Tùy Tự Ý Tam Muội

(隨自意三昧)

[Vạn Tân Toản Tục Tàng Kinh (卍新纂續藏經) Volum 55 kinh số 903]

Ghi chú của người dịch: Trong Văn Sao, có bức thư gởi cho một cư sĩ ở Vĩnh Gia hỏi về Tùy Tự Ý Tam Muội do Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư (515-577) là tôn sư của Thiên Thai Trí Giả giảng thuật, có lẽ tùy thời cơ thuyết pháp nên Ấn Quang Đại Sư không đi sâu vào nội dung bản văn Tùy Tự Ý Tam Muội, mà chỉ nói 8 câu đầu tiên (từ câu “Đây là pháp môn tu hành từ thánh đến phàm”, và chấm dứt với câu “Có thể hiện thân tướng khắp mười pháp giới.” 

Tôi (Từ Hoa) thấy rằng đây cũng là dịp để giới thiệu những điểm quan trọng trong bản văn này nên đưa vào đây, từ phẩm “Tướng đi oai nghi” cho đến hết bài. Tất cả những câu kệ dịch thêm vào đây đều lấy từ bản Hán văn Tùy Tự Ý Tam Muội mà trước đây tôi và BS Trần văn Nghĩa đã dịch ra tiếng Việt dưới thể văn xuôi. Nay tôi dựa vào bản này mà chuyển dịch dưới hình thức thi kệ. Dù dưới hình thức thi kệ, tôi không tự ý viết ra bất cứ câu nào của riêng mình. Người đọc muốn thâm cứu đầy đủ thì nên đọc toàn thể bản dịch văn xuôi có phần chú giải.

Có người ở Vĩnh Gia hỏi về tam muội Tùy Tự Ý [3]

Đây là pháp môn tu hành từ thánh đến phàm

Sơ trụ Bồ tát Viên giáo gọi là sơ phát tâm

Là bậc đã chứng ba tâm[4] và ba đức [5]

Từ duyên-nhân phát thiện-tâm chứng giải thoát

Từ liễu-nhân phát tuệ-tâm, chứng bát-nhã kim cang

Từ chánh-nhân phát lý-tâm, chứng đắc pháp-thân

Có thể hiện thân tướng khắp mười pháp giới.

 

Tướng đi oai nghi

Đối ứng muôn duyên, độ sanh các cõi

Dùng mắt đại từ mà quán chúng sinh

Lục ba la mật trên mỗi bước chân

Hiện vô úy thí [6], dù xem thân như ảnh tượng

Chúng sinh nhìn thấy oai nghi Bồ tát

Tăng trưởng tuệ mạng, hiểu được ý vô sinh[7]

Bồ tát không chấp thân mình, không chấp tướng chúng sinh

Không chấp việc hóa độ, nên gọi là bố thí ba la mật

Phiền não diệt nên gọi là trí tận[8]

Khi Bồ tát đi, chúng sinh không bị tổn thương

Trì giới ba la mật hiện trên mỗi bước chân

Không khởi niệm, không chấp thiên đàng, địa ngục.

Vì không giao động nên gọi là nhẫn nhục

Tâm không trước không sau, tinh tiến tu hành

Không Niết bàn, định, loạn, tử, hoặc sanh

Không cảm thọ, gọi là thiền ba la mật.

Không thấy trói buộc, cũng không giải thoát

Không thất, không đắc chính là trí tuệ này

Lục độ ba la mật viên mãn hiển bày

Tâm thanh tịnh, còn gọi là tự tánh.

Tự tánh là Niết Bàn, mê tự tánh thì sinh tử

Tự tánh không sinh diệt, đoạn hay thường

Chúng sinh chân thực, tánh vốn là Không

Chúng sinh chân thực không hề sinh, không hề diệt.

Hành thâm Bồ tát đạo, bậc chính chân Bồ tát

Như hư không chẳng hề ghi nhận có kẻ xuyên qua

Như đất kia in từng dấu chân hoa

Cũng chẳng lưu giữ hành tung và dấu tích

Chân buông trên vạn ngã đường, lòng tĩch mịch

Không hề nghĩ rằng: Ta đã đến cõi này!

