thi la

Phật Quang Đại Từ Điển

(尸羅) Phạm:Zìla. Gốc của danh từ này là từ động tựzìl (thực hành) mà ra, bao gồm các nghĩa hành vi, tập quán, tính cách, đạo đức, cung kính…, cũng chỉ cho giới hạnh trong 6 .Ba la mật do đức Phật chế định để các đệ tử giữ gìn khiến ngăn ngừa điều lỗi. Về ngữ ý của danh từ này, ngoài các nghĩađãnêu trên, theo luận Tạp a tì đàm tâm quyển 10, còn có các nghĩa khác như tu tập, chính thuận, tam muội, thanh lương(mát mẻ), an miên(ngủ yên giấc)… Luận Đại tì bà sa quyển 44 thì nêu ra các nghĩa: Thanh lương, an miên, sác tập (tập luôn luôn), đắc định, nghiêm cụ(đồ dùng để trang nghiêm), minh kính(gương sáng), tăng thượng(thêm lên), đầu thủ… Tội lỗi do 3 nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra làm cho người tu hành bị thiêu đốt nóng bức; Giới có công năng chấm dứt nóng bức khiến được yên vui thoải mái, cho nên gọi là Thanh lương. Các kinh luận khác cũng có những giải thích khác nhưng đại khái đều lấy việc ngăn ngừa điều lỗi làm nghĩa gốc.Luận Đại trí độ quyển 13 (Đại 25, 53 trung) nói: Thích tu hành thiện đạo, không tự buông thả, gọi là Thi la. Hoặc thụ giới làm thiện, hoặc không thụ giới mà làm thiện đều gọi là Thi la. Luận A tì đạt ma câu xá quyển 14 (Đại 29, 73 thượng) nói: Có năng lực diệt trừ các nghiệp ác nên gọi là Thi la.