Vấn Đề Niệm Phật Lưu Xá Lợi

Ban biên tập

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính thưa quý Phật tử,

Nhân vì gần đây chúng tôi nhận khá nhiều thư gởi đến hỏi về việc liên quan đến việc “Niệm Phật Lưu Xá Lợi”. Do vậy, chúng tôi không thể đáp trả lời từng mỗi cá nhân được, nay kính xin mượn lá thơ trả lời chung này gởi đến quí vị, rất mong quí vị hoan hỷ và thông cảm cho.

Về việc ” Niệm Phật Lưu Xá Lợi” đã được Thượng Tọa Thích Hải Quang của đạo tràng Pháp Hoa, Mật Tịnh song tu, thầy là người nối truyền tâm mạch của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1924-1992), là một cao tăng cận đại của Phật giáo nói chung, tông Tịnh Độ nói riêng. Sau cuốn sách của cư sĩ Tịnh Hải, với tên đề “Niệm Phật Lưu Xá Lợi” ấn tống vào nằm 2003, đã gây không biết bao sự thắc mắc từ người niệm Phật chân chánh chuyên tâm niệm Phật đới nghiệp vãng sanh, ngăn ngừa vọng niệm.

Cũng do nhân duyên này và theo lời thưa thỉnh của đại chúng, hầu hết là người tu theo Pháp môn Tịnh Độ, Thượng Tọa Thích Hải Quang đã biên soạn ra quyển Pháp Luận dưới nhan đề ” Thế Nào Là Xá Lợi?” ấn tống vào năm 2004.

Quyển sách chỉ bày từ ly từ tí, về pháp môn mầu nhiệm qua việc chuyên tâm trì niệm Phật để đới nghiệp Vãng Sanh hầu chấm dứt trôi lăn trong sáu đường luân hồi. Những ai khao khát tìm con đường giải thoát chân chánh và hết lòng tin tưởng vào đại nguyện lực để nương vào tha lực của đức Từ Phụ A Di Đà Phật, để được tiếp dẫn vãng sanh thì không thể không đọc qua bộ sách này.

Bộ sách này soạn ra từ những Kinh điển và lời dạy của chư tổ của tịnh độ tông, chỉ bày chánh kiến trên con đường tu niệm, và chỉ bày rõ ràng những cái tà mị được một số người tự xưng là người hoằng dương Pháp môn niệm Phật để giúp được nhiều người hưởng được lợi ích, nhưng thật tế là không phù hợp gì đến tông chỉ của tông tịnh Độ, hay liên quan gì đến những lời dạy ân cần của Đức Thích Ca Thế Tôn qua pháp môn niệm Phật đới nghiệp vãng sanh, cũng như chẳng có dính dáng gì đến đại thệ hải của Đức Từ Phụ A Di Đà Phật, phát nguyện độ sanh qua cách hết lòng tin tưởng và thành kính chuyên trì danh hiệu của Ngài để được vào đại thệ hải này mà được thoát khỏi vòng dây trói buộc của sanh tử trong lục đạo luân hồi.

Tất cả những thắc mắc hay nghi ngờ nào đều có thể tìm hiểu thông qua bộ sách quý giá này. Do đó, chúng tôi hy vọng quý Phật tử nên tìm đọc bộ sách này để được thêm chánh kiến để nương vào tha lực của lòng đại từ đại bi của Chư Phật mà được tiếp dẫn, không khéo nghe theo những lời chỉ dẫn từ những người dụng công ở đầu môi, tham danh, tham lợi, tham xá lợi mà đọa lạc, từ những tà sư, ác hữu.

Quý Phật tử phải hiểu cho rõ rằng, tại sao pháp môn niệm Phật được đức Phật ân cần phó chúc cũng như tự nói ra. Nếu hiểu được nguyên nhân chánh, mà Đức Thế Tôn đã ân cần giới thiệu thì người tu theo Pháp môn này không có gì phải thắc mắc hay nghi ngờ chi cả. Chúng ta hãy đọc lại đoạn cuối của Kinh Phật thuyết A Di Đà như sau:

“Xá-Lợi-Phất! Ðương tri ngã ư ngũ-trược ác thế, hành thử nan sự, đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, vị nhứt thiết thế-gian thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi thậm nan.

