Vân Cương

Từ Điển Đạo Uyển

雲岡; C: yúngāng;
Một vùng hang động nổi tiếng tại Trung Quốc, có nhiều di tích Phật giáo, được xây dựng giữa 460 và 540 và là một trong những di tích văn hoá quan trọng nhất. Người ta tìm thấy 53 hang động, dài trên 1km. Tại đó có khoảng 50 000 tranh tượng Phật, Bồ Tát và các vị Thánh khác. Tượng Phật lớn nhất tại đó cao đến 17m và là một trong những tượng lớn nhất tại Trung Quốc.
Ðộng đầu tiên được xây dựng khoảng năm 460. Trong giai đoạn một, các hang động này được thiết lập do sư Ðàm Dược hướng dẫn, đó là các động số 16-20. Các hang động của giai đoạn này thường có hình tròn. Trong giai đoạn hai (động số 5-10), các động có hình vuông thường có tượng Phật ở giữa, cửa vào có vô số tượng nhỏ, tượng Bồ Tát, hình các thánh tích… Ðộng quan trọng nhất là động số 5, 6, trong đó cuộc đời của Phật Thích-ca, từ lúc sinh ra đến lúc giác ngộ được trình bày lại. Trong một số các động khác, bộ kinh Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra) được minh hoạ. Các động cuối cùng được xây vào thời nhà Tuỳ (589-618).
Các động ở Vân Cương là dấu hiệu “sám hối” về việc truy bức đạo Phật trong năm 446, đời nhà Tống và chứng tỏ đạo Phật sau đó được triều đình bảo hộ. Sách vở truyền lại cho thấy việc xây dựng các công trình này vừa do triều đình vừa do giáo đồ đóng góp. Triều đình thì mong được phúc đức để quốc thái dân an, Phật tử thì mong nhờ đó tái sinh trong Tịnh độ.
Nghệ thuật xây dựng và tạc tượng Vân Cương chịu ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật Ấn Ðộ (Càn-đà-la) và Trung á; tranh tượng các vị Phật tạo một cảm giác bất động, còn các vị Bồ Tát có vẻ sinh động và gần gủi hơn. Một số trang trí khác như hình rồng, chim, hoa sen, hào quang các vị Phật thì lại thuần tuý nghệ thuật Trung Quốc.