Không đi qua một chốn nào, nhưng biết tất cả các chỗ đến, đi

Tuy không nhận nhưng tự nhiên quả báo.

Ví như mây trời lững lơ vô định hướng

Mây không hề có ý tưởng sẽ tuôn mưa

Nhân duyên hợp thì thấy áng mây đưa

Tướng muôn vật chẳng khác dòng mây nổi.

Tuy chỉ một đóa mây, nhưng làm đổi thay cảnh giới

Hoa lá mở lòng uống mỗi hạt mưa bay

Khi mưa đá nặng nề khiến tan tác cỏ cây

Tất cả việc của chúng sinh đều không khác.

Thân tâm tuy là Không, nhưng quả nhân thiện ác

Rơi xuống muôn loài, hoặc an lạc hoặc thê lương

Nếu có người tu thánh hạnh, đắc trí tuệ thần thông

Giáo hóa chúng sanh, ví mây lành tuôn giọt ngọc.

Người phá giới không được quả lành như người trì giới

Tuy là Không nhưng quả báo sẽ theo cùng.

Bồ tát hành đạo, ấm, giới, nhập đều Không[9]

Mênh mang, rỗng lặng nên quân ma không tùy tiện

Đó gọi là Thủ Lăng Nghiêm đại định

Không người chứng đắc, không kẻ phát tâm

Sự Lý viên dung nên không hề mất quả, nhân

Tuy không mất nhân quả nhưng là vô trụ xứ

Bởi vì nhân Không nên vô tạo tác[10]

Bởi quả Không nên không chấp sắc hình[11]

Tánh chúng sinh tức là tánh Bồ đề

Tâm, chúng sinh, Phật, cả ba không khác[12]

Kinh Duy Ma nói,

Pháp không đến, không đi, không thường trụ

Bồ tát hành đạo, bất khứ, bất lai

Bởi vô minh nên nhân duyên có đến mười hai[13]

Nên phải biết bước ngược lại dòng ảo hóa.

Thấy cho kỳ được nhân duyên không có thật

Hiểu được bản tâm tức vào được diệu môn.

Chứng được vô sinh tức vào được bản nguyên

Nơi không tướng mạo hiện sắc thân tam muội

Rỗng rang như hư không mà ra vào các cõi

Sinh không thực sinh, diệt không thực diệt vong

Bất động như như, tánh tướng chung đồng

Từ sơ phát tâm cho đến thành quả Phật.

Không theo thứ đệ, từ địa này sang địa khác

Một niệm này trùm khắp đại tam thiên[14]

Mười pháp giới rõ ràng gọi là tam muội Chiếu Minh

Tam muội cũng có tên là Biến Giác

Sắc thân hiện khắp mười phương thiện, ác

Tùy căn tánh chúng sinh mà thuyết pháp thiên, viên[15]

Cũng chính là định lực Thủ Lăng Nghiêm

  1. 3852. Tam muội Tùy Tự Ý nơi đây đà thành tựu.

 

Tướng đứng oai nghi

Thân như hoa mây lồng trong bóng gió

Tâm tính này thực tướng chẳng từ đâu

Hơi thở như sợi khói vương, không xứ sở ra vào

Lìa pháp giả danh tức là chánh kiến

Có được chánh kiến thì không vọng niệm

Quán thân như bọt nước hợp rồi tan.

Quán thân như hoa đốm giữa không gian

Không chấp ngã, đó gọi là trì giới

Không chấp sáu căn, sáu trần, sáu thức

Biết bản tâm này rốt ráo tịch nhiên.

Tám pháp thế gian[16] không làm xao động, não phiền

Được như vậy gọi là tu nhẫn nhục.

Khi Bồ tát đứng, biết pháp không sinh, không diệt

Cả ba đời không pháp trước, pháp sau

Không trụ nơi nào, cũng chẳng về đâu

Luôn làm lợi người, đó gọi là tinh tiến.

Khi Bồ tát đứng, thân và tâm không tịch

Không chấp định, không chấp loạn, bởi cứu cánh là Không

Nhập bất động tam muội, hiện tất cả sắc thân

Đó gọi là bồ tát đầy đủ thiền ba la mật.

