thiên thai tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(天臺宗) Cũng gọi Pháp hoa tông, Thiên thai pháp hoa tông, Thai tông, Viên tông, Thai gia.Tông phái lớn của Phật giáo Trung quốc, lấy giáo chỉ kinh Pháp hoa làm nền tảng, doĐại sư Trí khảitrụ ở núi Thiên thai sáng lập, là 1 trong 13 tông ở Trung quốc, 1 trong 8 tông ở Nhật bản. Ngài Trí khải vốn thờ Thiền sư Tuệ tư (511- 577) ở núi Nam nhạc làm thầy, tu tập 3 loại pháp Chỉ quán; Thiền sư Tuệ tư kế thừa yếu chỉ Nhất tâm tam trí nơi Thiền sư Tuệ văn đời Bắc Tề. Cứ theo Ma ha chỉ quán quyển 1,phần đầu thì Thiền sư Tuệ văn nương vào luận Đại trí độ mà tu được pháp quán tâm, lại nêu bài kệ Trung luận làm nền tảng cho nhất tâm tam quán, sau khi ngài Tuệ tư học được pháp quán tâm ấy liền khai phát tam muội Pháp hoa, soạn ra Pháp hoa kinh an lạc hành nghi, Tùy tự ý tam muội, Chư pháp vô tránh tam pháp môn… Vào niên hiệu Thiên gia năm đầu (560) đời Trần, ngài Trí khải yết kiến Thiền sư Tuệ tư, thụ họctam muội Pháp hoa, 4 hạnh an lạc, đọc kinh Pháp hoa đến câu Thị chân tinh tiến, thị danh chân pháp cúng dường (là tinh tiến chân thực, đó gọi là pháp cúng dường chân thực), liền bừng tỉnh tỏ ngộ. Sau, sư đến chùa Ngõa quan ở Kim lăng dùng khai đề của kinh Pháp hoa để diễn giảng luận Đại trí độ, giải thích Thứ đệ thiền môn. Năm Thái kiến thứ 7 (575), ngài Trí khải đến núi Thiên thai, ở ẩn trong 10 năm. Sư soạn Pháp hoa huyền nghĩa, Ma ha chỉ quán và Pháp hoa văn cú, được gọi là Thiên thai tam đại bộ. Đầu đời Đường, sư đến chùa Ngọc tuyền ở Kinh châu giảng Pháp hoa huyền nghĩa, thuyết Ma ha chỉ quán, cho nên tông Thiên thai tuy tônồ tát Long thụ làm Sơ tổ, ngài Trí khải là tổ thứ 4, nhưng y cứ vào việc tập đại thành tư tưởng truyền thừa thì đúng ra ngài Trí khải mới là Tổ khai sáng của tông Thiên thai. Học trò của sư rất đông, đệ tử nối pháp thì có 32 vị, trong đó, ngài Quán đính (561- 632), thờ Đại sư Trí khải hơn 20 năm, có khả năng nhận lãnh và truyền trì di giáo của Đại sư. Ngài Quán đính soạn Đại bát niết bàn kinh huyền nghĩa cập sớ, Quán tâm luận sớ… vài mươi quyển, là Tổ thứ 2. Rồi truyền thừa đến Tổ thứ 3 Trí uy, Tổ thứ 4 Tuệ uy, Tổ thứ 5 Huyền lãng, dưới ngài Huyền lãng có Tổ thứ 6 Trạm nhiên (711- 782) vốn tu tập Thai học hơn 20 năm. Sư mở rộng giáo pháp Thiên thai, từng được sắc triệu của 3 vị vua như Huyền tông… nhưng sư đều tạ từ. Sư chuyên việc soạn thuật và diễn giảng, được tôn xưng là Tổ trung hưng của tông Thiên thai. Soạn phẩm của sư gồm hơn 20 bộ như Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm, Pháp hoa văn cú kí, Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết, Chỉ quán nghĩa lệ, Kim cương ti… Sư đề xướng các nghĩa Phi tình Phật tính, Vô tình hữu tính, chủ trương cây cỏ, gạch đá cũng có tính Phật. Ngoài ra, sư còn dung