Vài Suy Nghĩ Qua Bài Trả Lời Của Thầy Thích Giác Hoàng

Thật là sửng sốt và toát mồ hôi hột, khi đọc bài trả lời của thầy Thích Giác Hoàng trả lời câu hỏi của đạo hữu Pháp Tịnh, về nguồn gốc của những Kinh điển của đại thừa. Mới đọc qua, chúng tôi choáng dáng cả mặt mày, vì hốt hoảng và vì buồn cho giáo lý của đạo Phật không biết sẽ đi về đâu. Người Phật tử (xuất gia lẫn tại gia) không tu Giới – Định – Huệ. Theo quan xác hiện tại, người Phật tử thật sự chỉ biết trao chuốt ở ngọn cành của lá, mà bỏ quên mất gốc rễ của cội Bồ Đề. Dùng cái trí thông minh hạn hẹp (không phải là tuệ giác của người con Phật), mà muốn thẩm định nguồn trí huệ của bậc toàn giác xuất thế.

Trong bài trả lời của thầy Giác Hoàng thật quá mâu thuẫn, không nêu ra vấn đề nào để biện chứng cho câu trả lời của mình. Thầy chỉ dựa vào bài “Các Kinh Điển Ngụy Tạo Ở Trung Hoa”, do những học giả Tây Phương hoặc dựa vào những nhà sử học, để cùng chung bác bỏ những Kinh điển đại thừa được xuất hiện sau vài thế kỷ từ ngày đức Thế Tôn nhập diệt. Thật ra, những học giả hay nhà khảo cổ cũng chẳng phải là tuyệt đối. Vì không phải ai ai cũng đều công nhận đều đó. Những người có tâm phá hủy lại mượn những câu trả lời hay biện chứng qua những gì mà họ đã khám phá.

Cũng không có gì là thắc mắc cũng không có gì là e ngại. Vì những người đó cũng chỉ qua là dùng cái trí biện thông. Nhưng ở đây là một người xuất gia tu tập theo pháp xuất thế, phá tan vô minh, đập nát vòng phiền não, để nhập vào Chủng Tánh Trí của bậc xuất thế. Thế Trí Biện Thông cũng là một trong tám nạn của chúng sinh trong Tam giới. Vậy mà, trong thời hiện tại đa số người Phật tử lại chỉ ưa chuộng theo cái trí biện thông của thế gian để thẩm định nguồn trí huệ của bậc xuất thế.

Tuy trong bài trả lời của thầy Giác Hoàng không trực tiếp phủ nhận Kinh Địa Tạng, Kinh Dược Sư… là ngụy tạo nhưng thầy cũng đồng quan điểm với một số người là không nên đọc tụng, những bộ Kinh này mà phải giới thiệu cho Phật tử học những bộ Kinh lớn như Pháp Hoa, Niết Bàn, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm v.v… và thầy cũng đã trích phần phụ lục trong bộ Kinh Tụng Hằng Ngày do thầy Nhật Từ biên soạn. Xin trích:

“Như Phật tử đã đề cập một đoạn trong Phụ Lục III: Về Một Bộ Kinh Thánh Phật Giáo trong Kinh Tụng Hằng Ngày (Kinh Nhật Tụng) do Thầy Nhật Từ biên soạn và tái bản năm 2002, trong phần Đối với tuyển tập Kinh thánh Đại thừa, có đoạn viết “Không nên giới thiệu các Kinh Dược Sư, Địa Tạng và các kinh thần chú, vì tính chất van xin và cầu nguyện trong các Kinh này đã đi ngược lại với tinh thần lời dạy nguyên thủy của đức Phật.” Như Phật tử thấy, thực trạng của Phật giáo hiện nay, nhiều Phật tử chỉ đi chùa cầu nguyện và làm các khoá lễ cầu siêu, khi có thân nhân mất liền thỉnh quý Thầy, Phật tử hoặc thầy cúng tụng mười bộ hoặc vài chục bộ Địa Tạng để gọi là “cầu siêu” cho người quá vãng.