Như ảnh trong gương, như trăng in bóng nước

Không chấp ta người, không chấp thọ mệnh vắn, dài

Không lấy, không bỏ, hiểu căn tính chúng sinh

Tùy cơ cảm mà như lời hoằng thệ

  1. 3877. Đó gọi là bồ tát đủ đầy trí tuệ.

 

Tướng ngồi oai nghi

An tọa kiết già là một trong những công phu

Người tọa thiền thân tâm ngay thẳng, dễ điều nhu

Niệm niệm khởi thì thấy liền trước mắt

Bồ tát ngồi kiết già, chúng sinh nhìn hoan hỷ

Chỉ trong một cách ngồi, bố thí pháp Bồ đề

Chúng sinh nhìn thấy dứt bỏ lòng mê

Biết tất cả ấm giới nhưng không lay động

Đó gọi là trì giới ba la mật

Chúng sinh nhìn thần thái, bỏ đua tranh

Thôi phân chia, cãi cọ bởi lợi danh

Đó gọi là nhẫn nhục ba la mật

Khi Bồ tát ngồi, thân tâm không mệt mỏi

Khiến chúng sinh hoan hỷ phát tâm tu

Bỏ dữ làm lành, tức tinh tiến công phu

Lìa chấp trước, đoạn diệt lòng tham ái

Khi Bồ tát ngồi, tư duy không trói buộc

Biết tính Không của các pháp rỗng rang.

Không định, không loạn, tức ba la mật thiền tâm

Tùy cơ cảm mà vào đời ứng hiện

Biết sắc thân đến đi như vầng nguyệt

Bóng trăng in trên tất cả sông ngòi

Tùy cơ duyên mà hóa độ muôn loài

Như khúc đàn A tu la không người khảy.

Người cõi trời tai nghe lòng hoan hỷ

Thanh thoát giữa trời không chỗ che ngăn

Bồ tát tọa thiền biết vô ngại cõi thánh phàm

Trong một niệm thọ trì muôn pháp Phật.

Hiện vô lượng sắc thân tùy nghi thuyết pháp

Trước mười phương chư Phật, hiện thần thông

Không ấm, giới, nhập, sắc tướng cũng không[17]

Vô lượng biện tài, đó gọi là bát nhã.

Trí tuệ tam thừa[18] vượt qua bỉ ngạn

Không từ đâu sinh, không đến tự nơi nào

Không do quán bên trong, không do quán bên ngoài

Không nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý.

Không xúc, pháp, thanh, hương, sắc, vị

Quán căn, thức, trần, tự tánh là Không

Vì vô sở hữu nên đạo và quả viên thông

Không quán chiếu thì làm sao sinh trí.

Phàm phu duyên theo thức nên tâm phiền lụy

Gốc sinh tử vun trồng, quên trí tuệ thánh nhân

Nếu biết xoay chiều, thấy được thánh tuệ căn

Phá phiền não, hàng phục thiên ma ngoại đạo.

Vì biết thực tướng ngã pháp nên là bậc thánh

Vô nhiễm nên rỗng lặng tựa không hư

Giáo hóa trời người, làm bậc đại sư

Nơi bến giác, khiến người về bến giác.

Chấm dứt dòng lưu lạc từ kiếp này sang kiếp khác

Bởi chúng sinh và Bồ tát chẳng phải hai

Niết Bàn vốn từ phiền não thoát thai

Diệu pháp thân không rời thân bất tịnh

Chúng sinh thấy sắc xanh, vàng, đỏ, trắng

Khởi lòng mê, phiêu bạt chẳng ngày về

Nếu biết sắc là phi sắc, dứt đường mê

  1. 3932. Sắc đã vậy thì âm thanh cũng vậy

 

Tướng nằm oai nghi

Đêm nằm xuống, nguyện chúng sinh an nghỉ

Tịnh thân tâm, dừng lại những mê lầm

Không nguy nan, bất động gọi là an

Như thế nào gọi là tâm bất động?

Khi mắt thấy sắc liền sinh dục vọng

Duyên đưa đường thành nghiệp của chúng sanh

Nghiệp sinh ra quả báo hết xuống lại lên

Thọ thân tướng trong sáu đường thiện, ác.