hợp tư tưởng của tông này với thuyết của luận Đại thừa khởi tín để xác lập nền tảng cho giáo học Thiên thai đời Tống. Đệ tử của sư có các vị Đạo thúy, Hành mãn, Nguyên hạo, Đạo xiêm, Minh khoáng… ngài Đạo thúy lại truyền cho các vị Tông dĩnh, Lương tư. Không bao lâu xảy ra pháp nạn Hội Xương và các cuộc chiến loạn ở cuối đời Đường, đầu thời Ngũ đại kéo dài, đã làm cho phần lớn sách vở chương sớ của tông Thiên thai bi thất lạc, do đó tông này dần dần rơi vào tình trạng suy vi. Sau, có vị tăng nước Cao li là ngài Đế quán, đáp lời thỉnh cầu của Trung ý vương nước Ngô Việt, mang 1 lượng lớn kinh sách Thiên thai đến Trung quốc, tông Thiên thai nhờ đó dần dần được phục hưng. Ngài Nghĩa thông từ nước Cao li đến thờ Tổ Nghĩa tịch thứ 12 của tông Thiên thai làm thầy, hoằng dương giáo quán, đó là Tổ thứ 13. Học trò của sư Nghĩa thông có các vị Tứ minh Tri lễ (960-1028), Từ vân Tuân thức…, ngài Tri lễ soạn Chi yếu sao, Diệu tông sao, cùng với hệ thống ngài Tuân thức đều cùng phái Thiên thai sơn gia. Một vị đệ tử khác của ngài Nghĩa tịch là Từ quang Chí nhân, truyền xuống cho các vị Ngô ân, Nguyên thanh, Hồng mẫn, Cô sơn Trí viên (976-1022), Phạm thiên Khánh chiêu (963-1017)… Hệ thống này gọi là phái Sơn ngoại. Cuộc tranh luận giữa 2 phái Sơn gia và Sơn ngoại bắt nguồn từ vấn đề chân, ngụy liên quan đến quảng bản Kim quang minh huyền nghĩa của Đại sư Trí khải, từ đó dần dần diễn biến thành cuộc tranh luận đối lập giữa Duy tâm luận và Thực tướng luận. Ngài Tri lễ thuộc phái Sơn gia từng đối lại với thuyết Chân tâm quán của ngài Ngô ân thuộc phái Sơn ngoại mà soạn Phù tông thích nạn đề xướng thuyết Vọng tâm quán đã làm cho cuộc luận chiến giữa 2 phái kéo dài đến 40 năm! Về phái Sơn ngoại, học trò ngài Khánh chiêu có các vị Hàm nhuận, Kế tề… tiếp nối. Học thuyết của phái Sơn ngoại thường bị chê trách là không thuần túy, cho nên chẳng bao lâu bị suy vi. Pháp hệ của ngài Tứ minh Tri lễ thuộc phái Sơn gia thì rất phồn thịnh, có 3 vị đệ tử là Quảng trí Thượng hiền, Thần chiếu Bản như và Nam bình Phạm trăn được gọi là Tứ minh tam gia. Đến đời Nguyên thì thế lực tông Thiên thai quá suy yếu, khó vực dậy được. Sang đời Minh, các ngài U khê, Truyền đăng, Chân giác… mở rộng Sơn gia chính tông. Đến ngài Ngẫu ích Trí húc (1599-1655) thì viện dẫn Duy thức, yếu chỉ Thiền tông để hỗ trợ cho việc phát huy giáo quán Thiên thai. Nhưng cũng vì đề xướng thuyết Tính, Tướng dung hợp, Thiền, Tịnh nhất trí mà tự rước lấy vận suy. Tông Thiên thai Nhật bản thì tôn Truyền giáo Đại sư Tối trừng làm Sơ tổ. Sư từng đến Trung quốc vào đời Đường thụ pháp nơi các vị đệ tử ngài Trạm nhiên như Đạo thúy, Hành mãn… Sau khi trở về Nhật bản, sư khai sáng yếu chỉ nhất trí giữa 4 tông: Viên giáo, Thiền, Viên giới và Mật giáo ở núi Tỉ duệ, khác với tông