thiện tư đồng tử kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(善思童子經) Kinh, 2 quyển, do ngài Xà na quật đa dịch vào đời Tùy, được thu vào Đại chính tạng tập 14. Nội dung kinh này thuật lại việc đức Phật vào thành Tì da li khất thực, Ngài đến nhà Tì ma la cật li xa, có đồng tử Thiện tư, nhờ căn lực đời trước huân tập, nên dâng hoa lễ Phật, nguyện thành bồ đề. Đức Phật liền nói pháp cho đồng tử nghe, nói kệ đối đáp qua lại, đồng tử bèn chứng được vô sinh nhẫn. Ngoài ra, kinh Đại phương đẳng đính vương, do ngài Pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn và kinh Đại thừa đính vương, do ngài Nguyệt bà thủ na dịch vào đời Lương đều là các bản dịch khác của kinh này. THIÊN VÔ ÚY (637-735) Phạm: Zubhakara-siôha. Hán âm: Thú bà yết la tăng ha, Thâu bà ca la. Hán dịch: Tịnh sư tử. Cũng gọi Vô úy tam tạng. Một trong các vị Tổ sư của Mật giáo. Sư và 2 vị Kim cương trí, Bất không được gọi chung là Khai nguyên tam đại sĩ. Sư là người ở nước Ô đồ ở Đông Ấn độ, thuộc dòng Sát đế lợi, là hậu duệ của Cam lộ phạn vương(chú út của đức Thích tôn). Năm 13 tuổi sư lên nối ngôi vua cha, nhưng vì nội loạn nên nhường ngôi xuất gia, đến bờ biển phía nam, gặp ngài Thù thắng Chiêu đề, ngộ được Tam muội Pháp hoa. Sư lại đến chùa Na lan đà, Trung Ấn Độ, theo ngài Đạt ma cúc đa (Phạm: Dharmagupta) học pháp Tam mật du già, được nối pháp và thụ Quán đính làm Thiên nhân sư. Năm Khai nguyên thứ 4 (716) đời Đường, sư vâng mệnh thầy, đi qua Trung á đến Trường an, vua Huyền tông tôn làm Quốc sư, ban sắc cho sư trụ ở viện Nam tháp chùa Hưng phúc, sau, sư dời đến chùa Tây minh. Năm sau, sư vâng sắc dịch kinh ở chùa Bồ đề, dịch kinh Hư không tạng bồ tát năng mãn chư nguyện tối thắng tâm đà la ni cầu văn trì pháp 1 quyển, sa môn Tát đạt đảm nhiệm phần dịch ngữ, ngài Vô trước sửa văn và ghi chép. Sư là người đầu tiên truyền Mật giáo đến Trung quốc, cùng ngài Kim cương trí đặt nền tảng vững chắc cho Mật giáo. Kinh Đại nhật (kinhĐại tì lô giá na thành Phật thần biến gia trì), thánh điển căn bản của Mật giáo, chính đã do sư nói lại, ngài Nhất hạnh ghi chép mà thành. Về sau, ngài Nhất hạnh biên soạn và chú thích thêm, gọi là Đại nhật kinh sớ, 20 quyển. Ngoài ra, sư còn dịch các kinh quan trọng của Mật giáo như: Kinh Tô bà hô đồng tử (3 quyển), kinh Tô tất địa yết ra (3 quyển)… đồng thời sư giới thiệu phương pháp tu hành Quán đính. Các Mật chú trong kinh Đại nhật đều viết bằng tiếng Phạm, sư cũng dịch ra Hán âm. Vì Mật giáo xem trọng văn tự để tụng niệm, quán tưởng chính xác nên sư sáng chế ra cách dịch âm này. Do đó có thể biết lúc bấy giờ sư truyền thụ Mật giáo, nhưng cũng đồng thời dạy cách ghép tiếng Phạm, mở đầu cho việc học chữ Tất đàm, đây là sự kiệntronglịch sử Phật giáo Trung quốc đáng được xem trọng. Sư cũng giỏi về công xảo nghệ thuật, tương truyền sư tự chế ra mô hình, đúc tạo linh tháp bằng đồng pha vàng cực kì trang nghiêm, đặc biệt các Mạn đồ la do sư vẽ rất khéo và đẹp. Năm Khai nguyên20 (732), sư dâng biểu xin trở về Ấn độ, nhưng không được chấp thuận. Đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Khai nguyên 23 (735), sư thị tịch tại Thiền thất, thọ 99 tuổi, pháp lạp 80. Vua Huyền tông rất thương tiếc, truy tặng sư chức Hồng lô khanh và ban sắc an táng sư ở chùa Quảng kỉ, núi Tây sơn, Long môn. Đệ tử nối pháp có các vị Bảo tư, Nhất hạnh, Huyền siêu, Nghĩa lâm, Trí nghiêm, Hỉ vô úy, Bất khả tư nghị (người Tân la, tức nay là Triều tiên), Đạo từ(người Nhật bản)… [X. Đại nhật kinh cúng dường thứ đệ pháp sớ Q.thượng; Đại đường đông đô Đại thánh thiện tự cố Trung thiên trúc quốc Thiện vô úy tam tạng hòa thượng bi minh tinh tự; Tục cổ kinh dịch kinh đồ kỉ; Khai nguyên thích giáo lục Q.12; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.14; Phật tổ thống kỉ Q.29, 40; Tống cao tăng truyện Q.2].