ƯƠM MẦM TỪ BI

Thích Thiện Phước

 

LỜI NÓI ĐẦU 

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời.

Lời ca dao tuy mộc mạc nhưng nghe sao tha thiết gần gũi ân tình, gợi cho lòng người nhớvề lời dạy của các bậc thầy, cha mẹ, cùng những bậc gương mẫu trong cuộc đời.

Trường học thì cũng có ngày tốt nghiệp, còn trường đời thì vô tận mênh mông. Dù cho thời gian qua rồi không trở lại, nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn mãi mãi. Hôm nay làm trẻ con, mai sau rồi sẽ làm người lớn mẹ cha; hôm nay làm học trò, mai sau rồi cũng sẽ làm Thầy. Lúc ấy ta càng thấu hiểu, cảm thông biết ơn rất nhiều về những gì người trước đã truyền trao.

Cho dù bạn có đi đâu làm gì đi nữa, nhưng vẫn còn đang mang ơn những bậc dạy cho ta nên người, đã ươm mầm hạt giống từ bi mọc lên tươi tốt.

Hôm nay gieo hạt từ bi
Để cho sỏi đá thầm thì nở hoa
Lòng người sâu cạn gần xa
Hướng về nguồn cội bao la ân tình.

           

BẬC THẦY ĐẦU TIÊN

Gia đình được xem là mái trường đầu tiên của một đời người, trong mái trường ấy cha mẹ là bậc thầy quan trọng dạy cho trẻ con bài học vỡ lòng, những bài học đó sẽ là hành trang tồn động trong ký ức mà đứa trẻ phải mang theo suốt cả cuộc đời. Thế nên nhân cách của bậc làm cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống của trẻ thơ sau nầy.

Một đứa trẻ có lễ phép, biết kính trên nhường dưới, thương yêu người bần cùng khốn khổ, hẳn nhiên là được sanh trưởng từ trong một gia đình có nề nếp, có sự giáo dục kỹ lưỡng. Đức Thế Tôn từng dạy “Nầy các thầy tỳ kheo, có bốn việc không nên xem thường, đó là:

1/ Thầy Sa di trẻ tuổi.
2/ Vị thái tử còn bé.
3/ Con rồng nhỏ.
4/ Đóm lửa cỏn con.

Vì sao? Bởi vì Thầy Sa di tuổi tuy còn trẻ nhưng sẽ là bậc A La Hán sau nầy; Thái tử tuy còn bé nhưng sẽ là bậc đại quốc vương; Rồng con tuy nhỏ nhưng sau nầy lớn lên nó sẽ tung hoành ngang dọc; Đóm lửa tuy cỏn con nhưng có thể thiêu cháy cả một khu rừng”.

Vì thế đối với trẻ thơ  phải nâng niu, dạy dỗ, uốn nắn để chúng trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Vậy phải dạy dỗ như thế nào? Ông bà ta thường nói: “Trẻ con như tờ giấy trắng, hễ ta tô màu nào thì nó sẽ ra màu ấy”. Quả đúng như vậy, hoàn cảnh sinh hoạt gia đình rất có ảnh hưởng đến nhân cách đạo đức của chúng.

Bất kỳ một tiếng nói hay cử chỉ nào đó của cha mẹ, huynh trưởng đều có sự tác động rất lớn khi đứa trẻ thu vào tầm mắt, nghe qua lỗ tai. Chúng ta đừng bao giờ gieo vào tâm hồn trẻ thơ những bài học sát sanh, gian tham, nói dối, sợ sệt, nói đâm thọc, sân hận… dù đó là những cử chỉ vô tình.

Chắc có lẽ những bậc làm cha, làm mẹ ai ai cũng muốn cho con mình ngoan ngoãn, hiền lành, biết kính trọng thương yêu, có sự thành đạt trong xã hội. Và cũng có những bậc làm cha mẹ không khỏi than vắn thở dài khi đứa con mình suốt ngày chơi bời lêu lổng kém đạo đức, dính dấp tới những tệ nạn xã hội. Tại sao chúng ta không nghĩ lại nguyên nhân đó là do đâu? Chắc là trách chúng hơn là trách chính mình. Đấy là hậu quả của các bậc làm cha mẹ ít  quan tâm dạy dỗ con em khi còn thơ bé. Và có thể là chúng được sanh ra, lớn lên trong một hoàn cảnh thiếu gia phong lễ giáo, cha mẹ thường lục đục, cự cãi lẫn nhau, đôi lúc chúng cũng cảm thấy bơ vơ, buồn tủi bỏ nhà đi lang thang,… vì cảm thấy mình mất đi tình thương yêu chăm sóc của người thân…

 

TÁNH HAY TẬP NHIỄM

Nhà Nho nói: “Nhơn sơ chi tánh bổn thiện” nghĩa là khi mới sanh ra bản tánh của con người vốn là hiền lành nhân hậu.