Xá Lợi Phất ! Nên biết ta ở trong đời ác năm trược, thực hành việc khó nầy, mà đắc được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, vì tất cả thế gian nói pháp khó tin nầy, đó là rất khó.”

Nghĩa là sao? Nghĩa là Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng, Ta ở thế giới Ta bà này ở cõi đời có năm ác trược tu hành để thành Phật là đã khó lắm rồi, huống chi lại ở giữa cái cõi đầy ác này mà nói ra pháp môn vi diệu (Pháp môn Niệm Phật), là một trong những Pháp môn mà tất cả thế gian khó tin này, thì lại càng khó hơn nữa.

Mọi người con Phật, nên phải nhớ cho thật kỷ đoạn kinh văn trên, không chỉ áp dụng cho những người tu theo pháp môn này mà bao quát hết những ai có lòng khinh phỉ đối với pháp môn này. Pháp môn mà chỉ có chư Phật mới thông hiểu hết được diệu dụng của nó, đối với hàng Thanh văn đại trí như Ngài Xá Lợi Lợi Phật khi nghe Phật nói về pháp môn này chỉ biết ngồi lặng thinh mà nghe Phật chỉ dạy, chớ không biết thưa hỏi như thế nào. Huống hồ gì đem những cái tư tưởng bệnh hoạn điên cuồng, đầy lòng tham của dục vọng thì làm sao mà có thể thấu rõ được mà lại chỉ trích, phỉ nhổ, và bịa đặt để làm tốn thương đến nguồn mạch lạc mà Đức Phật Thích Ca đã không ngần ngại gì với những hạng chúng sanh si mê trong cõi đời ác trược mà nói ra, vì Ngài biết rằng, trong cõi đời ác này chỉ có Pháp môn này là có thể đưa họ đến con đường giải thoát chân chánh và rốt ráo mà thôi.

Tông chỉ của tông Tịnh Độ là nương vào tha lực của Đức Phật A Di Đà để được tiếp dẫn vãng sanh để chấm dứt lẩn quẩn khổ đau trong lục đạo luân hồi, nói cách dễ hiểu nhất là Niệm Phật chỉ có hai mục đích chính mà thôi. Đó là:

Thứ nhất: Vì sợ sinh tử mà chuyên tâm niệm Phật để được giải thoát.

Thứ hai: Vì phát tâm đại Bồ Đề muốn sớm thành Phật để độ chúng sanh mà niệm Phật

Chúng ta tìm hết và đọc kinh sách của Phật giáo, thì đức từ phụ Thích Ca ân cần chỉ dạy pháp môn này cũng không ngoài hai mục đích trên.

Do đó, ngoại trừ những người niệm Phật với hai mục đích trên được xem là hợp tình hợp lý, hợp với bản nguyện của Phật Đà, ngoài ra đều là không hợp với tông chỉ của Tịnh Độ tông. Còn những người niệm Phật với tâm niệm lưu Xá Lợi đều là những người không hợp với tông chỉ của Tịnh Độ pháp Môn.

Người sợ sinh tử mà niệm Phật ân cần để cầu giải thoát, chính là người chân chánh có thể tự xưng mình là người tu theo Pháp môn niệm Phật.

Trong ba Kinh nói về bổn nguyện và thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, hoàn toàn vì lòng đại từ bi mà Phật Thích Ca muốn chúng sanh đều được giải thoát chân chánh qua pháp môn này. Vì trong cõi đời ác trược này, chúng sanh luôn bận bịu với tam độc, tham, sân, si, và hành động đó khi nhân đã thành thì được biết là Nghiệp. Chúng sanh tạo nhiều nghiệp chất chồng và kiên cố hơn núi Tu Di, thì làm sao có được sự giải thoát chân chánh, nhất là trong thời ” Tranh Đấu Kiên Cố” của mạt pháp hiện nay.

