thiên bình tả kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(天平寫經) Chỉ cho các bản kinh chép tay vào khoảng niên hiệu Thiên bình ở Nhật bản, cũng là từ gọi chung của các kinh chép tay của triều đại Nại lương. Kinh chép tay vào thời này phần lớn được hoàn thành trong sở Tả kinh. Tình hình sáng lập sở Tả kinh của nhà nước không được rõ, chỉ biết vào năm Thiên bình thứ 6 (734) đã có ti Tả kinh, đến khoảng năm Thiên bình 13 đổi làm sở Tả kinh; khoảng năm Thiên bình 16 thì thành lập sở Tả sớ để chuyên viết chép các tác phẩm chú sớ. Khoảng năm Thiên bình 18 (746) thì chuyên gọi nơi chép kinh Pháp hoa và kinh Tối thắng vương là sở Tả kinh, còn gọi nơi viết chép các kinh, luật, luận khác là sở Tả hậu kinh. Về sau, Tả sớ dần dần suy vi và các sở Tả kinh Đông đại tự, sở Phụng tả ngự chấp kinh của Nội đạo tràng hưng khởi, lại có các sở Tả kinh của các chùa, của các nhà quí tộc tiếp tục tồn tại cho đến cuối thời kì Nại lương. Trong sở Tả kinh đặt vị Giám đốc, vị Kiểm giáo, dưới 2 chức vụ này là Kinh sinh(người viết chữ), Giáo sinh(người sửa chữa), Trang hoàng (người trang hoàng bên ngoài), Đề sư(người viết tựa đề)… Những kinh được viết chép vào thời Thiên bình hiện nay vẫn còn, được chia ra cất giữ ở các địa phương tại Nhật bản. Trong đó, di bản Nhất thiết kinh có: Thiên bình lục niên Thánh vũ Thiên hoàng ngự nguyện kinh, Thiên bình thập nhị niên Đằng nguyên phu nhân phát nguyện kinh (trong đó, phần lớn hiện được cất giữ trong tạng Thánh ngữ ở viện Chính thương), Thiên bình thập nhị niên Quang minh hoàng hậu ngự nguyện kinh, Thiên bình thập ngũ niên Quang minh Hoàng hậu ngự nguyện kinh, Thiên bình thắng bảo thất niên (755) Lục nhân Bộ đông nhân phát nguyện kinh, Thiên bình thần hộ nhị niên (766) Cát bị Do lợi phát nguyện kinhvà Thần hộ cảnh vân nhị niên (768), Hiếu liêm Thiên hoàng ngự nguyện kinh…