thiện kiến luật tì sa sa

Phật Quang Đại Từ Điển

(善見律毗娑沙) Pàli:Samantapàsàdikà. Cũng gọi Thiện kiến luận, Tì bà sa luật. Luật, 18 quyển, do ngài Tăng già bạt đà la dịch vào đời Nam Tề, được thu vào Đại chính tạng tập 24. Sách này là 1 trong 5 bộ luận của luật bộ Tiểu thừa, nội dung chú thích tạng luật do Thượng tọa bộ Tích lan truyền. Quyển 1 đến quyển 4 nói về các cuộc kết tập kinh điển lần 1, lần 2, lần 3; về sự truyền trì tạng Luật và về việc ngài Ma hi đà –con vua A dục– đến Tích lan truyền đạo. Từ quyển 4 trở đi, chủ yếu là chú thích luật Tứ phần, chia làm 4 thiên: Tỉ khưu giới, Tỉ khưu ni giới, Khiên đà già và Đại đức Xá lợi phất vấn Ưu bali luật ô xuất phẩm. So sánh bộ luật này với bộ luật Nhất thiết thiện kiến (Samantapàsàdikà, tức sách chú thích tạng LuậtPàli, do Luận sư Phật âm soạn ở Tích lan vào đầu thế kỉ V, Tây lịch) bảnPàli Nam truyền thì thấy có rất nhiều chỗ không nhất trí với nhau, vì thế không nên trực tiếp coi Nhất thiết thiện kiến luật bảnPàli là nguyên bản của bộ luật này, chỉ có thể xác định bộ luật này đã căn cứ vào Nhất thiết thiện kiến luật bản Pàli mà có, đại khái là bản sao dịch từ bản Pàli. Lại nữa, pháp Ba dật đề được ghi trong bộ luật này gồm 90 điều và trong pháp Chúng học có phụ thêm những điều về tháp Phật, do đó mà thấy rõ bộ luật này đã chịu ảnh hưởng của luật Tứ phần. Cũng có thuyết cho rằng sách này chính là sách chú thích luật Tứ phần. Tuy nhiên, những câu văn chú thích trong sách này thường không ăn khớp với luật Tứ phần, cho nên giữa các học giả cũng có người không đồng ý. Cứ theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 11 thì Tam tạng Pháp sư(có lẽ chỉ cho ngài Phật âm ?), từng mang tạng Luật đến Quảng châu giao cho đệ tử là Tăng già bạt đà la. Năm Vĩnh minh thứ 6 (488), ngài Tăng già bạt đà la và sa môn Tăng y cùng dịch ra chữ Hán ở chùa Trúc lâm. Đồng thời, sách này ghi rằng khi dịch xong, ngài Tăng già bạt đà la đem hoa thơm cúng dường tạng Luật, rồi chấm một chấm(biểu thị một năm), bấy giờ cộng tất cả đã được 975 chấm, đây chính là thuyết Chúngthánh điểm kí(các Thánh ghi chấm). Ngoài ra, từ năm 1924 về sau, Nhất thiết thiện kiến luật bảnPàli được 2 học giả người Nhật bản là Cao nam Thuận thứ lang và Trường tỉnh Chân cầm cùng chung sức kiểm xét, sửa chữa và xuất bản. Về chú sớ thì có bảnPàli:Sàratthadìpaniỉìkà.[X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, 11; Pháp kinhlục Q.5, Khai nguyên thích giáo lục Q.6; Đại tạng thánh giáo pháp bảo tiêu mục Q.8; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.8; Luật tông cương yếu; Căn bản Phật điển nghiên cứu (Trường tỉnh Chân cầm).