Duy chỉ có pháp môn niệm Phật là có thể giúp cho những chúng sanh nhiều tội lỗi và nghiệp báo đã gieo trồng từ vô số lượng kiếp trước và hiện tại, khiến họ ăn năn, sám hối, không tạo những nghiệp ác nữa mà nương vào tha lực đại nguyện của Phật A Di Đà để được tiếp dẫn vãng sanh, chấm dứt hết khổ đau trong vòng sinh tử.

Phong trào “Niệm Phật Lưu Xá Lợi” được một nhóm người từ Mỹ và Úc Châu chủ trương và phổ biến những hình ảnh, cũng như quay hình qua việc vãng sanh Lưu Xá Lợi của thân nhân. Đối với những người dụng công ở đầu môi, tìm trăng qua gương hâm mộ, lại phổ rộng ra để cho nhiều người cùng biết là thật vi diệu qua pháp môn niệm Phật lưu Xá Lợi, những người này tự nghĩ rằng, làm như vậy là hoằng dương Tịnh Độ, để có được nhiều người niệm Phật. Với lòng tốt đó, rất là đáng kính, nhưng không thể tán thán được. Vì sao? Vì họ không hiểu gì về chủ trương của Pháp môn niệm Phật cả, lại cũng chẳng có kiến thức gì về Xá Lợi, và làm sao có Xá Lợi v.v….Chưa nói thật giả trong những mẫu chuyện được một số người bịa đặt thổi phồng lên như những nhân vật được nói đến trong quyển “Niệm Phật Lưu Xá Lợi” (trừ ra ba vị là HT Thích Thiền Tâm, HT Thích Tuyên Hóa và Thiền Sư Hư Vân) mà Thượng tọa Thích Hải Quang có nói đến trong quyển “Thế Nào Là Xá Lợi?”

Cũng vì có quá nhiều người tự cho mình là đang tác Như Lai sự như thế, mà cõi đời này càng đi xa với chân lý (chánh pháp) của Phật Pháp.

Vậy xá lợi là gì? và làm sao có Xá Lợi? Xin trích từ quyển “Thế Nào Là Xá Lợi?” để quí Phật tử có chánh kiến hơn.

“Xá Lợi” chữ Phạn (Sanscrit) gọi là “Cari” hoặc là “Sarica”.

    Đây là phần “Linh cốt” của bậc giải thoát “Thánh Nhơn Đắc Đạo” di hậu lại (sau khi Ngài thị tịch (chết) và xác thân tứ đại của Ngài đã được thiêu hóa (trà tỳ) xong xuôi).

    Sở dĩ gọi “Linh Cốt” (xương linh) là vì muốn phân biệt giữa Xương của bậc Thánh-Nhơn Giải Thoát và Xương của các hàng phàm phu sanh tử bạt địa chúng sanh (nói riêng) và trong 3 cõi (nói chung).

    (Phụ Chú:

     Do nơi Ý vừa nêu trên, cho nên Xương của các hàng phàm phu sanh tử bạt địa thì không được gọi là “Linh Cố” hay “Xá lợi” chi cả, mà chỉ được gọi bằng “Cốt hôi” hoặc là “Hôi cốt”  mà thôi).

    “Xá Lợi” nầy là phần kết tinh (huân tu) lại của ba môn “Vô Lậu Học”Giới (Sila), Định (Samadhi), Huệ (Prajna) của một bậc thánh nhơn đắc đạo và giải thoát nằm trong hàng Tứ Thánh.

    A/- Sao gọi là “Giới” (Sila)?

    Đây tức là Giới ” Ba La Đề Mộc Xoa” (Pratimoksha) còn gọi là Giới “Biệt Giải Thoát” mà Phật đã chế ra cho các hàng Thích Tử (đệ tử tại gia và xuất gia của Phật) thọ trì tu tập.

    “Giới” có tánh cách làm cho 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý của người tu tập được hoàn toàn thanh tịnh và sạch sẽ, để phối hợp trở lại được với ” Thể Tánh Chơn Như”.

