Vấn Đề Chờ Tuổi Già Rồi Niệm Phật Cầu Vãng Sanh Được Chăng

 

Ðôi lời….Gần đây, nhân có vài ba đạo-hữu và Phật-tử đến thăm. Trong phần luận-đàm về đạo-lý, quí-vị ấy có than-thở cùng với tôi rằng:

Ðọc kinh thì cũng ái-mộ, nghe lời Phật dạy tâm cũng thấy mát-mẻ, nhẹ-nhàng, lại thấy các gương vãng-sanh Tịnh-độ của những bậc cổ-đức, tiên-hiền, tấm lòng muốn đi tu dường như thúc-dục, nhưng rồi quay lại nhìn vợ yếu cùng đám con khờ, đứa thì ngây-thơ bé-bỏng, đứa chất-phát thiệt-thà, vô-tư quấn-quít, tự nhiên lòng thấy yếu-mềm đi, nghĩ mình đi tu rồi bỏ lại vợ dại, con thơ biết lấy ai cậy nhờ an-ủi, ắt sẽ cùng ôm nhau sùi-sụt khóc-thương, đêm ngày kêu anh ơi, ba hỡi … Hốt-nhiên lòng dâng lên một niềm thương-cảm, nước mắt rớt xuống hồi nào mà không hay !!! Tôi nghĩ có lẽ trọn đời tôi rất khó mà đi tu được.  Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy buồn cho mình nghiệp sâu, chướng nặng mà tủi-thân, mong một ngày nào đó gần đây, khi các con khôn lớn hết rồi, chừng ấy tôi sẽ đi tu….

Lại có một đạo-hữu khác nói rằng:
Tôi thấy trong kinh dạy pháp-môn Tịnh-độ tu không khó lắm, nghiệp dù nặng cho thế mấy đi nữa nhưng lâm-chung chỉ cần niệm khoảng chừng mười câu Phật hiệu cũng được vãng-sanh… Tôi định đợi chừng già-già một chút nữa,  các con lớn khôn, lập gia-đình hết rồi, hoặc là khi thấy mình ốm đau, gần chết, lúc đó sẽ cố-gắng niệm chừng vài trăm câu Phật hiệu để cầu mong đức A-DI-ÐÀ Thế-tôn đến tiếp dẫn, Thầy nghĩ xem ước có nên chăng ?!
….Và còn có thêm một số các câu hỏi khác nữa, đại loại cũng giống như vậy.

Trước đây, tôi cũng đã từng có giải-đáp một số các câu hỏi tương-tự như thế nầy rồi, nhưng nay cũng vẫn còn nghe thấy và nhận được thêm các câu hỏi cùng loại (như vừa nêu trên), nên qua cương-vị của một người tăng-sĩ hoằng-truyền Phật-pháp, tôi xin mạn phép ghi lên đây đôi lời bày-tỏ để gởi chung đến cho các hàng Phật tử gần xa. Nếu như có vị nào còn các ý-tưởng tương-tợ như thế, sẽ nhơn đây mà rộng hiểu hơn, ngỏ-hầu tự tạo cho mình một ý-niệm rõ-ràng và kiên-quyết thêm trên bước đường lập tâm tu học.

Nam mô A-Di-Ðà Phật.

Trong kinh có dạy :

Ngày tháng qua mau,
Vô thường không đợi.
Kiếp người ngắn ngủi,
Biển nghiệp mênh-mang…

1. Sao gọi là NGÀY THÁNG QUA MAU ?

Ðiều nầy thế-nhân ai là người không thấu rõ ?

Nay cứ lấy thân ta đây mà làm thí dụ.

Xin hãy hồi tưởng lại thuở nào ta còn thơ dại, quanh-quẩn bên gối mẹ cha, kế đến dần-dần lớn khôn hơn lên…. song-thân dẫn đến trường để học vỡ-lòng đôi chữ ê-a, mỗi ngày vui-đùa trong cuộc sống vô-tư, nhìn đời với đôi mắt nai tơ, ngơ-ngác, tâm không vương-vấn lấy một chút muộn phiền qua những tiếng cười chứa vạn niềm vui khi tung tăng chạy đùa theo đàn bướm lượn bay, hay đưa tay hái lấy một vài ba bông hoa dại ở bên đường trong bóng tím của hoàng-hôn sắp tắt…

Ðời thơ-ngây ấy có khác chi một dòng nước hiền-hòa, êm trôi trong trầm-lắng.
Ngày tháng âm-thầm qua mau, tạo ra không biết bao nhiêu là chuyển-biến, đổi thay và bể-dâu trong cuộc sống.

