Tuỳ Miên

Từ Điển Đạo Uyển

隨眠; S: anuśaya; P: anusaya;
Ðược hiểu là “khuynh hướng” con người dễ sa vào. Có bảy thứ: 1. Dục (欲; s, p: kāma); 2. Sân (瞋; pratigha); 3. Kiến (見; s: dṛṣṭi); 4. Nghi (疑; s: vicikitsā); 5. Mạn (慢; s: māna); 6. Hữu (有; s: bhava) muốn hiện hữu, có xác thịt; 7. Si (癡; moha) hoặc Vô minh (無明; avidyā). Các khuynh hướng đó nằm trong tiềm thức, là Tập khí (習氣; s: vāsanā), luôn luôn muốn trỗi dậy và tạo Ái.
Theo quan niệm của Thượng toạ bộ (p: theravāda) và Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) thì các khuynh hướng này có gốc tại tư tưởng và liên hệ với sự suy tư. Chúng có một đối tượng, một nguồn gốc tốt xấu và là “xấu”. Theo quan niệm của Ðại chúng bộ, Ðộc tử bộ và Pháp Tạng bộ thì các khuynh hướng này không liên quan gì đến suy tư, không có đối tượng, không có nguồn gốc tốt xấu, là trung tính – không tốt không xấu.