    Gồm có các loại:

    – Ngũ giới, Bát giới (dành cho Phật tử cư sĩ tại gia),

    – Thập Giới (Sadi xuất gia giới)

    – Tỳ Kheo Thanh Văn Giới – (Tăng 250 giới, Ni 348 giới),

    – Bồ Tát Giới (tại gia 28 giới, xuất gia 58 giới)

    Một bậc tu sĩ xuất gia tu hành theo Phật Pháp quyết định cần phải thọ trì các Phần Giới nầy, (gọi là “Tác thành giới thể) và bắt buộc phải:

    – Triệt để tuân hành theo các “Giới” đã Thọ đó suốt cả một đời tu.

    – Không được vi phạm vào các “Giới” đã Thọ (gọi tắt là “phạm giới”) dù chỉ là phạm giới nhỏ nhứt như “Đột Kiết La” đi chăng nữa.

    Bởi vì một khi đã “phạm giới” rồi (mà không chịu sám hối cho tiêu tội) thì kẻ ấy liền bị Mất Giới Thể, mà một khi “Giới Thể” đã “Mất” rồi thì (kẻ đó) không còn được gọi là “Người Xuất Gia” nữa, và đương nhiên là cũng chẳng thể nào tu đắc Thiền, đắc Định (tức là chứng đạo) được.

    Còn nếu như, bậc tu hành nào mà Giữ Được Trọn Vẹn Giới Thể, không bị một chút tỳ vết hay khuyết phạm nào (dù là nhỏ nhít) thì được gọi là bậc “Đắc Giới” (tức là chứng đạo).

    Người “Đắc Giới” nầy là Bậc “Thượng Nhơn” trong ba cõi, bởi vì Ngài đã chứng đạo được phần: Giới Phẩm Thanh Tịnh. Do vì đạt được “Giới Phẩm Thanh Tịnh” cho nên đương nhiên là Ngài: Thành Tựu Đầy Đủ Được Phần Giới Đức.

Sao gọi là Định: (Samâdhi hoặc là Samâtha hay Dhyana).

    “Định” đây tức là “Định Tâm“.

    Nghĩa là:

    “Tâm” không còn điên đảo, tán loạn… trước tất cả các (nội, ngoại) Nhân Duyên (như ngũ dục, Lục trần v.v…)

    Lại nữa, “Định” còn có thêm nhiều Nghĩa khác như là:

    – Thiền Định: (Thân tâm yên tịnh, tịch tỉnh).

    – Tỉnh lự: Dứt hết các thứ phân biệt điên đảo mê lầm (điên đảo vọng tưởng).

    – Tư duy:  Nhập Tâm vào trong “thâm nghĩa” của Đế Lý v.v…(tức là “thâm nhập” được vào trong mật nghĩa của Kinh).

    Vậy thì: Do Đâu Mà Thân, Tâm Được Định?  Chính là: -Do ở nơi giữ (Trí)  được các “Giới Phẩm” đã thọ không bị khuyết phạm – (tức là không bị phạmm giới, không mất giới thể).

    Cho nên: – Thân và Tâm được tịch tịnh (nói Thân thì phải biết là đã gồm luôn cả phần Khẩu trong đó – Vì miệng thuộc về Thân).

    Vì thế cho nên nếu nói:

    a/- “Thân Thanh Tịnh” tức là dừt trừ được 7 thứ lỗi: Đó là:

    – 3 lỗi của Thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm -gọi tắt là sát, đạo, dâm).

    – 4 lỗi của Miệng (nói láo, nói hung ác, nói thêu dệt, nói đôi chiều).

    b/- “Tâm Thanh Tịnh” tức là dứt trừ được 3 thứ lỗi: Đó là: Tham, Sân, Si

    Từ nơi Thân và Tâm được (cực kỳ) thanh tịnh – do Sự Trì Giới nầy – (tức là không bị “Phạm Giới”) – cho nên phát sanh ra “Định”. Chữ “Định” gọi cho đầy đủ là “Định Lực” (Định lực nầy thuộc về cảnh giới của “Thần Thông”).

    Tức là: Do nơi 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý được “Thanh Tịnh”, không còn bị điên đảo, tán loạn nữa, cho nên hai phần:

    – Tâm Viên (Tâm loạn động như con khỉ hằng luôn nhảy nhót),

    – Ý Mã (Ý chạy lung tung như con ngựa chẳng bao giờ chịu đứng yên).