Ðến khi khôn lớn…

Biệt mái trường xưa, giã-từ bạn-bè và những thời vô-tư ngày cũ, dấn thân vào chốn trường đời…

Ðến chừng ấy ắt sẽ đón nhận biết bao nhiêu nỗi cay-đắng, dập-dồn, mỗi ngày càng thêm tiếp nối… hết sầu đến thảm, hết khổ lại vui… các việc như thế xảy ra cho cuộc đời ta, biết kể sao cho xiết !

Rồi đến một ngày nào đó, chừng khi rỗi-rảnh, soi gương nhìn lại, thì những nét thơ-ngây, vui tươi ngày xưa, nay còn đâu nữa, mà chỉ thấy thay-thế vào đó là một gương mặt mới, dầy-dạn gió mưa, lẫn với bao nhiêu nét phong-trần và tuyết sương đã ít nhiều điểm-pha trên mái tóc xanh của thời thơ-ấu cũ.

Trước cảnh thời-gian tàn-nhẫn, vô-tình và các sự đổi thay nơi bản-thân như thế, nếu là người biết suy-nghĩ sâu-xa, hỏi ai mà chẳng thấy chạnh-lòng cho cái kiếp phù-sinh mong-manh, ngắn-ngủi.

Cho nên “thời gian qua mau”, ôi, mấy chữ tuy đơn-giản như thế mà nó hàm-ẩn biết bao nhiêu thay-đổi, kinh lòng !

2. Sao gọi là VÔ-THƯỜNG KHÔNG ĐỢI?

Tiếp theo ý “ngày tháng qua mau” ở trên, nơi đây ta hãy bàn đến câu “VÔ-THƯỜNG KHÔNG ÐỢI”.

a. SAO GỌI  LÀ VÔ-THƯỜNG ?

Chính nghĩa là “không thường còn mãi” vậy.

Kinh dạy :

Bất cứ một vật-thể nào ở trên thế-gian nầy cũng không sao thoát khỏi được bốn thứ “định luật vô-thường” cố-định của tạo-hóa là THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG (SANH, TRỤ, DỊ, DIỆT) cả.

b. THẾ NÀO GỌI LÀ THÀNH ?

THÀNH tức là tình-trạng khởi đầu của một vật-thể (PHÁP). Ví-dụ như thân của ta đây, khi tinh huyết cha-mẹ ngưng-đọng lại kết thành ra hình-tướng, thì cái tướng-dạng đầu-tiên đó được gọi là THÀNH.

Lại như cái áo mới may, lúc các mảnh vải đầu tiên ghép lại thì gọi là THÀNH.

Cho nên THÀNH đây tức là sự bắt đầu lúc mới ban-sơ, từ nơi khởi-thủy. Trên thế-gian nầy nói riêng và khắp mười phương nói chung, không có nhất một tướng-trạng nào mà lại chẳng khởi đầu bằng sự THÀNH ấy cả.

c. THẾ NÀO GỌI LÀ TRỤ ?

TRỤ tức là tồn-tại ở trên cõi đời trong một thời-gian hoặc lâu, hay mau, vv… nào đó. Nếu gọi là “trụ lâu dài” (trường trụ) thì có thể đến ngàn, vạn, triệu, tỷ năm hay hơn nữa cũng chưa biết chừng. Nếu gọi là trụ ngắn (đoản trụ) thì từ trăm năm cho xuống đến vài ba chục, năm bảy năm, vv….hay như kiếp phù-du (vừa thấy đó thời liền mất đó), hoặc mau hơn nữa là “một thoáng mong-manh” (hơi thở nhẹ).

d. THẾ NÀO GỌI LÀ HOẠI ?

HOẠI tức là không còn giữ được hình-dạng nguyên-thủy ban đầu nữa, mà thay vào đó là một sự hư-hao, mỏi-mòn, và tàn-tạ theo ngày tháng dần qua. Như một bông hoa vừa chớm-nở ban-mai với sắc màu đẹp tươi rực-rỡ… chiều đến bị mưa gió phủ-phàng làm cho tàn-tạ sắc-hương..Ví như chiếc áo mới ngày nào, giờ đây đã trở thành cũ hư, rách nát vậy.