Theo như ý ở trên của thầy Giác Hoàng, thì thầy cũng đồng quan niệm với thầy Nhật Từ, là không nên giới thiệu kinh Dược Sư hay Kinh Địa Tạng và các Kinh thần chú v.v… cho Phật tử biết với chủ ý là, “vì tính chất van xin và cầu nguyện trong các Kinh này đã đi ngược lại với tinh thần lời dạy nguyên thủy của đức Phật”. Người viết ra đoạn này viết rất khôn khéo, vì không phủ nhận những bộ kinh này là Ngụy Tạo mà chỉ dùng danh từ là “đi ngược lại tinh thần lời dạy của đức Phật”. Thật là buồn cười, nếu đã là đi ngược lại lời dạy của đức Phật, vậy thì những bộ Kinh này đều là nguỵ tạo rồi, sao lại dùng là “không nên giới thiệu”. Nếu nội dung của những bộ Kinh này mà thầy và những thầy cùng quan niệm cho nó chỉ là đi ngược lại tinh thần của đức Phật, thì phải mạnh dạng bài trừ và lên tiếng để cho mọi người con Phật biết để tránh xa. Sao lại không dám mạnh dạng để phản bác mà dùng những phương tiện chữ chơi chữ để sanh thêm phiền phức?

Phật giáo có 84.000 pháp môn, để nhiếp độ tất cả chúng sinh cang cường, bướng bỉnh và ngỗ nghịch. Tuỳ vào căn cơ của từng mỗi chúng sinh mà chọn một pháp môn. Trong 84.000 pháp môn tu đó, lại thâu nhiếp trong Năm thừa, từ Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác Thừa, và Bồ Tát thừa.

Lại nữa, pháp tu thì lại từ thấp lên cao, từ tiệm giáo cho đến đốn giáo. Tất cả đều là Pháp nằm trọn trong giáo lý của Phật. Do đó mà biết Phật giáo, thâu trọn Pháp Thế Gian và Pháp Xuất Thế Gian, dù đó là pháp ác, pháp thiện, pháp nhỏ pháp lớn, phương tiện hay cứu cánh, sinh tử hay giải thoát, rốt ráo hay chưa rốt ráo, đều nằm trọn trong biển Phật Pháp, ngoài Phật Pháp vốn không có một Pháp. Chỉ riêng mỗi căn tánh của từng cá nhân cho nên sanh ra vô sai vạn biệt, mỗi mỗi đều sai khác. Người thích ăn chua, người thì thích ăn ngọt, đắng, lạc, mặn v.v… Mỗi mỗi đều sai khác không đồng nhất. Như vậy trên phương diện hiểu biết của cá nhân lại còn rất hạng hẹp, sao lại dám phê bình hay thẩm định được nguồn tuệ giác của Phật đà?

Những bộ Kinh lớn, như Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang v.v… nội dung của những bộ Kinh lớn này không ai có đủ trí tuệ có được như thầy Giác Hoàng, hay thầy Nhật từ hay bất luận quý thầy nào cũng cùng quan niệm như trên đâu. Trong Kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn dạy, hàng A La Hán tiểu quả Thanh văn, đã thoát ra ngoài vòng sinh tử, là những bậc chứng được đại thần thông trí tuệ, còn ngồi yên một chỗ để nghe Phật giảng, nói chi là thâm nhập được Pháp Hoa.

Lại trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật đem những cảnh tượng thần thông của hàng Tiểu Quả, liệt vào một trong Năm Mươi Ấm Ma. Những bộ Đại Thừa Phương Đẳng này là pháp rốt ráo, không phải dành hết cho hàng Phật tử như chúng ta.Vậy mà thầy Giác Hoàng lại cùng quan điểm với những vị thầy khác là nên giới thiệu cho Phật tử những Bộ Kinh lớn này, mà không nên giới thiệu hay dạy các bộ Kinh như Dược Sư và Địa Tạng v.v…Thật là đáng thương cho những người Phật tử mới bước vào đạo, chưa rõ giáo lý căn bản, mà trái lại được giảng dạy những Pháp cao siêu thâm áo. Tự nghĩ không biết rồi sẽ ra sao?

Kính mong mọi người, bất luận là ai, là Phật tử tại gia hay Phật tử xuất gia. Muốn viết để giải trình vấn đề nào liên quan đến Phật Pháp, hay Kinh Điển, nên tìm hiểu cho rõ ràng gốc rễ của Kinh rồi hãy viết, chứ đừng mâu thuẫn để đi sai ý Kinh và đem lại chướng ngại phiền não cho những người khác, đây thật là tội khổ.

Hòa Thượng Tuyên Hóa là một bậc cao Tăng cận đại nhất, xem Ngài đã giảng như thế nào về bộ Kinh Địa Tạng, Dược Sư. Thầy Giác Hoàng cùng những thầy cùng quan điểm khác nên đọc hai bộ Kinh giảng giải này để tìm xem có phải là ý Kinh đi ngược lại lời dạy của Đức Phật?