Ngài NARÀDA nói:

– Ngoài những túc nghiệp mà nó phải thọ nhận lại còn thừa hưởng những gia tài đạo đức của các bậc cha mẹ đã gầy dựng cho nó”.

Tánh của trẻ thì thường hay bắt chước theo những việc làm của người đi trước mà chúng không cần phải tìm hiểu lý do. Chuyện kể rằng: “Có một người vì thấy cha của mình già cả lụm cụm, tay chân run rẩy, ăn cơm cứ làm bể chén bát hoài, nên anh ta bèn nghĩ ra một cách là gọt cái gáo dừa để cho ông đựng thức ăn.

Đứa bé thấy thế bèn hỏi:

– Cha…Cha! Cha gọt gáo dừa làm gì hả cha?

Anh ta ấp úng đáp:

– Thì… thì để cho ông nội con đựng cơm ăn.

Đứa bé tỏ vẻ bất bình:

– Sao cha làm kỳ vậy?

Anh ta biện cớ:

– Vì nội con già cả lẩm cẩm cứ làm bể chén bát hoài, mua hoài hao tốn quá!

Đứa bé nhanh nhẹn nói:

– Vậy cha gọt thêm cho con một cái đi.

Anh hỏi:

– Chi vậy?

Bé đáp:

– Thì con để dành sau nầy cha có già con đem ra cho cha ăn y như ông nội vậy.

Thế nên phận làm người lớn phải giữ gìn phong cách cho chững chạc, thận trọng khi nói năng, hành xử, làm gương mẫu cho gia đình để cho những “Giọt nước mưa ở mái nhà kia” luôn luôn chảy theo một chiều đạo đức hiếu thuận và chảy mãi theo dòng thời gian bất tận, trong giới hạn của kiếp con ngườiLòng hiếu thảo ấy nguồn cội của đạo đức, thế nên phận làm con cái phải lo tri ơn báo ơn. Thật là:

“Giọt nước thấm môi lời dạy bảo
Trọn đời ghi nhớ mãi không quên”

 

QUAN TÂM DẠY TRẺ

Trẻ em trong xã hội thời nay đang lâm vào cảnh, cư xử xấc xược, nói tục chửi thề, có những thái độ không lễ phép với cha mẹ, thầy cô… phung phí tiền của, thời gian, trộm cắp, cờ bạc… khi chưa đến độ tuổi thành niên. Căn bản nhất là do gia đình thiếu quan tâm giáo dưỡng, và một phần cũng do môi trường sống tác tạo. Các bậc làm cha mẹ có thể là vì quá tất bậc với sự nghiệp, vật vã với miếng cơm manh áo mà lơ là việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Đến khi phát hiện chúng hư hỏng thì mọi chuyện đã rồi! Nên biết, một đứa trẻ muốn trở thành một con người có ích cho gia đình và xã hội thì không thể thiếu ba điều kiện trọng yếu: Đức dục, trí dục, thể dục.

 

 KẾT DUYÊN TAM BẢO

Chúng tôi thật cảm động khi thấy các bậc làm cha mẹ thường dẫn con mình đi chùa, dạy con lễ Phật, kính trọng chư Tăng, hay khuyên chúng đem một vài cành hoa, nén hương dâng lên cúng dường ngôi Tam Bảo. Có thể nói đây là những ấn tượng đẹp. Đầu tiên giúp cho trẻ có khái niệm về Phật pháp, gieo trồng hạt giống từ bi vào trong thửa ruộng tâm thức chúng. Hạt giống ấy, sẽ tồn tại mãi mãi cho đến vô số kiếp về sau. Điều ấy được chứng minh qua câu chuyện tiền thân của vua Asoka (A Dục).