Cứ lấy thân ta đây mà làm thí-dụ cụ-thể nhất.

Chẳng hạn như :
Mới ngày nào hãy còn đầu xanh, tuổi trẻ, dung-sắc đẹp-tươi, ước-vọng cao-xa, chí nhìn muôn dặm. Giờ đây khi giật mình nhìn lại thì chân mỏi, gối dùn, sắc-hương tàn-tạ, má hóp, da nhăn… Ôi ! còn đâu là những giấc mơ-hoa của thời xa-xưa cũ. Chừng đó mới ngậm-ngùi mà than câu :

“Xuân bất tái lai”
(tuổi trẻ không bao giờ trở lại) thì đã muộn rồi !

Bởi mấy ai kéo được thời-gian, để tìm lại tuổi xuân cùng những thời thơ ấu cũ !

Có câu rằng :
Hương-sắc dường xuân mộng,
Tài-hoa tựa bóng mây.
Soi gương bừng tỉnh giấc,
Ðời thôi hết còn mong.
Xuân qua không trở lại,
Trẻ thơ mấy lúc già.
Cúi đầu sa nước mắt,
Vương-bá hết chờ trông…

e. THẾ NÀO GỌI LÀ KHÔNG ?

KHÔNG tức là chẳng còn chi nữa hết, dứt tuyệt hẳn duyên-trần, thân tan về cát-bụi, hơi hoàn trả gió đông !

Ðây là giai-đoạn chót cùng của đời người, Thiệt vô cùng ghê sợ.

Nhưng dù không thích hay hãi-hùng cho thế mấy đi nữa, tự cổ chí kim hỏi ai là người tránh được? Chớ nói chi thân ta đến lúc KHÔNG làm gì, mà ngay khi còn tại thế đây, mỗi khi nhìn thấy thân của người khác quy về nơi KHÔNG (chết) ta cũng đã cảm thấy hãi-hùng, lo-sợ!

Cho nên hể phàm làm người có trí-huệ ắt phải luôn nghĩ đến bốn sự THÀNH, TRỤ, HOẠI, KHÔNG nầy mà phát-tâm chán lìa, rồi y theo lời Phật dạy mà tuần-tự và tùy theo bổn-phận lần-lượt tu-hành hầu lo dự-bị sẵn tư-lương (công-đức) cho ngày 30 tháng chạp của đời mình trong mai hậu.

3. Thế nào gọi là MẠNG NGƯỜI NGẮN-NGỦI ?

Sách có câu rằng: “Nhơn sanh thất thập cổ lai hy…”
Nghĩa là: Người sống ở đời đến bảy mươi tuổi cũng gọi là hiếm-có (hy-hữu) lắm rồi.

Nhưng nếu cứ bình-tâm xét lại, thử hỏi trên cõi thế-gian nầy có được bao nhiêu người hưởng trọn-vẹn số tuổi bảy mươi kia ? Hằng ngày, tháng, năm…trôi qua trước mắt ta, biết bao nhiêu là cuộc đời ngắn-ngủi, đến mức não lòng !

Xin kể ra đây vài ba ví-dụ chẳng hạn như :
Có kẻ vừa mới tượng-hình thời đã chết trong thai mẹ (ngắn-ngủi đến mức chưa rõ được mặt mày)
Có kẻ vừa mới chào đời đã vội lìa nhân thế sau khi để lại cõi trần vài ba tiếng khóc bi-ai, hay giã-từ thế-gian sau năm ba ngày, đôi bảy tháng kế tiếp…
Có kẻ lìa xa dương-cảnh trong lứa tuổi đôi mươi, yêu-đời và tràn đầy nhựa sống, hay vợ chồng đang độ nồng-mặn, yêu-thương lại phải nửa đường “cang-thường gãy gánh”, gây biết bao thương-xót, đau buồn cho những người thân yêu còn lại…
Ngần ấy và còn bao nhiêu sự vô-thường, ngắn-ngủi khác nữa kể sao cho xiết!

Thời-gian dần qua, vật đổi sao dời…

Trên cõi trần-lụy khổ-đau nầy, hỏi có chi là còn tồn-tại mãi đâu !

