thi thiền nhất trí thuyết

Phật Quang Đại Từ Điển

(詩禪一致說) Thuyết cho rằng thi đạo và thiền đạo cùng tương quan nhau và qui về một mối. Cứ theo Thương Lãng thi thoại thì dòng phái nhà Thiền, thừa thì có Đại Tiểu, tông thì có Nam Bắc, đạo thì có chính tà, người học phải theo Tối thượng thừa, có chính pháp nhãn, ngộ Đệ nhất nghĩa; như Tiểu thừa thiền, Thanh văn, Bích chi quả… đều chẳng phải chính tông. Bàn về thơ như bàn về thiền, thơ đời Hán, Ngụy, Tấn vàthịnh Đường thì thuộc về Đệ nhất nghĩa; còn thơ Đại tông, Đại lịch về sau thì thuộc về Tiểu thừa thiền, đã rơi vào Đệ nhị nghĩa. Theo đây thì thơ vãn Đường thuộc loại Thanh văn, Bích chi quả. Nói một cách tổng quát thì mục đích của thiền đạo là diệu ngộ, thi đạo cũng có diệu ngộ. Chẳng hạn như học lực của Mạnh hạo nhiên kém Hàn dũ rất xa, nhưng thơ họ Mạnh lại vượt trội hơn họ Hàn rất nhiều, đó chỉ do một vịdiệu ngộ mà thôi. Văn nhân đời Minh là Đô mục cho bài thơ sau đây là cước chú đẹp nhất cho thuyết này: Học thi hồn tự học tham thiền, Bất ngộ chân thừa uổng bách niên; Công mạc ẩu tâm tinh dịch phế, Tu tri diệu ngộ xuất thiên nhiên. Tạm dịch: Học thơ cũng hệt học tham thiền, Chẳng ngộ chân thừa uổng bách niên; Đâu phải vò tim và xé phổi, Chỉ cần diệu ngộ vượt thiên nhiên.