, lại phỉ báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Bác bỏ hết giáo lý đại thừa của Phật giáo lẫn giáo lý của Tiểu Thừa, tuy ông ta hô hào là học Kinh Nikaya (của Tiểu thừa), nhưng thực tế thì chẳng trúng trật vào đâu đối với những gì đức Phật đã dạy trong bộ Kinh Nikaya này, mà chỉ mượn tên Kinh để tỏ ra là mình có kiến thức Phật học.

Những luận điệu của ông ta giảng chỉ có thể gạt được những người ham thích những giáo lý mới mẻ, dụng công ở đầu môi, những luận điệu đó chỉ là những luận điệu nói cho vui vậy thôi. Chớ tuyệt đối đó chẳng phải là giáo lý của Phật giáo từ kim khẩu của Đức Thế Tôn nói ra trong suốt 49 năm hoằng Pháp.

Có số người gởi thơ về cùng bảo rằng, họ có rất nhiều băng giảng của ông Chân Quang, mà nếu không muốn nói hầu hết những người cuồng tín đó (chỉ nghe sao nói lại vậy, chẳng dùng Văn, Tư , Tu của một người Phật tử) đều cho rằng ông Chân Quang là vị thánh và giảng Phật Pháp rất hay.

Bản thân chúng tôi, chẳng biết những người đó tu theo pháp môn nào trong Phật giáo thông qua việc dẫn dắt từ ông Chân Quang. Theo như chúng tôi được biết thì từ miệng của ông Chân Quang đã từng tuyên bố rằng: “Kinh điển đại thừa là nguỵ tạo, Cõi Cực Lạc là không có thật (bị nhiều người lên án quá, ông ta lên tòa sửa lại là Cõi Cực Lạc cũng chỉ là cõi Trời Đao Lợi mà thôi, kỳ thật người Phật tử nào mà không biết cõi  trời Đạo Lợi cũng chỉ là một trong số cõi còn nằm trong Dục giới ), còn về Thiền, ông ta đã nói gì về pháp môn này? Thiền – Tịnh là hai pháp môn phổ biến nhất ở Việt Nam, mà ông ta cũng bác bỏ luôn qua lời tuyên bố của ông là “Tâm ta bản lai thanh tịnh” là hoàn toàn sai cũng chỉ là sự ngộ nhận của tổ, và các thiền sư mà thôi, mà ông ta cho câu nói đó phát xuất từ Kinh Pháp Bảo Đàn của Lục Tổ. Ông ta không hề hay biết câu nói đó, đã được Đức Thế Tôn giảng nói trong nhiều kinh điển của đại thừa, đâu chỉ biết qua Kinh Pháp Bảo Đàn đâu?

Như trên đã nói, thì chính ông Chân Quang đã chẳng phải là người Phật tử nữa rồi, vì ông bác bỏ hết giáo lý rốt ráo của Phật, vậy thì những người nghe ông ta giảng và tu học theo ông ta thì học cái gì của Phật giáo? Đã vậy thì không nên tranh cãi gì về ông Chân Quang nữa, vì rõ ràng ông ta không phải là người Phật tử chân chánh. Nếu cứ mang ra tranh cãi thì chỉ tạo cho chúng ta mất thời gian tu tập, thay vì trong thời gian tranh cãi vấn đề liên quan đến ông, thì chúng ta có thể dành thời gian đó niệm Phật, tọa thiền thì lợi ích hơn.

Hơn nữa, ông ta đã từng tuyên bố trong băng “Chuyện Bên Kia Thế Giới

… Những điều mà thầy giảng hay thầy mở ra khá mới mẻ, quý Phật tử có công nhận là những điều mà thầy nói là khá mới, có không đó?… Cái giáo pháp của thầy khá mới này không phải là do thầy học trong những kiếp trước mà lúc thầy sống, mà thầy học được lúc thầy ở trong cái thế giới vô hình, cũng vậy mà chính ở trong thế giới vô hình thầy đã hiểu được nhiều điều và thầy mang cái tâm nguyện đó trở lại để đem những điều hiểu biết đến mọi người, nên trong cái thế giới đó có nhiều điều và chân lý sáng tỏ hơn là cái thế giới của cõi người mình…

Vậy mà lại có người cho mình là Phật tử được sao? Lại bảo rằng mình đang tu học Phật Pháp? Cái gì là Phật Pháp? Có phải là những cái mới mẻ mà do ông Chân Quang học hỏi trong cái thế giới vô hình kia không?