Sách xưa đã từng ghi lại biết bao nhiêu kẻ đế, bá, công, hầu, đồ-vương, khanh-tướng, giai-nhân tuyệt-thế, mỹ-nữ phòng khuê… nhưng thử hỏi có mãi còn tồn-tại, hay là trước sau gì rồi cũng chỉ còn trơ lại một nắm xương tàn trong huyệt lạnh âm-u ?

Câu “Mạng người ngắn-ngủi” ở đây chính là như vậy !

4. BIỂN NGHIỆP MÊNH-MANG là thế nào?

Trong cuộc sống của mình, ai lại không ít, nhiều gây ra nghiệp-tội, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc biết, hoặc không biết, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hay là thấy người khác làm mà sanh lòng vui theo (tán trợ)… Có ai dám tự-hào rằng mình là người không tội ?

Ðến khi thân-xác hoàn không rồi, chừng đó thần-thức sẽ theo các nhân xấu-ác gây-tạo lúc sanh-tiền mà trầm-luân vào trong biển nghiệp, biết trôi-dạt về đâu trong sáu nẻo luân-hồi và 84,000 con đường đầu thai, chuyển-kiếp !

Cho nên gọi “biển nghiệp mênh mang” chính là như vậy.

Tóm-lại, cái VÔ THƯỜNG không đợi, BIỂN-NGHIỆP mênh-mang kia, tuy mới nghe qua thì đơn-sơ dường như không có gì đáng để cho người đời (vô-tâm) lưu-ý cả, ấy thế mà nó hàm-chứa trong đó biết bao nhiêu là biển-dâu thay-đổi…

Ngày tháng trôi qua, tuế-nguyệt hao-mòn, có chi gọi là tồn-tại mãi đâu !

Là người Phật-tử học hiểu đạo-pháp, ta há không nghĩ đến những sự “vô-thường không đợi” nầy mà sớm phát nguyện-tâm tu-tập hay sao ? Còn đợi cho đến bao giờ ?

Nếu như nói rằng :
“Ðợi cho các con khôn lớn, thành nhân, hay lập gia-đình xong hết rồi sẽ lo tu sau, cũng chưa muộn lắm” !

Người thức-giả không nên nói ra câu ấy.
Tại Sao ?

Bởi vì :
Qua các ý vừa mới nêu trên, há chẳng thấy cái “VÔ-THƯỜNG không đợi” nó đáng sợ như thế nào ư mà còn so tính, đợi chờ. Ai dám bảo-đảm rằng ngày mai mình sẽ ra sao, mạnh hay đau, còn hay mất. Chớ nên bao giờ nói rằng chờ lo an-bài cho các con xong hết rồi, sẽ tính đến việc tu-hành….

Phải biết quỷ vô-thường kia không hẹn, Diêm-lão nọ chẳng nể-tình. E các con “lo chưa xong chi hết mà thân mình đã quy về nơi cát bụi trước rồi.”

Há chẳng thấy câu: “Lá xanh còn tại, lá vàng đã rơi!” sao ?

Chừng đó mới tính thế nào ?

Tổ-sư có dạy rằng :
Nhứt nhựt vô-thường đáo,
Phương tri mộng lý nhơn.
Vạn ban tương bất khứ,
Duy hữu nghiệp tùy thân.

Nghĩa là :
Ngày kia vô-thường đến,
Mới biết mình trong mơ.
Muôn việc đều bỏ lại,
Chỉ có nghiệp theo mình.

Vã lại việc “tu-hành” có rất nhiều đường lối, phương-cách khác nhau, chớ đâu phải “tu” chỉ có một ý-nghĩa duy-nhất là cạo tóc vào chùa, đoạn hết trần-duyên, lìa thân cắt ái…không thôi đâu ! Ví như có kẻ ở tại-gia mà biết làm lành, lánh dữ, bố-thí, phóng-sanh, ăn chay, niệm-Phật, lòng từ-bi thương-xót cứu giúp người đơn quả, kẻ nghèo-hèn, khuyên nhắc người hành-thiện… ấy cũng gọi là đã tu rồi vậy.

Há phải chỉ có đầu tròn, áo vuông không đâu mà lo-sợ và suy-nghĩ, hẹn-hò.