Tổ Ấn Quang Đại Sư, Ngài Hòa Thượng Hư Vân, Đại Sư Thái Hư, Đại Sư Ấn Thuận, Ngọc Lâm Đại Sư v.v… đều là những cao Tăng thạc đức, Phật học uyên bác, Phạm hạnh tròn đầy, trí huệ hơn người trong thời cận đại, còn khuyên nhắc người Phật tử nên đọc tụng. Ấy vậy mà thầy Giác Hoàng và quý thầy cùng quan điểm lại cho là Kinh đi ngược lại lời dạy của đức Phật, và bảo là nên đem dẹp chúng đi, đừng để cho Phật tử tu hành theo nội dung của Kinh. Thật là tội lỗi thay.

Còn nếu như ai muốn biết những bộ Kinh nào là những bộ Kinh ngụy tạo trong Phật giáo thì hãy tìm đọc những bài dạy của Tổ Ấn Quang, Tổ đã liệt kê những bộ Kinh nguỵ tạo trong Phật giáo, như Địa Mẫu Kinh v.v…

Trong hiện tại, có rất nhiều Phật tử đã làm sai, theo tinh thần của Phật giáo, và có phần ỷ lại vào những lời dạy trong Kinh cũng bởi vì không thấu suốt được ý của Kinh văn. Người Phật tử chân chánh tu tập trước phải có trách nhiệm, giảng giải giúp người Phật tử đi sau mới vào đạo hiểu cho rõ ràng để đi theo con đường chánh Pháp với tinh thần giác ngộ của một người con Phật. Chứ không phải theo đó, mà bảo là Kinh này là nguỵ tạo, Kinh kia không do Phật nói v.v…

Tinh thần hay nội dung trong hai bộ Kinh Địa Tạng và Dược Sư đâu hoàn toàn là kiểu van xin như một số người đã hiểu, đã nói ở trên. Trong Phật giáo có đủ pháp môn, có đủ phương tiện dìu dắt chúng sinh đi vào đạo giác ngộ, giải thoát và trí huệ. Đâu có ai có quyền bắt buộc người ở bậc Tiểu Học phải Học thêm bài học của Trung Học, Đại Học. Phải tuỳ theo sự hiểu biết và thích thú của họ nữa, nếu họ không nghe thì lại phản bác là bài học của Tiểu Học không giúp được gì cho họ hay sao?

Nội dung của Kinh Địa Tạng, Dược Sư cũng đâu phải là dựa vào sự van xin. Không biết ai đọc tụng, hiểu như thế nào mà dám bảo Kinh Địa Tạng và Kinh Dược Sư và các kinh thần chú khác là mang tính chất van xin và cầu nguyện? Kỳ thật, nội dung Kinh đã dạy là ngoài việc tu tập việc lành làm điều tốt để trồng công đức, như giữ giới, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, để hồi hướng phước lành, và cầu qua việc lành tốt đẹp mà mình đã làm, nguyện chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho. Vấn đề ở đây, nó sai ở chỗ nào? lỗi nơi đâu?

Nên biết rằng pháp tu trong Kinh Dược Sư hay Kinh Địa Tạng đều là một pháp môn trong 84.000 pháp môn tu trong Phật giáo, Pháp môn Dược Sư, Pháp môn thực hành theo tinh thần đạo hiếu của Bồ Tát Địa Tạng cũng là một Pháp môn tu. Vậy ai dám bảo là Kinh nguỵ tạo?

Tóm lại, trong bài viết ngắn gọn của thầy Giác Hoàng, đã không liên kết được giữa nhân và duyên, Nhân Quả, Nghiệp Báo và sự liên kết được từ lòng tin chắc thật theo tinh thần của Hoa Nghiêm mà đức Phật đã ân cần giảng giải. Vì chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này nên không bàn luận những điểm này, để sanh thêm tranh luận hơn thua, đó chỉ là vô ích trong việc tu tập mà thôi.

Đứng về cá nhân trong sự hiểu biết của từng cá nhân của mỗi người, thì ai cũng nói đúng, vì đó là sự hiểu biết ở chính bản thân. Nhưng nếu đem cái hiểu biết đó để đại diện cho giáo lý của Phật giáo thì hoàn toàn sai trái. Người tu theo Ngũ Giới, để trồng nhân trở lại làm người tức là Nhân Thừa, thập Thiện và Ngũ Giới là Thiên Thừa v.v… thì họ có thể đi theo bước giáo pháp dành cho Nhân thừa và Thiên thừa, tất nhiên những lời nói hay những sự hiểu biết của họ còn hạng hẹp đối với hàng xuất thế của Thanh Văn. Đứng trên phương diện của Thanh Văn lại còn hạng hẹp so với Bồ Tát Thừa. Vậy ai dám bảo cái này là sai? Kia là đúng?