Sao gọi là Huệ: (Prajnâ (Bát Nhã), hoặc là Djanâ (Xá na) hay Vibhâsàna (Tỳ-bà xá na).

    Do vì (đắc được) Định mà Phát sanh ra Huệ. Chữ Huệ nầy gọi cho đủ là Trí Huệ  (Prajnâ). Trí Huệ tức là phần Tỏ Sáng, bậc tu hành nào đắc được “Trí Huệ” thì gọi là: “Thành Tựu Phần Huệ Lực”. Đây là “Phần Đức Dụng Sáng Suốt”, của bậc Giải Thoát Thánh Nhơn.

    Người Đắc Huệ Lực nầy là bậc:

    a/- Thông Hiểu  và Tỏ Suốt được hai phần “Sự” và “Lý” (đó là phần Kiến (thấy biết) và Giải (chứng đắc) được “tỏ sáng” (tức là thấu triệt cùng chứng đắc thâm nghĩa của Kinh Văn đến tột mức, mầu nhiệm).

    b/- Dứt trừ được tất cả những thứ lầm lạc điên đảo và ngu muội (si mê).

    c/- Có được Sự Quyết Định Chính Xác và trừ diệt được hết các mối nghi ngờ. (Tức là: Tuỳ theo “Phẩm Bậc” và “Trí Huệ Tỏ Sáng” chứng đắc được Thấp hay Cao mà bậc Hành giả ấy sẽ:

    a/- Dứt được “Kiến Hoặc”, “Tư Hoặc”. (Hàng Thanh Văn Thánh Nhơn Tứ thánh quả)

    b/- Dứt được “Trần Sa Mạc”. (Bồ tát Thấp Tín).

    c/- Dứt được “Vô Minh Hoặc”. (Bồ tát đại sĩ Pháp thân từ các giai vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Nhất Sanh Bổ Xứ).

    Vì thế cho nên, nếu như phân tách chữ “Trí Huệ” nầy ra thì:

    a/- Phần “Trí” thuộc về “Nghĩa”. Tức là (Bậc thánh giả ấy):

“Xá Lợi” có được là hoàn toàn nhờ  vào sự dụng công chân chánh của ba môn “Vô lậu Học”.

Hòa thượng Tuyên Hóa cũng đã dạy, người (thật tu thật chứng) có Xá Lợi thì không phải là người tầm thường, Ngài cũng dạy người nghiêm trì giới luật, không có dục vọng thì mới có được Xá Lợi.

Vậy thì việc người có Xá lợi hay không có Xá Lợi, là Xá Lợi thật hay Xá Lợi giả “bịa đặt để thổi phòng, nếu không nói là phạm đại vọng ngữ, mà theo kinh điển thì rất dễ để được biết. Chúng ta hãy xem người đó có thật tu thật chứng không? Giới luật họ có nghiêm trì không? Họ còn tham, sân, si không? Tóm lại xét nhân quả có tương đồng không, nhân không nghiêm trì giới luật, lòng chưa hết tham, sân, si thì làm sao mà có Xá lợi cho được. Đó là nói đến những người xuất gia. Còn người tu hành tại gia thì sao? Cũng có thể có Xá lợi nhưng rất, rất là hiếm, vì người tại gia luôn bận bịu, vướng mắc vợ con, cháu v.v… tài sản, ruộng vườn v.v… thì làm sao có Xá lợi? Cũng vậy hãy xem nhân quả có tương đồng không.

Vậy mà có những người xem trời bằng vung, thổi phòng rằng, cư sĩ này, cư sĩ kia, sau khi được trợ niệm vãng sanh, thiêu đi thì để lại cả trăm, ngàn, ngàn viên Xá Lợi. Thật là hoang đường, những người này thật sự không biết hay giả ngây thơ đến tự kiêu tự đắc để lút sâu vào tội lỗi, thật là tội nghiệp.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi những hạng người này nên sớm cảnh tỉnh, ăn năn, sám hối và nhất tâm nhất ý chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật để cầu được vãng sanh để thoát khỏi nỗi đau khổ nhất của vòng sinh tử luân hồi. Hãy tránh đi với những tà sư, ác hữu là những người chuyên dụng công ở đầu môi chót lưỡi, biện luận cho vui, cho thỏa thích của bản ngã. Với những hàng người này, Hòa Thượng Thích Đức Niệm gọi là những người chưa tắm mà mặc đồ mới, uống rượu say sưa mà nói chuyện đạo. Thật là đáng thương.