Kinh Đại Tập, Phật bảo ngài Xá Lợi Phất:

Thấy sắc mà phát sinh ái dục, bởi vô minh

Lòng đắm mê, tạo nghiệp gọi là hành

Luôn mơ tưởng, mong cầu, do ý thức.

Từ thức tạo nghiệp nên vào ra cõi thú

Quán sát mắt này, sắc, thức ở nơi đâu?

Muốn thấy minh, vô minh, tìm ở chốn nào?

Kinh Duy Ma nói,

Thấy và không thấy đều như nhiên, bất động.

Khi Bồ tát nằm yên, tâm không khởi vọng

Ấm, giới không sinh, làm lợi ích quần mông

Căn, trần, thức như hoa đốm giữa hư không

Không định, không loạn, đủ đầy ba la mật

Thân tâm bất động nhưng hiện thân mười pháp giới

Vạn hạnh tùy cơ thường tịch chiếu mười phương

Oai nghi hiện ra trong sáu thức, sáu căn

  1. 3957. Nên khi đối cảnh, thân tâm luôn an lạc.

 

Tướng ăn oai nghi

Trước khi Bồ tát ăn, phải cúng dường chư Phật

Niệm chú thần hồi hướng Nam, Bắc, Tây, Đông

Tùy cơ duyên, cảm ứng được no lòng

Lấy thiền duyệt, pháp hỷ làm lương thực.

Ngoài việc nuôi sống thân, cầu Niết Bàn giải thoát

Chung nước đầy, trong sạch tựa lưu ly

Tương tự cam lồ nếm được lúc tâm trì

Diệu giác thường trụ, trạm nhiên minh tịch.

Bồ tát khi thọ thực, tâm không tạp niệm

Tưởng thức ăn thơm, như pháp vị thượng thừa

Chúng sinh ngửi được hương thơm liền no đủ, phát thiện tâm

Bồ tát bố thí, vào tam luân không tịch

Biết tất cả các pháp, gọi là pháp như thực

Gọi nhất học [19] là nhất vị pháp môn

Khai tam thừa, hiển Thật Pháp dị thường

Rốt ráo an trụ nơi Như Lai tạng.

Cứu cánh bình đẳng không hai, không khác

Tướng không đồng nhưng bản tánh vốn đồng

Tánh Phật như như, còn gọi bản tâm

  1. 3977. Là nguồn mạch Chân Không và Diệu Hữu.

 

Lời nói oai nghi

Bồ tát trước khi nói, khởi lòng hiếu thuận

Nhiếp từ bi tâm rồi mới thốt ra lời

Khiến âm thanh như gió thoảng nơi nơi

Như tiếng hát cúng dường mười phương Phật.

Như cung đàn A Tu La, như Càn Thát Bà tấu nhạc

Như tiếng loài rồng tuôn xuống trận mưa hoa

Âm thanh như dỗ dành, như điều phục gần, xa

Chúng sinh trong bốn cõi nghe ra lời khác biệt.

Bồ tát quán âm thanh không sinh, không diệt

Biết âm thanh bàng bạc cõi trời người

Âm thanh không tướng mạo, nay thốt nên lời

Một lời nói, hiện muôn lời tùy thuận.

Thuận cơ duyên mà chúng sinh cảm nhận

Cơ cảm khác nhau nên lợi ích khác nhau

Tâm từ bi, khi phải nói lời thô tháo, mặc dù

Đệ nhất nghĩa [20] vẫn luôn là cứu cánh.

Bồ tát dùng âm thanh tán dương vạn hạnh

Thuyết giảng kinh văn tức thí pháp, ban ân

Gặp kẻ can cường, Bồ tát chẳng than van

Khuyên nhủ chúng sinh, đó gọi là tinh tiến.

Không chấp ngã, nhân, gọi là thiền định

Thuyết dòng kinh, đầy đủ pháp biện tài

Biết thân như ảnh hiện, trí như mây

  1. 4001. Vào các cõi, hiện uy thần bát nhã.

…Hết…

(Bắt đầu dịch từ ngày 3 tháng 7, 2015. Dịch xong ngày 23 tháng 8, 2015).

[3] Tác phẩm của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền sư (515-575), tôn sư của Thiên Thai Trí Giả.

