thiền sư

Phật Quang Đại Từ Điển

(禪師) Phạm:Dhyàyin. Pàli:Jhàyin. Chỉ cho vị tỉ khưu thông suốt Thiền định. Ở thời đại Phật giáo nguyên thủy, các vị A la hán đều là những người thông hiểu tất cả pháp Thiền; về sau đến thời đại Phật giáo bộ phái, thì giữa các tỉ khưu sản sinh ra các loại nhân tài chuyên môn như: Kinh sư, Luận sư, Luật sư, Tam tạng sư, Pháp sư, Thiền sư… Trong đó, người chuyên tâm chú ý tọa thiền, thông hiểu thiền định, gọi là Thiền sư. Ở Trung quốc, danh hiệu Thiền sư, không phải chỉ chuyên dùng cho các bậc danh đức của Thiền tông, mà các sư thuộc tông Thiên thai, tông Tịnh độ, Tam giai giáo… chuyên tu tọa thiền cũng gọi là Thiền sư. Chẳng hạn như thiên Tập thiền trong Tục cao tăng truyện đã thu chép Đạt ma thiền sư, Tuệ văn thiền sư, Tuệ tư thiền sư, Bảo chí thiền sư, Đạo xước thiền sư, Tín hành thiền sư… Về sau, triều đình cũng ban danh hiệu Thiền sư cho các bậc cao tăng danh đức, như trường hợp Tổ Thần tú của Thiền Bắc tông là người đầu tiên đã được ban thụy hiệu Đại Thông Thiền Sư. Sau, Tổ Tuệ năng của Thiền Nam tông, sau khi thị tịch hơn 100 năm, được ban thụy hiệu Đại Giám Thiền Sư. Lúc còn sống mà được ban hiệu thì có ngài Tông cảo đời Tống là người đầu tiên được ban hiệu Đại Tuệ Thiền Sư.