Là người Phật tử chân chánh thì phải biết lắng nghe, khéo suy xét rồi áp dụng vào cuộc sống. Chớ chẳng phải hay biết một ai đụng chạm đến vị thầy, người mình ngưỡng mộ, hay đụng vào khuyết điểm mình rồi vãi lạch đạch như người thế tục, mù tịt Phật học, rồi tìm cách trả đủa thì có khác nào là người mù sờ voi đâu.

Phật tử chúng ta phải nên cố gắng lên, tinh tấn hơn thường nhật đến điểm chung của mọi người con Phật chân chánh mà đức Thế Tôn đã ân cần thuyết giảng trong suốt 49 năm trường. Những gì mình cảm thấy không họp với đạo, không hợp tình cũng không hợp lý thì chớ vội đi theo, mà phải thưa hỏi với các bậc tôn túc trong đạo, chia sẻ với bạn đồng tu cùng học, sử dụng ba món quí báu, Văn, Tư, Tu xem có đúng không, nếu như không hợp lý thì thôi, không theo, và tìm đến người thật có đạo hạnh để cùng học. Chớ nên bới long tìm vết, để rồi đem ra bàn luận cho thỏa thích cái miệng.

Người Phật tử phải tin Nhân Quả, ai trồng thì nấy hưởng, vậy thì còn để tâm chi đến những việc của những người xấu ác đang làm. Biết thì phải tránh xa họ đi, chớ đừng trồng sâu nhân duyên với họ, để rồi bị lôi cuốn theo vòng nghiệp báo trong sáu nẻo luân hồi cùng với họ.

Nếu như ai là người Phật tử chân chánh, nghĩa là biết lắng nghe, suy xét trước khi tin vào việc nào đó, tìm học đạo Phật để hướng đến sự giải thoát, hoặc tìm niềm an lạc trong cuộc sống trong tâm linh hằng ngày thì nên suy nghĩ lại những gì chúng tôi đã nói, trước khi tu học theo những gì mà do ông Chân Quang khám phá.

Còn nếu như ai chẳng phải là người tìm đường giải thoát, an lạc trong cuộc sống hằng ngày qua giáo lý của Phật Đà thì không cần phải theo hay suy ngẫm những gì chúng tôi nói.

Chánh hay tà, đúng hay sai hoàn toàn ở chính chúng ta, chớ không ngoài ai khác đâu. Nếu như chúng ta, giữ giới luật, chuyên tu theo những gì mà mình đã thọ, theo những giáo lý căn bản để tu học vững vàng, là chúng ta đang xây nền móng từ đất lên cao, thì làm sao có thể bị lung lay bởi những tà mị kia được.

Trái lại, nó chỉ ảnh hưởng bởi những người dụng công không thật, mơ mộng ảo huyền, muốn xây nền móng từ trên không thì hoàn toàn sẽ sụp đổ, một khi hội đủ duyên xấu ác.

Do đó, mà chúng ta thường nghe nói “Nhất thiết do tâm tạo, Vạn pháp quy tâm” cũng là nghĩa đó vậy.

Chúng tôi xin được trích dẫn những gì mà ông Chân Quang đã giảng mà có số người cho lối giảng đó là Phật Pháp, là hay, để cùng suy ngẫm xem có như những gì mà những người ngưỡng mộ (không có Văn, Tư, Tu của người Phật tử) đã nói không? Chúng tôi sẽ trích dẫn những lời giảng, trong những băng giảng, chống phá Phật giáo của ông, quý vị có thể tìm xuất xứ của băng để kiểm chứng. Những đoạn sau đây chúng tôi sẽ trích dẫn từ những băng giảng của ông Chân Quang, và phần thiển ý là của Thượng Tọa Thích Giác Quả.