Thật ra không có cái sai cũng chẳng có cái đúng. Trong Ngũ Thừa, ai muốn tu Pháp nào cũng được. Ngoài ngũ Thừa, còn những đường ác như A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Nếu người không muốn tu theo Ngũ Thừa mà muốn chọn con đường ác thì cứ việc làm ác để vào một trong những cõi ác đó đều là tùy vào cá nhân mà thôi.

Do đó, mà người Phật tử chớ nên tin theo những người chuyên dụng Thế Trí Biện Thông để mà kiến giải giáo lý của Phật. Rồi bác pháp môn này, đả kích Kinh kia, vì những đều đó không có lợi ích nào cho chúng ta cả, chỉ sanh thêm phiền não và nghi ngờ rồi mất lòng tin đối với pháp đại thừa. Muốn biết được đúng sai, thì cần phải thực chứng. Đạo Phật là Nói và Làm phải đi đôi. Hãy thực hành xem những phương pháp kia có giúp bản thân mình bớt tham, sân, si hay không, có sanh an lạc không hay thêm phiền não chăng? Đây mới là vấn đề mà người con Phật cần phải quan tâm chú ý.

Sự mâu thuẫn qua đoạn Phụ Lục ở trong bộ Kinh Tụng Hằng Ngày do thầy Nhật Từ soạn mà thầy Giác Hoàng đã trích, khi bảo rằng:

trong phần Đối với tuyển tập Kinh thánh Đại thừa, có đoạn viết “Không nên giới thiệu các Kinh Dược Sư, Địa Tạng và các kinh thần chú, vì tính chất van xin và cầu nguyện trong các Kinh này đã đi ngược lại với tinh thần lời dạy nguyên thủy của đức Phật.” Như Phật tử thấy, thực trạng của Phật giáo hiện nay, nhiều Phật tử chỉ đi chùa cầu nguyện và làm các khoá lễ cầu siêu, khi có thân nhân mất liền thỉnh quý Thầy, Phật tử hoặc thầy cúng tụng mười bộ hoặc vài chục bộ Địa Tạng để gọi là “cầu siêu” cho người quá vãng”.

Thật sự có một số lớn đã làm sai theo tinh thần giác ngộ của Phật đà, chứ không phải là do những người đó y theo Kinh Dược Sư hay Kinh Địa Tạng mà làm sai. Xin khi trả lời về Phật Pháp, cần phải thận trọng, cân nhắc để tránh gieo nhân ác đưa đến quả ác trong hiện tại và ở vị lai.

Ngoài việc tự tu như giữ giới, tụng Kinh, Niệm Phật, Bố Thí v.v… trong Kinh Địa Tạng và Dược Sư thì sức tha lực của đức Phật Dược Sư và của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, thật rất lớn. Ngoài Tự Lực chính bản thân mình còn sự giúp sức của Phật Dược Sư và Bồ Tát Địa Tạng. Đọc Kinh văn, từng câu từng chữ, nếu thật sự hiều được ý của Kinh thì không thể không rơi lệ. Khi cảm nhận được hạnh nguyện rộng lớn, không bờ bến, vậy mà lại có người xuất thân là Phật tử, tại gia lẫn xuất gia lại dùng cái thế trí biện thông và đem những môn học của thế gian, hiện được tiến bộ một cách tự nhiên như Khoa Học, để thẩm định nguồn trí huệ của bậc xuất thế.

Nhưng thật sự nếu có người muốn dùng những cái thấy, tai nghe để thẩm định trí huệ của Phật đà. Thì chúng tôi tin chắc rằng, dầu trãi đại A Tăng Kỳ Kiếp cũng không bao giờ vào được, huống hồ gì là bắt được để hiểu. Đây cũng chỉ có thể cho là một trò đùa mà thôi. Nếu ở cá nhân của một người, nếu chỉ hiểu được một phần nào đó trong muôn vạn phần. Thì hãy cố gắng truyền đạt đến cho người khác, tuy chưa được giải thoát và chứng quả. Nhưng khi họ y theo lời dạy mà hành thì cũng đã trồng được thiện căn rồi hưởng niềm an lạc và trồng nhân sanh lại cõi Người, Trời để hưởng phước thì cũng đáng quý lắm rồi.