Thiên thai của Trung quốc. Rồi đệ tử của ngài Tối trừng là sư Viên nhân và đệ tử của ngài Nghĩa chân là sư Viên trân cũng lần lượt đến Trung quốc vào đời Đường thờ các ngài Tông dĩnh, Lương tư làm thầy, học giáo pháp Thiên thai, lại còn thụ học các pháp bí yếu của 3 bộ Kim, Thai, đại pháp Tô tất địa và các kinh quĩ tân dịch, làm cho giáo học Mật giáo Thiên thai được phát triển phổ biến. Đến thời ngài An nhiên thì tông Thiên thai của Nhật bản đã được Mật giáo hóa một cách cực đoan. Từ ngài Nghĩa chân về sau, vị Tọa chủ Thiên thai thống trị một tông, nhưng đến các ngài Viên nhân, Viên trân trở đi thì pháp hệ tách ra làm hai. Đồ chúng của ngài Viên trân đi ra khỏi núi Tỉ duệ, trụ ở chùa Viên thành(chùa Tam tỉnh) gọi là Tự môn; núi Tỉ duệ thì gọi là Sơn môn. Sơn môn đến thời ngài Lương nguyên, giáo học lấy Viên giáo sẵn có làm tông chỉ, các đệ tử ưu tú xuất hiện rất đông và thế lực tông này nổi lên khá mạnh. Đệ tử ngài Lương nguyên là Nguyên tín thì cổ xúy tư tưởng Tịnh độ, lập ra dòng Huệ tâm; một vị đệ tử khác là Giác vận thì lập dòng Đàn na, gọi chung là Huệ Đàn Nhị Lưu (Hai dòng Huệ-Đàn). Cộng chung, hệ thống Thai mật(Mật giáo thuộc tông Thiên thai) đến đời sau, có tất cả 13 dòng phái thuộc tông Thiên thai. Đến cuối thời kì Bình an về sau thì các dòng phái thuộc tông Thiên thai nói trên dần dần xem trọng khẩu truyền, do đó sinh ra chủ trương Khẩu truyền pháp môn. Trái lại, phương diện giáo học thì dần dần suy vi. Ngoài ra, sự vùng dậy của tăng binh, sự tranh cướp của chính quyền, cộng với việc đốt phá của Chức điền Tín trường… đều đã góp phần đưa núi Tỉ duệ đến thời sụp đổ. Cho mãi đến thời đại Giang hộ, núi Đông duệ, núi Nhật quang lần lượt được khai sáng mới phục hồi được sự hưng thịnh như xưa. Lại nhờ Mạc phủ đương thời khuyến khích việc học vấn nên giáohọc cũng dần dần phục hưng. Hiện nay có các tông phái như: Tông Thiên thai (chùa Diên lịch, núi Tỉ duệ), tông Thiên thai tự môn(chùa Viên thành), tông Thiên thai chân thịnh (chùa Tây giáo)… Giáo nghĩa của tông Thiên thai có thể lược chia ra các khoa: Tam đế viên dung, Nhất niệm tam thiên, Nhất tâm tam quán, Lục tức…Tông này lại dùng 5 thời 8 giáo để phán thích Thánh giáo một đời của đức Phật.Từ đời Dân quốc (1912) về sau, Thiên thai học được phục hưng nhờ sự nỗ lực của Đại sư Đế nhàn (1858-1932), ngài sáng lập Quán tông nghiên cứu xã, chuyên môn giáo dục người học Thiên Thai, nhân tài xuất hiện rất nhiều, như các vị tôn túc: Nhân sơn, Thường tỉnh, Bảo tĩnh, Tĩnh tu,Đàm hư, Thiên định, Khả đoan… [X. Phật tổ thống kỉ Q.5-22; Thiên thai cửu tổ truyện; Thiên thai sơn phương ngoại chí; Bát tông cương yếu Q.hạ; Ngũ giáo chương thông lộ kí Q.12]. (xt. Sơn Gia Sơn Ngoại; Ngũ Thời Bát Giáo, Thai Mật, Tam Đế, Nhất Niệm, Tam Thiên, Nhất Tâm Tam Quán, Lục Tức).