Tô Ðông Pha

Từ Điển Đạo Uyển

蘇東坡; C: sūdōngpō; 1037-1101, cũng được gọi là Ðông Pha Cư sĩ;
Văn hào nổi danh kiêm Cư sĩ ngộ đạo người Trung Quốc. Ông kế thừa Thiền sư Ðông Lâm Thường Tổng (東林常總; cũng được gọi là Ðông Lâm Chiếu Giác), một môn đệ đắc pháp của Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam.
Ông tên Tô Thức, tự là Tử Chiêm, hiệu Ðông Pha. Cha ông là Tô Tuân, người em trai là Tô Triệt (tự là Tử Do). Ðiểm đặc sắc nhất trong gia đình họ Tô là cả ba cha con đều được xếp vào “Bát đại gia” của văn học Trung quốc từ suốt đời Ðường đến đời Tống. Ông đã sớm tỏ tài năng của mình, lên 11 tuổi đã đọc nhiều sách vở. Năm 22 tuổi, cùng với em là Tô Triệt, ông đi thi và đỗ tiến sĩ.
Cuộc đời sau đó của ông rất thăng trầm, lúc thì đạt những địa vị cao cả, lúc thì bị đày ra những nơi hẻo lánh khổ cực. Nhưng không lúc nào ông rời chủ trương của cuộc đời mình là đem triết lí của đạo Phật, Lão Tử, Trang Tử vào thơ văn, áp dụng tinh thần từ bi vào việc trị dân, đào kinh đắp đập chống thiên tai… Lúc rảnh rỗi thì ngao du sơn thuỷ tham vấn các vị Thiền sư để học Ðạo. Nhân một lần dừng chân tại Ðông Lâm, ông được Thiền sư Thường Tổng thuyết về “vô tình thuyết pháp” và nhân đây có ngộ nhập. Sáng hôm sau ông trình kệ:
溪聲便是廣長舌。山色豈非清淨身
夜來八萬四千偈。他日如何舉似人
Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
Tha nhật như hà cử tự nhân
*Suối reo quả thật lưỡi rộng dài
Màu non đây hẳn thân thanh tịnh
Ðêm nghe tám vạn bốn ngàn kệ
Sáng dậy làm sao nói với người.
(cô T. N. dịch, theo Thích Phước Hảo, Thích Thông Phương).
Thú vị nhất có lẽ là những giai thoại thiền giữa ông và những vị Cao tăng đương thời. Qua đó, người ta có thể hình dung được tinh thần của ông và cái “Ðại cơ đại dụng” của các vị Thiền sư.
Một hôm, ông đến viếng Thiền sư Hạo ở Ngọc Tuyền. Ngọc Tuyền thấy ông liền hỏi: “Tôn quan tên gì?” Ông thưa: “Tên Cân, nghĩa là “cân” các vị trưởng lão trong thiên hạ.” Ngọc Tuyền liền quát một tiếng to, rồi sau đó bảo: “Hãy nói tiếng hét này nặng bao nhiêu!” Ông không đáp được, từ đó thầm khâm phục.
Ông cũng kết bạn rất thân với Thiền sư Phật Ấn Liễu Nguyên. Một hôm, ông đi thuyền ghé thăm Phật Ấn ngay lúc vị này đi vắng. Ðợi mãi không được, ông bèn viết vài dòng lưu lại và những chữ cuối cùng là “Tô Ðông Pha, người Phật tử vĩ đại, dù có tám ngọn gió (Bát phong) thổi cũng chẳng động.” Phật Ấn về đọc thấy thế liền viết thêm những dòng sau “Nhảm nhí! Những gì ông viết ở đây chẳng hơn gì phát rắm.” Khi nghe được lời lăng mạ này Tô Ðông Pha nổi giận lôi đình, cấp tốc đi thuyền qua sông. Thấy Phật Ấn, ông quát to: “Thầy có quyền gì mà thoá mạ tôi như vậy? Tôi há không phải là một Phật tử mộ đạo, chỉ để tâm đến đạo không thôi hay sao? Quen biết tôi lâu như vậy không lẽ thầy lại mù quáng đến thế hay sao?” Phật Ấn chỉ lặng lẽ nhìn ông một vài giây, sau đó mỉm cười nói chậm rãi: “Tô Ðông Pha, Phật tử vĩ đại kêu rằng tám ngọn gió cũng khó mà động được ông một tấc, thế mà giờ đây chỉ một phát rắm cũng thổi ông qua đến tận bên này sông!”
Danh vọng của ông cao mà tính tình lại rất là bình dân, có lúc tự cày ruộng, cất nhà như một nông phu. Ông viết lên vách nhà đế tự răn mình: “Hay ngồi xe thì chân sẽ tàn tật, ở nhà rộng dễ bị cảm, hiếu sắc thì sức mau kiệt, ăn đồ cao lương thì dễ đau bao tử.” Vì tâm hồn khoáng đạt người đời đều quý mến ông hơn tất cả các văn hào khác đời Tống.