Người niệm Phật chân chánh, thì chẳng bao giờ quan tâm đến việc niệm Phật để Lưu Xá Lợi. Duy chỉ có lòng khao khát sự giải thoát chân chánh mà hết lòng chí thành niệm Phật để cầu được vãng sanh. Hãy nghiêm trì giới luật đi, nhất tâm niệm Phật đi, lo gì mà không có Xá Lợi, mà bận tâm vô ích. Người thật có công phu thì có Xá lợi rất bình thường, chú tâm chi đến những vọng niệm như thế. Giải thoát sinh tử mới thật sự là việc quan trọng.

Không những có người dám bịa đặt ra Xá Lợi giả, sau cuộc phẩu thuật của phầm mềm độc đáo “Photoshop” cho những cốt hôi kia biết phóng quang, và chiếu sáng v.v…, mà họ còn bạo gan bịa đặt ra những mẫu chuyện vãng sanh giả nữa chứ.

Pháp môn niệm Phật là một trong những Pháp môn diệu dụng nhất, có năng lực nhổ sạch tận gốc rễ sanh tử của chúng sanh trong niệm Phật, thành kính tha thiết, chí thành, chánh tín qua mười Niệm Phật hiệu thì cũng được vãng sanh.

Việc niệm Phật vãng sanh là một việc không còn gì để nghi ngờ nữa, Kinh Điển cũng như chư tổ sư và những người thật tu thật có công phu đều để lại chứng tích cho người đời sau để làm chứng tín để sớm tha thiết, chí thành, Tín nguyện Hạnh tròn đầy thì đều được vãng sanh, không kể người đó là ai, thiện, ác (đã biết lỗi và không tạo nghiệp ác nữa) cho đến loài súc sinh cũng đều được tiếp độ.

Cũng vậy, muốn biết người đó có được vãng sanh hay không thì phải xem, nhân quả của họ đã trồng, Họ có chánh tín không? Họ có thành tâm niệm Phật không? (Hiện tại có một số người niệm Phật để phô trương, để được ca tụng chớ không phải với lòng thành là niệm Phật để được vãng sanh, họ bảo “tôi niệm Phật 20 vạn lần một ngày lần đó v.v…) Họ có tha thiết cầu vãng sanh không? Họ còn tham đắm không? Họ có sợ chết không? Họ có sửa đổi không?, thì có thể biết là họ có được vãng sanh hay không vãng sanh?

Lại có số người không làm việc thiện, sát sanh hại vật, không giữ uy nghi, đầy rẫy tội lỗi, khi lâm chung thỉnh mời người trợ niệm để được vãng sanh? Cũng có một vài điềm lành, như thân mềm mại, sắc mặt tươi đẹp v.v… rồi cho đó là được vãng sanh?

Người Phật tử nào nếu muốn được thoát luân hồi, được tiếp dẫn từ ánh diệu quang minh của chư Phật, Bồ tát thì phải sớm, ngăn ngừa những tội lỗi, tinh tấn làm những việc thiện, chuyên trì niệm danh hiệu của Phật như đang ở trong hầm hố lửa kêu gọi mẹ hiền đến cứu độ, hội đủ Tín, Hạnh, Nguyện như vậy, chắc chắn sẽ được vãng sanh.

Người không làm việc thiện, trái lại gây khổ đau đến người và vật, rồi đợi lâm chung để được trợ niệm thật là muộn màn, nếu như may mắn được gặp cao tăng thạc đức, hay thiện tri thức thật tu thật chứng, có công phu thì việc hộ niệm mới mong thành?