Nguồn Trí Huệ xuất Thế của Phật đà, đã trãi A Tăng Kỳ Kiếp tu chứng mà có được. Làm sao có thể dùng cái trí sinh tử của chúng ta mà lại muốn thẩm định được bậc xuất thế của chư Phật. Ngay cả hàng Bồ Tát, khi nghe còn chưa hiểu thấu, phải kính trình hỏi Phật cho rõ, huống gì là chúng ta?

Đối với những lời dạy ngoài khả năng của chúng ta, thì cần phải phát lòng tin chắc, nhưng tin thì phải tin cho sáng suốt thông đạt lý của nó. Không phải tin theo kiểu mù quáng hay cuồng tín. Thật vậy, Phật đã dạy, Ngài cho phép chúng ta tin sau cuộc thử nghiệm đã thành công. Nghĩa là đã qua thời gian áp dụng và đem lại sự an lạc. Nếu tự bản thân chúng ta, không thể hiểu hay không thể tin được những pháp thâm áo của Đại Thừa. Những phương tiện cứu cánh của Phật đà, là do lỗi chúng ta chứ không phải lỗi của Pháp. Vậy thì đừng bao giờ bảo Kinh này là Kinh Ngụy, Kinh kia không do Phật nói v.v…

Biết Kinh Ngụy hay không thì rất dễ dàng, xem nội dung của Kinh có phù hợp với giáo lý của Phật đà hay không? Có ngoài vòng Nhân Quả, Nhân Duyên, Nghiệp Báo hay không? Nếu nội dung của Kinh không hội đủ yếu tố này thì biết đó là ngụy tạo rồi. Chứ không thể đưa lý do rằng, Kinh kia có phần siêu hình, cao siêu hay ngoài khả năng hiểu biết của bản thân, không hiểu rồi cho đó là Kinh Ngụy, thì thật đáng thương và tội nghiệp.

Lại nữa, người cho rằng, trong Kinh Dược Sư, Địa Tạng có tính chất van xin, hay xem Phật giáo như một thần quyền. Thì chúng tôi tin chắc rằng, những người này chẳng hiểu được Kinh Địa Tạng, và chưa thấu suốt được Kinh Dược Sư.

Quý Phật tử mới bước vào đạo, chớ nghe theo. Là nên tìm học theo những bộ Kinh như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm v.v… Nếu như hợp với căn tánh của bản thân thì rất đáng quý, trái lại phải ra công bồi đáp lần lên cao, tránh hậu quả là rớt từ trên cao xuống, nếu chưa thật sự có gốc rễ nào. Mà vội tìm và trao chuốt ở phần ngọn thì quả thật đã đi quá xa, hậu quả là tự bản thân mình tự nhận lấy chớ không ngoài ai hết, mà Pháp thì vẫn hiển nhiên đó, không tổn mảy may. Phải thật sự gìn giữ và làm theo lời dạy của đức Phật thì không bao giờ sai.

Nếu quý Phật tử chưa rõ và bắt được giáo lý căn bản, mà vội tìm cầu ham muốn những Pháp rốt ráo như Pháp Hoa. Trí huệ siêu việt của bậc xuất thế như Kinh Thủ Lăng Nghiêm chẳng hạn. Nếu  không gặp được Minh Sư dìu dắt, sẽ khó tránh được tẩu hỏa nhập ma của Kim Dung trong những tiểu thuyết kiếm hiệp đâu, hãy cẩn thận. Tuy nhiên, nếu quý Phật tử đã trải nhiều kiếp trồng thiện căn (khác với việc làm thiện của thế gian), nay nhân duyên đã thành thục thì khác hẳn.

Kỳ thật, nếu có cho rằng bộ Kinh Địa Tạng hay Dược Sư là có tính chất van xin và thần quyền, thì Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm trong bộ Kinh Pháp Hoa thì sao? Cũng sẽ bị người lên án cho là mang tính chất van xin hay thần quyền mà họ đã bảo chăng? Ở đây bởi vì không hiểu lý và sự, mới sanh ra tâm nghi ngờ như thế, đã sai trái rồi. Lại đem cái sai trái đó, trồng nhân lên những người chưa rõ giáo lý. Người mới vào đạo đối với giáo lý ví như đứa bé đang chập chửng mới biết đi. Nhưng nếu đem ra nói với những vị Pháp Sư chân thật, chuyên trì giới luật, học Phật chân thành, thì không biết những người này sẽ nghĩ sao.