Một hôm Đức Phật và Tôn giả A Nan đang trên đường đi khất thực thì gặp một đám trẻ con đang chơi trò xây cất thành quách bằng đất. Trong ấy có một đứa bé chạy đến nắm tay Đức Phật nói rằng:

– Thưa Sa môn! Ngài ở đây chơi với con đi!

Phật bảo:

– Như Lai bận đi khất thực không thể ở lại được!.

Đứa bé kính cẩn thưa:

– Vậy thôi con cúng dường Ngài cả một thành phố bằng đất nầy.

Phật nói:

– Con muốn cúng dường cho Như Lai thì cũng được, nhưng cái thành nầy là của các bạn con nữa chứ đâu phải của riêng con.

Mấy đứa bé nghe Đức Phật nói thế đồng thanh đáp:

– Chúng con đồng ý cúng luôn cho Sa môn đó!.

Phật nói:

– Bây giờ Như Lai đi khất thực không thể ở đây mãi được. Thôi ta tạm nhận tượng trưng. Vậy các con hãy đưa cho ta một miếng đất trong cái thành nầy đem về trượng thất thì coi như ta đã nhận trọn cái thành của các con rồi!.

Sau đó Đức Phật bảo ngài A Nan đem miếng đất nầy về trét vào vách tường chỗ đầu nằm của Ngài.

Tôn giả A Nan lấy làm lạ hỏi:

– Đây là trò chơi của trẻ con, tại sao Thế Tôn lại bận lòng đến thế?.

Phật dạy:

– Này A Nan! Ông chớ khinh thường đứa bé nầy, khoảng 300 năm sau, nó sẽ làm một vị vua thống nhất toàn cõi Ấn Độ, chính nó xây cho ta tám vạn bốn ngàn ngôi tháp, và Tăng đoàn Phật giáo truyền bá đến khắp muôn phương cũng nhờ vào đứa bé nầy. Do đó đừng nên xem thường nó, đây là một vị Phật trong tương lai, và những đứa bé chơi chung sẽ là quần thần của nó.

Quả nhiên khoảng 300 năm sau, tại An Độ xuất hiện một vị vua tên là Asoka (A Dục), lãnh binh thống nhất toàn cõi An Độ. Sau nầy ông giác ngộ, phát tâm hoằng truyền chánh Pháp của Đức Phật, phát nguyện xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp ở khắp mọi nơi.

Đứa bé chỉ vì trong lúc chơi đùa đắp thành bằng đất cúng dường đức Phật, vậy mà đời sau trở thành vị đại quốc vương. Huống hồ là dạy bảo con em mình thành tâm kính thờ Tam Bảo thì công đức ấy rất là to lớn vậy.

 

TRÁNH XA BẠN ÁC

Tục ngữ Việt Nam ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tổ Qui Sơn cũng dạy: “Nương gần bạn lành như đi trong sương móc, tuy chẳng ướt áo nhưng mỗi lúc đều có sự đượm thấm”! Chúng ta phải dạy trẻ không được kết giao với bạn xấu để tránh sự tập nhiễm.

Tôn giả Nan Đà là người em cùng cha khác mẹ với đức Phật. Tuy theo Phật xuất gia nhưng trong lòng vẫn còn hay trộm nhớ đến nàng Tôn Đà Lợi, và từ sáng đến tối chẳng chịu tu hành cứ kết bạn với người xấu.

Một hôm đức Phật bảo Nan Đà cùng đi với Phật vào thành. Người bán hàng bày cá trên những bó cỏ, đức Phật bèn bảo tôn giả Nan Đà cầm lên một bó rồi buông xuống ngửi xem tay mình có mùi gì?.

– Thưa tanh lắm.

Cũng thế đấy Nan Đà! Kết bạn kết bè với người xấu tựa hồ tuy không làm gì ác, nhưng cùng nhau tùy thuận tư tưởng, tri kiến dần dần chuyển hướng, chơi bời qua lại lâu ngày sẽ bị nhiễm hành vi xấu. Như những bó cỏ tự nó vốn không tanh, chỉ vì gần cá mà có mùi, đến nỗi làm cho tay ngươi không hề cầm cá mà vẫn tanh mùi cá. Nan Đà thấy không, chính thầy còn chán sợ những gì tanh nhơ.

