thiên hoa phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(千華派) Một phái thuộc Nam sơn Luật tông của Trung quốc, lấy chùa Long xương, núi Bảo hoa, huyện Cú dung, tỉnh Giang tô làm trung tâm. Ngài Đạo tuyên đời Đường là Cao tổ của phái này, ngài Như hinh đời Minh là Thái tổ, ngài Tịch quang là tổ Trung hưng thứ nhất ở núi Bảo hoa. Danh từ Thiên hoa lấy từ tên của Liên xã do ngài Tịch quang sáng lập ở chùa Long xương. Sự truyền thừa của phái này như sau: Từ ngài Đạo tuyên đời thứ nhất truyền đến đời thứ 13 là ngài Tuệ vân Như hinh, ngài Như hinh lại truyền cho ngài Tam muội Tịch quang, là đời thứ nhất của Bảo hoa sơn. Thái tổ của phái này là ngài Như hinh, khi lên núi Ngũ đài lễ bái, quán thấy bồ tát Phổ hiền mà đốn ngộ ý chỉ của Luật, từ đó cho đến trọn đời tận lực hoằng dương giới luật, người đời gọi ngài là Trung Hưng Luật Tổ, có soạn Kinh Luật giới tướng Bồ tát quĩ nghi 1 quyển. Đệ tử ngài rất đông, trong đó, 2 vị Tính lí và Tính phúc kế thừa pháp thống chùa Cổ lâm(là nơi hoằng giới của ngài Như hinh) ở Nam kinh, gọi là Cổ lâm phái. Còn ngài Tam muội Tịch quang truyền thừa pháp của ngài Như hinh, có soạn Phạm võng kinh trực giải 4 quyển, giáo hóa rất rộng, trùng hưng chùa Long xương ở núi Bảo hoa thành đạo tràng của Luật tông và đặt Liên xã được sáng lập ở đây là Thiên hoa, đó chính là nguồn gốc của Thiên hoa phái. Ngài Tịch quang là đời thứ nhất của núi Bảo hoa, ngài Độc thể là người thứ 2, rồi theo thứ tự truyền đến các ngài Đức cơ, Chân nghĩa, Thường tùng, Thực vĩnh, Phúc tụ… lần lượt truyền thừa cho đến đời gần đây, giới luật được truyền nối khắp trong thiên hạ, khiến cho Bảo hoa sơn chẳng những là nơi qui tụ của những người cầu giới từ 4 phương mà còn là khuôn phép cho sự truyền giới ở các nơi. Phái này lấy 2 môn Chỉ trì và Tác trì làm tông. Chỉ trì nghĩa là không làm các điều ác; Tác trì nghĩa là làm tất cả việc thiện. Tông chỉ của phái này tương đồng với Tướng bộ tông, nhưng trong Nhị trì thì phái này nhấn mạnh việc tuyên dương nghĩa Tác trì. Ngoài ra, Tứ phần luật phần thông Đại thừa mà phái này chủ trương cũng gần giống với tông Nam sơn, tức cho rằng Tứ phần luật và Đại thừa là đồng chế, trên hình thức tuy thuộc Tiểu thừa, nhưng nội dung thì thuộc Đại thừa. Phái này rất coi trọng kinh Phạm võng. Học trò của ngài Độc thể là Thư ngọc có soạn Phạm võng Bồ tát giới sơ tân 8 quyển là thí dụ chứng minh. Lại tượng Bản tôn thờ trong điện Tì lô chùa Long xương ở Bảo hoa sơn cũng căn cứ vào tướng được nói trong kinh Phạm võng; viên quang phía sau tượng Bản tôn có nhiều tượng Phật Thích ca nhỏ.