Có câu rằng :
Dần dà tính thiệt, so hơn,
Tuổi xanh qua mất để hờn về sau…

Nếu như cứ mãi tính-toán, so-đo, hơn thiệt hoài, đến chừng già-nua, lụm-cụm, sức khỏe mõi-mòn rồi, dù cho tâm có được thức-tỉnh, muốn đi tu e cũng đã muộn-màng rồi vậy.

Ngài Hoằng-Nhứt luật-sư (là một vị Tổ đắc-đạo) có dạy hai câu kệ rằng :

Việc đời muốn dứt thời liền dứt,
Xong đến bao giờ việc mới xong.

Như nếu quyết-chí, tu-hành, muốn bỏ duyên đời thì dứt ngay đi, phải can-đảm chặt đứt liền các sự so-đo, tính-toán hơn thiệt, giống như dùng kiếm Thái-A trảm một nhát thì muôn việc đều xong. Chớ còn hẹn-hò, hay chờ xong việc thì dầu cho đến phút cuối cùng, nằm trên giường bệnh, nhắm mắt chờ chết, e công việc cũng còn chưa xong được thay, há nói chi đến “chờ xong hết”, trước lúc tuổi già.

Còn lại nói rằng chờ cho đến lúc “già-già” hơn một chút, hay tới phút gần lâm-chung mới chịu niệm vài ba trăm câu Phật hiệu để cầu-xin tiếp-dẫn… Thương thay cho câu nói sai-lầm ấy.

Tại sao vậy ?
Bởi vì lời nói đó rất là sai trái, tác-động và hậu-quả của nó chẳng những gây tổn-hại cho chính mình không thôi mà lại còn di-lụy đến các hàng tăng, tục, nam, nữ ở trong đời (hiện tại và về sau) nữa.

Xem kinh, phải dùng trí-huệ mà nghiền-ngẫm, suy-nghĩ đến cái nghĩa-lý sâu-xa ở trong đó mới được, bởi vì lời kinh của Phật thuyết ra có đến vô-lượng nghĩa-lý, tùy theo căn-cơ và trình-độ mà mỗi người đều có sự thấy biết sai-biệt khác nhau, tuyệt-đối chớ nên chấp theo văn-từ và thông nghĩa mà thành ra một lần lầm, ngàn muôn lần lẫn.

Kinh văn nói không sai, nhưng trong ấy còn có tàng-ẩn nhiều mật-ý sâu-xa mà chỉ người trí-huệ cùng các bậc tri-thức hiểu đạo mới rõ-thấu được mà thôi. (Người tu-học Phật-pháp bắt-buộc phải nên nhớ kỹ điều nầy trong bước đường tu-tập của mình.)

Nên biết rằng kẻ phàm-phu nghịch-ác (ít nhiều) như chúng-ta đây, khi lâm-chung mà còn nhớ biết niệm Phật được là do nơi kiếp trước đã có gây-tạo nhân-lành Tịnh-độ cùng gieo-kết Phật duyên sâu-xa, cho nên trong phút tối-hậu của cuộc đời nầy mới gặp được bậc thiện tri-thức (thầy hay, bạn tốt) chỉ bảo, dẫn-dắt niệm Phật như thế. Việc nầy họa-hoằn lắm là trong muôn triệu người may ra mới có được một hoặc hai trường-hợp mà thôi.

Trong quyển “QUẦN-NGHI LUẬN” là cuốn sách giải-đáp các điều nghi-hoặc của đại-chúng dạy rằng :
Có mười hạng người khi lâm-chung không được nghe danh-hiệu Phật cùng niệm-Phật danh.

Thế nào Mười hạng người đó ?

Chính là các kẻ sau đây :
Không gặp bạn lành nên không người khuyên niệm-Phật.
Ðau bịnh, nghiệp chướng hành-hạ thân-xác thống-khổ, nên tâm không an-ổn niệm-Phật.
Trúng phong bất ngữ (câm) nói không ra tiếng.
Cuồng-tâm, loạn-trí, mất sự sáng-suốt.
Bị tai-nạn nước lửa chết bất-cập.
Bị độc-xà, ác-thú vồ bắt ăn thịt thình-lình.
Bị bạn ác phá-hoại làm cho mất hẳn lòng tin.
Bị hôn-mê mãi cho đến khi chết.
Chết thình-lình giữa quân trận.
Từ nơi chỗ cao té xuống mà chết.