Giữ sự im lặng sám hối với chư Phật hay dùng thế trí biện thông càng đả kích, mang bằng chứng này, sử tích kia để biện minh cho việc làm của mình. Dầu biết rằng, có nhiều Kinh Đại Thừa được xuất hiện sau vài thế kỷ kể từ khi đức Thế Tôn nhập diệt, mà lịch sử với trí thông minh (chỉ dùng từ trí thông minh, không dùng là trí huệ, nếu dùng là trí huệ thì không còn sự thắc mắc nào nữa) hạng hẹp của chúng ta khó làm minh chứng. Nhưng kỳ thật, chư đại tổ sư chuyên tâm trì giới luật, phạm hạnh, đức hạnh tròn đầy, đã y theo và chứng nghiệm qua cuộc đời hành đạo ở bản thân quý Ngài đã cho thấy. Vậy mà những người thời nay, lại nghi ngờ và đả kích, lại còn dám cho Kinh này là Ngụy, Kinh kia không do Phật Nói.

Thật ra, nếu theo Pháp viên mãn, thì không cần phải kiểm chứng là do Phật thuyết hay không do Phật nói. Chỉ cần nội dung và sự thực hành của người y theo không chướng ngại, thì được rồi. Thuốc trị lành căn bệnh là thuốc hay, Pháp diệt được khổ đau, dứt đường sinh tử là Pháp diệu. Bị trúng tên độc không biết lo trị khỏi, lại phí thời gian để truy tìm ra hung thủ và mũi tên là do ai đã làm. Vậy chỉ là vô ích, vì sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng sinh tử khổ đau.

Những việc như vậy chỉ thích hợp cho những người có trí thông minh, do vì có chút thông minh đâm ra sanh nghi ngoặc như Tào Tháo chẳng hạn. Tào Tháo quả thật thành công cũng do nhờ vào sự thông minh của ông. Nhưng thương thay, cũng do cái thông minh của ông lại tự hại ông, đây chính là “Thông Minh Phản Bị Thông Minh Ngộ”, thật là đáng thương xót.

Trong câu hỏi của đạo hữu Pháp Tịnh, đề cập đến những Kinh như Pháp Bảo Đàn, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám. Ba bộ Kinh này đều không do Phật nói, ai ai cũng biết Pháp Bảo Đàn kinh là do Lục Tổ nói ra, Bộ Thủy Sám Pháp là do Ngài Ngộ Đạt soạn thảo và bộ Lương Hoàng Sám là do Thiền Sư Chí Công biên soạn. Phần mở đầu của ba bộ Kinh này, đều không có “Như Thị Ngã Văn“, như vậy ai dám bảo là do Phật nói. Lại đem ba bộ Kinh này So với những bộ Kinh do Phật nói. Để chỉ trích, đả kích v.v…

Phàm tất cả kinh nào, không mở đầu là ” Như Thị Ngã Văn” thì đều là không do Phật thuyết ra, những bộ như Pháp Bảo Đàn, Lương Hoàng Sám, Thuỷ Sám Pháp v.v… Tuy không do Phật nói, nhưng những nội dung ở trong, được những bậc cao tăng thạc đức, giới luật tinh chuyên soạn ra để giúp cho hàng Phật tử đương thời nói riêng và hậu bối như chúng ta nói chung. Những nội dung trong những bộ kinh ấy cũng được trích trong những Kinh của Phật, nhưng điều quan trọng là nội dung chỉ có giúp sức cho việc tu học chớ không có hại chi đối với hàng Phật tử và cũng không trái ngược với giáo lý của Phật đà.

Còn những bộ Kinh như Địa Mẫu, Âm Dương v.v…vốn không do Phật nói, nhưng cũng không phải do đệ tử của Phật giáo là những bậc chân tu, giới luật, phạm hạnh, thạc đức soạn ra, và nội dung lại đi ngược lại giáo lý của Phật đà, thì chẳng liên quan gì đến tín đồ của Phật giáo cả. Hãy tìm đọc những lời khai thị của Tổ Ấn Quang Đại Sư, Đại Sư đã dành 18 năm trọn để nhập thất đọc và nghiên cứu Tạng Kinh của Phật giáo. Tổ đã chỉ ra những bộ Kinh nguỵ tạo được len lỗi trong giáo lý rốt ráo của Phật đà.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi những hàng Phật tử, một khi tu học nào mà bản thân còn thắc mắc, nghi ngờ chưa thấu suốt. Nên tìm hỏi với những bậc tôn túc, giới hạnh tinh chuyên, phạm hạnh có thừa mà thưa hỏi. Đừng học đạo với những người không trao chuốt trí huệ, chỉ biết củng cố cái thế trí biện thông của thế gian. Vì dầu cho người đó, trước tác ra trăm ngàn quyển sách, học vấn hơn người, bằng cấp này bằng cấp kia cũng không thể thấu đáo được Kinh văn của Phật nói ra đâu. Muốn hiểu Kinh của Phật chỉ có thể tu Giới – Định – Huệ mới hầu hiểu được ý Kinh, tuyệt đối không thể giải trình ý Kinh qua cái thế trí biện thông.