Nan Đà, tay thầy dơ quá phải đi rửa tay thôi.

Đức Thế Tôn lại đưa Nan Đà đến chỗ bán hương bảo: Nan Đà thầy thử cầm lên một bó, rồi để xuống ngửi xem trên tay có mùi gì?

– Bạch Thế Tôn thoang thoảng mùi thơm.

Như thế đấy Nan Đà! Thiện tri thức dù ta chỉ được gần gũi trong chốc lát thôi cũng không luống uổng.

Đức Phật bèn nhóm các thầy tỳ kheo lại quở trách Nan Đà, và Ngài dạy không được thân cận những người xấu, hãy tìm người tốt mà tùy thuận thừa sự. Dù hiện tại không thấy lợi ích nhưng vẫn được đượm thấm hương thơm.

 

BÀI HỌC ĐAU THƯƠNG

Chúng tôi thật bùi ngùi thương xót khi chứng kiến cảnh đứa trẻ mới bập bẹ lại bị cha mẹ, dạy chúng nói những câu khiếm nhã hay những lời thô tục. Phải thận trọng dạy con mình phát âm chuẩn mực theo phong cách của mỗi miền ngay từ lúc chúng vừa biết gọi lên  hai tiếng mẹ cha. Chúng ta đừng vì quá âu yếm con mình mà quên đi cái thiên chức trọng đại: “Mẹ cha là đấng Phạm Thiên” đã là đấng Phạm Thiên thì phải tác tạo cho chúng có một nhân cách thuần thiện, hoàn mỹ.

Hơn bao giờ hết, nếu “con mắt (lỗ tai) là cửa sổ tâm hồn” đối với mọi người thì cánh cửa sổ tâm hồn ấy đối với trẻ thơ ta cần phải quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Chúng ta nên mở toang cánh cửa ấy ra, phát triển và làm cho chúng nhìn thấy những kỳ hoa dị thảo, những bài học đạo đức thánh thiện ở đời, đừng tô phết vào đấy những vết đen hư hỏng.

Hậu qủa sẽ khó lường khi dạy trẻ con nói dối. Có nhiều bà mẹ vì nuông chìu con quá mức nên cho tiền chúng ăn xài phung phí rồi dạy chúng dối rằng: “Này! Con đừng nói cho cha biết nhé!” Hay dạy cho chúng những bài học sân si, lấy cây đưa chúng và bảo đập vào cản vật cho hả cơn tức giận khi chúng vừa bị vấp phải.

Có một bà mẹ trẻ đang mớm cơm cho con mình ăn thì thì con chó đứng bên cạnh như có vẻ thèm thuồng đói khát, bà mẹ mới bảo rằng:

– Đá nó đi con!

Đứa bé vì hứng thú đá cho con chó một cái thật đau điếng la thất thinh. Chị bèn vỗ tay khen:

– Hay quá, con thật tài giỏi, con thật anh hùng.

Đứa bé cũng khoái chí cười theo…

Ngay từ thuở nhỏ cha mẹ phải dạy cho chúng biết nhân qủa tội phước, để sớm phát khởi thiện tâm. Nhân quả không bao giờ mất đi cho dù là việc làm vô tình nhỏ nhặt.

Kinh Ba Điều Sầu Não Của Con Trưởng Giả chép: “Một thuở, Phật cùng với 1.250 vị tỳ kheo tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ, ở thành Xá Vệ có vị đại trưởng giả tiền của nhiều vô số, nhà cửa, ruộng vườn trâu ngựa… không thể kể xiết, nhưng gia đình ông không có con. Theo phong tục nước ấy, nếu ai không có con thì sau khi mạng chung, tất cả tài sản sẽ quy về của quan. Vợ chồng trưởng giả sớm tối ngày đêm cầu nguyện Chư Thiên để sanh được đứa con. Họ kiên trì đứng trước cửa nhà cầu nguyện nhưng rốt cuộc không được. Bấy giờ, vợ ông trưởng giả quy y ba ngôi báu, thọ trì năm giới, ngày đêm tinh tấn, không dám biếng trễ. Ít lâu sau, bà mang thai. Ông trưởng giả hay tin vô cùng vui mừng, ngày ngày đều cúng dường chư Tăng đầy đủ những đồ ăn thức uống và y phục. Mười tháng đã mãn, bà hạ sanh được một đứa con trai. Trưởng giả bèn mướn năm người nhũ mẫu để cùng nhau nuôi nấng đứa con này. Người thì cho bú, tắm rửa, mặc áo, bồng giữ… Đứa bé ấy ngày một trưởng thành.