Những lời tuyên bố của ông Chơn Quang:

1) Trong băng “Đạo Phật Và Các Vấn Đề Xã Hội” (số 8), thầy CQ. nói: “… Có nhiều cái đạo mà họ lường gạt, dụ dỗ, mà nếu nhà nước không chận ngay từ đầu, thì ảnh hưởng tới, tới người khác liền. Họ là loại tội phạm mà núp bóng tôn giáo, thì phải được chận ngay từ đầu….Còn những giáo phái nhỏ nhỏ bây giờ muốn nổi lên, muốn nổi lên, mấy cái đó mình phải quyết liệt trừ diệt. Tại vì sao? Thật sự thì chân lý không có nhiều như nãy chúng ta nói đó. Không có cái chân lý nào thêm mới nữa đâu, những điều đức Phật đã nói, nó là nền tảng quá đủ rồi…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. yêu cầu nhà nước hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và quyết liệt trừ diệt các giáo phái nhỏ.

– Thiển ý: Trong Kinh, Luật chỗ nào đức Phật cũng khuyên hàng đệ tử hãy quyết liệt đoạn trừ tham-sân-si của mình để được giải thoát, chứ không một lần nào Ngài khuyên trừ diệt giáo phái này, tôn giáo nọ. Vậy, tại sao thầy CQ. nói sai ý Phật để thính chúng hiểu lầm về đức Phật, về đạo Phật? Phải chăng vì “sứ mệnh” buộc thầy ấy phải nói như thế? Và, phải chăng thầy ấy là “cố vấn” cho nhà nước về mặt tôn giáo?

2) Trong băng “Triết Lý Âm Dương”, thầy CQ. nói: “Như có một lần thầy giảng trong cái bài quy y Tam Bảo, có ai nhớ cái ý nghĩa mà quy y Pháp làm sao không?… Pháp có nghĩa là chân lý, ban đầu thì có cái nghĩa là lời Phật dạy, nhưng về sau “những điều Ta biết như lá trong rừng, mà những điều Ta nói như nắm lá trong bàn tay”, nên có những điều là chân lý mà 45 năm thuyết pháp đức Phật vẫn chưa nói, có những điều là đúng, là lẽ phải, mặc dù nó có vẻ như chưa từng giống những gì trong Kinh Phật nói, mà hôm nay chúng ta trong cái tinh thần học Phật mới, trong cái tinh thần quy y Pháp rộng rãi, chúng ta phải biết áp dụng tất cả những gì là chân lý, là lẽ phải để nó bổ sung cho những lời dạy của đức Phật cách đây hơn 2500 năm, để chi? – Để cho chúng ta áp dụng trong đời sống tu hành của chính mình một cách hoàn chỉnh, tốt đẹp, cho nó đem lại hiệu quả hơn, hơn là trước”.

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, đức Phật thuyết pháp còn thiếu sót, giờ đây thầy bổ túc để giúp hàng Phật tử tu hành hoàn chỉnh tốt đẹp hơn.

– Thiển ý: Đem đối chiếu đoạn này với câu cuối “đoạn 1” trên (…không có cái chân lý nào thêm mới nữa đâu…) chứng tỏ tư tưởng của thầy CQ. bất nhất, mâu thuẫn. Bên cạnh, khi trích lời Phật, phải chăng thầy CQ. không hiểu ý Phật hay cố tình dùng lời Phật để phục vụ cho tư ý của mình? Phải chăng “tư ý ấy” chính là chân lý để thầy CQ. bổ túc cho đức Phật và chỉ dạy thêm cho Tứ chúng?

