Thiền Uyển Tập Anh

Từ Điển Đạo Uyển

禪苑集英
Tên của một quyển sách rất quan trọng của Thiền tông Việt Nam, nói về các “Anh tú vườn thiền”, các vị Thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ sáu đến đầu thế kỉ thứ 13. Ðây là tài liệu lịch sử Phật giáo cổ nhất hiện còn tại Việt Nam. Người ta không biết rõ tác giả của Thiền uyển tập anh là ai, nhưng có thể xác định được rằng, nó là một tác phẩm được hình thành qua nhiều giai đoạn và Thiền sư Thông Biện (?-1134) chính là người khởi thảo.
Theo dịch giả của Thiền uyển tập anh là Ngô Ðức Thọ và những manh mối được tìm thấy trong chính quyển sách này, người ta có thể xác định được Quốc sư Thông Biện chính là người khởi thảo bản đầu của quyển sách này, bởi vì Sư đã trình bày, chứng tỏ kiến thức quảng bác của mình trong một buổi đàm luận với Linh Nhân Hoàng thái hậu vào năm 1096. Ðoạn trả lời của Thông Biện được ghi lại trong Thiền uyển tập anh không dài lắm nhưng nó chính là một pho sử vô cùng quý báu về Phật giáo của Việt Nam được thâu gọn trong tầm kiến thức của vị Thiền sư lỗi lạc này và bản thảo của Thiền uyển tập anh – có thể mang tên Chiếu đối lục. Sau đó, Thông Biện giao phó công việc biên sửa Chiếu đối lục cho một đệ tử người gốc Trung Quốc là Biện Tài. Nơi truyện của Thiền sư Thần Nghi, người ta có thể biết được rằng, Thiền sư Thường Chiếu – thầy của Thần Nghi – sử dụng Chiếu đối lục để giảng nghĩa hệ thống truyền thừa của Thiền tông tại Việt Nam cho đệ tử trước khi viên tịch. Chiếu đối lục của Thông Biện đến tay Thường Chiếu như thế nào thì không rõ lắm nhưng sau đó, Thường Chiếu có soạn một quyển sách mang tên Nam tông tự pháp đồ – nay đã thất truyền nhưng được ghi lại trong các tác phẩm khác – có lẽ với nội dung tương tự như Thiền uyển tập anh và biểu đồ truyền thừa. Thiền sư Thần Nghi đã nhận hai bộ sách quý này từ chính vị thầy và truyền lại cho đệ tử mình là Thiền sư Ẩn Không. Với những tài liệu còn lại và sự đối chiếu mạch lạc, người ta có thể xác định được rằng, Thiền uyển tập anh được hoàn tất dưới tay Thiền sư Ẩn Không đầu đời Trần.