thiện ác

Phật Quang Đại Từ Điển

(善惡) Chỉ cho thiện và ác. Nếu thêm vô kí thì gọi chung là Tam tính. Nói cách thông thường thìThiện chỉ cho thuận lí,Ác chỉ cho trái lí. Nhưng, trong các kinh luận có nhiều thuyết khác nhau. Theo luận Thành duy thức quyển 5 thì hành pháp hữu lậu và vô lậu có năng lực thuận ích cho đời này và đời sau thì là Thiện; trái lại, hành pháp trái nghịch gây tổn hại cho đời này, đời sau thì làÁc. Ranh giới phân chia giữa thiện và ác là ở chỗ thuận ích và trái tổn khác nhau. Hơn nữa, thiện và ác phải xuyên suốt đời này và đời sau, nếu không thì là vô kí(không phải thiện cũng chẳng phải ác). Như quả báo vui ở cõi người, cõi trời, đối với đời này tuy là thuận ích nhưng đối với đời sau lại không là thuận ích, vì thế chẳng phải là thiện, mà là tính vô kí. Lại như quả báo khổ ở ác thú, đối với đời này tuy là trái tổn nhưng đối với đời sau lại không là trái tổn, cho nên cũng chẳng phải ác, mà là tính vô kí. Trong Đại thừa nghĩa chương quyển 12, ngài Tuệ viễn ở chùa Tịnh ảnh đã y cứ vào 5 thừa Nhân, Thiên, Nhị thừa, Bồ tát và Phật để giải thích rõ về danh từ thiện, ác. Đó là: 1. Thuận ích là thiện, trái tổn là ác. Tức cho thiện pháp mà 5 thừa tu hành thuộc về thiện; còn cái nguyên nhân có năng lực dẫn đến quả báo trong 3 đường (địa ngục, ngã quỉ, súc sinh)và chiêu cảm nghiệp báo riêng của quả khổ ở cõi trời, cõi người thì thuộc về ác. 2. Thuận lí là thiện, trái lí là ác. Lí chỉ cho tính không vô tướng. Thiện pháp mà Phật, Bồ tát và Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác)tu hành là thuộc về thiện; còn thiện pháp mà người và trời tu hành là Hữu tướng hành, cho nên thuộc về ác. 3. Thể thuận là thiện, thể trái là ác. Thể là tự thể của mình, tức chỉ cho chân tính của pháp giới. Theo nghĩa này thì tất cả thiện hạnh mà5 thừa duyên tu đều thuộc về ác. Tông Thiên thai lập6 loại thiện ác: 1. Thiện của người, trời: Chỉ cho các việc thiện như 5 giới cấm, 10 điều thiện. Nhưng vì khi quả báo cõi người, cõi trời hết rồi thì vẫn lại đọa vào 3 đường ác(địa ngục, ngã quỉ, súc sinh), cho nên cũng thuộc về ác. 2. Thiện của Nhị thừa: Hàng Nhị thừa có năng lực xa lìa cái khổ trong 3 cõi(Dục, Sắc và Vô sắc) cho nên thuộc về thiện; nhưng hàng Nhị thừa tuy có khả năng tự độ mà không thể độ tha, vì thế cũng là ác. 3. Thiện của Bồ tát Tiểu thừa: Hàng Bồ tát Tiểu thừa có tâm từ bi cứu giúp tất cả, cho nên thuộc về thiện; nhưng vì tự thân vẫn chưa dứt hết phiền não nên cũng thuộc về ác. 4. Thiện của Tam thừa Thông giáo: Tam thừa Thông giáo cùng đoạn phiền não kiến nhẫn nên thuộc về thiện; nhưng vì chưa thấy được lí Trung đạo của Biệt giáo, chưa diệt được một phần vô minh nào, vì thế cũng thuộc về ác. 5. Thiện của Bồ tát Biệt giáo: Bồ tát Biệt giáo có năng lực thấy lí Trung đạo, cho nên thuộc về thiện; nhưng vì Trung đạo mà hàng Bồ tát này thấy là Trung đạo cách lịch(Trung đạo cách lịch chứ không dung thông), chứ không phải Trung đạo viên dung của Viên giáo, cho nên hạnh tu của các vị Bồ tát này còn vướng phương tiện, không hợp với lí, đó cũng thuộc về ác. 6. Thiện của Bồ tát Viên giáo: Chân lí mà hàng Bồ tát Viên giáo thấy được là lí viên dung vi diệu, vốn là thiện tột bậc; nhưng nói theo 2 nghĩa thuận, bội và đạt, trước thì cũng thuộc về ác. Thuận, bội nghĩa là thuận theo viên lí thực tướng là thiện, còn trái ngược lại(bội) thì là ác; Đạt, trước nghĩa là đạt được viên lí này là thiện, còn sinh khởi chấp trước viên lí này thì là ác. Trong đó, dùng nghĩa thứ 2 là đạt, trước để phân biệt thiện ác là thuyết đặc biệt của tông Thiên thai. [X.kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.hạ; Đại thừa nghĩa chương Q.7; Pháp giới thứ đệ sơ môn Q.thượng; Ma ha chỉ quán Q.2, phần 3]. (xt. Thiện,Ác).