3) Trong băng “Giới Luật” (số 4), thầy CQ. nói: “… Trong đạo Phật có lý Âm Dương không? Có không? Có không? Trong đạo Phật có lý Âm Dương không? Có bao giờ? Có bao giờ quý sư cô nghe trong đạo Phật có lý Âm Dương chưa? Chưa, không, rõ ràng như vậy. Đâu có Kinh nào Phật nói về lý Âm Dương đâu? Vậy mà ở chùa tôi, tôi nói lý Âm Dương cho đệ tử tôi nghe…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. khẳng định rằng, xưa nay trong đạo Phật chưa có ai, chưa có chỗ nào nói về lý Âm Dương, bây giờ là lần đầu tiên thầy nói cho đệ tử của thầy tại chùa Phật Quang mà thôi.

– Thiển ý: Với tâm ý gì khi giảng Luật cho Ni chúng, thầy CQ. lại nói về Âm Dương, Nam- Nữ, Đực-Cái…? Phải chăng lý Âm Dương là chân  lý mà đức Phật chưa nói, bây giờ thầy CQ. nói để bổ túc cho đức Phật và dạy cho đệ tử thầy tu tập, để được hoàn chỉnh, tốt đẹp hơn? Với khẩu khí đó, phải chăng thầy CQ. là đệ tử của đức Phật?

4) Trong băng “Mới Và Cũ”, thầy CQ. nói: “… Khi nghe nói ba tháng nữa Phật sẽ nhập Niết bàn, ngài A-Nan chịu không nỗi mới thỉnh Phật trú thế lâu dài hơn ở thế gian, thì Phật có nói nhiều câu lắm, trong đó có câu này: “Những điều gì cần nói, Như Lai đã nói hết. Dù Như Lai có trú thế thêm nữa, thì vẫn không có ích lợi gì cho chúng sanh”. Đức Phật có nói câu đó. Là vì những điều gì cần phải dạy để cho người ta tu theo đạo Phật rồi chứng đạo, Ngài đã nói hết rồi. Bây giờ qua mấy ngàn năm, chúng ta nhìn lại câu nói đó, chúng ta mới thấy câu nói đó không mấy chính xác, không chính xác…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. khẳng định: Lời đức Phật dạy không còn chính xác nữa.

– Thiển ý: Thầy CQ. cho đức Phật nói không đúng, không chính xác. Vậy thầy ấy vẫn ở trong đạo Phật để làm gì? Xưa nay, các Thánh Tăng đệ tử của đức Phật, sao không có vị nào có cái thấy như thầy CQ.?

5) Trong băng “Người Xuất Gia”, thầy CQ. nói: “… Kinh điển đạo Phật đã bị thêm thắt vào rất nhiều, bị nguỵ tạo rất nhiều,… rất nhiều, rất nhiều mà tôi không muốn nêu đích danh, tôi nêu đích danh thì ở đây quý cô sửng sốt hết, tức là những bài Kinh mà nhiều khi quý cô tôn thờ, đang tụng hằng ngày, tới chừng hiểu ra thực sự không phải Phật thuyết… đây là điều rất khủng khiếp khi chúng ta biết được. Hồi xưa tôi cũng vậy, vì mình tin Kinh nào cũng Phật thuyết, cho đến khi thầy tôi bảo sự thật không phải như vậy. Tôi nghe sửng dửng, tôi choáng váng hết trơn, tôi tái mặt hết trơn… nó làm cho tôi bàng hoàng hết, nó là một sự thật quá phủ phàng đi… Bây giờ tôi nói một điều, nói nho nhỏ các cô đừng đi ra ngoài nói, như kinh Địa Tạng, quý cô nghĩ phải là Phật thuyết không?… Có những cái không có tác giả viết mà cứ gán cho là Phật thuyết, như kinh Địa Tạng, cứ nói Phật thuyết không. Nhưng vì nói được tội phước nên cái ý trong đó thì cũng hay, nên nhiều Kinh sau này họ soạn ra đó, không phải Phật thuyết nhưng mà ý cũng rất là hay chứ không phải không. Ví dụ bộ kinh Bát Nhã, tư tưởng rất là hay mà không phải Phật thuyết… Cả trong Nikàya, Nikàya là bộ Kinh nguyên thỉ nhất… vậy mà có nhiều bài cũng lọt vô không phải là Phật thuyết ở trỏng…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. huỷ báng Kinh điển cả Bắc tông lẫn Nam tông cho rằng, đa phần là nguỵ tạo.