Các việc vừa kể trên đây, bất luận là tăng hay tục, đạo hay đời, nơi đâu mà không thường gặp phải. Ðó là do nơi túc-nghiệp (nghiệp-duyên đời trước) chiêu-cảm, bổng-nhiên xảy ra, không kịp, không ngờ để mà trốn-tránh.

Nếu như chẳng may bị gặp phải một trong mười việc trên đây, thì thử hỏi trong lúc thiếu duyên-lành hay bất-cập đó, trong lòng chỉ còn biết có hãi-hùng, hốt-hoảng mà thôi, làm sao tĩnh-tâm niệm Phật cho được ! Lúc ấy dù có Phật sống cũng không cứu nổi, chớ nói chi đến Phật đã nhập Niết-Bàn rồi !

Chừng đó thì thần-thức phải theo NGHIỆP-ÁC của mình đã gây-tạo ra lúc còn sanh-tiền mà đọa ngay vào tam-đồ[1], bát nạn.[2]  Bấy giờ muốn nghe tên người thân thuộc, cha-mẹ, anh em, vợ chồng, con cái… cũng còn không được thay, huống chi nói đến việc nghe tên Phật hay là niệm Phật ư ?

Ðó là chỉ nói đến mười cái nghiệp ác “bất-cập”[3] kia. Bây giờ xin được kể thêm đến các duyên khác nữa.

Ấy là :
1. Giả-sử như không bị những ác-duyên trên, chỉ thọ bịnh sơ-sài mà qua đời, thì e cho lúc lâm-chung (chết) tứ đại ly-tán, phân-lìa, thân-thể chịu sự đau-đớn vô-hạn, dường như con cua bị rớt vào trong lửa, con đồi-mồi sống bị trầm vào trong nước sôi để gỡ vảy…

Trong lúc bối-rối, kinh hoàng như thế, phần yêu vợ, thương con, tham-tiếc tiền của… TÂM đâu có rỗi-rảnh để nhớ mà niệm PHẬT.

2. Lại nữa, ví như không đau-bịnh chi mà sắp mãn-phần, thì e cho DUYÊN-ÐỜI chưa dứt, NIỆM-TỤC[4] khó quên, tham sống, sợ chết, tâm-tư bối-rối không yên. Thêm vào đó việc nhà cửa, nợ-nần, gia-sản giải-quyết chưa dứt-khoát, phân-minh. Chuyện trước thì chưa xong, chuyện sau chưa sắp-đặt, vợ con khóc-than kêu-gọi, nước mắt tuôn chảy lâm-ly, nghẹn-ngào thương-cảm nói không ra lời, vv…

Trăm ngàn mối lo sợ, đau buồn hỗn-độn như thế đồng một lúc xảy ra… Hỏi làm sao tĩnh-tâm mà niệm Phật ?

3. Lại ví như trường-hợp trước khi chưa chết, chẳng may vướng phải đôi chút bịnh khổ nơi thân, chưa chi mà đã rên-rỉ đớn-đau, nơi chốn thiên sơn, vạn thủy, núi thẳm, hang cùng, cũng không quản-ngại tìm thầy chạy thuốc. Thêm lo cúng tế, khẩn-cầu van-vái bốn hướng, tám phương…

Tâm niệm tạp-nhạp rối-ren như thế… Hỏi làm sao tĩnh-tâm mà niệm Phật ?

4.  Còn nói đến việc trước khi đau bịnh chưa mãn-phần đi, thì bị sự khổ già-nua, lụm-cụm, nhiều mối áo-não buồn lo, e cho an-bài các việc trên cái thân suy-lão chưa xong, đau nhức, mỏi-mệt dây-dưa…

Há đâu an lòng niệm Phật ?

5.  Lại nói đến việc trước khi chưa già, tức là đang còn trong thời-kỳ mạnh khỏe, xuân-sắc, thì cái tâm cao-vọng có khi vượt khỏi chín từng mây e cũng chưa cùng tận ! Nay lo danh, mai tính lợi, tháng nầy muốn làm giàu, tháng khác tính chuyện vợ, con, nhà cao xe đẹp… Trăm công ngàn chuyện thế-tục buộc-ràng, dong-ruổi đông tây, suy-vầy tính khác.