Đến năm 15 – 16 tuổi, vợ chồng trưởng giả bèn đi hỏi vợ cho con. Hai ông bà tìm được một người cũng con của gia đình trưởng giả, dung mạo đẹp đẽ. Sau đó, họ tổ chức hôn lễ ngoài hoa viên, mời rất đông khách đến tham dự chúc mừng, sắm sửa chu đáo những món ăn ngon. Thân thuộc bạn bè từ khắp nơi đến, ai nấy đều hài lòng. Tiếp đãi khách như thế liên tục đến bảy ngày.

Bấy giờ, đôi vợ chồng trẻ nầy khi đi dạo trong hoa viên. Sau hoa viên, có một gốc cây tên là Vô Ưu. Trên cây, có những đóa hoa đang xòe nở, màu sắc tươi thắm. Người vợ nói với chồng:

– Em rất thích loài hoa này! Người chồng bèn leo lên cây hái hoa, vì cành cây quá nhỏ nên bị gãy, con trai trưởng giả liền rơi xuống đất, sau đó mạng chung. Vợ chồng trưởng giả vừa hay tin con mình bị té cây chết, bèn hớt hãi chạy đến. Vợ ông trưởng giả ôm đầu con, ông trưởng giả ôm hai chân con vuốt ve khóc lóc. Cả hai ông bà buồn thương thấu cả tâm can. Những người khách thấy thế, ai nấy cũng nói lời chia sớt nỗi buồn đau.

– Chết sao mà mau chóng đến thế! Mọi người ăn uống, vui đùa chưa xong mà chú rể lại té cây chết đi, thật là mạng sống vô thường.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với A Nan đắp y cầm bát vào thành Xá Vệ, Ngài dùng đạo nhãn thấy vợ chồng ông trưởng giả chỉ có một đứa con mà lại bị té cây chết, khóc lóc buồn thương, xót xa thật không thể nói! Phật quán xét thấy người con này đời trước vốn ở cõi trời Đao Lợi, sau khi thọ mạng hết thì sanh vào nhà của trưởng giả, khi chết đi liền sanh làm loài rồng, nhưng chẳng mấy chốc thì bị Kim xí điểu vương bắt ăn thịt. Ba điều bi thương đều cùng tiêu tan.

Phật bảo A Nan theo Ngài đến chỗ trưởng giả, hầu giải bày rõ ràng để tiêu trừ họa hoạn. Nếu không thì e rằng ông bà sẽ lo rầu mà chết đi!

A Nan bạch rằng:

– Con xin vâng.

Tôn giả A Nan theo Đức Phật đến chỗ trưởng giả. Trưởng giả nghe Phật đến nhà mình thì trong lòng vui mừng, cúi đầu dưới chân Phật. Phật hỏi trưởng giả vì sao buồn lo như thế?.

Trưởng giả bạch Phật:

– Phận con vô phước, chỉ có một đứa con. Vừa cưới vợ cho nó, mời khách ăn uống vui đùa chưa xong. Nhân khi nó leo lên cây hái hoa, không may cây bị gãy nhánh, nó rơi xuống đất chết đi. Giờ đây, thân con như đá, tâm con như sắt, chỉ sanh được một đứa con mà nó cũng chết!”

Phật bảo trưởng giả:

– Người sống ắt có chết, vật có thành ắt có hoại. Đến khi mạng hết thì không thểtrốn tránh. Ông nên vứt bỏ ái niệm, chớ u sầu!.

Bấy giờ, Đức Phật phóng ánh quang minh soi khắp mười phương khiến cho trưởng giả thấy trên cõi trời, trong cung rồng, cũng gặp cảnh tượng cha mẹ đang khóc lóc thê thảm.