Lại nữa, những Phật tử khi tu học theo Phật thì cần phải học cho đúng theo tinh thần của đạo giác ngộ. Chớ mang theo những mê tín dị đoan của nhân gian mang vào nhà Chánh Pháp của Như Lai. Như xin xăm, bói toán v.v… như vì không phải là pháp rốt ráo giải thoát, người con Phật chân chánh không nên làm.

Còn về cầu siêu, cầu an tuyệt đối phải y theo chánh Pháp mà thực hành. Tuy rằng, Cầu siêu hay cầu an không phổ biến theo ngôn từ của nó ở thời đức Phật còn tại thế. Nhưng vì chúng ta mượn danh từ này để chuyên chỉ về một vấn đề nào đó, như cầu siêu chẳng hạn, là biết là cầu nguyện cho những người đã mất được siêu thăng trong cõi an lành. Cầu an cũng vậy, đều chỉ cho là cầu nguyện cho gia đình mình được bình an và gặp nhiều may mắn thuận lợi.

Thật ra, cầu siêu hay cầu an ý nghĩa của nó là tốt lành. Nhưng bởi vì người thực hành không hiểu thấu đáo khi thực hành cũng sai, nên có người càng không hiểu lại cho rằng cầu siêu hay cầu an là mê tín, là dị đoan.

Người con Phật chân chánh chúng ta, cần phải nên biết rõ rằng: Nếu chúng ta không y theo lời dạy của Phật hành thiện tránh ác, mà chỉ biết dựa vào việc cầu siêu, cầu an, thì hoàn toàn không phù hợp với lý nhân quả và cũng chẳng giúp ích chi cho chúng ta đâu.

Việc cầu siêu hay cầu an muốn được thành tựu và đạt được lợi ích, thì phải biết tu tâm dưỡng tánh, trì giới làm thiện, bố thí tránh sát sanh. Tóm lại là phải siêng làm những việc thiện, tránh gây ra những nhân xấu ác. Làm được vậy mới mong gặt hái được kết quả. Tuy nhiên kết quả viên mãn muốn được trọn vẹn là phải nhờ vào tự chính bản thân mình gieo trồng. Cho dù con, cháu có làm thiện tích phước chân chánh thì người hưởng cũng chỉ hưởng được một phần trong bảy phần, theo như Kinh Địa Tạng đã dạy.

Nếu muốn mình hưởng được phần công đức trọn vẹn, sinh tiền cần phải cố gắng tinh tấn tu hành, làm thiện tránh ác. Cầu an cũng vậy thôi, nhân xấu không dừng nghỉ mà muốn hưởng an lạc cũng không toại. Việc cầu siêu hay cầu an, theo như ý của nó thì cao đẹp biết dường nào. Trái lại vì không hiểu, nên Phật tử không biết nên mới làm sai, lại có người không biết giảng giải cho Phật tử nghe, lại bảo và cho đó là mê Tín. Khi đả kích và cho là mê tín, thì chúng ta chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của nó. Khi cho là mê tín, thì mặt trái lại là đang phỉ báng Phật, khi bác bỏ những việc hành thiện của chúng sinh. Như vậy có đáng nhận mình là Phật tử hay không? Ngoài việc tu huệ, phước cũng cần phải đi đôi. Dầu đó là phước còn hữu lậu, nhưng phải nên biết, nếu không từ cái bắt đầu thì làm sao hướng đến cái cuối cùng, rốt ráo. Không sợ đó là phước hữu lậu mà chỉ sợ rằng phước hữu lậu chúng ta cũng không có.

Do đó, mà đừng sao lãng quên làm phước để bồi đắp phước cho mình. Học Phật là cần phải phuớc huệ song tu mới mong thoát ra khỏi vòng sinh tử.

Đã nói ở trên vì chưa thấu suốt, nên mới làm sai. Sai là tự bản thân sai, chứ không phải y chánh Pháp mà làm sai. Hai ý nghĩa này khác xa một trời một vực. Cầu siêu hay Cầu An chỉ là danh từ để gọi giúp chỉ chuyên về một vấn đề mà thôi, đừng nhạy cảm với chúng. Phải cố gắng thực hành thiện Pháp theo tinh thần của một người con Phật.

