thiện thệ

Phật Quang Đại Từ Điển

(善逝) Phạm,Pàli:Sugata. Hán âm: Tu già đà, Tô yết đa, Tu già đa. Cũng gọi Thiện khứ, Thiện giải, Thiện thuyết vô hoạn, Hảo thuyết, Hảo khứ. Một trong 10 hiệu của Phật. Ý nói tiến vào các Tam ma đề (thiền định) rất sâu xa và vô lượng trí tuệ vi diệu. Hảo thuyết nghĩa là đức Phật nói đúng như thực tướng các pháp, đồng thời thường xem xét năng lực trí tuệ của các đệ tử, rồi tùy theo đó mà nóicác pháp thích hợp như: Bố thí, Niết bàn, cho đến 5 uẩn, 12 nhân duyên, 4 đế… để dắt dẫn họ vào Phật đạo. Trong 10 hiệu của Phật thì thứ nhất là Như lai, thứ 5 là Thiện thệ. Như lai nghĩa là nương theo đạo như thực, khéo đến thế giới Sa bà này; Thiện thệ nghĩa là thực sự đến bờ bến kia, không còn lui lại biển sinh tử nữa. Hai từ Như lai và Thiện thệ được sử dụng để nêu tỏ cái đức đi, đến tự tại của chư Phật. [X. kinh Tạp a hàm Q.18; kinh Toạ thiền tam muội Q.thượng; kinh Bồ tát địa trì Q.1; luận Đại trí độ Q.2; luận Du già sư địa Q.83; luận Thanh tịnh đạo Q.7; Đại thừa nghĩa chương Q.20].