Tâm nhảy lung-tung như vượn chuyền cây, ý dong-rủi nhanh như ngựa phi mau nơi đồng trống.
Hỏi làm sao niệm Phật ?

6. Nói cho đối cùng đi nữa, giả-sử như được an-nhàn, giàu-sang, phú-quý, vợ đẹp, con xinh, sức khỏe dồi-dào, thì lại bị nghiệp si-mê cầm-nắm tâm-trí, say-đắm vợ con, của tiền, nhà đất…làm sao buông bỏ ?

Nếu không có chí tu hành và không nhìn thấu-rõ đời là huyễn-mộng, biển khổ vô bờ, thì thân tuy được an-lành nhưng tâm-trí cũng vẫn còn bị mê muội.

Trong cái cảnh “nhìn chưa thấu, nắm chưa chắc, đạp chưa vững”… ấy, không thể có đủ can-đảm và nghị-lực để buông bỏ muôn duyên, đắm-đuối, mê-say trong cảnh sắc, tài, danh, lợi… đến khi gặp các việc quá sức mình thì không thể tự-chủ, tất-nhiên tâm phải theo hoàn-cảnh mà đảo-điên.

Như thế hỏi làm sao niệm Phật ?

Các chư đạo hữu,

Xin lắng lòng xét-suy cho kỹ lại, đừng nói đợi đến chừng “già-già” một chút, lo cho con cháu xong hết rồi, hay chờ khi nào thấy mình suy-lão, sắp chết đến nơi, mới chịu niệm Phật để cầu tiếp-dẫn… Phải cố-gắng suy cho cùng, nghĩ cho tận đi, đừng nói chi đến các việc trên, ngay như trong lúc trẻ trung, nhàn-nhã, mạnh-khỏe như thế nầy mà tâm-trí vẫn còn chưa sáng-suốt quyết-định dứt-khoát. Chớ nói chi cho nhiều, chỉ nội bị mỗi một cái việc nhà cửa, vợ con đeo đẳng bên mình mà còn thương, còn khổ, còn lo-lắng, ưu-tư… không sao niệm Phật được thay, há dám nói đợi đến khi gần lâm chung, ngàn muôn thống khổ dồn-dập tới tấp hay sao ?

Còn nếu như nói rằng:
Thôi cứ buông-thả, phó mặc cho duyên đời đưa-đẩy, nhắm mắt, xuôi tay, thế nào cũng được, hơi sức đâu mà lo nghĩ trước cho nó bận lòng! Những người nói lời như thế thì các bậc hiền-thánh đều chê là không có trí-huệ, chính thật những kẻ đang mê mà nói chuyện mộng, si mà nói chuyện cuồng vậy!

Trên đời nầy những hạng người dụng tâm như thế chẳng thiếu chi, đáng nên thương-xót và rất ư là lầm-lạc vậy.

Chư đạo-hữu Phật-tử ơi…

Xin hãy bình-tâm đọc kỹ những lời tôi vừa bày-tỏ trên đây mà suy-nghĩ lại.

Kiếp người mong-manh, ngắn-ngủi như lửa nháng nơi thân đá, chớp giật giữa lưng trời. Mới vừa còn nghe tiếng, thấy hình đó… thời đã mất đi, đã ngàn thu vĩnh-biệt rồi.

Là người Phật-tử hiểu đạo và có trí-huệ, thì phải nên nhận-định cho minh-bạch, rõ-ràng, rồi thừa lúc chưa già, chưa bịnh mà bớt đi ít phần thế-sự, lắng đôi chút phiền-não ở thân, tâm… sống một ngày quang-âm, lo một ngày niệm Phật, được một giờ rỗi-rảnh, tu ít khắc công-phu. Như thế thì đến khi trăm tuổi già, mọi việc cũng an-bài mà hành-trang công-đức mang theo cũng không đến nổi phần nào thiếu-thốn.

Chừng ấy lo chi nơi chốn trời Tây, đức A-Di-Ðà Thế-tôn chẳng mở cho lối đường quang-đãng, dang rộng cánh tay vàng mà tiếp-dẫn hay sao ?

Bằng nếu chẳng như thế, e khi tứ đại phân-ly, DUYÊN-NGHIỆP đối-đầu, VÔ-THƯỜNG dẫn lộ, sa vào trong KHỔ-HẢI mênh-mông, dầu cho muốn ăn-năn, e cũng đã trễ-tràng rồi vậy.