– Thiển ý: Phần đầu đoạn trích dẫn thầy CQ. nói rằng, nếu biết sự thật các Kinh không phải Phật thuyết thì rất khủng khiếp, sửng sốt, choáng váng, tái mặt… như kinh Địa Tạng, bộ kinh Bát Nhã; phần sau thầy ấy lại nói: “ Nhiều Kinh sau này họ soạn ra đó… nhưng mà ý cũng rất là hay… tư tưởng rất là hay.” Với cách lập luận ấy, quý độc giả có hiểu thầy CQ., nói gì không? Phải chăng đây là trí tuệ siêu việt của thầy CQ.? Và với trí tuệ này thầy CQ. chê Phật, báng Pháp? – Thật ra, thầy CQ. đã huỷ báng Phật, bây giờ thầy ấy tiếp tục huỷ báng Pháp thì có gì lạ!

6) Trong băng “Vãng Sanh Tịnh Độ”, thầy CQ. nói: “Bây giờ nói đến pháp môn Tịnh độ bị hoài nghi, hôm nay là thời đại khoa học nên chuyện gì cũng được đem mổ xẻ phân tích, đúng sai, hợp lý hay không hợp lý đều bị đem ra nói hết,… Thứ nhất, theo các nhà sử học thì kinh A Di Đà xuất hiện sau Phật 600 năm và cái cõi Tây phương không có căn cứ, không biết chỗ nào hết… Thứ hai, có những người họ không có tín ngưỡng, hoặc là họ không phải là đạo Phật thì họ lại chủ trương rằng, họ không tin có thế giới Cực lạc và họ cho rằng cái việc chủ trương bỏ thế giới này để đi tìm về một thế giới khác là một thái độ tiêu cực… Cái thứ ba nữa mà người ta công kích Tịnh độ tông là thế này, theo Thiền tông Trung Hoa, thì ít có chấp nhận một cõi nào ngoài tâm…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. xác định: Kinh A Di Đà là nguỵ tạo, thế giới Cực lạc là không có thật.

– Thiển ý: Nếu thầy CQ. là một khoa học gia chân chính mà đem kiến thức ấy để thẩm định giá trị Phật pháp thì chỉ làm cho hàng thức giả thấy rõ hơn về trình độ giáo lý của thầy CQ. mà thôi. Làm sao đem cái kiến thức hữu hạn thế gian để thẩm định nguồn trí tuệ vô hạn xuất thế của chư Phật? Đằng này, trên sự thật, thầy CQ. luôn đưa ra những luận cứ vu vơ, bất nhất… như đầu óc của một anh chàng đang ở “viện tâm thần”. – Thật ra, khi thầy CQ. đã huỷ báng toàn bộ Kinh điển, bây giờ thầy ấy tìm cách huỷ báng Tịnh độ tông, thì cũng nằm trong nội dung và “kế hoạch” đó mà thôi.

7) Trong băng “Năm Ấm Giảng Giải” (số 3), thầy CQ. nói: “… Còn những cõi trời như cõi Đao lợi, Đâu suất… toàn là những cõi của các bậc Thánh, nên mình nói mình sanh về cõi A Di Đà, nhưng thực sự là cõi trời, tại vì trên đó chung quanh là Bồ Tát không, Bồ Tát Thánh nhân không… Nên dựng lên cái cõi A Di Đà mình tưởng là cõi Phật, thật sự nó cũng chỉ là một cõi trời…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, cõi Phật A Di Đà cũng chỉ là cõi trời.