[4] ba tâm do vị Bồ Tát từ Sơ Địa (初地) trở lên phát khởi, gồm: Chân Tâm (眞心), Phương Tiện Tâm (方便心) và Nghiệp Thức Tâm (業識心). Chân Tâm, còn gọi là Siêu Việt Tâm (超越心), tức là tâm của trí căn bản, không phân biệt. Phương Tiện Tâm là tâm từ này về sau có được trí tuệ làm lợi ích chúng sanh. Nghiệp Thức Tâm là khi sanh khởi hai trí Căn Bản (根本) và Hậu Đắc (後得), vẫn còn lưu lại tâm sanh diệt vi tế. Sơ trụ Viên giáo tương đương với sơ địa Biệt giáo.

[5] (三德): tức là Pháp Thân Đức (法身德), Bát Nhã Đức (般若德) và Giải Thoát Đức (解脫德).

[6] Ban bố cho người sự không sợ hãi.

[7] Tùy Tự Ý Tam Muội, phẩm I, Tướng Đi Oai Nghi: 12 nhân duyên cuối cùng không còn sinh khởi, đó là vô sinh trí, cái đó chính là bát nhã ba la mật.

[8] 盡智(kṣayajđna): trí tuệ khởi đầu của bậc vô học, do dứt trừ hết mọi phiền não mà khởi sanh trí tuệ nên gọi là tận trí.

[9] Xem Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhập.

[10] (有作無作) Có tạo tác và không tạo tác. Cứ theo kinh Di hê trong Trung a hàm quyển 10, thì cảnh giới của Phật là vô vi vô tác, còn cảnh giới của phàm phu là hữu vi hữu tác. Phẩm Niệm tăng trong kinh Phật tạng quyển thượng cho rằng, xưa nay vốn không có pháp sở hữu, nhưng vì hạng người hữu sở đắc phân biệt chấp trước các tướng ngã, nhân, thọ giả, mệnh giả, rồi nhớ tưởng phân biệt pháp vô sở hữu mà bàn luận, hoặc cho là đoạn thường, hoặc cho là hữu tác, hoặc cho là vô tác…. Cứ theo Truyền thông kí nhữu sao quyển 5 của ngài Thánh cảnh, thì trong các kinh luận cựu dịch gọi là Hữu tác vô tác; còn các kinh luận tân dịch thì gọi là An lập phi an lập. Ngoài ra, hữu tác tức là hữu vi, cũng tức là pháp do nhân duyên sinh. (xt. An Lập).

[11] (諸法無相) Tướng, chỉ cho đặc chất. Nghĩa là hết thảy muôn pháp trong thế giới hiện tượng đều do nhân duyên giả hòa hợp mà sinh, không có tướng cố định bất biến. Các pháp đã là giả hợp, thì chẳng có tự tính, cũng tức là chẳng có tính thường trụ, tính độc tồn, tính thực hữu, cho nên biết muôn vật trong vũ trụ chẳng có tướng cố định nào tồn tại, chỉ có trạng thái sát na sinh diệt liên tục bất đoạn mà thôi. Đó tức là chư pháp vô tướng.

[12] Kinh Hoa Nghiêm

[13] Thập nhị nhân duyên

[14] Nhất niệm tam thiên

[15] Thiên là Quyền giáo, tức pháp phương tiện. Viên là Thực giáo, tức pháp viên mãn.

[16] Tám pháp của thế gian là lợi suy hủy dự khổ lạc xứng cơ.

[17] Ngũ Ấm, Thập Bát Giới, Thập Nhị Nhập. Chỉ cho căn, trần, thức.

[18] Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát.

[19] Kinh Ương quật Ma La: “Đức Thế Tôn hỏi Ương Quật Ma La tại sao chỉ có một cái học?” Ương Quật Ma La đáp: “Cái nhất học gọi là thanh tịnh”.

[20] (第一義諦) Phạm: Paramàrtha-satya, Pàli: Paramattha-sacca. Gọi tắt: Đệ nhất nghĩa. Cũng gọi Thắng nghĩa đế, Chân đế, Thánh đế, Niết bàn, Chân như, Thực tướng, Trung đạo, Pháp giới. Đối lại với Thế tục đế. Chân lí sâu xa mầu nhiệm vượt trên tất cả pháp. Là một trong hai đế.