Nên lắng lòng suy-nghĩ, chớ quên.

Nhân-tiện tôi cũng xin trích-lục ít phần kệ dưới đây để gởi chung đến cho các hàng thiện-tín cùng chư thiện-căn nào vẫn mãi còn đang đắm-mê trong huyễn-mộng, nhơn đọc đến mà ít nhiều thức-tỉnh, phát-tâm lập hạnh tu-hành:

Rõ cảnh mộng, chớ quanh đường mộng,
Biết đường chơn, hảy kíp tu chơn,
Dần dà tính thiệt, so hơn,
Tuổi xanh qua mất, để hờn về sau.

Sáu chữ Phật cùng nhau gắng niệm,
Chín phẩm đài sen chiếm ngôi vinh,
Thảng như mình phụ lấy mình,
Trách sau Diêm-lão vô-tình chẳng dung.

Bỏ việc ác, xin cùng tu thiện,
Chừa lỗi xưa, cải tiến đường sau,
Lại vì quyến thuộc bảo nhau,
Gái, trai, già, trẻ đều mau tu trì.

Khiến mỗi kẻ đều quy bến giác,
Cho mọi người đều thoát sông mê,
Dầu cho lao-khổ dám nề,
Ðài sen đốt mảnh hương thề nguyền ghi.

Xin dốc nguyện tin theo lời thánh,
Ðừng để cho rỗi-rảnh ưu-du,
Kiếp nầy nếu chẳng chuyên tu,
Chỉn e kiếp khác công-phu lỡ-làng.

Lời và ý của đoạn kệ trên đây đã bày tỏ rõ- ràng như thế, dám mong chư Phật-tử nên cố-gắng lưu-tâm.

Riêng về phần tôi, là một dung tăng ăn mày cửa Phật, tu-hành nơi chốn quê mùa, tự biết mình nghiệp sâu, tội nặng, đức mỏng, chướng dày, thiệt ngàn muôn lần chẳng dám mang tiếng làm một ông thầy dạy đạo, chỉ mong sao được đứng trên cương-vị bạn-bè, lấy tấm lòng chơn-thật,  nương y theo lời Phật, ý Tổ đã dạy mà lần-lượt tỏ-bày để cùng nhau khuyến-nhắc vậy thôi.

Xin quý Phật-tử, đạo-hữu, xem nơi thiên bài mà thấu-ý, đừng theo văn vịnh để vui tâm. Ðược vậy mới không phụ lòng chư Phật xót-thương, Tổ-sư chỉ-dẫn, mà Hải-Quang tôi cũng ngàn muôn vui mừng, cảm-kích.

Xin nguyện cho tất-cả mọi người, mọi giới đều một lòng :
Nương bóng từ-quang,
Quy về nơi chánh-đạo,
Y-giáo phụng-hành.
Ðể một ngày kia bên cõi Tây-phương cùng nhau làm người bạn sen nơi chín phẩm.

Như vậy há chẳng là vô-vàn hân-hạnh hơn ư ?

Trân-trọng,

———————————————————-

[1] –  Tam-đồ : Nói chung là ba ác-đạo, (Ðia-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh) nói riêng và nêu biệt-danh là ba cái hình phạt lớn. Một là Ðao-đồ (hình phạt đâm chém…), hai là Huyết-đồ (máu chảy, thây phơi, …), ba là Nhục-đồ (banh da, xẻ thịt, …)

[2] –  Bát-nạn : Là tám cái nạn lớn của chúng-sanh. Trong kinh Phật có nói nhiều loại bát-nạn khác nhau, nhưng nơi đây chỉ xin được nêu ra vài loại bát-nạn mà thôi.
Ay là:
1.  Ðao, binh, nước, lửa, trộm cướp, thiên tai, thất mùa, bão lụt.
2.  Manh (đui), lung (điếc), ám (ngu-si), á (câm), sanh ra trước Phật, sanh ra sau Phật, sanh ở cõi trời Vô-tưởng, trí thông-minh của thế-gian.

[3] – Bất-cập : Thình-lình (xảy ra) không thể nào ngờ trước được.

[4] – Niệm-tục : tức là thương-tiếc chuyện đời, không buông bỏ.