– Thiển ý: Thiền sư Đại Viên bảo: “Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương”, thế mà Giảng sư CQ. “thích gì nói đó”, chẳng có cơ sở nào, dù giảng Đạo hay nói chuyện Đời. – Sự thật, cõi Đao lợi và Đâu suất là hai cõi thuộc “Lục dục thiên”; thế nên, hai cõi ấy đâu phải toàn là bậc Thánh? – Lại nữa, trong băng “Vãng Sanh Tịnh Độ”, thầy CQ. đã xác định rằng, cõi Cực lạc của Phật A Di Đà  là không có thật, nhưng ở đây thầy ấy lại nói: “Cõi A Di Đà cũng chỉ là một cõi trời”, là thế nào?

8) Trong băng “Triết Lý Về Lưỡi Gươm”, thầy CQ. nói: “… Giới không sát sanh là không sát hại người và các loài động vật, nhưng với muỗi và ruồi là các loài làm ô nhiễm môi sinh, bây giờ người Tàu có bán các loài vợt, các chùa cứ mua về vợt thoải mái… Quý vị Phật tử nghĩ sao! Các tướng tá cầm gươm ra trận như Trần Hưng Đạo, Quang Trung… chặt hàng ngàn đầu quân địch, vậy họ có tội không? Có tội không? Quý Phật tử hãy đứng trên giáo lý Nhân quả mà thầy đã dạy để trả lời. Có tội không? Có tội không?  – Họ có phước làm sao có tội! Ai nói có tội là tà kiến. Họ giết giặc để bảo vệ quê hương mà! Các tướng tá đó được phong Thánh, phong Thần mà! Nên các thành phố đều lấy tên họ để đặt tên đường mà!…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. cố tình bóp méo giáo lý Nhân quả, một trong các giáo lý căn bản do đức Phật chỉ dạy.

– Thiển ý: Có lẽ đây là lý Nhân quả đặc biệt của thầy CQ., còn sự thật lý Nhân quả do đức Phật dạy không phải như thế. Thật ra, đây không phải lần đầu tiên thầy CQ. cố tình bóp méo sự thật Nhân quả, mà năm 1997, khi xuất bản quyển “Luận Về Nhân Quả” thầy ấy đã làm việc ấy rồi.

Các băng giảng để huỷ báng Kinh điển (Pháp) của thầy CQ., chúng tôi hiện còn khá nhiều. Như trong băng “Giới Luật” thầy CQ. bác bỏ “Quán bất tịnh”, trong băng “Các Pháp Môn Tu Hành” thầy CQ. cho “Mật tông là đạo dâm đãng”, hoặc trong băng “Pháp Hoa Giảng Giải” thầy ấy lại “Luận về tình dục trong kinh Pháp Hoa”.v.v. Tuy vậy, với bốn đoạn trích dẫn trên cũng đủ để quý độc giả hiểu rõ thầy CQ. đã huỷ báng Pháp như thế nào rồi. Bây giờ, chúng tôi trích tiếp đoạn băng thầy CQ. huỷ báng Tăng.

9) Trong băng “Các Pháp Môn Tu” (số 4), thầy CQ. nói: “… Khi một người họ được nhảy một bước nhảy vọt đó, tâm tự nhiên bất ngờ đạt được một trạng thái thanh tịnh rỗng rang…rất là an lạc…thì người đó có cái cảm giác rằng: “À, cái tâm thanh tịnh này từ lâu rồi, không phải mới đây mới có.” Có trường hợp đó, có người đó có, nên họ buột miệng nói như thế này: “ Tâm ta từ xưa nay vốn thanh tịnh”. Nghe câu này ở đâu? Nghe câu này ở đâu? Nghe ở đâu? – Trong Pháp Bảo Đàn đó! Phải không? “Tâm ta bản lai thanh tịnh”, rất nhiều Thiền sư nói như vậy, cho nên đưa ra một cái lý thuyết là: “Nơi mình có một cái tâm bất sanh bất diệt.” Phải không? Nghĩa là mình bị ô nhiễm chứ cái tâm mình có sẵn thanh tịnh từ xưa, bây giờ chỉ tìm lại. Tại sao họ đưa ra lý thuyết đó? – Bởi vì, khi mà họ được cái tâm thanh tịnh đó, họ có cái cảm giác là cái tâm này nó đã thanh tịnh lâu rồi, từ lâu rồi. Đây chỉ là lối hiểu lầm. Tôi nói câu này là tôi đụng chạm hết khắp cả từ xưa tới giờ đó…Nên chúng ta gặp cái cảm giác, cái lý luận đó rất nhiều trong Thiền tông Trung Hoa, ngay cả Ngài Huệ Năng cũng lý luận như vậy, rất nhiều Thiền sư đều lý luận như vậy…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. xác định rằng, lời tuyên bố khi ngộ đạo của Tổ Huệ Năng nói riêng và chư Thiền sư nói chung là sai lầm.