Cũng đừng tranh luận, vì chúng ta đều là chúng sinh sinh tử, dầu có được chút thông minh. Nhưng cái thông minh đó không phải là Trí tuệ (Phật giáo), thì làm sao thấu suốt được, lại mang ra thẩm định, đúng sai? Chỉ nên theo căn tánh của mỗi chúng ta, hiểu giáo lý nào thì cứ việc y theo giáo lý đó mà thực hành, còn ngoài khả năng của chúng ta thì không nên học, cũng chẳng nên bàn luận. Vì chỉ trồng thêm nhân xấu không giúp ích vì cho bản thân.

Cũng đừng đem những chuyện không lợi ích (dở hơi) ra để tranh luận, tìm nguồn gốc của một số Kinh điển của Đại Thừa. Thật sự có nhiều Kinh điển đại thừa phổ biến rộng rãi sau vài thế kỷ. Nhưng làm sao chúng ta biết được đó là không do Phật nói? Trong tiến trình quảng bá độ sanh, chư vị đại tổ sư đã gặp biết bao nhiều gian khổ từ những tôn giáo thần quyền của Ấn Độ, và khi truyền sang Trung Hoa đã không biết gặp bao nhiêu là trở ngại từ tôn giáo của địa Phương. Hồi giáo ở Ấn Độ đã tiêu diệt, và phủi sạch hết vết tích của Phật giáo ở ngay tại cái nôi của Phật giáo, vậy làm sao cho là đúng 100% lại bác bỏ và đả kích.

Lại còn có một số người lại còn sanh ra một tư tưởng mới mẻ, khi cho rằng Phật giáo Đại Thừa đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ Giáo (Bà La Môn giáo), mà không hề để chút tâm nghiên cứu. Với tâm xấu ác, len lỗi trong tòa nhà Chánh Pháp Như Lai, hầu phá hủy giáo lý của Đại Thừa. Xin hãy đọc những phần này trong một tập sách nhỏ của thầy Nguyên Hải ” Đối Thoại Với Thầy Thông Lạc“.

Trong Phật giáo có vô lượng Pháp môn tu, người muốn học Phật chỉ cần chọn một pháp môn nào cho mình cũng được. Miễn hợp với căn tánh và sự hiểu biết của mình. Đâu chỉ có Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng hay những bộ kinh lớn khác v.v… Mà lại đem ra phanh phui cho sướng miệng, thoả mãn óc hiếu kỳ. Đã không giúp ích cho bản thân, trái lại làm trò cười cho thức giả và gieo nghiệp ác.

Hãy tin đối với những gì mà chính bản thân mình đang tin và thấu hiểu, còn những việc ngoài khả năng hay cao siêu thì hãy dành thời gian để tìm hiểu học thêm, chớ đem ra làm trò đùa, tranh luận. Nếu có hạng hẹp cũng tại ở bản thân của chính mình. Tuyệt đối không phải ở Kinh sách. Kinh văn là chữ viết, là lý thuyết để thực hành, để thực nghiệm. Để đạt được kết quả tốt đẹp, chứ Kinh văn không phải là kết quả ở đầu môi của nhiều người. Nhưng nếu rời lý thuyết thì sa vào tà đạo, chịu luân hồi khổ không biết ngày ra. Là Phật tử phải y giáo phụng hành mới đạt được kết quả viên mãn. Tuyệt đối sẽ không đạt được gì, nếu như chúng ta ôm một quyển Kinh mà không hiểu hoặc không thực hành theo lời dạy trong Kinh. Nhân Quả tuyệt đối phải đi đôi, đã không trồng Nhân mà muốn có Quả thì không thể nào xảy ra.

Phật Pháp thậm thâm vi diệu
Dẫn đường soi sáng khắp thế gian
Y theo Chánh Pháp thực hành
Có Nhân, thời Quả mới thành
Chớ truy tìm đầu môi để thỏa mãn
Có Lý không Hành (Sự) sao ra kết quả?
Trở lại Phỉ Báng Đại Thừa
Bởi lý sâu thậm thâm vi diệu
Sự gạn lọc tâm thanh
Lìa Giới-Định-Huệ, chẳng hiểu một câu
Chớ vội lên án là không do Phật thuyết
Tội phỉ báng, nhân đọa A Tỳ
Mong thế nhân nên xét kỷ
Chớ thỏa miệng cho sướng tai
Quả khổ sau tự mình nhận lấy.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Phật!
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát!
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát!

Trân trọng,