Phật bảo trưởng giả:

– Đứa con này kiếp trước vốn ở cung trời Đao Lợi, nhưng sau khi thọ mạng hết thì sanh vào nhà ông, khi thọ mạng lại hết thì liền sanh làm loài rồng, nhưng chẳng bao lâu thì bị Kim xí điểu vương bắt ăn thịt. Cùng một lúc, ba chỗ đều khóc thương như thế!

Trưởng giả hỏi:

– Vậy nó là con ai?”.

Phật liền nói bài kệ:

Các Thiên tử cõi trời
Là con ông phải chăng?
Làm thân trong loài rồng
Là con Thần Long chăng?
Lúc ấy, Phật giải bày:
Chẳng phải là con trời
Cũng chẳng phải con ông
Lại chẳng phải con rồng
Các nhân duyên sanh tử
Vô thường như huyễn hoá
Tất cả không lâu bền
Ví như khách qua đường.

Phật bảo trưởng giả:

– Cái chết không hẳn lìa, việc đi không rong ruổi.

Trưởng giả bạch Phật rằng:

– Đứa con này trước đã tạo tội phước gì mà nay được sanh vào nhà giàu có, nhưng số mạng của nó lại ngắn ngủi, đây là ứng điềm gì?

Phật dạy:

– Đứa con này kiếp trước rất thích bố thí và tôn kính mọi người nên được sanh vào nhà giàu có, lại thích thú vui săn bắn làm thương hại đến mọi loài, vì duyên cớ ấy mà thọ mạng ngắn ngủi, tội phước luôn theo như hình với bóng vậy!.

Tiền thân con của trưởng giả chỉ vì vui chơi săn bắn mà mắc phải quả báo mạng sống  ngắn ngủi như thế. Không đáng sợ sao?.

 

TÌNH THƯƠNG TRẺ THƠ

Lòng thương yêu là một năng lượng vô cùng quan trọng đòi hỏi đứa trẻ nào cũng cần phải có. Khi thấy trẻ bắt những con châu chấu, dế, chim non… ngắt đầu, bẻ cánh để làm trò đùa thì ta phải có bổn phận dạy chúng, khuyên chúng phát tâm từ bi thương yêu mọi loài, đừng nên giết hại sanh vật, bảo vệ môi trường. Lại dạy chúng phải biết kính trọng người già cả, yêu thương kẻ bần cùng khốn khổ. Đặc biệt là đừng bao giờ dạy chúng sát hại cho dù đứa bé ấy không phải là con mình.

Đức Phật dạy:

– Đừng tưởng việc làm nhỏ mà cho là không tội, giọt nước dù nhỏ dần dần sẽ đầy thành một chum lớn. Trẻ con chưa nhận thức được đâu là tội, đâu là phước, chúng ta phải nên dạy cho chúng hiểu. Thuở còn thơ nó giết hại những con vật nhỏ bé chỉ vì lòng ham vui, háo thắng, nhân chủng ấy sẽ không mất đi. Nếu tập tành lâu ngày thì sau nầy có thể dẫn đến cảnh thương tâm.

Chính vì lẽ ấy mà bà Mạnh mẫu phải dời nhà ba lần để con mình khỏi sa vào đường xấu.

 

BÀI HỌC VÔ TÌNH

Ba phương cách giáo dục: Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, trong ấy thân giáo là một phong cách quan trọng hơn cả “tiên hành hạ hiệu” – ta phải thực hành trước sau rồi sau mới chỉ cho người,  lời dạy khi thì trau chuốc, gắt gỏng, nạt nộ, khi thì êm dịu bảo ban, cương nhu tùy theo từng tình huống nhưng vẫn không thiết thực bằng hành động.

Trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta, dù lương thiện hay không lương thiện, ít nhiều gì cũng được xuất phát từ những ký ức của tuổi thơ, nó sẽ sẵn sàng khơi dậy khi hợp thời.

Từ thuở nhỏ mẹ tôi không bao giờ khuyên tôi bố thí và cũng chưa hề nói cho tôi nghe bố thí có những lợi ích gì. Nhưng mỗi lần có người đến xin thì bà sẵn lòng giúp đỡ. Có lần tôi không ngờ là mẹ tôi trút hết phần gạo trong hủ và lấy luôn cả chiếc áo mới may duy nhất của mình đem cho người ăn xin.

Tôi vô cùng ngạc nhiên:

– Tại sao mẹ phải làm như thế, rồi chiều nay cơm đâu mình ăn, và áo đâu mặc tết hả mẹ?.