– Thiển ý: Khế Kinh dạy rằng, thiền giới là một trong bốn phạm trù mà con người không thể tư duy nghĩ đến được. Nếu cố ý suy tìm thì có thể đi đến điên loạn (Tăng Chi I). Vậy, thầy CQ. lạm bàn đến cảnh giới thiền là loại người nào? – Thật ra, thầy CQ. phê phán các Thiền sư (Tăng) như thế cũng dễ hiểu, vì rằng, thầy ấy đã huỷ Phật, báng Pháp, bây giờ chê Tăng là để làm tròn “sứ mạng” “huỷ báng Tam Bảo” hay “huỷ báng Đạo Phật” của mình mà thôi.

10) Trong băng “Chuyện Bên Kia Thế Giới”, thầy CQ. nói: “… Những điều mà thầy giảng hay thầy mở ra khá mới mẻ, quý Phật tử có công nhận là những điều mà thầy nói là khá mới, có không đó?… Cái giáo pháp của thầy khá mới này không phải là do thầy học trong những kiếp trước mà lúc thầy sống, mà thầy học được lúc thầy ở trong cái thế giới vô hình, cũng vậy mà chính ở trong thế giới vô hình thầy đã hiểu được nhiều điều và thầy mang cái tâm nguyện đó trở lại để đem những điều hiểu biết đến mọi người, nên trong cái thế giới đó có nhiều điều và chân lý sáng tỏ hơn là cái thế giới của cõi người mình…

– Chủ ý đoạn văn: Thầy CQ. tuyên bố rằng, sở dĩ thầy giảng pháp mới mẻ như thế là nhờ học được chân lý từ thế giới vô hình.

– Thiển ý: Đúng thế, thầy CQ. từ cõi vô hình đến nên mới có cách thuyết pháp như vậy! Thế thì, phải chăng chân lý thầy CQ. học được là “Triết Lý Âm Dương”?, là “Tình Dục Trong Kinh Pháp Hoa”?, là “Sát Sanh Được Phước Báo”?, hay “Mật Tông Là Đạo Dâm Đảng”?, hoặc “Không Có Thế Giới Của Phật”?.v.v. Vậy, thầy CQ. đã chứng thiên nhãn thông chưa mà nói chuyện tiền kiếp? – Thật ra, đây chính là trò huyễn hoặc của thầy CQ. đặt ra để tự đề cao mình, đánh lừa người nhằm che dấu “sứ mạng” thực tế mà thầy ấy đang thực hiện mà thôi.

Tóm lại, mặc dù chúng tôi chưa trích đăng đầy đủ các bài giảng của thầy CQ., nhưng qua các dẫn chứng trên cũng vừa đủ để chúng ta nhận ra “kế hoạch phá hoại Đạo Phật” thâm độc của thầy ấy (mượn áo nhà tu, mượn giáo lý để phá hoại). (TT Thích Giác Quả)

Nguyện ánh quang minh của Phật đà tỏa sáng khắp mọi nơi, xua tan hết màn đen u tối của vô minh, ngưỡng cầu Già Lam Hộ Pháp tuỳ gia hộ cho chánh pháp được trường tồn, lợi ích chúng sanh.

Nam mô A Di Đà Phật!