Còn đối với người chuyên dụng công ở đầu môi, trao chuốt ở ngọn mà bỏ quên gốc rễ thì nếu may mắn có phần nhân duyên hội tựu thì cũng nhờ vào công đức Niệm Phật, tụng Kinh mà được sanh lên cõi trời hưởng phước báu hay sanh trở lại cõi người, rồi cho là đã được vãng sanh.

Cho nên người vì thoát luân hồi hãy chí thành, chí tín mà dụng công đi, hãy niệm Phật tha thiết với nguyện lực của mình là sẽ được đức đại từ đại bi thương mà tiếp độ cho. hãy tránh xa những người chuyên dụng công ở ngoài da, nếu không quí vị sẽ bị họ cuốn hút theo vòng hắc phong mà thôi, chớ để quá muộn màn.

Với việc thắc mắc của quý Phật tử là “Làm Sao Biết Người Chuyên Tâm Niệm Phật Được Vãng Sanh”. Theo như chứng tích của cổ đức để lại thì người chuyên tâm niệm Phật, được vãng sanh đều biết trước ngày chết của mình. Do vậy, những ai biết trước ngày mình sẽ vãng sanh thì biết rằng người đó đều là những người được đức từ phụ A Di Đà Phật và Thánh Chúng tiếp dẫn.

Đối với những người sống với nghề sát sinh như Trương Chung Húc và Trương Thiện Hòa cũng được tiếp dẫn, một khi quay đầu, nhất tâm niệm Phật. Câu chuyện như sau:

Trương Chung Húc, người nhà Ðường, sống nghề làm thịt gà. Khi sắp chết, thấy người lùa bầy gà đến hô: Mổ! Mổ! Bầy gà xúm mổ Húc, mặt, mắt đều chảy máu ròng ròng, đau không chịu nổi. Sa môn Hoằng Ðạo hay tin bèn đến trương tượng Phật, khuyên Húc niệm Phật. Ðược một lát bỗng có mùi hương lạ, thơm ngát cả nhà, bầy gà biến mất, máu hết chảy, ông Húc đoan tọa mà mất.

Trương Thiện Hòa cũng người nhà Ðường, làm nghề giết bò. Lúc bệnh ngặt, thấy vài mươi con bò đến nói tiếng người rằng: “Mầy giết chúng tao, phải đền mạng!”.

Ông Hòa hối vợ thỉnh sư tăng. Sư tăng bảo:

“Trong Quán Kinh nói: “Nếu chúng sanh nào gây tạo ác nghiệp, đáng đọa vào ác đạo, mà chí tâm xưng niệm A-di-đà Phật đủ 10 niệm thời tiêu tội, được vãng sanh Cực lạc thế giới”.

Ông Hòa nói: “Lửa địa ngục đến rồi, không thể chờ lư hương được!”. Ông liền tay tả cầm lửa, tay hữu cầm hương, hướng về Tây phương to tiếng niệm Phật. Chưa đầy 10 hơi, ông bỗng nói: “Phật đã đến trao cho tôi tòa sen báu”. Dứt lời liền tắt hơi.

Do đó, người tha thiết muốn được vãng sanh qua pháp môn niệm Phật hãy tinh tấn lên, hãy vì sanh tử mà trì danh hiệu của Phật thì chắc chắn rằng sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, đây là bản nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà Phật, chớ có nên nghi ngờ hay sanh tâm gì. Niệm Phật với hết lòng thành mong được giải thoát mà thôi. Phải nhớ cho thật kỷ rằng, nghiệp là nghiệp của quá khứ, chứ không phải nghiệp từ vị lai. Nghĩa là những nghiệp ác đã tạo thì thề nguyện sẽ không làm nữa, mà chỉ chuyên tâm làm các việc thiện ở hiện tại (bắt đầu tu) và tương lai. Như vậy mới được gọi là Đới Nghiệp Vãng Sanh.

“Hãy Tinh Tấn Lên Để Giải Thoát”.

Chúc quý Phật tử, tinh tấn trên con đường tu tập để hướng đến quả giải thoát ở tương lai.

Nam mô A Di Đà Phật

buddha symbol