Bà bình thản:

– Con yên tâm, mình có thể sang nhà ngoại xin mà!.

Tuy lúc đó tôi không quan tâm đến việc làm ấy nhưng nó cứ hiện mãi trong tôi mỗi khi thấy những người hành khất lang thang ngoài đường, hay không khỏi xót xa trong những đêm mưa tầm tã hãy còn đó những bước chân vội vã, những mảnh đời lang thang bất hạnh: tiếng mì gõ lóc cóc mỗi lúc một dồn dập, tiếng xe đạp cọc cạch của anh bán bánh giò… khi mọi người đang yên giấc.

Hơn thế nữa nếu là trẻ thơ chưa đến trường thì cha mẹ nên kể cho chúng nghe về những mẫu chuyện về gương hiếu thảo như: Tiền thân của đức Phật, hạnh hiếu của Tôn giả Mục Liên, Lục Tổ Huệ Năng,  Lão Lai, Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ, Tăng Tử… quan tâm theo dõi đến việc học của con cái, sách nào nên đọc sách nào không nên đọc, phim ảnh, báo chí… phải phù hợp với từng lứa tuổi. Và phải chỉ dạy chia xẻ về những vấn đề tâm sinh lý khi chúng ở tuổi trưởng thành, không thể phó thác cho nhà trường hay thầy cô giáo.

 

GIẬN CÁ CHÉM THỚT

Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Một đóm lửa sân thiêu cháy rụi cả rừng công đức”. Nếu ta không dập tắt nó ngay từ đầu thì hậu quả thật khó lường. Nhất là trong gia đình mỗi khi chồng vợ bất hòa cự cãi lẫn nhau, cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của con cái.

Chúng sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ, sợ hãi bất an, khi cha mẹ là chỗ dựa tinh thần lâm vào tình huống như thế. Tâm hồn thơ ngây của chúng sẽ bị sa sút, tổn thương. Có những ông cha, bà mẹ vì hờn giận lẫn nhau mà lôi đứa con của mình ra đánh đập, dằn vặt hay sẵn sàng quát tháo bất kể lớn nhỏ khi có người khác can thiệp đến chuyện riêng tư của mình. Thậm chí còn đập lu, hủ, máy móc hay đốt luôn cả nhà.

Một hôm trên đường đi học về chính mắt tôi thấy, từ trong nhà anh Đức xách hai chân đứa con mình ném xuống ao khi có chuyện bất hòa đối với bà vợ. Lúc ấy tôi bất kể sống chết nhào xuống vớt đứa bé lên và cũng không khỏi bị anh ta đá cho một cái thật mạnh vào hông, tôi phải ôm đứa bé tháo chạy trong cơn nín thở.

Mười mấy năm sau, cũng trên con đường làng ấy tôi gặp lại bé Lan. Bây giờ nó đã học lớp 12, cháu nói lời cảm ơn, và vẫn còn nhớ rất rõ từng chi tiết một.

– Con nên quên chuyện ấy đi, bởi vì lúc đó cha con chỉ vô tình thôi.

Bé Lan trả lời:

– Con không muốn nhớ nhưng cảnh tượng ấy lâu lâu cứ hiện lên hoài.

Qua đó, cho ta thấy những gì đã được trẻ chứng kiến, gặp phải thì sẽ không bao giờ quên lãng cho dù đó là: “Nỗi đau thương bất hạnh hay niềm an vui hạnh phúc.”

Thời gian rồi sẽ qua mau, con người cũng theo đấy mà sanh trưởng già nua. Mười, hai mươi, ba mươi… năm sau, khi trẻ nên người những dấu ấn tuổi thơ ấy vẫn không phai nhạt.

Nếu ở nhà cha mẹ là thầy cô thì ở trường thầy cô là cha mẹ; cha mẹ, thầy cô đều là những tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Cho dù thời gian có mất đi, hoàn cảnh có đổi khác nhưng ngôn từ, cử chỉ của các bậc mô phạm ấy, sẽ là những ký ức tồn đọng mãi trong tâm trí chúng. Và cũng là những hành trang, là tư lương, là bậc thềm đầu tiên để giúp các em trưởng thành, đứng vững  trong cuộc đời đầy bất trắc nầy!